- Mình oi… oi!
- Hổng thèm oi!
- Hihi… Mình oi! Em đọc thấy hai câu ca dao: “Sương khuya ướt đẫm giàn bầu, Em về Miệt Thứ bỏ sầu cho ai?”. Em thấy buồn quá; Miệt Thứ là ở đâu, và “miệt” là gì vậy vậy mình yêu?
- “Miệt”, là phương ngữ Nam Bộ, đơn giản là một vùng đất nào đó khá xa xôi nơi mình đang ở:
Thí dụ người ở Trấn Định Tường thì họ gọi khu vực Đồng Tháp, Biên Hòa, Châu Đốc… là miệt Đồng Tháp, miệt Biên Hòa, miệt Châu Đốc, …Người ở nơi khác họ gọi nơi vợ chồng mình ở là miệt Định Tường, nhưng người đang ở Định Tường thì không gọi “miệt Định Tường” được,
Ngoài ra còn có miệt trên, miệt dưới, miệt đồng, miệt vườn, miệt biển, miệt cù lao (nào đó), miệt Ngàn….
Với người Nam Bộ thì từ “miệt” quá quen thuộc với họ, nhưng với mình yêu thì khá xa lạ nên anh mới giải thích dài dòng.
Miệt Thứ, theo Đại Nam Nhất Thống Chí và Gia Định Thành Thông Chí thì đó là vùng Thập Câu. Câu 溝/沟 là rãnh nước, ngòi nước. Thập Câu là 10 con rạch nhỏ, nó được hình thành tự nhiên là do nước từ vùng cao đổ về vùng trũng, lâu năm thành mương, rạch.
Miệt Thứ là một vùng rộng lớn bao gồm các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang đến tận huyện U Minh của Cà Mau.
Như đã nói, Thập Câu là 10 con rạch, người xưa đặt tên cho những con rạch nầy lần lượt là (rạch) Thứ Hai, Thứ Ba, Thứ Tư, Thứ Năm …. cuối cùng là Thứ Mười Một. Những “thứ” ấy, gọp với “miệt” thành “Miệt Thứ” là vậy!
- Ủa? Như không là rạch Thứ Hai, Còn rạch Thứ Nhứt đâu?
- “Rạch” Thứ Một chớ không phải “Thứ Nhứt”, đó là…. con kinh xáng Xẻo Rô! Kinh xáng nầy do người Pháp đào từ đầu thế kỷ 20, cách bờ biển chừng 6 km, nó cắt ngang 10 con rạch trên, chạy dài từ sông Cái Lớn, hướng về Cà Mau.; mục đích là để vận chuyển tài nguyên của rừng U Minh như than đước, tràm, mật ong tôm cá, rùa, ba khía, cua... về nơi tiêu thụ.
Thoạt tiên là như vậy, nhưng về sau vì nhu cầu người ta đào thêm những con kinh nên số lượng kinh rạch nhiều hơn nữa. Điều lý thú là trong số kinh đào thêm có con kinh Thứ Chín Rưỡi!
Phu nhân ngạc nhiên:
- Chín Rưới? Bộ người ta đào thêm trên đầu nguồn con rạch Thứ Chín một đoạn nữa hả mình?
- Không, nó nằm ở giữa rạch Thứ Chín và rạch Thứ Mười. Người dân Miền Tây thật thà, không thích màu mè, họ đặt là Chín Rưỡi có nghĩa là “giữa chín và mười”; anh thấy cũng hay và chính xác đó chớ!
Phu nhân gởi cái “chụt” vào má thám hoa:
- Em “xương” người Miền Tây quá hà! Mình ơi! Vậy mà hồi nào tới giờ em cứ tưởng “Miệt Thứ” là cái miệt có đời sống, sinh hoạt vật chất của người dân yếu kém, nếu không nói là quá tệ (“thứ” mà!) hơn các chỗ khác có đời sống hạng “ưu” hay “bình” không hà. Giờ nhờ mình mà em biết “thứ” là “thứ tự” đó.
- Có người lại hiểu “thứ” có nghĩa là “rừng thưa", anh không hiểu họ căn cứ vào đâu nữa! Thời đầu mở cõi, cho đến năm 1954, đời sống vật chất của Miệt Thứ còn kém lắm, dù họ muốn đói một ngày cũng khó! Khi đó đất còn phèn, nhiễm mặn trồng lúa khó khăn, nhưng được cái là cá tôm vô số: người ta dễ dàng bắt chúng bằng tay không; rau rừng thì mênh mông như đọt choại, đọt ráng, bông điên điển, ngó lục bình, bông súng, vân vân và mây mây… tha hồ mà hái; ngoài ra còn có củi tràm, than đước; nhứt là mật ong rừng dường như bất tận. Khổ nỗi, khó thể bán cho người địa phương vì ai cũng có, mà muốn đem ra tỉnh thì phương tiện di chuyển chỉ có xuồng chèo, không có đường bộ thì làm gì có xe? Nhà ở thì một trăm phần trăm cột kèo toàn bằng cây tràm, chà là, và lợp bằng lá dừa nước!
Phụ nữ có chồng Miệt Thứ cả mấy năm cũng chưa được về thăm cha mẹ một lần! “Muỗi như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh” cũng là nguyên nhân chánh làm họ đẻ nhiều! Tay bế tay bồng đã níu chân, không cho họ về thăm cha mẹ: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ trông về quê mẹ ruột đau chín chiều!”
- Sao “muỗi như sáo thổi” lại làm họ đẻ nhiều?
- Mình không biết đó thôi. Xứ U Minh khoảng chạng vạng thì huơ tay một cái là bắt được cả chục con muỗi dù trong nhà luôn có “đống ung” (khói). Nếu không muốn muỗi tha thì hai vợ chồng phải vô mùng tránh muỗi chớ sao? Thời đó không có phương tiện giải trí nên vợ chồng tự “giải trí” …ha ha…
Phu nhân nhăn mặt đẹp như Tây Thi:
- Nói xàm không hà!
- Không xàm! Nhà văn Sơn Nam cũng đã nói điều nầy trong Hương Rừng Cà Mau đó mình. (Thở ra) Nghĩ mà thương cho phụ nữ hồi xưa biết bao nhiêu! Chẳng bằng bây giờ phụ nữ được ăn sung mặc sướng rồi mở miệng ra là lên giọng La Sát với chồng!
“La sát” giả bộ nghiến răng, thám hoa thấy bên hông mình hơi đau:
- Chòi oi..! Em ngọt như đường phèn mà mình bảo em La Sát hả? Hả? Lần cuối cùng nghe chưa? Nghe chưa? Tiếp đi!
- Trả lời câu hỏi đã dư một khúc rồi, còn tiếp gì nữa, trời?
- Hihi. Thôi mình nói thêm về cuộc sống Miệt Thứ em nghe đi.
- Nói về sinh hoạt của người dân thời khai phá thì nơi nào cũng tương tợ nhau, là vô cùng gian nan, bởi luôn chống chọi với bệnh tật, độc xà mãnh thú. Mặc dù được thiên nhiên ưu đãi là cá tôm hàng hà, đất rộng bao la…, nhưng miếng ăn không không phải tự dưng nó dâng tới miệng, mà người mở cõi phải đổ nhiều mồ hôi, kể cả máu xương và mạng sống mới có được. Thương nhứt là trẻ em không được học hành nên người mù chữ gần trăm phần trăm! Trước năm 60, không thiếu trẻ em 10 tuổi mà chưa biết mặt chiếc xe đạp ra sao! Sau nầy mới có trường học ở quận, nhưng phải đi bằng ghe chèo tay, cho nên “biết đọc biết viết” là đã một kỳ công, chớ nói gì học đến nơi đến chốn! Bù lại, người dân rất thật thà chấc phác, rộng lượng, khí phách; họ thương yêu, đùm bọc nhau như người một nhà. Đó là anh nói ngày xưa, chớ giờ thì Miệt Thứ đã thay da đổi thịt, đời sống người dân rất khá giả, nếu không nói là giàu. Giao thông thuận tiện, trường học khắp nơi, có nhiều gia đình có bốn năm người con đều đậu đại học. Nhà lầu mọc lên như nấm. “Nghèo khổ:, “dốt nát” không có trong tự điển của người Miệt Thứ nữa rồi!
Quên nữa, Đặc biệt là vợ chồng Miệt Thứ nói riêng và miền Tây nói chung là họ một mực thủy chung. Sự thủy chung của họ có thể giải thích là họ không thể quên được cái NGHĨA ngày xưa khi họ đã từng xẻ áo nhường cơm cho nhau. (liếc qua phu nhân) Cho nên các cô gái miền ngoài mà lấy được ông chồng Miền Tây là có phước ba đời!
Thám hoa thấy gò má mình “bị” chụt lia lịa:
- Cái nầy đúng nè! Bởi vậy ngài La thượng thư mới gả đại tiểu thư cho người miền Tây nầy chớ! Mình ơi! Em thích ca dao miền Tây, giờ mình nói cho em vài câu ca dao nói về Miệt Thứ đi mình, để khi con chào đời em ru con ngủ!
- (Cảm động vài giây) Anh đâu phải ngài Lê Quý Đôn đâu mà cái gì cũng nhớ? (suy nghĩ) Thôi, để anh ráng nhớ kẻo La…(Hén hén! La Sát hả? Hả?), kẻo… kẻo La đại tiểu thư không vui! Hi hi!
- Trở còn hơn trở bánh phồng!
- Hihi! Đây nè:
* Đêm đêm ra đứng hàng ba, Trông về quê mẹ, lệ sa buồn buồn
* Sương khuya ướt đẫm giàn bầu, Em về Miệt Thứ bỏ sầu cho ai?
* Em yêu anh nên đành xa xứ, Xuôi ghe chèo Miệt Thứ Cà Mau.
* Bông bần rụng trắng ngoài sông, Lấy chồng Miệt Thứ khó mong ngày về!
* Đường về Miệt Thứ truân chuyên, Anh về miệt thứ hay miền Cà Mau?
* Dòng sông con nước lao xao. Bao nhiêu Miệt Thứ là bao nỗi niềm!
Còn nhiều, nhưng anh không nhớ hết đâu. Mệt gồi. Bãi đường!
- Khoan! Khoan! (khoan dùi gì nữa?) Bây giờ tới phiên em đố mình nè. Đố mình, tác phẩm nào ở miền Tây được người dân thuộc lòng nhiều nhứt? Ếm xì phù. Bí! Bí!
- Lục Vân Tiên!
Phu nhân cười khoái chí:
- Hí hí… Lục Vân Tiên mặc dù rất phổ thông nhưng hiếm người THUỘC LÒNG vì nó dài quá, tới 2082 câu lận. Tác phẩm mà hầu hết mọi người đều thuộc là Dạ Cổ Hoài Lang. Đúng hôn? Hihi, một không đó nhe!