-
Người hầu gái
_____________________
Nguyễn Đình Phượng Uyển _ 02/04/2020
Lúc bốn tuổi, ở nhà Cây Mận, tôi đã thấy bức tranh trong nhà, treo chỗ nào chả nhớ.
Tranh gỗ, do họa sĩ Duy Thanh tặng hồi bố còn trẻ, vẽ khu Hàng Xanh Xa Lộ vào những năm sáu mươi mấy, nguệch ngoạc nhiều màu xanh và màu hồng.
Dọn nhà mấy lần, ông cụ vẫn mang theo bức tranh bên mình. Khi gia đình tôi trụ chân lập nghiệp tại Làng Báo Chí, tranh được treo giữa phòng khách. Với tôi, bức tranh chả có gì đẹp.
Thỉnh thoảng lúc ngồi học bài hay ăn cơm , tôi ngước nhìn bức tranh, thấy Hàng Xanh ngày xưa sao khác với Hàng Xanh hằng ngày tôi đi qua nhiều thế. Thắc mắc, mười mấy năm trước liệu đã có Hàng Xanh để Duy Thanh vẽ sao?
Bức tranh nằm im trên tường từ năm này qua tháng nọ…
Gần 30/4/1975, chúng tôi bỏ nhà lên Saigon chạy loạn. Giao nhà cho bác hàng xóm trông nom dùm. Tưởng sẽ thoát ra nước ngoài, ai ngờ kẹt lại, gia đình phải mò về. Nhà cửa tan hoang, bàn ghế chỏng chơ nhưng bức tranh vẫn còn đó.
Lúc dầu sôi lửa bỏng, người ta chỉ lấy đi vàng bạc, tiền tài hay đồ ăn thức uống… Lấy tranh ảnh, chưng chỗ nào, bán đi đâu? Chưa kể bức tranh Duy Thanh cũ mèm, mốc thếch, ai thèm !
Gia đình tôi chả thiết cái gì còn mất, cắm đầu vào chạy ăn từng bữa.
Bức tranh như một chứng nhân thầm lặng cho bao nhiêu biến cố xảy ra trong gia đình, ngoài xã hội.
Bố mẹ tôi xoay đủ mọi ngành nghề để kiếm sống, hình như nghề nào cũng thất bại. Ăn được vài tháng, một năm rồi lại ôm đống đồ nghề, chuồng trại, máy móc… vứt xó. Đói rách rạc dài.
Có hôm, bố tôi lấy khăn lau bụi bức tranh, ngắm nghía một lúc, ông bảo “ Tranh này quý lắm đấy. Thằng nào biết, mua vài cây vàng như chơi.”
Tôi nhìn quanh nhà, tuềnh toàng, trơ trọi. Gạo củi không có vậy mà có “mấy cây vàng” treo lơ lửng giữa phòng khách chơi. Tôi ước “Thằng nào” đó đến nhà tôi sơm sớm , rước cái tranh đi để gia đình tôi no bụng. Khoảng ấy, một chỉ vàng là đủ để sống một tháng. Mấy cây vàng sẽ sống được bao lâu? “Thằng nào” tới , tôi sẵn sàng bán rẻ cho nó một cây cũng được. Vậy mà chờ mãi, chờ mãi… “thằng con buôn ” cứ bặt tăm.
Chắc tại bức tranh không có gì đặc biệt ngoài chữ ký “Duy Thanh” mờ mờ, nhạt nhạt, be bé, ở góc bên dưới nên chưa một người khách nào đến nhà khựng chân ngắm nghía. Nếu họ thấy đẹp, quý, người nọ bỏ nhỏ với người kia, tụi săn tranh sẽ mò tới chứ.
Dĩ nhiện, “tụi” đó là Việt kiều chứ Việt Nam, kiếm ăn mòn mắt, điên hay sao mà mua tranh cũ?
Ngày qua, tháng lại…
Tôi đi lấy chồng. Chồng tôi là người khách duy nhất đến nhà, nhìn đăm đăm bức tranh và khen đẹp. Lúc ấy tôi hơi ngạc nhiên. Bức tranh như cây đàn, chiếc bình hoa mình dùng lâu ngày, quen thuộc, không có không được nhưng hết thấy đẹp rồi. Tôi nhớ lúc đó mình đã nhoẻn miệng cười, thấy chồng mình ngộ ngộ.
Mới cưới, mỗi chiều vợ chồng tôi về ăn cơm với bố mẹ, sợ ông bà nhớ con gái.
Dần dà, công việc như nước xoáy, hút tôi chìm lỉm, tôi không về với bố mẹ đều đặn nữa. Đến khi sanh con, mỗi chủ nhật tôi mới đem cháu về chơi với ông bà một lần.
Một hôm bế con trên tay, tôi chỉ vào bức tranh, dụ cho con nín khóc. Con bé nhìn sững gam màu xanh đỏ một chốc rồi lại lăn kềnh ra í e.
Tôi lập gia đình được hai năm thì ông bà cụ đi Mỹ đoàn tụ với con trai thứ. Mấy anh em ở lại tiếp tục vật lộn kiếm sống. Cần thì chạy ra cửa hàng của từng đứa nhắn nhủ, dặn dò. Tết nhất anh em cũng chả gặp nhau vì đó là dịp kiếm ăn của một đứa. Bao nhiêu tháng năm tôi không còn nhìn thấy bức tranh cũ.
Đường vào làng ngập lụt, anh em tôi chỉ đủ tiền đổ đất nâng nền, nhà “thun” lại, đưa tay lên cao đụng được trần. Bố mẹ về nước thăm con cháu đến lần thứ ba thì ngõ hẻm đã dâng lên tận mái nhà. Cửa sổ bịt kín. Cửa cái còn một lỗ bé hin để chui ra chui vào. Phòng ốc ngột ngạt, ẩm ướt, bức tranh Duy Thanh cũng chung số phận.
Căn nhà phải giựt sập xuống, xây mới hoàn toàn.
Nhà sửa xong, anh tôi đem cho thuê, lấy tiền thuê nhà nhỏ hơn vừa làm chỗ buôn bán vừa để ở. Chật ních ! Bức tranh lưu lạc nơi đâu chả ai để ý.
Ông bà cụ đi được tám năm thì đến phiên tôi bỏ nước, tha phương cầu thực. Tôi qua Mỹ vài lần thăm các cụ, thấy phòng khách đặc nghẹt những sách là sách và mấy tấm ảnh của bố mẹ, con cái, cháu chít.
Sau mười ba năm xa cố hương, gia đình nhỏ của tôi làm một chuyến phiêu lưu Mỹ quốc. Lịch lên sẵn từng ngày, cho từng chỗ tham quan. Ông bà cụ chỉ gặp con cháu lúc chúng tôi từ phi trường về rồi cùng nhau ra tiệm ăn cơm tối.
Sáng sớm hôm sau chúng tôi lên đường đi bụi từ San Jose qua San Francisco, Las Vegas, Grand Caynon…trong mười ngày. Dành mười ngày sau cho New York.
Đêm trước khi bay, vợ chồng con cái sang chào từ biệt ông bà vì giang hồ New York xong chúng tôi sẽ bay thẳng về Úc. Đã khuya, chúng tôi chỉ kịp láp ráp mấy câu với các cụ rồi cáo lui. Ra đến cửa, đang xỏ giày, mắt tôi chợt đụng vào bức tranh Duy Thanh bố treo trên tường, chung với hàng lô hàng lốc mấy bức ảnh gia đình.
Ý ! Mình qua thăm bố mẹ mấy lần rồi, đâu có thấy hình này. A ! Ông anh, người cuối cùng trong gia đình vừa sang đây định cư, đem nó theo đây mà. Trời đất ! Tưởng nó mục ruỗng, nhàu nát, mối ăn mọt đục từ tám kiếp rồi chứ. Tính ra, phải đến hai mươi năm, kể từ khi đẻ con bé thứ hai, tôi không còn nhìn thấy bức tranh. Sững người một vài giây, xong tôi vội vã lên đường.
Đêm nằm, thi thoảng nhớ lại bức tranh trong căn hộ nhỏ của bố mẹ, tôi tiếc mình không đứng lại ngắm nó lâu hơn. Trong cái tích tắc chạm mắt vào khối màu sắc nhạt nhòa đó, tôi liên tưởng nó như người hầu gái tận tụy của gia đình hơn nửa thế kỷ qua, từ khi mẹ là cô nữ sinh Trưng Vương lấy bố, sanh con, cho đến bây giờ cháu của mẹ, đứa đã đến tuổi cập kê, đứa đã nên gia nên thất và mẹ đã trở thành người đánh mất cả thời gian lẫn không gian, ngây ngô như con nít, mặc tã, ăn cơm trộn thịt cá xé nhỏ, nửa đêm thức giấc đòi uống sữa… Còn bố, từ một thanh niên tuổi đôi mươi, không sức dài vai rộng đâu, bố lúc nào cũng thư sinh , mảnh dẻ, quần áo, tóc tai láng o, kính gọng vàng lịch lãm, ra vào đài phát thanh và các tòa báo xoành xoạch, giờ cứ ngồi thu lu làm bạn với cái máy tính, đi đứng bổ xiêu bổ tó, nói năng không còn mạch lạc, chả bù khi xưa bốp chát như pháo, giọng nói từng mê hoặc bao nhiêu thính giả giờ đã khàn đục, cái lỗ tai đủ thính để tập và sửa cho Khánh Ly, Duy Trác hát nay đã nghễnh ngãng, muốn nghe nhạc hay radio phải vặn volume thật to…, bức tranh giống người đàn bà luống tuổi chít khăn mỏ quạ, áo Bà Ba bạc mầu, quần lĩnh đen giống bà nội tôi hồi còn sống, nhoẻn miệng cười với hàm răng hạt Na, mắt hấp háy nhìn tôi như nói “ Cô chủ nhỏ, không nhận ra tôi sao? Tôi lại về chăm sóc ông bà rồi nè.”
Người hầu gái cứ ngồi im một chỗ, chả phiền hà, đòi hỏi điều gì, ai quan tâm nhìn tới, bà sẽ mỉm cười, đó là chức năng của bà trong suốt năm thập kỷ đằng đẵng: làm đẹp nhà cửa. Bà từng chứng kiến cảnh bố tôi thắt lòng, hôn vội vợ con trong đêm khuya rồi nhấp nhổm đi vượt biên. Thất bại. Bố nằm tù nằm khám… Đến phiên con cái lấm lét, chui nhủi nhảy lên tàu trốn chạy, cũng ngồi tù mấy tháng. Bà chứng kiến ngày bố mẹ tôi thành sui gia rồi lên chức nội ngoại.
Phận của người hầu gái hóa ra cũng ba chìm bảy nổi, bốn lênh đênh, trôi sông dạt chợ, chủ hăm he đem bán mấy lần, tại không ai mua nên còn. Rồi quăng rồi quật, nằm xó nằm xỉnh trong kho của mấy căn nhà ông anh thuê…Vậy mà bà vẫn sống, không sứt gọng gãy càng, chui vào va li, bay nửa vòng trái đất để gặp lại người chủ đầu tiên. Phận bà sao giống phận của tấm huy chương Giải Văn Học Nghệ Thuật của bố tôi thế. “ Của Cesar lại trả cho Cesar”.
Cảm kích một tấm lòng ! Giờ ai mua mười cây cũng không bán.
https://luanhoan.net/gocchung2020/htm/bm%2020-4-06.htm
Người hầu gái
Người hầu gái
Re: Người hầu gái

Vinh quy bái tổ _ tranh Duy Thanh