
MÙI TỬ TẾ

Đêm qua, sau những cơn mưa, gió lùa nghe sắt se bèn co ro luồn giấu tay dưới tấm khăn được tặng cũng bởi khách đến uống cafe, mua sách hồi hổm. Thường khi, sau những đêm nhạc hát với nhau chúng tôi vẫn hay ghé Cấm Chỉ bên hông tòa nhà "trái bắp" ăn đêm vị Bắc hay ghé 5 Ku mới mọc lên sau này ăn vị Nam hay A Bửu vị...nhà hàng... Đêm qua chợt ngán, không phải ngán đồ ăn, ngán tiếng ồn của quán, ngán tiếng nhạc sống của nhà hàng, ngán những năng lượng đêm trỗi dậy tuôn trào qua cuống họng. Rủ nhau lang thang kiếm chỗ ăn cơm tấm. Chỗ cơm tấm chẳng thể ngồi lâu để mà ồn, thèm cái xửng giữ nóng cơm bán đêm mỗi lần dỡ ra là nghi ngút khói, thơm mùi gạo nát, thèm mùi thịt nướng không lẫn giữa nóng bức phố xá mà thơm tròn trịa trong một đêm tiết trời se se như vầy. Thế là đi tìm.
Hai chị em chịu ăn, chịu đi, chạy mãi miết xuống tuốt khu Bình Thạnh gần bến xe miền Đông, tìm quán ngon thì đã dẹp mất. Không bán vì mưa hay vì hết sớm hay vì gì thì không biết. Đường về, thấy cái xe nho nhỏ như xe bánh mì, ngược sáng bóng đèn tuýp nhìn chẳng rõ đang trưng những gì trên kệ bằng kiếng nhưng thấy cái sửng nghi ngút khói lúc anh bán hàng mở nắp.
-Xôi mặn bây ơi
-Cơm tấm chị
-Phải hôn?
-Dạ phải mà, để em quành lại
Dĩa cơm tấm có hăm mấy ngàn một miếng thịt cơ cỡ bàn tay, mong mỏng thôi. Chị bán có lẽ vợ anh, lúi húi chiên trứng ốp la cho khách trên cái bệ kê tạm đặt cái bếp gas mini, kế đó có cái bàn nướng, ống hút khói thả thẳng lên trời cho tránh gió tạt vô mặt khách ăn. Chỉ có ba cái bàn nhôm, ghế nhựa con con, khách ngồi xum xúm với nhau rì rầm, rì rầm, thủ thỉ.
Khách ăn, nhìn chẳng đoán được ai làm nghề gì, họ chẳng còn quá trẻ cũng chưa kịp già, ăn bận không sang đẹp cũng chả tuềnh toàng, nhất loạt như vậy. Nên với hăm lăm ngàn dĩa cơm, cái giá tôi không biết là rẻ hay bình thường vì chẳng thể nào so với những quán ăn đêm khu quận nhứt rồi, nếu so thì hẳn là rẻ, nhưng nếu nhìn lại cái quầy hàng và chỗ ngồi này thì cũng bình thường.
Kiểu ướp thịt vẫn rất SG, lấy ngọt làm chánh vị nhưng gia vị pha tẩm thì cũng mỏng như miếng thịt, tức là có vị để ăn với cơm và nhận ra đó là thịt sườn ăn cơm tấm nhưng ngon thì chắc khó lòng xác nhận. Chén canh mang tính tượng trưng được dọn kèm trông ngồ ngộ
-Canh gì mậy?
-Nhìn khó đoán quá chị, chắc cải chua?
-Không giống, để chị coi. Ê, hình như khổ qua cắt hột lựu
-Gì kỳ, khổ qua cắt hột lựu chi?
-Thiệt, chị thấy có vẻ vậy
Nói rồi chẳng đứa nào đụng đến chén canh "tinh khiết", trong veo. Ăn lót dạ mà cũng chẳng phật ý gì bởi thâm tâm đã muốn trải nghiệm cái gì đó tình cờ nhứt của phố đêm nay bởi đã đi tìm rồi mà không gặp nên gặp gì cũng được.
-Chị ơi, cho em chai nước suối
-Không bán nước em ơi, có bình trá đằng kia, ra lấy uống đi gái
Tôi và thằng em nhứt loạt nhìn ra phía cái bình trà đá đặt ở cái bàn cửa ngõ lối giao thông đi qua 2 cái bàn khác trong này, anh than niên tự rót nước, kê cái miệng bóng loáng hớp ngụm trà đá khà ra nghe đã khát rồi máng cái ly nhựa lên. Có chết khát chắc cũng không dám uống. Thế nhưng, ở đây ai cũng uống như vậy một cách thản nhiên. Tôi mỉm cười với cụm từ "không bán nước em ơi". Tự mình suy diễn rồi tự cười vậy đó cho vui. May thằng em kéo trong balo ra được chai nước suối cứu sanh cho tôi. Hai chị em ngửa cao cổ rót khéo nước vô miệng đặng chia nhau chai nước. Lúc này đứa nào mà chu cái mỏ vô ngậm miệng chai chắc dám từ mặt nhau liền tức thì. Ăn món này, không khát mới là lạ.
Đang định kêu tính tiền thì thấy anh trai chạy xe máy lại, đá chống dừng ngay trước xe cơm hẳn là không có ý định vô ăn. Ảnh phân trần, cám ơn, nhờ vả đủ cả
-Anh cám ơn nhiều lắm nghe, cháu nó nhỏ, nó không biết, anh cám ơn cô chú đã giúp đỡ. Anh ra đây để trả tiền cho con anh, để cám ơn. Cháu nó học gần đây, lần sau nó có lỡ bước, cô chú cứ lại giúp cháu giúp anh, anh hứa anh là anh đâu ra đó.
-Dạ đâu có gì anh ơi
-Của cháu nó nhiêu vậy cô chú?
-Dạ mười ngàn
Tôi với thằng em bỗng dưng cũng ngóc mỏ ngồi hóng chuyện mà hổng hề thấy mình vô duyên. Ba người họ cứ lời qua tiếng lại câu chữ nào cũng tử tế, nương nhường nhau
-Anh cũng là khách ăn đây, nhưng thú thiệt sớm anh không biết, trễ nó mới kể, nên giờ này anh mới chạy liền ra đây. Cho anh gửi tiền cô chú, anh cám ơn nhiều lắm nghen.
-Tụi em không có nghĩ gì đâu anh ơi, nó nhỏ mà, hì hì thôi cám ơn anh nghen, đáng nhiêu đâu mà.
Anh lấy xe chạy đi, tôi cũng chưa hiểu câu chuyện của sự tử tế này là gì thì chị đã quay qua tôi kể.
-Hồi chiều, thằng con ảnh nó đi học về nó đói nó ghé ăn cơm, ăn xong nó hông đủ tiền trả, thiếu mười ngàn, cho nó cái áo mưa đi về. Vậy thôi hà, con nít mà, nó đói thì nó vô ăn chứ nó có nghĩ đủ thiếu gì, mà thiếu thì thôi, cho nó ăn chứ đâu biết nó con ai, nhà đâu mà chấp.
Chị em tôi lại nhìn nhau cười khì, à, hóa ra vậy. Bên thì cảm thông, hào sảng đối với một đứa bé. Bên thì tử tế đến độ đã quá nửa đêm nhưng biết chuyện phải chạy đi trả bằng được mười ngàn đồng con mình thiếu đặng nói tiếng cám ơn.
Có cái gì đó rộn ràng trong lòng chúng tôi. Có cái gì đó tự hào khe khẽ. Có chút gì đó mến ghê.
Cơm tấm sườn bì đêm nay, thơm nức lòng mùi tử tế của thị dân Sài Gòn phố.
Sài Gòn thay da đổi thịt từng ngày, những con đường cứ đêm lên là phanh da xẻ thịt, ngày lấp lại vẫn ngập vẫn ổ gà, ố voi. Sài Gòn đêm cũng chẳng hề yên ả, vẫn cứ rộn rã một cách riêng và có một đời sống khác vẫn nhúc nhích trong đêm song hành cùng ngày. Sài Gòn chưa bao giờ tĩnh. Những con người cũ bao phen nước mắt lưng tròng mơ mòng về một Sài Gòn yên bình theo định nghĩa riêng. Với tôi, mặc cho ai đến, ai đi, hãy cứ giữ giùm đất này,cái mùi tử tế như đêm nay tôi và em đã thấy như nhiều lần khác chúng tôi đã đi lượm về biên lại, thì Sài Gòn sẽ cứ mãi là Sài Gòn cho coi.
Ubee Hoang
(Mùi Sài Gòn)
Nguồn: https://www.facebook.com/Cafedansaigon/ ... 19642410:0