Ao nước lã
___________________ Nguyễn đình Phượng Uyển
Do giới thiệu qua lại mà tôi quen được một guitarist cừ khôi, anh Đ. Tiếng đàn lúc ngọt thì mênh mang, réo rắt như suối chảy, lúc hùng hồn, cuồn cuộn như mây gió vần vũ, như hùng binh diễu hành làm ai ngồi quanh cũng giậm chân, nhịp tay, lắc người, hay !
Dù Đ. đã mấp mé lục tuần, chị của Đ. vẫn lo cho anh như trứng mỏng, từng miếng ăn, từng giấc ngủ, sốt ruột! Sau khi đã quen thân thân, bộn bộn, tôi cà khịa anh suốt vì vụ này.
Ừa, người gì kỳ, đánh đàn thôi mà nhức tay nhức chân, bôi dầu bôi kem tá lả. Điều đáng nói hơn là thuốc men, dầu nhớt đều do chị anh sắm hộ, ngộ !
Anh kể, lạc anh chị hai mươi năm mới gặp lại, sợ anh buồn nên bà chị hay rủ bạn bè đến chơi, đàn hát mỗi cuối tuần, bia bọt chị chất đầy tủ lạnh để anh có dịp bù khú, không cần đi xa.
Nể bà chị, múc từng phần cơm, tô bún, gọi em vào ăn. Tôi nghĩ, ông anh rể nhìn vợ lo cho thằng em kiểu này chắc lên máu nhưng không, ổng tỉnh bơ.
Thấy chị loay hoay làm bánh trái bỏ mối, tôi hỏi “ Anh Đ. có phụ chị một tay không?” Chị thở hắt “ Ăn còn phải múc cho nó nữa là…”
Bữa thấy cái chăn điện còn trong bao mới tinh, để trên bàn, anh đi ngang, chị gọi vói:
- Chị mua chăn điện cho em đó, lấy xài đi.
- Ảnh lạnh thì tự biết mua, sao chị phải lo? Tôi hin mũi
- Tội nó. Trong phòng không đủ ấm…Chị nói, mắt nhìn theo bóng anh đi qua, xót xa.
Trong nhóm chơi với nhau, nhiều tay đàn nhưng chị chỉ muốn anh Đ đánh cho chị hát, ảnh biết ý chị, ý bài hát, hơn nữa, hợp âm Đ phối thì …khỏi chê, chả ai qua mặt nổi. Chị nói nhỏ, thằng Đ phải say say một chút thì đàn mới hay. Hèn chi phòng khách của chị không khi nào vơi bia. Ngộ! Bà chị có thể chuốc rượu em mình để cậu đàn bốc lửa sao? Mà quần thần tụ họp đâu chỉ dăm thì mười họa. Hai ba ngày một tuần. Lắm lúc anh say bí tỉ, mặt đỏ như gấc, ngủ lăn quay. Chị thương em kiểu này….
Nói, lại nhớ đến danh ca Trần Quang Lộc, ông cũng phải say ngà ngà đàn hát mới hay nên hôm nào rủng rỉnh một chút, bố mua xị rượu cho chú uống lấy đà. Đó cũng là lúc quái kiệt thường sáng tác bài mới, ngay tại chỗ, hôm sau hỏi lại, đôi khi ngài chả nhớ gì hết.
Rồi chị mua đôi dép mang trong nhà, dầu nóng cho anh xoa tay…Được cưng thế, tôi đoán anh là con út nhưng chị bảo anh ở giữa, kỳ thiệt. Chả lẽ vì anh tài hoa mà đến tuổi này anh vẫn được anh chị o bế ?
Một hôm, ông anh rể kể chuyện xưa chuyện nay gì đó, rồi bảo mẹ vợ tôi với mẹ thằng Đ….
Tôi chưng hửng, không biết mình có nghe lầm chăng. Chả lẽ hai người cùng cha khác mẹ? Khác mẹ mà chị lo cho ảnh kỹ vậy sao? Nể quá luôn.
Lân la dọ hỏi, anh Đ. nói hai người không họ hàng, máu mủ gì sất, chỉ là người cùng quê Bến Ngự, nhà anh bán vàng, quê thì nhỏ nên ai cũng biết.
Ở Úc cả chục năm, bữa nọ anh lang thang tới khu người Việt uống cà phê, quán đông, một người lạ xin ngồi chung bàn, anh đồng ý, thế là hai người được dịp bàn tán chuyện nhạc nhọt, đàn địch, đúng sở trường của anh nên vị khách lạ thích lắm.
Vị khách là bạn của ông anh rể - tạm gọi thế - kể ổng nghe vừa gặp một tay đàn ác chiến quê Bến Ngự, ông anh rể nói gọi nó lại đây, nếu ở Bến Ngự thì tôi phải biết .
Thế là gặp. Thế là nhận làng nhận xóm. Lúc ông anh rể đi vượt biên, anh Đ còn bé, thuộc hàng đàn em nên không có cửa để chơi với tay anh chị. Nghe Đ nói nhà có tiệm vàng ở đó đó, cha mẹ tên này này là đủ để ông anh “ phê duyệt”.
Quý tài đàn địch của Đ, ông anh chịu chơi, ham văn nghệ dẫn luôn thằng em về nhà, nuôi nấng, chăm sóc. Bà chị văn nghệ không hề càm ràm trách móc mà còn lo lắng, hầu hạ thằng em trên trời rơi xuống còn hơn ruột thịt.
Nói thế để thấy anh tài hoa đến chừng nào hay tại tính cách dân Bến Ngự là thế, họ bảo bọc nhau như người trong nhà.
Gì đi nữa, tôi đều cảm phục. Phục ngón đàn của anh Đ và phục cả nét văn hóa hiếm hoi của người miền Trung nói riêng và dân Việt mình nói chung, dám cưu mang, nuôi dưỡng người dưng dù họ chả dư giả, chả giàu có, à mà không, người Việt mình giàu tình cảm lắm.