Thảm họa Khí hậu: Nhìn thẳng sự thật nhưng đừng mất niềm tin!

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20236
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Thảm họa Khí hậu: Nhìn thẳng sự thật nhưng đừng mất niềm tin!

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Thảm họa Khí hậu:
    Nhìn thẳng sự thật nhưng đừng mất niềm tin!
    _______________________
    Trọng Thành _ 30/10/2021





    “Báo động đỏ” về thảm họa khí hậu liên tục được khẩn thiết đưa ra những năm gần đây, và đặc biệt trước dịp COP26 thượng đỉnh Khí hậu của Liên Hiệp Quốc Khí hậu tại Anh, khai mạc ngày mai, 31/10/2021. Thượng đỉnh được nhiều người coi là cơ hội gần như cuối cùng. Hành động khẩn trương hay là chờ thảm họa, chết chóc đến gần.

    Tuần san Pháp Courrier Internantional dành số đặc biệt cho chủ đề khí hậu, với quan điểm : Hãy nhìn thẳng sự thật nhưng đừng đánh mất hy vọng. Trang bìa Courrier International đăng hình ảnh gấu Trắng Bắc Cực đầu gần ngập trong nước, chỉ hở hai đôi mắt, bốn bề là những núi băng sẵn sàng sụp đổ.Tuy nhiên, nổi bật trên nền hình ảnh biểu tượng cho một Trái đất nóng lên rõ ràng, nóng lên nhanh chóng, tai họa đã nhãn tiền và gần như không thể cứu vãn được này, là hàng tựa đầy lạc quan: “Khí hậu. Tương lai thuộc về chúng ta”.



    “Khí hậu. Tương lai thuộc về chúng ta”

    Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Khí hậu COP26 ở Glasgow, tuần san Courrier International muốn chuyển đến độc giả “những lý do để giữ vững niềm hy vọng”, với việc giới thiệu nhiều trích đoạn từ các báo nước ngoài có uy tín. Điều quan trọng là giữ vững niềm tin để có thể hành động, để tìm ra các phương cách “chống hỗn loạn khí hậu với các nỗ lực cá nhân và tập thể”. Trên trang bìa Courrier, gấu Trắng Bắc Cực tuy gần chìm nghỉm trong nước, nhưng cặp mắt vẫn bình tĩnh hướng về phía trước.

    Courrier International, ngay trong câu đầu tiên của bài giải thích về ý nghĩa của số báo đặc biệt này, chất vấn : Liệu có đúng là thượng đỉnh Khí hậu tại Anh khai mạc ngày mai sẽ là “cơ hội cuối cùng” hay không ? Là một “bước ngoặt của nhân loại” như thủ tướng Anh, quốc gia chủ nhà COP26, khẳng định ? Có rất nhiều lý do để xác nhận điều này.

    Hồi tuần trước các cơ quan tình báo Mỹ ra báo cáo bày tỏ lo ngại về hỗn loạn khí hậu đe dọa “an ninh toàn cầu”. Courrier International nhấn mạnh rằng: cuộc chiến khí hậu dường đã ngã ngũ, thất bại dường như ‘‘đã được báo trước”, bởi các thách thức cần hoá giải của cuộc chiến khí hậu có vẻ như là những điều “quá xa lạ với những mối quan tâm hàng ngày” của đông đảo người dân.

    Bò ăn ‘‘tảo đỏ’’, bảo tồn thực phẩm kiểu Inca, ‘‘đô thị chống lũ’’, dự báo khí tượng cho từng làng…
    Theo tuần san Pháp, tâm thế bi quan, lo sợ phổ biến trong xã hội trước viễn cảnh thảm họa khí hậu. Chính vì vậy, Courrier International tự đặt cho mình nhiệm vụ chuyển đến công chúng thông điệp : Đừng bi quan !

    Số báo đặc biệt của Courrier International nhan đề “Khí hậu. Tương lai thuộc về chúng ta” giới thiệu hàng loạt các hoạt động ở khắp nơi trên thế giới, thường là ở quy mô địa phương, hướng đến việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hay thích ứng với sự biến đổi khí hậu, do Trái đất bị hâm nóng.

    Báo Die Zeit giới thiệu nỗ lực của các nông dân Đức thay đổi thành phần thực phẩm cho bò (với tảo đỏ, hay một số loài cỏ truyền thống ở địa phương) để giảm bớt lượng khí mêtan (CH4), loại khí thải khiến Trái đất bị hâm nóng nhanh chóng, mạnh gấp đến 30 lần so với khí CO2.

    Báo Diyi Caijing Ribao giới thiệu thử nghiệm chống ngập lụt bên trong hàng chục thành phố ven sông Trung Quốc, từ điều chỉnh quy hoạch đô thị đến các phản ứng khẩn cấp hiệu quả hơn…. Báo Ojo Publico ở Peru thì mô tả nỗ lực của người dân địa phương tìm về với các phương thức bảo tồn thực phẩm của nền văn minh Inca cổ xưa, tỏ rõ hiệu quả trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Tờ Kompas ở Indonesia giới thiệu một phần mềm dự báo khí tượng, chính xác đến từng làng, theo thời gian thực, để giúp nông dân địa phương điều chỉnh phương thức canh tác kịp thời. Tờ El Pais (Tây Ban Nha) đưa độc giả đến với trường học đầu tiên hoàn toàn tự chủ được về điện và năng lượng, năng lượng làm ấm về mùa đông và làm mát vào mùa hè.



    Những nỗ lực dang dở : Trung Quốc, Việt Nam…

    Không phải tất cả đều thành công. Rất nhiều thử nghiệm đang trong giai đoạn mầy mò. Thành phố Trịnh Châu Trung Quốc dù đã chuẩn bị đối phó với mưa lớn, nhưng thất thủ với đợt mưa nghìn năm có một. Tờ báo Đông Nam Á Southeast Asia Globe, giới thiệu nỗ lực phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Tỉnh Gia Lai, miền trung Việt Nam, với khoảng 2.000 giờ nắng một năm được coi là nơi lý tưởng cho loại năng lượng tái tạo này. Việt Nam đứng thứ tư thế giới về điện mặt trời lắp mới trong năm 2020. Tuy nhiên, vấn đề với Việt Nam cũng như toàn cầu nói chung là lượng pin mặt trời, với rất nhiều chất độc (như chì, cadmium) sau khi hết hạn sử dụng sẽ được xử lý ra sao là câu hỏi để ngỏ. Ước tính mỗi năm, thế giới tạo ra khoảng 6 triệu tấn rác pin mặt trời.



    Island: Tham vọng hút hàng tỉ tấn CO2

    Hút CO2 từ không khí, cất giữ trong lòng đất là một thử nghiệm đáng chú ý khác tại Island (Băng đảo), được báo Đức Die Zeit giới thiệu. Người phụ trách nghiên cứu của start-up Carbfix, chuyên về hút CO2 ở Island cho biết Island có tham vọng trở thành trung tâm cất giữ CO2 toàn cầu, bởi riêng đảo này đủ chỗ chứa gấp 100 lần lượng khí thải CO2 hàng năm của toàn hành tinh. Carbfix cho biết đang tìm kiếm công nghệ biến CO2 thành vật liệu rắn như đá.

    Tuy nhiên, hoạt động hút và làm nóng không khí để tách CO2 đòi hỏi rất nhiều năng lượng, chỉ phù hợp với những nơi nào có các nguồn điện tái tạo dồi dào. Giá thành hiện nay vẫn còn hết sức đắt đỏ: 1.000 đô la/tấn CO2. Mục tiêu của Climaworks là hút được 1 triệu tấn CO2/năm vào năm 2030, và 1 tỉ tấn vào năm 2050 (lượng khí thải năm 2019 toàn cầu là hơn 40 tỉ tấn. Có nghĩa là để hút hết lượng khí thải năm 2019, hơn 40.000 tỉ đô la). Nhiều chuyên gia hy vọng giá thành hút khí CO2 sẽ giảm mạnh.

    Tuy nhiên, trong hiện tại, theo báo Die Zeit, tất cả các nhân chứng mà nhóm phóng viên tiếp xúc trong khi thực hiện phóng sự, đều hiểu rằng hút khí CO2 (dù có rẻ đi cũng) chỉ là một biện pháp nhỏ trong tổng thể các biện pháp rất đa dạng, và không thể thay thế cho nỗ lực cắt giảm khí thải.



    Khối nước giàu : 80% dân đã chấp nhận thay đổi lối sống

    Đa số người dân tại nhiều khu vực trên hành tinh chấp nhận thay đổi lối sống để góp phần cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính là kết quả khảo sát của một trung tâm nghiên cứu Mỹ (Pew Research Center), được NBC News giới thiệu. 80% trong số khoảng 18.000 người được phỏng vấn tại 17 quốc gia phát triển ở Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á – Thái Bình Dương. Tình hình khác biệt tùy theo từng nước. Tại Đức, Anh, Úc hay Hàn Quốc, nhiều người lo ngại hơn về biến đổi khí hậu. Tại Mỹ, tỉ lệ không thay đổi. Người dân Nhật dường như thờ ơ hơn với chuyện khí hậu, theo cuộc thăm dò này.

    Trong lúc đa số giới trẻ lo ngại về khí hậu, người già lại thờ ơ nhiều hơn. Một nhân chứng trên The Conversation nhấn mạnh đến đóng góp rất quan trọng của người trên 50 tuổi, chiếm đến 47% sức mua tại Anh. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu chỉ có thể thành công nếu có sự trợ lực của lớp người cao tuổi.



    1% dân ''siêu giàu'' : 10 tỉ đô la của Bezos không đủ…

    Courrier International không quên nhóm 1% giầu nhất thế giới, chịu trách nhiệm đến lượng khí thải gấp đôi số 50% dân cư nghèo trên Trái đất. Trang mạng độc lập về các giải pháp khí hậu Grist, dẫn một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, theo đó nhóm 1% giầu nhất phải giảm ít 30 lần lượng khí thải hiện nay của nhóm vào năm 2030. Grist nhấn mạnh là cho dù nhiều ông chủ lớn, như Jeff Bezos, cam kết chi 10 tỉ đô la cho những người bảo vệ khí hậu, thì điều đó hoàn toàn không đủ để bù lại các hậu quả “khủng khiếp” do các hoạt động gây phát thải của họ.

    Theo Grist, một trong những điều mà giới thượng đẳng (mà nhiều người gọi là “giới tinh hoa CO2”) cần làm là, không chỉ là giảm bớt các thói quen tiêu thụ sang trọng tạo nhiều khí thải mang tính cá nhân, mà chủ yếu là tấn công vào tận gốc rễ của vấn đề: dùng ảnh hưởng rất lớn của họ để khuyến khích các công ty, các chính trị gia chuyển sang nền kinh tế xanh.



    Tăng trưởng ‘‘Xanh’’ : Thủ đoạn làm chệch hướng

    Tăng trưởng “Xanh” có thể là một món “mồi nhử” làm chệch hướng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là thông điệp của nhà báo George Monbiot, trên The Guardian. Nhà báo môi trường nổi tiếng của The Guardian nhấn mạnh đến việc một xã hội lấy tiêu thụ ngày mai nhiều hơn hôm nay không thể bảo vệ được môi trường sống. “Tăng trưởng Xanh” là ảo ảnh, “Tăng trưởng” là hủy diệt không thể đi liền với “Xanh”. “Giảm tăng trưởng”, giảm mạnh tăng trưởng là lối thoát cho hành tinh.

    Cũng Courrier International giới thiệu bài phỏng vấn (của The Guardian) nhà khí hậu học kỳ cựu Michael E. Mann, người tranh đấu bền bỉ chống lại việc hâm nóng khí hậu từ hơn 20 năm nay. Trái ngược với không khí lo lắng bi quan bao trùm hiện nay, người được coi là “một trong những nhà khí hậu học có ảnh hưởng nhất thế giới” và đối thủ đáng gờm của các thế lực phủ nhận hiện thực biến đổi khí hậu, đã nhấn mạnh đến bối cảnh hết sức thuận lợi hiện nay của cuộc chiến khí hậu, trong tác phẩm mới ấn hành (The New Climate War).



    Hãy cảnh giác với ‘‘thế lực phủ nhận biến đổi khí hậu’’ !

    Theo ông, giờ đây phe không thừa nhận biến đổi khí hậu “không còn phủ nhận được” thực tế nhãn tiền này. Điều mà Michael E. Mann kêu gọi cảnh giác: phe chủ trương “không hành động” (Les inactivistes) cho dù thất bại, nhưng “không đầu hàng”. Họ chỉ từ bỏ thái độ phủ nhận “thuần túy và thô bạo”, nhưng thay vào đó là “một hệ thống chiến thuật mới”, được tác giả mô tả rõ trong tác phẩm mới ra mắt về “Cuộc chiến tranh khí hậu mới” (The New Climate War). Michael E. Mann đặc biệt chủ ý đến thủ đoạn gây hoảng hốt, với việc reo rắc quan điểm về “thảm họa không tránh khỏi”. Bởi khi người ta cho rằng không có gì còn có thể, chắc chắn là họ sẽ buông tay, và các thế lực vận động cho năng lượng hóa thạch chỉ mong chờ có vậy.

    Michael E. Mann lạc quan khẳng định : dù tình hình hiện nay đầy bất lợi, đặc biệt với đại dịch Covid, nhưng tiếng nói của các nhà khoa học thực sự (về y tế, về khí hậu) đã được đông đảo người dân lắng nghe (để tránh lây nhiễm, giảm khí thải…). Rất nhiều yếu tố cho thấy, khắp nơi con người đang đoàn kết lại với nhau hơn trong cuộc chiến vì khí hậu.



    ‘‘Một phần tư dân Pháp sống ở nơi có nguy cơ ngập nước’’ !

    Chủ đề chính của L’Obs tuần này cũng là khí hậu. Trang bìa của tuần báo thiên tả chạy tựa “Khí hậu: Sự nóng lên đã thay đổi nước Pháp như thế nào”. Trước khi đưa độc giả đến với những thay đổi trông thấy tại Pháp do biến đổi khí hậu, bài xã luận của L’Obs “Gần chúng ta rồi” dẫn lại lời báo động khẩn thiết cách nay gần 30 năm về các hậu quả của biến đổi khí hậu của một công dân Canada, ông Severn Cullis-Suzuki, tại Thượng đỉnh Trái đất ở Rio. Từ đó đến nay, đến hẹn lại lên, hết hội nghị về khí hậu này đến khí hậu khác, nhưng nhân loại dường như vẫn hành động theo quán tính.

    Câu hỏi sát sườn với lợi ích của nhiều người mà L’Obs đặt ra là : nỗ lực làm gì khi Trung Quốc tiếp tục duy trì mức 28% lượng khí thải toàn cầu, khí thải Ấn Độ ngày một tăng vọt…. nơi điện chủ yếu là do than đá. L’Obs trả lời : không có cách nào khác là người Pháp cần hành động, bởi để cắt giảm khí thải, bởi các nước phát triển đã chịu trách nhiệm chính về khí thải trong một thời gian dài, các nước đang phát triển giờ đây chỉ đang chạy đua để bắt kịp sự chậm trễ. Không có cách nào khác là phải hành động, như cảnh báo của công dân Canada cách nay gần 30 năm, “mọi thứ đang diễn ra trước mắt chúng ta”.

    Và dường như để thuyết phục những ai còn chưa tin, L’Obs khép lại bài xã luận với nhận xét : “Tại Pháp, một phần tư dân cư sống tại một khu vực có thể bị ngập lụt”, do biến đổi khí hậu.
    .....



    https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m ... t-niem-tin
Trả lời

Quay về “Quốc Tế”