Cuộc đua xây tượng Phật cao nhất, to nhất ở Việt Nam
______________________ Theo Luật Khoa _ 09/06/2023
Tượng Phật cao 72 mét ở chùa Khai Nguyên, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội
Các tượng Phật to lớn được dựng lên với các kỷ lục nối tiếp nhau nhằm thu hút sự tò mò của số đông công chúng hơn là dành cho những người thực hành đạo Phật.
Hồi năm 2021, chùa Phật Quốc Vạn Thành, tỉnh Bình Phước, đã dựng một tượng Phật cao 73m, tượng này cao hơn tượng Phật chùa Khai Nguyên, Hà Nội, một mét, trở thành tượng Phật cao nhất Việt Nam thời điểm đó.
Dự kiến trong năm 2023, chùa Minh Đức sẽ dựng tượng Phật cao nhất Việt Nam và thế giới với chiều cao lên đến 125 mét.
Việc dựng tượng Phật ở Việt Nam là cuộc tranh đua không có hồi kết giữa các nhà sư, chính quyền các tỉnh và giới doanh nhân.
Vào tháng 12/2022, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã khởi công dự án tâm linh tại Phú Quốc với tượng Phật Bà Quán Thế Âm bằng đồng nguyên chất, dát vàng cao 189 mét. Dự kiến đây tiếp tục là tượng Phật cao nhất thế giới.
“Núi này cao có núi khác cao hơn” là thành ngữ đã lỗi thời. “Tượng Phật này cao có tượng Phật khác cao hơn” là câu nói hợp thời hơn bao giờ hết.
Tượng Thích Ca Mâu Ni cao 73 mét ở tỉnh Bình Phước
Việt Nam đang có bao nhiêu tượng Phật tranh giành các kỷ lục? Vì sao xuất hiện xu hướng dựng tượng Phật khổng lồ như hiện nay?
Việt Nam có rất nhiều tượng Phật khổng lồ, gần như tỉnh, thành nào cũng cố gắng dựng ít nhất một tượng Phật để xác lập kỷ lục, thu hút khách tham quan.
Xu hướng chung là tượng Phật sau cao hơn, to hơn tượng Phật trước. Nếu không cao hơn thì phải được làm bằng chất liệu đặc biệt hơn, hoặc đặt nhiều tượng Phật hơn.
Việc dựng tượng Phật cũng vượt ra khỏi không gian các ngôi chùa, lan đến các nơi như công viên, nghĩa trang, cơ sở của các nhà kinh doanh tư nhân.
Ví dụ như cơ sở làm bánh pía Tân Huê Viên tại Sóc Trăng đang dựng tượng Phật Dược Sư nặng 19 tấn đồng, bên ngoài dự kiến dát 88 lượng vàng với “mong muốn cầu nguyện cho mọi người được an lành”.
Hoặc có trường hợp tạc cả tượng Phật cao 81 mét vào hòn núi như tại tỉnh An Giang và 65 mét tại Đà Nẵng.
Tượng Phật được dựng ở khắp nơi từ nông thôn đến thành thị, từ đồi núi đến đồng bằng, từ khu vực đất rừng đến khu vực dân cư.
Cuộc đua dựng tượng Phật có lẽ là một trong những cuộc đua nóng bỏng và cạnh tranh gay gắt nhất Việt Nam.
Tượng Phật nằm cao 22,5 mét ở Sóc Trăng
Các tượng Phật khổng lồ liên tiếp được dựng lên thường được cho là nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của công chúng.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, cả nước chỉ có 4,6 triệu người là tín đồ Phật giáo, chiếm 4,78% tổng dân số theo số liệu điều tra năm 2019.
Trên thực tế, các công trình này được dựng lên với các kỷ lục nối tiếp nhau nhằm thu hút sự tò mò của số đông công chúng hơn là dành cho những người thực hành đạo Phật.
Du khách đến tham quan đông đảo giúp cho chính quyền địa phương và các nhà đầu tư thu được nhiều lợi ích về kinh tế từ việc bán vé tham quan, cáp treo, dịch vụ ăn uống, lưu trú… Và đương nhiên có cả những lợi ích phía sau dành cho các quan chức địa phương lẫn chức sắc tôn giáo.
Mặt khác, các tượng Phật thường được dựng lên một cách vô tội vạ, thậm chí không phù hợp với cảnh quan lẫn yếu tố tâm linh bản địa. Ví dụ, núi Bà Đen thuộc tỉnh Tây Ninh là một di tích không liên quan trực tiếp đến Phật giáo truyền thống, mà mang nhiều màu sắc tâm linh, tín ngưỡng bản địa.
Việc nhấn mạnh vào yếu tố Phật giáo có lẽ xuất phát từ lý do chính trị nhiều hơn, vì nhà nước hiện nay muốn người dân theo đạo Phật, dưới sự điều hành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), một tổ chức đã bị nhà nước kiểm soát toàn diện.
Trong khi đó, đạo Công giáo có xu hướng độc lập với chính quyền, còn Tin Lành thì có xu hướng chia tách liên tục thành các hội thánh nhỏ, hoạt động độc lập. Đây rõ ràng không phải là các tôn giáo phù hợp với lợi ích của nhà nước.
Hiện nay, chính quyền nắm quyền phê duyệt toàn bộ các thủ tục liên quan đến thành lập, xây dựng cơ sở tôn giáo. Việc liên tục dựng các tượng Phật đạt kỷ lục rõ ràng là có bàn tay thúc đẩy của nhà nước. Các nhà sư thuộc GHPGVN luôn được ưu ái đặc biệt.
Tuy nhiên, chính quyền lại không muốn người dân tự do thực hành những giáo lý chân chính của Phật giáo, vì điều này không có lợi cho nhà nước. Chính quyền chỉ đang dùng sự ảnh hưởng của Phật giáo để thao túng tâm thức và định hướng tư tưởng cộng đồng vào các giá trị mà nhà nước mong muốn. Do đó, sự hiện diện của những tượng Phật cao lớn là điều rất cần thiết cho nhu cầu này.
Ai ‘buôn’ Phật thành công bằng Thích Trúc Thái Minh?
__________________________ Nguyễn Đại La _ 25/06/2023
Sư Thích Trúc Thái Minh sống nhờ vào sự u mê của bá tánh
Sư Thích Trúc Thái Minh quả không hổ danh sinh viên xuất sắc ngành Kinh tế. Chỉ với cái đầu trọc, mớ lý thuyết sai bậy núp danh Phật pháp rặt mùi đe dọa Phật tử để moi tiền từ các nỗi đau khổ của họ, sư Minh đã thành công vang dội trong kinh doanh chùa, buôn Phật pháp. Chỉ vỏn vẹn chưa đến chục năm, tay trắng dựng nên sự nghiệp có giá trị hàng ngàn tỷ đồng, luôn dồi dào nguồn lao động không công u mê mù quáng đến hàng ngàn người.
Theo trang web chùa Ba Vàng, sư Thích Trúc Thái Minh, thế danh là Vũ Minh Hiếu, 56 tuổi, sinh tại Bắc Ninh, con thứ 5 trong gia đình có bảy anh chị em.
Sư Minh tự giới thiệu mình “học hành giỏi từ nhỏ, được tuyển vào các lớp chọn, lớp chuyên của huyện, tỉnh, được đánh giá là người gần như hoàn thiện cả về đạo đức lẫn học thuật”.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, Hiếu được giữ lại làm giảng viên. Sau năm năm giảng dạy tại trường, Hiếu chuyển sang Viện Nghiên cứu chế tạo máy thuộc Bộ Công nghiệp.
Sau cái chết của một người chị họ, Hiếu trăn trở với những câu hỏi về sống/chết và rồi gặp được duyên khởi để xuất gia tu hành.
Năm 1999, Hiếu xuống tóc, xuất gia tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt. Năm 2002, được cử ra miền Bắc để góp sức xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử. Năm 2007, về làm trụ trì chùa Ba Vàng, một ngôi cổ tự nhỏ bé và nghèo nàn, gồm hai kiến trúc cũ kỹ nằm trên 150 m2 ở lưng chừng núi Thành Đẳng, tại TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Năm 2014, sư Minh khánh thành chùa Ba Vàng mới trên diện tích 22 ha.
Chính điện chùa Ba Vàng mới rộng đến 4.600 m2, được công nhận là ngôi chính điện trên núi lớn nhất Đông Dương vào năm 2014.
Từng có một “dự án tập đoàn kinh doanh thương hiệu chùa Ba Vàng”?
Thích Trúc Thái Minh làm giàu không kém Thích Nhật Từ
Con đường từ trung tâm Uông Bí đến chùa Ba Vàng được xây dựng, thu ngắn khoảng cách. Các kiến trúc hoành tráng liên tiếp xây dựng với phong cách phật giáo Nam Tông khác lạ với phong cách Bắc Tông phổ biến ở miền Bắc. Cùng với các hoạt động và lễ hội sôi động liên tiếp trong năm không bao giờ ngừng, chùa Ba Vàng được các tour du lịch chùa chiền đưa vào hàng đầu sổ trong danh sách “du lịch tâm linh”.
Chính sư Thái Minh cũng tự hào kể về công trình biến chiếc chùa cũ nát thành một “trung tâm Phật học rất lớn trên diện tích 22 ha, trong đó một nửa là cây xanh và cảnh quan.
Tổng kinh phí xây dựng chùa được cho biết khoảng 280 tỷ đồng vào thời điểm đó. Toàn bộ là tiền công đức từ Phật tử, người dân và các doanh nghiệp cùng các nhà hảo tâm khắp nơi.
Năm 2016, có một dự án tên Khu du lịch tâm linh thiền Trúc Lâm-Quảng Nam được động thổ khởi công xây dựng tại thôn Đại An, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh (Quảng Nam). Công trình này được công bố có tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng, chia làm nhiều giai đoạn.
Phối cảnh của khu này giống hệt chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh.
Doanh nghiệp huy động tiền bá tánh để xây dựng chùa Ba Vàng Quảng Nam là công ty TNHH Ba Vàng Quảng Nam. Chủ doanh nghiệp tên Vũ Minh Đức, quê quán tại thôn Ngọc Quan, xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.
Đức chính là anh ruột của sư Thích Trúc Thái Minh.
Cho nên không lạ gì khi tại lễ động thổ khởi công, đích thân trụ trì chùa Ba Vàng Quảng Ninh là sư Minh đã trực tiếp đứng ra nhận tiền và hiện vật do nhiều nhà hảo tâm, tập thể và cá nhân ủng hộ đến hàng tỷ đồng và nhiều hiện vật có giá trị.
Thế nhưng, sau đó ít lâu, công ty Ba Vàng Quảng Nam bất ngờ dừng dự án với lý do gặp một số khó khăn vướng mắc.
Cũng phải, vì đất mà họ định xây chùa và làm du lịch tâm linh lại nằm trong diện tích rừng phòng hộ hồ thủy điện Phú Ninh.
Báo đảng tiếp tay quảng cáo cho cơ sở kinh doanh kiêm chùa Ba Vàng
Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam cho biết, khi tổ chức lễ động thổ, công ty Ba Vàng Quảng Nam chưa được cấp giấy phép xây dựng, cũng chưa làm các thủ tục thuê đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.
Đến năm 2018, công ty ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, số tiền sư Minh đã nhận cúng dường thì không có thông tin nào về việc hoàn trả cho người đóng góp.
Tại sao một nhà sư luôn mồm cao rao về pháp tu khổ hạnh “ăn ngày một bữa, chỉ có ba y (một áo, một quần, một tấm vải quàng), rách lại vá, ngủ ngồi trong rừng” lại dính vào việc kinh doanh của thế tục?
Chùa chiền là nơi tu tập và hành pháp, tại sao lại thương mại hóa thành khu du lịch tâm linh?
Nếu dự án thành công, tăng ni trong chùa nên gọi là nhân viên kinh doanh hay người xuất gia cầu Đạo? Lợi nhuận sẽ được phân bổ như thế nào?
Chỉ có thể nói, sư trụ trì Thích Trúc Thái Minh quả không hổ danh sinh viên xuất sắc ngành Kinh tế. Chỉ với cái đầu trọc, mớ lý thuyết sai bậy núp danh Phật pháp rặt mùi đe dọa Phật tử để moi tiền từ các nỗi đau khổ của họ, sư Minh đã thành công vang dội trong kinh doanh chùa, buôn Phật pháp. Chỉ vỏn vẹn chưa đến chục năm, tay trắng dựng nên sự nghiệp có giá trị hàng ngàn tỷ đồng, luôn dồi dào nguồn lao động không công u mê mù quáng đến hàng ngàn người, và đang leo lên các chức vụ cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tiền, quyền, lợi danh gồm đủ. Thử hỏi có tổng tài nào ngoài đời thường so sánh nổi với sư?
Vào năm 2019, khi sự kiện chùa Ba Vàng dụ dỗ và bắt ép phật tử cúng tiền để thỉnh oan gia trái chủ chữa bệnh hay giải quyết trục trặc trong cuộc sống bùng nổ trên truyền thông, trang web Chuabavang.com đã không còn các clip pháp thoại hay trạch pháp về vong linh báo oán hay nghiệp ác kiếp trước nữa. Tuy nhiên, đó chỉ là động thái giả vờ một cách rất qua quýt.
Sau khi tái hoạt động, trên trang đầu tiên không hề có các từ nhạy cảm như oan gia trái chủ, nhưng lại có hẳn một topic mang tên Câu chuyện chuyển nghiệp.
Bấm vào topic này là cả một thế giới ma tà, vong hồn báo oán, mụn ghẻ mặt người, nghiệp báo, oan gia trái chủ… muôn hình vạn dạng, đủ kiểu tác quái và đòi nợ, chữa những bệnh tật nặng nề và dai dẳng, từ nghèo khổ, con cái bất hiếu, nghiện rượu, hay gia đình lục đục đến công ăn việc làm tốt đẹp và hòa thuận. Cứ các căn/chứng bệnh càng kỳ lạ, trầm trọng, nhất là đã chạy chữa khắp Đông Tây y tốn nhiều tiền nhưng không khỏi thì cứ đến chùa Ba Vàng là sạch làu bệnh tật, vạn việc đều thông.
Hàng trăm video lừa đảo và truyền bá mê tín dị đoan để trục lợi này vạch rõ bộ mặt của sư Thích Trúc Thái Minh.
Video nào cũng được quay dựng chuyên nghiệp, theo một cách thức duy nhất: bệnh nhân và người thân của họ tự thuật bệnh trạng cũng như diễn tiến chữa bệnh trước mặt một số tăng ni của chùa và vài phật tử khác. Người thì bị vẩy nến lở khắp lưng cổ đầu mặt tay chân từ năm 14 tuổi, ngứa ngáy điên cuồng, gãi bật máu khắp người khiến tự ti phải nghỉ học từ sớm. Cha mẹ đã vay 300 triệu chữa bệnh cho con nhưng chỉ giảm được một thời gian lại tái phát nặng hơn. Bác sĩ thì nói bệnh này chữa dân gian chứ chữa Tây y không khỏi. Chữa thuốc Tây thì bị dị ứng sưng miệng lên.
Người mẹ kể diễn tiến tiếp theo như chuyện thần thoại:
-Lúc ấy con con nó buông luôn rồi, nó bảo đến đâu thì đến chứ con không chữa nữa. Con cũng quá nản chí rồi, hôm ấy con thắp một nắm hương to con ra quỳ giữa sân. Con khấn xin Phật thương thì chữa khỏi bệnh cho con của con thì nghe tiếng nói trong không trung là phải thỉnh oan gia trái chủ. Lúc ấy con chưa biết gì về oan gia trái chủ. Sáng hôm sau con đi công việc thì tự nhiên gặp một Phật tử của chùa, người ta nói bệnh này đến chùa Ba Vàng thỉnh oan gia trái chủ là hết.
Người mẹ kể tiếp: Sau đó bà sắp xếp lên chùa Ba Vàng tu tập và xin vào đạo tràng. Con trai bà vẫn ở quê. Nhưng chỉ đến đêm tu tập thứ hai, bà gọi điện về hỏi thăm thì con trai đã nói “Cơ thể con như là một người khác rồi”. Bà và chồng tăng lòng tin, tiếp tục dốc lòng tu tập. Sau 49 ngày tu tập và 108 ngày cầu khỏi dịch bệnh, “điều vi diệu” đến với toàn thể gia đình bà: tự dưng có người khác mách có bác sĩ chữa khỏi bệnh này. Bà đem con đến chữa thì con bà dùng được thuốc Tây, không còn bị dị ứng nữa, mặc dù trước kia từng bị. Kết quả bệnh hết hẳn, da lành và bắt đầu mọc da non.
Con bà kể vào đêm tu tập thứ hai của mẹ thì toàn thân anh ta ngứa phá ra, gãi toàn thân chảy máu xong đến sáng thì nhẹ nhõm hẳn, không ngứa nữa, các nốt lở bắt đầu se lại.
Như cởi tấm lòng, sư Thích Trúc Thái Minh cười rạng rỡ như đóa hoa đang được tắm trong ánh hào quang của mười phương chư phật. Sư cho xem hình ảnh trước và sau khi lành da, đồng thời nhắc đi nhắc lại và nhấn mạnh các chi tiết quan trọng nhất gồm:
-Chữa đông tây y lâu năm, tốn tiền nhiều nhưng không khỏi.
-Vừa tu tập tại chùa Ba Vàng đến đêm thứ hai thì bệnh đã thay đổi theo chiều hướng tốt lên đến vi diệu, như phép lạ.
-Gia đình rất quyết chí, có bao nhiêu tiền, kể cả tiền được quyên góp cho cháu chữa bệnh đều đem cúng dường chùa cả.
-Sau khi được chứng kiến sự thay đổi, cả nhà trao trọn niềm tin vào Phật pháp, vào chùa Ba Vàng.
Sư Minh nhấn mạnh:
-Phật pháp rất nhiệm màu (…) Phải tu tập để tăng phước, oan gia hết nghiệp báo với mình thì họ bỏ đi thôi, mình hết khổ. Oan gia (nhập về) báo oán, nếu họ không tác động nữa thì thuốc mới có tác dụng. Nếu không càng bôi thuốc thì càng loét. Thứ hai là họ ngăn cản mình tìm được thầy thuốc tốt, chỉ toàn gặp thầy thuốc vớ vẩn.
Minh từng giải thích về nguyên nhân bệnh ung thư:
-Oan gia trái chủ xâm nhập vào tế bào, khuếch trương lên làm căn cứ địa, biến thành ác tính chống lại chính cơ thể mình. Tại sao có tế bào kỳ lạ đến thế? Dứt khoát phải có yếu tố tâm linh trong này. Các bệnh ác như bệnh ung thư chẳng hạn, phải có đến 95% là có yếu tố tâm linh trong đó. Rất nhiều trường hợp bị bệnh khi thỉnh oan gia trái chủ ra thì họ nói rất rõ là họ tác động vào cơ thể chúng ta như thế. Nếu giải được oán kết, chuyển hóa được nghiệp rồi thì lúc ấy chữa bệnh, uống thuốc mới tốt được. Có oan gia trái chủ nói rõ luôn là họ che bệnh luôn, không cho nhìn thấy bệnh, bác sĩ khám cũng không nhìn thấy bệnh. Pháp của nhà Phật trừ được ma tà, ma tà quỷ ám là có thật và rất nhiều nhưng truyền thông không nói lên.
Đỉnh điểm của sự để não là sư Minh kết luận những người dân nạn nhân của nạn đói năm 1945 tại miền Bắc Việt Nam cũng chính là do họ từng sống độc ác vào các kiếp trước.
Ngay cả cơn bão và mưa lũ năm làm chết 17 người ở Quảng Ninh năm 2018 cũng được sư Minh vu cho “nghiệp” của dân Quảng Ninh và kể công: “Ngay khi mưa bão là lãnh đạo địa phương đã đến tìm và nhờ thầy giúp đỡ. Đáng lẽ chết 127 người nhưng thầy xin cho nên mới được như thế”.
-Thầy đi Ấn Độ thấy dân Ấn đi xe rất liều nhưng họ rất ít bị tai nạn, dù đường sá rất kém, xe rất tồi. Còn dân mình tai nạn lia chia, chứng tỏ dân mình nghiệp sát rất lớn. Ví dụ kiếp trước mình bỏ đói người ta, cướp thực phẩm hay đốt cháy thực phẩm của người ta thì kiếp sau mình sẽ bị chết đói. Dân mình bị nạn đói năm Ất Dậu 1945 là phải có nghiệp đấy. Mình thì mình nói do chiến tranh các thứ nhưng thực sự là có nghiệp đấy chứ thực sự không phải tự nhiên mà chết thế đâu.
Xúc phạm đến mức liều lĩnh như vậy nhưng như mọi lần, sư Thích Trúc Thái Minh không hề bị ai cảnh cáo hay nhắc nhở gì cả.