Trải Hết Cả Một Mùa Tháng Bảy - Thích Phước An

Trả lời
Hình đại diện
Vi
Bài viết: 780
Ngày tham gia: Thứ năm 16/03/17 23:48

Trải Hết Cả Một Mùa Tháng Bảy - Thích Phước An

Bài viết bởi Vi »


Trải Hết Cả Một Mùa Tháng Bảy

Hình ảnh


Giọng đọc Mai Hoa
Lời bạch:
Tháng Bảy là một tháng đặc biệt. Tháng của Mẹ. Tháng của những cặp tình nhân chia cách được gặp lại nhau bịn rịn đến nỗi trời cũng nhỏ giọt ngâu làm ướt át nhân gian. Tháng Bảy cũng là tháng của những linh hồn liu xiu trôi dạt hội về dương xá để một lần được giải thoát. Thầy Thích Phước An ở Đồi Trại Thuỷ chia sẻ một bài viết về mẹ và những người thân đã xa trong gia đình mà quán chiếu cả cõi nhân sinh và nỗi đau Việt, bài viết “Trãi Hết Cả Một Mùa Tháng 7”.

Đêm qua nằm mơ thấy mẹ
Như thấy ngôi chùa của quê hương
(Huyền Không)


Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in, hồi nhỏ sống trong căn nhà tranh nơi một làng quê nghèo khổ ở miền Trung. Vào những buổi xế chiều cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 âm lịch, mẹ tôi hay vắng nhà, bà đi ra đồng nhổ cỏ ruộng hoặc hái rau. Còn lại một mình ở nhà, không biết làm gì, tôi thường leo lên nằm trên chiếc võng treo ngay nơi cửa chính ra vào. Tôi nằm yên nhìn những đám mây đen đang tụ lại nơi những rặng núi xa ở phía Tây, những đám mây đó như báo hiệu những ngày đông giá rét lê thê đang sắp đến nơi làng quê nghèo khổ này. Thỉnh thoảng tôi còn nghe những tiếng sấm từ chân trời xa vọng lại.

Tôi nhìn mây và nghe sấm mà tâm trí ngây thơ cứ tưởng tượng rằng, chắc là sau những đám mây đen kia, sau những tiếng sấm chớp kia, có một nơi chốn tươi đẹp hơn ở đây? Nơi đó, chắc không có những buổi chiều buồn bã ngồi chồm hổm dưới đất ăn cơm bên ngọn đèn dầu leo lét, nơi đó chắc cũng không có những đêm như dài vô tận, ngủ không được, vì sợ oan hồn của những người chết trôi ngồi khóc than trên hòn đá của dòng sông trước nhà, mà tôi vẫn thường lắng nghe người lớn bàn tán với nhau mỗi khi chiều đến.

Bây giờ, sau những năm được sống nơi những thành phố mà tôi đã mơ ước đó, cũng vào những ngày cuối hạ, nhìn bầu trời nhiều mây, thì lòng tôi cũng chợt u hoài nhớ về vùng quê nghèo khổ mà tuổi thơ tôi đã cố chối bỏ để ra đi.

Tôi vẫn thường được ông chú ruột của tôi, là một vị sư trụ trì tại một ngôi chùa trong làng kể lại rằng, khi mẹ tôi có mang tôi khoảng 4 tháng thì cha tôi qua đời. Nên khi mới 7 hoặc 8 tuổi gì đó, là ông bắt buộc tôi phải vào chùa ở với ông. Vì chú tôi biết mẹ tôi không thể nào nuôi nổi, nhất là chuyện học hành.

Cha và mẹ đều là người cùng làng, nhưng cha tôi sanh ở bên này sông, dân làng thường gọi là phía bên núi, còn mẹ tôi ở bên kia sông thì gọi là ở bên đồng. Bên kia sông là ruộng đồng, mương rạch, nhiều lũy tre nối tiếp nhau. Vì sanh bên đồng nên mẹ tôi bơi lội và chống sõng rất giỏi. Trừ tháng 9 và tháng 10, nước sông chảy xiết thì tất cả những tháng còn lại trong năm, mỗi lần đi về ngoại mẹ tôi thường chở tôi đi bằng sõng. Tôi thích đi sõng nhất là những ngày cuối tháng chạp, vì những ngày đó mùa lụt vừa qua, nên nước sông vẫn còn đầy. Ngồi trên sõng tôi cứ say sưa nhìn màu xanh của lúa non cùng màu xanh của bầu trời mùa xuân như quyện vào nhau, từng chùm bông lục bình nở tím cả hai bên bờ sông.
Nhà ngoại tôi nằm khuất sau nhiều lùm tre, nên cứ mỗi lần sõng lướt qua được một lùm là tôi lại đếm thử còn mấy lùm tre nữa là đến nhà ngoại.

Những chuyến đi về quê ngoại bằng sõng với mẹ tôi từ thuở còn thơ ấy, tôi không ngờ đã âm thầm tác động đến cách nhìn của tôi đối với cái đẹp, như cái đẹp về thi ca chẳng hạn.

Cái cảnh dòng sông trong bài thơ này của Huy Cận, sao giống dòng sông của quê ngoại tôi quá chừng!

Này lúc bên đường bóng đứng trưa
Thuyền em qua thác sóng xô lùa
Sông êm, bãi cát con cò đứng
Khỏi vực, lòng em hết sợ chưa?


Và tiếng gà gáy bên đê trong buổi chiều lặng lẽ này nữa chứ!

Tới ngã ba sông nước bốn bề
Nửa chiều, gà lại gáy bên đê
Làng xa lặng lẽ sau tre trúc
Bến cũ thuyền em sắp ghé về


Ở đây, trên đồi cao nơi tôi đang sống, vào những buổi trưa vắng vẻ hay những đêm khuya khoắt, thỉnh thoảng tôi còn nghe lại được tiếng gà gáy từ một xóm quê bên kia sông vọng lại. Những lúc như vậy tôi lại nhớ về “làng xa lặng lẽ sau tre trúc”. Ở đó có căn nhà của ngoại tôi tràn ngập trong nắng vàng, nhưng bây giờ nó chỉ còn lại trong kí ức mịt mù của tôi mà thôi. Bởi vậy nên “bến cũ thuyền em sắp ghé về” với tôi chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra nữa rồi.

Khi chiến tranh vừa chấm dứt, tôi vội về thăm lại quê sau bao nhiêu năm không về thăm được, mẹ tôi dẫn tôi đi thăm mộ ông ngoại, bà ngoại. Tôi ghé vào thăm căn nhà của ngoại năm xưa, đúng hơn là thăm nền nhà trơ trọi hoang tàn, vì mợ tôi và các con của bà đều chết trong một trận hai bên đang giao tranh với nhau, chỉ trừ người con trai cả lúc xảy ra giao tranh không có ở nhà, còn cậu tôi thì đi tập kết trước 1954 vẫn chưa trở về. Tôi lặng lẽ đứng nhìn khu vườn, cây dại mọc um tùm, nhìn con đê, mương nước trước sân, cây xoài, lũy tre sau nhà. Tôi tự nói trong ngậm ngùi với chính tôi rằng, vậy là dù bao nhiêu người trong căn nhà này đã vĩnh viễn ra đi, chúng vẫn âm thầm ở lại với bóng tối hơn 20 năm rồi đó. Tôi bỗng xót xa cho mảnh đất đã từng nuôi dưỡng tuổi thơ của tôi, và cũng xót xa luôn cho những người nông dân chân lấm tay bùn, suốt đời chỉ có một ước mơ duy nhất là được sống yên trên mảnh đất này, và khi chết thì cũng được chết ngay trên mảnh đất này. Vậy mà cái ước mơ quá giản dị đó lại không bao giờ thực hiện được. Tại sao?

Nhà văn Võ Hồng, có một câu truyện ngắn mà đọc rồi tôi cứ nhớ mãi. Có lẽ vì tác giả cũng sanh ra, lớn lên trên mảnh đất cũng nghèo khổ khô cằn như mảnh đất quê tôi, nên ông mới ghi lại được tất cả những đau khổ, hạnh phúc, đam mê cũng như bi kịch của những người đã dâng hết tình yêu nồng nàn cho mảnh đất:

“… Lên mười lăm tuổi thì cầm liềm đi gặt hái. Rồi thì cày ruộng, tát nước, gánh mạ, cuốc cỏ. Có bao giờ Lão được an nhàn đâu? Hết thời Tây đến thời Nhật rồi qua đến thời kháng chiến, Lão mơ ước có một đám đất của mình để gieo hột giống của mình, cắt lên bó lúa của mình. Sống gần hết đời người mà lúc nào cũng chỉ có trên tay một cái rựa, trên vai một cái cuốc, trên đầu một cái nón lá tả tơi ” (Tình yêu đất).

Càng thất vọng về con người bao nhiêu thì những người nông dân lại càng bám lấy mảnh đất để hy vọng bấy nhiêu.

“… Đất không phản bội người, chỉ có người mới phản bội đất. Người dậm chân rủa sả rồi bỏ đi. Đất vẫn ở lại nhẫn nại trung thành. Khi người về, người cứ tưới mồ hôi xuống là đất lại nảy ra lá xanh, đơm hoa, kết quả…”

Khoảng 3 tháng sau ngày giải phóng, cậu tôi từ Bắc trở về. Mẹ tôi kể lại với tôi rằng, lúc đầu cậu dự tính về xây dựng lại nhà cửa rồi ra Bắc thu xếp để về Nam luôn. Nhưng sau khi ra Bắc trở lại thì cậu tôi bặt luôn tin tức, mặc cho sự mong đợi của mẹ tôi và con ông.

Khi nghe chuyện này, tôi hỏi mẹ tôi là khi về cậu có đến thăm nền nhà cũ của cậu không? Mẹ tôi trả lời rằng, không những đã đến thăm mà còn đứng lại đó suốt cả buổi chiều nữa, rồi lặng lẽ bước ra mà không nói được lời nào.

Sở dĩ tôi hỏi mẹ tôi một điều có vẻ vớ vẩn như vậy chỉ để xác nhận lại những ý nghĩ mà tôi đã tưởng tượng ở trong đầu tôi, chứ làm sao sau hơn 20 năm xa cách mà trở về lại không đến thăm nơi chôn nhau cắt rốn của mình? Cho dù đã biết trước là nơi đó nay chỉ còn là miếng đất hoang tàn trơ trọi.

Khi nghe tin cậu tôi về, tôi rất muốn về quê để thăm cho được người cậu mà tôi chỉ hình dung được là rất giống mẹ tôi từ khuôn mặt cho đến dáng đi, vì lúc cậu tôi đi tập kết ra Bắc thì tôi chỉ mới có 5 tuổi. Nhưng rồi cuối cùng tôi vẫn không về được. Vì lúc đó, chỉ rời chùa một đêm thôi là đã không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho chính bản thân cũng như cho chùa rồi, huống chi là đi từ tỉnh này qua tỉnh khác. Đó là chưa muốn nói mỗi khi đi ra đường hoặc ngồi trên xe đò, những người “chiến thắng” đã nhìn như nhìn một quái vật từ hành tinh khác đến.

Vì không về thăm được cậu, nên tôi cứ tưởng tượng lúc cậu bước vào khu vườn ấy, đứng trên nền nhà ấy, cậu sẽ nghĩ gì khi 20 năm trước cũng chính nơi này cậu đã từng nâng niu từng chút hạnh phúc (dù là mong manh) với các con và gia đình? Những người thân nhất đời ông đó nay cũng đã bỏ ông và mảnh đất này ra đi vĩnh viễn. Tôi lại cứ thắc mắc, lẽ nào những người suốt cả đời cứ “hoan hô” bên này và “đả đảo” bên kia ấy đến một lúc nào đó cũng phải dừng lại, vì thân sẽ tàn và sức phải kiệt chứ? Cũng vậy, liệu những khẩu hiệu như “anh hùng”, “vô địch”, “quang vinh muôn năm”, hay “bách chiến bách thắng”, được viết khắp hang cùng ngõ hẻm có đủ sức chống đỡ nổi tâm hồn đang quằn quại trong đau khổ của cậu khi đối diện với cảnh xưa hoang tàn, với nắm mộ của các con và vợ? Và tôi vẫn hy vọng rằng, đến một lúc nào đó, khi không còn chịu đựng được nỗi khổ đau này nữa, cậu tôi sẽ phải cúi xuống nhìn lại thân phận mình, thân phận bi thảm của kiếp người. Chỉ lúc đó cậu mới thực sự “giải phóng” cậu được, thay vì đòi “giải phóng” cho người khác.

Sau đó tôi về thăm quê, sư chú cho tôi biết là cậu đã vào chùa ở lại với ông hai đêm. Cậu đã nói hết sự thật về những năm tập kết ra Bắc cùng nỗi thất vọng khi trở về lại quê hương. Và cậu cũng nói cho sư chú tôi biết là cậu không về quê ở luôn như đã dự tính lúc ban đầu nữa.

Tôi rất vui khi nghe sư chú tôi kể lại như thế. Vậy là, ông cậu hiền lành, ít nói mà mỗi lần theo mẹ về ngoại ăn giỗ tôi vẫn thấy đạo mạo trong chiếc áo dài đen, đầu đội khăn đóng, cầm hương quỳ xuống khấn vái trước bàn thờ tổ tiên vẫn chưa hề mất trong ký ức tuổi thơ của tôi.

Vài năm sau, tôi được tin cậu mất ngoài Bắc, tôi nghe tin mà không ngạc nhiên mấy. Tôi nghĩ rằng, những nấm mồ và gia đình tan nát đã đeo đuổi và ám ảnh cậu tôi cho đến cuối cuộc đời.Vậy là cậu tôi đã vĩnh viễn không bao giờ trở về mảnh đất đau khổ này nữa. Tôi tự nghĩ, cậu tôi cũng như bao nhiêu người nông dân chất phác khác, đã yêu mảnh đất này bằng tất cả tâm hồn mộc mạc, không hề biết tính toán. Nhưng tình yêu không hề biết tính toán đó đã bị mọi bên lợi dụng. Bên nào cũng tự nhận mình mới là kẻ chiến đấu để bảo vệ mảnh đất cho họ. Cuối cùng, khi mọi sự đã vỡ lẽ, thì họ mới nhận ra rằng, bấy lâu họ đã ra đi theo tiếng gọi của hận thù thay vì tiếng gọi của tình thương như họ đã tưởng.

Đó chính là bi kịch không những chỉ riêng cho gia đình cậu tôi thôi, mà còn cho tất cả những người nông dân hiền lành trên mảnh đất đã quá khô cằn vì hận thù này.

Mỗi lần có dịp về thăm lại quê, tôi vẫn thường đứng lại bên này dòng sông, để nhìn qua bên kia sông, sau lũy tre kia là khu vườn của nhà ngoại, nhưng tôi biết là tôi sẽ không bao giờ trở về lại khu vườn ấy nữa. Mọi sự đã ra đi cùng với tuổi thơ tôi mất rồi:

Chiều chiều ra đứng bờ sông
Muốn về quê mẹ mà không có đò


Tôi còn một kỷ niệm khó phai mờ nữa cũng liên hệ đến dòng sông ấy. Đó là vào một chiều mùa đông giá rét, tôi đi học ở trường làng về, thấy cửa đóng im lìm cũng không thấy khói tỏa ra từ bếp như mọi chiều. Tôi đoán là nhà hết gạo, nên mẹ tôi về ngoại mượn gạo để nấu cơm, tôi liền chạy ra bờ sông đứng trông mẹ. Lúc ấy, trời chợt nổi gió mạnh, từng cơn mưa trút xuống xối xả, tôi vẫn đứng co ro trong mưa để đợi mẹ, nhưng chẳng thấy mẹ tôi đâu hết. Chỉ thấy trước mắt là dòng sông đang chìm trong cơn mưa mịt mù.

Khi lớn lên đi giữa cuộc đời khô cằn và nóng bức, thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ về mùa đông giá rét ấy cùng với người mẹ già suốt đời sống trong cô đơn hiu quạnh.

Nhiều khi tôi cứ nghĩ vớ vẩn rằng, giả sử tuổi thơ tôi cũng như tuổi thơ của bao đứa trẻ khác, nghĩa là cũng có cha, có mẹ, có mái ấm gia đình, thì có lẽ tôi đã không có được những mùa đông buốt lạnh như vậy để mà ngồi nhớ.

Dường như, chỉ trong đau khổ và bất hạnh thì trái tim của con người mới dễ rung động hơn với đất rộng trời cao?

Dưới chân núi Bà, nơi phát tích của khởi nghĩa Tây Sơn, trong bóng mát của ngôi chùa vắng, chú tiểu nhỏ lớn lên từ đó.

Truyền thuyết về những vị anh hùng hằng trăm năm trước, hình bóng của những người thân đã khuất qua câu chuyện của những người còn sống, cuộc đời người nông dân nghèo và xác tín trong niềm tin những câu kinh lời kệ, không gian bốn mùa của núi non u tịch… Tất cả hòa quyện lại, âm thầm, bền bỉ nhưng mãnh liệt nuôi dưỡng các chú tiểu thành những nhà sư. Đến lượt mình, các nhà sư đã lan tỏa vào nhân gian một thứ hào quang, tỏa sáng vào những kiếp đời cần lao với ruộng đồng làng xóm. Trong dòng chảy bất diệt của văn hóa Việt có phù sa của tinh thần Phật giáo. Những hạt phù sa ấy khởi nguyên từ những con người hữu danh và vô danh dưới những thôn xóm rợp bóng tre bóng trúc.

Ngôi chùa của sư chú tôi nằm dưới chân núi Bà, một trong những rặng núi dài nhất của Bình Định. Dọc theo núi Bà, có đến gần mười ngôi chùa, hầu hết đều nằm lưng chừng núi, chỉ có chùa sư chú tôi là nằm ngay dưới chân núi. Sau chùa là rặng núi cao, chung quanh cũng đều có núi và những hòn đá bao bọc. Chính vì nằm nơi vị trí hiểm trở như vậy, nên khi Tây Sơn khởi nghĩa, Nguyễn Nhạc đã lấy nơi này làm kho chứa lương thực và cũng để trấn giữ mặt biển. Nguyễn Nhạc đặt tên là Tân Phủ Càn Dương, cạnh phủ về phía Tây, có một hòn đá rất lớn, mà dân địa phương gọi là đá Đài.
Hình ảnh
Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì theo truyền thuyết thì nghĩa quân Tây Sơn đã dùng hòn đá này để quan sát quân chúa Nguyễn. Cũng còn một truyền thuyết nữa nói rằng, sau khi Nguyễn Huệ chết, quân Tây Sơn bắt đầu suy yếu, một lần quân Nguyễn từ trong Nam ra tấn công chớp nhoáng cửa biển Cách Thử, cách Tân Phủ Càn Dương chỉ có năm cây số. Nguyễn Nhạc không còn cách nào hơn là sai sứ giả ra Thuận Hóa để cầu viện. Vì quá nóng lòng, nên chiều nào Nguyễn Nhạc cũng trèo lên hòn đá Đài để trông ra Thuận Hóa.

Tôi rất mê truyền thuyết này nhất là khi biết đọc lịch sử và bắt đầu biết suy tư đôi chút về “vận nước long đong”, nên cứ mỗi lần về thăm quê, tôi lại ra đứng trên nền gạch đổ nát của Tân Phủ Càn Dương, nhìn lên ngọn đá Đài, và tưởng tượng cái bóng cô đơn của Nguyễn Nhạc cách đây hai trăm năm vẫn còn ngả dài trong bóng chiều đang đổ xuống giữa núi rừng hiu quạnh.

Khi tôi vào chùa thì chùa chỉ còn lại có sư chú và tôi. Những người vào chùa trước tôi đều được sư chú gởi đi học ở các Phật học đường, một số trong tỉnh và một số vào Nam. Vì vậy chùa gần như vắng vẻ cả ngày, chỉ có buổi tối là hơi vui, vì có một số thanh niên trong làng vào tụng kinh và ngủ luôn tại chùa.

Tôi vì còn nhỏ, nên cũng chẳng làm gì vất vả, ngoài hai buổi đi học ở trường làng, chỉ có bổn phận duy nhất là buổi chiều rót dầu, lau bóng đèn, thắp hương, hồi chuông trống và công phu chiều. Còn nấu cơm thì sư chú tôi đã nhờ bổn đạo ngoài làng, khi nào rảnh rỗi việc đồng áng thì có mẹ tôi vào nấu.

Mộ cha tôi nằm trên miếng đất cao trước chùa. Có những buổi chiều vắng vẻ, sư chú đi vắng, còn lại một mình tôi trong chùa, tôi thường ra đứng nơi miếng đất cao gần mộ cha mà trông có người vào chùa để ngủ cho đỡ buồn. Trong số những người vào chùa ban đêm đó, có một người đã lớn tuổi, mù cả hai mắt, trong làng ai cũng gọi là chú Năm, vì chú là thứ năm. Chú Năm nổi tiếng là người hung dữ, ai đụng đến là chú chửi càn, kể cả mẹ của chú nữa, bởi vậy nên mọi người gần như xa lánh chú hết.

Nhưng không hiểu vì sao, một hôm chú vào chùa xin ban đêm được vào chùa để tụng kinh niệm Phật. Chú Năm nhờ tôi chép kinh cho chú trong tập vở học trò. Cách học của chú là cứ nhờ tôi đọc lên một câu, rồi chú cứ lẩm nhẩm câu đó trong miệng cho đến khi thuộc thì nhờ đọc câu khác. Cứ như vậy, chỉ đâu chừng hai năm, chú không những đã thuộc cả hai thời công phu, mà còn cả Phổ Môn và Hồng Danh nữa.

Vì nhà nghèo, chú Năm phải làm lụng vất vả suốt ngày, có khi thì đi mót lúa, có khi phải vào núi để kiếm củi mang về. Vậy mà trong số những người vào chùa chú Năm là người siêng nhất, chú tự nguyện đóng chuông buổi tối và khuya. Có những buổi khuya ngủ quên hết, một mình chú thức dậy mò mẫm lên thắp hương, đóng chuông xong thì tụng kinh cho đến gần sáng. Nhưng tiếng tụng kinh của chú Năm tôi nghe sao giống cuộc đời của chú quá! Nhiều khi trong những đêm khuya nghe giọng chú cất lên, tôi có cảm giác như chú đã gởi trọn tấm lòng mình vào tiếng kinh lời kệ như tiếng than dài não ruột mà chú đang âm thầm mò mẫm bước đi vậy.

Những năm tháng ở trong chùa, sư chú tôi vẫn thường kể lại cuộc đời của cha tôi cho tôi nghe. Dù là kể cho tôi, nhưng trong khi kể tôi vẫn nhận ra một chút thương tiếc ngậm ngùi của sư chú về người anh mệnh yểu của mình. Đại khái cha tôi cũng chỉ là một người nông dân bình thường, nhưng theo sư chú thì cha tôi rất khỏe mạnh và giỏi võ, nên mỗi khi lên núi đốn củi cha tôi đều xuống núi trước những người khác mặc dù cùng lên núi một lần.

Vì được nghe kể hoài như vậy, nên những chiều một mình trong chùa, tôi mới hay ra đứng gần mộ cha để nhìn lên dãy núi cao sau chùa, rồi cứ thắc mắc không biết khi đi đốn củi cha tôi có leo lên ngồi nghỉ mệt nơi hòn đá bên đường mòn kia không? Hay khi đứng nhìn một cây cổ thụ, tôi cũng cứ thắc mắc là khi còn sống cha tôi có đứng nhìn cây như tôi đang nhìn đây không?

Tôi không ngờ, chính nhờ người cha mà tôi chưa hề một lần gặp mặt này, đã đưa tâm hồn tôi đến gần với núi non. Và dường như cũng đã cảm nhận, dù rất mơ hồ một cái đẹp hùng vĩ của núi non? Tôi thuộc gần như nằm lòng từng hòn đá, từng gốc cây, từng con suối trên lối mòn đi lên núi. Tôi lại còn nhớ rõ tiếng hót của các loài chim nữa, như mùa xuân thì có tu hú gọi bầy, tháng tư tháng năm thì cu cườm từ đâu bay đến, tiếng gáy của chúng nghe xa vắng làm sao trong những buổi trưa hè tĩnh mịch. Đầu tháng 7 thì từng đàn két buổi sáng bay vào núi ăn trái sim, buổi chiều lại bay về trong nắng thu dìu dịu. Rồi tháng 9 tháng 10 đến, tiếng con mang từ trong núi vọng ra. Tôi nghe dân làng nói rằng hễ năm nào có mang về kêu thì năm đó làng có người chết hoặc tai nạn xảy đến. Vậy nên ai trong làng ai cũng cầu mong mùa đông sang năm mang đừng về nữa.

Nhờ những năm tháng tuổi thơ sống với núi non như vậy nên tôi có thể lãnh hội được dễ dàng những lời sau đây của một người vừa từ đỉnh núi cao nhất trở về:

“… Muốn thấy được sự cao cả của ngọn núi, người ta phải quan sát nó từ xa. Muốn hiểu nó, người ta phải đi chung quanh để rung động với nó. Muốn cảm thông nó, người ta phải sống với nó từ buổi rạng đông đến lúc chiều tà, trong cơn mưa phùn cũng như trời nắng gắt, mùa đông cũng như mùa hè… Khi đó họ sẽ hiểu được rằng những ngọn núi cũng có một đời sống không khác gì đời sống của chúng ta bao nhiêu…”

Tôi vẫn còn nhớ cũng hồi còn ở chùa nơi rặng núi ấy, cứ mỗi lần đến ngày kỵ Tổ thì tôi thường nghe sư chú tôi căn dặn bổn đạo của chùa hãy chuẩn bị đón tiếp “chư sơn”, còn nếu có cuộc họp để bàn Phật sự trong vùng thì gọi là họp “sơn môn”. Cách gọi như vậy ngày nay dường như đã không còn nghe nữa. Nếu có thì cũng chỉ các chùa ở miệt miền quê hẻo lánh mà thôi. Thực ra, ai mà chẳng biết, ít ra là trên mặt chữ nghĩa rằng tên gọi hoặc danh xưng vốn chẳng có nghĩa gì cả.

“What’s in a name? That which we call a rose by any other name would smell as sweet”.

Sá gì trong một danh xưng
Thế mà thiên hạ kẻ mừng người đau
Hoa hồng dù gọi thế nào
Thì hương vị vẫn ngọt ngào xưa nay
(W. Shakespear - Đặng Ngọc Chức dịch)


Vậy mà bây giờ nơi các chùa ở những thành phố ồn ào náo nhiệt kia, con người cũng ồn ào náo nhiệt theo danh xưng này, chức vụ nọ mà quên đi ngọn núi cao trong hồn mình, vốn biểu tượng cho sự đi lên của người xuất gia học đạo.

“… Trong đời sống hàng ngày, tại những đô thị ám khói, dưới vùng đồng bằng chật chội con người hầu như quên đi sự liên hệ giữa họ và vũ trụ, do đó họ cần một biểu tượng gì để nhắc nhở, để thúc đẩy họ, để hướng tầm mắt lên cao hơn. Núi đã đóng vai trò này nhưng tiếc rằng vì quá bận rộn với những tham vọng tầm thường, nhỏ mọn của đời sống vật chất, không mấy ai còn cảm nhận được sự giục giã âm thầm, thỉnh thoảng mới có người bất chợt cảm thấy một cái gì thôi thúc họ phải gạt bỏ những hệ lụy của đời sống để tìm đến một cái gì cao đẹp hơn. Họ bắt đầu đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống, và sự liên hệ của họ với thiên nhiên với vũ trụ…” (Con đường mây trắng – Lama Govinda)

Nếu tôi không lầm, thì hầu hết những người mồ côi cha hoặc mẹ, thường rất thích đọc hoặc nghe kể về những cảnh ngộ giống như mình để được an ủi, được vuốt ve cho đỡ bớt tủi thân. Tôi mồ côi cha từ thuở chưa sanh, nhà lại nghèo, nghĩa là chưa một lần biết gì về “tuổi thơ êm đềm” như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng tôi chưa hề biết tủi thân là gì, vì tôi vẫn luôn tự nhắc nhở với chính mình rằng:
Chẳng phải nhờ mẹ mà tôi thấy được cái đẹp của dòng sông, để từ đó tôi biết yêu thương cuộc đời này hơn! Còn cha? Chính nhờ những chiều đứng bên mộ cha mà tôi mới thấy được núi cao, để từ đó mới biết ngẩng mặt lên mà nhìn bầu trời cao rộng thay vì phải lầm lũi bước đi dưới mặt đất thấp đen này.

Thích Phước An, Nha Trang mùa Vu Lan Phật lịch 2545 (Dương lịch 2001)
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20273
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Trải Hết Cả Một Mùa Tháng Bảy - Thích Phước An

Bài viết bởi Hoàng Vân »





... :cafe: ...

Hình đại diện
Vi
Bài viết: 780
Ngày tham gia: Thứ năm 16/03/17 23:48

Re: Trải Hết Cả Một Mùa Tháng Bảy - Thích Phước An

Bài viết bởi Vi »


Thích Phước An - Người còn lại của nhóm tao nhân mặc khách


Nếu tìm trên Google, không có mấy thông tin về Thầy Thích Phước An.

Vào mùa Phật Đản 2016, cuốn tuỳ bút "Đường Về Núi Cũ Chùa Xưa" của thầy lần đầu tiên được được in lại ở Sài Gòn, nhờ sự kiện này mà công chúng quan tâm mới có được một ít thông tin về Thầy từ một bài viết hiếm hoi và cẩn trọng của Lam Điền trên Tuổi Trẻ.

Đến đầu năm 2018, trong một bài viết khác của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhân chuyến ghé thăm Thầy tại Chùa Hải Đức trên Đồi Trại Thuỷ ở thành phố Nha Trang cũng nhắc lại những điều như Lam Điền đã nói Thầy Thích Phước An - “người còn lại của nhóm tao nhân mặc khách”.

Nhóm “tao nhân mặc khách” mà Lam điền nhắc tới đây là những tên tuổi như Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Quách Tấn, Tuệ Sỹ, Giáo sư Lê Mạnh Thát, Hòa thượng Thích Trí Thủ Ni sư Trí Hải… Những nhà tư tưởng hiếm hoi của nước Việt đi từ Đại học Vạn Hạnh thời Việt Nam Cộng Hoà.

Nếu những vị cùng thời ít nhiều có thể dễ dàng tìm thấy thông tin trên Google, thầy Thích Phước An từ sau khi ra khỏi nhà tù cộng sản, thầy ẩn cư vào thế giới của Phật Pháp trên Đồi Trại Thuỷ, hẳn thày cũng thu vén để không làm khing động thế giới truy đuổi và tìm kiếm của chúng sanh.

Có một sự tình cờ mà tấm ảnh chụp thầy Thích Phước An dẫn thầy Tuệ Sỹ xuất hiện trên cuốn sách “tuyển tập văn học nghệ thuật đánh dấu 40 năm (1975-2015) người Việt tị nạn và định cư tại Úc”, ấn bản duy nhất bằng hai ngôn ngữ Việt Anh do Cộng Đồng Người Việt Tự Do NSW in với số ấn bản hạn chế.

Hình ảnh
Tấm ảnh này chụp lúc thầy Thích Phước An đưa thầy Tuệ sĩ vào Sài Gòn trên chuyến tàu lửa Nha Trang Sài Gòn khi thầy Tuệ Sỹ vừa mãn hạn 14 năm tù từ Nghệ An ra ghé chùa Hải Đức thăm các thầy ở đây.

Ảnh không đề tên tác giả, không biết ai đã có nhân duyên để ghi lại khoản khắc hiếm hoi cho một tư liệu quý mà chúng ta có được ngày nay.

Trong số những người cùng thời, Thầy Thích Phước An là một người rât thầm lặng.

Vào cái thời các bạn tao nhân của Thầy hoạt động xuât sắc và nổi bật, thầy chọn làm người độc giả.

Rồi khi lớp trí thức tiên phong trong việc chiêm nghiệm mong tìm ra một nền tảng cho đạo đức triết học Việt bị cắt lìa, bị dập tắt bị bóp nghẹt tiếng nói thì Thầy Thích Phước An đến lượt mình - lặng lẽ như thầy vẫn vậy, nhặt lấy ngọn cờ từ lớp trên ngã xuống, tiếp tục cuộc hành trình tuệ giác cho dân Việt - từ những bài viết của mình về Triết học Phập giáo Việt Nam như một nền tảng cho đạo lý Việt.

Lịch sử dựng nước xây dựng quốc gia Việt Nam gắn liền với lịch sử hình thành Phật giáo tại Việt Nam để từ đó hình thành lên văn hoá Việt.

Đã có những thời kỳ Phật giáo là quốc giáo trong nhiều thế kỷ liền tạo nên những thời kỳ hưng thịnh cho nước Việt.

Mỗi tôn giáo du nhập vào Việt Nam hay hình thành ở Việt Nam đều đem vào mình đạo lý người Việt. Vì vậy có thể tìm thấy Triết học Phật giáo Việt trong các tôn giáo khác và ngược lại các giáo lý căn bản của các tôn giáo khác có thể được tìm thấy trong đạo lý của Phật giáo tại Việt. Nam.

Những bài viết của Thầy về kinh Phât mà đẹp, đẹp một cách lẫm liệt và não nùng mà cũng trong ngần như giọt sương buổi sớm. Cây viết Nguyễn Hoa Lư đã phải kêu lên rằng“Thật là thiếu sót nếu sách giáo khoa viết cho trẻ con học không tìm đến những tác giả như Thích Phước An.”

Xin được chia sẻ một đoạn viết trong trong bài Kinh Địa Tạng – Bà Mẹ của mặt đất điêu linh

Mỗi khi có dịp đạp xe ra khỏi thành phố dọc theo những con đường quê, bất chợt nhìn thấy dây mướp hay dây bầu trổ bông vàng bên cạnh những đọt non mơn mởn thì lập tức tâm hồn tôi lại quay về những ngày thơ ấu của tôi. Ở đó, có đồng lúa chín vàng đang nằm phơi dưới ánh nắng gay gắt của những ngày cuối hạ, có con sông chạy ngang qua trước làng đầy nước sau những tháng hè khô cạn, có từng đàn két kêu la inh ỏi cứ buổi sáng bay vào núi để ăn trái sim, rồi buổi chiều lại bay về trong bầu trời đầy mây trắng khơi vơi, và quan trọng hơn nữa là có hình bóng của mẹ tôi đi chợ về đội trên đầu cái rổ có mấy trái bầu, trái mướp hay những bó cải tươi nước còn dính nơi đầu ngọn. Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn còn ngồi nghĩ bâng quơ, nếu có một màu xanh đậm đà nào còn đọng lại trong tuổi thơ của tôi, thì nhất định đó phải là màu xanh ở những trái bầu, trái mướp hay bó cải tươi nước còn dính ngọn mà tôi vẫn thường ngồi ngóng bà về, từ nơi ngạch cửa trước nhà.”

Những bài viết của thầy cẩn trọng về học thuật, giàu kiến thức và luôn gắn chặt vào lịch sử Việt đạo lý Việt. Tiếc rằng ngày nay thế hệ các trí thức tương lai của nước Việt đã không còn một nơi như Đại học Vạn Hạnh ngày nào để được nghe thầy giảng như cách các thầy đã từng nghe các thế hệ cha anh trước truyền đạt kiến thức.

Câu chuyện "Những điều ghi được từ mùa thu” là một phần trong bức tranh lịch sử Việt, một lịch sử không mấy gi vui.

Nhưng nghĩ cho cùng, nhân gian làm con người mọi vui buồn cuối cùng chỉ như mây trắng bay ngang trời. Chỉ có tình yêu thương là ở lại.
Hình đại diện
Vi
Bài viết: 780
Ngày tham gia: Thứ năm 16/03/17 23:48

Re: Trải Hết Cả Một Mùa Tháng Bảy - Thích Phước An

Bài viết bởi Vi »

Tuệ Trung Thượng Sỹ, kẻ rong chơi giữa sống và chết - Thích Phước An

Hình ảnh
I.
Tại sao lại phải từ chối sự bao la của bể cả, để chấp nhận thế giới hoang vu heo hút của núi rừng.

Quốc vương đức trạch khoan như hải,
Tùy phận ta ta thủy thảo xuân

Ơn đức quốc vương như bể cả.
Nhưng xin cứ tùy phận với chút ít cỏ nước mùa xuân.


Con đường đi lên, bao giờ cũng chông chênh và đầy hiểm nguy. Người đi phải tự mình vượt qua biết bao là núi non, đồi đỉnh, thì mới uống được ngụm nước đầu nguồn. Và chỉ tại nơi đó thôi, con người mới được hoàn toàn tự do ngắm cỏ nước mùa xuân:

Ngẫu hứng Quy sơn đắc đệ lân
Hoang vu cam tác mục ngưu nhân
Quốc vương đức trạch khoan như hải
Tùy phận ta ta thủy thảo xuân.
(Phóng Ngưu)

Quy Sơn xóm nọ bỗng quay về
Cam phận chăn trâu chốn nội hoang
Ơn đức Quốc vương như bể cả
Riêng vui cỏ suối với hoa ngàn.
(Ðỗ Văn Hỷ dịch)

Các sử liệu còn để lại, cho chúng ta biết rất ít về cuộc đời và con người của Tuệ Trung Thượng Sỹ. Ngay cả việc một số người viết, đã lầm lẫn từ người anh cả, xuống làm con của Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn, chỉ chừng ấy thôi, cũng khiến cho con người của ông, vốn đã độc đáo, lại càng độc đáo hơn nữa đối với chúng ta.

Có lẽ, cũng như đa số các Vương hầu thân tín khác của nhà Trần, Ông cũng đã từng trực tiếp tham gia các cuộc kháng chiến đánh đuổi quân Nguyên xâm lược. Nhưng khi chiến thắng rồi, nghĩa là đất nước trở lại thanh bình, thì hành tung của ông không được nhắc đến nữa.

Ðây là một sự thiếu sót tư liệu bình thường? Hay là, chúng ta nên xếp Tuệ Trung Thượng Sỹ vào đội ngũ của những con người ngoại lệ? Những con người đi và muốn xóa sạch vết chân của chính mình?

Khi một dân tộc hay một cá nhân quá khát khao đi tìm thanh bình cho đời sống nội tâm của mình, thì chắc chắn vấn đề lịch sử không bao giờ được họ bận tâm đến.

Như Ấn Ðộ chẳng hạn, có một nền văn minh lớn nhất vào thời cổ, vậy mà không có một sử gia tầm cỡ Tư Mã Thiên (Trung Quốc) Hérodote Thucydie (Hi Lạp) Plutarque hay Tacite (La Mã), vì họ chỉ muốn giải thoát thân phận bi thảm của chính họ ra khỏi ngục tù của thời gian thôi. Ðối tượng suy tư của họ cũng cao ngất như dãy Hi-Mã-Lạp-Sơn quanh năm bao phủ đầy tuyết trắng kia. Và Lão Tử của Trung Hoa nữa, vì khinh bỉ tư cách đê tiện của một số quan lại và xã hội mình đang sống, nên đã quyết tâm đi ẩn dật. Nếu không có Doãn Hỉ, thì chúng ta đã không có bộ Ðạo Ðức Kinh. Ðây là sự cống hiến lớn lao vào nền văn minh triết của nhân loại.

Nhưng điều khôi hài là, những kẻ xem lịch sử như một trò đùa đó, thì chính họ lại đóng một vai trò lớn lao trong sự phát triển của lịch sử tư tưởng con người.

Chúng ta có thể tưởng tượng được như thế này: thế giới sẽ đen tối biết là bao, nếu xưa kia, không có những con người dám từ bỏ những thú vui vật dục tầm thường, đi vào rừng sâu, để tìm kiếm một thú vui khác, một thú vui mà chung cục, sẽ không gây tai hại và chết chóc cho bất cứ ai trên đời này.

Dường như, nền văn minh của thế giới hiện tại quá lạnh lùng, lạnh lùng đến độ gần như tàn nhẫn. Có lẽ chính vì thế mà những con người của Thế giới ngày hôm nay, đang khát khao hơn bao giờ hết, một chút thi vị của người Ðông Phương xa xưa.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Tuệ Trung Thượng Sỹ thuộc vào đội ngũ của những con người ngoại lệ ấy.

Trong bài Dưỡng Chân (Nuôi Dưỡng Chân Tánh). Ông đã từ chối tham dự vào trò chơi của con người trên sân khấu cuộc đời, và chỉ chấp nhận nhập cuộc vào trò chơi lớn lao hơn, trò chơi cùng tạo vật trong vũ trụ.

Suy táp hình hài khởi túc vân
Phi quan lão hạc tị kê quần
Thiên thanh vạn thúy mê hương quốc
Hải giác thiên đầu thị dưỡng chân
(Dương Chân)

Hình hài suy yếu đâu phải là chuyện đáng bàn
Cũng không phải chuyện chim hạc lánh đàn gà
Nghìn màu xanh, muôn vẻ thúy tràn ngập làng nước
Góc bể bên trời là nơi nuôi dưỡng chân tánh của ta.
(Ðỗ Văn Hỷ dịch)


Tại nơi góc bể chân trời ấy, con người có thể dong thuyền ra khơi, say sưa ngây ngất với một mùa thu vừa chớm dậy và lắng nghe niềm im lặng của đất trời mênh mông:

Tiều đỉnh trường giang đãng dạng phù
Du dương trạo bát quá than đầu
Nhất thanh hà xứ tân lai nhạn
Trắc giác thu phong biến thập châu.
(Giang Hồ Tự Thích)

Sông dài, thuyền nhỏ nổi lênh đênh
Cất mái chèo qua đoạn thác ghềnh
Một tiếng nhạn trời đâu vẳng đến
Gió thu như đã dậy mênh mông.
(Ðào Phương Bình dịch)

Dường như có một nỗi khát khao về tự do và cái đẹp cứ trào vọt ra từ cõi thơ của Tuệ Trung Thượng Sỹ. Chỉ có cái đề được chọn là: Vui thích giang hồ (Giang Hồ Tự Thích) thôi, cũng đã nói lên hết tất cả nỗi khát khao ấy.

Nhưng những ai dám cùng với Tuệ Trung Thượng Sỹ “Cất mái chèo qua đoạn thác ghềnh” để đến được bến bờ của tự do ấy?

Dĩ nhiên, chỉ những người đã nhận chân được rằng, cuộc đời mà hiện mình đang sống đây, chẳng có một ý nghĩa gì cả, nhưng chỉ lặp đi lặp lại trong nhàm chán và vô vị. Bởi vậy, đã đến lúc phải từ bỏ mà lên đường tìm kiếm một hương vị khác cho cuộc đời.

Còn những người sống chỉ biết hưởng thụ, lúc nào cũng chờ có dịp tốt là kiếm quyền lợi về cho bản thân mình, những người trong một bài thơ Tuệ Trung Thượng Sỹ đã gọi là bọn “Cháy đầu bỏng trán” (Tiêu Đầu Lạn Ngạch), những người như vậy làm sao biết đến chân trời đó.Vì chân trời ấy, chỉ để cho những con người xuất chúng, những con người đầy nghị lực bước đi mà thôi:

Tiêu đầu lạn ngạch bị kim bào
Ngũ thất niên gian thị xưởng tào
Túng dã siêu quần kiêm bạt tụy
Nhất hồi phóng hạ nhất hồi cao.
(Chiếu Thân)

Cháy đầu bỏng trán, thì được mặc áo bào vàng
Còn mình năm bảy năm nay vẫn ở nơi xay giã
Nếu là bậc siêu quần xuất chúng
Thì cứ một lần hạ xuống lại một lần lên cao.
(Ðỗ Văn Hỷ dịch)


Có nên xem hai câu:

Túng đã siêu quần kiêm bạt tụy
Nhất hồi phóng hạ nhất hồi cao


Như là kinh Nhật Tụng, mà ta phải trì tụng mỗi ngày để xem có còn sợ hãi sự thất bại trước cuộc đời nữa không?

II.
Khi ta nhìn một đóa hoa đang nở rộ, hay thỉnh thoảng đứng trên đồi cao nhìn vạt nắng mong manh cuối cùng của buổi chiều tà. Những lúc như vậy, dường như tâm hồn ta như có một nỗi bất an. Vì có lẽ, ta trực nhận được rằng, cái đẹp này rất mong manh, thoáng chốc, và chẳng bao lâu nữa, nó sẽ tan biến ngay lập tức. Như vậy, con người nên đi tìm cái đẹp ở đâu? Nơi nào mới không có sự tàn phai?

Là một nhà thơ của Phật giáo Thiền Tông, Tuệ Trung Thượng Sỹ khuyên ta nên trở về tìm kiếm cái đẹp ngay bên trong, chứ đừng tìm bên ngoài. Nếu ngày nào ta vẫn cứ tiếp tục lang thang đi tìm bên ngoài, thì ngày đó ta vẫn chỉ gặp toàn thất vọng và đau khổ mà thôi.

Trong ta có một suối nguồn sâu thẳm, nếu ta biết khai phá một cách kiên trì, thì một lúc nào đó, hàng vạn đóa hoa sẽ bừng nở lên giữa mùa xuân bất tận:

Học giả phân phân bất nại hà
Ðô tương linh đích khổ tương ma
Báo quân hưu ỷ tha môn hộ
Nhất điểm xuân quang xứ xứ hoa.
(Thị Học)

Học đạo mênh mông ai có hay
Gạch đem mài gạch, nhọc nhằn thay!
Cửa người anh hãy thôi nương tựa
Một ánh xuân về hoa đó đây!
(Ðỗ Văn Hỷ dịch)


Nhưng không phải Tuệ Trung Thượng Sỹ chỉ là một nhà thơ ngồi tưởng tượng ra cái đẹp đó rồi viết thành thơ đâu, nhưng Người còn là một hành giả nữa, nghĩa là đã từng trực nhận cái đẹp vời vợi đó, bằng chính kinh nghiệm bản thân mình:

Ðường trung đoạn tọa tịch vô ngôn
Nhàn khẩn Côn Luân nhất lũ yên.
(Ngẫu Tác)

Ngồi ngay ngắm giữa nhà lặng lẽ không nói
Thảnh thơi nhìn một tia khói trên núi Côn Luân
(Huệ Chi dịch)

Ngồi thảnh thơi nhìn một tia khói trên núi Côn Luân là gì? Có phải chính đó là giây phút mà nói theo thuật ngữ của Thiền là ngộ (Satori) đó không? Giây phút đó rất quan trọng, vì nó làm sụp đổ tất cả trật tự cũ, và cánh cửa vô hạn đã được mở tung:

Phiên thân nhất trịch xuất phần lung
Vạn vật đô lô nhập nhãn không
Tam giới mang mang tâm liễu liễu
Nguyệt hoa Tây một nhật thăng Ðông.
(Thoát Thể)

Vương mình một cái vượt ra khỏi lồng
Muôn việc đều như trò chơi, vào mắt cũng thành hư không
Tam giới mênh mông cõi lòng sáng rõ
Bóng trăng chìm xuống phương Tây,
Mặt trời mọc ở phương Ðông.
(Ðào Phương Bình dịch)


III.
Thiền, cần thực nghiệm, có nghĩa là ta phải nắm bắt thực tại trong đôi bàn tay trần của mình nên từ chối vai trò của văn tự “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự”. Nhưng vì là một nhà thơ và tư tưởng gia của Thiền, nên Tuệ Trung Thượng Sỹ vẫn phải sử dụng đến phương tiện của ngôn ngữ. Nhưng ngôn ngữ có một giới hạn nhất định của nó trong việc diễn đạt thực tại.

Có một bài thơ hơi khó hiểu, nhưng ta cũng có thể đoán được rằng, Tuệ Trung Thượng Sỹ đã rất phân vân khi ông phải phát biểu cái mà đáng lý ra nên im lặng:

Ðạp trước quan đầu vị sát na
Tung hoành phóng ngữ trát già dà
Niên lai bút chảy vô đoan thậm
Tam giới Như Lai bất nại hà.
(Ðề Tịnh Xá)

Dẫm chân tới đầu cổng chùa chưa được giây lát,
Buông lời dọc ngang viết nên bài kệ
Năm gần đây, ngòi bút bỗng trở nên hờ hững
Như Lai ở ba giới cũng chả biết là thế nào!
(Ðỗ Văn Hỷ dịch)


Thế nhưng đã để lại văn tự, thì tất nhiên phải có giải thích mà giải thích thì phải có sai lạc, đó là chuyện bình thường. Nhưng có những trường hợp mà ta bị bắt buộc phải nghĩ là đã có cố ý giải thích sai lạc.

Chẳng hạn, gần đây có một số bài viết cho rằng, Tuệ Trung Thượng Sỹ đã chủ trương không cần ngồi Thiền, cũng chẳng cần niệm Phật, vì đã có thơ trích để chứng minh cho lý luận trên:

Tự thị quyện thời tâm tự tức
Bất quan nhiếp niệm bất quan thiền,

Khi nào mỏi mệt thì tâm tự tắt
Chẳng cần niệm Phật, chẳng ngồi Thiền


Hay táo bạo hơn, bác bỏ hẳn việc trì giới và nhẫn nhục:

Trì giới kiêm nhẫn nhục
Chiêu tội bất chiêu phước
Dục tri vô tội phước
Phi trì giới nhẫn nhục.

Trì giới và nhẫn nhục
Chỉ chuốc tội chứ không chuốc phước
Muốn biết không tội phước
Thì đừng trì giới nhẫn nhục.
(Huệ Chi dịch)


Chúng ta phải hiểu rằng, đây là ngôn ngữ của người đã đứng trên đỉnh núi cao. Nhưng chúng ta, những người còn ở dưới chân núi, mà vẫn cố ý lặp lại như vậy, thì đó chỉ là đại ngôn mà thôi, và nên biết rằng, phá chấp nhiều khi cũng rất nguy hiểm, nó dễ bị lợi dụng để biện minh cho hành động “bậy bạ” của mình vậy.

Tuệ Trung Thượng Sỹ đã rất ý thức được điều nguy hại này, nên khi đọc cho Trần Nhân Tông nghe xong bài kệ ấy, Người đã cẩn thận căn dặn:

… Vật thị phi nhân

Chớ có bảo cho người không ra gì!

Như vậy, chỉ có nhân cách của con người mới chứng minh cho lời nói của mình là đúng hay sai? Nhân cách của Tuệ Trung Thượng Sỹ như thế nào? Có phải nhân cách đó đã chấn động tâm hồn của Trần Nhân Tông không? Cái gì đã khiến ông phải thốt lên:

Ngã tri Thượng Sỹ môn phong cao tiếu.

Vì vậy, ta biết môn phong của Thượng Sỹ thật là siêu việt

Tại sao một ông vua đã từng ăn chay từ hồi còn nhỏ, vậy mà phải ca ngợi một người đang ăn thịt cá là “Siêu việt” Có lẽ, đây là điều chúng ta nên suy nghĩ vậy.

IV.
Nhất khúc vô sinh xướng liễu thì
Ðảm hoành tất lật cố hương quy.

Vừa lúc “Vô sinh” dứt khúc ca
Cầm ngang ống sáo lại quê nhà.
(Ðỗ Văn Hỷ dịch)


Ðó là lời hát ca của người vừa tìm lại được tự do nơi quê nhà. Nhưng con người ấy, vẫn phải tiếp tục sống như bao nhiêu người thường tình khác trên thế gian này. Bởi vậy nên:

Khỏa quốc hân nhiên tiện thoát y
Lễ phi vô dã, tục tùy nghi.

Ðến xứ cởi trần cứ vui vẻ mà bỏ áo
Không phải là quên lễ, chỉ tùy theo thói tục mà thôi.
(Ðỗ Văn Hỷ dịch)


Nhưng điều quan trọng nhất trong thái độ chấp nhận đời sống, mà bên ngoài có vẻ như tầm thường ấy vẫn là, cũng chỉ vì tình thương vô hạn đối với người đồng loại mà thôi.

Trong suốt bài thơ “Vật Bất Năng Dung”, ta nghe ra được nỗi đau khổ vô cùng của Tuệ Trung Thượng Sỹ. Ông đau khổ, không phải cho chính mình, mà đau khổ vì biết được rằng, mình đang gánh lên vai tất cả sự ngu xuẩn của con người:

Kim xuyên chốc ấu vi huyền đắc
Minh kính manh nhân tác cái chi
Ngọc tháp nhập cầm ngưu bất thính
Hoa trang anh lạc tượng hà tri
Hu ta nhất khúc huyền trung diệu
Hợp bã hoàng kim chú Tử Kỳ.

Chiếc thoa vàng đối với bà già đầu
hói chỉ là chiếc móc để treo.
Tấm gương sáng đối với người mù
chỉ là cái nắp để đựng chén.
Dẫu tiếng ngọc nhập vào đàn cầm
thì trâu cũng chẳng thèm nghe.
Bông hoa có trang sức thêm chuỗi
ngọc thì voi cũng không biết đến.
Than ôi! Một khúc mầu nhiệm trong huyền vi.
Nên đem vàng mà đúc Tử Kỳ.
(Ðỗ Văn Hỷ dịch)

Nhưng không phải vì thế mà thối lui, trái lại con người càng vô minh bao nhiêu, thì sứ mạng cứu vớt con người lại càng phải được nung nấu bấy nhiêu. Vì vậy, Tuệ Trung Thượng Sỹ đã tham gia và xông trận, ông đã xuống núi với Thiền trượng trong tay:

Nhật nhật trượng trì tại chưởng trung
Hốt nhiên như hổ hựu như long
Niêm lai khước khủng sơn hà toái
Trác khởi hoàn phương nhật nguyệt lung
Tam xích song lâm hà xứ hữu ?
Lục hoàn Ðịa Tạng khoái nan phùng
Túng nhiêu thế đạo kỳ khu thậm
Bất nại tòng tiền bột tốt ông.
(Trụ Trượng Tử)

Ngày lại ngày qua tay vững gậy
Thoắt nhanh như cọp dẽo như rồng
Vung lên, sông núi e tan nát
Dựng dậy, trời trăng sợ mịt mùng
Ba thước song lâm tìm mỏi mắt
Sáu vòng Ðịa Tạng kiếm hoài công
Dẫu cho đường tục chông gai mấy
Lão chẳng như xưa bước ngại ngùng.
(Huệ Chi dịch)


Tuệ Trung Thượng Sỹ kêu gọi con người trước tiên, hãy đập vỡ bức tường ngăn cách với thế giới bên ngoài. Từ lâu ta cứ nghĩ rằng, hiện tượng bên ngoài chẳng có liên quan gì với chính ta cả, chính ý nghĩ đó thôi, cũng đã làm cho ta cảm thấy cô độc trước vũ trụ vô biên kia. Nhưng không, tất cả những gì được thể hiện bên ngoài chỉ là sự phóng hiện từ bên trong của chúng ta. Ta nghĩ như thế nào, thì vũ trụ và thế giới mà ta đang sống cũng sẽ như thế.

Niệm khởi, tâm tâm khởi
Tâm vong, niệm niệm vong
Dục tri đoan đích ý
Thạch hổ giảo kim đương
Thiên địa do đàn chỉ
Sơn xuyên đẳng thấu thanh
Tạm thời phong vũ động
Kê hướng ngũ canh minh.
(Thị Ðồ)

Một ý nghĩ nổi lên, thì mọi tâm nổi lên
Một tâm quên đi, thì mọi ý nghĩ quên đi
Muốn biết nghĩa đích thực
Hổ đá cắn dê vàng
Trời đất chỉ như búng ngón tay
Non sông chỉ bằng một tiếng dặng hắng
Tạm thời gió mưa rung chuyển
Gà gáy lúc canh năm.
(Huệ Chi dịch)


Sau khi đã giải phóng được ý niệm đó rồi, thì thiên nhiên không còn lạnh lùng và xa lạ trước cái nhìn của ta nữa, và vũ trụ vạn vật bỗng như được hồi sinh lại, đẹp vô cùng:

Thu quang hữu bút mạc hình dung
Khích mục sơn hà xứ xứ đồng
Nhất phái Tào khê hàn trạm trạm
Thiên nhiên Hùng nhộ bích tùng tùng
Ðăng lung chàng phá Kim cương quyển
Lộ trụ hồn thôn lật cức bông
Dục thức cá trung đoan đích ý
Tân la dạ bán nhật đầu hồng.
(Tự Ðề)

Ánh sáng mùa thu, không bút nào hình dung được
Ngước nhìn non sông nơi nào cũng một vẻ
Một dòng suối Tào khê lạnh ngăn ngắt
Nghìn năm núi Hùng nhộ vẫn xanh lớp lớp
Ðèn lồng đập vỡ vòng kim cương
Cột trần nuốt trọn tấm phên gai góc
Muốn biết cái ý xác thực trong đó
Nữa đêm ở Tân la, mặt trời đã ửng đỏ
(Huệ Chi dịch)


Và sau cùng, con người phải nhận ra rằng, mọi hiện tượng của thế gian, cứ thế tiếp tục trôi chảy không ngừng, sự tồn tại và hủy diệt của mọi sự vật và của chính ta nữa cũng nằm trong dòng sông vô tận ấy:

Sinh tử do lai bãi vấn trình
Nhân duyên thời tiết tự nhiên thành
Sơn vân dã hữu xuất sơn thế
Giản thủy chung vô đầu giản thanh
Tuế tuế hoa tùy tam nguyệt tiếu
Triêu triêu kê hướng ngũ canh minh
A thùy hội đắc nương sinh diện
Thùy tín nhân thiên tổng giả danh
(An Ðịnh Thời Tiết)

Thôi đừng hỏi lai lịch về con đường sống chết làm gì,
Thời tiết của “nhân duyên” cứ thế tự nó hình thành
Mây núi đã có cái thế bay ra khỏi núi
Nước suối không tiếng nào không phải là tiếng nước gieo vào lòng suối.
Hàng năm hoa vẫn nở vào tháng ba
Sáng sớm, gà vẫn gáy vào canh năm
Ai là người hiểu được mặt người mứ
Mới tin rằng người và trời đều là giả danh.
(Ðỗ Văn Hỷ dịch)


Vậy thì, tại sao ta phải sợ sống chết nhỉ? Trong bài: Sanh Tử Nhàn Nhi Dĩ (Sống chết chỉ là nhàn mà thôi!), Tuệ Trung Thượng Sỹ cho rằng, chỉ có người ngu mới sợ sống chết, còn kẻ trí, tức là người đã “ấn định được thời tiết” rồi, thì xem sống và chết chẳng là gì cả, mà cũng chỉ là một dịp để cho ta tiếp tục cuộc rong chơi, chỉ có vậy thôi:

Ngu nhơn điên đảo bố sinh tử
Trí giả đạt quan nhàn nhi dĩ.

Người ngu điên đảo sợ sống chết
Bậc trí có cái nhìn thông đạt, xem
sống chết chỉ là lẽ thường mà thôi.


[trích "Đường Về Núi Cũ Chùa Xưa]
Trả lời

Quay về “của người”