Vĩnh biệt - Endo Shusaku - Nguyễn Nam Trân

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 21156
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Vĩnh biệt - Endo Shusaku - Nguyễn Nam Trân

Bài viết bởi Hoàng Vân »








  • Vĩnh biệt
              
    Adu.u
    tác giả Endo Shusaku - dịch giả Nguyễn Nam Trân

    ______________________________________________________________







              

              

    Leo lên toa tàu chuyến siêu tốc hành Shinkansen đi về hướng Kyôto, tôi chợt thấy một cặp vợ chồng già. Hai người ấy ngồi ở dãy ghế bên kia, chỉ cách tôi một lối đi nhỏ.

    Lúc khởi hành ở ga Tôkyô, tôi đã để ý có một phụ nữ ra vẻ con gái của ông bà, dắt theo mấy đứa trẻ con, ra tiễn họ. Tàu chuyển bánh, hai ông bà nhìn về phía mấy đứa cháu ngoại và vẫy tay rối rít nhưng sau khi tàu khuất khỏi sân ga, tuy ngồi bên nhau nhưng họ không động đậy và cứ giữ im lặng.

    Đoạn đường cho đến Kyôto phải mất ba tiếng đồng hồ nhưng hai ông bà không ai mở miệng. Ông chồng đeo kính cúi xuống đọc báo, còn bà vợ thì khi tàu đến tầm Shizuoka, mới lấy bình téc-mốt (Thermos) và rót nước trà vào cốc giấy trao cho chồng. Ông chồng lẳng lặng nhận lấy, chậm rãi nhấp hai ba hớp rồi trả cốc cho vợ. Bà già cầm cốc lên uống nốt phần nước trà chồng để lại nhưng mãi một lúc mới hết. Tôi thầm nghĩ, ôi chao, đây đúng là cảnh vợ chồng già.

    Chuyến xe ra khỏi đoạn đường hầm dài và những mái ngói đen của thành phố Kyôto bắt đầu hiện ra. Lúc đó, hai vợ chồng già mới đứng dậy. Ông chồng hạ chiếc va-li từ cái lưới dùng làm chỗ đặt hành lý, còn bà vợ xách mấy bọc giấy đựng quà cáp lên, rồi cả hai tiến về phía cửa ra. Tôi cũng xách cặp của mình và đứng dậy theo ngay sau lưng họ. Dù không cố ý nhưng tôi đã nghe được một mẩu đối thoại.

    -Mình đi thăm đền Inari ở Fushimi là hồi nào ấy nhỉ?

    -Mười lăm năm, à không, dễ thường cũng phải hai mươi năm trước đấy!.

    -Hai mươi năm? Lâu đến thế rồi cơ à?






    ***

    Nói đến những cặp vợ chồng già, tôi còn giữ một kỷ niệm và nó đã cho tôi cảm giác việc hồi tưởng một cái gì trong ký ức quả là một hành động khá kỳ quặc nơi con người.

    Vào mùa hè năm thứ hai trong thời gian tôi lưu học ở Lyon, tôi đã ra khỏi cư xá sinh viên nơi tôi sống đến ngày đó và tìm một căn phòng để có thể sinh hoạt độc lập. Tôi cầm cái địa chỉ do phòng sinh viên vụ giới thiệu đến một ngôi nhà cũ kỹ trong con hẻm không xa khu vực Rue du Plat, nơi có cư xá của đại học, là bao nhiêu.

    Nhà không có thang máy nên khi leo tới lầu bốn, tôi hầu như đứt hơi.Tôi cảm thấy từ hồi đầu mùa xuân, tôi bắt đầu có những cơn ho thật khó chịu và lưng tôi lúc nào cũng mệt mỏi như người đeo chì. Bấm chuông một đỗi mới thấy cánh cửa cài giây xích mở ra, một bà cụ già với dáng nghi ngại đang ghé mắt qua kẽ hở nhìn về hướng tôi. Khi tôi nói rằng mình muốn xem phòng, bà mới tháo hẳn cái giây xích.

    Mới đưa chân để bước vào trong, tôi đã ngửi thấy một mùi hôi hám. Đây không phải là mùi thức ăn nhưng là một thứ mùi giống như nấm mốc. Bà lão nói hai ba câu để hỏi về quốc tịch và nghề nghiệp của tôi. Khi tôi trả lời mình là sinh viên Đại học Lyon, bà liền đưa tôi vào căn phòng đã định cho mướn.

    Trong phòng có một cái giường, một tủ quần áo, cái bàn và cái ghế kiểu Âu nhưng đã cũ. Cánh cửa sổ trổ xuống một con đường hẻm nhìn về hướng Tây và vào mùa hạ, căn phòng chắc sẽ nhận ánh sáng từ phía đó rọi vào. Cạnh cửa sổ ngôi nhà nằm bên kia con đường, một thanh niên mặc áo phông đang thổi hác-mô-ni-ca. Nghe có tiếng chân đến bên mình, tôi bèn quay đầu lại thì thấy người đứng cạnh bà lão và đang chăm chú nhìn mình là một ông lão đầu hói, mặt đỏ, có lẽ vì chân yếu nên đang tựa vào một cây gậy. Chỉ cần nhìn thoáng thôi, tôi dã biết họ là một cặp vợ chồng.

    Bây giờ nhớ lại thì hình như lúc đó, ông lão đã nói câu gì như muốn làm tôi hiểu là phải biết ơn họ vì không ai có thể cho mướn một căn phòng như thế với cái giá rẻ cỡ đó. Ông còn cố tình lầm bầm như muốn cho tôi hiểu vợ chồng ông không phải là dân cần cho thuê nhà để có tiền sống, chỉ vì văn phòng sinh viên vụ của đại học nhờ vả nên khó lòng từ chối.Tôi biết ông bà này thuộc loại người keo kiệt và ranh mãnh thường thấy ở Lyon nhưng phải công nhận là tiền nhà họ cho thuê cũng có rẻ thật.

    Rốt cuộc, tôi chịu mướn căn phòng ấy. Ba hôm sau, tôi đã hạ cái va-li nặng nề xuống, vừa vã mồ hôi mồ kê, leo bốn tầng gác bằng thang cấp và thiếu điều hụt hơi mới lên tới đó. Tôi cũng đã phải đi lại nhiều lần giữa cư xá và chỗ trọ mới. Chuyển xong tất cả đống hành lý, tôi chưa bao giờ thấy mình mệt mỏi đến thế và đã phải lăn đùng ra cái giường rộng. Khi tôi lăn ra như thế, giường vì quá cũ đã phát ra những tiếng kêu kẽo kẹt.

    Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ là năm ấy ở Lyon, trời rất nóng. Trên con đường đến trường, tôi phải đi qua một cây cầu bắc ngang sông Saône. Mắt tôi lúc đó bị chói đến độ đau nhức vì ánh mặt trời hắt lên từ một mặt sông đầy bùn đen và nhơm nhớp như vệt dầu, cũng như từ những chiếc thuyền con đang buộc vào bờ. Chỉ nhìn chừng đó thôi, tôi đã thấy mệt mỏi. Tôi mới hiểu cái cảm tưởng "mệt nhoài", "mệt rũ" là như thế nào.

    Khi nhớ lại mùa hạ tôi ở trọ trong ngôi nhà ấy, trong đầu tôi lúc nào cũng sống lại cái tiếng ra-đi-ô mà ông lão chủ nhà mở cả ngày và cả cái mùi hôi hôi đặc biệt của căn phòng. Mùi hôi đó giống như mùi một mớ giấy cũ ẩm mốc. Nó đã dậy lên và đập vào mũi khi tôi vừa bước qua khỏi ngạch cửa để bước vào nhà. Căn phòng tôi trọ nằm ở bên phải gian tiền đường, tuy được cách ly khỏi căn phòng ăn nhỏ và phòng ngủ của cặp vợ chồng già, nhưng mùi hôi hám đó đã từ khu vực sinh hoạt của họ để lan vào phòng tôi. Nếu có một loại mùi mệnh danh là "mùi của người cao tuổi" thì phải nói là cái mùi đó chứ không gì khác. Nó pha trộn một lượt mùi hơi họ thở ra, mùi thân thể và mùi những món họ ăn. Nó đã thành hình sau khi mấy thứ đó tích tụ qua nhiều năm tháng. Nó còn là mùi đến từ tuyến hạch của những người không còn tiết nổi một loại mồ hôi trẻ trung nữa. Mùi hôi hám ấy giống như mùi nhang khói, đã ăn vào tường, lên trên sàn, và vào cả mọi thứ gia cụ cũ kỹ trong nhà.

    Tôi những muốn sống yên ổn với hai ông bà chủ nhưng đôi khi vẫn bị người chồng có cặp chân hơi yếu ấy cằn nhằn. Chẳng hạn ông ta tỏ ra không bằng lòng vì ban đêm, lúc đi ra ngoài chơi, tôi đã quên tắt đèn phòng. Còn lúc về trễ, tôi lại đóng cửa phòng tiền đường quá mạnh khiến họ phải thức giấc. Khi xảy ra những sự cố như vậy, tôi đành móc cái hầu bao lép xẹp của mình, khi thì mua kẹo (bonbon), khi thì mua hạt dẻ ngào đường (marron glacé) để biếu họ làm quà. Chỉ cần bao nhiêu đó thôi, ông bà đã đổi giận làm lành.

    Trong phòng ăn của đôi vợ chồng già có treo mấy bức ảnh họ chụp từ lâu lắm. Qua những bức tranh ố vàng hay cháy sém đó, tôi mới biết hai người xưa kia từng mở quán cà phê ở thành phố Alger bên Algérie. Trong cái ảnh mà phông đằng sau là một quán nước với tấm biển Café de la Paix, tôi thấy có hai người đàn bà đang đứng. Một phụ nữ tóc ngắn, dáng hơi gầy, mặc một cái váy dài kiểu xưa – thứ váy thường thấy trong các bộ phim cũ của Pháp - bên cạnh một cô bé tướng tá ốm yếu. Đó là tấm ảnh của bà chủ và đứa con gái nay đã chết, được chụp hồi 30 năm về trước. Một bức ảnh khác với cảnh một người đàn ông bắt đầu hơi đẫy đà, vây quanh bởi một nhóm khách hàng, đang cùng nhau vui vẻ nâng cốc. Đây mới là tấm ảnh có ông chủ nhà. Khi nào trong người ông dễ chịu, hễ thấy tôi vừa từ quán ăn sinh viên về nhà là ông bèn chụp lấy, rồi vừa nhấp rượu vang, vừa tự hào kể cho tôi nghe là hồi ở Algérie, bọn dân Pháp bổn quốc qua xứ thuộc địa như các ông đã có cuộc sống thoải mái đến thế nào.

    -Hồi xưa, "tụi nó" chịu khó nghe lời lắm. Chớ đâu như bây giờ!

    "Tụi nó" mà ông đang muốn nói là người dân Algérie.

    -Nước Pháp xây cho "tụi nó" nhà thương, dạy cho biết đọc biết viết, thế mà chưa chi "tụi nó" đã vội quên ơn.

    Thấy tôi không nói gì, ông lão lại tiếp tục:

    -Nếu người Pháp không qua bển, "tụi nó" có lẽ vẫn sống cuộc đời khốn khổ, bệnh tật như trước.

    Vào những dịp đó, bà lão với hố mắt lõm vào và cái nhìn như sợ hãi, lẳng lặng cầm lấy chai rượu vang người chồng đang uống dở dang và đem cất đi. Lúc nào bà cũng lo xa, chỉ sợ ông quá chén. Bị lấy mất chai rượu, ông lão tỏ vẻ không bằng lòng, bèn đưa tay vào trong túi lấy ra một cái khăn mùi-soa ố bẩn và đưa lên mũi, hỉ thật to.

    Phần lớn thời giờ trong ngày, hai ông bà lão không đi đâu cả. Ông chồng nghe ra-đi-ô, đọc báo hay nằm ngủ trong phòng. Có lẽ vì với đôi chân khập khiểng như thế, việc phải bước xuống bốn tầng cầu thang là quá khó khăn. Bà vợ thì mỗi ngày Chủ nhật còn đi lễ Misa, chiều chiều đi chợ mua thức ăn cho bữa cơm tối hay những đồ lặt vặt trong nhà, nhưng lúc nào bà cũng về sớm. Trên đường từ trường về nhà, tôi cũng có nhiều lần gặp đúng lúc bà ra ngoài như vậy. Thấy một bà lão trang phục tuyền đen với cái lưng hơi còng đi lủi thủi trong con hẻm giống như mình, tôi biết ngay là bà. Bà bảo tôi bây giờ bà đang trên đường ra bưu điện để gửi thư cho ông em đang sống ở Bordeaux. Và lúc tôi chào: "Tí nữa gặp lại nhá!" (A tout à l’heure) thì bà lại đưa đôi mắt như đang có gì sợ hãi để liếc tôi một cái thật nhanh rồi trả lời cùng một câu: "A tout à l’heure!"






    ***

    Đôi khi ông lão hay than nhức đầu và cứ nằm cho đến xế trưa. Đối với tôi, đó là điều tôi mong đợi vì những lúc như vậy, tôi khỏi phải nghe tiếng ra-đi-ô ông mở.

    Một hôm, bà lão đã gọi tôi ra phòng ăn cho uống cà-phê. Bù lại, tôi đành phải chịu khó ngồi nghe bà than vãn ba chuyện đâu đâu. Bà nói từ hồi qua Algérie cho tới nay, ổng không lo làm ăn gì cả. Ông ấy bài bạc nhưng khi đặt tiền hay sau đó phải đền bù cho người ta, ông cứ để một mình bà lo liệu. Gan đã yếu nhưng ông không hề có ý định cai rượu. Mỗi lần nói chuyện, bà đều đưa đôi mắt như người vừa khóc xong, nhìn lên bức ảnh chụp thời ở Alger và tiếp tục tả oán. Họa hoằn tôi mới chêm được một chữ "Tiens!" (Eo ơi!) hay "C’est vrai?" (Thật sao?) để chấm câu nhưng thật ra, tôi không thấy chuyện bà kể có gì thú vị cả.

    -Nếu không có tôi, chồng tôi ổng sẽ chẳng làm được việc gì cả. Xưa đã vậy mà bây giờ cũng vậy. Nhỡ tôi ra đi trước, không biết ông ta sẽ xoay xở cách nào?

    Thế rồi, đôi mắt sâu hoắm của bà như nhìn đăm đăm vào một điểm cố định trong không gian.

    -Tôi bây giờ cũng đã có tuổi, đâu phải lúc nào cũng chăm sóc sức khỏe hay lo liệu mọi sự cho ông ấy được.

    -Tôi thấy tướng ông nhà mạnh khỏe mà. Hay ông có yếu gì bên trong?

    -Xưa kia ổng có mạnh thật đấy nhưng dạo này hay nhức đầu, chóng mặt. Chắc tại lá gan. Từ lâu rồi, đâu có ngày nào mà ổng không uống rượu?

    -Sao bà không đưa ông đi bác sĩ?

    Nói đến đó, tôi chợt thấy bà nhún vai và bảo: "Mấy ông bác sĩ thì dù người không có bệnh, họ cũng kiếm ra bệnh để moi tiền cho được!". Nghe đến đó, tôi vội vàng dọn dẹp cốc cà phê mình vừa uống cạn và bước ra khỏi phòng ăn.

    Khi đêm xuống, con hẻm này không có lấy một tiếng động nhỏ. Tôi cảm thấy uể oải, không muốn ngồi học mà cũng chẳng muốn ra ngoài đi thăm ai nên nằm lăn ra giường. Lắm lúc, tôi chỉ bâng quơ nhìn lên những mảng tối in trên trần nhà. Trong bầu không khí yên tĩnh ấy, đôi khi chợt nghe có tiếng xe hơi từ phía xa vọng lại. Và cũng trong khung cảnh vắng lặng đó, cái mùi đặc biệt kia làm cho tôi nghĩ là giờ đây nó còn hăng nồng hơn lúc ban ngày. Từ gian phòng của hai vợ chồng, tôi không nghe một tiếng động nhỏ nào. Tôi chợt nghĩ rằng không biết đến tuổi này, hai ông bà còn ngủ chung giường không nhỉ? Tôi phỏng chừng căn phòng của hai ông bà là nơi nồng mùi kia hơn cả. Thế rồi, tôi nghĩ rằng, kể từ hôm đến mướn phòng, chắc thân thể mình cũng đã thấm lậm cái mùi giống như nhang khói ấy rồi.

    Có một đêm, khi tôi theo thói quen, nằm vắt ngang giường và bâng quơ nhìn lên trần nhà, bỗng nghe một tiếng động nhẹ như có ai đang thì thào hay nức nở từ phía phòng ăn vọng lại.

    Lắng tai cho kỹ, tôi mới biết tiếng thì thào là của ông lão, còn tiếng khóc nức nở là của bà. Phản ứng lúc đó của tôi là ngạc nhiên, tự hỏi đến độ tuổi của hai ông bà rồi, bà hãy còn chuyện gì đáng để khóc lóc nữa sao?. Với tuổi tác của họ, chắc cuộc đời này chẳng còn gì có ý nghĩa để mà phải khóc? Khi nhìn người nào đó khóc, tôi đều thấy tội nghiệp. Tiếng thổn thức kia vẫn tiếp tục vang lên giữa màn đêm tĩnh lặng. Tôi chợt lo lắng không biết bà lão có đau ốm gì không? Thế rồi, tôi tự nhủ là trong ngôi nhà chỉ có hai ông bà lão không còn biết trông cậy vào ai, chả lẽ một người trẻ đang đồng cư như tôi lại có thể để mặc xác họ!

    Tôi gõ cửa phòng ăn, tiếng nức nở kia liền ngừng lại. Thấy tôi mở của bước vào, ông lão bèn ngước lên nhìn và có vẻ bối rối. Bà lão vẫn úp hai bàn tay lên mặt và để cho đôi vai run rẩy.

    -Cái gì đấy anh? Chúng tôi chả sao cả đâu!

    Rồi ông lão giải thích cho tôi:

    -Đang lên cơn mà! Đôi khi nhớ đến con gái, bà ấy hay lên cơn như vậy đó. Mà có khóc cũng chẳng thay đổi được gì. Làm sao nó sống lại được.

    Không những thế, ông còn đưa tay chầm chậm vuốt lưng bà. Cơn xúc cảm dịu xuống, bà lão đưa một góc khăn tay lên chậm nước mắt rồi xin lỗi chồng:

    -Bernard, xin lỗi nghen.

    -Con gái ông bà có phải là cô bé chụp trong ảnh không ạ?

    Tôi vừa đặt câu hỏi, vừa nhìn lên ngắm bức ảnh họ chụp thời ở Algérie, trong đó có cô gái nhỏ mặc đồng phục kiểu lính thủy (sailor) đứng bên cạnh bà. Không hiểu có phải vì ánh mặt trời Phi Châu chói chang hay không mà cô bé gầy guộc với kiểu tóc mũ nồi (okappa-atama) kia như sợ chói nắng, phải nhìn đăm đăm về hướng này. Chẳng biết cô được bảy hay tám tuổi nữa!

    -Nó bị sốt cao mà mất. Bà nhà tôi vì chăm sóc con nên mệt lả, hầu như mất cạn hết sức sống. Từ đó mới nằng nặc đòi trở về Lyon, thành phố chôn nhau cắt rốn của bả.

    Bà vợ tỏ vẻ không đồng tình, lắc đầu nguây nguẩy, trả lời:

    -Không đâu, ông! Con bé đó chết sớm thế mà sướng. Yếu ớt như nó thì chắc khi tụi mình chết trước, sẽ không còn ai lo lắng cho nó đâu ....

    Sau khi tôi trở về phòng riêng rồi, từ phía phòng ăn vẫn còn vọng ra tiếng thì thầm của hai vợ chồng.

    Thế nhưng lý do khiến tôi nhớ lại ông bà lão đó không phải vì những việc nhỏ nhặt như thế. Nó đến từ một lý do khác.

    Lúc kỳ nghỉ hè chấm dứt, ông lão bị đau đầu kịch liệt. Đến độ ông phải đưa tay ôm lấy đầu và cất tiếng rên nho nhỏ. Trước khi đi học, tôi nói với bà lão:

    -Gọi bác sĩ đi bà ạ!

    Bà nhún vai:

    -Thôi, tôi biết rồi!. Đã bảo ổng đừng có uống mà lại uống bất kể nên mới đau đầu đó.

    Bà vẫn không trả lời tôi là sẽ gọi hay không gọi bác sĩ. Tôi vốn biết người già ở Pháp cũng như người già ở Nhật, đều là những kẻ không ưa bác sĩ, cho nên không còn biết khuyên lơn gì và cũng chẳng muốn bàn vào nữa.

    Xế trưa, khi tôi về đến nhà, vẫn thấy ông lão còn nhức đầu. Bà lão đã sửa soạn cho con bệnh một bình trà có dược thảo (tisane), nhưng chỉ với chừng đó thì làm sao giúp ông khỏi bệnh. Lần này, tôi phải làm dữ, bà mới phụng phịu đồng ý cho gọi bác sĩ. Tôi bèn kiếm cho bà một bác sĩ gần nhà.

    Chẳng bao lâu, một ông bác sĩ trẻ xách cặp tới. Ông ta biến mất sau cánh cửa phòng ngủ của ông lão và chẩn bệnh một lúc lâu. Bác sĩ còn hỏi bà lão xem ở nhà có cái cốc nào dùng để lấy mẩu nước tiểu không?

    Trước khi định ra về, ông bác sĩ này đã cho tay đẩy cặp mắt kính lên và nói với tôi lúc đó đang đứng đợi ngoài hành lang:

    -Tôi sẽ viết cho ông cái toa để ra hiệu thuốc tây, ông nhé!

    Khi tôi hỏi về bệnh trạng thì ông ta bảo:

    -Huyết áp cao lắm, ông ạ. Với lại suy thận nữa.

    Tôi còn nhớ chữ "huyết áp" (tension) thì mình đoán mò được nhưng "thận" (reins) là cái gì thì tiếng Pháp của tôi lúc đó chưa đủ để hiểu. Ông ta bèn viết chữ đó lên tấm giấy mà sau này, khi tra từ điển, tôi mới ngộ ra.

    -Phải hết sức để ý chuyện ăn uống. Phải kiêng mấy thứ dầu mỡ, tiêu, ớt hay đồ mặn. Nếu không sẽ tiếp tục đau đầu cho coi. Mất mạng chớ chẳng chơi.

    -Mất mạng cơ à?

    -Nguy cơ vỡ mạch máu não đó.

    -Thế bác sĩ có nói cho bà cụ chưa?

    -Đã hẳn.

    Ông ra lệnh cho tôi khi có toa phải ra ngay hiệu thuốc. Nói xong, ông bước xuống cầu thang với cái cặp đen đong đưa theo người.

    Tôi nghe theo chỉ thị của ông và đã đem toa ra hiệu thuốc, nhận lấy hai lọ thuốc viên màu trắng và xanh dương, rồi về trao cho bà lão. Viên trắng hình tròn uống trước khi ăn sáng, còn viên xanh mỗi ngày ba lần sau bữa cơm. Thế nào cũng phải uống và không được quên.

    Không biết có phải vì cảm thấy yên tâm sau khi được bác sĩ khám hay không mà kể từ ngày hôm sau, ông lão có vẻ bớt đau đầu. Suốt ngày, ông tiếp tục mở ra-đi-ô, đọc báo và chống gậy đi lại trong nhà chẳng khác một con thú bị nhốt trong chuồng.

    Tuy vậy, cũng kể từ hôm đó, tôi lại bắt đầu để ý đến một điều kỳ lạ. Đó là trong cái mùi hôi bám đến từ một thứ bụi bặm mắt thường không thể thấy, nay đã có gì thay đổi. Mỗi khi từ ngoài về, vừa mở cánh cửa gian phòng tiền đường, tôi có cảm tưởng là một mùi dầu chiên xào và tóp mỡ (lard) đang xông lên mũi mình. Tôi không biết hai vợ chồng già cho đến nay đã ăn những thức gì nhưng chưa bao giờ mùi dầu mỡ lại có thể mạnh đến như lần này. Cặp vợ giồng sinh hoạt một cách giản dị và cẩn thận nên chắc chưa từng ăn uống những thứ nặng mùi đến thế đâu.

    Quả là lúc đầu tôi không muốn tìm hiểu về cái mùi mới này cho lắm. Chỉ vì từ ngày đến ở trọ nhà ông bà, tôi đã quen với mùi ẩm mốc như là nấm trên cơ thể họ, nên khi thấy cái mùi cũ đó bất chợt đổi thành một thứ mùi khác thì không thể nào không lấy làm lạ.

    Một hôm tôi mới hỏi ông chủ nhà, lúc ấy đang đọc báo trong phòng khách:

    -Có gì hôi như mùi dầu ấy, ông nhỉ?

    Bà vợ già của ông đang ngồi đan bên cạnh đã trả lời thay cho chồng với một giọng chắc nịch:

    -Ông nhà tôi bị yếu gan ấy mà...Cho nên từ đây ăn uống phải có đầy đủ chất dinh dưỡng.

    -Tôi có nghe bác sĩ bảo là đừng cho ông ăn những thức ăn nhiều chất kích thích...

    -Vâng. Tôi có để ý đấy chứ. Tôi đâu có để ông ấy uống vang nữa. Không có gì kích thích bằng rượu đâu, ông ạ!

    Bị bà lão ăn nói kiểu chặn họng như thế, tôi không còn muốn phát biểu gì nữa. Tôi thầm nghĩ mình đâu phải con cái ông bà, cũng không là một thành viên trong gia đình. Mình bất quá một người thuê phòng trọ. Bận tâm làm gì mấy chuyện rắc rối.

    Từ đó, khắp nơi trong nhà này, đâu đâu cũng phảng phất mùi của tóp mỡ và mùi dầu chiên xào.Tuy tôi để ý là thức ăn và cách nấu nướng của bà là sai lầm nhưng thấy mình không hơi đâu mà dạy dỗ bà về những sự thiếu hiểu biết đó. Bởi vì người già vốn bảo thủ, luôn luôn cho mình là đúng.

    Đúng thế, trong một khoảng thời gian, tôi đã xem cách làm việc sai lầm của bà là do sự kém hiểu biết. Thế nhưng chưa chắc hành động ấy đã đến từ sự kém hiểu biết như tôi vẫn tưởng.

    Giờ đây, tôi hãy còn nhớ một chuyện. Nó đã xảy ra vào một chủ nhật tháng 10, dưới bầu trời thu quang đãng. Mở cửa sổ nhìn, từ mặt đường lát đá của con hẻm nơi có nhiều xác lá vàng, tôi nghe vọng lên tiếng cười của lũ trẻ con đang nô đùa. Từ xa ngân nga hồi chuông giáo đường cử hành lễ Misa. Bà lão đã đi dự lễ, trong nhà chỉ còn lại ông lão và tôi.

    Bất chợt tôi nghe có tiếng rên siết từ phía phòng ăn. Giật mình, tôi thử nhòm vào xem sao. Ông lão đang chống hai khuỷu tay lên bàn, còn hai nắm tay thì áp vào đầu.

    -Cơn đau nó lại nổi lên rồi. Nhức đầu quá đi mất!

    Máu bốc lên làm mặt ông đỏ bừng. Trên cái đầu hói chỉ còn lưa thưa mấy sợi tóc bạc, những tĩnh mạch màu xanh đang nổi hằn lên. Đằng trước mặt ông lão, người đang cho tay áp sát vào đầu, có cái cốc mà bên vè có in một vết đỏ như son. Chỉ thoáng nhìn thôi, tôi đã hiểu ngay là ông lão đã lợi dụng lúc vợ vắng nhà, uống loại rượu vang dùng để nấu ăn.

    -Khỏi ngay mà!

    Ông ta gắng nở một nụ cười trông méo xệch như người đang mắc cỡ:

    -Vậy thì thôi, cất hộ chai rượu dưới sàn lên cái kệ trong tủ ăn cho tôi. Nếu không bả biết mất.

    Theo đúng lời ông, tôi nhặt chai rượu lên, mở cửa tủ nhà bếp. Tôi nhận ra rằng bên cạnh chai dầu ô-liu và chai xốt cà chua đặc (ketchup), có hai cái lọ nhỏ đang nằm trong góc. Hai lọ ấy, mình đã từng thấy nó ở đâu rồi! Trong đó, đầy ắp những viên thuốc trắng và xanh. Đúng là hai loại thuốc viên mà theo chỉ thị của bác sĩ, tôi đã ra hiệu thuốc mua về. Thuốc không hao lấy một viên. Như vậy là bà lão không hề đem nó cho chồng uống.

    Lúc ấy, lòng tôi có một tình cảm khó lòng diễn tả. Nó là cái gì giống một sự sợ hãi mơ hồ nơi đứa trẻ con khi bắt gặp một con sâu. Vẫn để cánh cửa tủ bếp mở toang, tôi lặng người nhìn chầm chập vào hai lọ thuốc như một kẻ mất hồn. Mãi đến khi nghe ông lão lên tiếng chỉ vẻ: "Có gì không thế? Đúng là chỗ đó rồi mà!" thì tôi mới hoàn hồn.

    Rốt cuộc, bà lão chủ nhà đã quay về. Vẫn mặc nguyên bộ đồ màu đen với cái xách lủng lẳng trên tay, ngay từ ngoài gian tiền đường, bà đã nhìn thấy ông chồng đang ngồi ôm đầu nên đã run rẩy và la lên:

    -Bernard!

    Sau khi ông lão vào phòng để ngủ, bà lão ghé qua phòng tôi, nước mắt rưng rưng và lại bắt đầu than thở:

    -Không có mặt tôi là ổng lại đem rượu vang ra uống. Phải, mấy chuyện đó, tôi đều biết hết. Tôi có bảo ngừng, ổng cũng không nghe đâu. Trước giờ vẫn vậy. Ổng mà không có tôi là hỏng chuyện. Nếu tôi chết trước, không hiểu ổng sẽ ra sao?

    Nghe những lời bà ta tả oán, đột nhiên hình ảnh của hai lọ thuốc trong tủ bếp lại hiện ra trước mắt tôi. Tôi không biết vì cớ gì bà lão này đã không đem thuốc ra cho chồng uống. Chắc chắn là bà không thể thù ghét ông rồi. Cho đến hôm nay, ngày nào mà tôi chẳng thấy bà chăm sóc và tỏ ra lo lắng cho ông! Cảnh bà rưng rưng nước mắt than thở trước mặt tôi đây đã chứng tỏ rằng tình cảm của bà đối với ông không thể nào gọi là giả dối. Thế mà bà lại đem những thứ bác sĩ cấm đoán như dầu mỡ cho ông ăn và không có ý định cho ông uống thuốc. Làm như mỗi ngày một, bà từ từ đưa ông tiến gần đến cái chết.






    Khi mùa thu sắp hết, tôi đã dọn qua một ngôi nhà trọ khác. Lần này là nhà của một cặp vợ chồng giáo viên. Ngày tôi rời khỏi nhà hai ông bà lão, ông chồng lại nhức đầu đến độ tê cả tay chân, không thể bước ra khỏi phòng. Một mình bà lão ra ngoài gian tiền đường tiễn chân tôi. Bà chìa tay cho tôi bắt. Khi tôi nắm lấy tay bà, bà đã nhìn tôi đăm đăm với ánh mắt sợ hãi như thường lệ rồi thì thầm:

    -Adieu.

    Đó là chữ Pháp có nghĩa là "Chào tạm biệt" như Sayonara trong tiếng Nhật, nhưng tôi bất chợt nghĩ rằng, nếu cho sát nghĩa thì phải dịch là " Vĩnh biệt!" hay "Xin hẹn nhau kiếp khác!". Tôi bèn không nói gì nữa, chỉ biết cúi đầu chào bà rồi lẳng lặng xuống cầu thang.


              
    Dịch ngày 11/02/2023.

              



              

    Bên lề tác phẩm:

    Truyện thật giản dị, không có bao nhiêu tình tiết. Chỉ là một mẩu kỷ niệm cỏn con trong thời gian hai năm tác giả du học ở Lyon, nhưng thực ra ý nghĩa của nó rất thâm thúy.

    Từ khi mới lớn, Endo Shusaku chưa bao giờ tỏ ra đồng tình với chủ nghĩa quân phiệt. May mắn là vì sức khỏe yếu, ông không phải ra chiến trường. Sau khi Nhật bại trận và trên chuyến tàu viễn dương qua Pháp du học, ông đã làm quen với cư dân đến từ các thuộc địa như Hoa kiều hay người Đông Dương, Phi Luật Tân, Mã Lai...và đã mở lòng với họ. Do đó, dù với tính cách ôn hòa nho nhã của một trí thức Ki-Tô giáo, ta thấy ông luôn luôn đứng về phía những dân tộc bị áp bức.

    Tuy nhiên, truyện ngắn bên trên không đề cập đến bi kịch của những người dân thuộc địa mà là bi kịch của người chính quốc sang thuộc địa lập nghiệp (như cảnh gia đình ông từng di dân qua Đại Liên, Mãn Châu trong thập niên 1930 dưới thời Nhật thuộc). Những người dân di trú kiểu này cũng có sự khổ tâm riêng của họ khi về đến mẫu quốc và bị bắt buộc va chạm với thực tế của cuộc sống. Bà lão trong truyện đã "đầu độc" chồng bằng nhiều cách để hai người có thể sớm đoàn tụ với đứa con gái xấu số ở thế giới bên kia. Có thể nhận ra đây là một thông điệp đầy tình người của nhà văn. Nếu không quá lời, ta còn có thể nói rằng Endo Shusaku đã tìm thấy trên một đất nước Tây phương hình thức tương đương với Shinjuu (Ước muốn của những người yêu nhau muốn được chết chung) từng có trong văn hóa khắc kỷ của Nhật Bản.



    Tư liệu tham khảo:

    • 1-Endo Shusaku, Adieu ((Adu.u) trong Endo Shusaku Zenshuu (Toàn Tập Endo Shusaku 15 quyển), Nhà xuất bản Shinchô, Tokyo 1999. Nguyên tác Nhật ngữ.

      2-Endo Shusaku, Adieu, bản dịch sang tiếng Pháp của Minh Nguyen-Mordvinoff, trong tập Une femme nommée Shizu (Shizu to iu onna), trang 109-125, Collection Folio, Nxb Denoel, Paris, 2000. Bản ngoại văn tham chiếu.

              
    http://chimvie3.free.fr/89/nguyennamtra ... et_089.htm
Trả lời

Quay về “Nhật”