Thi đánh trống - Yamamoto Shuugorô - Nguyễn Nam Trân

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20203
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Thi đánh trống - Yamamoto Shuugorô - Nguyễn Nam Trân

Bài viết bởi Hoàng Vân »








  • Thi đánh trống
              
    Tsuzumikurabe, 1941
    tác giả Yamamoto Shuugorô - dịch giả Nguyễn Nam Trân

    ______________________________________________________________









              

    Yamamoto Shuugorô
    Truyện ngắn Thi đánh trống (Tsuzumikurabe) đã được đăng lần đầu tiên trên tạp chí Shôjo no tomo (Bạn gái), số tháng 1 năm 1941 và chọn để đưa vào giáo khoa thư môn quốc văn bậc trung học năm 1978.

    Tác giả của nó, Yamamoto Shuugorô, tên thật là Shimizu Satomu (1903-67), quê ở tỉnh Yamanashi. Xuất thân nghèo khó, không được học cao, ông phải chạy việc vặt cho tiệm cầm đồ, sau mới trở thành ký giả rồi bước vào văn đàn. Ông là một cây bút cự phách của văn học đại chúng. Tác phẩm của ông trình bày được nỗi bi hoan của kiếp người và những nét đẹp của một Nhật Bản cổ xưa.

    Đáng kể nhất có
    • Bên cạnh chùa Suma (Sumadera fukin),
      Y sĩ râu đỏ (Akahige),
      Các truyện ký về phụ nữ Nhật Bản (Nihon fudôki),
      Còn lại duy tùng bách (Nomi no ki ga nokkotta)
      ...
    Yamamoto từ chối mọi giải thưởng văn học và cho rằng ông chỉ chịu trách nhiệm với độc giả của mình.











    Một

    Khu vườn trước nhà ngập trong ánh nắng ấm áp của tiết tiểu xuân (koharu). [17]

    Hầu như ở mọi nơi, ngay cả bên phía trong hàng giậu cúc, hoa đều đã khô héo. Giữa những cành lá đã ngả sang màu nâu, chỉ có một đóa hoa nhỏ nhô lên, e thẹn khoe mấycái cánh trắng muốt của mình.

    O-Rui đang đưa tay đánh lên mặt cái trống con (kotsuzumi) [18].

    Cô là con gái của tiệm buôn sỉ vải lụa lớn nhất trong thị trấn, năm này tuổi mới 15. Mắt mũi đều xinh xắn, thế nhưng vẻ đẹp của cô là một vẻ đẹp lạnh lùng giống như cái lạnh lẽo của một cái bình bằng kim cương, nó diễn tả y nguyên thái độ ngạo mạn và tính hiếu thắng của một cô tiểu thư. Căn phòng biệt lập này, nơi nối liền với gian nhà chính và bảy gian khác bằng những dãy hành lang, vốn nằm ở phía xa trong một khu vườn rộng và đâu lưng lại cánh rừng tùng bao quanh nó. Khúc cô đang chơi là Jo no mai, một điệu vũ nhạc tuồng Nô.

    Một màu hồng nhuộm lên hai má cho đến đôi mi thanh tú như thể khí huyết hưng vượng đang bốc lên đầu. Ánh mắt cô đang phóng ra một tia nhìn sắc cạnh hơn ngày thường, cặp môi đỏ như tô son mím lại trong tư thế của một người đang tập trung tinh thần để đập lên mặt trống khiến cho người xem cảm thấy có cái gì đáng sợ chứ không phải chỉ là một vẻ đẹp. Làm như cô gái đang bị lôi kéo bởi một sức mạnh mà mắt thường không thể nào nhìn thấy.

    Tiếng trống tanh tách chen vào những tiếng dội từ phía khu rừng tùng. Đó một âm thanh trong vắt không vẩn lấy chút bụi. Âm thanh đó không chỉ để cho tai người ta nghe nhưng là thứ âm thanh nhằm thấm vào tận cốt tủy của họ.

    Sau khi đã xong ba đoạn (sandan) của phần đầu (yui) nhạc chuyển sang phần chính (jigasahira) của điệu vũ rồi kết thúc bằng một nhịp tám phách (hachibyôshi) du dương. O-Rui kéo cái trống con xuống từ vai mình và lặng lẽ nhìn ra phía bờ giậu. Cô lên tiếng gọi:

    -Người đang đứng ngoài đó là ai thế?

    Bên dưới hàng giậu cúc nơi chỉ có đóa hoa nhỏ kia còn sót lại, một cái bóng đang lay động. Thế rồi, lúc sau, từ chỗ đó, cô thấy một ông già đang nhấc người lên một cách e dè và nặng nhọc. Người ông hết sức gầy guộc, tóc và lông mày đã điểm bạc. Cách ăn mặc có vẻ nghèo hèn, đặc biệt với cái lưng còng và cánh tay lười lĩnh như không muốn rời khỏi chỗ đặt trong ngực áo...tất cả làm cho O-Rui cảm thấy ông lão có cái gì hạ tiện đến độ cô nghĩ là mình sẽ không bao giờ quên được hình ảnh của ông.

    -Ngươi ở đâu đến đấy? Hai ba hôm trước, ta đã thấy ngươi đứng lấp ló ở chỗ ấy rồi mà. Ngươi đến đây với mục đích gì thế?

    -Già xin thành thật xin lỗi cô nương.

    Ông lão nói với một giọng trầm và khàn khàn, nghe không được rõ:

    -...Dạ thưa cô, tiếng trống cô chơi quá hay nên già bị nó lôi cuốn đến độ lò mò tới tận góc vườn này. Già đâu có biết làm như vậy là phiền đến cô.

    Lúc đó O-Rui mới đưa mắt nhìn khuôn mặt ông lão:

    -Người như ngươi mà cũng biết trống hay trống dở cơ à?

    Phiên Kaga (tỉnh Ishikawa bây giờ) là một nơi tuồng Nô rất được yêu chuộng. Bất cứ đi đến đâu trong phiên, người ta cũng nghe các điệu hát Nô (utai), tiếng tiêu và tiếng trống. Không chỉ người giàu sang mà cả kẻ làm ăn lam lũ đủ sống qua ngày, không ai là không có chút sở thích về tuồng Nô. Do đó, nếu hôm nay ông lão ăn mặc rách rưới kia có nói rằng mình đã bị tiếng trống lôi cuốn mà tìm đến nơi thì cũng là một chuyện không đáng để ngạc nhiên. Sở dĩ O-Rui nhìn trừng trừng vào mặt ông lão với vẻ hoài nghi chỉ vì thái độ đó đối với cô vốn mang một ý nghĩa khác.

    -Ngươi không phải là dân Tsubata sao? Chắc phải là thế thôi. Nhà Notoya ở Tsubata gửi ngươi đến đây chứ gì?

    -Già chỉ là một kẻ lang thang, rày đây mai đó.

    -Đừng cố tình dấu diếm. Ta không dễ bị lừa đâu!

    -Già chỉ là một người khách qua đường.

    Như một kẻ đang lâm bệnh, ông vừa ho sù sụ vừa trả lời cô gái:

    -Già là người sinh ở dưới chân thành Fukui nhưng đã lang bạt qua xứ khác từ lâu lắm rồi. Nay biết mình không còn sống được bao lâu nữa nên muốn trở về quê quán để nằm chết bên cạnh tổ tiên. Giữa đường mới ghé ngang đây, đấy ạ.

    -Chứ sao người không về thẳng Fukui và cứ xớ rớ ở vùng Morimoto này?

    -Già vì mang một chứng bệnh kinh niên khiến cho thiên hạ lãng tránh nên từ nửa tháng nay đã phải tá túc ở một nhà trọ bên ngoài khu dịch trạm. Tuy ngày nào cũng muốn sớm được về quê nhưng dầu được như vậy, nơi ấy cũng chẳng còn ai là thân thích ruột rà để mà nương tựa. Chán lắm cơ!

    Ông lão lúc lắc cái đầu với khuôn mặt xám ngoét rồi nói:

    -Già không muốn kể lể mấy chuyện thê thảm như thế này trước mặt cô. Thật tình già không muốn chút nào...Chỉ dám xin cô tiếp tục chơi trống, để ở góc vườn này, già có thể thưởng thức tiếng lòng bàn tay cô vỗ vào mặt trống.

    -Chứ ngươi đã đến đứng chỗ ấy từ khi nào vậy?

    Giọng nói của O-Rui không còn đượm vẻ nghi ngờ như trước nữa.

    -Thưa có lẽ khoảng 5 hôm trước đây ạ.Bất chợt khi đi ngang qua đây, già đã nghe được nhịp điệu "Nam vũ" (Otoko-mai) [19]. Rồi suốt từ đó, lúc nào già cũng đến nghe trộm tiếng trống của cô đấy ạ.

    -Ta thì đã nhận ra chuyện này từ vài ba hôm nay. Thế nhưng ta lại nghĩ rằng ngươi đến đây vì một lý do khác.

    -Hình như mới đây cô có nhắc đến nhà Notoya ở Tsubata thì phải?

    -Thôi, ngươi đừng để ý đến chuyện đó nữa! Còn việc nghe ta chơi trống thì nếu chỉ đứng ở ngoài vườn mà nghe thôi thì ngươi có thể đến lúc nào cũng được. Không phiền hà gì ta đâu.

    Ông lão trịnh trọng thi lễ để cảm ơn, thế rồi vẫn khư khư để bàn tay trái dấu trong ngực áo, lặng lẽ cáo lui.




    Hai

    Ngày hôm sau ông lão lại đến.

    Thế rồi cả hôm sau nữa...Lúc đó, O-Rui bắt đầu cảm thấy thân thiết với lão ta. Hai bên đã trò chuyện qua lại. Ông lão vừa kiệm lời và có thể nói là kẻ ăn nói không được rành mạch. Tuy vậy dần dà câu chuyện ông kể cũng đã hé lộ thêm về thân thế của ông.

    Theo đó thì ông vốn là một thợ vẽ (eshi) [20] vô danh. Với vài họa cụ đơn sơ, ông đã lê gót khắp nơi và trải qua không biết bao nhiêu gian khổ để kiếm sống. Bằng nước mắt và những tiếng thở dài, ông đã kể cho O-Rui nghe bao chuyện đắng cay, khốn khổ của mình vốn là những cái hoàn toàn xa lạ với thế giới của cô gái. Thế nhưng cô đã cảm thấy được giọng nói của ông chứa đầy sự khoan hòa và ấm áp....Đến lúc sắp kết thúc câu chuyện, ông đã nói những điều như sau:

    -Vâng, đúng như thế, già này đã chứng kiến rất nhiều cảnh đời. Trong số đó, có những cảnh ngộ kinh sợ mà trong muôn người chỉ có một người trải nghiệm được. Già lại biết được vô số hoàn cảnh thống khổ và đau thương sinh ra bởi sự ganh tỵ, đố kỵ hay bởi con người muốn tìm cách thỏa mãn dục vọng của mình....Đến hôm nay thì già đã hiểu rõ được rất nhiều chuyện. Mạng sống con người không phải là một cái gì trường cửu, tất cả có thể tan biến đi chỉ trong chớp mắt. Cho nên phải biết nhường nhịn lẫn nhau nhiều hơn nữa và trong cuộc sống, phải có tấm lòng từ bi để tha thứ cho nhau nhiều hơn nữa.

    Lời nói của ông lão nghe thật hòa nhã, hoàn toàn không có một chút âm hưởng nào tỏ ra muốn ép uổng người nghe. Sau khi nghe những lời khuyên bảo bằng một giọng như vậy thì kỳ lạ làm sao, O-Rui thấy trong lòng mình có một sự ấm áp và thoải mái.

    Có một hôm, ông già bỗng đặt câu hỏi:

    -Hôm trước có lần cô nhắc đến nhà Notoya, phải không?...Nói về nhà Notoya ở Tsubata thì già biết đó là một tiệm buôn sỉ về hải sản hết sức tiếng tăm. Chẳng hay giữa họ với nhà ta, đã có chuyện gì xảy ra vậy, hở cô?

    -Thật ra thì cũng chẳng có việc gì khúc mắc nhưng như ngươi biết, mỗi năm vào ngày Tết Nguyên Đán (O-Shôgatsu), trong thành Kanazawa vốn có tổ chức một Cuộc thi đánh trống (Tsutsumikurabe). Vùng lân cận như nhà Notoya ở Tsubata thì có cô O-Uta, còn như ở Morimoto đây thì có ta là hai người được phép tham dự

    Năm nào lãnh chúa không đi chầu trên Edo mà ở lại nhiệm sở, ngài thường tổ chức một buổi xem hát tuồng Nô trong thành. Sau buổi diễn, ngài bèn tụ tập những người chơi trống giỏi trong dân chúng để thi đấu trước mặt ngài. Những người nào xuất sắc sẽ được ban thưởng....Ngày hội sắp đến đã gần kề cho nên những ai muốn đoạt giải đều phải tập luyện ráo riết tuyệt chiêu của mình.

    Nhân vì từ khi còn nhỏ O-Rui đã là một tay trống tài ba. cho nên thầy học của cô – ông Kanze Niemon – khi có dịp ghé qua vùng, đã nhiều lần khuyến khích cô hãy vào thành dự thi. Thế nhưng một người háo thắng như O-Rui, ngược lại, vì không muốn thất bại khi trình diễn trước mặt lãnh chúa nên đã lắm phen trì hoãn, cứ bảo phải đợi thêm ít lâu nữa....Còn như O-Uta của cửa hiệu Notoya thì cô là một thiếu nữ năm nay 16 tuổi, đã có kinh nghiệm 2 lần vào thành nhưng chưa hề đoạt giải. Vả lại lần này khi nghe nói rốt cuộc O-Rui quyết định dự thi nên đã gửi người đến tận nhà đối thủ để dò la tin tức.

    -À, thì ra là thế đấy!

    Ông lão gật đầu ra chiều mình đã hiểu cơ sự:

    -...Thành ra cô nương mới nghi ngờ già là người được nhà Notoya gửi đến thám thính đó!

    -Nhưng việc tương tự đã xảy ra nhiều lần rồi!

    Ông lão bèn đưa mắt nhìn về phía xa như đăm chiêu:

    -Từ lâu, già đã quên bẵng mấy chuyện như thế!...Già cứ tưởng những cuộc thi đánh trống đã bị dẹp bỏ từ lâu rồi chứ!

    -Tại sao ngươi nghĩ như vậy?

    Ông lão không trả lời....Thế rồi với đôi mắt như đang nhìn về một nơi thật xa, ông lặng lẽ cất cánh tay vẫn để ở trong ngực áo lên phía vai mình rồi khẽ đong đưa.

    Được hai hôm sau, đã đến ngày O-Rui phải đi Kanazawa. Nhờ sự tiến cử của thầy học, cô được rạp Kanze bên dưới chân thành nhận lời uốn nắn lại tay nghề. Thời kỳ huấn luyện đặc biệt này kéo dài đến 20 hôm. Rạp Kanze cũng được biết là O-Rui vốn có trình độ kỹ thuật hơn người nên vị thầy kinh nghiệm nhất ở đấy đã tận tình đích thân chỉ bảo cô.

    Việc cô sẽ là người đoạt giải coi như cầm chắc trong tay. Không những vị thầy kia đánh giá như vậy như vậy mà chính O-Rui cũng cảm thấy hết sức tự tin ở tài sức mình.

    Khi O-Rui trở về đến Morimoto thì tháng chạp sắp hết đến nơi....Cô tự hỏi cái ông lão thợ vẽ kia hiện giờ ra sao? Khi về đến nhà, đó là câu hỏi đầu tiên hiện ra trong trí cô. Không biết ông ta còn ở trong thị trấn hay đã lên đường về quê hương Fukui? Nếu như ông hãy còn ở đây thì hẳn phải đến để nghe mình đánh trống chứ! Tuy suy nghĩ lan man như thế nhưng đối với O-Rui thì ngày thi đã cận kề rồi nên cô thấy không có quyền xao lãng việc tập dượt. Vì thế cô đã ra sống ở gian nhà biệt lập trong khu vườn để một mình luyện trống.

    Thế nhưng ông lão kia vẫn chẳng thấy đâu cả.

    Lúc đó trời đã bắt đầu vào mùa tuyết đổ. Những đám mây nặng nề lan khắp khung trời rộng và sau đó hầu như chúng không còn di động nữa. Thế rồi mỗi ngày những bông tuyết mịn đổ xuống, lúc rơi lúc tạnh. Ban đầu, đôi khi nhờ hơi ấm của những tia nắng xiên qua vầng mây, tuyết có tan đi và đọng lại dưới bóng những ngôi nhà, cạnh các bờ dậu nhưng lần hồi nó đã nới rộng vùng chiếm đóng, bắt đầu đông cứng lại và trở thành lớp tuyết nền [21] (neyuki) của mùa đông..

    Ngày mai sẽ là ngày cuối cùng trong năm. Khi O-Rui vừa định cho tay vỗ lên tang trống, cô bỗng thấy chỗ hàng rào nhỏ che bằng mấy thanh củi ở cuối vườn có một bóng người mang áo tơi nón lá che tuyết đang tiến về phía mình.

    -Đúng là ông ấy vẫn chưa đi khỏi đây!

    O-Rui đinh ninh người kia là ông lão nên mới dừng tay trống và bước ra tận ngoài hiên....Thế nhưng đó không phải là ông ta mà chỉ là một cô bé trạc 12 hay 13 tuổi.




    Ba

    -Cô là...? Thưa tiểu thư, em có chút việc đến nhờ cô đấy ạ.

    Khi vừa thấy O-Rui, cô bé đã cởi nón ra và cúi cái thân hình nhỏ bé xuống chào.

    -Mi là ai thế?

    -Thưa cô, em là con gái của chủ nhà trọ Matsubaya vốn ở phía ngoài khu dịch trạm. Có một cụ già khách nhà trọ chúng em, có nhờ em chuyển lời để xin cô đến thăm cụ ấy cho.

    -Bảo ta đến gặp à?

    -Vâng. Bệnh tình của cụ ấy hiện đã trở nặng. Tuy vậy, trước khi chết, cụ muốn xin cô đến thăm và đánh trống cho cụ nghe một lần chót. Cụ bảo như vậy đó.

    O-Rui biết ngay cụ già được cô bé nhắc đến không ai khác hơn là lão họa sĩ lang thang.

    Thông thường thì dù người xin được gặp cô là ông lão đi nữa, chưa dễ gì một tiểu thư như O-Rui đã chịu cất bước đến một nơi như thế.....Nhưng nay, ông lão nằm liệt trên giường bệnh và đang hấp hối, lại tỏ ý muốn nghe tiếng trống của mình một lần trước khi chết. Đó là hai lý do khiến cho O-Rui phải động lòng.

    -Được rồi! Ta sẽ đi thăm.

    Cô ta nói một cách lạnh lùng:

    -Vậy hãy ôm trống cho ta. Vì ta không muốn thông báo tin này cho người nhà nên mi cứ lẳng lặng mà đi cùng ta.

    O-Rui chuẩn bị một cách nhanh nhẹn, để cho cô bé ôm chiếc trống thay mình rồi họ cùng nhau rời nhà. Matsubaya là một ngôi nhà trọ kiểu kichinyado [22] bẩn thỉu nằm ở bên ngoài khu dịch trạm. Ông lão đang nằm trong một gian phòng hẹp bám đen muội bồ hóng ở sau nhà.

    -Cảm ơn cô đã quá bộ tới đây.

    Trong cặp mắt đã lạc thần của ông lão thoáng hiện một vẻ cảm động. Ông nhìn chăm chú vào mặt O-Rui:

    -Nghe tin cô nương bận đi tu nghiệp ở xóm dưới chân thành, già đã tưởng không còn được nghe tiếng trống của cô nữa....Xin hết sức cám ơn cô đã chịu khó đến tận đây.

    O-Rui chỉ biết mỉm cười thay cho câu trả lời...Lòng cô cảm thấy sung sướng khi biết tiếng trống của mình được ông lão trân trọng đến mức ấy. Và điều lạ lùng là những lời ông lão nói khiến cô có thêm tự tin hơi cả câu khen thưởng của vị đại tiên sinh ở Kanazawa và một niềm hãnh diện bỗng dâng lên tự đáy lòng cô.

    -Thế thì xin ngươi đợi cho nhé!

    Khi O-Rui vừa định lấy cái trống ra thì ông lão đã nhẹ nhàng làm dấu ngăn cô lại và nói:

    -Già vừa chợt nhớ ra một chuyện. Vậy xin phép cô cho già này được trình bày trước đã!

    -Việc ta đến đây là đã vượt ra khỏi vòng lễ giáo của gia đình...

    -Chuyện này ngắn lắm cô ạ! Xong ngay thôi.

    Ông lão chỉ nói bao nhiêu đó mà đã có vẻ mệt nhọc, phải lấy thêm hơi mới tiếp tục được:

    -Có phải cô nương định vào thành để dự cuộc so tài đánh trống nhân dịp Tết Nguyên Đán sắp tới hay không ạ?

    -Đúng đấy! Ta sẽ đi.

    -Câu chuyện già sắp kể đây cũng có liên quan đến cuộc thi đánh trống ấy. Chắc là cô nương không biết đâu nhưng...ngày xưa, đã lâu lắm rồi, đã xảy ra câu chuyện Ichi no Jo, một tay nhạc công tuồng Nô (hayashikata) của rạp Kanze và kẻ tên gọi Rokurobê được cái hân hạnh so tài trống trước mặt các bậc tôn quí.

    -Ta biết chứ. Có phải sự tích "nhịp trống phá vỡ tang trống bạn" (tomowari-tsutsumi) chăng?

    -Cô nương cũng biết chuyện đó ư?

    Mười năm về trước, có hai tay nhạc công tuồng Nô là Kanze Ichi no Jô và Rokurobê. So về tài đánh trống nhỏ (kotsuzumi) thì phải nói họ là một cặp đôi long tranh hổ đấu.Tính nết hai người đều rất ương ngạnh, cả hai không chịu thua ai bao giờ. Thường thì khi thi tài, hai ông đều muốn hạ nhục đối thủ....Thế rồi vào dịp Tết Nguyên Đán một năm nọ, trước mặt lãnh chúa Maeda [23] họ đã so tài đánh trống. Đối với hai bên, hôm đó là cơ hội để tranh đua ngôi vị tay trống quán quân của một thời. Đặc biệt Ichi no Jô là người ý khí rất dũng mãnh, khi khúc vừa đến nửa chừng thì ông đã dốc toàn lực ra vỗ lên mặt trống, rốt cục đã lấn át và phá vỡ được tang trống của Rokubê.

    Chỉ bằng với khí phách của mình, khi đánh trống, người thi tài có thể làm rách toạc lớp da gắn trên mặt trống của đối phương. Tất cả người dự khán đã kinh hoàng và tấm tắc trước cái kỹ thuật thần diệu ấy. Từ đó nó được lưu truyền như một thành ngữ là "nhịp trống phá vỡ tang trống bạn" [24] (tomowari-tsuzumi)..

    Ông lão lại kể tiếp:

    -Già là người sinh trưởng ở Fukui nhưng những chuyện thiên hạ hồi đó đồn ầm như thế cũng đã đến tai. Danh tiếng của Ichi no Jô từ đó nổi lên như cồn....Thế nhưng một người tên tuổi lẫy lừng như Ichi no Jô không biết tại sao mà chẳng bao lâu sau lại biến đi biệt tăm. Chẳng có một ai biết ông lưu lạc về đâu nữa.

    -Chuyện đó thì ta cũng biết.Ta có nghe người ta đồn rằng ông ta vì quá chuyên chú vào nghệ thuật nên đã mai danh ẩn tích (kamikakushi) ở đâu đó rồi. [25]

    -Cũng có thể. Biết đâu sự thực chẳng là như vậy!

    Ông lão ngừng lại lấy hơi rồi nói tiếp:

    -Vào một đêm kia, Ichi no Jô đã bẻ trẹo cánh tay ông ta dùng để vác trống, thề rằng từ đây cho đến cuối đời không bao giờ chơi trống nữa và không cho ai biết mình sẽ đi đâu. ....Khi được người ta kể cho nghe chuyện đó, già đã nghĩ như sau: "Phàm nghệ thuật là thứ để đem nguồn vui đến cho tâm hồn, nó có nhiệm vụ làm cho con người có được một cuộc sống thanh cao hơn. Vì lẽ đó, nghệ thuật không bao giờ được dùng như công cụ để đánh bại ai hay bắt người đó phải khuất phục nhằm thỏa mãn cho dục vọng cho một mình mình. Đánh trống hay vẽ tranh cũng vậy, nếu không có tấm lòng thanh tĩnh, ấm áp, khoan hòa thì nghệ thuật đó sẽ không có một chút giá trị nào...Thưa cô nương, già này biết cô là một tay trống tuyệt vời, cho dù cô không lên trên thành dự cuộc thi đánh trống thì kỹ năng hiện có vẫn không ai sánh kịp. Xin cô đừng dự thí và đừng tranh đua hơn thua với thiên hạ làm chi. Âm nhạc vốn là một món đồ còn đẹp hơn thế nữa và chính là vật đẹp hơn cả trên cõi đời này".

    Cô bé gái đến đón O-Rui vừa bước vào phòng, báo với con bệnh là đã đến giờ uống thuốc....Ông lão bèn nặng nhọc cất người lên để húp vài ngụm thuốc. Vì quá mệt mỏi sau khi kể chuyện, ông phải nhắm nghiền đôi mắt để định thần.

    Trầm ngâm một đỗi, ông lão mới cất tiếng:

    -Bây giờ xin cô nương cho phép già được nghe khúc nhạc ấy ...Có lẽ đây là điệu trống cuối cùng của đời già cũng không chừng. Mong cô cho phép già cứ nằm nguyên thế này mà nghe nhé!




    Bốn

    Nơi vòng vách thứ hai của ngôi thành Kanazawa có một cái điện mới dùng cho ca vũ nhạc vừa được dựng lên. Đứng đầu là lãnh chúa Maeda, chủ nhân của ngôi thành [26], sau là đám trọng thần của ông, tất cả đều đã đến dự khán. Khi các vở tuồng Nô để đón xuân lần lượt diễn xong thì cuộc thi đánh trống đã bắt đầu với vài cặp đôi rồi.

    Nhân vì cuộc tranh tài này có nhiều thí sinh thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau tham dự cho nên trước chỗ ngồi của lãnh chúa, người ta đã phải buông mành. O-Rui ngồi ở chỗ chờ đợi của các thí sinh dưa mắt nhìn về phía trong của bức mành mà không ngăn được niềm cảm động. Nhìn được vị lãnh chúa ngay trước mặt mình, người cô run lên không biết bao lần. Tuy nhiên, không vì thế mà cô khiếp sợ. Trên sân khấu của nhạc điện, từng cặp đôi một đã thay nhau bước lên trình tấu nhưng chẳng ai đủ tài năng làm cho cô phải lo lắng. Khả năng chiến thắng của cô xem ra đã rõ. Sau đó thì cô chỉ còn phải tiến về phía cái mành trước mặt lãnh chúa để nhận giải thưởng. Khi nghĩ tới việc mình sẽ nhận được cái phần thưởng cao quí nhất từ vị chủ quân của phiên mà cả đời, mình chưa hề được bái yết dù đứng từ xa, đã làm cho cả người cô run lên với niềm vinh dự và sự tự hào.

    Thế rồi, sau một hồi lâu, đến lượt O-Rui bước lên đài tỉ thí.

    -Phải tuyệt đối bình tĩnh nghe con!

    Lời khuyên nhủ tha thiết của Kanze Niemon, vị sư phó, vọng đi vọng lại, âm vang bên tai cô:

    -Con nhớ đừng để ý đến sự hiện diện của vị lãnh chúa đang ngồi sau bức mành mà phải chơi trống như cách con vẫn chơi lúc tập luyện hằng ngày. Không sao, không sao đâu! Thế nào con cũng thắng cho coi.

    O-Rui bất giác mỉm cười và nhẹ nhàng cúi đầu.

    Như đã biết trước, bạn chơi cùng cặp với cô là O-Uta của nhà Notoya. Khúc nhạc có tên là Shin no Jo (Chân Tự) [27]. Nhạc công Kanze Kôdayuu là người phụ trách đệm cho họ bằng ống tiêu....Sau phần nghi thức chào hỏi, O-Rui được chỉ định ngồi bên trái và O-Uta bên mặt. Họ bắt đầu ngồi vào chỗ của mình và cầm lấy trống.

    Thế rồi khúc nhạc nổi lên. O-Rui vỗ trống một cách hết sức tự tin. Cái trống của cô cũng hưởng ứng một cách trọn vẹn sự tự tin của người đánh. Tuy là một dụng cụ cô dùng đã quen tay nhưng hôm nay âm hưởng của tiếng trống còn bay bổng và vang dội như chưa từng có. Khi đến đoạn gọi là San no chi (Đoạn ba) thì O-Rui cảm thấy mình đã có đủ tự tin và thanh thản để có thể liếc mắt nhìn sang dò xét khuôn mặt của bạn chơi.

    Gương mặt O-Uta xanh mét, Mép môi của cô như bị kéo lệch qua một bên. Điều ấy như muốn thể hiện bằng dạng tướng bên ngoài tất cả quyết tâm mãnh liệt của cô ta muốn mình phải chiến thắng cho bằng được.

    Giữa lúc đó thì trong đầu của O-Rui, hình ảnh ông thợ vẽ già bỗng hiện ra, nhất là cảnh cánh tay trái lúc nào cũng khư khư đặt trong lồng ngực chứ không chịu để ở một chỗ nào khác. Chắc chắn ông ta là tay trống cự phách Kanze Ichi no Jô đấy thôi.

    Nghĩ đến thế, O-Rui thoắt ngỡ ngàng như người vừa bước ra khỏi một giấc mơ.

    Không phải ông lão ấy đã kể rằng tay trống Ichi no Jô - sau khi chiến thắng trong cuộc thi đánh trống kia - đã tự mình bẻ gãy cánh tay trái vốn là tay dùng để cầm trống, xong rồi bỏ đi không biết về phương trời nào, đó hay sao?...Đúng là nó rồi, cánh tay bao giờ cũng bị dấu bên trong lồng ngực. Ông lão chính là danh thủ Ichi no Jô chứ nào ai khác nhỉ!.

    Nghĩ như vậy xong, trước mắt O-Rui lúc bấy giờ, hình ảnh của ông lão được vẽ ra như một bức tranh đẹp đẽ và huyền ảo. Thế rồi cô nghe cái giọng nói trầm tĩnh và khoan hòa ấy lại đến thì thầm ở bên tai mình: "Âm nhạc là cái còn đẹp hơn thế nữa!". O-Rui quay mặt nhìn. Phía bên kia, cô thấy gương mặt đang cố gắng tột bậc của O-Uta. Đôi mắt biểu lộ một sự căng thẳng đến cực độ, đôi môi không còn chút máu và bị kéo trẹo về phía một bên mặt.

    "Âm nhạc còn đẹp hơn thế nữa! Đừng nghĩ đến những chuyện tranh đua hơn kém. Âm nhạc là cái đẹp nhất trần đời!". Lời nói của ông lão vang vang bên tai cô thêm một lần nữa....Đang đánh, bỗng nhiên bàn tay mặt của O-Rui đã dừng lại nửa chừng.

    Lúc ấy chỉ còn mỗi tiếng trống của O-Uta là tiếp tục vang lên. O-Rui vừa nghe âm hưởng của tiếng trống ấy cùng với những tiếng lao xao của đám quan khách đang quá bất ngờ vì một diễn biến ngoài dự tưởng, vừa đặt chiếc trống xuống và nhắm đôi mắt lại. Cô thấy ông lão đang hiện ra trước mặt và mỉm cười với mình. Một niềm vui tươi mới như ngập tràn lồng ngực. Đó là một cảm giác cô chưa hề có. Thế rồi cô cảm thấy những sợi dây vô hình ràng buộc lấy thân thể mình như được tháo gỡ và mình vừa tìm thấy cái tự do của kẻ đứng trước một cánh đồng cỏ xanh mềm mại và rộng đến bao la, trong lòng chỉ có mỗi cái tình cảm nhẹ nhàng và tươi mới.

    -Thôi, hãy về nhanh nhanh để đến đánh trống cho ông lão nghe nào! Nếu mình thổ lộ những cảm giác này cho ông ấy, nhất quyết là ông sẽ rất bằng lòng và mừng cho mình.

    Trong đầu, O-Rui chỉ nghĩ có bao nhiêu đó.

    -Có gì thế?

    Khi O-Rui từ trên sân khấu đi xuống và trở về chỗ ngồi dành cho thí sinh, người thầy của cô đã cuống cuồng đến bên cạnh và chất vấn:

    -Con đang chơi hay, sao lại bỏ cuộc?

    -Thưa thầy, con đánh nhầm.

    -Không thể nào có chuyện lạ lùng như thế được. Nhất định chuyện đánh nhầm không thể xảy ra. Lần này, con chơi hay nhất từ trước đến nay. Nếu sai, làm gì mà thầy chả nhận ra. Con không đánh sai một chỗ nào.

    -Thưa thầy, con có đánh sai chứ ạ.

    O-Rui vừa mỉm cười vừa tiếp tục câu nói:

    -Vì thế mà con đã bỏ cuộc đó thầy. Con xin lỗi thầy.

    -Con ạ, thầy thấy con không đánh nhầm bất cứ chỗ nào hết.

    Niemon đâm ra nóng nảy và lập đi lập lại không biết mấy chục lần nhận xét của mình.

    -Con không hề đánh sai bao giờ. Làm gì chuyện quái gở ấy có thể xảy ra cho được.
    ..........





    ***

    Đối với cha mẹ cũng như thân thích và bạn bè có mặt, O-Rui chỉ loan tin cho họ biết đây chỉ là một sự thất bại của cá nhân mình. Cô cũng chẳng tỏ ra quan tâm đến việc ai là người đã đoạt giải, chỉ mong sao chóng được về nhà để có thể gặp được ông lão. Cô đến Morimoto vào ngày mồng 7 tháng giêng năm ấy. Tuy có mệt mỏi vì cuộc hành trình lại gặp cảnh tuyết rơi lất phất nhưng O-Rui đã vội vàng thoát ra khỏi nhà bằng cửa hậu, không để ai hay biết.

    -Chao ôi! Tiểu thư đấy ư?

    Thiếu nữ quán Matsubaya, người hôm trước đã đến nhà cô, nhìn sửng O-Rui với con mắt đầy ngạc nhiên và nói:

    -Cụ già trọ ở đây vừa mới mất đó, cô ơi!

    Giọng của cô bé quá đổi thản nhiên như thể việc đó là điều không thể tránh khỏi:

    -Từ hôm gặp cô xong, bệnh tình của cụ càng ngày càng nặng , rốt cuộc cụ đã mất vào tối qua. Hôm nay ngày xấu nên chưa tiện chôn cất, tang lẽ sẽ phải đợi đến mai mới cử hành được, cô ạ!

    O-Rui được mời vào căn phòng ở phía sau nhà. Ông lão đã được đặt nằm đầu quay về hướng Bắc (kitamakura), chỉ có một bức bình phong thấp quây quanh đầu nằm, từ một bát hương trầm nghèo nàn, vài làn khói mỏng đang tỏa nhẹ. O-Rui thử gở tấm vải liệm che trên mặt để nhìn thử. Khuôn mặt của người chết nom thật tiều tụy, bao nhiêu là nét nhăm nhúm, từng cái một hằn lên trên đó, chứng tỏ ông đã sống một cuộc đời quá nhiều cay đắng. Tuy nhiên giờ đây mọi sự đã chấm dứt, ông sẽ không còn có gì để bị dằn vặt nữa. Cuộc hành trình khốn khổ nay đã cáo chung, ông lão đã có thể nằm đó an nhiên và không bao giờ phải thức giấc nữa.

    -Ông ơi! Ông được thỏa nguyện rồi, phải không ông?.

    Nhìn khuôn mặt của người chết, O-Rui mỉm cười và như muốn nói: "Ông ơi! Ông đã cho cháu nghe được đường trống tuyệt chiêu của ông rồi đấy".

    -Bởi vì những lời dạy dỗ của ông đã làm cho cháu sáng mắt ra.

    O-Rui nói như thì thầm cho ông nghe: "Nhờ ông, cháu đã hiểu rõ thêm biết bao nhiêu điều. Chẳng hạn như cho đến hôm nay, cháu chỉ có một tấm lòng nhơ bẩn. Cháu chỉ là một đứa con gái kênh kiệu, thiếu trình độ thưởng thức nghệ thuật. Mãi đến bây giờ, cháu mới nhận ra điều đó. Do đó, cháu đã vội trở về ngay để được gặp mặt ông và nghe ông khen thưởng về sự giác ngộ ấy.

    Trên đôi má mình, O-Rui bỗng cảm thấy có những giọt nước âm ấm. Rồi sau đó, cô đã đưa ống tay áo lên che mặt và cố nén đi tiếng nấc.

    O-Rui bèn chùi nước mắt và tháo vuông khăn lụa gói cái trống con ra và thì thầm:

    -Hôm nay cháu muốn ông nghe tiếng trống của cháu! Không giống như những lần trước, cháu sẽ chơi điệu nhạc này với tâm tình mới của một con người vừa được tái sinh. Hỡi người thầy của cháu, xin ông vui lòng nghe nhé!

    Lúc ấy thì dù ông lão nằm kia có phải là Kanze Ichi no Jô hay không, đó là điều chẳng cần gì phải xác minh nữa. Tuy nhiên trong lòng O-Rui, cô vẫn tin chắc phải là như thế. Cho dù điều đó không đúng đi nữa thì đối với cô, ông lão kia vẫn là một người thầy thực sự.

    Căn phòng đã nhòa tối....O-Rui ghé bên ánh lửa để hơ cho lớp da trên tang trống ấm lên và ngồi lại nghiêm nghị ở phía đầu nằm ông lão. Cô nhắm mắt định thần cho lòng mình lắng lại.....Từ cánh cửa giấy đen muội bồ hóng ở phía nam căn phòng, những tia nắng hoàng hôn đang in lên trên khuôn mặt trong tư thế ngồi nghiêng của O-Rui những nét xinh xắn, làm nổi bật nó lên trong căn phòng tối tăm như một hình ảnh hư ảo.

    -Iiyaa.....(Nào!)

    Rồi tiếp theo đó là tiếng trống trong veo, với một âm sắc trang trọng, đã vang lên và dội lại từ bốn phía bên trong căn buồng.

    O-Rui bắt đầu dạo khúc "Nam vũ" (Otoko-mai).





    Dịch ngày 26/06/2022

              

    Văn bản:
    Yamamoto Shuugorô, Tsuzumikurabe (Thi đánh trống, 1941) trong Kyôikusho tampenshuu (Ningen no Jôkei) (Đoản văn trong giáo khoa thư nói về tình cảnh con người), thuộc loại sách bỏ túi do Nxb Chuô Kôron (Tôkyô) xuất bản lần thứ 3 năm 2016.


    [17] - Koharu (tiểu xuân): tên trong lịch cũ để gọi những ngày đặc biệt ấm áp giữa tháng 10 Âm lịch (an Indian summer)
    [18] - Loại trống nhỏ đặt trên vai phải, có giây thắt gút để điều chỉnh âm sắc . Tay phải dùng để vỗ trống trong khi tay trái nắm lấy gút điều chỉnh,.
    [19] - Một điệu vũ trong tuồng Nô với một nhịp nhanh và hùng tráng đễ diễn tả động thái của người samurai.
    [20] - Eshi (hội sư, họa sư) là một người vẽ tranh chuyên nghiệp trong xã hội xưa, cũng là cách gọi một họa sĩ cung đình. Ở đây thì không đến được cỡ đó.
    [21]- Ý nói lớp tuyết này nằm sát mặt đất, được các lớp tuyết khác phủ lên nên sẽ không tan đi trước khi xuân về.
    [22] - Loại nhà trọ không lấy tiền trọ chỉ cần đóng góp gạo củi. Về sau thành chữ dùng để chỉ các nhà trọ giá rẻ mạt.
    [23] - Ý nói một vị lãnh chúa dòng dõi tướng Maeda Toshiie (1538-1599) vốn cai trị xứ Kaga (Kanazawa) kể từ đầu thời Edo.
    [24] - "Bạn" (tomo) có thể hiểu là người đang song đấu với mình chứ không phải bạn bè.
    [25] - Kamikakushi cũng có thể hiểu là đã chết hay hóa điên hóa khùng.
    [26] - Theo chế độ "nhất quốc nhất thành", ngôi thành Kanazawa là trung tâm hành chính và quân sự của phiên Kaga do dòng họ Maeda làm chủ.
    [27] - Cũng là tên một điệu vũ trong tuồng Nô.


              

              
    http://chimvie3.free.fr/87/nguyennamtra ... oa_087.htm
Trả lời

Quay về “Nhật”