Đảng Dân Chủ Bỏ Đồng Minh

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20271
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Đảng Dân Chủ Bỏ Đồng Minh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Đảng Dân Chủ
    Bỏ Đồng Minh

    ___________________
    Trọng Đạt _ 21/10/2021






    Ở đây chúng tôi không trình bầy vấn đề theo tinh thần đảng phái. Bỏ đồng minh không phải là một lựa chọn sai hay thất sách, nó cũng không phải là một lựa chọn hay, thích đáng. Nhưng trong lịch sử Mỹ, Dân Chủ đã nhiều lần từ bỏ đồng minh, trong đó có trường hợp bị người dân chỉ trích, có khi được người dân ủng hộ.

    Chúng ta đều biết nước Mỹ có hai đảng cầm quyền lớn là Cộng Hòa, Dân Chủ. Người dân thường bầu cho các đảng luân phiên nhau làm hai nhiệm kỳ vì họ sợ độc tài. Ta thường thấy họ làm trái ngược nhau, như với đề tài trên, một bên muốn rút bỏ, một bên chủ trương giữ lại và tùy theo người dân lựa chọn.

    Chúng ta thấy có bốn trường hợp bỏ đồng minh, xin liệt kê như sau:




    Nhường Đông Âu cho Nga

    Franklin D. Roosevelt là Tổng Thống thứ 32 của Hoa Kỳ, ông đã thắng cử 4 lần từ 1933 tới 1945, nhiệm kỳ thứ ba và thứ tư của ông nằm trong cuộc Thế Chiến Thứ Hai, ông là vị Tổng Thống tham gia và điều hành cuộc Thế Chiến này. Roosevelt chỉ làm việc được vài tháng trong nhiệm kỳ thứ tư và chết bệnh ngày 12 tháng 4 năm 1945. Ông bị chỉ trích vì sau khi Hải Quân Nhật đánh Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941 đã cho lệnh gom người gốc Nhật tại Mỹ và giam lại trong các trại tập trung (relocation and internment). Roosevelt đã phá bỏ truyền thống cũ (break tradition) để tranh cử bốn nhiệm kỳ thay vì chỉ có hai.

    Tuy nhiên ông được các nhà học giả, sử gia xếp trong số ba vị Tổng Thống vĩ đại nhất của Hoa Kỳ (among the nation’s three greatest presidents).

    Một sự kiện ít được người Mỹ chú ý là năm 1944, 45 TT Roosevelt đã nhường một giải đất rộng mênh mông cho người Nga trong Thế Chiến. Chiến tranh Âu Châu gần kết thúc Roosevelt, Staline, Churchill họp tại Yalta (từ 4 tới 11/2/1945) để bàn về việc chia chác ảnh hưởng trên thế giới (1).

    Tháng 4/1945 Đại Tướng Mỹ George Patton đã tiến quân tới biên giới Tiệp Khắc nhưng được lệnh dừng lại vì Tiệp Khắc đã được nhường cho Nga. Theo tài liệu Nga mặt trận Tiệp rất lớn, họ bắt được gần 100 ông Tướng Đức, cuộc chiến kéo dài 5 ngày (6/5 tới 11/5/1945). Trên thực tế người dân Đông Âu muốn Anh-Mỹ tiếp thu họ hơn là Nga, vả lại ngay như quân Đức cũng thích đầu hàng Đồng Minh Anh-Mỹ hơn đầu hàng quân Nga.

    Theo như trong cuốn phim tài liệu The Unkonwn War, Cuộc Chiến tranh chưa được biết tới, người Nga gọi nó là Cuộc Chiến Tranh Vệ Quốc Vĩ Đại The Great Patriotique War, phim có nói về cuộc nổi dậy tại Thủ đô Ba Lan Warsaw (Vạc Sô Vi). Lực lượng dân quân Ba Lan nổi dậy để chờ đồng minh từ Luân Đôn tới cứu, Anh muốn giúp Ba Lan, nhưng Mỹ gạt đi vì Đông Âu đã được nhường cho Nga, Mỹ mạnh hơn nên nắm quyền quyết định. Cuối cùng phim cho thấy Hitler đích thân sang Ba Lan trừng trị Warsaw, cho đặt chất nổ, mìn giật sập các cao ốc để biến Thủ Đô này thành bình địa.

    Trong bộ Lịch Sử Thế Chiến Thứ Hai (Histoire de La Seconde Guerre Mondiale) họ nói sở dĩ Mỹ nhường Đông Âu cho Nga để nhờ Nga phụ giúp đánh quân Nhật khi chiến tranh kết thúc tại Châu Âu. Người Mỹ nhận định Quân Nhật còn khoảng 5 triệu, đa số đóng tại Nhật và tại Trung Hoa, họ trù tính phải đánh hơn một năm mới xong chiến tranh Thái Bình Dương. Theo nhận định của Nga phải đánh hai năm rưỡi mới xong.

    Nhưng Mỹ không ngờ họ đã làm xong bom nguyên tử, vả lại quân Nhật bị mất tinh thần khi được biết Đức đã đầu hàng bên trời Âu. Lính Nhật cũng đầu hàng nhiều hơn khiến Mỹ Nga không phải chiến đấu dai dẳng.

    Người Mỹ cũng muốn tiết kiệm xương máu, họ quí trọng sinh mạng con người trong khi phía CS Nga mạng người rẻ như bèo, riêng tại Thành phố Stalingrad, quân Nga có 500 ngàn người (nửa triệu) tử trận, nhiều hơn số lính Mỹ chết tại Âu châu, Á châu trong suốt Đệ Nhị Thế Chiến. Tổng cộng phía Mỹ chỉ có 400 ngàn người tử trận. Theo tài liệu Liên Xô (tại Saigon sau 30/4/1975), họ mất 20 triệu người trong Thế Chiến trong đó một nửa là lính, một nửa là dân.

    Năm 1957 nhà văn nổi tiếng Lỗ Ma Ni C.V Gheorghiu viết cuốn truyện ngắn Les Sacrifies du Danube, những kẻ hy sinh tại vùng sông Danube. Truyện thể hiện nỗi uất hận của những nước Đông Âu trong vùng Danube đã bị Mỹ bán cho Sô Viết để cứu nền văn minh Tây Âu. Người Anh muốn chiếm Đông Âu trước khi quân Nga tới nhưng Mỹ không đồng ý, Mỹ mạnh hơn nên Anh đành chịu.

    Trước Thế Chiến các nước Đông Âu như Tiệp Khắc, Ba Lan, Bảo Gia Lợi, Hung Gia Lợi, Lỗ Ma Ni.. là những nước dân chủ tự do, theo kinh tế tư bản, đành cam chịu sống dưới gông cùm CS. Họ oán Mỹ, hiện nay vì còn quá sợ hãi Nga nên phải theo Mỹ. Trong phim Anh-Mỹ “World War II, Behind Closed Doors” có cảnh quân Nga vào Ngân hàng các nước Đông Âu vét vàng và ngoại tệ đem về …

    Trước Thế chiến thứ hai chỉ có một một mình nước Nga theo Cộng Sản, Staline chủ trương tiến lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi nước Nga trái với Trosky muốn tiến lên vô sản hóa toàn thế giới, (chi tiết này tôi đọc trong cuốn Les idees Politique của một tác giả Pháp). Khi Mỹ nhường Đông Âu cho Nga, họ đã bành trướng thế lực rất nhanh để tiến lên vô sản hóa toàn thế giới. Các nước tư bản dân chủ Tiệp, Ba Lan, Lỗ Ma Ni, Hung Gia Lợi, Bảo Gia Lợi …đã chung sức cùng Tây phương chiến đấu chống phát xít Đức đến khi chiến thắng đã bị Mỹ bán đứng cho Nga.

    Người dân Mỹ được tin nước Đức đầu hàng là họ vui mừng khôn xiết, không biết rằng Nga đã đã tiến lên Vô sản hóa Thế giới mà chính CS không ngờ, đang không lại được bành trướng tại một mảnh đất xa xôi. Người Mỹ chỉ biết cái lợi trước mắt mà không nghĩ tới cái hậu quả của nó, tính đến năm 1975, CS khoe họ có 17 nước Xã hội chủ nghĩa

    Người Anh đã hối thúc Mỹ tiến nhanh chiếm Đông Âu trước khi quân Nga tới nhưng Mỹ đã gạt đi, sau này (trong bộ LS Thế chiến) Anh chỉ trích Mỹ ngây thơ, quá tin tưởng Staline mà không ngờ cái âm mưu thâm hiểm của nhà độc tài này.

    Về mặt đạo đức việc nhường Đông Âu cho Nga của TT Roosevelt là một điều tàn nhẫn, về mặt chính trị nó chỉ là nối giao cho giặc mà sau này chính người Mỹ phải lãnh hậu quả.




    Để mất Trung Hoa năm 1950

    Tổng Thống Roosevelt (Dân Chủ) mất ngày 12/4/1945, Phó TT Truman lên thay

    Các hạm đội Mỹ, Anh từ Âu châu chuyển về Thái Bình Dương để kết thúc mặt trận châu Á, Sô viết chuyển quân bằng đường bộ từ Tây sang Đông như đã thỏa thuận với Tây Phương tại Yalta. Điều bất ngờ là Mỹ đã hoàn tất bom nhuyên tử, ngày 6 và 9 tháng 8-1945 TT Truman ra lệnh ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagakasi tại Nhật, ngay sau đó một triệu rưỡi quân Nga tấn công lộ quân Quân Đông Nhật tại Mãn Châu. Khoảng một triệu quân Nhật đầu hàng. Người Nga lấy kho vũ khí to lớn của địch kể cả xe tăng thiết giáp giao cho Mao Trạch Đông.

    Năm 1946 Tổng thống Truman hòa giải Mao-Tưởng, Mỹ hy vọng Quốc-Cộng sống chung hòa bình, ngây thơ đến thế. Người Mỹ không hay biết gì về âm mưu thâm độc của Staline, ông ta lừa gạt Mỹ từ đầu chí cuối. Mao vận động Nga yêu cầu Anh, Mỹ bắt ép Tưởng Giới Thạch ký đàm phán (2). Tưởng-Mao thảo luận một tháng (cuối 8/1945 tới 10/10/1945) rồi ký hòa ước tháng 1/1946 nhưng chỉ được 6 tháng thì nội chiến bùng nổ. Lúc này theo tài liệu CS, Mao chỉ khiểm soát 1/4 đất đai và 1/3 dân số.

    Tưởng Giới Thạch đưa 1 triệu 6 trăm ngàn quân từ miền Nam lên Mãn Châu, Mỹ giúp máy bay chuyên chở. Tưởng thắng được những tháng đầu rồi dần dần mất ưu thế, năm 1948 Mao bắt đầu thắng thế. Quốc Dân Đảng chia rẽ lại cách xa căn cứ tiếp liệu tại miền Trung nước Tầu, đất đai bị Cộng quân chiếm. Mao vừa khủng bố và dụ dỗ người dân để đưa họ ra trận tuyến gian khổ. Quốc dân Đảng (QDĐ) mất hơn một triệu quân tại đây và bắt đầu thất thế.

    Mao tiêu diệt được 144 sư đoàn thiện chiến của Tưởng. Cuối năm 1948, đầu năm 1949 bà Tống Mỹ Linh, phu nhân Tưởng Giới Thạch sang Mỹ xin viện trợ nhưng bị bác bỏ. Hồi ấy Dân chủ nắm đa số Quốc Hội, tại Hạ Viện họ giữ 263 ghế, Cộng Hòa 171 ghế, Thượng Viện giữ 54 ghế, Cộng Hòa 42 ghế, họ vừa giữ Hành Pháp lại chiếm đa số tại Quốc Hội.

    Quốc Dân Đảng không được Mỹ giúp trong khi Mao được Nga viện trợ mạnh. Tháng 4-1949 Cộng quân vượt sông Dương Tử chiếm Nam Kinh Thủ đô Quốc Dân Đảng Trung Hoa, họ tiến về Hoa Nam.

    Ngày 1 tháng 10 năm 1949, Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, thủ đô là Bắc Bình, nay đổi là Bắc Kinh. Cuối năm 1949 Tưởng Giới Thạch và khoảng 2 triệu người Quốc Dân Đảng chạy ra đảo Đài Loan.

    Dư luận Mỹ chỉ trích, lên án Tổng thống Truman đã để mất Trung Hoa vào tay Cộng Sản. Người ta cho rằng việc ngăn chận CS Tầu cần phải viện trợ nhiều hơn. Người Mỹ bắt đầu hỏi ai đã làm mất Trung Hoa? tỷ lệ ủng hộ Truman từ 70% xuống còn 35%. Lyndon Johnson hồi đó là Thượng nghị sĩ tiểu bang Texas (Jan/1951-Jan/1953) cho rằng Truman đã không tròn trách nhiệm để mất Trung Hoa, khi ông lên làm Tổng thống (1964) đã hứa không đi vào vết xe đổ của quá khứ.

    Ngoại trưởng Dean Rusk nói Cách mạng Trung Hoa không phải của người Tầu mà là Made in Moscow. Nhiều người Mỹ cho rằng CS đang tiến bước mạnh và nếu không ngăn chận chúng sẽ tràn ngập thế giới (3). Biết thế là tốt nhưng cũng hơi muộn.

    Các tài liệu cho biết:
    • Năm 1946-1947 Tưởng có hơn 4 triệu quân chủ lực – Mao có khoảng 1 triệu 3 trăm ngàn quân chủ lực và 2 triệu du kích,
    • Giữa năm 1948 Tưởng còn 3 triệu rưỡi – Mao có 2 triệu 8,
    • Tháng 6-1949 Tưởng còn 1 triệu rưỡi – Mao có 4 triệu

    Luận điệu của chính phủ Mỹ chê Quốc Dân Đảng Trung Hoa được viện trợ 4 tỷ đô la quân sự nhưng lại bị Cộng quân yếu hơn đánh bại.

    Cũng có tài liệu nói sau Thế chiến thứ hai, cán cân quân sự nghiêng về phía Cộng Sản Tầu. Chủ lực quân của họ tăng lên 1 triệu 2 và 2 triệu du kích. Vùng kiểm soát của họ có 19 căn cứ chiếm 1/4 lãnh thổ Trung quốc và 1/3 dân số gồm nhiều tỉnh thành quan trọng. Nga Sô đã trao cho CS Tầu kho vũ khí lớn lấy được của Nhật, họ cũng đã giúp Mao nhiều quân viện, Mao cũng được Nga giao cho miền Đông Bắc Trung Hoa (4)

    Quốc Dân Đảng có ưu thế quân sự, họ chống quân Nhật hồi Thế chiến thứ hai đã bị mất nhiều đơn vị tinh nhuệ trong những trận đánh lớn khi ấy CS Tầu ít thiệt hại vì ít đụng chạm Nhật. Tưởng Giới Thạch cho Mãn Châu là một vị trí chiến lược quan trọng cần phải chiếm giữ và đã đưa 1 triệu 6 trăm ngàn quân lên đánh CS được Mỹ giúp cho máy bay chuyển quân. Tưởng Giới Thạch thua trận mùa thu 1948 đó là một khúc quành quan trọng trong cuộc chiến nên đã thảm bại (5).

    Một phần vì tại Hoa Bắc, Mãn Châu địch mạnh, một phần QDĐ bị suy yếu vì Thế chiến thứ hai, sự sai lầm của Tưởng cho chuyển quân lên vùng xa xôi nên đã mất hơn một triệu quân. Địch tuyển được nhiều quân, đánh biển người, một chiến thuật man rợ và lợi hại khiến QDĐ ngày càng thua nhiều trận lớn.

    Tướng George Marshall nói Nga không viện trợ gì cho Mao, đó là điều ngây thơ vốn dĩ của người Mỹ. Cuộc chiến Quốc-Cộng kéo dàì nhiều năm, từ 1946 tới 1949. Họ đánh bằng cấp quân đoàn, lên tới hàng mấy trăm sư đoàn. Không có viện trợ của Sô Viết, Tầu Cộng lấy đạn dược tiếp liệu ở đâu để tham gia những trận đánh long trời lở đất? chắc họ lấy báng súng để tác chiến!

    Y hệt như trong cuộc chiến VN, các nhà học giả Mỹ nghiên cứu chiến tranh VN thường ít nói tới việc Quốc Hội Dân Chủ cắt giảm viện trợ 50% mỗi năm từ giữa 1973, họ chỉ chê bai chính phủ VNCH thối nát tham nhũng, sai lầm trong chiến thuật rút bỏ Cao nguyên. Quốc Hội Mỹ cắt giảm viện trợ xương tủy, tháng 4/1975 quân đội VNCH không còn gì để chiến đấu. Người Mỹ chỉ trích QDĐ Trung Hoa và VNCH tham nhũng để mất nước mà không bao giờ nhìn nhận trách nhiệm của họ.

    Nước Trung Hoa theo CS đã làm lệch cán cân giữa hai khối Thế giới Tự do và Xã hội chủ nghĩa, dân số Tầu chiếm một phần tư (1/4) thế giới hồi đó. Trước Thế chiến Thứ Hai chỉ có một mình nước Nga theo CS, dần dần trước sự sai lầm và dễ dãi của Hoa Kỳ, Staline chiếm được một giải đất rộng mênh mông từ Âu sang Á y như Thành Cát Tư Hãn xa xưa vậy.

    TT Nixon sau này cảm phục Nga không đem quân sang, chỉ đứng ngoài giật giây mà đã chiếm được nhiều nước. Cuộc chiến tranh Quốc – Cộng 1946-1949 cho thấy Nga không đem quân vào, trong khi Mỹ đã đưa vào 50,000 quân mà vẫn thất bại.

    Hoa Kỳ nhường Đông Âu cho Nga năm 1945 để nhờ họ đánh quân Nhật là một lỗi lầm tai hại, vừa mất Đông Âu rồi mất cả Trung Hoa. Người Mỹ thường vắt chanh bỏ vỏ, họ bỏ Tưởng Giới Thạch vì vai trò chống Nhật của Quốc Dân Đảng đã hết.

    Trung Cộng sửa sang phi trường, chuẩn bị máy bay, tầu chiến để đổ bộ chiếm Đài Loan, TT Truman tuyên bố ngày 5/1/1950 sẽ không can thiệp giúp Đài Loan, ông muốn thiết lập bang giao với Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc, ngây thơ đến thế.

    Chỉ nửa năm sau khi để Trung Hoa rơi vào tay Mao Trạch Đông, người Mỹ được nếm mùi Cộng Sản và nếm mùi chiến tranh do Tầu đỏ mang lại. Ngày 25/6/1950 Nga, Tầu giúp Bắc Triều Tiên ồ ạt xâm lăng Nam Triều Tiên, hai ngày sau 27/5/1950 Truman vội vã tuyên bố bảo vệ Nam Triều Tiên và lệnh cho Hạm đội 7 bảo vệ Đài Loan, Truman quay ngoắt 180 độ y như một thằng hề …

    Bỏ Trung Hoa cuối thập niên 40 mang lại hậu quả tai hại đau đớn nhất cho Mỹ, tiếp theo ngay sau đó là hai cuộc chiến đáng đồng tiền bát gạo: Cuộc chiến Triều Tiên khiến cho khoảng gần 40 ngàn lính Mỹ mạng vong và cuộc chiến VN sau đó khoảng gần 60 ngàn lính Mỹ tử trận.

    Hậu quả của nó còn kéo dài cho tới tận ngày hôm nay.




    Rút bỏ Đông Dương 1975

    Trung Cộng gián tiếp và trực tiếp tham gia cuộc chiến Triều Tiên từ giữa năm 1950 cho tới giữa năm 1953 thì đình chiến, họ đã giúp Việt Minh thành lập sáu sư đoàn chính qui từ năm 1950, 51 (6). Cuộc chiến Triều Tiên vừa dứt, Trung Cộng rảnh tay giúp hỏa lực cho Việt Minh nhiều từ 1953, 1954 để đánh thắng trận Điện Bên Phủ.

    Từ năm 1964, 65 CSBV đưa nhiều trung đoàn chính qui vào Nam tấn công dữ dội, sau này theo lời Tướng Ngô Quang Trưởng, Tướng Westmorelamd, Bộ Trưởng McNamara nếu TT Johnson, Dân Chủ không đưa quân vào cứu VN năm 1965 thì mảnh đất này có thể mất trong vòng 6 tháng. Năm 1965 Mỹ đưa vào miền Nam 184 ngàn người, trung bình mỗi năm trên 100 ngàn, tới năm 1968 đã có 530 ngàn quân Mỹ tại miền Nam.

    Mỹ đưa quân vào cứu miền Nam vì quyền lợi của chính họ, theo thuyết Dominoes có từ thời TT Eisenhower: Nếu mất miền Nam sẽ mất Thái Lan, Miến Điện, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân… y như trong ván cờ Dominoes.

    Những năm đầu 1965, 66.. khi đưa quân vào VN, chính phủ được người dân ủng hộ, sau TT Johnson sai lầm trong chiến thuật Chiến tranh hạn chế, Limited war, đánh cho nó sợ để phải rút về Bắc. Số tử vong ngày càng lên cao, số người chống đối chiến tranh ngày càng mạnh hơn, riêng ngày 15-4-1967 có 400,000 (nửa triệu) người biểu tình phản chiến tại New York, họ đi từ Central Park tới trụ sở Liên Hiệp Quốc, cùng ngày có 100,000 người diễn hành tại San Francisco.

    Khi phóng trào phản chiến lên cao, Lê Duẩn càng thí quân dữ dội, y sẵn sàng đẩy mười hoặc mười lăm thanh nhiên vào tử địa để giết một tên lính Mỹ, mục đích đẩy mạnh phong trào phản chiến. Trận Tổng tấn công Tết Mậu thân tháng 2/1968 là cuộc thí quân kinh hoàng của Duẩn, trong trận này số VC bị giết là 58 ngàn người, gấp hơn mười lần số tử vong của VNCH, người ta gọi đó là trận 10 đổi một.

    Mậu Thân là trận thảm bại quân sự lớn của CSBV, nhưng vô tình nó lại thành công lớn về mặt chính trị, người dân Mỹ quá chán nản với cuộc chiến VN, họ biểu tình chống đối và đòi chính phủ phải rút ra khỏi Đông Dương. Người dân không biết bao giờ nó mới chấm dứt, tới cuối năm 1968, số lính Mỹ tử vong là 35 ngàn, TT Johnson hăm dọa Bắc Việt sẽ cho nếm mùi sức mạnh nếu không chịu ngồi vào bàn Hội nghị.

    Johnson không ra ứng cử năm 1968, ông nhường lại cho Phó TT Humphrey. Trong cuộc tranh cử ngày 5/11/1968 cựu phó TT Richard Nixon (Cộng Hòa) thắng Humprey 301/191 phiếu Cử tri đoàn, hơn đối thủ khoảng 500 ngàn phiếu phổ thông.

    Người dân bầu cho Cộng Hòa thay Dân Chủ lãnh đạo cuộc chiến vì họ quá chán đường lối của Dân Chủ. TT Nixon biết là không thể thắng cuộc chiến trước sự chống đối dữ dội của người dân, của Phong trào phản chiến. Khi Nixon vào Tòa Bạch Ốc, Quân đội Mỹ do Johnson để lại là 530 ngàn người, ông cho rút quân về nước từ từ nhưng vẫn giữ cho VNCH còn tồn tại ít nhất là trong hai nhiệm kỳ của ông cho tới năm 1976. Nixon thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh dần dần, tăng quân cho miền Nam, trang bị vũ khí nặng, đánh sang Miên năm 1970 và Lào 1972 để làm suy yếu địch khiến miền Nam mạnh hơn. Tháng 3/1972 BV mở trận Tổng tấn công mạnh để chiếm miền Nam, mặc dù Mỹ đã rút quân về gần hết, nhưng Nixon cho oanh tạc dữ dội bằng pháo đài bay B-52 khiến địch thiệt hại hàng trăm ngàn quân, 700 xe tăng bị bắn cháy.

    Năm 1965 TT Johnson đưa quân vào miền Nam để giữ mảnh đất này nhưng vì ông ta sai lầm trong chiến thuật chiến tranh giới hạn, limited war nên đã thất bại. Nay Dân Chủ lại phối hợp với Phản chiến và Truyền thông để rút bỏ tất cả, đảng phái hành động trái ngược nhau, đảng nọ phá đảng kia, bao giờ cũng thế.

    Điểm đặc biệt là trong suốt cuộc chiến tranh VN từ thời Kennedy đến Gerald Ford, Dân Chủ đều chiếm đa số tại Quốc Hội, cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện.

    Trong kỳ bầu cử Quốc Hội năm 1960, Dân Chủ giữ 262 ghế Hạ Viện (60%) và 64 ghế Thượng Viện (64%), Cộng Hòa giữ 175 ghế Hạ Viện, 36 ghế Thượng Viện.

    Năm 1968 Dân Chủ giữ 243 ghế Hạ Viện (56%) và 57 ghế Thượng Viện (57%), Cộng Hòa giữ 192 ghế Hạ Viện, 43 ghế Thượng Viện.

    Năm 1972 Dân Chủ giữ 242 ghế Hạ Viện (56%), 57 ghế Thượng Viện (57%), Cộng Hòa giữ 192 ghế Hạ Viện và 43 ghế Thượng Viện.

    Năm 1974 Dân Chủ giữ 291 ghế Hạ Viện (67%) và 60 ghế Thượng Viện (60%) Cộng Hòa giữ 144 ghế Hạ Viện và 38 ghế Thượng Viện.

    Dân Chủ nắm giữ Quốc Hội có nghĩa là họ giữ túi tiền, họ cắt giảm viện trợ quân sự cho miền Nam những năm cuối của cuộc chiến khiến chính phủ Thiệu kiệt quệ không còn đạn dược tiếp liệu để chống lại sự xâm lăng của địch.

    Ngày 7/11/1972 Nixon Đại thắng trong cuộc tranh cử Tổng Thống với số phiếu cao nhất từ xưa đến nay: 96% phiếu Cử tri đoàn tức 520 phiếu CTĐ trên 49 tiểu bang, đối thủ McGovern (Dân Chủ) chỉ được 17 phiếu CTĐ trên một tiểu bang. Nixon hơn McGovern 18 triệu phiếu phổ thông.

    Nixon thắng quá lớn vì ông đã đem quân về nước gần hết, sắp ký Hiệp định Paris, thực hiện hòa bình trong danh dự … ông đã thỏa mãn nước Mỹ, người dân Mỹ từng khao khát hòa bình.

    Sáu tháng sau Hiệp định Paris, Quốc Hội Dân Chủ cắt viện trợ VNCH mỗi năm 50%: Năm 1973 viện trợ Mỹ cho miền Nam là 2 tỷ 1, năm sau còn 1 tỷ 4, năm sau 1975 còn 700 triệu, tiền mất giá thực ra chỉ còn 500 triệu (7). Trong khi ấy, năm 1975 CSBV với viện trợ dồi dào của Nga, Trung Cộng mở cuộc Tổng tấn công, VNCH cầm cự với quân viện bị cắt giảm xương tủy và sụp đổ ngày 30/4/1975.

    VNCH và Đông Dương sụp đổ do Dân Chủ cắt hết viện trợ quân sự. Đạn dược tiếp liệu không còn gì. Tuy nhiên chúng ta chú ý một điều, người dân Mỹ yên lặng nhìn VNCH, Đông Dương sụp đổ, họ đồng tình với Dân Chủ, nói trắng ra đảng Dân Chủ cắt viện trợ bỏ miền Nam VN, Đông Dương đã được người dân ủng hộ, lập trường giữ miền Nam của TT Nixon không còn đứng vững.

    Phía Dân Chủ bỏ đồng minh một phần vì lợi ích của Nước Mỹ và một phần cũng để lấy thêm phiếu từ người dân, còn Cộng Hòa cho rằng bỏ đồng minh sẽ gây tiếng xấu. Từ 10/4/75 TT Gerald Ford ra Quốc hội xin 700 triệu viện trợ khẩn cấp không được, Ford và cố vấn Kissinger cho là các nước đồng minh sẽ không còn tin tưởng Mỹ.




    Rút bỏ Afghanistan

    Ngày 9/11/2001 Bin Laden, một tay trùm Al-Qaeda đánh sập tòa tháp đôi tại New York, làm chết 3,000 người. TT Bush con lệnh cho Taliban tại A Phú Hãn phải giao nộp Bin Laden cho Mỹ, Taliban không chịu giao nên Mỹ đổ quân vào chiếm A Phú Hãn hôm 7/10/2001. Báo chí hồi đó nói Quân chính phủ Cộng Hòa Afghanistan tha cho lính Taliban ai về nhà nấy.

    Các nước NATO như Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý… đã đưa quân vào giúp Mỹ vì cùng trong khối NATO.

    Người Mỹ đưa quân vào miền Nam năm 1965 vì sợ mất Đông Nam Á theo thuyết Dominoes và nay đưa quân vào Afghanistan vì sợ nước này lọt vào tay bọn bọn khủng bố Al-Qaeda. Cuộc chiến Afghanistan không gây chia rẽ trong lòng nước Mỹ nhưng nó kéo dài quá lâu, tốn kém, ước lượng 2, 261 tỷ Mỹ kim (8)

    Dù là Cộng Hòa hay Dân Chủ cũng đều phải nghĩ tới chuyện chấm dứt cuộc chiến này, nghĩa là rút bỏ, nhưng nay nhiều người Mỹ cũng e sợ bọn khủng bố Al-Qaeda, Isis sẽ trở lại đánh phá nước Mỹ.

    Cuộc chiến A Phú Hãn được coi là dài nhất trong lịch sử Mỹ, dài hơn cuộc chiến VN khoảng 5 tháng (9). Phía Taliban được các nước Hồi Giáo: Pakistan, Iran, Turkmenstan giúp vũ khí trong khi Quân đội chính phủ Afghanistan được Mỹ viện trợ cũng giống như VNCH do Mỹ giúp quân viện, phía CSBV được Nga, Trung Cộng và các nước Đông Âu viện trợ súng đạn dồi dào, thường là nhiều hơn Mỹ.

    Trong War in Afghanistan (2001-2021) về lực lượng hai bên, phía chính phủ Cộng Hòa Hồi Giáo Afghanistan (Islamic Republic of Afghanistan) có 352,000 quân. Phía Taliban có trên dưới 80,000 quân, nhưng chúng ta không biết trong số quân của Chính phủ 352,000 người có bao nhiêu lính nhà nghề, bao nhiêu địa phương quân, nghĩa quân? phía Taliban cũng vậy.

    Nhìn sơ chúng ta thấy nó chỉ là một cuộc chiến nhỏ nhưng kéo dài, mặc dù dân số của họ 32 triệu, nhiều hơn dân số VNCH năm 1975 (khoảng 20 triệu), nhưng cuộc chiến VN lớn gấp trăm lần cuộc chiến A Phú Hãn và đã gây nhiều xáo trộn trong lòng nước Mỹ.

    Từ 14/7 Taliban chiếm nhiều vị trí quan trọng tại biên giới với Pakistan. Ngày 12/8 Taliban chiếm 4 tỉnh, sau chiếm thêm 6 tỉnh, ngày 14/8 và 15/8 Taliban chiếm Vadard. Ngày 16/8 Tổng Thống Afghanistan Ashraf Ghani bỏ trốn, ông nói mục đích để tránh đổ máu. Ngày 26/8 khủng bố ôm bom tự sát khiến 13 lính Mỹ bị thiệt mạng, cuộc đánh bom đã khiến hàng trăm người thiệt mạng và bị thương.

    Điều khó hiểu là Quân đội của chính phủ Cộng Hòa Afghanistan hầu như không chiến đấu như VNCH, họ giao đất cho Taliban để tránh đổ máu. Hai bên bàn giao đất đai một cách hòa bình. Biden lẳng lặng rút hết quân mà không thông báo cho đồng minh Afghanistan và các nước NATO tham chiến, Biden đánh giá quá thấp nhận định của Chính phủ A Phú Hãn, tin tưởng một cách ngu xuẩn rằng Quân đội của họ sẽ chiến đấu cho các ngài Cố Vấn lên máy bay về nước thoải mái. Nhưng họ đâu có ngu, họ không đem xương máu để các anh lợi dụng.

    Chưa có cuộc lui binh nào ngu đần như vậy, quân đội đi trước, để dân đi sau cùng. Khi Taliban vào Kabul giữa tháng 8/2021 thì người dân Mỹ và người A Phú Hãn chờ đi còn đầy ra tại phi trường, Biden phải năn nỉ nhục nhã bọn Taliban xin chúng gia hạn cho Mỹ thêm hai tuần để di tản thường dân Mỹ và người A Phú Hãn, hạn chót là ngày 30/8.

    Dư luận Âu Châu, tại Mỹ đều lên án, kế hoạch rút quân ngu đần của Biden đã khiến A Phú Hãn sụp đổ nhanh chóng. Các nước NATO đều rủa Mỹ đã rút bỏ Afghanistan mà không bàn thảo với họ trong khi NATO đã sát cánh chiến đấu với Mỹ để chống khủng bố.

    Biden đổ thừa cho Donald Trump đã dự định rút quân nên ông phải rút, tư cách một ông Tổng Thống như vậy cho thấy nước Mỹ không còn người lãnh đạo cho ra hồn.



    Trọng Đạt

    Chú thích
    (1) Arthur Conte, Yalta Ou Le Partage Du monde, viết năm 1974.
    (2) Quốc Cộng Đàm Phán, phim lịch sử Hồng Kông quay thập niên 80 có kể lại giai đoạn này
    (3) Communists Win China’s War, Macrohistoory and World Time Line, Fsmitha.com
    (4) Wikipedia , Chinese civil war.
    (5) Wikipedia, Chinese Communist Revolution.
    (6) Bernard B. Fall, Street Without Joy trang 34.
    (7) Kissinger, Years of Renewal trang 471.
    (8) Theo Cost for the war in Afghanistan 2001-2021
    (9) Wikipedia, War in Afghanistan, 2001-2021


    https://www.danchimviet.info/dang-dan-c ... 021/24192/
Trả lời

Quay về “Mỹ”