Một ngày cuối năm - Akutagawa Ryunosuke

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 21156
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Một ngày cuối năm - Akutagawa Ryunosuke

Bài viết bởi Hoàng Vân »








  • Một ngày cuối năm
              
    Nenmatsu no ichinichi, 1926
    tác giả Akutagawa Ryunosuke - dịch giả Nguyễn Nam Trân

    ______________________________________________________________





              

              

    .................Tôi bước trên một cái ghềnh vắng vẻ, chỉ có cỏ dại mọc đầy. Dưới vực ngay chân ghềnh là cái ao con. Trong ao, hai con chim nước đến sống ở cái ghềnh đó, đang bơi lội. Hai con chim này đều có màu xanh nhạt như màu rêu mọc trên ghềnh. Tuy vậy, tôi không nghĩ chúng là một giống chim đặc biệt. Chẳng những thế, nhìn cái màu tươi tắn của đôi cánh cũng như mọi thứ khác của chúng, tôi thấy có gì gây gây khó chịu.

    ...................Đang nằm mơ như thế thì có vài tiếng động lách ca lách cách phát ra từ giấc mơ đó khiến tôi choàng tỉnh. Hình như đó là tiếng của cánh cửa kính căn phòng khách nằm vuông góc với phòng đọc sách của tôi. Tôi đang sửa soạn bài vở cho số báo xuân nên đã đặt giường ngủ ngay trên sàn thư phòng. Cả ba bài viết, công việc mà tôi hứa cho ba tờ tạp chí, đều không làm tôi mãn nguyện. Thế nhưng đây là công việc cuối cùng trong năm nên tôi phải giải quyết cho xong trước khi trời sáng.

    Dưới chân cánh cửa kéo bên cạnh giường nằm, có bóng mấy cành trúc đang lay động.Tôi bèn quyết định ngồi lên ngay ngắn, trước tiên là ra nhà sau đi giải cái đã. Dạo sau này, chưa bao giờ khi đi giải, tôi lại thấy hơi nước bốc lên nhiều như vậy. Đứng đâu mặt với bồn tiểu, tôi thầm nghĩ hôm nay trời có vẻ lạnh hơn mọi ngày. Bà bác [1] và vợ tôi [2] đều đã ra ngồi bên hàng hiên phòng khách và ra sức kỳ cọ mấy tấm cửa kính. Tiếng lách ca lách cách tôi nghe được chính ra đã đến từ nơi đó. Bác tôi mặc một chiếc áo khoác chẽn cộc, tay áo lại buộc dây cho gọn, vừa vắt khăn lau trong một cái chậu, vừa nói như để đùa tôi: "Dậy đi ông ơi! Mười hai giờ rồi đấy!". Mà thật vậy, đúng là đã mười hai giờ. Trong phòng ăn nằm ở bên kia hành lang, đằng trước cái lò sưởi dài cũ kỹ, bữa cơm trưa cũng đã được dọn ra tự hồi nào. Không những thế, mẹ tôi [3] đang cho Takashi [4], đứa con trai thứ của tôi, uống sữa và ăn lát bánh mì nướng. Thế như tôi vẫn quen thói xem như bây giờ hãy còn là buổi sáng nên đi xuống bếp, nơi vốn không có ai, để rửa mặt.

    Sao khi ăn xong bữa sáng và cũng là bữa trưa, tôi thọc hai chân vào cái lò sưởi kotatsu đặt chìm (okigotatsu) trong thư phòng và bắt đầu đọc hai ba thứ báo. Mấy bài báo toàn viết chung quanh đề tài tiền thưởng cuối năm mà các xí nghiệp sẽ trả cho nhân viên và số doanh thu của mấy cái vợt hagoita [5] đã đến mức nào rồi. Thế nhưng nó không đem đến cho lòng tôi một tia ấm áp nào cả. Thường thì khi nào bị bắt phải làm cho xong việc, người tôi cứ bải hoải ra một cách lạ lùng. Nó giống như cái cảnh sau khi gần đàn bà, dù mình có muốn thế nào cũng cứ oải.

    Anh K đến chơi lúc gần hai giờ chiều. Tôi bèn mời anh K cho chân vào sưởi trong kotatsu và bàn với nhau về mấy công chuyện phải giải quyết. Anh K mặc một cái áo vét có kẻ sọc. Trước đây anh là đặc phái viên ở Phụng Thiên của một tờ báo, còn bây giờ là ký giả nằm ngay tòa soạn.

    -Sao anh? Có rảnh thì mình ra ngoài đi đâu chơi?

    Tôi nói vậy vì khi vừa xong mấy việc cần bàn, tôi thấy mình coi bộ khó lòng giữ nổi ý định chôn chân nằm nhà.

    Anh K có vẻ lừng khừng và hỏi ngược lại tôi:

    -Ờ, đến khoảng bốn giờ chiều thôi thì được.....Thế anh đã định dắt tôi đi đến chỗ nào chưa?

    -Tôi chẳng biết đi đâu. Đi đâu cũng được

    -Hôm nay mà đi thăm mộ thì anh thấy thế nào?

    Mộ mà anh K nói là ngôi mộ [6] của thầy Natsume Sôseki [7]. Cách đây nửa năm, tôi đã hứa với K., một độc giả hâm mộ thầy là sẽ chỉ cho anh ngôi mộ đó. Việc anh rủ đi thăm mộ vào một chiều cuối năm bỗng nhiên lại phù hợp với tâm trạng của tôi trong lúc này.

    -Vậy mình đi thăm mộ nhé!

    Tôi bèn choàng áo khoác lên người và cùng ra khỏi nhà với anh K.

    Trời tuy lạnh nhưng tạnh ráo. Trên con dốc Dôzaka [8] vừa cao vừa hẹp, người qua lại cũng đông hơn ngày thường. Những cành tùng và trúc chưng như cây nêu trước nhà (kadomatsu) cũng đã được đặt bên cạnh ngôi nhà nhỏ mái lớp ván dùng làm trụ sở của Hội Thanh Niên khu Tabata. Khi nhìn khu vực này, tôi không khỏi chạnh lòng nhớ về thời niên thiếu và tâm sự của mình trong những ngày tháng chạp.

    Hai đứa tôi ra đợi xe điện và leo lên đi về hướng Gokokuji (Hộ Quốc Tự) [9]. Xe tương đối trống. Anh K cứ để nguyên cổ áo dựng đứng, nói với tôi những chuyện như việc cuối cùng anh đã tìm ra một tấm bìa (shikishi) trên đó có chép bài thơ ngắn (tanjaku) của thầy.

    Thế rồi khi chúng tôi vừa qua khỏi trạm Fujimae [10] thì bỗng có một bóng điện tình cờ tuột ở đâu ra và rơi xuống mặt sàn khoảng giữa toa xe, vỡ thành từng mảnh vụn. Ngay chỗ đó có một người đàn bà tuổi độ hăm bốn, hăm lăm với khuôn mặt và dáng điệu khó thương, một tay cắp cặp còn tay kia thì đang nắm dây treo. Hình như lúc bóng điện rơi xuống đất, nó hơi chạm mái tóc trước trán của cô ấy. Cô ta bèn làm mặt khó chịu và đảo mắt nhìn người trong toa một vòng. Đúng là khuôn mặt đang đi tìm một sự đồng tình hay sự chú ý của người khác. Thế nhưng không thấy ai làm gì cả, như thể họ hoàn toàn lãnh đạm với cô ta. Lúc đó tôi vừa nói chuyện với anh K. vừa cảm thấy trên khuôn mặt của cô có cái gì kỳ khôi, không phải vì sự lỗi nhịp của cô với những gì ở chung quanh cô nhưng vì đó là một cố gắng không đem lại kết quả nào.

    Chúng tôi xuống xe ở trạm cuối tuyến đường, đi ngang qua dãy tiệm bán đồ thờ cúng và đi về hướng nghĩa trang Zôjigaya.

    Hôm nay, nghĩa trang cũng vẫn vắng vẻ, với hàng cây bạch quả (ginkgo) cổ thụ đã trút hết lá. Ngay trên con đường trải sỏi cát rộng rãi nằm ở trung tâm nghĩa trang cũng không thấy bóng người lai vãng. Tôi cứ đi đằng trước anh K. rồi rẽ qua một con đường nhỏ nằm ở bên phải. Trên con đường nhỏ ấy, ở giữa cái hàng rào bằng cây tươi với bụi gai "kanamemochi" [11] và hàng rào sắt đã phủ bởi một lớp sét rỉ màu đỏ, có nhiều mộ lớn một nhỏ nằm bên nhau nhưng sao cứ đi mãi ra phía trước mà tôi vẫn chưa gặp ngôi mộ của thầy.

    -Hay là trên con đường ở phía trước nữa?

    -Dám lắm đó!

    Tôi bèn đi ngược trở ra khỏi con đường đó, vừa nghĩ đến chuyện vì bị thúc hối chuyện bài vở nên mình chẳng mấy khi đi thăm mộ của thầy. Tuy vậy, tuy không tới đó bao nhiêu lần nhưng tôi không tin rằng mình lại có thể quên địa điểm của ngôi mộ được.

    Con đường tiếp sau là một con đường rộng hơn một chút nhưng ở đây tôi vẫn không tìm ra mộ thầy. Thay vì lại quay trở ra, lần này hai đứa đi về phía tay trái bên trong hàng rào, nhưng vẫn không thấy ngôi mộ đó đâu, Chẳng những thế, mấy khoảng đất trống mà tôi nhớ rằng mình có lần thấy, lần này cũng chẳng kiếm ra.

    -Không có ai để mình hỏi thăm nhỉ? ....Gay thật!

    Tôi cảm thấy mấy lời anh K. vừa nói sao mà nghe rõ ràng như một tiếng cười khẩy. Thế nhưng trước đây chính tôi là người từng nói sẽ chỉ chỗ cho anh thì tôi đâu có quyền nổi cáu.

    Không biết sao hơn, chúng tôi mới lấy hàng cây bạch quả làm chuẩn và quẹo qua con đường hông thêm một lần nữa. Thế nhưng ở đây vẫn không thấy mộ. Dĩ nhiên trong lòng tôi, bắt đầu có sự bực bội. Thế nhưng nằm khuất ở một xó nào đó là một nỗi cô đơn. Không biết từ bao giờ, tôi bắt đầu cảm thấy hơi nóng trong người mình bốc lên dưới lần áo khoác và nhớ lại rằng có lần tôi đã trải nghiệm điều này rồi. Đó là cái hôm hồi còn bé, tôi bị đứa đầu đảng trong đám con nít (gakidaishô) bắt nạt, nhưng đã không dám khóc và chỉ biết chịu đựng cho đến lúc về tới nhà.

    Sau khi đã đi qua đi lại nhiều lần trên cùng một con đường nhỏ, tôi mới gặp một bà nhân công phụ trách quét dọn nghĩa trang đang đốt đống lá mộc lan (mokuren) [12] khô, bèn hỏi đường. Rốt cuộc, chúng tôi đã được bà dắt đến ngay ngôi mộ lớn của thầy.

    So với lần trước khi tôi đến đây, ngôi mộ đã cũ đi nhiều. Hơn thế, vùng đất chung quanh mộ đã bị sương xâm thực. Trừ một bó hàn cúc [13] mà ai đó đã đem đến cúng hôm mồng chín [14] và một bó nam thiên (nanten) [15] thì không có vật gì khác biểu lộ sự thân tình. Anh K. bèn cố ý cởi cái áo khoác ngoài và kính cẩn cúi đầu trước mộ. Riêng về phần tôi thì cảm thấy mình không có đủ can đảm để có thể điềm nhiên cúi đầu trước thầy được như K.

    -Đã mấy năm rồi nhỉ?

    -Chắc đã được chín năm.

    Chúng tôi vừa trao đổi mấy câu như vậy, vừa đi trở về phía trạm xe cuối của tuyến đường Gokokuji.

    Tôi với anh K. cùng leo lên xe điện nhưng chỉ có mình tôi là xuống trạm Fujimae. Thế rồi sau khi đến thăm một người bạn ở Đông Dương Văn Khố (Tôyô Bunko) [16], đến cuối ngày thì về đến dốc Dôzaka.

    Vì đúng giờ khắc người ta đi lại nên trên dốc Dôzaka giờ đây lại càng thêm đông đúc. Qua khỏi con đường có Canh Thân Đường (Kôshindô) [17], số bộ hành bắt đầu giảm. Tôi thu mình lại, cắm cúi bước và không thèm để ý đến ai.

    Trên con dốc Hachimanzaka nằm đằng sau một khu mộ địa [18], tôi lại thấy có một người đàn ông đang kéo một chiếc xe thồ chất nhiều cái hộp, đang chống tay vào càng xe nghỉ mệt. Mới nhìn qua thì chiếc xe thồ này trông như xe chở hàng cho hiệu thịt, thế nhưng đến gần mà xem mấy chữ viết trên thành xe thì mới biết đó là xe hàng của Công Ty Nhau Thai Tôkyô (Enagaisha) [19]. Sau khi đến từ sau lưng và lên tiếng gọi, tôi đã phụ ông ta để cùng nhau đẩy chiếc xe phom phom lên dốc. Khi đẩy giúp ông như thế, trong bụng tôi không khỏi cảm thấy bẫn thỉu gớm ghiếc nhưng đồng thời lại nghĩ rằng việc mình ra công gắng sức như thế này cũng đỡ đần được cho người ta.

    Cơn gió bấc từ trên dốc đôi lúc thổi xuống trúng ngay vào giữa mặt tôi. Mỗi lần như thế, hàng cây trong nghĩa trang lại rung lên xào xạc và đổ lá xuống ào ào. Trong cái ánh sáng nhòa nhạt cuối ngày, không hiểu sao tôi lại cảm thấy phấn chấn, làm như thể tôi cũng đang ra sức tranh đấu với bản thân để tiếp tục đẩy một chiếc xe chất đầy hộp và tiến về phía trước.




    (Tạp chí Shinchô, số tháng 1 năm 1926)

    Dịch ngày 19/07/2021

    Bên lề tác phẩm:
    • Nguyên tác nằm trong Tuyển tập Gesaku Zammai-Ikkai no Tsuchi của Akutagawa do Shinchô Bunko, sơ bản 1968. Bản sử dụng là bản tái bản lần thứ 53 năm 1999, từ trang 236-241.

      Nội dung trình bày lòng quí mến của Akutagawa đối với Natsume Sôseki , quan niệm cá nhân về vai trò của một nhà văn trong cuộc sống cũng như dự báo trạng thái tâm thần kiệt quệ của ông một năm trước khi tự kết liễu đời mình.



    [1] - Ý nói bà Fuki, chị của mẹ ruột Akutagawa (bà Fuku) và là người đã nuôi dạy ông sau khi mẹ ông bị bệnh tâm thần. Lúc đó bà Fuki khoảng 70 tuổi.
    [2] - Bà (Tsukamoto) Fumiko, vợ ông.
    [3] - Ý nói bà Tomo, mẹ nuôi của tác giả, năm ấy 69 tuổi.
    [4] - Con trai thứ hai của tác giả, năm đó lên 4.
    [5] - Vợt gỗ để các thiếu nữ và trẻ con chơi đánh cầu trong dịp Tết.
    [6] - Mộ của Natsume Sôseki (1867-1916) nằm ở nghĩa trang Zôshigaya thuộc khu Toyoshima trong thành phố Tôkyô. Khoảng 1915 trở đi cho đến lúc Sôseki mất (1916), Akutagawa thường đến gặp Soseki và xem ông như một người thầy.
    [7] - Người đã tiến cử Akutagawa với văn đàn.
    [8] - Dốc này vẫn còn có trong khu Bunkyô thành phố Tôkyô.
    [9] - Một ngôi chùa danh tiếng của phái Chân Ngôn (Shingon) xây lên từ năm 1680, nằm ở Ôtsuka thuộc khu Bunkyô.
    [10] - Trạm xe điện đường nằm trước mặt ngôi đền thần đạo Fuji (Fuji Jinja).
    [11] - Được biết là một loại cây bụi, họ hồng (bara), đến mùa thì ra hoa trắng và có quả nhỏ màu đỏ (Chinese hawthorn)
    [12] - Mộc liên / mộc lan / magnolia.
    [13] - Hàn cúc là hoa cúc nở muộn mằn vào mùa lạnh, còn gọi là vãn cúc, tàn cúc hay đông cúc.
    [14] - Ngày mồng 9 tháng 12 là húy nhật của Natsume Sôseki (9/12/1916)
    [15] - Qua cái tên chữ Hán là "nam thiên" thì hiểu là một loài cây đến từ Nam Thiên Trúc, người dịch chưa rõ cây gì. Tiếng Anh là nandin, nandina.
    [16] - Thư viện đặc biệt lưu trữ thư tịch Đông Phương do nhà tư bản Iwasaki Hisaya thành lập năm 1917, cũng nằm trong khu Bunkyô, nay là một chi nhánh của Thư Viện Quốc Hội.
    [17] - Ngôi đền thờ vị thần Thanh diện kim cương của năm Canh Thân.
    [18] - Đây là một nghĩa trang khác và rất nổi tiếng ở Tabata, gần nhà Akutagawa,
    [19] - Công ty chuyên môn đi vứt "rác thải" cho các nhà thương hay nhà bảo sanh.


    http://chimvie3.free.fr/84/nguyennamtra ... am_084.htm
Trả lời

Quay về “Nhật”