Tô Thùy Yên và những bài thơ viết trong tù

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 21156
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Tô Thùy Yên và những bài thơ viết trong tù

Bài viết bởi Hoàng Vân »







  • Tô Thùy Yên
    và những bài thơ viết trong tù

    Phạm Tín An Ninh _ 21.5.2022
    (Để tưởng niệm anh– nhân dịp giỗ lần thứ ba của nhà thơ Tô Thùy Yên)





              

    (Tô Thùy Yên mất ngày 21.5.2019)

              




    Một người dốt đặc về thơ phú như tôi mà lại từng được làm bạn và lạm bàn về thơ cùng với một nhà thơ nổi danh như Tô Thùy Yên thì đúng là chuyện lạ. Cho dù đó là chuyện ở trong tù. Vì vậy, khi biết tin anh qua đời, một số bạn tù khuyên tôi nên viết một bài để tưởng niệm anh, nhưng tôi không dám. Vì thấy rất nhiều nhà văn nhà thơ tên tuổi bậc thầy đã viết về anh, hơn nữa tôi ngại người đời thường dị nghị chuyện “thấy người sang bắt quàng làm họ.” Hôm nay nhân ngày giỗ lần thứ ba của anh, theo truyền thống Việt nam, là ngày chính thức mãn tang anh, tôi xin viết đôi điều để tưởng nhớ anh và nhắc lại vài kỷ niệm cùng anh trong tù.



    Khi còn ngoài Bắc, có thời gian tôi đã từng ở chung trại tù với anh Đinh Thành Tiên (tên khai sanh của Tô Thùy Yên), nhưng khác đội, lúc ấy chưa biết nhiều về anh và cũng chưa có dịp thân quen anh. Mãi đến tháng 9 năm 1981, chuyển vào Nam, đến Trại Z- 30 C Hàm Tân, anh và tôi được “biên chế” ở cùng một đội, và nằm gần nhau trong gần hai năm, cho đến khi tôi ra tù. Đặc biệt trong đội này có cả anh Đặng Trần Huân, cũng nằm cách chúng tôi vài ba người. Và tôi được hân hạnh thân thiết với cả hai.



    Khi ấy, tôi biết danh anh Đặng Trần Huân nhiều hơn là anh Đinh Thành Tiên, vì quanh năm hành quân trong núi rừng chưa có cơ hội được đọc nhiều thơ Tô Thùy Yên, chỉ biết mỗi bài Chiều Trên Phá Tam Giang được phổ nhạc và loáng thoáng chuyện tình giữa anh và nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ. Riêng anh Đặng Trần Huân thì có nhiều chuyện vui trên báo Chiến Sĩ Cộng Hòa, và “Chuyện Cấm Đàn Bà”mà tôi thường đọc. Cả hai anh đều lớn tuổi hơn tôi, và sau khi biết cha tôi bị chết ở một trại tù khác trong Nam, vợ con nheo nhóc, nên tôi trở thành một trong những con bà Phước trong tù, hai anh đều thương quí tôi.



    Nằm bên cạnh anh Tô Thùy Yên, nên tôi thường được anh đọc cho nghe những đoạn thơ anh ứng khẩu hay sáng tác. Anh có thói quen làm bài thơ nào cũng dài. Bất cứ lúc nào, ngay cả khi đang phải lao động, anh thì thầm ứng khẩu một vài câu hay vài đoạn, đến tối nằm đọc lại, ghi vào tờ giầy nhỏ để sau đó ghép thành một bài dài. Có khi cả năm mới đủ một bài.



    Nghe anh thì thầm những câu thơ anh viết, thét rồi tôi thuộc lòng và còn nhớ hơn cả chính anh. Tôi dốt về thơ nhưng lại có tính mê thơ từ nhỏ. Vì vậy có nhiều khi anh quên, tôi có nhiệm vụ phải nhắc bài thơ đã đền đâu rồi, để anh tiếp tục. Anh làm thơ trong trí, lẩm bẩm một minh, đọc cho tôi nghe, rồi chép vội vào một mảnh giấy nhỏ, nhét ở đâu đó. Thỉnh thoảng anh nhờ tôi giữ hộ một số. Có lần anh bỏ vào cuốn tự điển Anh-Việt được gia đình thăm nuôi, ngụy trang bằng cái bìa của cuốn truyện “Thép Đã Tôi Thê Đấy”nên qua mắt được gã công an kiềm soát.



    Anh học Anh văn bằng cách say sưa đọc cuốn sách gối đầu giường của người cộng sản, tác phẩm nổi tiếng của văn hào Nga Nikolai A. Ostrovsky, nhưng kỳ thực, chỉ có cài bìa, còn cả phần ruột là cuốn tự đỉển Anh – Việt của tác giả Nguyễn Văn Khôn. Có một lần không may, bất ngờ cả trại bị khám xét “đột xuất”. Các tù nhân có lệnh mang theo tất cả đồ đạc tư trang ra ngoài sân để chuyển trại. Một tên công an lục lọi đủ mọi thứ, khám phá cuốn sách mang tên “Thép đã tôi thế đấy” lại là cuốn sách toàn chữ của “đế quốc Mỹ”, và trong đó còn có cả mấy mẩu giấy có vài câu thơ “phản động” nên anh bị cùm hơn hai tuần. Cuốn sách và mấy bài thơ, tất nhiên bị tịch thu.



    Hôm mới được thả về đội, anh yếu và mệt quá, thêm một chút “phản kháng” nữa, nên anh dặn tôi, khuya này, khi nào nghe anh rên thì tôi hô to ‘cấp cứu, có tù bệnh đột xuất”. Lúc ấy người phụ trách trạm xá là Bác sĩ Anh, nguyên là Y sĩ Thiếu Tá bị bắt trong vụ nhà thờ Vinh Sơn sau 1975, kêu án 30 năm tù. Nghe nói là ông có một ông anh lại là Trung Tá Bác sĩ Công An CS, nên bảo lãnh để được ra làm ở trạm xá thay vì phải lao đông. Dường như Bác sĩ Anh là bạn khá thân với anh Đinh Thành Tiên trước kia, nên hai người có hẹn nhau, nếu khi nào anh Tiên gọi cấp cứu thì bác sĩ Anh đến khám và cho lên bệnh xá nằm vài hôm, khỏi phải đi lao động. Anh được ban cho cái bệnh loét bao tử. Đây cũng là dịp để anh thoải mái làm thơ.



    Chỉ có tôi là người duy nhất biết được giao kèo bí mật này, nên khi anh Tiên kéo tay tôi và bắt đầu rên là tôi hô to “Cấp cứu! Cấp Cứu! Có tù bị bệnh đột xuất”. Và lần nào, đám công an cũng đưa Bs Anh đến khám và cho khiêng anh về trạm xá! Bac sĩ Anh là một bác sĩ giỏi, một con người khẳng khái, tư cách và rất hết lòng với anh em.



    Trong những bài thơ anh viết, bài mà tôi thuộc lòng và thích nhất đó là bài “Tháng Chạp Buồn”. Anh viết mấy đoạn đầu của bài thơ này vào giữa tháng Chạp năm 1981, mãi đến tháng Chạp năm 1982 anh mới viết xong mấy đoạn cuối (tức là khi đã ở tù hơn tám năm, nhưng sau này có bài được viết là chín năm) Anh đọc và giải thích từng câu, từng đoạn trong bài thơ cho tôi nghe.



    Rất nhiều câu tôi rất tâm đắc, như : “Tám năm áo rách bao nhiêu lượt, con vá chồng lên những nỗi niềm”, nhưng cũng có đôi câu tôi dốt nên không hiểu, như “Cha mẹ già như trúc trổ bông”, nhờ anh giải thích tôi mới biết khi trúc trổ bông là trúc sắp chết. Tôi nể phục tài làm thơ của anh và rất cảm động khi đọc bài thơ anh viết, bởi câu nào cũng mang đầy tâm trạng của anh mà cũng của chính tôi và những người bạn tù khác nữa. Anh bảo viết bài thơ này tặng tôi. Và anh tặng thật. Anh viết vào một mảnh giấy được xếp thật nhỏ với chữ cũng thật nhỏ đầy kín cả hai mặt. Chữ anh viết khá đẹp. Mảnh giấy xếp nhỏ có thể kẹp giữa hai ngón tay.



    Khi nghe báo tin tôi được ra tù, anh mừng cho tôi, nhưng tôi cũng nhận ra nét thoáng buồn trong mắt anh, vì từ nay sẽ mất thằng bạn tù anh xem như thằng em thân thiết, từng lắng nghe và thuộc những bài thơ mang cả nỗi lòng anh. Biết tôi đã thuộc nằm lòng, anh vẫn bảo cố giấu mảnh giấy có chép bài thơ mang về làm kỷ niệm, vì khá dài nên cũng chóng quên. Nhưng khi lên ban chỉ huy trại xếp hàng chờ lãnh tấm giấy ra trại, thấy mấy anh bạn tù phía trước bị khám xét quá kỹ quá, tôi nhát gan, vội bỏ mảnh giấy vào miệng nhai nát rồi nuốt vao cái dạ dày đang đói. Khi về đến nhà, tôi liền ngồi viết lại cả bài thơ và đưa cho vợ tôi đọc. Nàng rơm rớm nước mắt.



    Khi biết tin anh đến Mỹ, tôi đang ở Na Uy, nên nhờ cô con gái lớn đang sang học ở Cali liên lạc tìm thăm anh. Anh vui lắm. Từ đó anh em thường liên lạc thăm nhau. Tôi chép lại bài thơ “Tháng Chạp Buồn” gởi cho anh, vì anh cho biết đã không còn nhớ rõ một vài câu trong đó.


              
    Tháng Chạp Buồn



    Tết này con vẫn chưa về được

    Chân mỏi còn lê nặng kiếp tù

    Con nghĩ mà đau muôn nỗi nhớ

    Tám năm lòng bạc những thiên thu

    Tám năm những tưởng là vô tận

    Rồi cũng qua như tiếng rụng rời …

    Thương nhớ nghe chừng sông biển cạn

    Nghe chừng gãy những cánh chim bay

    Con đi đã mấy miền Nam Bắc

    Ðâu cũng thì đau đớn giống nòi

    Con khóc hồn tan thành nước mắt

    Lâu rồi trời đất hết ban mai

    Tuổi con đã quá thời nghi hoặc

    Sao vẫn như người đi giữa đêm

    Tám năm áo rách bao nhiêu lượt

    Con vá chồng lên những nỗi niềm

    Con nhớ cội mai già trước ngõ

    Xuân này có gắng gượng ra hoa

    Xót xa thế, thiết tha là thế

    Ðời mất đi từng mảng thịt da

    Căn nhà đã có thời gian ngụ

    Bụi mọt rơi và ngọn gió qua

    Thăm thẳm nghìn đêm chong mắt đợi

    Ai trầm luân đó đã về chưa ?

    Con nhớ khu vườn sau vắng lạnh

    Mỗi cây làm chứng một thâm tình

    Quây quần bên mẹ cha buồn bã

    Như một phần con đứng lặng thinh

    Tám năm con thức ngàn đêm trắng

    Mơ sáng ngày mai đời đổi thay

    Con nắm tay mình trong bóng tối

    Hiểu rằng sống được cũng là may

    Tám năm con giấu trong tâm tưởng

    Thanh kiếm giang hồ thuở thiếu niên

    Mà đợi ngày mai trời trở giấc

    Ðem thân làm trận lốc kinh thiên

    Tết này con vẫn chưa về được

    Sông núi còn ngăn những tấm lòng

    Nên đành lấy nhớ thương mừng tuổi

    Cha mẹ già như trúc trổ bông



    * * *



    Tết này anh vẫn chưa về được

    Chắc hẳn em buồn như cỏ thu

    Ngọn gió mùa xưa hiu hắt thổi

    Dòng đời nghe lạnh nỗi thờ ơ

    Tám năm hiu quạnh vang mòn mỏi

    Những tiếng vang từ mỗi nhịp tim

    Những tiếng vang sâu từ cõi chết

    Qua ngàn lớp cửa nặng nề im

    Con sông nước chảy đôi miền nhớ

    Biền biệt trôi, ngày một một xa

    Còn gọi nhau qua từng giấc mộng

    Bàng hoàng như một cánh chim sa

    Trong ấy mùa xuân có đến không ?

    Mùa xuân hoa nở má em hồng

    Mùa xuân áo mới như hy vọng

    Nắng mật ngời lên ánh mắt trong

    Ở đây có lẽ xuân không đến

    Rừng núi chưa tan giấc não nề

    Thương nhớ tràn như con lũ máu

    Lòng anh đã vỡ những con đê

    Lòng anh đau nỗi quê hương mất

    Ðời bỏ đi chưa hả nhục nhằn

    Có chết cũng thành ma vất vưởng

    Ðêm về thương khóc nhớ quê hương

    Anh nhớ con đường em vẫn đi

    Cỏ hoa bối rối gọi nhau về

    Thời gian có ngủ mê từ đó

    Nhan sắc bây giờ có ủ ê ?

    Anh nhớ bao điều tưởng đã quên

    Tình xưa như nước chảy trăm miền

    Tình xưa như hạt cây khô rụng

    Từ những mùa xa lá phủ lên

    Anh nhớ làm sao mà chẳng nhớ

    Căn nhà ấm tiếng nói thân thương

    Căn nhà như giấc chiêm bao biếc

    Có ánh trăng và hương dạ lan

    Làm sao em chẳng buồn cho được

    Tám độ mai rơi hết mộng vàng

    Mái tóc ủ thời con gái cũ

    Bây giờ e cũng đã phai hương

    Tết này anh vẫn chưa về được

    Lau sậy già thêm một tuổi xuân

    Còn nhớ thương ai miền gió cát

    Bao giờ mới dứt được trầm luân !



    * * *



    Tết này cha vẫn chưa về được

    Chắc hẳn con buồn cạn tuổi thơ

    Từ buổi cha đi, nhà tróc nóc

    Tuổi thơ thôi cũng nhuốm bơ phờ

    Từ buổi cha đi đời lặng lẽ

    Mắt nai héo đỏ nỗi mong chờ

    Mỗi lần có khách đi vào ngõ

    Con bỏ vui đùa đứng ngẩn ngơ

    Con sáo trong lòng con đã chết

    Bé ơi sao bé mãi đi tìm

    Con kêu lạc giọng ơi… ơi… sáo

    Rồi khóc trong chiều muộn nhá nhem

    Tám năm mưa gió qua rền rĩ

    Chim nhỏ không còn vui líu lo

    Ngơ ngác tuổi thơ người lớn sớm

    Nhìn đâu cũng chỉ thấy bơ vơ

    Ðã tám năm rồi con bỏ học

    Cuộc đời như một bát cơm thiu

    Mỗi lần có phải qua trường cũ

    Con bước nhanh vì sợ bạn kêu

    Lần hồi rau cháo mẹ nuôi con

    Con lớn lên theo vạn nỗi buồn

    Mơ ước ngày sau làm tráng sĩ

    Ðem thân vào những chốn đau thương

    Ngày sau con dựng ngôi nhà lớn

    Trồng lại tình thương dọc nẻo đời

    Tạc lại con người khôi việt đẹp

    Làm nên thế giới mới tinh khôi

    Cha thương con biết bao mà kể

    Ôi mắt nhung reo ánh nỗi niềm

    Mái tóc tơ hồng hương nắng hạ

    Tuổi thơ mùi sách mới lâng lâng

    Xa con cha thấy buồn vô hạn

    Như mất thêm lần nữa tuổi thơ

    Cha tiếc không cùng con sống lại

    Ngày vui cha vẫn giấu trong mơ

    Ôi cánh diều băng mùa hạ cũ

    Xương tàn còn đọng ngọn tre cao

    Ðến nay trời nổi bao lần gió

    Con tưởng oan hồn vật vã đau

    Tết này cha vẫn chưa về được

    Ðành hẹn cùng con tết khác thôi

    Con nhớ để dành cây pháo cũ

    Ðể dành một chút tuổi thơ vui.



    Tô Thùy Yên

              


    Sau này, bài thơ “Ta Về”, anh viết khi ra tù, đã trở thành một tuyệt tác, đưa tên tuổi anh lên tột đỉnh thi ca. Bài thơ mà gần như người Việt khắp thế giới đều biết đến, ngay một vài tờ báo văn nghệ trong nước cũng đã đăng tải, bình phẩm và ngợi ca. Bài thơ rất dài, nhưng nhiều người thuộc nằm lòng, chỉ cần nhắc đến một vài chữ, như “cám ơn hoa đã vì ta nở”…là biết ngay đến Tô Thùy Yên. Nhưng với tôi, bài thơ “Tháng Chạp Buồn” lại gây cho tôi nhiều xúc động hơn, không chỉ nó mang nhiều tâm trạng của “tám năm áo rách bao nhiêu lượt, tôi vá chồng lên những nỗi niềm” mà còn gợi lại nhiều kỷ niệm gắn bó giữa anh Tô Thùy Yên và cá nhân tôi trong những năm tù ngục.



    Trong tù, anh có kể cho tôi nghe cuộc tình của anh với nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ. Anh cũng tỏ ra ân hận và thấy có lỗi với cả hai người đàn bà, chị Nguyễn Thị Thụy Vũ và chị Huỳnh Diệu Bích, người vợ chính thức mà anh hết lời ca ngợi. Cuộc tình này đã gây cho anh khá nhiều tai tiếng và cũng để lại nhiều dằn vặt trong anh.




    Anh Đặng Trần Huân lớn hơn anh Đinh Thành Tiên mười tuổi, khi ấy tóc đã bạc trắng, cùng phục vụ trong Tổng Cục CTCT nhưng người Bắc người Nam, khác tính nhau và dường như không mấy thân nhau. Tô Thùy Yên thì trầm ngâm, ít nói, còn Đặng Trần Huân thì thường vui đùa, bỡn cợt. Khi tâm tình với tôi, anh Đặng Trần Huân cũng thường có ý trách anh Tô Thùy Yên về chuyện Nguyễn Thị Thụy Vũ. Tôi vừa đùa vừa bênh vực: tình của giới văn nghệ mà, nên thông cảm, bố ạ! Tôi thường gọi anh Đặng Trần Huân là bố và anh cũng xưng bố với tôi. Vì có lần anh đùa, bảo “ bố có cô con gái út chưa chồng, nếu mai này mày ra tù mà vợ đã lấy chồng khác tao sẽ gã nó cho mày!” (xin lỗi cô gái út, nếu đọc được mấy dòng này).



    Cả hai anh đều sang Mỹ cùng gia đình theo diện HO. Anh Đặng Trần Huân mất vào năm 2003 tại Nam Cali, sau khi sinh hoạt báo chí, văn nghệ một thời gian. Anh Tô Thùy Yên thì nổi tiếng với bài thơ “Ta Về”, nhưng không còn sáng tác nhiều. Chỉ ra mắt duy nhất tập thơ “Thắp Tạ”



    Đọc tập thơ anh gởi tặng, tôi nghĩ có lẽ đây là một kết thúc, khi ở đầu tập thơ anh viết :

              
    • Thắp tạ càn khôn một vô ích
      Thắp tạ nhân quần một luyến thương

              



              
    • Thức cho xong bài thơ
      Mai sớm ra đi
      Cài hờ lên cửa tặng

              

    Tôi gọi sang cám ơn anh và đùa:

    –Đọc tập thơ này có nhiều câu em không hiểu được. Vả lại, ông anh còn yêu đời quá mà “thắp tạ” làm chi sớm vây?



    Tập thơ xuất bản năm 2004, mãi đến mười lăm năm sau, ngày 21 tháng 5 năm 2019, nhà thơ Tô Thùy Yên mới ra đi. Và đúng là anh cũng đã yêu đời thật, khi trải qua một cuộc tình đẹp đầy tính văn nghệ với một cô con gái trẻ, mê thơ và ngưỡng mộ anh!



    Rồi mọi người sẽ nhớ tới anh, nhớ mãi thơ anh. Bài thơ “Ta Về” sẽ trở thành bất tử. Riêng tôi sẽ không thể nào quên người anh, bạn tù, một nhà thơ lớn, có tâm hồn, lãng mạn, nhưng luôn khí khái, đã cho tôi nhiều kỷ niệm dễ thương, thi vị ngay trong cảnh khốn cùng nhất của kiếp con người.






    Bắc Âu, 21.5.2022
    Phạm Tín An Ninh











    ____________________

    Bài đọc thêm



    Ta Về
    Tô Thùy Yên



    Tiếng biển lời rừng nao nức giục

    Ta về cho kịp độ xuân sang

    Ta về - một bóng trên đường lớn

    Thơ chẳng ai đề vạt áo phai...

    Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ?

    Mười năm, đá cũng ngậm ngùi thay

    Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp

    Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu

    Mười năm, mặt xạm soi khe nước

    Ta hoá thân thành vượn cổ sơ

    Ta về qua những truông cùng phá

    Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may

    Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ

    Nghe tàn cát bụi tháng năm bay

    Chỉ có thế. Trời câm đất nín

    Đời im lìm đóng váng xanh xao

    Mười năm, thế giới già trông thấy

    Đất bạc màu đi, đất bạc màu...

    Ta về như bóng chim qua trễ

    Cho vội vàng thêm gió cuối mùa

    Ai đứng trông vời mây nước đó

    Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ

    Một đời được mấy điều mong ước?

    Núi lở sông bồi đã lắm khi...

    Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động

    Mười năm, cổ lục đã ai ghi?

    Ta về cúi mái đầu sương điểm

    Nghe nặng từ tâm lượng đất trời

    Cảm ơn hoa đã vì ta nở

    Thế giới vui từ mỗi lẻ loi

    Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa

    Làng ta, ngựa đá đã qua sông

    Người đi như cá theo con nước

    Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng

    Ta về như lá rơi về cội

    Bếp lửa nhân quần ấm tối nay

    Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống

    Giải oan cho cuộc biển dâu này

    Ta khóc tạ ơn đời máu chảy

    Ruột mềm như đá dưới chân ta

    Mười năm chớp bể mưa nguồn đó

    Người thức nghe buồn tận cõi xa

    Ta về như hạt sương trên cỏ

    Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời

    Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt

    Tội tình chi lắm nữa, người ơi!

    Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ

    Mười năm, người tỏ mặt nhau đây

    Nước non ngàn dặm, bèo mây hỡi

    Đành uống lưng thôi bát nước mời

    Ta về như sợi tơ trời trắng

    Chấp chới trôi buồn với nắng hanh

    Ai gọi ai đi ngoài quãng vắng?

    Phải, ôi vàng đá nhắn quan san?

    Lời thề truyền kiếp còn mang nặng

    Nên mắc tình đời cởi chẳng ra

    Ta nhớ người xa ngoài nỗi nhớ

    Mười năm, ta vẫn cứ là ta

    Ta về như tứ thơ xiêu tán

    Trong cõi hoang đường trắng lãng quên

    Nhà cũ, mừng còn nguyên mái, vách

    Nhện giăng, khói ám, mối xông nền

    Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ

    Nhà thương khó quá, sống thờ ơ

    Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ

    Khách cũ không còn, khách mới thưa...

    Ta về khai giải bùa thiêng yểm

    Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi!

    Hãy kể lại mười năm mộng dữ

    Một lần kể lại để rồi thôi

    Chiều nay, ta sẽ đi thơ thẩn

    Thăm hỏi từng cây những nỗi nhà

    Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?

    Mười năm, cây có nhớ người xa?

    Ta về như đứa con phung phá

    Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu

    Mười năm, con đã già như vậy

    Huống mẹ cha, đèn sắp cạn dầu...

    Con gẫm lại đời con thất bát

    Hứa trăm điều, một chẳng làm nên

    Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn

    Hạt lệ sương thầm khóc biến thiên

    Ta về như tiếng kêu đồng vọng

    Rau mác lên bờ đã trổ bông

    Cho dẫu ngàn năm, em vẫn đứng

    Chờ anh như biển vẫn chờ sông

    Ta gọi thời gian sau cánh cửa

    Nỗi mừng ràn rụa mắt ai sâu

    Ta nghe như máu ân tình chảy

    Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau

    Ta về dẫu phải đi chân đất

    Khắp thế gian này để gặp em

    Đau khổ riêng gì nơi gió cát...

    Hè nhà, bụi chuối thức thâu đêm

    Cây bưởi xưa còn nhớ trắng hoa

    Đêm chưa khuya lắm, hỡi trăng tà!

    Tình xưa như tuổi già không ngủ

    Bước chạm khua từng nỗi xót xa

    Ta về như giấc mơ thần bí

    Tuổi nhỏ đi tìm những tối vui

    Trăng sáng lưu hồn ta vết phỏng

    Trọn đời, nỗi nhớ sáng không nguôi

    Bé ơi, này những vui buồn cũ

    Hãy sống, đương đầu với lãng quên

    Con dế vẫn là con dế ấy

    Hát rong bờ cỏ, giọng thân quen

    Ta về như nước tào khê chảy

    Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ

    Thân thích những ai giờ đã khuất?

    Cõi đời nghe trống trải hơn xưa

    Người chết đưa ta cùng xuống mộ

    Đêm buồn, ai nữa đứng bờ ao

    Khóc người, ta khóc ta rơi rụng

    Tuổi hạc, ôi ngày một một hao

    Ta về như bóng ma hờn tủi

    Lục lại thời gian, kiếm chính mình

    Ta nhặt mà thương từng phế liệu

    Như từng hài cốt sắp vô danh

    Ngồi đây, nền cũ nhà hương hoả

    Đọc lại bài thơ buổi thiếu thời

    Ai đó trong hồn ta thổn thức?

    Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi

    Ta về như hạc vàng thương nhớ

    Một thuở trần gian bay lướt qua

    Ta tiếc đời ta sao hữu hạn

    Đành không trải hết được lòng ta



    7-1985





    Chiều trên Phá Tam Giang



    1.

    Chiếc trực thăng bay là mặt nước

    Như cơn mộng nhanh

    Phá Tam Giang, phá Tam Giang

    Bờ bãi hỗn mang, dòng bát ngát

    Cát hôn mê, nước miệt mài trôi

    Ngó xuống cảm thương người lỡ bước

    Trời nước mông mênh, thân nhỏ nhoi

    Phá Tam Giang, phá Tam Giang

    Nhớ câu ca dao sầu vạn cổ

    Chiều dòn tan, nắng đọng nứt ran ran

    Trời thơm nước, thơm cây, thơm xác rạ

    Thơm cả thiết tha đời

    Rào rào trận gió nhám mặt mũi

    Rào rào trận buồn ngây chân tay

    Ta ngó thấy ghe thuyền quần tụ

    Từng đoàn như trẻ nhỏ ghê ma

    Ta ngó thấy thuỳ dương gãy rủ

    Từng cây như nỗi bất an già

    Ta ngó thấy rào chà cản nước

    Từng hàng như nỗ lực lao đao

    Ta ngó thấy nhà cửa trốc nóc

    Từng ngôi như mặt đất đang gào

    Vì sao ngươi tới đây?

    Hỡi gã cộng quân sốt rét, đói

    Xích lời nguyền sinh Bắc, tử Nam

    Vì sao ta tới đây?

    Lòng xót xa, thân xác mỏi mòn

    Dưới mắt người làm tên lính nguỵ

    Ví dầu ngươi bắn rụng ta

    Như tiếng hét

    Xé hư không bặt im

    Chuyện cũng thành vô ích

    Ví dầu ngươi gục

    Vì bom đạn bất dung

    Thi thể chẳng ai thâu

    Nào có chi đáng kể

    Nghĩ cho cùng, nghĩ cho cùng

    Ví dầu các việc ngươi làm, các việc ta làm

    Có cùng gom góp lại

    Mặt đất này đổi khác được bao nhiêu?

    Ngươi há chẳng thấy sao

    Phá Tam Giang, phá Tam Giang ngày rày đâu đã cạn?

    Ta phá lên cười, ta phá lên cười

    Khi tưởng tượng ngươi cùng ta gặp gỡ

    Ở cõi âm nào ngươi vốn không tin

    Hỏi nhau chơi thoả chút tính bông đùa:

    Ngươi cùng ta ai thật sự hy sinh

    Cho tổ quốc Việt Nam - một tổ quốc...?

    Các việc ngươi làm

    Ngươi tưởng chừng ghê gớm lắm

    Các việc ta làm

    Ta xét thấy chẳng ra chi

    Nên ngươi hăng điên, còn ta ảm đạm

    Khi cùng làm những việc như nhau

    Ta tự hỏi vì sao

    (Còn ngươi, có bao giờ ngươi tự hỏi?)

    Và ta tự trả lời

    (Có bao giờ ngươi tự trả lời?)

    Chúng ta khác nào cánh quạt phi cơ

    Phải quạt, phải quạt

    Chỉ vì nó phải quạt

    Ta thương ta yếu hèn

    Ta thương ngươi khờ khạo

    Nên cả hai cùng cam phận quay cuồng

    Nên cả hai cùng mắc đường Lịch Sử

    Cùng mê sa một con đĩ thập thành

    Chiều trên phá Tam Giang rộn ràng tiếng chiến trận

    Chiều trên phá Tam Giang im lìm âm cảm thông



    2.

    Chiều trên phá Tam Giang

    Anh sực nhớ em

    Nhớ bất tận

    Giờ này thương xá sắp đóng cửa

    Người lao công quét dọn hành lang

    Những tủ kính tối om

    Giờ này thành phố chợt bùng lên

    Để rồi tắt nghỉ sớm

    (Sài Gòn nới rộng giờ giới nghiêm

    Sài Gòn không còn buổi tối nữa)

    Giờ này có thể trời đang nắng

    Em rời thư viện đi rong chơi

    Dưới đôi vòm cây ủ yên tĩnh

    Viền dòng trời ngọc thạch len trôi

    Nghĩ tới ngày thi tương lai thúc hối

    Căn phòng cao ốc vàng võ ánh đèn

    Quyển sách mở sâu đêm

    Nghĩ tới người mẹ đăm chiêu, đứa em quái quỷ

    Nghĩ tới đủ thứ chuyện tầm thường

    Mà cô gái nào cũng nghĩ tới

    Rồi nghĩ tới anh, nghĩ tới anh

    Một cách tự nhiên và khốn khổ

    Giờ này có thể trời đang mưa

    Em đi nép hàng hiên sướt mướt

    Nhìn bong bóng nước chạy trên hè

    Như những đoá hoa nở gấp rút

    Rồi có thể em vào một quán nước quen

    Nơi chúng ta thường hẹn gặp

    Buông tâm trí bập bềnh trên những đợt lao xao

    Giữa những đám ghế bàn quạnh quẽ

    Nghĩ tới anh, nghĩ tới anh

    Cơn nghĩ tới không sao cầm giữ nổi

    Như dòng lệ nào bất giác rơi tuôn

    Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng

    Của chiến tranh mà em không biết rõ

    Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng

    Một điều em sợ phải nghĩ tới

    Giờ này thành phố chợt bùng lên

    Chiều trên phá Tam Giang

    Anh sực nhớ em

    Nhớ bất tận

    Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi

    Rực chiếu bao nhiêu giấc mộng đua đòi

    Như những mặt trời con thật dễ thương

    Sẽ rơi rụng dọc đường lên dốc tuổi

    Mỗi sáng trưa chiều tối đêm khuya

    Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi

    Coi chuyện đó như lần đi tuyệt tích

    Trong nước trời lãng đãng nghìn trùng

    Không nghe thấy cả tiếng mình độc thoại

    Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi

    Thấy trong lòng đời nở thật lẻ loi

    Một cành mai nhị độ

    Thấy tình yêu như vận hội tàn đời

    Để xé mình khỏi ác mộng

    Mà người đàn ông mê tưởng suốt thanh xuân

    Ôi tình yêu, bằng chứng huy hoàng của thất bại!



    3.

    Chiều trên phá Tam Giang

    Mày nhìn con nước xiết

    Chảy băng bờ bãi ngổn ngang câm

    Nghĩ tới, nghĩ tới những công trình mày có thể hoàn thành

    Mà rồi mày bỏ dở

    Nghĩ tới kiếp người đang lỡ độ đường

    Trên mịt mùng nghi hoặc

    Nghĩ tới thanh xuân mất tích tự đời nào

    Còn lưu hậu chua cay hoài vọng

    Nghĩ tới khu vườn ẩn cư cỏ cây khuất lấp

    Căn nhà ma ám chầy ngày gió thổi miên man

    Đụt tuổi già bình an vô tích sự

    Như lau lách bờm sờm trên mặt sông nhăn

    Cùng cái chết

    Cái chết lâu như nỗi héo hon dần

    Làm chính mình bực bội

    Gió muôn ngàn năm thổi lẽ tuần hoàn

    Cho cỏ cây thay đời đổi kiếp

    Và mày kinh sợ nghe nhắc điều vượt sức bình sinh

    Bởi mày không đủ dạn dày trình diễn tới lui cơn thất chí

    Như gã hề cuồng mưu sinh giữa chốn đông người

    Với từng ấy tấn tuồng bần tiện

    Rút ra từ lịch sử u mê

    Gió thổi thêm đi, gió thổi thêm đi

    Cho cỏ cây mau chết, mau hồi sinh

    Mày mặc kệ

    Chiều trên phá Tam Giang

    Có gã hề cuồng buông tiếng cười lạnh rợn

    Khiến bầy ác thú mà lịch sử sanh cầm cũng chợt hãi hùng

    Dớn dác ngó



    6-1972

    Nguồn: Tô Thuỳ Yên, Thơ tuyển, Minesota, 1995

    https://hon-viet.co.uk/PhamTinAnNinh_To ... ongTu1.htm
Trả lời

Quay về “câu chuyện văn chương”