-
Bạn đời
Thỉnh thoảng khi đến quán bia bình dân tôi thường gặp ông Khương ở đó. Lúc nào trước mặt ông cũng là một chai bia, một đĩa đậu hủ chiên chấm mắm tôm và một đĩa đậu phộng.
Ông thường ngồi một mình, không bạn nhậu, không ồn ào. Ông chậm rãi uống bia, ngồi nhàn tản như một nhà hiền triết. Tôi được biết, mỗi chiều, sau giờ làm việc, ông có thói quen đến đây uống chai bia và ngồi trầm tư. Không biết chuyện uống bia của ông là do sự nghiện hay là cái đạo. Nhưng khi ngồi cùng bàn với tôi, ông cũng nói chuyện cởi mở và đầy hiểu biết.
Sau mỗi lần nhậu như thế, tôi thường đề nghị đưa ông về nhà bằng xe của tôi vì tôi biết ông không đi xe đến quán nhậu. Mỗi lần như thế ông đều lắc đầu từ chối và cười nói ông tự về được rồi. Hơn chừng năm lần như thế, tôi có cảm giác là sau cuộc nhậu, ông Khương có một điểm hẹn thứ hai – mà điểm hẹn này chắc chắn liên quan đến phụ nữ. Mà với cương vị của ông, một cán bộ tuyên huấn, không thể tiết lộ cho bất cứ người nào biết được.
Tôi rắp tâm khám phá bí mật của ông. Tôi làm việc này không phải vì sự căm ghét tính đạo mạo của ông mà là muốn khám phá bí mật của một người bạn mình hằng kính trọng. Thói đời có nhiều người mình đặc hết lòng tin, cho đến khi mình ngờ ngợ một cái gì về họ, mình muốn tìm cho ra lẽ để đối chiếu vào lòng tin của mình. Tôi cũng ở vào trường hợp như vậy. Tối đó, tôi đậu xe Honda ở góc đường chờ sẵn.
Quả tình đúng y như tôi đoán, khoảng hơn 7g tối một chút là ông Khương rời quán nhậu. Khi ông Khương vừa ra khỏi quán nhậu thì đúng lúc ấy một chiếc xích lô đạp đã đậu sẵn đó chạy rề rề tới. Ông Khương không nói, không rằng leo lên xe ngửa người dựa vào nệm rất thoải mái. Vì tôi đi xe chầm chậm phía sau, nên tôi không rõ cách nói chuyện của ông Khương với bác tài xích lô như thế nào nhưng có lẽ là rôm rả lắm.
Tôi thấy hình như ông Khương móc thuốc lá mời bác tài nữa. Bây giờ tôi mới phát hiện ra đây là chiếc xe mà ông Khương đi thường xuyên. Chiếc xích lô đi chậm rãi, không có gì gấp rút lắm làm tôi đến sốt cả ruột. Với cách xe chạy này không có dấu hiệu nào để chứng tỏ là ông Khương sẽ đến điểm bí mật thứ hai. Và quả đúng như vậy, sau một hồi chạy vòng vo tam quốc, xe ngừng lại trước nhà ông Khương. Tôi thấy ông Khương xuống, móc túi, trả tiền xe. Hai người chào nhau. Ông Khương bước vào cổng nhà, chiếc xích lô tiếp tục chạy còn tôi thì đứng ngẩn người thắc mắc. Tôi không tin rằng ông đi xích lô chỉ vì… muốn đi xích lô.
Vài ba hôm, tôi trở lại làm thám tử lần nữa. Đợi trước cửa quán và đi theo xe xích lô đến tận nhà ông Khương. Bốn lần đều y như một. Sự đúng đắn một cách đều đặn này của ông Khương làm một kẻ đa nghi như tôi cũng nản lòng.
Sau đó, tôi phải đi công tác xa một thời gian dài theo sự điều động của cơ quan. Thoạt đầu, tôi tưởng đi chừng vài tuần là về, ai dè đợt công tác kéo dài hơn mấy tháng. Việc này lại đẻ ra việc khác liên tu bất tận làm tôi quên bẵng đi cả những chuyện trên Sài Gòn. Bất chợt, một buổi sáng tôi nhận được cú điện thoại đường dài của Minh báo rằng tôi phải về Sài Gòn gấp để đưa đám tang ông Khương. Tôi nói gần như hét lên trong điện thoại:- “Cái gì, ông Khương nào?”,
“Ông Khương tuyên huấn!”.
Tôi lặng người đi và trong đầu tôi lại hiện ra hình ảnh ông Khương đi xích lô đạp. Có một điều kỳ lạ không giải thích được là hai hình ảnh ấy cứ quyện chặt với nhau.
Đó là điều bí mật của ông Khương mà tôi định bụng khi nào gặp ông, tôi sẽ hỏi cho ra lẽ. Nhưng còn cách nào. Xích lô thì cả chục, cả trăm ngàn người, còn ông Khương thì chỉ có một. Có những cái xấu của con người được nhân ra gấp trăm, gấp ngàn khi họ còn sống, còn cái tốt của con người sẽ chôn vùi vĩnh viễn theo cái chết của họ. Nói về cái xấu của người khác thì dễ hơn là nói về cái tốt, nhất là khi họ đã mất rồi. Ai ở không mà đi tìm cái tốt lúc còn sống của người đã chết để thanh minh cho họ.
Tôi thu xếp nhanh để về Sài Gòn đưa đám ma ông Khương. Dầu sao, tôi cũng đỡ áy náy là đã thắp được trước quan tài của ông ba nén hương và uống với ông một chung rượu chia tay. Rồi ai cũng vào chỗ vĩnh hằng ấy mà thôi. Con người sinh ra để rồi đi đến cõi ấy mà! Trong suốt quá trình sinh ra để đi đến chỗ vĩnh hằng ấy, con người đã luẩn quẩn trong những cái vòng danh lợi và sự đau khổ. Trong đoàn người đi theo xe tang đó, tôi nhận thấy có rất nhiều cán bộ chính quyền.
Quá nhiều vòng hoa tang, có thể chất đầy trên khoảng mười bốn chiếc xích lô đạp. Tôi thường có tật nhẩm đếm vòng hoa tang để định vị trí cho sự quan trọng của nhân vật chính trong một đám tang. Nhân vật chính này có thể là người đã chết và rất nhiều khi chính lại là người còn sống. Ủa, nhưng mà mười lăm chiếc xe chứ! Đúng, có một chiếc xích lô đạp, cuối hàng, không có một vòng hoa nào.
Linh tính báo cho tôi biết đó là chiếc xích lô nào rồi. Chiếc xích lô của ông Khương! Tôi không thể bỏ được tính tò mò của mình – dù cho ông Khương đã mất, một cái tò mò bệnh hoạn – lui lại phía sau cùng để gặp bác tài chiếc xích lô đạp của ông Khương. Trước mặt tôi là một gương mặt sạm nắng, nhưng cặp mắt và vầng trán của bác xích lô khiến tôi phải tự hỏi có phải đây là một bác tài xích lô thật sự không? Tôi gật đầu chào ông tài xích lô và ông gật đầu chào lại.
Tôi đột ngột hỏi:- “Bác là bạn ông Khương?”.
“Dạ không, tôi đâu dám có được một người bạn như ổng”.
“Hàng đêm bác chở ông ấy đi mà?”.
“Dạ đúng”.
“Nhưng hình như ông Khương rất thích đi xe của bác?”.
Bác tài cười, một nụ cười rất buồn.- “Dạ ông Khương dặn cứ đúng bảy giờ tối lại quán đó đưa ổng về nhà”.
“Chỉ vậy thôi sao?”.
- “Dạ, chỉ vậy. Nhưng tôi nói chuyện với ông ấy thoải mái lắm, về cuộc đời, về chuyện xã hội… Ông ấy luôn luôn hỏi tôi cái này cái kia…
Tôi nhớ lần đầu ông ấy đi xe của tôi, ổng chỉ hỏi bâng quơ:- “Ông là người Sài Gòn, ông có biết cái cây cổ thụ ỏ đằng sau dinh đốc lý không?”.
- “Biết chứ, nhưng hôm qua người ta đốn nó rồi. Để chuẩn bị xây một cái khách sạn gì đó”.
“Ủa, ông cũng biết chuyện đó nữa à?”.
“Dạ, tôi là người Sài Gòn từ nhỏ tới lớn, cái gì liên quan tới nói, tôi đều quan tâm hết. Dĩ nhiên, có cái cũng đâu có biết…”.
Sau đó, ông ấy kêu tôi bằng học giả xích lô – ông ấy giỡn chơi mà. Cứ mỗi tối, hai thằng tôi – xin lỗi – ông ấy leo lên xe, tôi đạp và nói chuyện. Ông ấy cũng tinh thông chữ Hán lắm. Tôi thấy ông ấy có vẻ là một cán bộ, lại có vẻ là người có học, nhưng ông ấy quá tốt, quá hiền và quá dễ thương. Ông ấy còn gọi tôi là bạn đời ơi nữa… Bữa nay đi đám ma, tôi khớp quá. Toàn là những ông bà lớn không, tôi đi không hợp.
Nếu tôi biết ổng cỡ này chắc tôi chỉ ở nhà thắp ba nén hương quá. Đám ma, đôi lúc nó cũng phân biệt thành phần ông à”.
Lúc ấy, không hiểu sao, tôi chợt nói: –- Tối nay, đúng bảy giờ, ông đạp xích lô đến quán chờ tôi nhé…
Lê Văn Nghĩa
Nguồn: thanghe.com
- “Cái gì, ông Khương nào?”,
Bạn đời
Bạn đời
- nắng thủy tinh
- Bài viết: 3767
- Ngày tham gia: Thứ sáu 15/05/15 06:14
Re: Bạn đời
Chuyện này Nắng mới được đọc lần đầu, đọc xong nghe có thoáng bùi ngùi, cay mắt...cám ơn Bạch Vân đã mang về. 

Re: Bạn đời
cám ơn Nắng
