Khi « Võ đạo Nhật » giúp phụ nữ Anh đấu tranh đòi nữ quyền đầu thế kỷ XX

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 21158
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Khi « Võ đạo Nhật » giúp phụ nữ Anh đấu tranh đòi nữ quyền đầu thế kỷ XX

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Khi « Võ đạo Nhật » giúp phụ nữ Anh đấu tranh
    đòi nữ quyền đầu thế kỷ XX

    ________________________________
    Minh Anh, Lê Hải - 17 tháng hai năm 2016





    Ảnh minh họa Wikipedia


    Cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng công dân của nữ giới Anh quốc vào đầu thế kỷ XX, trùng khớp với làn sóng du nhập các môn võ đạo Nhật Bản vào Châu Âu. Câu chuyện tưởng chừng chỉ có trong truyện viễn tưởng, nhưng sự trùng hợp ngẫu nhiên đó, đã cho phép làm thay đổi cái gọi là nhà nước phụ hệ.

    Để có thể được hưởng các quyền công dân bình đẳng với nam giới như ngày nay, phụ nữ Anh Quốc, như bao phong trào đấu tranh dân chủ khác, cũng phải trải qua những năm tháng đấu tranh nghiệt ngã, đầy cam go, chịu sự trấn áp thô bạo của chế độ, cũng như cái nhìn khắc nghiệt của xã hội Anh đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, nhờ vào yếu tố « thiên thời », mà tổ tiên của Phong Trào Giải Phóng Phụ Nữ (MLF) của những năm 1970, đã làm chao đảo hoàn toàn diện mạo xã hội Anh lúc bấy giờ.


    Vào cuối thế kỷ XIX đầu XX, tại Anh Quốc đã xuất hiện nhiều phong trào đấu tranh đòi nữ quyền. Nhưng vì chán nản trước sự chậm chạp của những phong trào đấu tranh bất bạo động, Emmeline Pankhurst (1858-1928) cùng với hai trong số các cô con gái là Christabel (1880-1958) và Sylvia (1882-1960) đã đứng ra thành lập phong trào Women’s Social and Political Union (WSPU) vào năm 1903.

    Bà Emmeline Pankhurst chủ trương
    • dùng bạo lực để chống bạo lực,
      dùng hành động trực diện để gây sự chú ý của công luận.
    Nhất là sau vụ « Ngày thứ Sáu đen tối » (Black Friday), cuộc biểu tình của phái nữ đã bị cảnh sát trấn áp dã man. Cũng từ đó phong trào đấu tranh của bà Emmeline Pankhurst đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Thông tín viên Lê Hải tại Luân Đôn cho biết chi tiết về phong trào đòi bình quyền này :

    Lê Hải :
    • « Phong trào phụ nữ đòi quyền bình đẳng ở Anh vào đầu thế kỷ 20 là đề tài mà trẻ em ở Anh được học từ cấp Một và không thể thiếu được trong giáo trình phổ thông môn lịch sử. Tuy nhiên cho đến tận bây giờ câu chuyện lịch sử này vẫn còn là đối tượng để nghiên cứu và thường xuyên có những chi tiết mới thu hút sự quan tâm của công chúng.

      Bộ phim Suffragettes mới được trình chiếu hồi năm 2015 đã tạo ra một cơn sóng tranh cãi xoay quanh các chi tiết lịch sử được tái dựng lại trong phim. Suffragettes là cái tên mà báo chí thời bấy giờ dùng để gọi những người phụ nữ đòi bình quyền bằng hành động bạo lực trong cơ cấu tổ chức của Công Đoàn Xã Hội và Chính Trị dành cho phụ nữ, viết tắt là WSPU (Women’s Social Political Union).

      Nhìn từ bên ngoài thì đó là phản ứng của người lao động ở Anh sau cuộc cách mạng của giai cấp công nhân ở Nga và trước đó nữa là chính sách trao quyền bình đẳng cho người hầu của chính quyền Sa Hoàng. Còn nhìn từ bên trong, thì bộ phim Suffragettes trình bày mối quan hệ bị áp bức của người phụ nữ Anh thời bấy giờ,
      • bị chồng là nghị sĩ đánh đập,
        bị chủ là đàn ông lạm dụng tình dục,
        và bị cảnh sát là công cụ bạo lực của đàn ông đối xử tệ hại, đàn áp khi những người phụ nữ yếu đuối muốn đoàn kết lại để cất lên tiếng nói của mình.


      Và lối thoát cho những người phụ nữ đó
      • là dùng bạo lực để chống lại bạo lực,
        lấy bàn ủi nóng phản kháng lại kẻ xâm hại mình,
        dùng gậy tung hứng để chống lại dùi cui của cảnh sát,
        và dùng cái chết trước ống kính truyền hình để đánh động lương tâm của toàn xã hội, kéo theo bộ luật trao quyền bầu cử cho phụ nữ Anh vào năm 1928, theo sau là nhiều nước khác trên thế giới. »






    Khi võ đạo Nhật du nhập vào Anh quốc

    Vào thời điểm đó, một hiện tượng văn hóa-xã hội khác đáng chú ý đang diễn ra. Cùng với sự mở cửa của Nhật Bản, hoạt động trao đổi văn hóa đã xảy ra giữa một nước Nhật Bản phương đông với thế giới phương tây. Theo trào lưu đó, « võ đạo Nhật » đã len vào đời sống xã hội tại Anh Quốc. Nhu thuật (ju-jitsu), nghệ thuật « lấy nhu chế cương », dùng sức người để đánh người, đã du nhập vào Anh Quốc như thế nào, anh Lê Hải cho biết tiếp :

    Lê Hải :
    • « Như quí vị thính giả đã biết thì giai đoạn đầu thế kỷ 20 là lúc nước Nhật mở cửa và tiếp nhận rất nhiều đỉnh cao văn hóa của thời bấy giờ như là công nghệ của Đức và hệ thống tổ chức xã hội của Anh, mà như chúng ta thấy còn để lại đến ngày hôm nay là hệ thống giao thông công cộng đi theo lề trái.

      Nhưng điều mà ít người chú ý đến trong một thời gian dài, là văn minh Nhật Bản cũng theo dòng trao đổi mà du nhập vào nền văn minh phương Tây, từ những bức họa trên giấy dán tường ảnh hưởng vào trường phái mỹ thuật Ấn Tượng của Pháp, cho đến phong cách Mỹ Nghệ góp phần tạo ra trường phái kiến trúc MacKintosh ở Scotland, và nhất là các hệ phái võ thuật như judo, karate và nhất là ju-jitsu.

      Ngày nay một trong số những hệ phái ju-jitsu có nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới là các lò võ ở Brazil, nơi hiện vẫn còn một cộng đồng người Nhật lên đến cả trăm ngàn người đang sống ở các thành phố miền nam Brazil. Vào năm 1917 võ sĩ Nhật Bản Mitsuyo Maeda đã sang Hoa Kỳ và xuống Nam Mỹ để tạo nên hệ phái nổi tiếng đó, mà vào thập niên 1990s du nhập vào Anh.

      Thế nhưng, thực ra thì ju-jitsu đã từng đổ bộ vào nước Anh từ đầu thế kỷ 20 cùng võ sĩ người Nhật Sadakazu Uyenishi, ban đầu là khách mời của một lò võ và đấu vật Edward Barton-Wright nổi tiếng ở Luân Đôn. Nhưng sau này, ông tự ra mở võ đường riêng, và đào tạo được khá nhiều học trò tiếp tục duy trì truyền thống ju-jitsu.

      Thời đó, một loạt các trận đấu của ông hạ gục đối thủ to cao hơn nhiều đã khiến báo chí và dư luận Anh quan tâm đặc biệt, cùng một số sách giới thiệu bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, sau một thời gian thì Sadakazu Uyenishi về nước và hệ phái ju-jitsu ở Anh dần dần đi vào quên lãng, đặc biệt là sau khi đệ tử chân truyền của ông là William Garrud nghỉ hưu vào năm 1925. »






    Nhu thuật "ju-jitsu" nhập cuộc

    Tờ Le Monde Diplomatique, số ra tháng 2/2016, cho biết lo lắng trước hiện tượng ngày càng có nhiều phái nam tỏ ra « mủi lòng » trước cảnh các nhà đấu tranh nữ bị đánh đập, chính quyền Anh Quốc, năm 1913 đã đề ra một biện pháp trấn áp mang tên « Mèo và Chuột ».

    Các nữ tù chính trị đấu tranh bằng tuyệt thực sẽ được thả ra khi tình trạng sức khỏe quá xuống cấp. Nhưng một khi sức khỏe hồi phục, thì họ bị bắt lại. Các nhà đấu tranh lúc bấy giờ cho rằng đã đến lúc phải chấm dứt trò « Mèo vờn Chuột » thô bạo, chỉ nhằm một mục đích duy nhất là làm tan rã phong trào.

    Việc vợ chồng võ sĩ Edith và William Garrud lấy lại đạo đường do thầy Sadakazu Uyenishi để lại sau khi ông này về nước đã hé mở một giải pháp mới cho con đường đấu tranh của WSPU. Theo nguyệt san, việc một phụ nữ như bà Edith Garrud thực hành một môn thể thao vào lúc bấy giờ đã bị xem như là một hành vi chính trị.

    Bản thân bà cũng là một nhà đấu tranh cho nữ quyền với nhiều bài báo và các vở hài kịch, lên án tình trạng bạo hành trong đời sống gia đình. Không những bà khuyến khích phụ nữ học cách tự vệ trong các giờ dạy võ, mà còn xuất hiện trong các phim võ thuật của Anh lúc bấy giờ.

    Năm 1913, trước tầm mức của chính sách « Mèo vờn Chuột », Sylvia Pankhurst, con gái của Emmeline Pankhurst đã quyết định thành lập một bộ phận an ninh chuyên đảm trách bảo vệ các nhà đấu tranh nữ chống lại các lực lượng an ninh. Cũng từ đó xuất hiện đội Vệ Sĩ nữ, dưới sự huấn luyện của võ sư Edith Garrud.

    Có thể nói, sự xuất hiện của nhu thuật « ju-jitsu » trùng khớp với sự trỗi dậy của WSPU hầu như đã làm chao đảo xã hội Anh quốc theo truyền thống phụ hệ lúc bấy giờ.

    Lê Hải :
    • « Nói chính xác thì có lẽ không phải là tư tưởng ju-jitsu, mà là vai trò của người phụ nữ có tên là Edith Garrud trong phong trào Suffragettes mới góp phần tháo bỏ sự áp đặt của chế độ phụ hệ ở nước Anh thời bấy giờ.

      Bà là vợ của võ sư William Garrud vừa kể. Ban đầu bà chỉ định hướng dẫn kỹ năng tự vệ cho những người phụ nữ dũng cảm theo quyển sách về ju-jitsu mà chồng bà biên soạn, nhưng sau này chính bản thân bà cũng viết báo và trở thành nhân vật được báo chí Anh tập trung khai thác.

      Một loạt các bức ảnh chụp còn lưu lại trình bày các động tác người phụ nữ thấp bé này đã chỉ dẫn để vô hiệu hóa sự khống chế của cảnh sát to cao. Biếm họa trên báo thì vẽ người đàn bà thấp bé này đối đầu không chỉ một mà cả một toán cảnh sát đang chuẩn bị xông vào.

      Trên thực tế thì ở Hoa Kỳ cũng đang có một người phụ nữ năm nay ngoài 60 mà vẫn tiếp tục dạy võ cho lực lượng đặc nhiệm và thừa sức hạ gục đối thủ to cao. Võ sư Edith Garrud của Anh thì sống rất thọ, đến tận năm 99 tuổi mới mất, và trở thành biểu tượng cho tinh thần thể thao và ý chí sống ở Anh.

      Quay trở lại giai đoạn tranh đấu của những người phụ nữ dũng cảm trong phong trào Suffragettes, thì hiện chưa có công trình nào nghiên cứu về ảnh hưởng của tư tưởng võ thuật Nhật Bản vào xã hội nước Anh thời bấy giờ.

      Nhưng các học trò của Edith Garrud đã nhanh chóng lập nhóm mà họ gọi là Vệ Sĩ để bảm đảm cho các lãnh đạo của phong trào mà đặc biệt là Christabel Pankhurst luôn đến được nơi cần đến và nhanh chóng thoát khỏi vòng vây bố ráp của cảnh sát. Điều đó chắc chắn là đã đóng góp rất lớn vào sự thành công của phong trào Suffragettes. »






    Một « Suffragette » Trung Hoa

    Thế rồi, Đệ Nhất Thế Chiến bùng nổ, nước Anh tham chiến chống lại nước Đức. Bà Emmeline Pankhurst quyết định ngưng các chương hành động của WSPU, giải thể đội vệ sĩ và kêu gọi phụ nữ Anh ủng hộ nỗ lực chiến đấu bảo vệ quốc gia. Quyết định này, cũng nhằm mục đích khẳng định tính hợp pháp những đòi hỏi quyền công dân và đã bắt đầu thu được kết quả đầu tiên vào năm 1918 và quyền bỏ phiếu thật sự cho nữ vào năm 1928.

    Về phần mình, võ sư Edith Garrud, tiếp tục dạy nhu thuật cùng với chồng cho đến tận năm 1925. Bà xứng danh là nữ võ sư phương Tây đầu tiên về nhu thuật.

    Cũng phải nói thêm là phong trào đấu tranh Suffragettes của phụ nữ Anh không chỉ tạo tiếng vang trong nước mà còn lan rộng ảnh hưởng sang nhiều nước khác. Le Monde Diplomatique đặc biệt chú ý đến trường hợp nữ thi sĩ Thu Cẩn (1875-1907) tại Trung Quốc. Bà có thể được xem như là một sự hiện thân cho phong trào đấu tranh Suffragettes kiểu Trung Hoa.

    Được xem như là « nhà đấu tranh cho nữ quyền đầu tiên » của Trung Quốc, bà đặc biệt chống lại tập tục « bó chân » Thi sĩ Thu Cẩn đã học võ thuật Trung Hoa và Nhật Bản, chuẩn bị cho cuộc nổi dậy chống lại triều đình Mãn Thanh. Là giáo viên dạy thể chất tại các trường nữ sinh, dạy các em cách sử dụng các loại vũ khí, nữ thi sĩ đã gây một vụ xì căng đan khi xúi giục các học sinh nữ phải học lấy một nghề. Năm 1907, bà đã bị « trảm » vì tội mưu đồ tạo phản.

    Ai cũng biết rằng những người đi tiên phong trong các phong trào đấu tranh là những người đầu tiên phải trả giá đắt. Những phụ nữ tiên phong đấu tranh tự bảo vệ quyền xã hội và nữ giới đã dám tái xác định nữ tính của mình tùy theo nhu cầu thật sự của mình. Thông qua việc thực hành nhu thuật, các nhà đấu tranh đòi nữ quyền đã công khai đưa ra một lời cảnh báo.

    Một kiểu cảnh báo như nhà xã hội học và đào tạo người Áo, bà Irene Zeilinger trong tác phẩm « Cẩm nang tự vệ dùng cho tất cả các bà các cô, những ai đã quá ngán ngẩm với việc bị làm cho bực bội mà không nói được gì », có tóm lược như sau :

    « Nếu kẻ hành hung quyết định là sẽ có bạo lực,

    thì chính chúng ta cũng phải quyết định chống lại ai sử dụng hành vi bạo lực đó ».




    nguồn: vi.rfi.fr
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”