Phải đi tới chợ Việt Nam để tìm lại không khí Tết.
Buồn bã, rầu rĩ, thất tình…bảo đảm cứ ra chợ là vui ngay.
Mấy năm trước tôi bị té gãy xương, nằm nhà thương rồi nằm nhà hai tháng, rầu thúi ruột, thấy mình tàn phế, vô dụng, làm gì cũng phải nhờ, phải chờ, phải xin…tôi xuống tinh thần thê thảm, nước mắt chực chờ....Phải làm gì đó để vực mình dậy, tôi bò xuống cầu thang, đi ra đường, chừng hai mươi bước phải dừng lại, ngồi trước hiên nhà người ta, thở hổn hển vì đau nhức nhưng tôi quyết chí ra chợ, cách nhà chừng bốn trăm thước.
Nhìn thiên hạ bưng lên bê xuống, chạy lăng xăng lấy cái này, xách cái kia, ngả giá, ngắm nghía, lắc đầu, gật đầu, người mời, kẻ mua tưng bừng khói lửa, mình nhận ra còn khối việc phải làm, trách nhiệm, bổn phận, yêu cầu đăng đăng đê đê…
Phải mua miếng thịt về kho cho con ăn chứ. Để chúng đi chợ mấy bữa rày, mua toàn đồ gì đâu.
Cô kia ôm thùng hàng nặng trĩu, tội ! Phải ráng cho con học hành đàng hoàng, không cực giống cổ.
Một em váy vủng, bóp đầm, kiếng mát đi chợ thơ thới như công chúa, nhòm lại mình oặt ẹo, lèng xèng không giống con giáp nào. Chu mẹc, bao nhiêu “chóp” đang chờ, nghỉ lâu quá thằng khác quơ hết “chóp” thì mạt.
Không thể để thua thiệt như vầy. Không được buông xuôi. Phải chiến thắng bệnh tật. Hạ quyết tâm, hai tuần sau, tôi xách giỏ đi làm với gậy, với khung sắt, với thuốc giảm đau…hầm bà lằng xắng cấu nhưng không còn thấy mình vô dụng. Chợ, thành bài thuốc trị trầm cảm của tôi.
Covid ầm trời nhưng xứ sở này dẹp dịch tương đối hiệu quả. Cả tháng nay không có ca mới. Hôm qua, dính một em từ nước ngoài về. Ruồi ! Chị lên đường đây !
Kéo theo chiếc xe đẩy để đựng thực phẩm cho tiện, già bằng này, sức nào mà khiêng với vác.
Chợ đông, hàng hóa chất ngập trong tiệm chưa đủ còn tràn ra trước cửa. Hoa Cúc, Lay Ơn, Cẩm Chướng, Lys…mười mấy, hai mươi đồng một bó, đắt hơn ngày thường, vậy mà khách bu đầy. Mai Giao Thừa rồi, giờ này không sắm sửa, đợi chừng nào ?
Tôi lựa một bó Cúc vàng, hoa không tươi lắm nhưng nó là loại hoa mẹ thường chưng ngày Tết, hốt thôi.
Ngoài đường, đàn ông con trai đẩy hàng ùn ùn về bán, khách mua ùn ùn giỏ lớn giỏ bé, đèn đỏ mà mấy bà cứ phăm phăm băng qua đường “Chị, cho em qua chút, em nặng quá.” Xe kéo của chị chất một thùng Thanh Long và một thùng Xoài, mỗi thùng chục trái. Chị áo xanh “Em còn nặng hơn chị đây nè”, một ông quay lại, dòm ngang “Trời, Dưa Hấu không, kéo gì dữ vậy bà ?” Tôi liếc xuống, đếm đến năm trái Dưa um ủm tròn, đúng là sắm Tết. Chồng đâu mà để vợ xách nặng thế, tệ hết biết !
Tại cửa hàng trái cây, một Tướng công đeo của nải trước sau, nào bánh Chưng, nào cành Đào giả, chai nước mắm…oang oang trên điện thoại “Cam đẹp lắm. Hai lăm đồng một thùng, mua không?” Nghe nghe, nhăn nhăn, lập lại to hơn: “Mua không? Hai nhăm.” Chắc Nương tử đang lu bu với ba quân bốn bếp nên bác phải nhắc đi nhắc lại câu này mấy lần, mồ hôi trán lấm tấm.
Dưới bóng cây râm mát cạnh tiệm thực phẩm Á châu, hai hiệp sĩ, có lẽ đang canh giữ đồ đạc lủ khủ cho phu nhân, vừa hút thuốc vừa trò truyện:
- Vợ tôi gói hai mươi đòn Bánh Tét.
- Trời, nhà anh ăn nhiều dữ vậy?
- Đem cho – Anh hất đầu, vẻ hãnh diện.
- Nhà anh ăn mấy cái?
- Chừng hai ba cái hà. Năm nào cũng cho người này người kia. Mẹ nó dặn tối nay hai cha con phải lo canh lửa nồi bánh.
Lửa chưa nổi mà tôi đã thấy mắt chàng sáng ngời hạnh phúc.
- Đổ bánh lên đi con. Đứa nào đẩy thùng Dưa Góp ra ngoài cho người ta lựa. Sao giờ này Giò Thủ chưa tới vậy? Thằng Lực gọi điện hối nó đi.
(Trên điện thoại) Dạ…dạ… em cất sẵn bốn Tét cho chị, lấy luôn hai Chưng đi, bảo đảm mà. Không ngon kỳ sau đừng mua của em…
Ngang hàng Xoài và Thanh Long:
- Đ..m.. đã nói xếp trái nhỏ lên trên, bự ở dưới. Cứ để dậy quài, dập hết ai mua? M..á..làm chết mẹ không hết diệc…
Xe của tôi vướng qua vướng lại với mấy xe đẩy khác, người chen kẻ lấn náo nhiệt, khách khứa í ới :
- Chị ơi, này nhiêu?
- Dưa Hấu ngọt không ? Đem biếu nhà chồng đó cha nội.
- Chồng chê có em. Lo gì, chị ?
Anh bán hàng cười toét, nhe hàm răng ám khói thuốc đen thùi.
- Bánh này để một tuần được không?
- Vàng mã cúng ba mươi là cái nào, anh?
- Đây em gái, anh có đồ rước ông Táo luôn, mua cho đủ bộ, cưng.
Xen lẫn với tiếng nói cười, tung hứng của người mua kẻ bán là tiếng rao lanh lảnh của anh áo nâu, quần đùi trắng sọc ca rô:
“Thơm đi cô bác ơi. Năm đồng ba quả. Thơm tươi thơm đẹp đ…ê…”
Những quả Dứa xanh nhỏ, thuôn như quả Bắp có cuống xòe tua tủa đựng đầy cần xé. Dứa này bày bàn thờ, xếp vào đĩa với mấy loại trái cây khác, đẹp khỏi chê, Dứa to không đủ chỗ để đâu.
Và giọng của chị áo khoác đen, tóc túm ngược sau gáy:
“Dô …dô…Dừa ngọt dừa ngon, bảy đồng hai quả. Seo…seo…seo…”
Dừa gọt vỏ xanh, phơi lớp xơ trắng phau, bọc lưới nhựa, bên ngoài là lớp ny lông trong suốt, thêm miếng giấy đỏ in chữ “Chúc Mừng Năm Mới” và cành Mai vàng dán bên hông, bắt mắt quá ể !
Tiếng rao sao mà thuần Việt, cứ ngỡ mình đang đi chợ Tân Bình. Giờ này, ở Sài Gòn, bạn hàng rao điếc con ráy cho xem. Tôi trả tiền cho hai quả Dừa mà phải xếp hàng rồng rắn. Qua hàng khác mua Mãng Cầu, hàng nữa quả Đu Đủ và Xoài, chờ mút chỉ, cố tình đi lung tung thế để kéo dài buổi chợ, hít thở không khí Tết. Vui ác !
Nhà đã mua Dưa Góp và Kiệu. Mười mấy năm chưa được ăn Củ Hành ngâm chua, lăn qua lộn lại mấy tiệm mà chả ai bán, thở dài nhưng có dịp lang thang.
Xong chợ thì đã quá trưa, làm tô phở cho ấm bụng. Chao, chưa khi nào thấy tiệm phở đông khách thế, người đứng chờ ngoài cửa cả đống, chả là Covid, bàn ghế có hạn. Khách ý tứ, ăn nhanh rồi rút, nhường chỗ cho kẻ khác. Tôi được xếp ngồi trong góc, đang chờ phở thì thấy một ông đứng lớ phớ. Chủ tiệm quay qua quay lại, xếp ổng ngồi chung bàn với tôi.
Gì kỳ vậy? Hết chuyện, bắt tôi ngồi với người lạ, cũng chả hỏi xem mình có đồng ý không. Bực nhưng chợt nghĩ, chỉ ở Việt Nam khách lạ mới ngồi chung bàn với nhau. Mạnh ai nấy ăn. Ăn xong rồi đi. Sao mình không sống lại với hình ảnh, với tập tục cũ? Chợ Việt Nam ngày cuối năm, hàng quán cũng đông, cũng chung đụng y vậy. Mình đang tìm kiếm hương vị xưa, không định mà được hưởng, muốn gì nữa?
Không muốn nhưng chốc chốc tôi lại lén nhìn người ngồi trước mặt, thấy ông gắp rồi húp cần mẫn, tôi nhớ đến quán Bún Bò ngày xưa tôi thường ghé ăn sáng. Chung bàn với mình hôm thì đàn ông, hôm đàn bà, lịch lãm, nhem nhuốc đủ kiểu, có người dẫn con đi học, miệng lách chách nhắc đứa nhỏ ăn nhanh, không cô này - chỉ vào tôi - la à nha. “Cô la nó đi cô”. Nghĩ đến đây, tôi tủm tỉm cười xong lại vội làm mặt lạnh, sợ người đối diện nghĩ mình có hậu ý….