Chén uống trà của lãnh chúa - Ogawa Mimei - Nguyễn Nam Trân

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 21156
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Chén uống trà của lãnh chúa - Ogawa Mimei - Nguyễn Nam Trân

Bài viết bởi Hoàng Vân »








  • Chén uống trà của lãnh chúa
              
    Tonosama no chawan, 1921
    tác giả Ogawa Mimei - dịch giả Nguyễn Nam Trân

    ______________________________________________________________







              

              
              
       
    Ngày xưa, ở một nước nhỏ [1] kia, có người nổi tiếng làm đồ sứ giỏi vào bậc thầy. Nhà ông đời đời nung đồ sứ, tiếng tăm những sản phẩm của gia đình làm ra đã truyền sang các nước nhỏ bên cạnh. Những vị chủ nhân truyền đời chọn lọc loại đất tốt lấy từ trong núi, mướn những họa sĩ giỏi để trang trí và qui tụ được nhiều tay thợ lành nghề.

    Họ làm đủ loại sản phẩm nào là bình hoa, nào là chén uống trà, nào là đĩa...Du khách khi ghé qua tiểu quốc ấy, có thể nói là ai cũng phải hỏi cho được địa chỉ tiệm bán đồ sứ của họ và nhanh chân đến đó.

    Mối lần ngắm các sản phẩm, khách không khỏi tấm tắc:
    • -Ôi chao! Sao lại có những món đồ sứ đẹp thế này (hoặc là) những chén uống trà....đẹp thế này!
      -Phải mua về làm quà mới được....

    Nói thế xong, du khách nào cũng mua từ bình cắm hoa, đĩa sang đến chén uống trà. Thế rồi, thuyền buôn đã chở những món hàng của tiệm này về nước họ.

    Một hôm, chuyện sau đây đã xảy ra. Có một ông quan xuất hiện trước của tiệm. Ông quan gọi chủ nhân ra và xem xét tường tận các món đồ sứ bên trong.
    • -Quả là lời đồn không sai. Đồ ở đây làm rất khéo, cái nào cũng nhẹ, thành vè lại mỏng. Sản phẩm như thế này đạt đúng phẩm chất chủ nhân ta đòi hỏi. Thực ra là hôm nay ta đến là để nhờ ông dồn hết tim óc chế tạo một cái chén uống trà cho lãnh chúa [2] của ta.

    Chủ tiệm là con người chân thực. Ông cung kính trả lời:
    • -Thật không có vinh dự nào lớn hơn. Vậy chúng tôi sẽ hết lòng hết dạ thực hiện cho được cái chén tốt nhất.

    Ông quan đứng dậy ra về.Còn chủ tiệm thì sau đó đã tụ tập mọi người làm và thông báo cho họ điều khách hàng nhờ.
    • -Chúng ta được lệnh làm cho ngài lãnh chúa một cái chén uống trà. Đây là vinh dự hiếm có. Các ngươi phải cố gắng hết sức để làm sao có được cái chén tốt bậc nhất từ trước tới nay. Vị quan kia cho biết là chén phải nhẹ, thành vè phải mỏng và đúng như ông quan nói, nếu là đồ sứ tốt thì đều như vậy cả.

    Chủ tiệm căn dặn họ đủ điều.

    Thế rồi, một vài hôm sau, cái chén uống trà của vị lãnh chúa đã làm xong. Và ông quan kia lại đến trước cửa tiệm. Ông ta hỏi:
    -
    • Chén uống trà của ngài lãnh chúa đã làm xong chưa?

    Chủ nhân bèn thưa:
    • -Hôm nay chúng tôi định đem nó trình lên quan đây. Xin lỗi đã làm phiền ông cất công lui tới.
      -Có đúng như lời ta là phải nhẹ và mỏng không đấy?
      -Trình ngài, nó đây ạ!

    Chủ nhân đưa cho ông quan xem cái chén uống trà. Nó đúng là một sản phẩm thượng hạng, vừa nhẹ, vừa mỏng. Chén trắng nuột và trong suốt. Ngoài ra trên đó còn in cả gia huy của gia đình lãnh chúa.

    Ông quan bèn cầm cái chén đặt trong lòng bàn tay rồi lấy móng khẽ gảy thử vào thành chén:
    • -Nó đây rồi. Đúng là một sản phẩm thượng hạng. Tiếng vang nghe cũng trong thanh nữa.

    Chủ nhân kính cẩn cúi đầu và bẩm với ông quan:
    • -Thưa quan, thú thực chúng tôi không thể nào làm cho nó nhẹ và mỏng hơn nữa đâu ạ!

    Vị quan gật đầu và tức tốc bảo chủ nhân hãy sắm sửa để đem chén trà ấy đi dâng lên lãnh chúa.

    Chủ tiệm bèn mặc lễ phục áo haori, quần váy hakama, gói chén uống trà đặt vào cái hộp thật sang rồi mang đi cùng. Trong khu vực, người người nghe tin tiệm đồ sứ nổi tiếng của tỉnh nhà nay đã làm xong được cái chén uống trà loại thượng thặng để dâng lên lãnh chúa đều không khỏi trầm trồ.

    Ông quan về tới nơi đã đến trước mặt lãnh chúa, nâng cái chén trình lên và thưa rằng:
    • -Thưa ngài, đây là cái chén uống trà, tác phẩm của nghệ nhân đồ gốm nổi tiếng nhất nước đã đem hết tim óc chế tạo ra và dâng lên ngài dùng đấy ạ. Hắn ta đã cố gắng để nó hết sức nhẹ và mỏng nhưng không biết đã đủ cho lệnh bề trên bằng lòng hay chưa?

    Vị lãnh chúa cầm lấy cái chén và xem xét thì thấy quả thực đó là một chén uống trà cực kỳ nhẹ và mỏng. Đến độ khi cầm cái chén, ngài còn không biết mình đang có nó trong tay hay không nữa.Lãnh chúa bèn đặt câu hỏi:
    • -Lấy tiêu chuẩn nào để đánh giá một cái chén uống trà là tốt hay xấu nhỉ?

    Ông quan mới bẩm:
    • -Phàm những món đồ sứ nào nhẹ và mỏng đều được cho là quí. Những chén uống trà hoặc nặng, hoặc dày thì bị coi là không chuẩn, không sang.

    Vị lãnh chúa chỉ gật đầu mà không nói gì. Thế rồi kể từ ngày hôm ấy, khi dọn ngự thiện cho ngài, nhà bếp đều đem ra cái chén uống trà vừa mới được dâng lên.

    Vị lãnh chúa là người hết sức kiên nhẫn. Mỗi lần có chuyện khổ tâm, ông không bao giờ nói ra. Hơn nữa là người gánh vác quốc gia đại sự nên ngài không dễ gì kinh động bởi những chuyện nho nhỏ.

    Lần này là lần thứ ba ngài lại dùng bữa với cái chén uống trà mới này và cũng là lần thứ ba ngài cảm thấy nóng đến phỏng cả tay.,Thế nhưng ngài vẫn nhẫn nhịn và không để lộ điều đó ra ngoài mặt.
    • -Một chén trà phải là vật mà nếu không chịu khổ thì không thể nào thưởng thức được cái đẹp của nó hay sao ấy nhỉ?

    Vị lãnh chúa có khi tỏ ra ngờ vực như vậy. Lúc khác, ngài lại thầm nghĩ:
    • -Chắc không phải thế đâu! Có lẽ bọn gia thần muốn bày tỏ lòng trung nghĩa. Qua việc bắt mình chịu đựng cái nóng của chén trà, chúng muốn nhắc khéo mình là mỗi ngày, chớ quên đi những gian khổ đã phải trải qua.

    Có khi lãnh chúa lại nghĩ khác đi:
    • -Không, có khi không phải thế nữa! Có lẽ bọn chúng tin mình là người mạnh mẽ, sá gì những cái bất tiện nhỏ nhoi như thế.

    Dù vậy, mỗi ngày khi đến giờ cơm, nhìn cái chén trà, mặt của ngài trở nên u ám.

    Có một hôm, vị lãnh chúa du hành ở một vùng núi non. Nhân vì địa phương ấy không có một ngôi nhà trọ tốt xứng đáng với địa vị của ngài nên ngài phải qua đêm ở nhà một người nhà nông.

    Nhà nông này không ăn ở theo bề ngoài, ông ta là một kẻ tốt bụng một cách hồn nhiên. Có thể vì thế nên lãnh chúa đã rất hài lòng về ông. Thực ra thì dù ông nhà quê có muốn dâng lên lãnh chúa cái gì đi nữa nhưng ở giữa chốn núi rừng heo hút như nơi đây, ông không thể kiếm ra. Thế mà lãnh chúa lại rất vui vì tấm chân tình ấy nên đã ăn hết mọi thứ ông đem ra mời.

    Nhân vì lúc đó trời đã cuối thu nên lạnh lẽo, họ phải uống đồ nóng cho ấm người. Tuy nước trà đem ra mời rất nóng nhưng nhờ thành cái chén đựng nó khá dày nên hoàn toàn không xảy ra chuyện nóng đến phỏng tay.

    Lúc này, vị lãnh chúa mới nhận ra rằng cuộc sống của mình sao mà phiền toái đến thế. Một cái chén uống trà, dù nhẹ và mỏng đến đâu thì vẫn là một cái chén uống trà. Bảo nó là cao cấp bởi vì nó nhẹ hay nó mỏng rồi bắt buộc người ta phải dùng thì đúng là bày vẽ những chuyện ngu ngốc.

    Vị lãnh chúa mới cầm lấy cái chén uống trà ông nhà nông đem ra, đưa nó lên cao và quan sát thật kỹ.

    Ông hỏi:
    • -Chén trà này do ai làm ra đấy?

    Người nông dân nghe hỏi mà sợ đến khiếp vía. Ông dập đầu liên hồi xin tha tội vô lễ vì đã dám đem một chén uống trà quá thô kệch để mời một vị lãnh chúa. Ông mới thưa:
    • -Đúng là tiểu nhân có tội đã đem một cái chén uống trà thô kệch để mời ngài, dám mong ngài tha thứ. Tiểu nhân không biết đã mua cái chén ở đâu ngoài chợ và chỉ chọn nó từ những món đồ giá rẻ. Mới đây chẳng ngờ được ngài giáng lâm đến chỗ nghèo hèn này, trong lòng rất lấy làm hân hạnh nhưng không rảnh rang để ra chợ mua cái chén mới.

    Người nông dân cứ thành thực mà bộc bạch với lãnh chúa như thế.
    • -Ngươi đừng nói vậy. Ta đây rất cảm ơn sự tiếp rước ân cần của nhà ngươi và nghĩ rằng không ai có thể làm được tốt hơn ngươi đâu. Ta chưa bao giờ cảm thấy vui như lần này. Trước đây, mỗi ngày ta đã phải khổ sở vì cái chén uống trà của mình và chưa hề cầm trong tay một cái chén nào làm đúng qui cách như nó đây. Do đó, ta muốn hỏi người xem có biết người chế ra chén này là ai không.

    Người nông dân mới khép nép bẩm tiếp:
    • -Thưa ngài, tiểu nhân không biết người nào đã chế ra. Một vật như vậy thì chỉ là sản phẩm của anh thợ vô danh nào đó thôi. Hơn nữa, kẻ thân phận thấp hèn như hắn chắc không bao giờ dám nghĩ là cái chén uống trà mình làm ra một ngày nào đó sẽ được một vị lãnh chúa dùng đến.

    Vị lãnh chúa mới nói:
    • -Ngươi nghĩ thế là đúng nhưng ta không khỏi khen ngợi người thợ đó. Hắn làm ra cái chén uống trà y như cái chén ta cần. Hắn đã thấu hiểu rằng một chén uống trà phải là vật làm ra để đựng một chất lỏng như trà hay canh nóng. [3] Khi uống trà hay canh nóng, người dùng phải cảm thấy yên tâm với vật chứa đựng nó mới được. Do đó, dù ai đó là một bậc sư trong ngành gốm sứ và có nhiều sản phẩm nổi tiếng khắp thế gian đi nữa, nếu thiếu tấm lòng nhân ái để nghĩ cho người khác thì hắn chẳng đáng dùng vào việc gì cả.

    Sau khi hoàn tất chuyến đi, vị lãnh chúa trở về lâu đài của mình. Các gia thần cung kính ra nghênh đón. Lãnh chúa bèn cho họ biết cái điều chính bản thân ông đã hiểu được một cách thấm thía là cuộc sống của dân chúng rất giản dị, thoải mái, không vẽ vời giả dối nhưng hết sức thân tình. Ông dặn họ chớ nên quên điều đó.

    Thế rồi, đến giờ cơm, trên bàn ăn vẫn thấy bày ra cái chén uống trà nhẹ và mỏng kia. Nhác thấy nó, gương mặt của lãnh chúa lại trở nên ủ dột. Bởi vì kể từ hôm nay ông lại phải nghĩ đến cái nóng phỏng da.

    Một hôm, vị lãnh chúa bèn cho gọi bậc sư lừng danh về đồ sứ kia vào dinh. Chủ nhân của cửa tiệm nhớ lại ngày xưa mình đã được lãnh chúa nhờ chế tạo chén uống trà và lần này chắc mình sẽ được ngài khen thưởng gì đây nên hớn hở đến hầu. Nhưng lúc đó, ông chỉ thấy vị lãnh chúa kia ôn tồn khuyến dụ:
    • -Tuy nhà ngươi là một tên tuổi lớn trong ngành gốm sứ nhưng cho dù ngươi có tài giỏi đến mực nào, nếu thiếu đi tấm lòng nhân ái thì chẳng có ích lợi gì cả. Ta vì chén trà ngươi chế tạo ra mà mỗi ngày phải chịu biết bao nhiêu khổ sở.

    Bậc thầy trong nghề gốm sứ kia bèn từ tạ lãnh chúa mà lui về. Từ đó, ông ta trở thành một tay thợ bình thường và sản xuất những chén uống trà có cái vè dày.





    Dịch ngày 08/09/2020
    [1] - Kuni: tiểu quốc hay lãnh địa.
    [2] - Tonosama là tiếng để chỉ chung những nhà quyền quí nhưng trong văn mạch này, xin được dùng để chỉ lãnh chúa, người giống như vua một tiểu quốc.
    [3] - Ở Nhật, chén trà không phải là một chung nhỏ như bên Tàu. Chawan (trà oản) còn có thể dùng để ăn canh hay ăn chè (các loại shiru)

    http://chimvie3.free.fr/91/nguyennamtra ... ua_091.htm
Trả lời

Quay về “Nhật”