Điều ước

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20202
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Điều ước

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Điều ước
    _____________________
    Nguyễn Đình Phượng Uyển _ 08/01/21









    Hình như ai cũng ao ước được trở về thời ấu thơ, không lo nghĩ, mọi thứ đều có người làm dùm, chỉ việc ăn rồi ngủ.

    Thử đi phỏng vấn mấy đứa trẻ xem, thật sự nó có hạnh phúc, có thích thế không?

    Con nít làm gì, muốn gì….tất tất đều phải theo ý người lớn, nhiêu đó đủ oải rồi.

    Cứ nhìn người già, già và yếu đến mức phải mặc tã, không còn tự chủ tự lập được nữa, ăn phải đút, đi cần người dìu, trở mình trên giường cũng phải giúp, không nói được điều mình muốn, đau chỗ nào… Ấu thời đấy, ai mong giơ tay lên ?

    Ghét nhất là không thích ăn nhưng đến giờ, đến cữ là phải tọng hết vào mồm, không bỏ một thìa , no quá ói ra thì bị đòn, trong khi người lớn, bỏ hai ba bữa không sao, muốn ăn món gì, chỗ nào, với ai, được hết.

    Ngủ cũng thế. Đến giờ, con nít phải đi ngủ mà phim đang hồi gay cấn còn người lớn vẫn hào hứng dán mắt vào tivi bàn tán xôn xao.

    Xưa, cũng vì ghét ngủ trưa mà tôi bị đòn không biết bao nhiêu mà kể. Đợi mẹ ngủ say, tôi leo hàng rào ra ngoài đi bụi. Đói bụng bò về là y như rằng thấy mẹ mình hầm hầm , tay lăm le cây phất trần. Rất thường, chưa cần trốn đi chơi, chỉ cãi “Con không buồn ngủ” hay mấy anh em xì xào nói chuyện trong giấc trưa là “đét, đét, đét” “Quỳ gối, úp mặt vào tường.” Gì chứ cái màn quỳ gối nó chán và mỏi kinh khủng. Quỳ một hồi là tôi ngủ gục lúc nào không hay, tỉnh dậy, thấy mình nằm trên giường, ngộ vậy đó !

    Đến khi có con, chúng nó eo xèo, cự nự việc ngủ trưa, mẹ tôi dặn “Cứ phết vào đít vài phát, nó khóc là nó sẽ buồn ngủ.” Hèn chi tôi bị đòn hoài. Đấy, làm con nít sướng há ?

    Trẻ nhỏ không biết lo ư? Ai học bài, ai trả bài dùm đây? Cô giáo thử hạ một lời phê độc độc xem, nhức răng, nhức óc ngay. Rằng thì là không biết công ơn cha mẹ. Rằng thì là có nhiêu đó chuyện cũng không làm nổi. “Học, ấm thân tụi bay chứ tao xơ múi gì” Đấy là thời tôi, ba bốn chục năm về trước, chỉ đi học một buổi mà bài vở quên đầu quên đít hoài nên bị chép phạt, bị “lao động khổ sai” bằng việc quét lớp hay cấm túc trong giờ ra chơi liên miên. Người lớn nào bị phạt như thế ? Công sở này cà chớn, ông qua chỗ khác làm, chưa kể ông còn thưa tụi bay kỳ thị, tụi bay hà hiếp ông, chết cả nút nhé !

    Đừng tưởng chỉ có trẻ ở Việt Nam mới học ngày học đêm, bên Úc, bên Mỹ, y chang.

    Vừa tan trường xong là mấy cô cậu bị xúc đi học thêm English cho dù nó đẻ ở đây, tiếng Anh xoen xoét, rành rẽ. Toán, hai buổi trong tuần. Thứ Bảy học võ, học đàn. Tối đến lại ôm một núi bài tập. Có đứa, ngoài những môn kể trên, mỗi ngày mẹ còn dựng dậy từ năm giờ sáng để đi bơi, chiều lại ùm xuống nước thêm một giờ nữa. Mẹ thích vì chị em nó khỏe khoắn và được tiếng là vô địch bơi trong trường. Chủ nhật rảnh chứ? Không, phụ huynh cho con đi học Việt Ngữ…Nghĩa là chẳng có buổi nào cho trẻ nghỉ ngơi. Họ quan niệm, thì giờ trống, trẻ cắm đầu vào máy tính, tốt lành gì, đi học không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc. Tốn nhiều tiền lắm đấy, trẻ con miễn ý kiến ý cò.

    Nghĩ xem, học cái chi cũng phải tập tành, làm bài, trả bài. Sao có chuyện cứ đến lớp rồi bỏ đó, kỳ sau học tiếp. Đàn không thuộc, bơi không đúng, bị chê bai, mắng mỏ vừa quê vừa nhục. Phụ huynh cứ thử đi làm cả ngày, chiều về học lớp bồi dưỡng tay nghề, thứ bảy học điền kinh, chiều đàn Tranh, chủ nhật học tiếng Quan Thoại, toàn những thứ mình không thích và sự thể cứ kéo dài như thế trong mười mấy năm trời để hiểu áp lực, sức khỏe và tâm trạng của con em mình. Quý vị hạnh phúc chứ ?

    Chưa, lên đại học trẻ con phải thi đúng ngành nghề, đúng trường phụ huynh thích. Đã xảy ra nhiều vụ con cái dở điên dở khùng vì không đủ điểm vào trường này, lớp nọ, nhất là không đậu trường y, ngành đòi hỏi điểm thi tuyệt đối, để bậc sinh thành được dịp nở mày nở mặt với thiên hạ. Có đứa bị nhiếc móc dữ quá, bày mưu giết luôn cha mẹ, khỏi nghe ổng bả càm ràm và nó lãnh án chung thân. Nếu nó đủ trí khôn, đủ lớn, đủ quyền để tự quyết định việc học hành, đâu đến nổi xảy ra việc tày trời như thế.

    Con nhà khá giả chịu nhiều áp lực, con nhà nghèo còn tệ nữa. Coi trẻ em chạy loạn ở những nước tan hoang vì chiến tranh, thiên tai kìa. Chúng có sung sướng, yên lòng khi được bế bồng, cõng địu ? Người lớn mệt một nhưng chúng nó mệt mười vì nó mau khát mau đói hơn, vì thế dễ chết hơn. Đứa sống mà ba má mất, bé như cái dáy khoai thế kia, xoay sở cách nào?

    Vào lúc Covid đang hoành hành trên toàn thế giới, hình ảnh các cô cậu nhí thót bụng, ưỡn ngực để rít từng luồng ô xy qua miệng và mũi, ai không xót xa. Giá như chúng lớn một tí, đủ đề kháng, đủ mạnh để chiến đấu với bệnh tật.

    Đất nước yên bình, gia đình có cái ăn, cái mặc nhưng vì lý do nào đó cha mẹ chia tay, con trẻ thể nào cũng bị ảnh hưởng. Nó không nói năng, phần nhiều vì không biết diễn tả tâm trạng thế nào hoặc sợ nói điều nó muốn – hòa bình- lại hoàn toàn mâu thuẫn với ý cha mẹ, nhất là sợ phật lòng người đang giữ quyền nuôi nó, một cái phao sắp chìm mà nó đang bám vào. Nó thường chọn cách im lặng cho an toàn, khỏi bị trách móc binh phe này, bỏ phe kia…Nếu nó đã có gia đình riêng, ông bà cụ bỏ nhau mười lần cũng chỉ là chuyện của quý vị, thuyền của con không đắm, dĩ nhiên.




    &

    Nhớn nhớn, đùng một phát, có kẻ rất lạ lọt vào mắt. Mình đâu cố ý. Sao hàng trăm người xung quanh trông chả khác con Gà con Vịt, mỗi người này, người duy nhất bất ngờ hóa thân thành Công, thành Phượng làm mình ngỡ ngàng rồi thổn thức. Phụ huynh chả biết dùm cho, đấy là chuyện tự nhiên của Tạo Hóa, con mình không hề bị nhiễm trùng nhiễm bẩn từ bất cứ ai, đến tuổi nó biết rung động, thế thôi ! Nhiều khi bà mẹ của “chính chủ” chưa kịp hiểu ất giáp thì đã có bà mẹ nào đó, gần đấy nhún trề “Không được chơi với con nhà đó. Nứt mắt ra đã bày đặt..” thế là bà mẹ nạn nhân cuống cuồng đe nẹt, đòn roi con mình. Đứa nhỏ không hiểu tại sao nó trở thành kẻ hư đốn, xấu xa dưới mắt thiên hạ và bố mẹ, lắm đứa ngờ vực cả chính mình. Hừ !

    Ai biết dùm khổ chủ là con Nai, vàng ròng ba số 999 hẳn hoi, nhưng bạn trai, bạn gái nhiệt tình bu quanh, đến chơi tưng bừng làm ngứa mắt hàng xóm thế là Nai biến thành bia hứng đạn. Oan gì mà khiếp thế !

    Cứ để nó tự nhiên như Bambino, tập làm người lớn, giả bộ hút thuốc, làm thơ, viết nhật ký…ôm đàn hát vu vơ dưới cửa sổ nhà nàng/chàng…rồi sẽ đến lúc đời dạy cho nó bài học vỡ lòng về tình yêu, không chóng thì chày nó sẽ lăn xả vào lòng các bà mẹ, khóc một cú ngon lành rồi người trong mộng cũng biến thành Gà Vịt thôi.

    Với người lớn thì ngược lại, càng rung động, càng nhiều Công Phượng lọt vào mắt càng giành điểm cao. Họ được dán mác đào hoa, hấp dẫn, duyên dáng, bặt thiệp. Đố cô cậu oắt nào dám chê bai, bình phẩm về các ngài đấy.




    &

    Người lớn sướng vì họ đi làm, có tiền, muốn mua gì thì mua, ăn gì cũng được, chả phải xin xỏ.

    Khi tôi còn ở tiểu học, trước cổng trường có xe bán kẹo bông gòn. Bà hàng bỏ vào khay ít đường và vài giọt màu, khay xoay tít vài vòng, bông gòn nở bung lên, cái màu xanh thơm mùi Bạc Hà, màu hồng mùi Dâu, màu vàng mùi Cam… Bà quấn từng lớp bông to tướng vào cây que rồi cho vào túi ni lông, cắm trên cái cọc cao đằng sau chiếc xe đạp, từ xa học trò cũng thấy túi kẹo bông màu sắc sặc sỡ, bắt mắt lắm !

    Tôi thèm cái túi bông mềm mềm đó nhưng bà ngoại nhất định không cho, bảo có phẩm màu hóa học, ăn đau bụng “Ở nhà kẹo Tây thiếu gì, ngoại để cả đống trong tủ lạnh đó.” Ngoại không hiểu, kẹo Tây con ăn rồi, chán rồi, con muốn nếm kẹo bông gòn coi mùi vị ra sao mà bạn con đứa nào cũng thích. Chúng nó kể nguyên miếng bông to, bỏ vào mồm tí xíu là tan thành nước. Ly kỳ chưa?

    Ngoại không cho một xu dằn túi vì sợ tôi mua đồ bậy bạ và sợ tôi biết xài tiền. “Muốn ăn gì, nói ngoại mua cho” Con nói, ngoại có mua đâu, ức chết, nên suốt cả năm trời đi học, kẹo bông gòn mơ ước, với tôi, mãi chỉ là ước mơ. Tôi mà có nhiều tiền như ngoại, như bố, như mẹ, một ngày tôi sẽ mua năm bịch kẹo gòn, đủ thứ màu để nếm cho đã mồm.

    Chuyện xin phép đi chơi cũng là cả một vấn đề.

    Bạn mời dự tiệc sinh nhật – đứa trẻ nào lại không thích đi sinh nhật bạn, được ăn bánh kem, được coi bóc quà - nhưng bố mẹ bận hay vì lý do nào đó của người lớn, ai biết – không chở con tới được thì coi như “ao”. Hôm sau đến lớp nghe chúng bạn xôn xao bàn tán về bữa tiệc mà nhỏ nước miếng. Khi có thể tự đi chơi một mình, không phiền đến các cụ thì phải xin phép xin tắc “Đến chỗ nào? Với ai? Mấy giờ về? …” đâu phây phây như các bậc trưởng thượng, vi vu Đà Lạt, Nha Trang dăm bảy bữa, chừng nào chán mới thôi.

    Xưa, bao lần tôi ước làm người lớn, đủ lớn để có thể làm gì đó, tính toán gì đó phụ giúp gia đình. Nhìn mẹ tôi hao gầy, bấn loạn vì cái ăn cái mặc, vì những tai ương, nợ nần đổ ập vào nhà, thấy ông già bị bao vây bởi mưu hèn kế bẩn, kiếm sống bằng chăn nuôi, đào mương đắp rẫy…tôi mong mình đủ sức đủ vóc, chia bớt nhọc nhằn với các cụ. Tôi biết bố mẹ tôi trông chờ con cái mau trưởng thành, không hề ước chúng tôi mãi nhỏ dại.




    &

    Già bằng này, những thứ lớn nhất, quan trọng nhất, cơ bản nhất trong đời đã tính xong, đã làm tròn. Con cái tự lo thân, tôi không cần phải vật vã với cơm áo gạo tiền. Công việc hằng ngày như một minh chứng mình còn khỏe mạnh, còn hữu ích cho xã hội. Miệng đời dèm pha chả khác nước đổ lá Môn. Kinh nghiệm sống, đủ để tìm ra giải pháp cho những bài toán khó, tài chánh không quá eo hẹp….

    Ước làm trẻ con chi vậy trời ???







    https://www.luanhoan.net/gocchung2021/h ... 1-4-31.htm
Trả lời

Quay về “Nguyễn đình Phượng Uyễn”