Nga và Trung Đông

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 21158
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Nga và Trung Đông

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ của Nga ở biên giới Syria
    _______________________________________________________
    Tú Anh - 24-11-2015





    Một chiến đấu cơ Sukhoi Su-24 của Nga
    tại căn cứ không quân Hmeymim, gần Latakia, Syria



    Sáng nay 24/11/2015, không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một oanh tạc cơ Sukhoi-24 của Nga xâm phạm không phận quốc gia.


    Ankara ngay lập tức quyết định đưa vấn đề ra Liên Hiệp Quốc và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO. Nga xác nhận máy bay Sukhoi bị bắn rơi nhưng xác quyết là chiến đấu cơ này « không bao giờ ra khỏi không phận Syria ».

    Những hình ảnh đầu tiên do các đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ chiếu cho thấy một chiếc máy bay quân sự « không rõ lai lịch » bốc cháy trên bầu trời và rơi xuống một dãy núi gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, đối diện với tỉnh Hatay, ở miền nam. Hai phi công Nga đã bấm dù nhảy ra khỏi phi cơ, nhưng theo phe đối lập Syria,
    • một trong hai phi công đã bị bắn chết,
      còn phi công thứ hai mất tích.


    Ngay lập tức, Thủ tướng Ahmet Davutoglu đã gặp Tổng tham mưu trưởng quân đội, tướng Hulusi Akar và Ngoại trưởng Feridum Sinirlioglu. Ông quyết định đưa vấn đề ra trước Liên Hiệp Quốc và khối NATO, mà Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên. Trong tuyên bố đầu tiên, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sơ lược « là đang tìm cách xác định lai lịch » của chiếc máy bay quân sự.

    Nhưng chỉ vài giờ sau, Matxcơva nhìn nhận một chiếc oanh tạc cơ Sukhoi-24, tham gia chiến dịch oanh kích ở Syria, đã « bị rơi, có lẽ do đạn dưới đất bắn lên ».Tuy nhiên, bộ Quốc phòng Nga xác quyết máy bay của Nga « không hề rời không phận Syria ».

    Một quan chức khối NATO vừa cho hãng tin AFP biết tổ chức này sẽ mở một phiên họp bất thường vào chiều nay ở Bruxelles "theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, để nước này cung cấp thông tin cho các đồng minh về chiếc máy bay Nga bị bắn rơi.

    Theo AFP, từ khi Nga can thiệp quân sự yểm trợ chế độ Damas, bắt đầu vào cuối tháng 9, đã xảy ra nhiều vụ « xung khắc biên giới » giữa Matxcơva và Ankara.

    Ngày 03/10 vừa qua, chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn chận một máy bay quân sự Nga xâm nhập không phận. Nga biện minh là do thời tiết xấu.

    Hai tuần sau, ngày 16/10, một máy bay trinh sát không người lái do Nga chế tạo bị phòng không Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi.


    nguồn: vi.rfi.fr
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 21158
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Trục Matxcơva và Teheran tại Trung Đông

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Trục Matxcơva và Teheran tại Trung Đông
    ________________________________________________
    Tú Anh - 24-11-2015





    Giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin
    tại Teheran, ngày 23/11/2015. - - REUTERS



    Chuyến viếng thăm của Tổng thống Nga tại Iran ngày 23/11/2015, tuy ngắn ngủi, nhưng là một thông điệp dứt khoát cảnh báo Tây phương không được can thiệp vào nội tình Syria.
    Sự sống còn của chế độ Damas, hơn bao giờ hết, được trục Nga-Iran bảo vệ quyết liệt.


    Sau cuộc gặp gỡ khoảng một giờ ba mươi phút giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và giáo chủ Iran, Ayatollah Khamenei tại Teheran, hai bên đã « hoàn toàn » có cùng quan điểm về tình hình Syria, nhất là « tính chất không thể chấp nhận được của các âm mưu can thiệp từ bên ngoài để áp đặt một giải pháp chính trị ». Cụm từ trên đây là do phát ngôn viên điện Kremlin cung cấp cho báo chí quốc tế.

    Theo đài truyền hình Rossia-24, do nhà nước kiểm soát, Tổng thống Putin tuyên bố sau cuộc thảo luận với lãnh đạo tối cao Iran như sau :
    • « Không ai có thể và có quyền từ bên ngoài bắt buộc người dân Syria chấp nhận một chính quyền tại Syria. Chỉ có người dân mới có quyền định đoạt ».


    Lời tuyên bố này, theo AFP, mang ý nghĩa dứt khoát khước từ đòi hỏi của các cường quốc Tây phương Mỹ, Pháp và khu vực Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út, theo đó, nhà độc tài Bachar al Assad, không có tính chính đáng lãnh đạo đất nước, phải ra đi.

    Tại Syria, với sức mạnh của
    • không quân Nga,
      vũ khí của Nga,
      lực lượng vệ binh Hồi giáo của Iran,
      lực lượng Hồi giáo võ trang Hezbollah-Liban do Iran tài trợ,
      và quân đội chính phủ Damas,
    từ thế bị áp đảo dần dần lấy lại thế quân bình trước đối thủ
    • Daech,
      Al Qaida
      và đối lập do Tây phương hậu thuẫn.


    Từ sau vụ tổ chức Nhà nước Hồi giáo đặt bom phá hủy máy bay dân sự Nga trên vùng trời Ai Cập vào cuối tháng 10 và gần đây nhất là loạt khủng bố tại Paris, Tây phương và Nga có dấu hiệu muốn hợp tác để diệt khủng bố.

    Trong cuộc họp tại Vienna hồi giữa tháng 11 quy tụ khoảng 20 nước, các quốc gia chủ chốt như Pháp, Mỹ, Nga, Iran đã đồng ý một kế hoạch đầy cao vọng là tổ chức được một cuộc hòa đàm trước ngày 01/01/2016 nhằm vãn hồi hòa bình tại Syria. Tuy nhiên, cho dù các bên thỏa thuận về một chính phủ chuyển tiếp, Nga và Iran vẫn không chấp nhận « hy sinh » Tổng thống Bachar al Assad.

    Theo AFP, lập luận của Giáo chủ Khamenei như sau :
    • Kế hoạch lâu dài của Mỹ là thống trị Syria và sau đó là kiểm soát toàn khu vực. Đây là một mối đe dọa lớn cho Iran và Nga.


    Cũng theo lời giáo chủ Hồi giáo Iran, thì khủng bố Hồi giáo, hiểu theo nghĩa là phe Suni, nếu không bị tiêu diệt, sẽ mở rộng địa bàn hoạt động sang Trung Á. Lãnh đạo Iran còn cho rằng Tổng thống Syria là « do dân bầu lên » và Hoa Kỳ không được quên sự « lựa chọn dân chủ » này.

    Lời tuyên bố này không khác chi lập luận của Tổng thống Nga khi ra lệnh cho quân đội can thiệp vào Syria lúc quân đội Damas thua khắp mặt trận.

    Vào lúc Tổng thống Pháp bắt đầu cuộc vận động thành lập một liên minh quốc tế rộng lớn, và sẽ đến Matxcơva vào thứ Năm 26/11, những tuyên bố từ Teheran cho thấy rõ hơn thế chủ động của trục Nga-Iran.

    Theo chuyên gia Pháp François Burgat,
    • những nước giúp chế độ Syria ra tay một cách nghiêm túc và cứ thẳng một lập trường.
      Ngược lại, phía Tây phương, hậu thuẫn đối lập ôn hòa, thì luôn bị chi phối vì đạo lý.

    Theo AFP, chính phủ Pháp vẫn chưa quên quyết định « thối lui » vào giờ chót của Tổng thống Obama vào năm 2013 trước lúc oanh tạc Syria.



    nguồn: vi.rfi.fr
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 21158
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Nga không kích quân nổi dậy hay IS ở Syria ?

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Nga không kích quân nổi dậy hay IS ở Syria ?
    ____________________________________________________
    Thụy My - 23-11-2015





    Một khu dân cư ở thành phố Nawa, Deraa (Syria) sau khi bị phi cơ Nga oanh kích ngày 21/11/2015.
    - REUTERS/Alaa Al-Faqir



    « Tại Syria, tổ chức Nhà nước Hồi giáo nằm rất xa trong tầm ngắm của máy bay ném bom Nga » - Libération (23/11/2015) tố cáo.
    Các phi cơ Nga tiếp tục nhắm vào Quân đội Syria Tự do hơn là IS.


    Theo tờ báo, đây là dấu hiệu xấu cho việc thiết lập một liên minh chống thánh chiến.

    Nhà máy xay bột Binin ở gần Idlib, mỗi ngày cung cấp 15 tấn bột mì và cơ sở công nghiệp gần đó sản xuất ra 5.500 túi bánh mì ; chứng tỏ cuộc sống dù hết sức khó khăn cũng vẫn có thể tiếp tục trong khu vực do phe nổi dậy kiểm soát. Những ổ bánh mì này giúp cho hàng ngàn người tị nạn ở phía nam Alep và bắc Hama sống sót, không phải tìm đường đi nơi khác.

    Nhưng hôm 12/11, những chiếc Sukhoi của Nga bất ngờ xuất hiện và thả bom
    , tất cả là mười đợt oanh kích trong đó có hai cuộc dùng bom phosphore. Mười người bị tử thương, và nhà máy xay bột do Pháp và Liên Hiệp Châu Âu trợ giúp đã bị bom đánh sập cùng với cơ sở bánh mì công nghiệp bên cạnh.

    Như thường lệ, Matxcơva loan báo là các phi cơ Nga đã tấn công một khu vực của IS. Tuy nhiên vùng này đã thoát khỏi tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo từ đầu năm 2014, và hiện nay đang do nhiều nhóm liên quan đến Quân đội Syria Tự do (ASL) kiểm soát. Vào lúc Pháp thay đổi chính sách, chuyển sang hợp tác với Nga, Matxcơva lại tiếp tục sách lược của Bachar Al Assad là làm cho người dân không thể sống nổi tại những vùng đang nằm trong tay phe nổi dậy. Và ưu tiên tấn công vào các nhóm nổi dậy đang chiến đấu chống lại IS.

    Cho đến nay, mối đe dọa chính từ trên không là việc các trực thăng của chế độ Assad thả những thùng thuốc súng xuống. Nhưng bây giờ các phi cơ Nga đã thay chân với những vụ oanh kích ồ ạt đẫm máu. Các video do quân đội Nga công bố cho thấy những hình ảnh ghê rợn, và gần đây lại thêm những hỏa tiễn hành trình bắn vào Idlib và Aleb, các thành phố đã thoát khỏi tay IS.

    Như vậy việc không kích Binin không phải là trường hợp ngoại lệ. Các bệnh viện vẫn là mục tiêu đánh phá của máy bay Nga, cũng như tất cả các cơ sở liên quan đến việc cung cấp thực phẩm cho dân chúng. Hôm 30/09/2015, kho bánh mì của thành phố Talbiseb đã bị bom Nga phá hủy, hai người chết.

    Một nhiệm vụ ưu tiên khác của không quân Nga là tấn công vào các đơn vị quân nổi dậy thân phương Tây nhất, đặc biệt là những đơn vị nào sở hữu hỏa tiễn chống tăng TOW của Mỹ. Đội quân Jeish Al Iza ở bắc Hama bị oanh kích hàng ngày, còn binh đoàn số 13 chủ yếu là quân chính phủ bỏ ngũ, cũng bị tấn công. Hai ngày trước đó, binh đoàn này loan báo phá hủy được hơn một chục chiến xa của quân Assad do Nga sản xuất, bằng hỏa tiễn TOW. Phe nổi dậy cho biết, các sĩ quan Nga cố vấn cho quân lính Assad.

    Hiện có khoảng ba chục đơn vị quân nổi dậy nhận được hỏa tiễn TOW có thể từ kho ở Ả Rập Xê Út, giúp ngăn chận xe tăng quân Assad tiến vào thành phố. Một số đang trong tình trạng khó khăn vì kẹt giữa hai lằn đạn : một bên quân chính phủ với cố vấn quân sự Nga và Iran, bên kia là quân IS. Hôm 7/10, kho đạn của nhóm Souqour Al Jebel (Đại bàng núi) thuộc ASL bị máy bay Nga phá hủy, đồng thời nhóm này còn là nạn nhân một vụ khủng bố bằng xe hơi gài chất nổ của IS. Không quân Nga hợp sức với IS đã khiến quân nổi dậy mất đi một căn cứ quân sự quan trọng cách đây vài tuần.



    nguồn: vi.rfi.fr
Hình đại diện
Quy Nam
Bài viết: 824
Ngày tham gia: Thứ năm 21/05/15 18:52

Nga-Thổ và những đường biên giới mềm

Bài viết bởi Quy Nam »

  • Nga-Thổ và những đường biên giới mềm
    _________________________________________________
    Nguyễn Giang - BBC




    Hai ông Putin và Erdogan từng rất thân nhau - AFP



    Ông Putin ở Biển Đen: quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ đang xấu đi - AFP




    Câu chuyện quốc tế tuần này là xung khắc Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đột nhiên lên cao sau vụ bắn hạ Su-24. Tình bạn Erdogan và Putin bỗng đổi thành thù. Nước Nga thấy bị tổn thương, thậm chí bị 'phản bội' vì Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ công khai lên án việc Nga ném bom vào nhóm sắc tộc Turkmen đồng minh của họ mà còn nói Nga là 'lừa đảo'. Nhưng sự bực bội hiện rõ của Putin với Tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ còn đến từ chỗ hai người từng khá thân. Vì hai vị này khá giống nhau.

    Một nhà báo của BBC Tiếng Nga theo dõi vụ Su-24 cho hay "cuộc đấu khẩu của Putin với lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ giống như hai tay làm ăn nói về nhau, không phải hai chính khách".

    Hai người này đều dùng bàn tay sắt xử lý đối lập trong nước. Họ đều dùng trọng pháo, phi cơ và đặc nhiệm khét tiếng để "xử lý" hoạt động vũ trang chống đối trong nước.
    • Ông Putin ra tay không khoan nhượng ở Chechnya,
      còn ông Erdogan bắn phá ở vùng người Kurd.

    Cả hai dùng các nhóm vũ trang thân hữu cho mục tiêu ở biên giới mềm.
    • Ông Putin hỗ trợ cho phiến quân chống Kiev tại Đông Ukraine,
      còn ông Erdogan có vài nghìn tay súng Turkmen ở Syria để chống lại Damascus.



    Dân quân Turkmen ở Syria - Reuters



    Phiến quân thân Nga tại Đông Ukraine - AFP



    Họ còn cùng đang thổi lên chủ nghĩa dân tộc để tạo tính chính danh.
    • Học thuyết Putin nói Moscow có quyền đem quân bảo vệ "các cộng đồng nói tiếng Nga" ở bên ngoài.
    • Ông Erdogan thì vừa ve vãn phái Hồi giáo bảo thủ
      vừa hô hào bảo vệ các sắc tộc nói tiếng Thổ,
      từ người Uighur ở Tân Cương, Trung Quốc cho đến người Turk ở Đức và khắp vùng Trung Đông.


    Cả hai cùng quay lại quá khứ nên những bóng ma thời xưa đẩy họ vào thế đối mặt.






    Biên giới mềm hay cứng?






    Điểm rơi của chiếc SU-24



    Đầu tiên là vấn đề biên giới quốc gia và 'không gian dân tộc'.

    Để hiểu Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, ta không thể quên Đế quốc Ottoman từng chiếm các vùng nay là Ai Cập, Hy Lạp, Bulgaria, Romania, Macedonia, Hungary, Palestine, Jordan, Syria, Lebanon và Bắc Phi.
    Tồn tại hơn sáu thế kỷ, từ 1301 đến 1922, Đế quốc Ottoman mà người Thổ Nhĩ Kỳ làm chủ có tuổi lâu hơn bất cứ một triều đại Trung Hoa hay Anh Quốc nào.
    Dù Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay là nước cộng hòa nhưng làn sóng phục hồi hào quang Ottoman gần đây cũng rất mạnh.
    Các đồng nghiệp ở BBC Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ cho hay tại nhiều đô thị không chỉ có mốt mặc lại quần áo quý tộc Ottoman mà còn có triển lãm nghệ thuật, thành tựu văn hóa của thời đó.



    Đế quốc Ottoman từng tồn tại hơn 600 năm



    Chiến tranh Crimea trong thế kỷ 19 đã làm chảy máu cả đế quốc Ottoman và Nga



    Nga và NATO đang tranh cãi dữ dội về chuyện chiếc Su-24 bị bắn rơi tại đâu, trong hay ngoài không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng đó là đường biên giới hiện đại, còn trong tiềm thức không ít người Thổ thì không chỉ vùng Bắc Latakia mà thậm chí cả Syria đều từng thuộc đế quốc Ottoman. Vùng xung đột hiện nay lại là địa bàn của dân nói tiếng Thổ đã ở đó từ thế kỷ 11.

    Đường biên và quốc tịch hiện đại ở Trung Đông đôi khi không phải là tác nhân chính để đánh giá vùng ảnh hưởng của một nhóm người và lòng trung thành của họ. Giống như vậy, Moscow từng nói nhóm phiến quân nói tiếng Nga ở Đông Ukraine có "quyền lịch sử" để tự vệ trước "phát-xít Kiev". Nay Nga gặp phải cảnh có những tay súng Turkmen ở Syria thân hữu với Ankara bắn và giết lính Nga mà chẳng làm gì được.

    Vẻ mặt ngạc nhiên của ông Putin ở Sochi khi lên án Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy Nga muốn tham chiến ở Trung Đông để trở lại 'bàn tiệc lớn' với Hoa Kỳ và châu Âu nhưng không chuẩn bị kỹ cho các yếu tố địa phương tại Syria.

    Nhưng vấn đề của Nga không chỉ dừng lại đó.





    Lằn ranh tôn giáo

    Nga vốn quen đối đầu với Phương Tây nhưng khi vào cuộc chiến Trung Đông sẽ phải dính líu tới các tuyến xung khắc tôn giáo lâu đời.

    Theo Hồi giáo Sunni, đảng của ông Erdogan ở vị trí 'tự nhiên' chống lại trục Tehran - Damascus theo Hồi giáo Shia. Iran và Syria dưới quyền ông Bashar al-Assad lại là đồng minh của Moscow. Sau khi xảy ra vụ Su-24, hai nước Hồi giáo Sunni, Ả Rập Saudi và Qatar ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ, còn Iran nghiêng về Nga. Những xung khắc lâu dài này không dễ xóa nhòa.



    Biểu tình phản đối Thổ Nhĩ Kỳ ở Moscow - AFP



    Người Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Nga hôm 24/11 ở Istanbul - AFP




    Đây không phải là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ giao chiến với Nga. Crimea là nơi quân Nga đánh nhau đẫm máu với Đế quốc Ottoman mấy năm liền, từ 1853 đến 1856.
    Nhưng nay, chuyện Ankara và Moscow đánh nhau chắc khó xảy ra. Biến Thổ Nhĩ Kỳ, nước chiếm trọng vùng Nam Hắc Hải thành vùng thù địch phải canh gác như thời Chiến tranh Lạnh không nằm trong lợi ích an ninh của Nga. Dù trả đũa kinh tế là điều chắc chắn, các ràng buộc quá phức tạp của Moscow và Ankara trên quốc tế và trong khu vực có thể khiến Moscow đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Chiếc Su-24 và sinh mạng mấy binh sỹ Nga rất có thể sẽ được tính vào phần "chi phí" trong cuộc chơi 'đại cường' của ông Putin tại Trung Đông.



    Nga có chung Biển Đen với Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia khác- RIA Novossti





    nguồn: bbc.com
Hình đại diện
Quy Nam
Bài viết: 824
Ngày tham gia: Thứ năm 21/05/15 18:52

Quan chức Mỹ: Nga không cung cấp đường bay của phi cơ bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ

Bài viết bởi Quy Nam »

  • Quan chức Mỹ:
    Nga không cung cấp đường bay của phi cơ bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ

    ______________________________________________
    Anh Vũ - 28-11-2015





    Ảnh nơi chiếc Su-24 bị bắn rơi ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, ngày 24/11/ 2015.
    - REUTERS/Sadettin Molla




    Theo Reuters, hôm qua 27/11/2015, hai quan chức Mỹ xác nhận,
    Nga đã không thông báo cho quân đội Mỹ về hành trình bay của chiến đấu cơ bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ hôm thứ Ba đầu tuần.


    Thông tin này phủ nhận hoàn toàn khẳng định của tổng thống Vladimir Putin trước đó.


    Trong vụ việc đang gây căng thẳng quan hệ Ankara và Matxcơva này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có những phát biểu ngầm ý muốn nói Hoa Kỳ có phần nào trách nhiệm vì có thể Washington đã cung cấp cho Ankara kế hoạch tác chiến của không quân Nga.

    Hôm thứ Năm (26/11) phát biểu trước báo chí tại Matxcơva ông V.Putin nói :
    • « Chúng tôi đã thông tin cho các đối tác Mỹ về vị trí và thời điểm chiếc máy bay của chúng tôi tác chiến. Chính xác vào thời điểm đó thì không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ chiếc chiến đấu cơ Su 24 của Nga.


    Bộ Quốc phòng Mỹ không bình luận về những phát biểu trên của tổng thống Nga. Trong khí đó hai quan chức Mỹ giấu tên được Reuters hỏi đã khẳng định
    • Nga không hề chuyển cho Mỹ những chi tiết tác chiến của chiếc máy bay Su 24 như Tổng thống Putin đã nói.


    Tuy nhiên Bộ Quốc phòng Mỹ cũng thừa nhận trước đó, liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu khi tham gia không kích tại Syria cũng có nhận được thông tin ngắn gọn về một số phi vụ tác chiến của không quân Nga. Những thông tin này chủ yếu nhằm tránh các sự cố va chạm có thể xảy ra khi hai bên cùng không kích tại Syria.

    Trong vụ chiếc chiến đấu cơ Su 24 của Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ trong khu vực biên giới với Syria,
    • Ankara tuyên bố đó là phản ứng tự nhiên khi lãnh thổ bị xâm phạm,
      trong khi Matxcơva khẳng định máy bay Nga chưa hề ra khỏi không phận Syria.




    nguồn: vi.rfi.fr
Hình đại diện
Quy Nam
Bài viết: 824
Ngày tham gia: Thứ năm 21/05/15 18:52

Không phận Israel cũng bị máy bay Nga xâm phạm

Bài viết bởi Quy Nam »

  • Không phận Israel cũng bị máy bay Nga xâm phạm
    ________________________________________
    Tú Anh - 29-11-2015




    Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon - REUTERS /Amir Cohen



    Một máy bay quân sự Nga từ Syria đã « bay lầm » vào không phận Israel 1,6 km trước khi bay trở ra. Tin này do Bộ trưởng Quốc phòng Israel thông báo vào hôm nay 29/11/2015 trong bối cảnh căng thẳng giữa Matxcơva và Ankara sau vụ oanh tạc cơ Su-24 của Nga bị bắn rơi.

    Trên đài phát thanh Israel sáng nay 29/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon tiết lộ là
    • « gần đây » một chiếc máy bay của Nga đã « từ Syria xâm nhập không phận Israel
      nhưng mọi việc đã được giải quyết tức khắc và máy bay Nga đã quay về Syria ».


    Cũng theo Bộ trưởng Quốc phòng Israel thì sự kiện máy bay Nga xâm phạm không phạn Israel chỉ là « chuyện nhỏ thôi có lẽ do lỗi của phi công ».

    Giải thích lý do tại sao Israel không làm to chuyện, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon cho biết là
    • « Nga và Israel có một kênh thông tin và hợp tác để tránh mọi hiểu lầm giữa hai quân đội vì không quân Nga không có ý định tấn công Israel.
      Cho nên Israel không cần phải xử lý một cách tự động và bắn máy bay Nga chỉ vì sai lầm của phi công ».


    Tin này được thông báo vài ngày sau khi một oanh tạc cơ của Nga bị bắn rơi ở vùng biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Israel và Tổng thống Nga , trong cuộc gặp gỡ hồi tháng 9, đã đồng ý thiết lập một cơ chế để tránh đụng độ nhau vì chiến tranh tại Syria.

    Từ khi Irael lấn chiếm cao nguyên Golan của Syria năm 1967 và công khai tuyên bố chủ quyền trên một phần của vùng đất chiến lược này năm 1981, hai nước cùng ranh giới ở trong tình trạng chiến tranh.

    Tháng 9/2014, một oanh tạc cơ Su-24 của Syria bị Israel bắn hạ vì xâm phạm không phận Israel trên vùng Golan, theo như giải thích của Tel-Aviv.

    Theo truyền thông quốc tế, từ năm 2013, Israel đã thực hiện hàng chục phi vụ oanh kích vào Syria nhất là để phá hủy các đòn xe chở vũ khí tiếp tế cho lực lượng Hezbollah-Liban, được Iran hậu thuẩn, trợ lực cho quân đội Damas, bị thất thế trên chiến trường.



    nguồn: vi.rfi.fr
Trả lời

Quay về “Quốc Tế”