Hai mươi tuổi. Độ tuổi đẹp nhất của một đời người. Thùy trắng nõn nà, mắt đen, lông mi dài. Mẹ lo cho con gái,trẻ người non dạ nên cứ bóng gió, đừng lấy chồng, cơ cực lắm, hết việc nhà lại trông con. Cứ nhìn cô Phương nhà mình, không chồng không con, sướng không ?
Thùy thấy mẹ nói có lý.
Xưa, có đàn ông nào muốn để đàn bà ra đường kiếm tiền đâu. Giờ, bố đi cải tạo, mẹ chẳng có nghề ngỗng gì để nuôi đàn con nên trong nhà có món nào đổi được thành thức ăn, mẹ đem bán hết. Đến lúc không còn gì để bán, mẹ đi vay gạo, mượn tiền khắp hàng xóm. Mà hàng xóm thời ấy có giàu có gì hơn nhà mình. Ngủ với cái bụng rỗng là chuyện thường xảy ra ở huyện với gia đình Thùy.
Còn cô Phương,cả nước túng quẫn cả chục năm rồi, cô vẫn còn giữ chiếc Honda Dame để chạy ào ào. Ngoài việc nhà cô không phải ăn độn như nhà Thùy, thỉnh thoảng cô còn cứu trợ cho nhà Thùy dăm ba ký gạo nữa. Mẹ mình nói có lý quá đi chứ.
Thế nhưng, đã là hương hoa thì làm sao cất giữ, làm sao chôn giấu ?
Một ong, hai ong rồi ba ong lượn lờ....
Thùy mết Mạnh vì Mạnh nói chuyện có duyên. Tối nào Mạnh cũng đạp xe qua nhà Thùy chơi, thỉnh thoảng lại còn mua cho Thùy bịch chè hay ổ bánh mì thịt. Vào thời buổi thóc cao gạo quý , Mạnh cứ như một ông Tiên hiện đến với Thùy. Những mẩu chuyện cười của Mạnh làm Thùy quên đi những khó khăn vây bủa xung quanh. Mạnh lấp được phần nào cái bụng đói meo của Thùy.
Ăn của người ta đủ thứ mà người ta rủ đi chơi, mình không đi coi sao được? Không chỉ Mạnh muốn có một không gian riêng tư mà chính Thùy, hình như cũng muốn thế. Hẳn sẽ lạ lẫm lắm khi xung quanh mình không còn ánh mắt của người thân. Hắn sẽ làm gì? Ta sẽ làm gì?
Tình yêu thiêu rụi mọi khoảng cách đẹp xấu, sang hèn- Không gian trữ tình. Căn phòng bừa bộn. Quán cà phê quyện mùi thuốc lá. Ghế đá sứt mẻ trong công viên - để chứng minh ta là chúa tể của không gian và thời gian. Sự sống và cái chết, truyền thống hay văn minh đều phải khuỵu gối trong ngọn lửa hồng êm ái.
Và, khi tình yêu lên ngôi, giọt máu sẽ đọng lại, để làm nhân chứng.
Tân lang và tân nương tắm trong bể mắt hạnh phúc của nhau, dù tiệc cưới chỉ là những chiếc bánh ngọt nho nhỏ và những chén trà nóng dành cho khách khứa quen thuộc.
Sự đời, nếu cứ giống như các bạn trẻ tuổi đôi mươi vẽ trong đầu, thì Adam và Eva đâu bị đày xuống trần gian.
Thùy sanh một thằng cún con kháu khỉnh. Cả nhà bên nội vỡ òa niềm vui. Thùy vốn đã mặn mà, nay lại mặn mà hơn.
Các con ong.... Đâu phải chỉ tại các con ong làm nàng bối rối....
Cơm áo, gạo tiền, thức khuya, dậy sớm, bên chồng bên vợ, lễ nghi điếu đóm là những cái Adam và Eva không nhìn thấy khi ở trên Thiên đàng.
Thế là họ cãi cọ, giận hờn, thậm chí thượng cẳng chân, hạ cẳng tay rồi lại làm hòa, lại tí tởn và sau đó là một nàng công chúa ra đời.
Đàn ông, mới ngoài hai mươi, hiếm ai biết chiều chuộng, dỗ dành hay nhường nhịn vợ, nhất là khi đã có với nhau mấy mặt con. Khi còn là người yêu thì khác, các cô có đòi lên trời chàng cũng OK.
Nghèo đói ôm chặt lấy cả đất nước những năm 80 chứ không riêng gì vợ chồng Thùy. Con thiếu sữa, mẹ thiếu ăn, cha không kiếm ra tiền, chán, cứ đi bù khú với bạn bè. Thùy ôm con về nhà mẹ ruột. Mấy lần đầu Mạnh còn đi kiếm, năn nỉ. Sau, khắc đi thì khắc về.
Lúc này tro tàn của gian phòng bừa bộn, của ghế đá sứt mẻ trong công viên cháy trong lửa yêu ngày nào, giờ sống lại, nổi cộm lên thành hình thành hài rõ rệt. Nó cứa vào da thịt , cứa vào cả giấc ngủ của Thùy. Mạnh không còn nói chuyện vui cho Thùy nghe, thay vào đó là những lời dấm dẳng. Ngay đến chuyện đi tắm hằng ngày, Thùy cũng phải nhắc Mạnh. Từ tờ báo vứt chỏng lơ trên bàn đến cái ghế xô lệch của Mạnh mà Thùy phải dọn hằng ngày, tất cả, một lần nữa, trở thành ngọn lửa, nhưng lần này, nó lại thiêu rụi tình yêu của hai người.
Thùy thành bà mẹ độc thân khi mới hai lăm tuổi. Chán chường với cuộc hôn nhân ban đầu, con một đứa năm tuổi, một đứa lên ba, Thùy tối mặt tối mày lo việc nhà và lo kiếm ăn. Nhựa sống trong Thùy cạn rõ trong khóe mắt, trên vành môi, ngoài làn da và nhất là trong lồng ngực. Làm sao có đủ tiền nuôi con? Mình có đủ sức khỏe để làm việc cho đến ngày chúng nó tự lo lấy thân không? Liệu chúng có bị thất học không? Nó có hư đốn không? Thùy sợ cho một tương lai bất định và buồn cho nỗi cô đơn quạnh quẽ.
Nếu Thùy lấy chồng lần nữa, có thể người này cũng chia tay vợ và cũng có con riêng. Con anh con tôi, Thùy chịu nổi không? Nếu anh ta chưa vợ, nhà anh ấy làm gì chịu cho ảnh lấy một bà, đã có hai đứa con riêng? Đã bao lần, Thùy thèm một bờ vai rắn chắc để tựa vào, một bàn tay nắm lấy một bàn tay, một lời nói ân cần, một ánh mắt cảm thông để mình được tiếp thêm sức lực nhưng.... Có quần quần áo áo, son son phấn phấn, Thùy cũng không còn tự tin có thể cưa đổ ...một con ong mới. Hai lăm tuổi rồi ba mươi tuổi. Gối chăn của nàng vẫn đơn chiếc, đường về vẫn quạnh quẽ một mình.
Đùng một cái ! Ông anh giới thiệu một chàng Việt Kiều đã hai đời vợ cho Thùy. “Mình là đời thứ ba, liệu có yên ?” Dáng anh nhỏ thó, có vẻ xấu trai nhưng anh có công ăn việc làm. Lấy anh, Thùy sẽ mang được cả hai con ra nước ngoài sinh sống. Ít nhất Thùy cũng cố kiếm một việc làm, đủ cho ba mẹ con không phải chạy ăn hằng ngày vì Thùy nghe ở các nước phương Tây, giàu có thì không chắc nhưng bảo đảm là chẳng ai chết đói. Và, Thùy chỉ cần như vậy. “ Qua được bên ấy, không ưng anh này nữa , mình có thể lấy anh khác vì ở đó trai thừa gái thiếu, lại chả ai dị nghị chuyện tan hợp” Anh Thùy bảo thế.
Từ một thiếu phụ côi cút một nách hai con, người đời chả ai thèm liếc mắt tới, Thùy bước lên xe hoa trong nỗi ghen tị của các cô gái trẻ trong xóm khi họ thấy bốn năm chiếc xe hơi bên đằng trai dừng trước ngõ và khi biết chú rể là một Việt Kiều . Tiệc cưới tổ chức tại nhà hàng ba sao có nhạc sống xập xình. Áo dài gấm chú rể tặng nàng hai bộ. Nàng còn thuê ba cái soa rê màu hồng , trắng và vàng nhạt để tiếp khách.
Như đồng khô gặp mưa. Thùy lo cho chồng từng miếng ăn từng giấc ngủ, cho bõ những tháng ngày cô quạnh. Ngày xưa nàng nấu ăn cho con như một nhiệm vụ. Nay cũng món đó nhưng nó được nêm thêm hương vị yêu thương giữa đàn ông và đàn bà. Ít khi con cái khen nàng nấu ăn ngon nhưng chồng nàng không vô tình như thế. Anh ăn ngon lành và bảo các con đừng bỏ phí những gì mẹ nấu. Đồ thừa cứ để anh thầu hết cho. Ánh mắt anh dịu dàng. Đôi khi,dưới gầm bàn, anh nắm bàn tay nhỏ nhắn của Thùy, như một lời cám ơn. Anh đi xin học cho con cái Thùy. Họp phụ huynh anh đi thay Thùy vì anh biết tiếng Anh. Anh bỏ tiền ra mua vé máy bay cho mẹ Thùy sang Úc thăm con cháu. Biết mẹ Thùy ngủ, anh vặn nhỏ Tivi dù anh rất thích xem thể thao. Anh còn mua băng đĩa Thúy Nga Paris cho cụ xem. Bạn bè anh chọc “ Bà làm gì mà bây giờ ổng không dám đi nhậu với tui nữa ? Mẹ, ngày xưa toàn là ổng rủ rê mọi người. Đi làm nhiều khi cũng không yên với ổng. Vợ tui chửi tui mấy lần vì ổng chuốc rượu tui.” Thùy đỏ mặt ngượng ngùng. Anh khoác vai vợ, kéo nàng xích lại gần hơn rồi bảo “ Nhậu với mày sao đã bằng nhậu với vợ tao.” Chàng nheo mắt nhìn nàng tình tứ. Người bạn bật cười hô hố.
Thùy không hiểu tại sao hai người đàn bà trước lại không ở được với một người ân cần như anh. Hỏi, anh nói khi phải chia tay với một người từng là vợ mình thì mâu thuẫn phải to lớn lắm. Ai cũng thấy mình đúng hơn người kia. Anh không muốn các cô ấy chịu thiệt thòi khi không có mặt ở đây để chống chế với những điều anh nói . Ở địa vị họ, chắc anh cũng có lỗi nhiều lắm. Quan trọng là anh đã sống với em như thế nào. Thùy nể anh ghê. Thùy và Mạnh không làm giống anh. Cả hai tuôn hàng tràng những thói hư tật xấu của bên kia ra để giải thích cho cuộc hôn nhân đổ vỡ, ngỡ rằng mình sẽ được thông cảm nhiều hơn.
Chấp chi phận đàn bà. Sự im lặng lịch lãm chỉ khiến mọi người nể trọng anh thêm.
Thùy thầm cảm ơn Trời Đất đã ban tặng nàng một hạnh phúc muộn màng nhưng quý báu. Thử hỏi nếu nàng tiếp tục sống với Mạnh để con có cha, để cha mẹ không xấu hổ với họ hàng, chòm xóm, đời nàng và các con đã kéo lê đến đâu? Phải chăng kinh nghiệm từ những bài toán sai đã giúp cho hai mảnh vỡ gắn vào nhau liền lạc hơn, khắng khít hơn? Sống được với một người đến đầu bạc , răng long trong tương kính và yêu thương thì tuyệt quá. Nếu không còn cần đến nhau, hai kẻ như hai đường thẳng song song, đến cuối đường hầm cũng chả đụng mặt, phí phạm đời nhau làm gì? Tái giá là một giải pháp nhân đạo .