Mẹ sợ vẽ chuyện ngày Tết. Dọn dẹp thôi cũng đủ ná thở nhưng bố mà đề nghị nấu bánh Chưng, mẹ sẽ gật đầu, kèm một tiếng thở hắt, kèm một nụ cười mỉm. Trẻ con cũng thích nấu bánh Chưng vì không khí trong nhà sẽ chộn rộn, sẽ lăng xăng, sẽ ấm cúng, sẽ có mùi Tết hơn.
Mẹ đi chợ sớm mua lá Dong, thịt Heo, nếp, đậu xanh, hành tỏi, gia vị....kèm theo những thứ linh tinh như kiệu, su hào, củ cải trắng, cà rốt, giấm, đường, nước mắm....để làm Dưa Góp. Quên, bao lì xì đỏ chót nữa.
Lá sẽ được ngâm vào hồ nước để rửa và giữ cho tươi, hôm sau lấy ra, chặt bỏ cuống, xếp theo từng cụm lá to và lá nhỏ. Cuống lá không vứt hết mà phải giữ lại một mớ để lót đít nồi trước khi xếp bánh vào nấu , tránh khét bánh.
Chục ký nếp vo sạch, ngâm nước để qua đêm. Mấy ký đậu xanh cũng thế, rửa sạch bụi bậm rồi ngâm qua đêm để đậu nở, tróc vỏ, dễ đãi. Món đãi đậu là sợ nhất. Ngồi gãy cả lưng để nhặt từng cái vỏ li ti. Tôi mà chán, bỏ hết, để mẹ “hốt hụi chót”.
Mỗi một khâu rửa lá, vo nếp, đãi đậu mất cả buổi. Thôi thì rinh thiên địa. “Bỏ lá vào xô. Nhẹ tay kẻo rách”, “Để nếp chỗ nào cho ráo nước hả mẹ?”, “Có nêm tí muối vào đậu xanh không?”, “ Đứa nào rảnh giã chục củ hành tím để ướp thịt đi con”, “ Lấy cái khuôn mẹ phơi ngoài sân vào đây” … Cả nhà chạy như vịt.
Thịt heo ba rọi cắt dày cỡ đốt ngón tay, to bản, ướp hành tím đập dập, nhiều tiêu đen cho thơm rồi nêm muối đường. Thịt phải có mỡ để khi ninh lâu, mỡ tươm ra làm dền bánh.
Trước khi vào cuộc, phòng khách sẽ được lau sạch sẽ để cả nhà hạ thổ. Nồi niêu, chậu rổ, khuôn, gắp, khăn, giấy....bày hết ra đất cho rộng rãi.
Mẹ học được cách gói bánh chưng từ các bác trong làng. Gói bằng khuôn nên bánh vuông chành chạnh.
Đặt dây lạt vào khuôn trước rồi xếp lá lên trên. Nếu để mặt trái lá Dong ở trong thì nếp sẽ xanh hơn khi nấu chín, áo bánh là mặt phải, trông mướt mắt.
“ Đong đầy bát nếp ”, “ Nhiều đậu quá, cái sau thiếu đấy”, “ Cột chặt tay để nước không vào bánh”, “Vừa làm vừa ỉa vãi thế kia à? Dọn gọn gọn chứ”, “ Thịt để ngay giữa bánh mới đẹp” Mẹ tôi đánh Đông dẹp Bắc.
Trẻ con bắng nhắng đòi gói, đòi xếp, đòi đổ đậu, đổ gạo một hồi là chán. Đứa nào cũng muốn cột thêm sợi dây đỏ, xanh hoặc cột nơ để đánh dấu thành quả của mình, mai mốt lột ra ăn có quyền kể công hay khoe với khách khứa đến chơi. Cuối buổi chỉ còn bố mẹ ngồi tẩn mẩn vét voi, thêm thắt, ấn đầu này, bó đầu kia cho bánh chặt trước khi buộc lạt. Sau đó bánh sẽ được cột thành từng cặp, chuẩn bị nấu.
Thường nhà tôi gói chừng hai mươi cặp, đem đi biếu đã quá nửa. Ông bà cụ bảo, Tết tặng bánh Chưng tự làm cho họ hàng, bè bạn, láng giềng vừa rẻ vừa quý. Hơn nữa, bánh nhà, ăn nóng hổi, nhiều thịt nhiều đậu nên luôn ngon hơn bánh mua.
Mẹ đi sang hàng xóm mượn nồi to để chất được mấy chục cái bánh vào nấu một lúc. Khi lửa đã bén, phải giữ lửa đều, nước sôi ùng ục bánh mới ngon, tránh bị bánh “hấy” - sống – Thế nhưng bố bảo ngày đầu năm mở bánh Chưng mà bánh hấy thì đó là điềm hên.
Bánh phải nấu trong mười hai tiếng với lửa lớn nên mẹ chế cái bếp bằng ba cục gạch đặt trước cửa nhà để châm củi cho dễ. Sáu bảy giờ tối thường là lúc bánh đã gói xong và lèn chặt vào nồi.
Mẹ nổi lửa.
Mấy anh em bắc ghế ra ngồi quanh nồi bánh , cắn hạt dưa tí tách. Bếp ấm mời gọi hàng xóm bu vào trò chuyện. Thôi thì đủ chuyện ngày xưa ngày nay,trên trời dưới đất.
N. kể em nó có quần áo mới do anh chị thải xuống. Nó lớn nhất, không có ai thải cho, phải mặc đồ cũ, buồn da diết.
Thằng Tr. năm ngoái ăn trúng cái gì bị kiết lỵ. Nghèo đói, chỉ ngày Tết mới có miếng ngon miếng lành thì nó lại phải kiêng ăn mỡ, củ kiệu...Tết nhất cứ cháo với đường còn hơn sư sãi.
Anh Q. vừa chửi thề vừa rỉ rả “ Bữa ấy tao lo chùi rửa xe đạp bóng loáng để chở “ghệ” đi chơi. Ẻm nặng quá làm xe cứ tuột sên mãi. Đ.m tay chân dầu mỡ đen thui, nó đâu cho tao nắm tay. Cuối cùng hai đứa dẫn bộ tới Hồ Con Rùa ăn kem, hóng mát”
Cả đám con nít cười hô hố, phục lăn anh Q. bé tí mà đã có “ghệ”. Đối với lũ trẻ, nghĩ đến chuyện làm quen với một em nào đó cũng đủ tái mặt, nói chi đến âm mưu nắm tay. Không chừng anh Q. bốc phét ! Ổng mập ù. Ai mà mê.
Những câu chuyện nổ giòn. Âu hạt dưa châm đến đâu hết đến đấy, vỏ hạt vứt đầy đường, đỏ choét. Tiếng pháo lẹt đẹt râm ran từ mấy con ngõ bên cạnh làm không khí Tết thêm rạo rực. Hứng chí, chúng tôi còn đem đàn ra hát váng thiên địa. Trời cuối năm lành lạnh, bếp lửa bập bùng dưới nồi nước sôi ùng ục, mùi lá Dong lan tỏa nồng nàn, tưởng chừng như ông bà tổ tiên cũng về quanh đây chung vui cùng con cháu.
Chả đứa nào chịu thức hết đêm canh lửa. Buồn ngủ mõm mòm, cho số “de” nên bố thường là người châm củi vào bếp, châm nước vào nồi đến sáng bửng.
Bánh đem ra, xếp trên mấy cái ghế gỗ hình chữ nhật. Trên lớp bánh là loạt ghế gỗ nữa có dằn đá, cối, tự điển... bất cứ cái gì nặng để ép cho bánh róc nước. Ép một buổi là xong. Mẹ và bố chia nhau đem bánh đi biếu xén người nọ người kia cho kịp Tết.
Sau ngày Ông Táo về Trời , Hai Mươi Ba tháng Chạp giở đi là thấy loáng thoáng người trong làng nấu bánh. Biết, vì ai cũng nấu ngoài đường, trước cửa nhà cho dễ dọn dẹp lại không bị khói hun. Nồi bánh đôi khi nói lên sự giàu nghèo của từng gia chủ.
Có hộ chỉ nấu hai cặp bánh. Cái nồi bé hin nhưng nhìn gia đình họ quây quần tiếp củi, khơi bếp, mặt ai cũng đỏ hồng, lấp loáng ánh lửa, nhất là sự có mặt của những người thân lâu lâu mới về thăm nhà, miệng họ cười toe, mắt sáng ngời đủ biết họ hạnh phúc. Đi đâu thì đi, con dân Việt đều phải về với cha mẹ ngày tư ngày Tết.
________________________
Gia đình tôi tứ tán bốn phương: Việt Nam, Úc, đông nhất là ở Mỹ.
Ông bà cụ hiu hắt như ngọn đèn lụn bấc.
Chả bao giờ có ngày gia đình tề tựu gói bánh Chưng ngày Tết nữa rồi. Có tề tựu đủ cũng không phải trên đất Việt, lấy đâu ra cái bếp ba cục gạch dã chiến trước cửa nhà ? Lấy đâu ra chòm xóm bu quanh nồi bánh bốc phét chuyện đời? Bố mẹ không thể ngồi bệt dưới đất để gói bánh, buộc cột, đong cái này, múc cái kia …. Lá Dong khô cạnh tranh sao nổi với mùi đặc trưng của Dong tươi, xanh ngắt? Khách nào cho mình biếu xén, cùng ngồi vào mâm trong ba ngày Tết?
Một chút ngậm ngùi...Chút thôi !
Tôi không mong cả nhà mình vẫn còn sống ở Việt Nam, tiếp tục tận hưởng không khí chộn rộn, quây quần ngày Tết. Chúng tôi đã tìm đủ mọi cách để ra đi, mong sống còn, mong sinh tồn đàng hoàng tử tế, điều tưởng chừng nhỏ nhoi, giản dị vậy mà đất Mẹ lại không dung. Trách đất Mẹ là không đúng. Thể chế làm ra thế.
Đành vậy ! Đẩy hết hương vị Tết vào quá khứ để mình có hiện tại và tương lai yên ổn.
Cắn móng tay....
Nồi bánh chưng tí hon chứa hai cặp bánh của nhà bác hàng xóm năm nào với đầy đủ người thân từ xa trở về.... lúc này đây....với tôi...sao mà quý giá...
Thảo nào Vua Hùng truyền ngôi báu cho Lang Liêu và lệnh cho con cháu Lạc Hồng làm bánh Chưng ngày Tết.