Tiệc cuối năm
___________________ Nguyễn đình Phượng Uyển _ 09/12/21
“ Mấy anh chị rảnh không, kéo qua em chơi?”
Tin nhắn trong “group chat” hiện lên, điện thoại lập tức “tinh tinh” loạn xạ.
Chả là sắp Noel, tiệc tùng mời gọi réo rắt, ai cũng kêu rêu, đến mùa “no dồn, đói góp” – nói cho có câu có kệ chứ ở xứ này đói, kiếm đâu ra?) lại nới quần áo không kịp.
Kêu thì kêu, mấy ai từ chối dịp họp mặt, ăn uống.
“Bữa nào?” “Mấy giờ?”...Thiên hạ lao xao.
“ Dạ, chiều mai, sinh nhật vợ em”
Nhóm bạn già chơi với nhau được vài tháng, con cái lớn tướng, phần đông đã ra riêng hay ít nhất đã đi làm đi lụng, chả bố mẹ nào phải đau đáu cơm nước, nhắc nhở, thậm chí các cụ còn lấy hưu sớm để hưởng thụ lâu, oách thế !
Nhà chỉ còn “hai con khỉ già” nên cuối tuần hay lễ lạc, không người này thì có người kia rủ cả nhóm đến văn nghệ văn gừng.
Âm nhạc làm keo kết dính chúng tôi với nhau, ai cũng thấy ấm áp, tuổi về chiều, mình có một thú vui lành mạnh bên cạnh bạn bè.
Kết thì kết nhưng rủ rê bất ngờ hôm trước hôm sau, có hôm rủ “ chiều nay” mới ghê chứ, sao sắp xếp kịp?
Vậy mà….
Tin trả lời hết sức phấn khởi:
“ Anh chị đi được.”
“ Anh chị OK”
“ Tôi đến trễ một chút”
“Chị nấu súp bắp mang tới”
“ Chị làm bò kho nha”
“ Tui tặng ổ bánh”
“ Tui hái rau trong vườn làm xà lách”
“Em có thịt nướng, sushi, cá Salmon”
Nhấp nhoáng sáu bảy chục tin nhắn hiện lên, điện thoại thiếu điều nổ banh xác.
“ Em ơi, cho chị quá giang nhé.”
“ Anh ơi, đón em ở…được không?”
Tổng kết, gần hai mươi mạng trình diện, món ăn lủ khủ ba bốn bàn. Tin mời “giật gân” phút chót vậy mà dân chơi đâu có ngán, các con mình lắc đầu “ Dạo này bố mẹ đi chơi dữ quá.”
Nhà chủ xị chỉ còn “hai con khỉ già” vậy mà ngoài mặt tiền, dây đèn màu giăng mắc từ trên lầu xuống dưới đất, sân sau chưng ba chú nai vàng ngơ ngác nhũ bạc, cao ngang đầu người, phòng khách bày mấy gói quà thắp đèn mờ ảo, dây nơ trắng bốp, thêm mấy đóa Trạng Nguyên đỏ thắm xếp lẫn với nhánh thông xanh trải dài trên bàn ăn, xen giữa hoa lá là ba cây nến to phất phơ ánh lửa. Cả một không gian lung linh huyền ảo, lòng không khỏi bâng khuâng nhớ đến bao nhiêu Giáng Sinh đi qua trong đời, Giáng Sinh có mẹ có cha, Giáng Sinh hồi hộp chờ quà từ ông già áo đỏ, Giáng sinh thèm thuồng khi thấy nhà người ta có cây thông cao ngất, Giáng Sinh thiếu ăn thiếu mặc, Giáng Sinh thẹn thùng trong tay người yêu….
Và nhớ nhất là…
Giáng Sinh vào cái tuổi tròn trăng.
Chúng tôi một đàn một lũ chục đứa mười mấy tuổi đầu, đứa nào cũng khoái đàn địch, hát xướng nên dễ thân. Riêng tôi, lần đầu tiên được chơi chung với con trai, vừa thích vừa sợ.
Nói cho ngay, bạn cùng lớp, con trai đầy nhưng là bạn mày tao, cãi cọ. Lần này là bạn của anh mình, khác ghê lắm. Muốn làm thân nhưng mỗi lần gặp tụi nó, câu cú chữ nghĩa biến đâu hết trọi, tim đập bình bịch, tay chân lóng ngóng, luôn sợ người ta bảo mình vô duyên, kỳ cục…
Gần đến Noel, cả đám tơn tớn tính chuyện ăn chơi suốt đêm. Ở cái tuổi mười lăm mười sáu, nghe chữ “qua đêm” thấy táo bạo, hào hứng, hấp dẫn ác liệt. May mà tôi có ông anh đi kè, không thì còn lâu ông bà già mới “Duyệt”.
Mười đứa thập thò bàn tính. Đứa nào cũng nghèo xác xơ (Ủa, hổng nghèo mới lạ. Đã ai đi làm đâu. Toàn xin tiền bố mẹ. Cụ không cho, coi như đứt bóng) nhịn ăn sáng, nhịn đủ thứ để có tiền hùn hạp. “Bang chủ” đề nghị mỗi đứa đem theo một món quà bốc thăm làm “kỹ nghệ”. Ngày ấy, mấy khung gỗ chạm tên hay bông hoa cưa lọng là thứ học trò thường đem tặng nhau và chúng tôi không phải dân ngoại lệ. Điều đặc biệt nhất trong Noel đó, chả biết đứa nào trong đám đưa ý kiến, mỗi trự phải tự vẽ thiệp Noel để tặng mấy đứa kia. Vẽ tay, không nói lôi thôi.
Bạn tôi đứa nào cũng vẽ khéo, vẽ đẹp. Mình tôi, từ bé đến lớn chả vẽ cái gì cho ra hồn. Người hả? Một gạch dọc làm thân, hai gạch xiên phía đưới là chân, một gạch ngang phía trên ,cắt ngang gạch dọc thành hai tay, xong ! Điểm vẽ hay thủ công của tui luôn dưới trung bình. Giờ, gần mười cái thiệp chờ đợi làm tui bứt tóc muốn sói trán. May có ông anh ếm xì bùa dùm vài phát. Đứa nào sang xài giấy polure hồng cam, phần lớn lấy giấy tập kẻ ô ra làm thiệp. Vậy mà người nhận quý lắm, mở ra xem đi xem lại, cất giữ như vàng.
Năm năm đầu sau 75, cả nước kinh qua những đói nghèo, tơi tả. Năm cái Noel tôi không nhìn thấy cây thông lập lòe đèn chớp trong nhà mình, hàng xóm xung quanh họa hoằn mới có một hộ chưng bày, nhìn họ sang trọng, quý phái, ai đi ngang cũng liếc nhìn, hít hà, tắc lẻm. Tôi nghĩ ông già râu trắng, áo đỏ nếu xuất hiện, cũng phải kiếm chỗ nào có ánh sáng nhấp nháy mới thấy đường đi và căn nhà sang trọng đó là nơi duy nhất ông ghé vào. Trong tâm tưởng cũng nhận ra mình thiệt thòi.
Thế mà Noel ấy, không biết đứa nào ngoại giao giỏi, xin được một cành thông Đà Lạt của bác hàng xóm trồng trước sân. Cả đám hì hụi chặt mang về, hí ha hí hửng.
Bói hai năm cũng không ra một dây đèn chớp nhưng không sao, mấy ông con trai bắc một bóng đèn tròn lên cây, lấy giấy bóng đỏ bọc lại, ánh sáng đỏ tờ mờ xuyên qua chùm lá thông dài trông cũng lung linh, thần thoại đủ cho cả bọn nhảy cỡn, vỗ tay đốp đốp. Bọn con gái vơ vét mấy cái thiệp cũ, đẹp đẹp, cất giữ từ đời tám hoánh hay thứ gì lạ lạ, treo hết lên cây thông cho thiên hạ lé mắt.
Bọn tôi không có tiền để mua gà quay hay ổ bánh khúc cây màu nâu cho đúng điệu giang hồ, đó là điều chắc chắn nhưng tôi nhớ mấy đứa con gái đã hè nhau nấu một nồi đồ mặn, mua ít bánh ngọt nhỏ nhỏ, nước uống và trái cây cho bữa tiệc đêm đầu đời.
Chúng tôi có hai cây guitar và mười cái mồm, vừa đàn vừa hát. Hát chung , hát riêng, hòa tấu ...đủ kiểu, chờ đúng 12 giờ đêm khai tiệc.
Trẻ con, làm gì có thể nhịn đến khuya. Đứa nào cũng lót dạ vài thứ. Tới giờ hoàng đạo, nhào vào phá cỗ, hào hứng lắm nhưng ăn trái giờ, chả bỏ bụng được bao nhiêu.
Đến màn bốc quà kèm miếng giấy ghi điều kiện bên trong: bắt hôn, bắt tát yêu, bắt ăn chanh….cười bể bụng, tự nhiên thấy mình người lớn kinh khủng, được biết đến những trò chơi hoàn toàn mới lạ, không phải nhảy cò cò, rượt bắt, bán đồ hàng nữa.
Khi nhận thiệp vẽ tay của bạn, hồi hộp không biết có anh nào trong nhóm gửi lời nhắn đặc biệt hay vẽ một đóa hồng tặng riêng cho mình chăng. Tôi nhỏ nhất đám còn nhí nhố vậy, đừng nói mấy đứa kia. Và, tôi đã nhận được không phải một mà là vài đóa hồng xinh xẻo từ… những con bạn nối khố. Công tử Bạc Liêu chỉ tặng tôi đốm tuyết rơi, những hàng gạch chất chồng tô bằng bút bic, hết! Tức, vì mình không đủ chững chạc để một ai đó hiểu rằng tôi đã biết rung động, biết ước những giấc mơ tiên…
Lại ăn, lại hát, lại đùa. Nhà nhỏ bạn rộng mênh mông, chúng tôi ngồi ngoài vườn cây để khỏi phiền ba mẹ nó, đâu ngờ trời cuối năm sương xuống lạnh cóng, đứa nào đứa nấy run lập cập, thêm cái bụng chinh bỉnh vì no nên đứa nào cũng buồn ngủ mõm mòm, ngáp ngắn ngáp dài. Hết trò chơi, ngồi không ngứa tay lại bốc thức ăn bỏ mồm, bụng càng căng mắt càng híp. Chúng tôi vật vờ nhưng không đứa nào bỏ cuộc, ráng chờ vệt nắng ban mai đầu tiên hắt lên mới lo dẹp tiệc.
Về đến nhà, không kịp đánh răng , rửa mặt, chả cần thay quần áo, tôi cứ thế chui vào chăn ấm ngủ vùi mấy ngày liền.
&
Nhóm bạn già của tôi cũng bốc đồng, cũng ham chơi như ngày tôi còn bé, hú một phát là có mặt tắp lự để ca hát, ăn uống, nhảy nhót, cười nói, đôi khi còn cáp đôi mấy anh chị đang trong tình trạng solo làm họ mắc cỡ, bẽn lẽn như học trò mới lớn.
Chỉ khác là món ăn trong bữa tiệc cuối năm của các bô lão thì đầy đủ sơn hào hải vị, muốn món nào có món ấy. Giàn “giao hưởng” được trang bị tận răng với Saxo, Piano, Guitar điện, guitar thùng, Cajon, amplie, micro, Ipad, loa liếc….muốn to nhỏ, muốn ngân nga, echo, thêm thắt…được hết.
Vậy mà đêm Noel với cái bóng đèn điện bọc giấy bóng đỏ treo trên nhánh thông Đà Lạt ngai ngái hương vào tuổi mười lăm vẫn vương vấn trong tôi hoài. Bữa tiệc cuối năm không gà quay, không bánh buche nhưng tiếng cười và những ngây thơ vụng dại đã hòa quyện với nhau thành một món đặc sản ngọt bùi, làm não bộ cứ ngọ nguậy mỗi khi nhớ lại.
Đám bạn cùng ngồi co ro trong đêm lạnh với hai cây guitar thùng của tôi giờ trôi lạc qua mấy miền đất nước, khắp các đại lục, ai còn nhớ chuyện mình đã từng hì hụi vẽ những tấm thiệp để tặng cho nhau trong đêm Noel hơn bốn mươi năm trước?