Nét cười đen nhánh sau tay áo

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20256
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Nét cười đen nhánh sau tay áo

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Nét cười đen nhánh sau tay áo
    _________________________
    01/06/2023 _ Chúc Thanh






    Khi tôi về làm dâu mợ, bà còn khá trẻ, khoảng năm mươi. Bà lanh lẹ, vóc dáng nhỏ và có khuôn mặt vui với nụ cười tươi. Bà luôn niềm nở cởi mở với mọi người. Bà như thế đó, chưa bao giờ làm buồn lòng ai và cũng chẳng ai quấy phiền chi bà.

    Nhà ở khít một bên chợ Ông Tạ, lối vào chùa Khuông Việt, bên cạnh chùa là đền thờ Mẫu, bên cạnh đền có kênh Nhiêu Lộc sang xứ Tân Chí Linh, có một cây cầu mỏng manh bắt bằng những vỉ sắt nhà binh đầy những lỗ đục hình tròn nối tiếp nhau, trông cầu thưa và thoáng mà mợ tôi gọi đó là cái cầu « tình tình gió bay ». Cứ mỗi lần sai tôi đi mua bún là mợ bảo: « Con qua cầu tình tình gió bay, sang bác Thiệu, mang bún về rồi mợ đi quạt bếp than nướng chả ». Bà hay làm chả heo nướng thơm điếc cả mũi, mãi đến bây giờ tôi cũng chẳng thấy ai làm khéo và gọn và nhanh lẹ như bà, và ngon thì tuyệt vời!

    Vì nhà gần chợ, nên bà đi ra chợ thoăn thoắt, hình như ra chợ là một niềm vui của bà, khi đi mua mớ rau muống về xào, khi mua vài bìa đậu hũ, khi thì mua khoanh giò lụa… Hỏi sao mợ đi chợ hoài vậy, bà nói, đi chơi, mợ cũng có nhiều công việc ở nhà, nhưng tạm để đấy, mợ ra ngoài gặp người này người kia cho vui, với lại đi cho khỏe người, ở nhà ngủ nghỉ hoài, mụ mị cả mình mẩy.

    Ở nhà chồng, tôi theo anh chị em, gọi ông bà thân sinh là cậu mợ.

    Một hôm ấy, tôi mới về nhà chồng được một hai tuần lễ, có buổi sáng, thấy mợ ra kéo nước giếng, giếng ở cuối một cái sân rộng, bà kéo khỏe ghê, hai tay đưa lên đưa xuống thoăn thoắt những gầu nước đầy bắn tung tóe, nhưng bà làm hay làm sao tuyệt nhiên không bị ướt quần áo. Tôi lanh chanh đến đỡ cái gầu nói để con, nhưng bà không chịu, hai tay vẫn giữ chặt sợi dây thừng:
    • « Ôi trời, con lui ra, để mợ làm, mợ quen tay rồi. Nhà con ngoài phố, xài nước máy, con có kéo nước bao giờ đâu mà đòi làm, không khéo, con lại rớt xuống nước thì nguy, lui ra, mợ bảo lui ra ».

    Tôi lóng ngóng bên cạnh bà, bà chỉ ngay lên dây kẽm phơi áo quần:
    • « Đó, con xem coi áo quần khô chưa, thì mang vô nhà xếp lại rồi cất vô tủ đi, của ai để ở ngăn người đó ».

    Lúc nào bà cũng giành làm việc nặng, chừa cho tôi phần nhẹ, khi bà làm bếp, bà chỉ sai tôi rửa rau hay lau chén bát. Bà viện lẽ, tay chân tôi, tay chân học trò, làm gì cũng từ từ, không thể tham công tiếc việc làm nhiều ngay được. Cứ bảo là tay chân học trò, trói gà không chặt, mà thiệt ra, con có trói gà hồi nào đâu, mợ ơi!

    Độ ấy, tôi mới ra trường đi dậy học, chồng tôi đi lính theo quân đội đóng ở xa nhà. Rất xa. Nhiệm sở ở quận Nhơn Trạch, quận lỵ của tỉnh Biên Hòa. Chỗ dậy thì gần mà đường đi thì xa. Trường cách nhà khoảng hai chục cây số đường chim bay, nhưng tôi phải lên Thủ Thiêm, qua đò, đi xe lam kéo tới Cát Lái, qua phà lớn, lại đi xe lam về xã Đại Phước, rồi từ Đại Phước đi lọc cọc qua kho đạn thành Tuy Hạ về nhà trọ ở xã Phú Thạnh. Đó là trường trung học quận lỵ đầu tiên, nằm ngay trên giới tuyến, giáp ranh kho đạn trung ương và phía bên kia, xa xa hơn, là chiến khu D của Việt Cộng.

    Dĩ An, Công Thanh, Nhơn Trạch là những địa điểm quan trọng nên bị bên kia pháo kích thường xuyên. Quận Nhơn Trạch là miền đất cao, nhiều đá cứng và người ta trồng điều, gọi là đào lộn hột đủ màu. Mỗi lần về quận, tôi có ngay cái cảm giác quê hương Sài Sơn của thi sĩ Quang Dũng ở đâu đây, ở quanh đây với: « Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ… »

    Rất nhiều ngấn lệ, lệ của người bên này, lệ của người bên kia đã đổ ra, đã trà trộn.

    Và con sông sâu trên bản đồ vòng vèo đó, làm ai cũng nhớ đến sông Đáy của thi sĩ Bùi Đình Diệm: « Sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc, Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng… »

    Ở đây, đất rộng bao la, người ta cũng thích thả diều vi vu. Quận lỵ Nhơn Trạch cứng đầu và oai hùng với ngài quận trưởng mở vòng rào chợ và vòng đai quận, ứng chiến trực tiếp với quân cộng sản tràn vô nhiều lần như nước vỡ bờ, sau xô xát, ngài không cho dẹp ngay trận tiền, bảo để đó, để đó, cho dân địa phương chiêm nghiệm, suy nghĩ, nhất là những gia đình ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản chứng kiến. Quận lỵ Nhơn Trạch có nhiều lần, nhiều vị phó quận hành chánh, chiều chiều năng nổ ra sân bắn tập dượt tác xạ lăn lộn với anh em địa phương quân. Quận Nhơn Trạch có ông phó Nguyễn Mộng Linh, bắt cộng sản không bao giờ lầm.

    Vì cái địa điểm nổi danh đó, mà khi tôi nói tôi nhận nhiệm sở Nhơn Trạch, mợ tôi sợ hãi lắm. Bà không hiểu sao tôi ưng chọn dậy học ở nơi nguy hiểm đó. Tại vì thời chiến, chỗ nào mà không có súng đạn. Mợ bảo hay con ở nhà đi rồi kiếm sau. Nhưng bản tính háo thắng của một người trẻ mới ra nghề, tôi nhất quyết đi, mợ đừng cản trở.

    Hôm tôi đi về quận nhận trường nhận chỗ. Mợ kiểm lại cái valise nhỏ của tôi, rồi bỏ thêm vào cái mùng đơn, mùng nhà binh cuốn rất gọn, một hộp guigoz thịt heo chà bông nén chặt, và bà đưa cho tôi 4000 đồng, con cầm lấy chi tiêu và phòng thân. Cứ nghe động tịnh gì, là phải thuê xe về Saïgon ngay nghe con. Quay qua quay lại, bà lại bỏ thêm vào giỏ sách tay một cái bọc vải nhỏ:
    • « Trong này là cái dấu bình an mợ đã xin, khấn xin ở trên đền đức thánh Trần, con mang bên mình để được che chở. Còn đây, thêm bọc tiền cắc lẻ, mỗi lần qua phà qua đò, con bỏ xuống nước, trả tiền cho quá giang nghe… Sông có hà bá ».

    Lúc tôi bước xuống phà Thủ Thiêm, mợ đứng rất lâu trên bờ nhìn theo và đưa tay vẫy. Tôi biết bà đang e ngại cho tôi đi vào chỗ nguy hiểm, nhưng tôi không thể dừng lại và có lúc tôi bực mình thấy mợ kỳ đà cản mũi. Tôi cứ nhớ mãi lân đầu tiên ở quận lỵ, chạy trốn đạn pháo kích. Ngồi dưới hầm, nghe những tiếng nổ ầm ầm, ào ào rồi chéo chéo… tôi nhớ tới mợ tôi. Rồi thỉnh thoảng lại có những tiếng đạn chan chát đau tai. Tôi vội hỏi bác chủ nhà trọ: bác ơi, nổ gần quá! Giờ làm sao? Mình ráng chịu thôi, bịt hai tai lại, trời tránh cho thì được! Rồi những tiếng ình ình départ làm lung lay mặt đất. Tôi sợ quýnh, trong khi một anh bạn dậy cùng trường, anh mới xuống tới, vì ngày mai anh có giờ dậy sớm. Anh, có lẽ chưa thấm đòn, nói chỏng lỏn: Hay nhỉ, đạn bắn ình ình… Tôi nghe như tạ tình tạ tình!

    Có mà tạ từ thì có, nó sắp tạ từ chúng ta đó. Bất chợt một tiếng « ầm » bộc phá dữ dội lao đến, đất quanh hầm lở, rơi rào rào, bắn rát mặt. Tôi hốt hoảng, bấu chặt vào một bờ vách đất kêu to: « Mợ, mợ ơi! » Tôi kêu lên hoảng loạn, như thấy có bóng mợ tôi thấp thoáng, xeo xéo trên khung cửa hẹp miệng hầm xếp đầy đá ong lỗ chỗ.

    Tôi cứ nhớ mãi cái lần tôi chuyển bụng sanh con đầu lòng, tôi vật vã rồi men theo tường lẩn mẩn đi nhiều vòng, mồ hôi tôi vã ra ướt áo, mợ thay áo khô cho vì sợ tôi cảm lạnh. Đến lúc đau dồn thúc bách, tôi nhăn nhó, thì bà xoa xoa đầu rồi xoa lưng trấn an tôi: « Ráng chút nữa con, má mình sanh được mình, thì mình sanh được con mình, trời sinh trời dưỡng ». Bà cứ theo tôi mỗi bước, cho tới lúc tôi phải vào phòng sanh, bà bị cản lại tại chỗ, thì bà vội đưa cho cô đỡ hay cô y tá bọc áo quần, tã, lót của mẹ con tôi. Bà không quên để vô tay bác y công hay chị lao công quét phòng một tờ giấy hai chục đồng và nói nhỏ nhỏ: « Xin chị giúp cho nếu cháu nó làm sao… chúng tôi xin đền công chị sau, cám ơn bội hậu… chị làm ơn ». Rồi bà đợi ở ngoài cho tới lúc xong việc, mẹ con tôi an vị trong giường bà mới ra về và hẹn trở lại sớm.

    Tôi cứ nhớ mãi, mỗi lần tôi sanh cháu, là mợ lên thăm mỗi ngày, mỗi chiều, cứ trưa trưa khoảng hai giờ sau bữa cơm, mợ đã có mặt ở nhà tôi, bà mau mắn xếp dọn bếp, quét qua nhà cho sạch, rồi sửa soạn nước ấm và tắm cháu. Bà tắm con nít mới sanh rất khéo, một tay bà để dưới bụng cháu, đầu và cổ bé tì nên cánh tay ngoài của bà, còn bàn tay còn lại, bà vốc nước lên thoa rửa đầu, lưng, mông, bụng, tứ chi… không chỗ nào bà bỏ sót, bà làm nhanh nhẹn, rất mau, bé không sợ không khóc. Ở chơi tới xế chiều, trước khi ra về bà còn ân cần nhắn nhủ:
    • « Giờ bà nội về lo nấu cơm cho ông nhe, mẹ con lo cho nhau, rồi mai bà lại lên. Chiều mai bà mang thịt kho tiêu cho ».

    Lúc nào bà cũng dặn dò, con nằm ổ, phải đi vớ, đội khăn choàng đầu, mặc áo len, nhét bông gòn hai lỗ tai, và nhớ đừng ra chỗ có gió luồn. Tôi cứ vâng vâng dạ dạ, con hiểu rồi, mẹ ơi. Nhưng rồi nóng quá, bà vừa ra về một loáng là tôi tháo ra hết, khăn, áo, vớ, bông gòn, tôi để đại xuống dưới gối đầu. Bất chợt quên gì đó, bà trở lại, tôi đang đi chân đất, tôi đi ra ngoài nhà bật Tivi, bà hốt hoảng:
    • « Ơ sao vậy? Mợ đã dặn là phải kiêng. Con cứ luông tuồng thế kia, vài tuổi nữa, ốm mòn ốm mỏi, bịnh hà rầm, thì khổ thân! »

    Đại loại là mợ tôi lo xa, nhưng không bao giờ giận hờn dù là con có cứng đầu đến mấy.

    Nhưng mà bà đoán đúng, sau 30-04-1975, tôi ngã ra đau nặng, tôi bị LED lupus émythémathus dissiminé. Khá lâu, trong vòng một hai năm liên tiếp, uống toàn là kháng sinh, nguy hiểm quá, người mẩn ngứa đỏ, đôi khi sốt và cơ thể sưng vù! Tôi đi đứng lảo đảo, mợ còn mấy cái khâu 1 chỉ, 2 chỉ… mang bán lần chạy thuốc cho đứa con dâu cứng đầu. Đến lúc bà hết cả tiền mà bệnh tôi vẫn rề rề, kỳ đó, mợ xoay qua chữa trị kiểu khác, nghe ai đó, mợ tôi nấu chín những 10 cái hột gà rồi ủ nóng và dắt tôi đi gặp bà thầy, thầy gì đó không rõ, thầy lấy hột gà nóng lăn và thoa khắp mình mẩy tôi, đầu, mặt, tay, lưng xuống cả chân và bàn chân. Tôi thì không tin thầy, mợ tôi thì cứ nói là “phước chủ lộc thầy“ phải để thầy chữa cho con khỏi bệnh, con có bề gì mợ sống không nổi đâu rồi còn bốn đứa con con đó, rồi chúng nó sống với ai? Tôi đành chịu trận.

    Nhưng thầy bẻ đôi những quả trứng gà chín ra, trứng bình thường, không có gì khác lạ, và chúng tôi, các con tôi sung sướng ăn vô số là hột gà nấu chín. Cám ơn bà thầy. Bà thầy cũng rất ung dung phán rằng:
    • « Cô Hai đây, con của bác, không hề bị ai thư bùa ếm ngải, cổ buồn thời cuộc mà bệnh, cứ đuổi cách mạng về Bắc là cổ hết bệnh… Rồi bác chờ đó, có thể lâu lâu quen lần, cổ sẽ hết, hoặc là sẽ chết! »

    Mợ tròn mắt nhìn sững sờ bà thầy, rồi trả tiền, rồi dắt tôi về. Bà lẩm bẩm:
    • « Cái bà thầy này ăn nói vô chừng tội vạ, mà thôi, con không bị nan y, không bị trù ếm là may. Từ nay, mợ sẽ ăn chay tụng kinh niệm Phật cầu an, rồi con sẽ qua khỏi ».

    Mà sau đó, nhờ ân đức của bà tôi khỏi bệnh. Sau này, sang Pháp sống, khi đi khám bác sỹ làm hồ sơ bệnh lý, chẳng có mấy bác sỹ tin rằng trước kia tôi bị bệnh LED. Sang đây, tôi xách manteau, chạy theo cơm, áo, gạo, tiền gần một phần tư thế kỷ nữa. Tất cả nhờ vào lòng tin và lòng yêu thương của mợ tôi. Mấy chục năm qua đi vùn vụt như gió thoảng mây bay.

    Ngày tôi trở về thăm mợ, tôi cứ nhớ mãi, hôm đó, vào một ngày mưa to gió lớn, mây vần vũ đầy trời. Lối về nhà mợ, khu Ông Tạ còn ngập sâu dưới làn nước đục ngầu. Tôi lõm bõm lội sâu vào cổng bom, dừng lại bên cột đèn, tôi gọi mợ, gọi rất lâu, có lẽ tai bà nghe đã kém.
    • « Mợ ơi, mợ ơi, mở cổng cho con! »

    Một lúc sau, bà đi ra, nói qua hàng rào:
    • « Ai đấy, ai gọi lớn thế? »
      « Con đây, con đã về. »

    Khi nhìn rõ, dưới ánh đèn mờ, bà thảng thốt:
    • « Ồ, con, con đã về đấy ư ? Trời đất, mợ cứ tưởng không còn gặp con nữa. »

    Vậy rồi mẹ con hàn huyên bao nhiêu chuyện xa gần, đến một lúc, chú em mang xe Honda đến đề nghị chở tôi đi Biên Hòa, thăm đất Nhơn Trạch, thăm lại cảnh cũ người xưa thì mợ tôi xua tay ra ý phản đối:
    • « Thôi thôi, các con ơi, đường đi xa lộ chen chúc đông đúc lắm, tai nạn xẩy ra hà rầm, con đừng chở chị đi chơi đâu xa xôi cả. Cảnh cũ người xưa đã thay đổi cả rồi, mình về lại đó, người mới tới, họ biết mình là ai? Thôi cứ để chị loanh quanh từ Lăng Cha Cả vào chợ Ông Tạ, từ chợ Ông Tạ vòng ra Lăng Cha Cả, hết bốn tuần lễ, chị lên máy bay về Pháp với anh và các cháu là mẹ yên trí. Chị cứ an lành về lại nhà chị ở Paris là mẹ sung sướng, mợ không muốn những chuyện dĩ lỡ xẩy ra…»

    Ngày tôi ra đi lại, bà mặc áo dài, vấn khăn chỉnh tề, lễ Phật Quan Âm xin cho con dâu đi đến nơi về đến chốn, thượng lộ bằng an, rồi bà rưng rưng nước mắt nói là:
    • « Nếu cứ 2 hay 3 năm, con về lại một lần thì mợ còn chờ con được 2 lần nữa đấy…»

    Nhưng rồi về đây, tôi lại bị cuốn hút vào công việc mưu sinh, có lúc nhãng quên cả mình có một người mẹ ở xa mong chờ. Nay thì bà đã mất ở quê xa, chẳng còn ai mong chờ tôi nữa. Một buổi sáng mùa đông, tôi tỉnh dậy, nhớ ra nay là ngày giỗ mợ, tôi muốn ra vườn cắt một vài bông hồng, mở cửa, trời rét căm căm, mây vần vũ, xám ngắt, như một cái vung lớn sắp úp chụp xuống đầu, tôi khép cửa sổ cho bớt gió, rồi nhẹ từng bước lần mò xuống cầu thang.
    A, tôi thấy mợ, mợ đến ngồi trên ghế dài trong phòng khách, mợ mặc áo dài và vấn khăn nhung y ngày tiễn tôi ra phi trường, mợ đang làm gì đó? À, bà đang thổi nguội ly nước trà nóng nghi ngút khói trước mặt, thấp thoáng lờ mờ một nụ cười tươi, đôi mắt lấp lánh…
    • « Con dậy rồi hả? Trời lạnh, ra khỏi chăn, con nhớ mặc áo ấm ».
      « Dạ, rồi, con mặc rồi ».

    Tôi bước hụt một bậc thang lầu và xuýt té. Sợ. Toát mồ hôi, rồi giựt mình tỉnh dậy, tôi vẫn còn ở trên giường. A, đúng, tôi vừa nghĩ tới mợ và mợ tôi đã có cách kết nối với tôi bằng một giấc mơ!
    Tôi trở mình và thầm gọi trong tai:
    • « Mợ, mợ ơi… »






    Chúc Thanh
    (Paris, mai 25, 2023, Ngày của Mẹ)


    https://vietbao.com/a315944/net-cuoi-de ... au-tay-ao-
Trả lời

Quay về “Chúc Thanh”