Cựu tổng thống Pháp bị án tù: Tranh luận về tính độc lập của tư pháp

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 21158
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Cựu tổng thống Pháp bị án tù: Tranh luận về tính độc lập của tư pháp

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Cựu tổng thống Pháp bị án tù: Tranh luận về tính độc lập của tư pháp
    ______________________________
    Trọng Thành _ 01/10/2021






    Thời sự trong nước là các chủ đề chính của đa số các nhật báo Pháp hôm nay. Chính phủ muốn kéo dài hiệu lực giấy chứng nhận y tế và tình trạng khẩn cấp cho đến đến mùa hè năm tới. Chính phủ ấn định giá trần điện để ngăn chặn nguy cơ giá điện tăng vọt là một chủ đề quan trọng khác. Vụ cựu tổng thống Sarkozy bị kết án một năm tù giam là thời sự được nhiều báo Pháp quan tâm.


    « Sấm động » là tựa đề của nhật báo thiên tả Libération. Tòa tiểu hình Paris hôm qua kết án cựu tổng thống Nicolas Sarkozy trong vụ án « chi tiêu bất hợp pháp » cho chương trình tranh cử của đảng Những người Cộng Hòa (LR), thường được coi là vụ Bygmalion. Libération nhấn mạnh là hội đồng thẩm phán đã cho rằng cần phải có một bản án « nghiêm khắc », do số tiền lớn cũng như tính chất « nghiêm trọng chưa từng có ».

    Cựu tổng thống Pháp ngay lập tức đã tuyên bố khiếu nại phúc thẩm. Như vậy, trong hiện tại, ông Nicolas Sarkozy phải đối mặt với hai bản án tù sơ thẩm, một năm tù giam trong vụ chi tiêu bất hợp pháp tranh cử nói trên và ba năm tù, trong đó có một năm tù giam, trong một vụ án khác liên quan đến tội danh « hối lộ » và « lạm dụng quyền thế ». Cựu tổng thống Sarkozy cũng đã bị khởi tố trong một vụ án thứ ba liên quan đến cáo buộc nhận tiền của nhà độc tài Libya Kadhagi để tài trợ cho chương trình tranh cử 2007.



    « Đáng hổ thẹn »

    Libération nhấn mạnh ngay từ đầu bài xã luận là trong các vụ án nói trên, ông Sarkozy hoàn toàn không phải là « người vô tội », mà chỉ là người được hưởng quyền « suy đoán vô tội ». Nhấn mạnh như vậy là làm cơ để sở phê phán thái độ của các lãnh đạo đảng LR đã có những tuyên bố khẳng định « ủng hộ » cựu tổng thống, ngay lập tức sau khi tòa tuyên án. Theo Libération, tuyên bố của các nhân vật chủ chốt của đảng LR thật là « đáng xấu hổ », đặc biệt trong bối cảnh đang có một số hành động tấn công nghiêm trọng vào thể chế tư pháp tại Pháp.

    Libération đánh giá phán quyết của Tòa là « tiếng sấm » trong lúc những lời lẽ ủng hộ của các lãnh đạo đảng LR dành cho bị cáo chỉ là những « tiếng nói rì rầm » không có ý nghĩa đáng kể gì. Nhật báo thiên tả hoan nghênh hành xử độc lập của tư pháp, cho phép nước Pháp « có mặt trong nhóm các quốc gia, mà các lãnh đạo dân cử cũng phải được xét xử như mọi công dân khác ». Libération nhấn mạnh là « đây là lần đầu tiên dưới thời Đệ ngũ Cộng Hòa, một án tù đã được tuyên nhắm vào một tổng thống đương nhiệm vào lúc xảy ra vụ việc ».



    Hữu lên án, tả hoan nghênh, đảng cầm quyền im lặng

    Về phần mình, nhật báo thiên hữu Le Figaro mô tả phản ứng của các chính đảng chính của nước Pháp sau phán quyết này. Bài « Cánh hữu lên án hành động truy xét ráo riết, cánh tả hoan nghênh » thuật lại trước hết những lời lẽ ủng hộ của hầu hết các cây đa, cây đề trong đảng đối lập cánh hữu LR, mở đầu là chính trị gia Xavier Bertrand, được coi là ứng viên sáng giá cho vị trí ứng cử viên tổng thống chính thức của đảng đối lập, đã bày tỏ « tình bạn » với bị cáo trong hoàn cảnh khó khăn này. Chính trị gia Valérie Pécresse – chủ tịch vùng thủ đô Paris – cũng bày tỏ tin tưởng là ông Sarkozy sẽ « chiến đấu đến cùng để bảo vệ danh dự của mình » …

    Phán ứng về phía cánh tả rất đa dạng. Ứng viên tổng thống đảng Xanh vừa được bầu chọn, nghị sĩ châu Âu Yannick Jadot, tuyên bố không muốn bình luận về các « quyết định của tư pháp », với lời giải thích : « Nếu chúng ta muốn một nền dân chủ trở nên bình ổn, chúng ta không nên phê phán tư pháp, mà cần giúp cho tư pháp được độc lập ». Phản ứng dữ dội hơn là ở phía đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI), một thành viên trụ cột của đảng, dân biểu Clémentine Autain chỉ trích mạnh mẽ việc tòa án cho phép cựu tổng thống thọ án tù tại nhà với vòng điện tử đeo tay. Theo dân biểu đảng LFI, ông Sarkozy phải thi hành án phạt trong trại giam.

    Le Figaro cũng chú ý đến thái độ rất dè dặt của đảng cầm quyền Nước Cộng Hòa Tiến Bước (LREM), gần như im lặng sau phán quyết này.



    Căng thẳng giữa « tư pháp » và « chính trị » ?

    Nhật báo Công giáo La Croix cũng ghi nhận « không khí rất căng thẳng giữa tư pháp và chính giới » với án phạt cựu tổng thống và một vụ khởi tố khác nhắm vào cựu bộ trưởng Y Tế Agnès Buzyn. Tuy nhiên, vẫn La Croix dẫn lời một giáo sư luật công đại học Paris 2, bà Cécile Guérin-Bargues, khằng định hai vụ án này là hoàn toàn khác nhau. Vị luật gia nói trên nhấn mạnh là, khác hẳn với vụ cựu bộ trưởng Y Tế chính quyền Macron, bị cáo buộc về hành động của mình trên cương vị bộ trưởng, trong lúc vụ án chi tiêu bất hợp pháp của ông Sarkozy chỉ là một vụ án « hình sự » thông thường, chứ không nhằm vào hành động của ông Sarkozy với tư cách tổng thống. Cùng với ông Sarkozy, tòa cũng kết tội 13 bị cáo khác về tội « lừa đảo » và đồng lõa.

    Về phán quyết của tòa án trong vụ chi tiêu tranh cử bất hợp pháp, nhật báo kinh tế Les Echos đặc biệt chú ý đến việc hội đồng thẩm phán đã đưa ra một bản án nặng hơn so với đề nghị của bên công tố. Chánh án phiên tòa, bà Caroline Viguier, nhấn mạnh là ông Sarkozy hoàn toàn là người « có kinh nghiệm tranh cử », bởi đây không phải là lần đầu tiên, bên cạnh đó cựu tổng thống là người « hiểu rõ luật ». Trước đó, bên công tố đã yêu cầu một năm tù, trong đó có sáu tháng tù treo.



    Pháp có luật nghiêm, nhưng cần « phương tiện » để thực thi

    Vẫn vụ án cựu tổng thống, nhật báo thiên tả Libération có nhiều bài viết khác, trong đó có bài phỏng vấn bà Sarah El Yafi, Transparency International France, hiệp hội của xã hội dân sự chống tham nhũng. Bài phỏng vấn mang tựa đề « Cần loại trừ các hành xử hủy hoại nền dân chủ ». Theo đại diện của hiệp hội dân sự chống tham nhũng quốc tế này, vụ « Bygmalion » cho thấy bầu cử tổng thống và việc kiểm soát quá trình này tại Pháp là « một mắt xích yếu » của nền dân chủ.

    Chuyên gia hiệp hội Transparency International France ghi nhận nước Pháp là một trong các quốc gia có « hệ thống pháp lý » nghiêm ngặt nhất thế giới về chủ đề này. Trên giấy tờ, việc nước Pháp đặt nguồn tài chính chi cho hoạt động chính trị chủ yếu dựa chủ yếu vào tiền công quỹ, với mục tiêu ngăn ngừa các nguy cơ tham nhũng, xung đột lợi ích. Tuy nhiên, để có kết quả, mục tiêu đầy tham vọng này cần phải đi kèm với đủ phương tiện, và một « văn hóa minh bạch về chính trị », điều mà hiện tại nước Pháp chưa đạt tới.




    https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m ... ap-tu-phap
Trả lời

Quay về “Quốc Tế”