-
Chuyện chiếc drap trải giường
“Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống; ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 14, 11)
__________________________________________________
Thú thật, bà T. ở đâu tôi cũng chẳng biết. Chỉ mang máng đâu đó trong một khu người Bắc di cư ở Biên Hòa. Người nhỏ nhắn, lưng còng như không thể còng hơn, tóc bạc lơ thơ…như trăm ngàn người mẹ già Việt Nam khác. Và… không bao giờ đi khám đúng hẹn, mặc dù đã được nhắc nhở bao lần trước đó.
Áo quần cũ kỹ nhưng luôn sạch sẽ, thẳng thớm, bà T. nói chuyện nhẹ nhàng, từ tốn. Lại không biết dùng di động, nên cuộc khám bệnh không bao giờ bị cắt ngang bởi những tiếng reng reng rất khó chịu và gây phân tâm cho cả đôi bên.
Tuy vậy, khám bà T. khá nhọc. Vì tuy chỉ đến bệnh viện mỗi 4 tháng để theo dõi về chứng trầm cảm, bà ấy lại xem đây là dịp để than thở về đủ thứ chuyện mà tôi gần như thuộc lòng. Nào là chồng mất sớm, một thân một mình di cư vào Nam, đầu tắt mặt tối nuôi con ăn học nên người. Nào là con cái bận bịu đi làm xa, lâu lâu mới bồng cháu về thăm. Nào là không biết gọi điện thoại, nên không thể lấy hẹn đi khám đúng ngày, “bác sĩ đừng giận nhà cháu”. Nào là dăm thứ “phương ngoại” lá cây vớ vẩn hàng xóm cho, “đem theo nhờ bác sĩ xem hộ có uống được không?” vv và vv…
Kỳ khám cuối cùng trong năm của bà T. thường rơi vào cận Tết. Năm nào cũng thế, người đàn bà tội nghiệp ấy lại tay xách nách mang, đùm đề một gói bánh tro đen thui mang vào bệnh viện. Trời đất, vốn không hảo của ngọt, lại ái ngại cho công khó người già, nhưng “của nhà làm, bác sĩ dùng lấy thảo”. Cứ thử khách sáo ngần ngại với món “nhà làm dùng lấy thảo” này thử xem, là thấy ngay ngân ngấn nước trong đôi mắt mờ đục ấy cho xem. Phải hoan hỉ nhận, thậm chí gọi nhân viên vào chia chác ngay tại chỗ, khuôn mặt héo hắt ấy mới móm mém nhoẻn cười…
Thương lắm!
Nhưng nếu chỉ ngần ấy, bà T. cũng sẽ như trăm ngàn bệnh nhân Việt Nam đôn hậu khác. Điều không quên được ở người bệnh nhân đặc biệt này là cứ mỗi lần lập cập leo xuống khỏi chiếc giường khám bệnh, không bao giờ bà T. lại quên trải, vuốt lại chiếc drap giường cho thẳng thớm. Của đáng tội, cái drap giấy ấy là disposable, xài một lần cho mỗi bệnh nhân rồi vứt. Đáng gì đâu mà bà cụ hom hem này cứ loay hoay mãi thế kia?
Một lần, quay lại thấy ánh nhìn chăm chú pha lẫn sốt ruột của tôi, bà T. bẽn lẽn phân bua: “để người sau nằm cho tươm tất, bác sĩ ạ!”
Chỉ có thế thôi, vậy mà không bao giờ gã thầy thuốc bận rộn là tôi lại có thể quên được người bệnh nhân SANG TRỌNG này. Chẳng cần chức tước vênh vang, không chút kiêu căng hợm hĩnh, bà cụ T đă là hiện thân của một nền giáo dục cao quí, thuần hậu và vô cùng thanh lịch: sự khiêm cung, lễ độ từ tận đáy lòng; nếp ăn ở nề nếp, chỉn chu trong từng hành vi nhỏ nhặt; thói quen luôn quan tâm, nghĩ đến người khác dù không hề quen biết…
Chỉ có thế thôi, người đàn bà hom hem, lam lũ kia quả là một người tao nhã thật sự, đế tôi trông vào mà thẹn với lòng.
Bẵng 2 cái Tết, không thấy cụ T quay lại với gói bánh tro mộc mạc gói lá chuối khô kia nữa. Vẫn biết sinh lão bệnh tử là lẽ trời không ai tránh khỏi, vậy mà tôi vẫn sững người khi nghe tin cụ trượt chân ngã gãy xương đùi, nằm liệt giường mấy tháng mới qui tiên. Cầu mong hương hồn cụ được yên nghỉ!
…
Đă từ lâu, trong mỗi biến cố trong đời như dọn nhà, đi xa… và trong đêm trừ tịch, tôi vẫn thắp một nén nhang cho những bệnh nhân đã tạ thế. Không chỉ để tưởng nhớ họ, nhưng còn để thành tâm xin họ tha thứ cho những cáu kỉnh, bực dọc, sơ ý… vô tình trong những phút bận rộn tối tăm mặt mũi.
Và tha thứ cho cả những sai lầm của tôi nữa!
Giao thừa năm nay, trong thấp thoáng những mặt người đã quá vãng đó, sẽ thêm một ánh đỏ lập lòe cho cụ T, người luôn chào tôi rất mực chân thành trước lúc ra về: “Cầu xin Chúa chúc lành cho bác sĩ”. Từ thế giới bên kia, xin cụ vẫn luôn chúc phúc cho cháu như bao lần. Vì nơi cõi dương gian này, cháu hằng nhớ đến cụ để răn mình, người đã dạy cho cháu giá trị sang trọng của sự khiêm cung đích thực.
Chúa thì xa, nhưng gương lành của cụ thì gần, thưa Cụ.
Nguồn:https://drnikonian.wordpress.com