Đà Lạt đi rong
_________________ Nguyễn đình Phượng Uyển
Chín mười giờ đêm, xe buýt bắt đầu chuyển bánh từ trung tâm Saigon đi Đà lạt.
Xe dừng một vài trạm cho khách uống nước, duỗi tay duỗi chân, khoảng năm giờ sáng là đến nơi.
Tôi vào khách sạn nhận phòng, nghỉ ngơi qua loa, đợi sáng bửng để đi bụi.
Cảm giác đầu tiên, Đà Lạt không lạnh như mình tưởng, chắc ở nước ngoài lâu, mùa Đông có khi xuống 0 độ như bỡn, lờn mặt Đà Lạt rồi. Hì hì.
Đà Lạt thay da đổi thịt nhiều.
Người và xe như nước không khác gì Saigon. Bao nhiêu loại xe máy, xe hơi đời mới, vi vu qua lại. Không thấy mấy cô má đỏ môi hồng, đậm người, bắp vế to trong thành phố, chỉ thấy chộn rộn các thiếu nữ thanh mảnh, ăn bận điệu đàng, váy viếc, giày cao gót, hết sức thanh lịch.
Bốn bề, không còn mấy ngọn đồi trồng rau củ thành hình bậc thang và nhà vườn gánh nước tưới cây, thay vào đó là nhà gạch chi chít, sân xi măng chồm ra tận mép đường, lác đác hoa hoét trong chậu, không thấy phên giậu dây leo giăng mắc. Loài hoa dại cam như Dã Quỳ, Thiên Lý đặc trưng Đà Lạt, hồi xưa, đi chốc chốc lại thấy mọc ven đường, trong ngõ nhỏ, trên dốc nghiêng, quanh hàng rào, dưới bụi cỏ...giờ, muốn tìm lại cảnh cũ, phải chịu khó đi xa thành phố độ mươi cây số.
Quán nướng, tiệm ăn, shop thời trang, điện thoại..... nối tiếp nhau trên khắp các nẻo đường lớn nhỏ, tạo nên một bầu không khí sôi động, nhanh nhạy, rộn ràng.
Hai mươi năm trước, tối đói bụng, muốn tìm món gì ăn cũng ngại vì ngoài trời lạnh lẽo, lội qua mấy con hẻm xa xôi mới tìm được quán xá. Giờ thì khỏi. Trước mặt khách sạn đã có cơm tấm, phở, bánh mì. Đi thêm một đỗi là tỷ tỷ món ăn đường phố và quán nhậu, đèn đuốc sáng trưng, nhạc nhọt véo von. Quán cà phê thì khỏi nói, có đủ tiền để ghé hết các chỗ không mới là vấn đề.
Hết gọi đây là thành phố sương mù dù lúc ấy là đầu tháng Giêng, mùa lạnh nhất trong năm,vì có thấy sương đâu. Bức màn trắng mờ mờ, đục đục là khói : khói xe, khói đun nấu, chất thải...
Có người cãi “ Sương đấy !”
Còn lâu. Trời lạnh mới có sương và mình phải cảm nhận được độ ẩm trong mũi, chút ươn ướt trên da thịt mới đúng là sương. Đằng này, không khí khô rang. Sáng sớm chỉ cần khoác thêm một cái áo mỏng là đủ. Tại tôi ở nước ngoài lâu không thấy lạnh, thế người bản địa cũng phong phanh kìa.
Dứt khoát đấy là khói.
Đà Lạt đừng buồn. Không chỉ Đà Lạt bị khói bao phủ. Sài Gòn, Vũng Tàu cũng rứa. Campuchia, Thái Lan y chang. Tin không, các thành phố lớn ở Hàn Quốc và Nhật Bản cũng bọc trong lớp khói mờ. Đánh đổi nông nghiệp lấy công nghệ @ phải chịu thôi. Lỗi không phải tại một mình cư dân nơi đây. Khí thải của bao nhiêu quốc gia trên toàn cầu phun ra, tràn đi khắp nơi, ai nhốt được khói bụi riêng từng chỗ ?
Trai gái Đà Lạt không còn gánh hàng trên vai hay thồ rau củ bằng xe đạp. Họ chất hết lên xe máy và xe hơi cho khỏe, lại nhanh chóng, an toàn. Nhờ vậy họ bớt “phèn”, ra dáng người thành thị, ông chủ, bà chủ.
Người bạn rủ tôi vào quán cà phê Tùng, bảo rằng nơi này nghệ sĩ hay ghé chơi.
Quán tí hin. Khách ngồi chật ních, đủ cả già trẻ lớn bé.
Bàn cà phê chừng 40cm X 20cm. Người bạn đảo mắt nhìn quanh. Hết chỗ. Chị kéo tôi vào ngồi chung bàn với hai cô cậu nhỏ đang nhỏ to bàn tán gì đó.
Trời ! Quán ăn ngồi chung bàn với khách lạ còn chấp nhận được vì mình ăn nhanh rồi đi.
Cà phê là chỗ để tâm tình, tán gẫu dài dòng, ai lại ngồi chung? Chưa kể cái bàn bé bằng cái lỗ mũi, móc ruột cho người lạ nghe chuyện à ? Người bạn bảo “ Đã sao?” Tôi đảo mắt, khách khứa ngồi chung như vậy thật. Hết biết.
Chả hiểu cà phê Tùng có cái gì hay ho mà thiên hạ bu đông bu đỏ. Quán xập xệ. Cửa kính đen xì, mốc thếch. Nhạc nhọt lấy từ mấy cuốn băng Khánh Ly, Lệ Thu, Lê Uyên Phương... thời trước 75. Băng cũ, âm thanh đục ngầu. Trẻ con người lớn phì phèo thuốc lá trong phòng kiếng làm không khí càng thêm ngột ngạt.
Đà Lạt thiếu gì cảnh đẹp, cà phê Tùng chỉ có bốn bức tường. Đằng trước để xe. Tiếp đến là đường sá. Qua nữa là hàng quán. Ngắm cái gì?
Tôi không uống cà phê nhưng thích săn lùng những quán cà phê đẹp, nhạc hay để ngồi chơi. Thức uống của tôi thường là kem, nước cam, trái cây vớ vẩn... Chỉ là cái cớ để mua một không gian riêng tư, thoải mái. Không kiếm được thứ này ở đây.
Có người khen cà phê Tùng ngon. Tôi chỉ dứt một ly sữa đậu nành nóng nên chả thấy gì đặc biệt. Đến cho biết hồi xa xưa các văn nghệ sĩ – trong đó có Bố khi chưa lấy vợ- thường tụ tập chỗ này như đi thăm một di tích lịch sử. Bao nhiêu quán khác , thơ mộng, quyến rũ hơn “Tùng” nhiều.
Jivral, Pagode ở Saigon đã từng là nơi văn nghệ sĩ trước 75 hay tụm năm túm bảy để viết lách, tán dóc. Bố tôi được dành một bàn riêng trong Jivral. Ông ngồi đây viết nhiều hơn ở nhà. Bây giờ quán được tân trang sạch sẽ, bắt mắt, rộng rãi. Qua hàng kiếng bọc quanh tiệm, ta có thể ngắm nhìn cảnh quan thiên hạ, nhất là mình sẽ có một bàn riêng để tiếp khách, để hoài niệm. Quán đẹp thế này các cụ thích tụ họp là phải.
Năng lui tới Jivral còn hiểu được, chứ “Tùng” thì... hơi ngộ ! Văn nghệ sĩ mà lại ngồi chung bàn với trẻ con lạ hoắc, không khí ồn ào chộn rộn ….????
Cà phê “Nghệ Sĩ” cheo leo dốc đá, yên tĩnh, thoáng mát. Quán trên cao, nhìn xuống phía dưới là mấy quầy bán hoa: Hồng, Cúc, Lay Ơn,... cả mấy sạp bán áo lạnh, khăn choàng rực rỡ sắc màu. Phóng tầm mắt xa chút nữa là Hồ Xuân Hương, bình yên, mềm mại với mấy hàng Liễu rủ, thấy cả cà phê Thanh Thủy hắt bóng tím dưới mặt hồ.
Ở quán “Tùng”, ngồi đụng vai với hai cô cậu nhỏ. Cậu giới thiệu đây là cô giáo dạy Anh văn của con. Cô bé chớp mắt, ngó ra cửa, cười lỏn lẻn. “Rảnh, tụi con hay lên Đà Lạt chơi chứ ở Saigon đông đúc và nực lắm.”
Sao không nói đây là bạn gái của con, cho nó gọn, lại anh hùng? Thằng nhỏ thật là... Ừ, tìm hiểu nhau cho rõ ngọn ngành , cưới hỏi tính sau như Tây phương, hợp lý hơn đúng không các bạn trẻ ? Tôi nói thầm.
Đà Lạt có chỗ nào lạ, chỉ cho cô. Mấy chỗ nổi tiếng Thung Lũng Tình Yêu, Thác Preine...cô đi hết rồi.
Hai đứa nhỏ kể ra một lô một lốc. Chỗ này đi xe máy hay taxi , đến buổi sáng hay buổi chiều, giá cả bao nhiêu....Mình đúng là “ Mèo mù vớ cá rán” .
2
Phải rong ruổi Đà Lạt bằng xe máy mới dòm ngang dòm ngửa được.
Ra Hồ Xuân Hương, thấy một bác xe ôm già, tóc bạc phơ, mồm móm mém, da đen nhẻm, người rắn chắc, ngồi tha thẩn. Tôi đưa cho ông mảnh giấy ghi những địa chỉ muốn đến, hỏi giá cả và lên xe.
Hơi sợ sợ. Lỡ ổng chở mình đi lạc thì sao nhỉ ? Thì “boa”. Máu thám hiểm trong đầu tràn lên, che lấp hết mọi nghi ngại.
Ra khỏi thành phố chừng tiếng đồng hồ là thấy đồi núi chập chùng, vườn rau chíu chít hình bậc thang, Dã Quỳ mọc dại ven đường, rộn ràng cam vàng đây đó. Đường đi ổ gà ổ trâu, xe xóc, lắm lúc mình muốn rơi xuống đất nhưng vui khi tìm lại được cảm giác này.
Thỉnh thoảng gặp mấy bà, mấy cô chạy ngược chiều ,chở các bó hoa to tướng ở phía trước tay lái và phía sau yên xe. Bác xe ôm nói hai bó hoa ấy nặng cả trăm ký, các chị chở hoa ra chợ bỏ mối đấy.
3
Cái tên “ Lữ Quán Ma Rừng” khêu gợi trí tò mò của tôi ghê gớm nên tôi phải thăm viếng chỗ đó trước. Từ ngoài đã nhìn thấy những cái chòi màu tím. Hoa trồng quanh quán cũng lấm tấm tím : hoa Sim, Pense'e, Tường Vi, hoa Giấy và hoa quái quỷ gì nữa ...Thơ mộng ra phết!
Khu du lịch vắng vẻ, có mình tôi là khách, chắc tại mình đi ngày trong tuần, nhờ vậy mình thong thả, ngắm cảnh vật kỹ càng hơn. Quanh quán có một con suối chảy róc rách. Quán vẫn còn đang xây dựng, thợ thuyền đục đẽo, bào gõ râm ran.
Tiếng piano, guitar trong vắt, phát ra từ cặp loa lớn để ở góc vườn , giữa khung cảnh vắng lặng, nghe cứ như giàn nhạc sống.
Chủ nhân cho biết ngày xưa anh thích đi săn nên bạn bè gọi anh là “ Ma Rừng” vì vậy mới có tên “ Lữ Quán Ma Rừng”. Muốn trốn cảnh xô bồ ở Saigon, hai vợ chồng mua mảnh đất trên Dalat, trồng trọt, trang trí làm chỗ nghỉ ngơi chứ không có ý định biến nơi này thành khu du lịch nhưng bạn bè thích, người này giới thiệu người kia tới chơi. Anh để thùng tiền ngoài cổng, ai muốn bỏ vào bao nhiêu thì bỏ, anh dùng tiền đó để cho từ thiện. Xa thành phố, nhà hàng chỉ làm những món ăn dã chiến cho khách ghé thăm: mì gói, bánh mì...
Ông chủ còn trẻ, nghe cách nói chuyện không phải ông muốn tạo ra một phong cách phớt đời, chịu chơi mà có vẻ ông muốn tìm một nơi yên tĩnh thật sự, hòa mình vào thiên nhiên.
Đấy, ai có tiền, muốn nhìn Dalat nên thơ, cũ kỹ, cách xa phố thị như anh “Ma Rừng” thì làm. Dẫu sao, anh vẫn còn Saigon để làm ăn, để đi lại.
Mong trung tâm Dalat còn những con đường đất ngoằn nghoèo, lởm chởm, nhà gỗ thâm thấp....như thời Bảo Đại là điều không phải. Mừng cho Dalat giàu sang thịnh vượng, dân tình đỡ vất vả dù họ có bán đi ruộng nương để đổi đời.
“Làng Cù Lần” là nơi thứ hai buộc tôi phải đến vì cái tên ngộ nghĩnh.
Lọt thỏm giữa bốn bề đồi núi hùng vỹ là một mảnh đất bằng phẳng tự nhiên. Khu du lịch làm mấy bậc cầu thang lên xuống cho dễ đi, cầu lắt lẻo bắc qua suối, dựng nhà chòi Tây Nguyên, trồng nhiều vườn hoa... Đẹp !
“Nghe lời mấy đứa bé, tôi mò vào L'angfarm để ăn buffet.
L'angfarm nằm ngay chợ Dalat, chỗ dốc cầu thang đi xuống. Trả 49000 VND khoảng 3 Úc kim, tôi sẽ ăn thỏa thích các món trong tiệm, ăn bao lâu cũng được.
Tiệm có đủ loại mứt đặc sản Đà Lạt. Mỗi loại để trong một cái hũ thủy tinh. Các loại trà để trong từng ấm nhỏ. Các loại khô bò, khô gà..., các loại kem, nước Atiso, khoai lang luộc, bắp luộc...
Bánh tráng trộn là một loại bánh đa nướng trên bếp than. Khi nướng mặt thứ hai, người ta sẽ đập một quả trứng gà lên bánh, trộn đều, trét đầy mặt bánh, cho thêm phô mai, vài lát xúc xích rồi gấp bánh tráng làm hai. Ngon tuyệt cú mèo. Tôi chỉ ăn một phần ba bánh, để bụng cho mấy món khác.
Mặt tiền L'angfarm là cửa kiếng trong. Với mấy tách trà và Atiso, tôi ngồi nhâm nhi mứt, ngắm nhìn Đà Lạt lên đèn về đêm, rực rỡ, chộn rộn người qua kẻ lại. Mấy sập áo lạnh đủ màu càng làm cho chợ Dalat thêm bắt mắt. Rồi thì ốc nướng, quầy trái cây rau quả, dép guốc, bóp ví...sôi động quá chừng.
Có bốn mươi chín ngàn mà được ăn đủ thứ, không biết họ kiếm lời bằng cách nào. Khách ăn thấy ngon, có thể xuống tầng trệt để mua mấy mặt hàng này với bao bì đóng gói kỹ lưỡng, đẹp mắt. Trên lầu có món gì, tầng trệt có món đó. Một kiểu quảng cáo hay hay.
Thể nào tôi cũng quay lại thăm Đà Lạt nếu có dịp. Tin rằng lần sau Đà Lạt sẽ có thêm vài danh lam thắng cảnh mới để đi rong cho thỏa chí.