NHỮNG TỪ BỊ LẠM DỤNG
______________________ Kha Tiệm Ly
1. Nghệ sĩ là gì?
Theo Wikipedia,
“Nghệ sĩ 藝士 là người chuyên hoạt động (sáng tác hoặc biểu diễn) trong một bộ môn nghệ thuật. Nghệ sĩ là người sáng tạo ra loại hình nghệ thuật như vẽ, đồ họa, chạm khắc, chụp ảnh, làm mô hình, diễn kịch sân khấu về các ý tưởng và cảm xúc lành mạnh với văn hóa xã hội”.
SĨ 士 là từ tôn xưng người có phẩm hạnh, có tác phong, có đạo đức, có kiến thức. Vì vậy, muốn có “sĩ” kèm sau một bộ môn hay một nghề nghiệp thì dứt khoát tay nghề phải giỏi, và ngầm bảo người giữ tay nghề ấy phải có đạo đức;
như:
- Y sĩ 醫士: Là người thầy thuốc giỏi, có đạo đức;
nếu không hắn ta chỉ là lang băm mà thôi, không gọi là “sĩ” được!
-Tu sĩ 修士: Là bậc tu hành chân chính, thông hiểu giáo lý,
nếu không hắn chỉ là là loại ma tăng, xàm tăng (nếu là Phật giáo), mà thôi không gọi là “sĩ” được!
- Kiếm sĩ 劍士 là người giỏi kiếm pháp, hành tẩu giang hồ, cứu khổn phò nguy;
nếu không như vậy thì hắn ta chỉ lũ cướp, lũ du côn mà thôi, không gọi là “sĩ” được!
- Cuồng sĩ 狂士 là người phóng túng, khinh thế ngạo vật, hiểu biết nhiều, lắm kẻ kiêng dè;
nếu không như vậy thì hắn ta chỉ là kẻ điên cuồng, mọi người xa lánh mà thôi, không gọi là “sĩ” được!
- Văn, thi sĩ 文詩士 là người sáng tác văn, thơ; tác phẩm của họ ngoài việc phải vừa lòng người đọc (cả nội dung lẫn câu từ), mà còn phải “văn dĩ tải đạo”, tức là tác phẩm họ phải là những bài học về kiến thức, đạo đức làm người: cương trực, không xu nịnh, có nhân cách,… (tất nhiên, họ là những người có đạọ đức, nhân cách).
Nếu không như vậy, thì dù họ có sáng tác hàng trăm tác phẩm, dù là hội viên của trăm Văn Bút trong và ngoài nước, thì họ cũng chỉ là người viết tào lao, nếu không nói là gây hại cho xã hội; như vậy làm sao gọi là “sĩ” được?
Thậm chí :
- Bần sĩ 貧士, là người nghèo mà thanh bạch, lại có tri thức;
nếu không như vậy, thì chỉ là một kẻ nghèo tầm thường mà thôi, không gọi là “sĩ” được!
Như vậy, nghệ sĩ ngoài như định nghĩa trên, nó còn ngầm ý là người nghệ sĩ không thể thiếu đạo đức, phẩm hạnh con người; nếu không thì đó chỉ là những kẻ lợi dụng chiếc áo nghệ sĩ để mê hoặc người đời mà thôi, không gọi là “sĩ” được! Còn nếu như muốn gọi là nghệ sĩ, thì phải thêm một tính từ nào đó bên sau, như từ “lưu manh” chẳng hạn: “Nghệ sĩ lưu manh”!
2. DANH 名,
Ngoài những nghĩa khác, các tự điển giải thích là “tiếng tăm”, như vậy e chưa đủ.
“Danh” phải là “tiếng tăm TỐT”,
tiếng tăm xấu không thể là “danh” được.
XÚ 臭: Hôi, THÚI; Xú khí 臭氣= Mùi hôi, mùi thối;
“lưu danh bách tuế 留名百歲
di xú vạn niên 遺臭萬年” = Giữ tiếng thơm (tốt) chỉ được trăm năm, nhưng để tiếng xấu có thể đến muôn năm.
(mùi thơm chỉ tỏa một nhà, nhưng mùi thúi thì lan cả xóm)
Rõ ràng “danh” là tiếng tốt, danh thơm.
Lý Thường Kiệt, Nguyễn Biểu, Chu Văn An, Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương,… là danh nhân nước Việt,
Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, … là danh nhân thế giới.
Hoàng Cao Khải qua thành tích làm tay sai cho thực dân Pháp nên tiếng cũng nổi như cồn, được toàn thể dân Việt biết đến, ”được” ghi vào sử sách, nhưng hắn tàn ác, thiếu đạo đức, việc làm hắn không có lợi lộc gì cho nhân quần, nên không thể gọi hắn là danh nhân được!
Vì vậy, nếu nói danh nhân, thì đó là những người được cả nước, cả thế giới biết. Danh tiếng họ được lưu vào sử sách cũng chưa đủ, mà cái chủ yếu là việc họ làm đã giúp ích nhiều cho quốc gia mình hay cho nhân loại.
Nhiều vị tiến sĩ “dày công” nghiên cứu loại chữ Việt trời thần, chỉ một chốc người trong và ngoài nước ai cũng biết tuổi tên, nhưng điều họ làm không ích lợi gì cho nước nhà, ngược lại là khác, nên không thể gọi họ là danh nhân được!
Nhiều vị quan phát biểu láo, không tưởng, nổ banh nhà lồng, dù trong nháy mắt, họ đã vang “danh”, tên họ có thể lưu đến nhiều thế hệ, nhưng chính vì lời họ không giúp gì cho nhân quần xã hội, nên cũng không thể gọi họ là danh nhân được!
Người thầy khúm núm bắt tay học trò cũ đang ngồi coi điện thoại là hình ảnh nổi tiếng lẫy lừng đến ngàn sau, nhưng cả hai thầy trò chỉ là người "nổi tiếng" , chớ không thể gọi họ là danh nhân được.
Nhiều “tu sĩ” phạm giới, phát biểu lếu láo, không tưởng, dù trong nháy mắt, họ đã vang “danh”, tên họ có thể lưu đến nhiều thế hệ, nhưng chính vì lời họ không giúp gì cho nhân quần xã hội, mà còn gây hại, nên cũng không thể gọi họ là danh nhân được!
Những anh chị giang hồ, những công tử ăn chơi của Nam Bộ xưa dù tiếng tăm lừng lẫy, nhưng họ không giúp ích gì cho đất nước, cho nhân loại nên cũng không thể gọi là danh nhân được.
Tương tợ, một cô trật mông ra khoe; người mẫu, đạo diễn, ca sĩ… đã nói những lời lếu láo, phản đạo đức, vô nhân cách. Tất cả hành động, lời nói của họ đã làm tên tuổi của họ trong nháy mắt như sấm dội, nhưng không bao giờ họ được gọi là danh nhân!
Có thể khẳng định, xứ nầy có cả rừng người NỔI TIẾNG,
nhưng tìm một DANH NHÂN thì đỏ con ngươi!
Được gọi là “danh hài” cũng không ngoại lệ! Họ không thể chỉ dựa vào thuật chọc cười rẻ tiền cho một nhúm người dễ tính, trong khi đại đa số “cười không vô”, coi đó là lối diễn vô duyên, hạ đẳng.
Danh hài không đòi hỏi phải như Charles Spencer Chaplin, Rowan Atkinson, Mr. Bean… nhưng tiếng cười của họ phải lành mạnh, có duyên, ít nhiều góp sức để công phá những tệ nạn cho xã hội càng tốt đẹp hơn; chớ không phải nhắm vào thị hiếu thấp hèn của một số người!
Mấy năm trước, cố soạn giả A lý Phượng Tuyền có bài viết RỜ ĐỤNG DANH HÀI, ông mỉa mai:
“… “Danh hài” thời nay sao nhiều quá:
coi nó diễn mắc cỡ muốn chết cũng “danh hài”,
vô duyên muốn chết cũng “danh hài”…
riết rồi đưa tay ra là đụng mấy “danh hài"…
Đủ biết cái DANH bây giờ nó HÀI quá, gán ép tùy tiện lạ quá!”
3, NỮ HOÀNG 女皇:
Theo nghĩa đen, nữ hoàng là người phụ nữ làm vua của một nước,
nghĩa rộng ra là
người phụ nữ không những phải đẹp,
mà còn phải có TÁC PHONG của hàng quý tộc, của bậc thượng lưu, hay ít ra là người có ăn học, chuộng lễ nghĩa, liêm sỉ.
Một người phụ nữ xấu xí, cho dù cô ấy có tài năng vượt trội hơn người cũng không gọi là nữ hoàng (gì đó?) được!
Một người phụ nữ dù đẹp như hoa hậu nhưng nói năng, đi đứng không khuôn phép, ăn uống bầy hầy, quan hệ bừa bãi, đụng đâu bạ đó thì dù cô ta có khả năng gì vượt trội hơn người thì cũng không gọi là nữ hoàng (gì đó?) được! Chỉ là loài hoa hữu sắc vô hương mà thôi!
Có ai gọi “nữ hoàng bán trôn” bao giờ!
Một người phụ nữ thích hớ hênh về cách ăn mặc, lại không một chút phong nghi mà được các nhà báo tặng là “nữ hoàng” thì e quá dễ dãi chăng?
Chữ nghĩa thời nầy hay dùng tùy tiện, không cần cảm giác người đọc như thế nào!.