- 30/04/2024 - tưởng niệm 49 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Nỗi thống khổ bi hùng

Bài viết bởi Hoàng Vân »







  • Nỗi thống khổ bi hùng
    Nguyễn Thế Thăng









    Tại Việt Nam, trước 1975, Nguyễn Thế Thăng tốt nghiệp khoá K2DH/ĐH/CTCT, Đại Học Chiến Tranh Chính Trị. Sau tháng Tư, 1975, ông cùng các chiến hữu vào mật khu tiếp tục chiến đấu chống cộng. Tháng 10-1975, sau nhiều nỗ lực chống trả, mật khu chống cộng bị chiến xa cộng sản tràn ngập, tác giả bị thương rồi bị bắt với vũ khi trên tay, bị mang “triển lãm” tại huyện Thống Nhất, Đồng Nai. Bài viết sau đây là hồi ký về những ngày tháng khốn cùng kể trên.





    Câu chuyện không liên quan tới nước Mỹ, nhưng bản Anh ngữ của bài viết – do chính tác giả dịch – đã được chọn đăng trong tập san “War, Literature Art” của Học Viện Quân Lực Hoa Kỳ (USAF Academy). Phải chăng tờ tạp chí này coi đây như một phần ký ức cần soi sáng của người Mỹ về chiến tranh Việt Nam.



    Sau đây là câu chuyện điển hình về Nỗi Thống Khổ Bi Hùng mà Người Lính Cộng Hoà hằng gánh chịu sau ngày mất nước với lòng can đảm bền bỉ tuyệt đối của người luôn vững tin về Chính Nghĩa của Quân, Dân Miền Nam cũng như của toàn Dân Tộc Việt Nam.



    Suốt cuộc đời tôi trên mảnh đất quê hương bất hạnh, có lẽ mùa Ðông 1975 là một cái đông lạnh lẽo nhất. Không biết có phải vì miền Nam Việt Nam vừa trải qua một cuộc đổi đời khủng khiếp, hay vì lúc ấy tôi đang bị cùm tại Trại A9 Long Thành, Biên Hoà (Ngã Ba Thái Lan) trong một dãy nhà tôn vách gỗ mà không hề có lấy một tấm mền mỏng che thân! Ban ngày ngủ, ban đêm phải thức trắng ngồi xoa bóp liên tục khắp cả người cho ấm. Ôi đêm dài vô tận trong cái lạnh thấu xương cộng thêm vết thương trên người còn tươi máu.



    Chính từ chuỗi ngày đêm nơi tầng cuối địa ngục này lại trở thành một phước duyên cho tôi tập tễnh bước vào Thiền để sống sót và tồn tại đến ngày nay.



    Trước và sau ngày 30/4/75 tôi đã không hề có ý định chạy ra nước ngoài. Khoảng đầu tháng 6/75, tôi lên Trà Cổ (Hố Nai, Biên Hoà) rồi từ đó vào rừng gia nhập Liên Ðoàn 5 của Ðại Úy Lê Ðình Thạch (trước đây thuộc Sư Ðoàn 5 Bộ Binh) gồm một số Biệt Kích Dù, Biệt Ðộng, Cảnh Sát, Ðịa Phương Quân…



    Chúng tôi sống trong các mật khu cũ của việt cộng vùng Sông Buông, Sông Mây (đầu Chiến Khu D). Việt cộng tràn ra thành phố, bỏ ngỏ mật khu của họ lại với đầy đủ chòi, lán, vọng gác trên cây, bếp với nồi niêu xoong chảo, nương khoai, vườn rau và một số rất lớn lựu đạn chày chỉ còn được dùng để đánh cá vì hệ thống kích hoả bị hư đến hơn 60%. Chúng tôi thường tấn công những kho gạo Tân Bình, Tân Bắc, Trà Cổ… Trước khi vác gạo về mật khu, chúng tôi dọn sạch kho đem bỏ từng bao trước cửa mỗi nhà dân. Dân địa phương và gia đình cũng tiếp tế cho chúng tôi rất nhiều thực phẩm khác. Vũ khí cũ như M16, M79 dần dần hết đạn, chúng tôi phải đánh Việt cộng để lấy AK, B40…



    Ðến khoảng tháng 9/75, lực lượng chúng tôi đã có khoảng 80 người. Biết không thể chống cự nổi bọn cộng sản đang say men chiến thắng, chúng tôi dự trù sẽ đi đường bộ băng ngang Kampuchia đến vùng biên giới Kampuchia – Thái Lan để dưỡng quân rồi tùy cơ ứng biến. Trong vùng còn có một toán thuộc Liên Ðoàn Biệt Cách 81 (trước 30/4/75) hoạt động độc lập dưới sự chỉ huy của một người tên Wòng A Cẩu. Chúng tôi cũng đang liên lạc để sáp nhập với một lực lượng khác do Thiếu Tá Tam (Thiếu Tá Nguyễn Phước Trường) chỉ huy. Có một linh mục tham gia tên Trần Học Hiệu — Linh Mục Hiệu sau này đã bị giết chết trong tù. Khoảng tháng 10/75, việt cộng đưa hai Trung Đoàn có bốn chiến xa yểm trợ tấn công đơn vị chúng tôi và đơn vị của Thiếu Tá Tam. Chúng tôi trải quân ra thật rộng với từng tổ tam tam chế, đóng chốt trên tất cả những yếu điểm, kể cả những chòi trên ngọn cây, bình tĩnh sử dụng thật tiết kiệm từng viên đạn một. Chiến đấu trong hơn bốn ngày đêm, chúng tôi đã mất hơn nửa quân số. Sau khi Anh Thạch hy sinh, chúng tôi phải xé lẻ tan hàng.



    Ba người theo tôi đi về Phước Long. Ðến 10g sáng (?), chúng tôi lọt ổ phục kích gần Xã Vĩnh Cửu (?), một Trung Đội cộng sản nằm dài theo bụi tre cách khoảng mười lăm, hai mươi thước bắn xối xả vào chúng tôi đang di chuyển giữa đồng trống, quần áo tôi bị thủng nhiều lỗ, một viên AK xuyên qua đầu gối (đang ở thế ngồi chồm hổm để bắn lại) làm tôi ngã vật ra sau nhưng vẫn tiếp tục bắn đồng thời ra lệnh ba thuộc cấp thoát thân.



    Chuẩn Úy Nguyễn Thạch Ðiệp nhất định liều chết để lôi tôi đi… Tôi hét lên, Ðiệp vẫn không buông tôi ra, tôi phải chĩa súng vào người Ðiệp gằn giọng nếu không chạy đi, tôi phải bắn chú, Ðiệp rớm nước mắt “dạ” rồi vọt liền, cùng lúc với đợt xung phong xáp lá cà của địch, một tên dùng nguyên khẩu súng với trái đạn B40 đập lên đầu tôi, tôi né qua một bên, bị trúng vào gáy rồi ngất đi. Hình như một tên chĩa AK vào đầu tôi định bóp cò, một tên khác la lên:

    – Đừng bắn, thằng này cấp cao, tài liệu sống, đem nó về”.



    Lúc tỉnh dậy thấy mình đang nằm trên võng vải nylon, máu me ướt sũng lưng, bọn việt cộng thay nhau khiêng tôi đi. Ngang qua một số dân địa phương đang làm rẫy, tôi thoáng nghe vài tiếng kêu… Giê-Su Ma!



    Toán cộng sản đưa tôi về huyện Thống Nhất, tỉnh Ðồng Nai (Biên Hoà), nhốt tôi trong một căn nhà không có nóc — bị pháo kích sập, chỉ còn bốn bức tường với các cửa đóng kín bằng những tấm ván lớn chéo nhau. Tôi được đặt trên một bao tải cũ, gối đầu trên một cục gạch thẻ, trên người chỉ còn một quần lót dính đầy máu đã khô, đầu gối được bó lại bằng chính cái áo trận của tôi.



    Ðêm đó trời mưa như trút, cả người tôi ướt như chuột nằm chịu trận suốt mấy giờ. Vết thương đau nhức khủng khiếp, máu vẫn tiếp tục loang loang theo nước mưa. Sau cùng vì quá lạnh, sức đã kiệt, tôi lên tiếng kêu gọi bộ đội xin chuyển tôi đi nơi khác, không nghe tiếng trả lời, tôi ráng lết vào sát chân tường để núp. Nếu lúc đó cửa có mở tôi cũng không thể trốn đi vì đầu gối chân phải đã bị bắn xuyên từ bên này sang bên kia, xương bánh chè bị vỡ nát. Bị bắt tại trận với vũ khí trên tay thế này chắc chắn 100% là chết, nếu lỡ sau này có sống sót, có lành cũng thành phế nhân, tôi đành quyết định chọn con đường tự sát. Ráng đập đầu vào tường nhưng sức không còn. Thử cắn lưỡi thì thú thật đau quá, không đủ can đảm. Có lẽ phải nhờ Việt cộng giết giùm thôi.



    Tôi bắt đầu la lên chửi rủa cộng sản, chửi đích danh Hồ Chí Minh khan cả tiếng. Tôi tiếp tục chửi tất cả những tên đầu não cộng sản lúc bấy giờ mà tôi nhớ được như… Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng, Phạm Hùng, Lê Ðức Thọ… Rồi không biết ngất đi từ lúc nào. Khi tỉnh dậy toàn thân tê tái, tê như đóng băng, đầu vẫn gối trên cục gạch, thân vẫn nằm trên cái bao tải ướt sũng, trên người gần như trần truồng được đắp lại bằng… một tấm tôn! Ngoài kia gió vẫn rít gào, trời vẫn vô tình mưa rả rích, nước mưa vẫn gõ nhịp đều đặn trên tấm tôn lạnh lùng…



    Sáng hôm sau việt cộng triệu tập một cuộc mít-tinh dân chúng huyện Thống Nhất để triển lãm mục đích răn đe với khoảng hơn bốn mươi xác những “tên ác ôn đã đền tội”. Mười một người bị bắt (tất cả đều bị thương), số còn lại trốn thoát. Chúng khiêng tôi ra đặt nằm phía sau một chiếc xe Jeep mui trần cho bà con xem. Rất nhiều tiếng đả đảo từ những tay cò mồi. Không ít những giọt nước mắt nghẹn ngào. Vẫn vỏn vẹn một chiếc quần lót đẫm máu, tôi ngồi thẳng người, bình tĩnh nhếch mép cười khi nghe những tiếng hô đòi tử hình kẻ “tội phạm”.



    Lúc đó đối với tôi hai tiếng “tử hình” nghe không còn ghê rợn nữa mà thật bình thường vì đó chính là điều tôi mong đợi và chấp nhận như một sòng phẳng tất nhiên. Một cô trung niên, mặt khá xinh, người nhỏ nhắn, có vẻ rất hung hăng, vừa xô đẩy những bộ đội giữ trật tự, vừa hô to:

    – Ðả đảo những tên “xâm lăng” (?) khốn nạn, hoà bình không muốn chỉ muốn chiến tranh, những tên mặt người dạ thú, giả nhân giả nghĩa, giết hại dân lành… Hãy để cho tôi nhổ vào mặt nó, đập vào mặt nó, tôi mới hả dạ!



    Tôi nghĩ mụ này là “việt cộng cái” giả dạng thôi, lòng tôi thanh thản đến lạ lùng. Hãy để chúng trổ tài bịp bợm. Tôi chỉ muốn thoát ra khỏi cõi đời ô trọc bằng bất cứ giá nào, bằng bất cứ cách nào, dù xấu nhất. Tôi mỉm cười nhìn thẳng vào mắt mụ khi mụ vung nắm đấm. Mụ không nhổ vào mặt tôi. Mụ cũng không đập vào mặt tôi. Mụ luồn tay vào bụng tôi làm như đấm tôi vậy, miệng vẫn tiếp tục chửi rủa. Tôi cảm thấy cái gì đó nằng nặng trên bụng, liếc nhanh, thì ra đó là một quả quýt nhỏ, tôi vội lấy tay che lại, nụ cười thành trơ trẽn biến mất, nhường chỗ cho sự ngạc nhiên đầy lý thú và cảm thông rất nhanh. Ðôi mắt diễn viên trong một thoáng lạc đi rồi trở lại ngay với vở kịch còn dang dở! Cô ấy trạc tuổi tôi hoặc nhỏ hơn chút ít. Ðến bây giờ, tôi vẫn hằng ước mong có được một dịp tái ngộ người ân nhân tuyệt vời này – Không phải vì đơn thuần quả quýt mà vì giá trị khích lệ trong một hoàn cảnh quá hy hữu.



    Những ngày và đêm tiếp theo là thủ tục hỏi cung. Bộ đội chánh quy từ miền Bắc tương đối nhẹ tay, một vài người nói và làm như miễn cưỡng, một người đã lén pha cho tôi một ly sữa sau lần tôi bị ngất đi vài giờ, nhưng những tay “giải phóng – cộng sản người miền Nam” thì thật tàn bạo… Chính nơi đây tôi đã được nhìn thấy thế giới bên kia sau những lần chết đi, có lần kéo dài đến sáu, bảy tiếng… Tôi đã nhẹ nhàng thanh thoát, lướt bay trên những cánh đồng đầy hoa, không một chút bụi. Không cảm giác áo quần mặc trên mình dù rằng quần áo rất đẹp, không tơ lụa nào sánh bằng, hình như kết bằng mây ngũ sắc. Cả không gian thật tươi mát, thật sạch như vừa trải qua một cơn mưa nhẹ. Bầu trời không một áng mây, không có mặt trời nhưng lại rất sáng và trong suốt như pha lê. Tôi đã nhớ lại từng chi tiết nhỏ cả quãng đời đã qua từ khi nhập thế. Những điểm tốt cùng với bao nhiêu điều xấu. Vui vẻ, hài lòng, thảnh thơi trước những việc thiện. Hối hận, ăn năn, dằn vặt, đau khổ trước những điều bất thiện. Có lẽ đó là “Toà Phán Xét” theo giáo lý đạo Thiên Chúa.



    Có thể đó chính là Niết Bàn và Ðịa Ngục theo Phật Giáo chăng? Tôi đã nghe và hiểu những con chim đang hót những lời tán tỉnh. Tôi đã thấy những con cá giành ăn và nghe chúng cãi nhau. Chính nhờ vậy tôi lại càng không sợ chết nữa, trái lại còn mong muốn được ra đi thật sớm. Tôi như tỉnh ngộ và nhận rõ rằng cái xác này tuyệt nhiên không phải là tôi. Nó chỉ là một phương tiện, một địa chỉ tạm trú của một trong vô lượng vô số kiếp mà thôi. Quá đủ rồi. Tôi đã thoát ra và ngắm nhìn cái xác này bất động. Mấy lần đầu, tôi nghĩ đó chỉ là những giấc mơ.



    Sau vài lần lập đi lập lại thành xác tín, thành khẳng định những gì bên kia cửa tử, tôi khẩn khoản một cách chân tình, một cách rất bình thản: Các anh thấy tôi đã chết nhiều lần, tôi đã được qua thế giới bên kia, đẹp lắm, bình yên lắm, tôi thề sẽ không bao giờ oán hận các anh, tôi hứa sẽ mang ơn nếu các anh cho tôi một viên đạn vào đầu để tôi được đi luôn, không phải trở lại cõi đời này.



    Thật bất ngờ, kể từ hôm đó, họ không hề đụng chạm đến tôi nữa. Một lần, một tay cán bộ bắt tôi nhận diện những đồng ngũ đã hy sinh qua những tấm hình chụp trắng đen. Anh Thạch nằm chết bên cạnh khẩu M60 không còn một viên đạn. Mắt anh một nhắm, một mở. Miệng anh như mỉm cười. Tôi lặng người, nước mắt lưng tròng. Tay cán bộ giả vờ nhìn đi chỗ khác. Tôi cố tình tìm nhưng không nhìn thấy xác Chuẩn Úy Vũ Thế Cường, là anh họ của tôi — anh ruột mẹ tôi là Vũ Thế Nghiệp tức nhà báo Thần Phong hai năm sau đó bị xử bắn tại Thủ Ðức. Vĩnh biệt các anh và hẹn ngày gặp lại, tôi khẽ thì thầm.



    Quay trở về mùa Ðông 1975 tại Trại A9 Long Thành. Trại nằm ngay tại Ngã Ba Thái Lan gồm nhiều dãy nhà tôn vách ván nơi đang tập trung học tập các cựu viên chức hành chánh Việt Nam Cộng Hòa. Chúng tôi khoảng năm mươi người gồm nhiều thành phần bị nhốt trong dãy nhà ngang cuối cùng có hàng rào kẽm gai quây kín. Tất cả tù nhân bị cùm hai chân, xiềng một tay vào ban đêm, ban ngày chỉ xiềng một tay vào một chân.



    Cùng trại có một người lớn tuổi tên là Phan Xuân Hạ, bị bắt vì nghi ngờ là sĩ quan cao cấp Việt Nam Cộng Hòa đang trốn tránh. Cụ rất hiên ngang, dõng dạc. Nghe cái tên quen quen, tôi hỏi cụ có liên hệ gì với với một người bạn cùng khoá là Phan Xuân Mai không. Cụ chỉ mỉm cười: Con cháu trong nhà thôi. Bà Minh Ðăng — Không biết tên thật, chủ đại bài gạo Minh Ðăng, Biên Hoà — người phụ nữ duy nhất bị bắt vì tiếp tế nguyên một xe gạo vào rừng, đã dùng sợi dây xích làm xâu chuỗi, không biết bà đã đọc bao nhiêu kinh mà sợi xích sáng bóng như thép ròng vậy.



    Nguyễn Văn Chi, người bị đánh hội đồng nhiều nhất trong suốt hơn hai tháng vì bị nghi ngờ là Thiếu Úy Trần Văn Chi — Thiếu Úy Chi bị một viên đạn xuyên qua vai phải, trốn thoát, hiện đang ở San Jose – California, Ngô Ðình Chiến bị bắn xuyên qua bả vai trái, tay trái bị liệt. Nguyễn Văn Cân bị ghẻ toàn thân chỉ trừ hai con mắt, Nguyễn Y người Bình Ðịnh — trông giống hệt hình Quang Trung Ðại Ðế, Trịnh Văn Thương bị bắn xuyên qua đùi, Phạm Văn Thận với chiếc jacket với hàng chục lỗ đạn…



    Cũng trong trại này có một người lính cũ của tôi, Ðào Văn Lành, không biết bị bắt bao giờ và về tội gì. Anh được làm trong nhà bếp, phụ giúp nấu cơm cho trại. Một lần đem cơm cho tù nhân, anh nhận ra tôi nhưng không dám nói, chỉ ra hiệu. Tôi thì vẫn… muôn đời Lục Quân Việt Nam, cứ bô lô ba la, cứ vui trước đã, đằng nào cũng chết, vui ngay cả với tử thần như một thân hữu đang đợi trông. Cơm ngày hai bữa trưa và chiều, mỗi người được hơn một chén cơm với “thịt cọp”. Thịt cọp có nghĩa là muối hột, khi nhai kêu cọp cọp.



    Tôi chỉ ăn một nửa muối, phần còn lại dùng pha nước để tự rửa vết thương. Thỉnh thoảng được một chút canh nấu bằng lá cải già hay bí rợ với muối. Một hôm Lành lén trao cho tôi một lon sữa bò trong đó có phân nửa chất nước đen đen, quẹo quẹo mà Lành nói là nước cá kho. Chao ơi, nó ngon làm sao. Mỗi bữa ăn, tôi chỉ dám chan một muỗng cà phê trên chén cơm hẩm mà tưởng như đang thưởng thức món cá cao lâu ngày nào. Khoảng hơn mười ngày sau, khi vắng bóng người, Lành hỏi nhỏ:

    – Nước cá kho tôi cho ông có ngon không?



    – Cám ơn Lành, đang thiếu thốn mà được như thế không gì so sánh bằng.



    Lành thật thà:

    – Ông biết không, tụi nó kêu tôi rửa cá khô, nguyên cả ký lô cá khô tôi rửa bằng một tô nước thôi, nước đó tôi cô lại còn nửa lon cho ông xài đỡ. Ráng sống, ráng nhịn cho qua nghe ông!



    Rồi cũng qua một mùa Ðông. một mùa Ðông tang thương, thê lương trên khắp nẻo đường đất nước. Cả miền Nam biến thành một trại tù khổng lồ. Bốn tháng sau tôi bị chuyển về giam tại xã Ngãi Giao, quận Ðức Thạnh — Phước Tuy/Bà Rịa. Chỉ cùm hai chân ban đêm nhưng ban ngày vẫn phải đeo xiềng vô một chân để đi lao động — mục đích giữ tù không chạy trốn. Từng đoàn tù với xiềng xích kêu loảng xoảng trên đoạn đường gần làng Bình Giả, tôi lẩm bẩm hát bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ (Nguyễn Ðức Quang) thật thấm thía:



    … Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người,

    nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi.

    Nụ cười xa vời, nụ cười của lòng hờn sôi.

    Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian!



    Trung Úy Nguyễn Văn Tài lúc nào cũng chỉ một câu vọng cổ trong Chuyện Tình Lan Và Ðiệp: “Em tên là Nguyễn Thị Lan(g), xác còn nằm đó mà hồn tan(g) lâu rồi!”



    Ở đây tuy ấm hơn nhưng rất khó ngủ vì hàng sư đoàn rệp tấn công suốt đêm. Cũng tại nơi này, hai thằng em tôi là Ðồng Quang Nhường và Nguyễn Văn Hiển bị đánh chết. Hai em trốn trại bị bắt lại. Chúng trói hai tay hai chân rồi treo lên xà nhà như đang khiêng hai con heo. Ðích thân thằng trại trưởng dùng búa gỗ (một khúc cây tròn đường kính cỡ 15cm, dài khoảng 30-40cm, đục một lỗ ở giữa tra cán vào, cán dài khoảng 1m, dùng để đập tôn cho bằng). Nó vung thẳng cánh đập một nhát vào đầu Ðồng Quang Nhường nghe bộp như đập một quả dừa. Nguyễn Văn Hiển ngoái đầu qua nhìn, thuận tay nó vớt một búa ngay quai hàm của Hiển, quai hàm trẹo lặt qua một bên, máu vọt ra có vòi. Tôi nhắm mắt lại kêu Trời! Cố bịt miệng để khỏi la thành tiếng.



    Cả hai xác Nhường và Hiển co giật vài lần rồi buông thõng. Vài phút sau, chúng cắt giây thả hai xác xuống. Tôi và ba người nữa tình nguyện đi chôn. Cả hai xác còn nóng hổi được đặt nằm trên tấm gỗ dài cỡ 1 thước 8, rộng 25 phân, hai cánh tay đong đưa theo nhịp bước, nhất là theo cái cà thọt khấp khểnh chân què của tôi. Hiển máu vẫn còn chảy toong toong trên đường. Cái đầu của Nhường ọp ẹp như quả cà chua úng, hai mắt lồi lên, mặt sưng tím bầm. Ðất tổ ong mà dụng cụ đào chỉ là mấy cái cuốc xẻng cũ sứt sẹo. Trung Úy Tài nhỏ con nhất nhưng là người khoẻ nhất, hăng hái nhất… Mấy ông ráng đào sâu sâu cho hai đứa nó. Cố gắng mãi đến tận mặt trời lặn cũng chỉ đào xuống được khoảng bảy tấc! Cả hai xác đều bị chôn nguyên trạng, không áo quan, không poncho hay chiếu bó lại. Tôi ráng gom vài mảnh báo cũ phủ mặt cho hai em. Xếp vài cục đá xung quanh đầu rồi lấp đất nhè nhẹ như sợ hai đứa đau.



    Ðêm đó tôi không tài nào ngủ được. Khoảng nửa khuya, dưới ánh đèn heo hắt, tôi nhìn thấy thật rõ ràng: Nguyễn Văn Hiển đang đứng bên cửa sổ phòng giam, không nói gì, đôi mắt thật buồn nhìn về xa xăm. Tôi nói thầm: Hiển ơi, thôi em hãy đi đi, đừng luyến tiếc gì cõi đời giả tạm này, nghiệp báo em đã trả xong, đừng oán ghét, đừng hận thù, hãy để cho lòng thanh thản mà siêu thoát…



    Tôi cứ nói như thế, lặp đi lặp lại, dỗ dành, van lơn, lâu lắm, bóng Hiển tan dần rồi biến mất. Hình như có tiếng người trở mình bên cạnh. Tôi xoay qua: Trong bóng tối mờ mờ, tôi nhận ra Ðồng Quang Nhường, hai anh em như đang nằm trên một toa xe lửa, dưới lưng cái gì bầy hầy như phân trâu bò. Tôi hỏi nhỏ: Chúng nó đưa anh em mình đi đâu đây? Chúng nó sẽ đưa anh ra Bắc nhưng anh đừng lo — Nhường lúc nào cũng lạc quan — mọi việc sẽ rất tốt đẹp, rồi anh sẽ vinh quang nơi xứ người. Tôi cười khẩy: Mẹ kiếp, miền Bắc chính là xứ người, không phải xứ của anh em mình, nhưng cái thân tàn tật tù tội trên đất cáo Hồ thì vinh với quang cái khỉ khô gì. Nhường cười. Hai anh em cùng cười với nhau. Tôi bừng tỉnh. Chơ vơ. Thì ra đó chỉ là một ác mộng.



    Mấy tháng sau tôi nhận được lệnh: Tha thụ hình, cho phép đi cải tạo. Tôi bị chuyển qua Trại Lê Lợi. Nơi đây tuy không bị còn bị cùm hay xiềng nhưng ở trong khu cách ly. Bên kia hàng rào nhìn thấy Ngô Bá Lai, Nguyễn Hữu Tạo và một số rất đông bạn bè khác, nhận ra nhau trong ánh mắt thật ngỡ ngàng, tủi nhục, chua xót, đắng cay. Ngô Bá Lai nháy mắt bảo tôi ra nhà vệ sinh, hai đứa trật quần ra ngồi bên nhau trao đổi tin tức. Lai ân cần hỏi tôi thiếu thốn gì không. Một tháng sau chuyển qua trại Long Giao. Tôi vào trại với hai cổ tay và cánh tay bị trói chặt ra sau lưng bằng dây điện thoại, hai chân trần với vỏn vẹn một bộ đồ trên người và một túi vải nhỏ đeo trước ngực. Phạm Văn Bông nhận tôi về tổ, trong cùng tổ có Trần Ngọc Hoàn; cùng đội, cùng trại có Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Nhự, Chung Gia Phong, Bùi Ðức Hùng, Nguyễn Thành An, Ðặng Kim Cương, Trương Hội, Phạm Ðức Thịnh… Trại bên có Nguyễn Ðức Phương. Bạn bè chia sẻ cho tôi thật nhiều đồ dùng và thực phẩm. Phạm Tuế tặng tôi một chiếc quần treillis còn khá mới.



    Ngày 23/5/1977, chuyển ra miền Bắc trên chuyến tàu Sông Hương. Nằm trong toa xe lửa trên đoạn đường từ Hải Phòng lên bến phà Sông Hồng với toàn phân trâu, phân bò, tôi cứ mãi miên man nghĩ về từng chiến hữu trong chiến khu, nghĩ thương hai thằng em bị thảm sát trong tù, về thân phận mình, về dân tộc và quê hương cơn quốc nạn. Ðôi mắt cay cay chiều xót xa…





    Nguyễn Thế Thăng

    https://hon-viet.co.uk/NguyenTheThang_N ... BiHung.htm
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Bạch Đằng Giang

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          


Quốc Hận 30 tháng Tư








Bạch Đằng Giang
Mai Văn Bộ . Nguyễn Thành Nguyên . Lưu Hữu Phước
- Hoàng Vân . Bạch Vân . Ngàn Khơi




          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Đừng quên tháng Tư năm xưa!

Bài viết bởi Hoàng Vân »






Đừng quên tháng Tư năm xưa!







Quê hương khói lửa lao đao

Tháng Tư giặc cộng tràn vào phương Nam

Tháng Tư đen tối hoang tàn

Người dân chạy trốn binh đoàn cộng nô

Tháng Tư sụp cả cơ đồ!

Tự do, dân chủ đáy mồ từ đây

Trên đường chạy giặc máu đầy

Như chim rã cánh tan bầy tìm nhau

Chiến sĩ gẫy súng đớn đau

Trái tim nhiệt huyết ứa màu máu tươi

Tay ôm khẩu súng trên người

Lòng súng hết đạn rã rời đắng cay!

Đại bàng gẫy cánh đọa đầy

Máu rơi, thảm cảnh ai đây cứu đời?

Tan hoang đất nước tơi bời

Quân "Cướp Sạch" đến đất trời tối tăm

Toàn dân thống khổ hờn căm

Đảng vào cướp của, vơ năm vét mười

Đuổi dân lên chốn không người

Rừng thiêng nước độc đất thời sỏi khô

Giết người theo kế hoạch Hồ

Một bầy dã thú điên rồ ác tâm!

Tháng Tư di tản âm thầm

Trốn đảng khát máu thêm lần di cư

Con tầu mỏng mảnh ngất ngư

Lướt con sóng dữ giã từ quê cha

Bao người chôn xác hải hà

Trăm ngàn thảm cảnh: Xót xa ngậm ngùi...

Người con mất mẹ cút côi

Mất chồng mất vợ một đời thương đau

Nhớ không? Ơi hỡi đồng bào

Tháng Tư hãy nhớ năm nào đắng cay!

Đừng quên! Quốc hận ngày này

Đất nước đã mất vào tay Cộng thù

Bao năm trong cảnh âm u

Vùng lên giải thể cộng nô bạo tàn!





Thiên Kim
Tháng Tư Quốc Hận

https://hon-viet.co.uk/ThienKim_thoDung ... NamXua.htm
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Nhắn người về thăm quê hương tháng Tư

Bài viết bởi Hoàng Vân »






          

          
Nhắn người về thăm quê hương tháng Tư





Tháng Tư này bạn có về thăm quê nhà
Cho tôi gửi theo một bình nước mắt
Tưới lên trên mấy mộ phần hiu hắt
Của bạn bè gục ngã ngày cuối Tháng Tư



40 năm hơn tôi đã khóc thừa dư
Ở mỗi độ Tháng Tư về đây đó
Khóc cho người ở lại sống cuộc đời khốn khó
Khóc cho thân tôi lưu lạc phương trời



Khi bạn về nếu có dịp rong chơi
Xin bạn ghé thăm nghĩa trang An Khánh (*)
Nơi an nghỉ của những Anh hùng Tinh Long (**) bất hạnh
Khi người ta chuẩn bị đầu hàng còn cố bảo vệ Thành Đô



Tôi cứ tưởng nước mắt đã cạn khô
Nhưng lại chảy khi đụng tới chỗ đau âm ỷ
Tôi, thằng lính ngang trời không hề ủy mị
Nhưng vết thương lòng còn tươm máu không thôi



Nếu có ghé qua xin bạn đốt giùm tôi
Chín nén nhang cho chín người chung một mộ
Nán một chút nhổ giùm cho sạch cỏ
Để họ nhìn thấy bầu trời vẫn vằng vặc trăng sao



Ơi những oan hồn Tinh Long
Đừng buồn lòng vì hai tiếng “mầy tao”
Như một thuở mình cùng đi mây về gió
Như một thuở trong nhọc nhằn khốn khó


Chia với nhau những tân khổ giữa lưng trời

Mỗi độ Tháng Tư lòng tưởng tiếc, bồi hồi
Khi bóng xế sắp tàn bên ngõ vắng
Còn bao nhiêu nữa những ngày mưa, tháng nắng

Để mình lại hợp đoàn
Hát vang thiên đường
Bản hành khúc Không Quân






Yên Sơn
Mùa tháng 4/2015

Ghi chú:

(*) Nghĩa trang An Khánh ở Thủ Thiêm là nơi có ngôi mộ tập thể của Phi Hành Đoàn Tinh Long 07, là phi hành đoàn bị bắn hạ trong vòng đại phi trường Tân Sơn Nhất, khoảng 7 giờ sáng, ngày 29/4/1975, sau khi quần thảo với bắc quân hơn 1 tiếng đồng hồ.

(**) PHD Tinh Long 07 gồm Trang Văn Thành (Pilot), Tào Thuận (Co-pilot), Phạm Tấn Đức (NAV), Trương Ngọc Anh (NOS), Phan Quốc Tuấn (FE), Nguyễn Thái Bình (G1), Nguyễn Văn Bền (G2), Bùi Minh Tân (IO), Nguyễn Tiến Cường (LM), Nguyễn Văn Chín (Gunner Lead – người duy nhất nhảy dù được, hiện còn sống ở Saigon)

https://hon-viet.co.uk/YenSon_thoNhanNg ... hangTu.htm
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Anh đi chiến dịch & Các anh đi

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          







Anh đi chiến dịch
Phạm đình Chương
Các anh đi
Hoàng trung Thông . Văn Phụng

Bạch Vân




          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Người ở lại Định Quán tháng 3/1975!

Bài viết bởi Hoàng Vân »







  • Người ở lại Định Quán tháng 3/1975!
    Bảo Định - Nguyễn Hữu Chế






    Định Quán là một trong 4 Quận của tỉnh Long Khánh, nằm trải dài dọc theo QL 20, đường đi Đàlạt. Dân chúng chuyên sống về nghề làm rẫy và làm rừng. Vào những ngày cuối trung tuần tháng 3 năm 1975, nơi đây đã xảy ra một trận chiến khốc liệt và hai bên tham chiến đều bị thiệt hại nặng nề. Sau ba ngày giao tranh đẫm máu : 18, 19, và 20, Quận Định Quán đã lọt vào tay quân Cộng sãn Bắc Việt, mở đầu cho những trận huyết chiến về sau tại Ngã ba Dầu Giây, và trận chiến quyết định Xuân Lộc.




    Núi rừng Ðịnh Quán sau một ngày mịt mờ khói súng, giờ đây im lặng đến rợn người. Thời gian như ngừng lại, không gian bao phủ một màu tang tóc thê lương. Dưới ánh sáng nhợt nhạt và lạnh lẽo của vầng trăng khuyết, núi rừng sau trận chiến lại càng thê lương, tang tóc hơn.


    Chỉ mớí vài giờ trước đây, dải đất trải dài hai bên QL 20 của quận Ðịnh Quán, từ Phương Lâm đến cầu Sông La Ngà, chìm ngập trong biển lửa. Cộng quân với đủ loại pháo tầm xa, tầm gần; quân bạn trả đũa bằng các loại pháo 105 ly, 155 ly, 175 ly và các loại bom hạng nặng từ các chiến đấu cơ phản lực, bán phản lực F-5E, A-37 đã làm rung chuyển đất trời vùng đất hiền hòa của người dân quanh năm sống nghề ruộng rễy. Cuộc chiến đấu cho sống còn đã xảy ra thật ác liệt, kéo dài từ sáng tinh mơ đến chiều tối; bom đạn thay nhau trút lên thị trấn nhỏ bé xa xôi này.


    Ngày 5 tháng 3 năm 1975, Quân đoàn 4 Cộng sản Bắc Việt dưới quyền chỉ huy của Tướng VC Hoàng Cầm đã cho lệnh Sư đoàn 7 khai thông QL 20 từ Túc Trưng đến Ðịnh Quán, và bằng mọi giá phải chiếm lĩnh cho được Ðịnh Quán để ngăn chặn lực lượng của Chính phủ rút về từ Ðàlạt, Lâm Ðồng. Một khi chiếm được Ðịnh Quán, thì tiến về phiá Nam chiếm cầu Sông La Ngà, cắt đứt QL 20, cô lập Ðàlạt, Lâm Ðồng với Sàigòn.


    Cha xứ coi họ đạo cầu Sông La Ngà khi đến thăm tôi lúc Tiểu đoàn rút chạy khỏi Ðịnh Quán vừa về đến, nói :


    “Ngày hôm qua khi thấy Tiểu đoàn con di chuyển lên Ðịnh Quán là Cha cảm thấy không xong rồi. Vài ngày trước đây, Cộng sản đưa Cha vào rừng để coi chúng phô trương lực lượng. Cha thấy chúng có cả xe tăng, xe bọc thép, súng phòng không 37 ly, đại bác tầm xa, tầm gần đủ loại. Chúng đang chuẩn bị tấn công mình. Lực lượng Chi khu Ðịnh Quán cùng với Tiểu đoàn con làm sao có thể đương đầu với một lực lượng áp đảo về quân số và vũ khí. Cũng giống như trứng chọi với đá.” (Cha tự giới thiệu là cựu Trung úy tham dự trận Ðiện Biên Phủ năm 1954 tại Bắc Việt.)


    Sáng sớm ngày 18 tháng 3 năm 1975, quân cộng sản Bắc Việt với chiến thuật cố hữu: “tiền pháo, hậu xung”, đã mở màn trận đánh bằng những loạt mưa pháo vào BCH/Chi khu, Ðại đội 377 ÐPQ, và các cứ điểm quân sự khác chung quanh Quận. Sau đó, Trung đoàn 141 được tăng cường xe tăng, đã rầm rộ tiến đánh Dinh Quận trưởng và BCH/Chi khu. Mặt dầu quân trú phòng đã kháng cự dũng mãnh, với sự tiếp tay đắc lực của Trung đội Biệt kích thiện chiến của Tiểu đoàn 2/43, nhưng cuối cùng, lúc gần trưa, Quận đường và BCH/Chi khu đã thất thủ. Thiếu Tá Quận trưởng bị bắt sống. Trung đội Biệt kích đã thoát chạy về đến Tiểu đoàn, mang theo được cả những đồng đội bị thương vong, bảo toàn được lực lượng. Trước đó, Ðại đội 377 ÐPQ trấn đóng trên điểm cao cũng đã bị tràn ngập. Và những đồn bót lẻ tẻ đều bị Cộng quân chiếm cứ từ những giờ phút đầu tiên của trận chiến. Quận Ðịnh Quán đã lọt vào tay giặc. Kế hoạch cắt đứt QL 20 của Cộng quân sắp thành công. Nhưng Tiểu đoàn 2/43, SĐ18BB là một bất ngờ đối với chúng, ngoài dự liệu của kế hoạch.


    Ngày N-1, từ hậu cứ Tiểu đoàn tại Núi Thị, Xuân Lộc, Long Khánh, Tiểu đoàn được tăng phái một Trung đội Pháo binh 105 ly và toán Công binh chiến đấu, di chuyển đến Ðịnh Quán với nhiệm vụ mở những cuộc hành quân tiểu trừ Cộng phỉ, và giữ gìn an ninh quận. Tiểu đoàn vào vị trí, hoàn tất lúc hơn 5 giờ chiều Ðại đội 1 của Trung úy Nguyễn văn Hào được phối trí hoạt động khu rừng hướng Ðông, Ðại đội 4 của Trung úy Hà Văn Dương khu vực hướng Bắc, Ðại đội 3 của Trung úy Nguyễn Văn Hùng khu vực hướng Tây, BCH/TÐ và Trung đội pháo binh đóng quân trên một ngọn đồi phía Tây Bắc quận, gần sát bên căn cứ pháo binh diện địa, được bảo vệ bởi Ðại đội Chi huy (-Trung đội Biệt kích), và Ðại đội 2. Trước khi trời tối, tôi và Ðại úy Tiểu đoàn phó Phạm Ðình Huệ, khóa 23 B Trường Võ Bị Ðàlạt, đến quận viếng xã giao Thiếu tá Quận trưởng, đồng thời thông báo những hoạt động của Tiểu đoàn. Cũng vừa lúc Ðại tá Hoàng Ðình Thọ, Trưởng Phòng 3 Quân đoàn đến thăm bằng trực thăng. Chúng tôi cùng đi gặp Ðại tá Thọ. Buổi tối trôi qua thật yên tĩnh. Ðêm đó có gánh hát Cải lương vừa từ Ðàlạt về lưu diễn. Không khí có vẻ thanh bình! Nhưng các đại đội hoạt động bên ngoài đã ghi nhận được sự xuất hiện khác thường của quân Cộng sản Bắc Việt. Toán tiền đồn phục kích của Ðại đội 4 chạm địch, diệt gọn đơn vị tiền sát của địch. Tất cả đều mặc quân phục chính qui, có đeo phù hiệu cấp bực. Ðại đội 1 cũng báo cáo tiêu diệt được một tiểu đội VC, mà tên chỉ huy có lẽ là một cán bộ cao cấp, tịch thu được một súng ngắn, nhưng khi dương ra thì trở thành cây tiểu liên. Ðây là loại vũ khí mới, lần đầu tiên chúng tôi bắt được trên chiến trường.


    Vì là một bất ngờ ngoài dự liệu của kế hoạch, nên những giờ phút đầu tiên của trận chiến, Cộng quân đã không có một hoạt động đáng kể nào đối với Tiểu đoàn, ngoài những đợt pháo kích. Tôi đã kịp kéo Ðại đội 3 về phòng thủ chung với Tiểu đoàn. Và hai khẩu pháo 105 ly đã có cơ hội yểm trợ đắc lực cho quân bạn. Nhưng khi các lực lượng Chi khu bị đè bẹp, Quận đường bị chiếm, Tiểu đoàn 2/43 là mục tiêu cuối cùng mà địch phải thanh toán.


    Vào lúc quá giữa trưa, địch từ hai hướng Ðông Bắc và Ðông Nam, theo triền dốc tấn công vào Tiểu đoàn. Khu vực này do Ðại đội Chỉ huy đảm trách, cũng là nơi đặt hai khẩu pháo. Nhưng mỗi đợt tấn công đều bị đẩy lui. Cộng quân như những con thiêu thân, lớp trước ngã, lớp sau lại tiến lên. Lực lượng trú phòng đã đốn ngã nhiều tên Cộng phỉ. Có lúc chúng tiến sát tuyến phòng thủ, mặt đối mặt, nhưng vẫn không chọc thủng được tuyến để tràn ngập vị trí.


    Lối 2 giờ chiều, tôi mất liên lạc vô tuyến với căn cứ pháo binh diện địa, một căn cứ nằm sát cạnh Tiểu đoàn. Có lẽ căn cứ đã bị địch chiếm giữ, hoặc cũng có thể bị bỏ ngỏ Giờ đây chỉ còn lại Tiểu đoàn 2/43 đơn độc đương đầu với bầy quỷ dữ. Vị trí của Tiểu đoàn liên tục bị tấn công. Cộng sản vốn xem rẻ sinh mạng của con người, chúng lại thuộc nằm lòng câu phương châm : “Cứu cánh biện minh phương tiện”, nên luôn luôn chúng dùng chiến thuật biển người trong tất cả các cuộc tấn công. Ðây là chiến thuật mà đàn anh vĩ đại của chúng là Trung Cộng đã áp dụng trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên, và chính chúng đã thực hành tại mặt trận Ðiện Biên Phủ năm 1954 để thắng Pháp. Ðể sống còn, có lúc tôi đã yêu cầu máy bay đánh bom ngay trên đầu. Thật ra thì tôi chưa thất vọng đến nỗi phải cho đánh bom lên đầu mình để tự sát, nhưng tôi nghĩ rằng với những chiến đấu cơ phản lực hay bán phản lực F-5E, A-37, bay ở một độ cao để tránh phòng không 37 ly dày đặc của địch, thì lời yêu cầu đánh lên đầu tôi, nhưng bay từ Tây sang Ðông, thì những trái bom chỉ có thể rơi ngay sườn Ðông, nơi tập trung quân đông đảo của địch. Nhưng người bạn chiến đấu không quân, quan sát viên bay trên chiếc L19 bao vùng đã vội an ủi :


    “Thẩm quyền đừng tuyệt vọng, để tôi cố điều chỉnh chính xác cho Thẩm quyền.”

    Và những trái bom tới tấp rơi trên đầu địch đã phá tan đội hình tấn công của chúng. Nhưng trong chiến đấu ta phải chấp nhận tổn thất! Hai trái bom sau cùng đã rơi ngay tuyến phòng thủ. Ðịch chết, ta cũng tổn thất. Vì ta với địch đang ở thế mặt đối mặt. Một đoạn phòng tuyến bị vỡ, nhưng địch cũng đang “Tang gia bối rối”, chúng chưa có thể mở đợt tấn công ngay. Và Tiểu đoàn có đủ thì giờ để điều binh nối lại phòng tuyến. Tôi giao cho Huệ, Tiểu đoàn phó, điều binh phòng thủ.


    Trong lúc đó tôi vẫn liên lạc tốt với máy bay bao vùng và điều chỉnh những đợt đánh bom kế tiếp. Nhưng không lâu sau đó, Cộng quân lại mở đợt tấn công. Lực lượng phòng thủ đã phải chống trả quyết liệt và rất gay go mới giữ vững được phòng tuyến. Tôi thấy tình hình càng lúc càng nguy ngập. Tiểu đoàn đã phải chiến đấu liên tục với địch có quân số áp đảo, đã chịu một số tổn thất, cấp số đạn dược mang theo cũng gần cạn, tinh thần căng thẳng, thể xác mệt mỏi, …Tình trạng không thể kéo dài lâu hơn được nữa. Tôi cho mời vị Trung đội trưởng Pháo binh tăng phái :


    - Anh có bao nhiêu trái đạn chống biển người ?


    - Hai trái, thưa Thiếu tá.


    - Vậy hãy xử dụng khi thấy địch dùng chiến thuật biển người. Nhớ là phải bắn chính xác vào đội hình tấn công của chúng.


    - Nhận hiểu, Thiếu tá.


    Rồi tôi gọi thẳng Sư đoàn, xin gặp Thiếu tướng Tư lệnh, báo cáo tình trạng của Tiểu đoàn và tình hình địch, đồng thời xin lệnh rút ra khỏi trận địa. Tướng Tư lệnh chấp thuận, cũng là lúc địch mở đợt tấn công dữ dội. Nhưng chúng đã bị chận lại tức khắc bởi hai trái đạn chống biển người. Theo tôi được biết, mỗi trái đạn chứa lối 3 ngàn mũi tên. Hàng ngàn mũi tên đã lao vút đâm thẳng vào quân thù. Lớp trước gục ngã như rạ, lớp sau nao núng, chùn chân, và tìm cách tháo lui. Trận địa trở lại yên tĩnh. Lợi dụng lúc địch còn đang hoang mang hoảng sợ, chưa kịp thời chỉnh đốn đội ngũ, tôi cho lệnh Tiểu đoàn rời vị trí, di chuyển về hướng tây. Và hai đại đội 1 và 4 nằm bên ngoài cũng đi về điểm hẹn. Đó là một cụm đồi không cao lắm ở hướng tây, cách thị trấn lối vài cây số. Tôi dự định về đây nghỉ ngơi một lúc, rồi đến nửa đêm, sẽ rút xuống cầu Sông La Ngà, nơi có một Tiểu đoàn ĐPQ đang trấn giữ.


    Trời lúc đó sắp tối. Tiểu đoàn đang ở trong vòng vây địch. Địa thế là vùng núi non trùng điệp. Tiểu đoàn lại phải mang theo lối 80 thương vong đồng đội của mình. Đây là một việc làm không phải dễ dàng gì. Nhưng nhờ những trái bom đánh gần, hay là bom lạc cũng thế, nhất là hai trái đạn pháo chống biển người, địch quân đang hoảng sợ, đang trong cảnh “tang gia bối rối”, Tiểu đoàn đã rút ra khỏi trận địa một cách bình yên. Nhưng chúng vẫn theo đuôi, bám sát Tiểu đoàn. Cuối cùng chúng tôi đã đến được điểm hẹn.


    Đêm hôm đó, một đêm sao đầy trời. Mảnh trăng khuyết chênh chếch trời tây, tỏa chiếu xuống trần gian một thứ ánh sáng nhợt nhạt, thê lương và lạnh lẽo. Gió núi từng cơn rạt rào qua kẽ lá:


    “Hồn tử sĩ gió ù ù thổi,

    Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi.

    Chinh phu, tử sĩ mấy người,

    Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn”.


    Tôi và Huệ ngồi bên nhau, trên miệng của một cái hố đào vội, tạm dùng làm hầm chỉ huy. Lối 9 giờ, Tướng Tư lệnh gọi tôi và cho biết là chiều hôm nay đài BBC loan tin quận Định Quán đã thất thủ, nhưng Phát ngôn viên chính phủ cải chính là quận Định Quán vẫn còn - vì Tiểu đoàn 2/43 còn (Ngày hôm trước khi Tiểu đoàn di chuyển đến Định Quán, tôi được lệnh chỉ huy tổng quát toàn lực lượng tại Định Quán, gồm Tiểu đoàn tôi và lực lượng Chi khu). Đó là lý do người phát ngôn Chính phủ cải chính, và còn nói thêm là hiện quân chính phủ đang tổ chức tái chiếm. Trung tướng Tư lệnh QĐ 3 quyết định Tiểu đoàn 2/43 phải ở lại trận địa, sẽ có quân tiếp viện để tái chiếm.


    Thật là một cái lệnh “chết người”. Nhưng lệnh là lệnh. Là quân nhân, tôi buộc phải thi hành.


    Lối 1 giờ sáng, tôi cho lệnh Huệ dẫn hai đại đội và đưa hết số thương vong qua ngọn đồi xa hơn về hướng tây. Chúng tôi định sáng hôm sau sẽ gọi trực thăng đến tản thương và tiếp tế đạn dược. Khi Huệ cùng đoàn quân ra đi, tôi bảo Huệ hãy cẩn thận, hẹn gặp lại vào sáng ngày mai. Nhưng “sáng ngày mai” đó đã không bao giờ đến. Huệ và hơn 80 thương vong đã ra đi vĩnh viễn, hay nói một cách khác, họ đã ở lại Định Quán an giấc ngàn thu giữa những tiếng bom đạn xé trời trước khi bình minh ló dạng, khi ngọn đồi của Huệ và ngọn đồi của tôi bị quân Cộng sản Bắc Việt tràn ngập. Huệ và hơn 80 chiến sĩ anh dũng của Tiểu đoàn 2/43 đã nằm lại. Khi một Đại đội trưởng thúc dục Huệ rời vị trí, vì địch sắp tràn ngập, Huệ nói :


    “Không, tôi phải đợi Bảo Định, tôi phải ở lại. Tôi không thể…”


    Câu nói chưa dứt thì một trái đạn 37 ly của giặc thù cộng sản Bắc Việt đã nhắm trúng đầu Huệ, Huệ gục ngay trên miệng hố!


    Những lời cuối này của Huệ do Trung úy Hà Văn Dương, Đại đội trưởng Đại đội 4 thuật lại. Huệ và hơn 80 chiến sĩ anh dũng của Tiểu đoàn 2/43 đã hy sinh, đền xong nợ nước vào buổi sáng ngày 19/3/1975 tại Mặt trận Định Quán!




    Bảo Định Nguyễn Hữu Chế
    Tiểu đoàn trưởng TĐ2/43 SĐ18BB.


    https://hon-viet.co.uk/BaoDinhNguyenHuu ... am1975.htm
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Chuẩn Tướng Lê Đức Đạt _ Người ở lại Tân Cảnh

Bài viết bởi Hoàng Vân »






  •           
    Chuẩn Tướng Lê Đức Đạt
    Người ở lại Tân Cảnh




    Tây Nguyên khói lửa ngập biên cương
    Chiến sĩ hy sinh nửa đoạn đường
    Mạt lộ anh hùng ngoài chiến tuyến
    Thất cơ mãnh hổ giữa sa trường
    Đăk Tô sỏi đá còn căm tức
    Tân Cảnh núi đồi mãi tiếc thương
    Khắc khoải trăng nghiêng ngùi Đỗ Vũ
    Rừng khuya đẫm lệ mịt mờ sương


    Nguyễn Minh Thanh
    (Để nhớ Cố Chuẩn Tướng LĐĐ và quý bạn SĐ 22BB)

              





    Lược Sừ: Ông Lê Đức Đạt (1928-1972), sinh tại Hà Đông. Năm 1947 tốt nghiệp bằng Tú tài bán phần chương trình Pháp. Năm 1951 ông nhập ngũ.Theo học khóa 5 Hoàng Diệu tại trường Võ bị Liên quân Đà Lạt, khai giảng ngày 1 tháng 7.

    Tháng 4 năm 1952 mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy hiện dịch. Ông được chọn về đơn vị Thiết giáp và tiếp tục theo học khóa căn bản Binh chủng tại Trung tâm Huấn luyện Thiết giáp Viễn Đông tại Vũng Tàu.

    Năm 1953, được thăng cấp Trung úy, Ông giữ chức vụ Đại đội trưởng Đại đội 5 Thám thính.

    Năm 1954, Ông được thăng cấp Đại úy và được cử đi du học khóa cao cấp Thiết giáp tại trường Thiết Kỵ Saumur Pháp, đến tháng 8 năm 1955 mãn khóa.

    Năm 1956 thăng cấp Thiếu tá

    Năm 1963 làm Trung đoàn trưởng Trung Đoàn 3 Thám thính

    Sau đó được cử đi làm Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Cơ giới Bảo an ở Vũng Tàu, Ông được thăng cấp Trung tá tại nhiệm.

    Đầu năm 1964, biệt phái sang lĩnh vực Hành chính Quân sự và Trung Tá Lê Đức Đạt được bổ nhiệm chức vụ Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Phước Tuy.




              

              
    Cuối năm 1967, Ông trở lại quân đội, chuyển sang đơn vị Bộ binh và được cử làm Tham Mưu trưởng Sư đoàn 25 Bộ binh. Giữa năm 1968, được chỉ định chức vụ Tư lệnh phó Sư đoàn 25BB, Tư lệnh Sư đoàn là Chuẩn tướng Phan Trọng Chinh.

    Tháng 6 năm 1969, Ông được thăng cấp Đại tá, chuyển ra Vùng 2 chiến thuật được cử làm Tư lệnh phó Sư đoàn 22 Bộ binh do Chuẩn tướng Lê Ngọc Triển làm Tư lệnh. Đầu tháng 3 năm 1972, Ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 22 Bộ binh thay Thiếu tướng Lê Ngọc Triển.



    Tân Cảnh thất thủ và hy sinh.



    Tại căn cứ Tân Cảnh, sau một thời gian dài Ông và chiến sĩ dưới quyền đã kịch chiến với địch quân cho đến lúc thế cùng lực kiệt.

    Ngày 24 tháng 4 năm 1972 (Mùa Hè Đỏ Lửa) Ông đã hy sinh tại Bộ Tư Lệnh tiền phương Tân Cảnh, Đăk Tô, Kon Tum.

    Ông được truy thăng lên Chuẩn Tướng và truy tặng Đệ Tam đẳng Bảo Quốc Huân Chương kèm Anh Dũng Bội Tinh với nhành Dương Liễu.


    “Là một tư lệnh, tôi phải ở lại với Tân Cảnh.” Theo lời kể của đại tá Kaplan và một số nhân chứng, đại tá Lê Đức Đạt đã tự sát sau khi căn cứ bị Cộng quân tràn ngập.




    https://hon-viet.co.uk/NguyenMinhThanh_ ... DucDat.htm
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

THÁNG TƯ ĐEN: KHÔNG DỄ GÌ QUÊN

Bài viết bởi Hoàng Vân »







  • THÁNG TƯ ĐEN: KHÔNG DỄ GÌ QUÊN
    Lê Thị Hoài Niệm









    Nơi tôi ở, bên này bờ Thái Bình Dương xa thẳm, một nơi chốn thật yên bình, nơi mà người dân được quá nhiều tự do (vẫn có ít điều cần giới hạn) từ trong nhà ra tới ngoài xã hội, một nơi rất đông người Việt tị nạn đang sinh sống, nơi có quá nhiều phương tiện truyền thông, báo chí phục vụ “Free” cho đồng hương. Bởi lẽ đó, mỗi năm nhân ngày “quốc hận tháng tư đen” ban chấp hành cộng đồng (có ứng cử-bầu cử đàng hoàng), vẫn tổ chức tưởng niệm ngày đau buồn đó.



    Nhưng bên cạnh những uất nghẹn thương đau, cần và cần thiết phải thắp những nén hương, ngọn nến ngồi im lặng mà tưởng niệm, thì các tổ chức, các hội cựu quân nhân muốn qui tụ đồng hương lại càng đông càng tốt, nên hầu hết phải “mướn ca sĩ chuyên nghiệp” ở các trung tâm băng nhạc lớn về. Có những ca sĩ hát rất hay, nội dung bài hát nói lên đươc nỗi đau, hay tinh thần bất khuất của những chiến sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa ngày nào, dám hy sinh thân mình để bảo vệ quê hương, đất nước. Nhưng có vài ca sĩ lên sân khấu cũng không biết mình hát cho ngày gì? hát bài gì cho thích hợp với nội dung ngày đau buồn, nên cứ tha hồ… “nhiều đêm chăn gối bên người không quen biết?” hay “lâu đài tình ái”…. chẳng hạn. Thật hết ý.



    Lại có quá nhiều chương trình trên truyền thanh, truyền hình nhắc nhở nhiều kỷ niệm về tháng tư đen. Người ta kể đến những trận di tản từ miền Trung, miền cao nguyên, những con đường kinh hoàng như tỉnh lộ 7 ở Hiếu Xương-Phú Yên, xác chết chồng lên xác chết, những bãi biển xác người trôi lềnh bềnh, phần tấp vô bờ thì ít, mà làm mồi cho cá chắc nhiều hơn. Đã bao nhiêu năm qua rồi, người ta vẫn còn tìm gặp những bộ xương có mang những tấm thẻ bài còn nguyên vẹn vùi nông nơi bãi cát (không hiểu anh linh của những chiến sĩ bị hy sinh một cách oan uổng, tức tưởi này có sớm được siêu thăng, hay vẫn còn vất vưởng đâu đó vì một nỗi uất hận chưa vơi? Một nén nhang thắp muộn vẫn là tấm lòng của một nữ thường dân còn nợ ơn Người!)..


    Người ta kể lại những trận đánh kinh hồn của những chiến sĩ can đảm nhảy dù, địa phương quân, nghĩa quân…, quyết tâm gìn giữ mảnh đất bao lâu nay đã tốn biết bao mồ hôi nước mắt, bao xương máu, ngay cả thân xác của những người lính đã hy sinh. Cuối cùng thì vẫn phải chạy và lột bỏ quần áo nhà binh và xin thường phục của người dân mặc vào để chạy!!!!. (?)



    Người ta còn sưu tầm cả tiếng nói của vị “Tổng Thống cuối cùng” ban lệnh đầu hàng, phát lại cho thính giả nghe. Có người nặng lời “chửi bới” quan ngài đã dâng đất cho giặc. Phải chi ngày đó ông đừng có …bàn giao chính thể quốc gia cho cộng sản ? Dù biết rằng đại tướng cũng chẳng làm được gì khi giặc đã vào …sát nách mà có một đám quan to, tướng lớn lại yếu hèn đã cuốn gói chuồn êm tự lúc nào. Bao nhiêu năm tháng nắm quá nhiều chức tước, binh quyền mà không làm gì được, để bọn giặc Hồ đem chủ nghĩa cộng sản ngoại lai vào tuyên truyền áp đặt lên người dân miền Bắc bấy lâu nay, giờ đang tràn xuống xâm chiếm miền Nam và cái đám mệnh danh “trí thức” miền Nam cũng theo đóm ăn tàn, nối giáo cho giặc. Người ta nhắc và nhắc những kỷ niệm buồn đau, kèm theo những chuyến vượt biên hãi hùng, từ đường bộ đến đường biển, xác người vùi trong rừng sâu Campuchia, xác làm mồi cho cá mập trên biển cả và nhiều trẻ em, phụ nữ đã là nạn nhân của bọn hải tặc Thái lan dã man hung tợn… Hằng năm và hằng năm tiếp nối chắc không bao giờ kể hết chuyện.



    Người ta hát những bài Nhớ về Sài gòn, Sàigòn niềm nhớ không tên, Sài gòn vĩnh biệt, nghe cũng buồn ray rứt dù nội dung lời ca thường là những cuộc vui chơi, ca hát ở vũ trường, và dù hiện tại người về Sài gòn hằng năm đông như đi chợ (?). Nhưng sao người ta cứ vẫn nhớ về Sài gòn nhỉ? Sài gòn làm gì có trọn tháng tư đen năm ấy? Nghe nhiều người di tản vào Sài gòn, sau ngày “mất nước” trở về kể lại rằng cả tháng tư người dân Sài gòn vẫn còn chính phủ VNCH, người dân vẫn tự do đi lại, vẫn hát vẫn hò, vẫn ngồi uống cà phê vỉa hè, vẫn vào rạp REX xem xi-nê, có chộn rộn chăng là vì có một số người “lánh nạn cộng sản” từ các miền đất nước chạy về, khiến những người có thân nhân đang ở nước ngoài, những nhà giàu có, những người làm việc trực tiếp cho người Mỹ phải nôn nao chạy đôn chạy đáo tìm đường thoát ra khỏi nước và họ đã ra đi rất sớm trước ngày Tổng Thống (có quốc hội chuẩn nhuận) tuyên bố đầu hàng.


    Và nhiều người còn thấm thía nỗi đau khi nghe được chính giọng nói của một người nhạc sĩ nổi danh (nay về bên kia thế giới rồi), đã tỏ lộ nỗi mừng vui khôn xiết, đã “hồ hởi-phấn khởi” tuyên bố ăn mừng trên đài phát thanh quốc gia vừa mới bị “tiếp quản”, và kêu gọi mọi người dân đừng bỏ…cộng sản để ra đi, hãy ở lại dựng xây đất nước với bọn chúng, rồi hăng hái hát suông bài “nối vòng tay lớn” của chính tác giả. Tiếc thay! “Em ra đi nơi này mất hết! ”. Sài gòn và cả nước mất hết, chứ không phải nơi này…vẫn thế mà “ngài nhạc sĩ” đã bênh vực cho chế độ mới và một số ca sĩ vẫn … lải nhải, tung hê!



    Nhưng chắc chắn phải nhắc đến Sài gòn, vì Sài gòn là Thủ đô của cả nước, nơi chính quyền đặt dinh cơ để điều hành guồng máy lãnh đạo đất nước, nếu thủ đô mất vào tay giặc, có nghĩa là đất nước, chính thể không còn nữa. Nhưng nếu nhắc đến tháng tư đen ngòm, phải nhắc đến những tỉnh, những vùng đã bị quân cộng sản chiếm trọn tháng tư, như Nha trang, thành phố biển thân yêu của chúng tôi, mới thấm thía được cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của ba chữ “tháng tư đen”.

    Người di tản tràn đến, từng đoàn người, từng đoàn xe từ Ban mê Thuột, từ Phú bổn, các tỉnh miền Trung đổ về vào những ngày giữa tháng ba. Trường Nam tiểu học, nơi cô trò chúng tôi gặp gỡ hằng ngày, đã không còn bóng dáng học sinh, vì trường đã biến thành “trung tâm tiếp cư”. Các thầy cô giáo chạy đôn chạy đáo tìm thức ăn, gạo muối, quần áo, vật dụng cần thiết vv..vv để phân phối, giúp đỡ những người đang xơ bơ, xấc bấc, lếch thếch, hốt hoảng buồn rầu đang ngồi ủ rủ trong các phòng học làm nơi tạm trú.


    Một buổi chiều, vừa từ trường về, người bạn đã chạy ào vào nhà, và báo tin: cháu chị U đã chết cháy rồi. Tin thật buồn với sự chết chóc đã đến gần sát. Người vừa ra đi là một Pilot Trực thăng, và đơn vị đang hành quân ở BMT. Tàu anh đã trúng đạn phòng không của địch quân, bùng cháy như cột lửa ở trên không. Chạy đến nhà chị U, nhìn chị và bà con trong nhà khóc than, cả bọn chúng tôi vừa đến cũng chụm đầu lại khóc.



    Về nhà lại gặp một người bạn không quân tìm đến thăm, khi biệt đội của anh từ Cần Thơ, biệt phái ra để phụ giúp với các đơn vị bạn. Đáng lẽ ở căn cứ Pleiku, nhưng vì đơn vị trên đó cũng đã di tản, nên các anh lại kéo xuống phi trường Nha trang. Ngồi nghe Anh kể những bữa đổ quân khó khăn với quá nhiều phòng không địch, những chuyến hành quân tiếp tế, và đặc biệt là cứu “dân chạy loạn”. Từng đoàn người, đoàn người từ các tỉnh cao nguyên chạy về, phải đi bằng đường rừng, vì quốc lộ đã bị VC chiếm mất. Họ băng rừng, vượt suối bồng bế gánh gồng mà đi, có người đàn bà đã sanh rớt trên đường chạy loạn, may mà trực thăng đã nhìn thấy nên đáp xuống chở về nhà thương. Có hôm anh phải bay thật thấp để hướng dẫn đoàn người đi lạc trong rừng sâu có thể đi ra con đường mòn lớn hơn mà về được Khánh Dương.



    Nhiều người đổ dồn về và cũng có lắm kẻ ra đi. Người Nha Trang cũng bắt đầu tìm đường tháo chạy, bằng máy bay, bằng xe hơi, xe hai bánh và chủ yếu là ghe thuyền đường biển.


    Một vài ngày cuối tháng ba, trung tâm tiếp cư đã vơi người, một phần người tị nạn có thân nhân đến đón về, một lớp nữa họ tiếp tục xuôi Nam, những Thầy cô giáo cũng xôn xao nhiều vì người đi kẻ ở,Từ làn sóng radio phát đi chương trình tiếng Việt BBC Luân đôn, cho tin quân dân miền Nam đang …thua xiểng liểng, quá nhiều nơi giặc chưa đến đã không còn người lãnh đạo? cơ sở bỏ tan hoang. Và đường phố Nha trang đã có một lớp người mới đến, họ “hung hăng, dữ tợn” vô cùng. Với súng đạn có sẵn trên tay, họ có quyền cướp xe, bắt phụ nữ và làm nhiều điều xấu, người ta bảo “họ là toán lính” vừa đổ bộ lên bờ từ tàu hải quân cặp bến cảng Cầu Đá? Chẳng ai dám ra đường thường xuyên nữa, trong số đó có tôi.



    Tâm trạng hoang mang giữa đi và ở. Ở lại sẽ như thế nào trước tin đồn quân giặc quá dã man. đàn bà con gái sẽ bị “rút móng tay”, bị bắt đi làm “hộ lý” cho bộ đội, đàn ông con trai sẽ bị bắt đi tải đạn, nếu lính tráng bị bắt, mạng sống sẽ không còn, nhiều tin rất hãi hùng mà người thành phố phải để ý đến. Nhưng đi thì đi về đâu? bằng phương tiện gì, nơi chốn nào để đến, hay cũng lang thang lếch thếch như những đoàn người đang nối đuôi nhau trên quốc lộ số một kia. Cuối cùng Ba Má tôi chọn giải pháp có chết thì cũng sẽ chết chung ở nhà mình, vì gia đình quá đông người, lại có thêm mấy gia đình bà con ở vùng ngoài chạy vào tị nạn, mặc dù cá nhân tôi đã được người bạn sẵn dành cho phương tiện để ra đi đêm cuối cùng của tháng ba khi đơn vị anh trở về căn cứ ở miền Tây..


    Buổi sáng ngày một tháng tư, sau khi đưa người anh trai, nguyên là sĩ quan đang làm việc tại bộ Tổng Tham mưu, là một trong những thành viên của phái đoàn về Nha trang dự họp với tướng Ph. mấy hôm trước. Cuộc họp không đi đến đâu và cuối cùng phải trở lại SG. Quang cảnh phi trường Nha trang hỗn loạn không thể tưởng tượng nổi, cổng đóng, quân cảnh cầm súng lăm lăm, có thể nã đạn vào ai đó bất cứ lúc nào, nếu không tuân thủ mệnh lệnh, người và người chen lấn nhau, người la kẻ khóc, lớp trong lớp ngoài. May quá, anh tôi vào được bên trong vì còn “sự vụ lệnh” và đang đi bên cạnh một ông quan lớn.



    Tôi quay đầu xe trở về nhà mà lòng buồn khôn xiết, chán nản tột cùng. Vừa về đến nhà, đã thấy người bạn phi công phản lực vừa từ Phan Rang chạy về, anh hỏi tôi có muốn di tản theo anh không? vì không còn nhiều thời gian nữa. Tôi từ chối và đang nói lời chúc Anh trên đường về Sài Gòn được bình yên, thì người chị bà con xuất hiện, tôi đẩy chị lên yên sau xe cùng đi với anh, và “tặng” chị chiếc khăn quàng Hướng đạo sinh tôi đang đeo trên cổ để chị làm kỷ niệm. Tôi nhìn theo mà mắt cay cay, miệng vẫn lầm thầm cầu nguyện cho hai chị em đến nơí an toàn, dù gì, chị cũng từng là “chị kết nghĩa” của anh ấy.



    Mới tối qua, ngay phòng khách nhà tôi, vài ông Tá cấp cao, vài ông úy cùng ngồi “bàn chiến sự”. Họ trấn an ba má và gia đình tôi rằng: cả nhà đừng có lo, nếu có chuyện xấu xảy ra, thì “Đèo Cả” sẽ là lằn ranh quốc cộng, chia hai phần lãnh thổ như Bến hải ngày xưa. Chúng tôi biết đó là những lời nói…vô thưởng vô phạt, nói để có chuyện chứ họ cũng đâu biết gì hơn. Khi họ đi rồi, ruột gan tôi héo hon quặn thắt, nhất là mỗi khi nghe tiếng máy bay cất cánh rời xa dần phi đạo xé nát không gian, hay những tiếng trực thăng xành xạch rồi nhỏ dần về hướng biển…


    Buổi xế chiều ngày một tháng tư, một người anh họ mặc đồ Lính đến gõ cửa, anh vô nhà mà cánh tay đang quấn băng trắng dính đầy máu khô. Thì ra, lúc di tản từ ngoài Tuy Hòa vào, cả đơn vị bị thất lạc hết, anh bị trúng đạn, tìm đường về nhà tôi để buộc lại vết thương. Nhưng chưa ngồi yên chỗ, anh đã nhìn dáo dác và bắt gặp mấy chị em tôi đang ngồi ủ rũ, anh hét toáng lên: “sao không tìm đường đi đi, bấy giờ ở dưới phố đang hỗn loạn lắm, cả một đám tù nhân hung dữ vừa phá cửa nhà tù và tràn ra đường cướp phá!”



    Cả nhà tôi thất kinh, chưa kịp có phản ứng gì, thì một người hàng xóm chạy về la toáng lên: “nhà ai có con gái lớn phải tìm cách trốn đi, cả một đám tù ở quân lao vừa mới tràn ra đường, họ đang tủa ra nhiều đường phố cướp phá đó..”



    Không còn chần chừ nữa, ba tôi vội vàng dắt chiếc honda 50 phân khối của tôi ra cửa, chiếc xe tôi vừa đưa anh tôi đi buổi sáng, vẫn còn đầy bình xăng, chị lớn tôi chạy đi xúc vài ký gạo, em tôi đi bốc vội vài bộ quần áo, cái mền, thế là 3 chị em phóng lên xe chạy vô Suối dầu, nơi ba má tôi có mảnh vườn trồng nhiều cây trái, với căn nhà nhỏ.



    Trong cơn hỗn loạn, muốn tìm con đường sống, tiềm năng sức mạnh trong mỗi một con người đã thể hiện, vượt qua những sinh hoạt thường ngày mà không ai ngờ tới. Với cái xe nhỏ xíu, mang đến ba con người, thêm gối mền gạo mắm, vậy mà tôi phóng rất nhanh khi không có vật cản trên xa lộ số Một, rồi len lỏi, luồn lách qua một đoạn đường dài lên Thành với hằng hà sa số xe cộ từ xe GMC, xe Jeep, xe hàng, xe nhà, xe hai bánh đủ loại..… và một đoàn người gồng gánh, vai mang, gậy chống, võng khiêng… rồng rắn nối đuôi nhau. Họ âm thầm lặng lẽ lách qua đoàn xe đang nghẹt cứng trên đường.



    Lách mãi, tôi cũng qua được đoạn đường Thành, đang dáo dác tìm lối lách nữa, bỗng nghe có tiếng gọi tên mình. Thì ra, nguyên cả một đoàn xe của Trung tâm huấn luyện Lam sơn cũng trong đoàn người di tản, và đang di chuyển nhích nhích nơi đây vì kẹt cây cầu đàng trước.



    Chia tay với quí anh, những người đã từng đem mồ hôi và nước bọt để huấn luyện cho những tân binh trước khi ra chiến trường chống địch, giờ này cũng đang tham gia vào cuộc di tản vô trật tự, một cuộc “tháo chạy” mà không biết sẽ ra sao ngày sau ?


    Xe chạy và chen lấn mà chạy, qua ngang cầu Lùng, một cảnh tượng thương tâm xảy ra, một xe Honda 90 phân khối, hình như chở đến 7 con người ta lớn nhỏ(?), người tài xế bị lạc tay lái và ngã cái rầm, người văng tung ra, nhưng chẳng mấy ai chịu dừng lại để giúp đỡ người bị thương, có thể chết không chừng(?). Đoàn người cứ tránh qua mà chạy, coi như chẳng thấy gì. Tình nhân loại, lòng nhân ái đã “bị bỏ quên” khi chính mình cũng đang đi tìm lối sống? Hoá ra hình ảnh mấy hôm trước trên TV còn chiếu cảnh những người…đạp đầu nhau để tìm một chỗ ngồi trên tàu di tản là chính xác. “Mạnh được yếu thua” đang diễn ra mọi nơi mọi chỗ trên quê hương tôi? Và trong đó có cả chính bản thân tôi. Buồn thật!



    Cơn mưa chiều hung bạo, xối xả tự nhiên đổ ập xuống. Mưa và gió đập rầm rầm vào mấy bức vách của căn nhà nhỏ, nơi chúng tôi vừa đến chẳng bao lâu. Những hạt nước mưa nặng nề rơi xuống như muốn cuốn trôi dùm nỗi uất nghẹn trong tim của những con người bất lực, đang thua chạy mà không biết tại sao mình bị thua? Nhìn ra đường, đoàn người ướt nhẹp vẫn lóp ngóp đi hai bên lề dưới cơn mưa, xe cộ vẫn chen nhau mà chạy, đoạn đường này ngoài những khu vườn trồng cây với căn nhà nhỏ để ở tạm, không có nhà cửa hai bên đường, nên người đi bộ không thể nào có chỗ núp mưa, nên họ cứ lầm lũi mà đi, như những đám ma trơi mùa tháng bảy…(?)



    Mưa tạnh bớt, một người nhà vườn bên cạnh chạy sang, họ yêu cầu chúng tôi góp tiền mua chiếu để chôn hai người vừa bị xe tông chết ở trên đường quốc lộ. Thương thay hai người Lính đèo nhau trên chiếc xe Honda, và đã bị chiếc xe nào đó đụng phải, họ ngã xuống đường và chết liền tại chỗ, máu loang đỏ cả mặt đường trộn lẫn nước mưa, Dù sao hai người Lính này vẫn có được nén nhang cúng bái và nấm mồ dù chỉ đắp bằng đất, và cả tên tuổi ghi rõ bằng những mảnh gỗ đóng trên đầu mộ.



    Sáng ngày 3 tháng tư, ba tôi vào gọi các con về vì “quân giải phóng” đã vào chiếm thành phố Nha trang hôm qua. Ba tôi nói có một nhóm người đã ra tận đèo Rù Rì để đón mừng(?) và hú hồn vì chúng tôi đã đi thoát đêm đó. Nếu ở lại nhà, không biết chuyện gì sẽ xảy ra, khi mà đám tù nhân hình sự, chuyên cướp của giết người, lẫn những người tù “bất trị” ở quân lao họ túa ra đường phố, đến phá cửa những nhà buôn nào họ nghĩ là có thể cướp được, nhà nào có con gái họ bắt để hãm hiếp. Về sau có nhiều người kể lại, các cô gái phải chui trốn ở những nơi dơ bẩn nhất, trên gác xép, dưới gầm giường, nhà xí v..v…Cũng hên là sau khi vơ vét được mớ tiền của thì họ bỏ đi, cùng lúc, những căn cứ quân sự, những cơ sở chính quyền, nhà dân bị bỏ trống, đã bị nhiều nhóm người khác nhau đến “hôi của” đốt phá. Thành phố đã hỗn loạn giờ thêm cảnh điêu tàn, nhếch nhác..



    Bấy giờ mới thật sự là những ngày hãi hùng của “tháng tư đen” khi bộ đội miền Bắc đã đem xe tăng vào thành phố. Những chiếc xe “molotova” kềnh càng, lù lù chạy ngang chạy dọc trên đường, trên xe chở đầy những bộ đội mặc quần áo màu cứt ngựa và nón cối đội đầu, cả người và xe đều cắm đầy lá như những “cánh rừng “ biết đi. Người dân bình thường đứng nhìn bọn “khỉ rừng xanh” xuất hiện trong lo âu sợ hãi, trong khi những tên nằm vùng xuất đầu lộ diện ăn mừng chiến thắng (?).



    Giọng nói “chanh chua–chát chúa- the thé- sắc lạnh” từ miền Bắc xa xôi nào đó truyền đi qua làn sóng đài phát thanh, với “bảy điểm của ủy ban quân quản” cứ làm người nghe rờn rợn, nổi gai ốc cùng mình. Những lúc ra đường gặp phải những bộ đồ màu cứt ngựa, đôi dép râu và cái nón cối mặt ngơ ngơ ngáo ngáo, nhìn xiêng nhìn xéo trầm trồ, nói chuyện với nhau bằng thứ giọng lơ lớ như người miền núi mà thở dài ngao ngán và tự hỏi: những người chiến thắng đây sao?. Mặc dù người thành phố đã cải dạng, quần áo thường ngày đã đem giấu kỹ, chỉ còn những bộ đồ đen đúa hoặc nâu đà, nhưng vẫn bị nhìn với cặp mắt soi mói, ác cảm.



    Chuỗi ngày tiếp theo thành phố bị tắt ngúm đèn điện ban đêm, nhà nhà đóng kín cửa, leo lét ngọn đèn dầu. Tháng tư đen đúng nghĩa. Thành phố trống vắng, hoang lạnh tiêu điều. Mới hôm nào những con đường phố đông vui nhộn nhịp, những bộ quân phục từ các quân trường, từ nhiều đơn vị về đây, trai thanh gái lịch dìu nhau đi trên phố, trên bãi biển những buổi chiều lộng gió, phố xá sáng trưng, sinh hoạt tấp nập, giờ còn lại một thành phố chết, vắng hoe. Đã vậy những tiếng súng phòng không được đặt khắp nơi cứ bắn lên nổ rền trời, tiếng súng đại bác bay xé không trung, xé trời và xé cả lòng người. Buồn đau và sợ hãi là tâm trạng của những người dân trong thành phố, dù mọi sách báo, tài liệu, của cải hiếm quí đã đem dấu cất, phi tang.



    Những tiếng máy bay ầm ĩ bay trở lại thả bom vào mỗi đêm, nơi đã bị bắt buộc phải treo cờ “Mặt trận giải phóng miền Nam”. Những tiếng nổ long trời lở đất cứ dội lại, rền ra xa, những giấc ngủ chập chờn, khi trên đài phát thanh “quân giải phóng” ra rả loan tin “bọn Mỹ Ngụy” càng ngày càng thất trận. Lệnh của “uỷ ban quân quản” ban ra: “cách mạng sẽ khoan hồng nếu quân dân cán chính Mỹ Ngụy ra đầu thú”. Một người anh họ, chỉ là một “cán bộ xây dựng nông thôn” của một xã ngoài Phú yên, chạy vào nhà tôi tạm trú, ba má tôi lo sợ đã bảo trốn đi vào Nam, nhưng vì nghe lời gia đình của vợ bảo ra trình diện sẽ được “khoan hồng”, bị “cách mạng dẫn độ” về T.Hoà và bị chặt đầu không chút nương tay. Ngày liệm xác phải chờ xin lại.. cái đầu bị chặt để ráp lại cho nguyên vẹn hình hài. Có người thanh niên ăn trộm vặt vì đói quá, bị “bộ đội” bắt đem ra bãi biển “xử tử” để làm gương, dù người bị mất cắp năn nỉ van xin bộ đội khoan hồng đừng xử bắn. Nhưng những con người vô cảm vẫn thi hành mệnh lệnh. Người dân thành phố cảm nhận được nỗi mất mát tột cùng nhưng không biết làm gì hơn.



    Những Thầy Cô giáo như chúng tôi, vào những ngày sau đó, buổi sáng bị bắt buộc phải trở lại trường để “học tập chinh trị”. Nhưng buổi chiều, cứ khoảng hai giờ là leo lên xe đạp, đèo theo chiếc mùng và vắt cơm nguội, đạp xe lên tận trên Thành, hoặc khu Đại điền xin ngủ nhờ qua đêm, chọn những gia đình có “hầm trú ẩn”. Vì cha mẹ già sợ bom đạn từ máy bay “Mỹ Nguỵ” của đám “giặc lái” trở về thả bom, tai bay hoạ gửi chẳng biết đâu mà tránh.



    Dù đã đi khỏi thành phố, nhưng nhiều khi đang ngủ chập chờn, còi báo động rú lên liên hồi, dai dẳng đến rợn người, thế là ba chân bốn cẳng phải chạy chui vội xuống hầm, ngồi bó gối chờ cho đến sáng, khi biết chắc rằng “máy bay Nguỵ” không còn trở lại thăm viếng tặng bom.



    Hỡi ơi! Khi “tháo chạy”, những người “có thẩm quyền” đã không chịu hủy bỏ những gì cần hủy, như tài liệu văn phòng, những hồ sơ cần thiết, hay những cây cầu chiến lược để xe giặc khỏi đi qua. Giờ đã lọt vào tay giặc, họ ra lệnh đem bom về thả chính nơi họ vừa mới bỏ ra đi. Thành phố như đã chết, giờ càng ghi đậm thêm nỗi chết, khi quá nhiều nơi “ăn” bom đạn của chính quân mình, từ ngoài xóm Bóng, đến đường Tô hiến thành, và cả ngôi trường thân thương của chúng tôi cũng lãnh nhiều quả đạn. Gia đình một người ”chạy giặc” chưa kịp tìm phương tiện trở về lại quê xưa, thì người vợ trẻ và đứa con trong bụng đã chết tức tưởi ngay trong phòng học vì quả đạn trúng sập căn phòng .



    Buổi sáng trên đường đi đến trường để dọn xác chết và gạch ngói ngổn ngang, chiếc xe đạp cà tàng của chị bạn bị đứt dây sên, hai chị em vừa dắt xe chạy mà vừa khóc vì đường vắng đến lạnh người, lại tủi thân, xót phận của người bỗng chốc thành kẻ thua cuộc, lại phải đi ngang qua khúc quanh trước cửa trường Nữ trung học, nơi có ba xác chết nằm sấp đó thật hôi thối, mà chưa có người dọn dẹp khiêng đi mai táng….



    Thú thật hồi đó cứ mỗi một đống gạch vụn khiêng đi đổ, là khiêng đổ cả mồ hôi và nước mắt, nhưng đã giữ lại trong tôi nỗi đau và sự tức giận đối với những người vừa là bạn, là phe mình mới hôm qua. Những quán ăn Thọ Lộc, Hoài Linh còn ấm cái ghế ngồi, chẳng lẽ hôm nay đã trở thành…thù địch?. Thương và giận luôn giằng co theo từng bước chân đi. Bao nhiêu ngày của tháng tư đen, là ngần ấy ngày chúng tôi sống trong lo âu sợ hãi, khủng hoảng tinh thần. “Cách mạng” luôn đưa người đến tận nhà “bắt buộc” các thầy cô giáo phải đến trường, nhưng có lúc mới đi đến giữa đường đã phải chạy về vì tiếng súng phòng không nổ đụp đụp liên hồi. Mãi đến khi trên làn sóng đài phát thanh chát chúa oang oang “Mặt trận lâm thời giải phóng miền Nam thông báo là quân dân ta đã chọc thủng chốt cản của Mỹ Ngụy tại phi trường Phan Rang và đang tiến nhanh theo gót bọn chúng đang tháo chạy…” thì không còn nghe tiếng ù ù của “những chuyến bay đêm!. Nhưng ngoài nỗi đau, sự hoang mang sợ hãi giờ mang thêm niềm thất vọng tột cùng.



    Ôi tháng tư đen! đời đen như cục than đen bắt đầu từ những ngày tháng đó. Cho đến một ngày cuối tháng Tư cả nước cùng nghe chung một tiếng loa của “phe thắng trận” với “đại thắng mùa Xuân”! Những ngày mà “đôi dép râu dẫm nát đời son trẻ, nón tai béo che khuất nẻo tương lai ”bắt đầu một chế độ mới. Tiếp theo là những ngày ăn cơm độn với gạo mục, bo bo, mì sợi, với mỗi tháng một cái tem phiếu đi cửa hàng lương thực chờ chực cả ngày mới mua được vài ký rau muống….. Người thì bị đi tù mút chỉ không biết ngày ra, quá nhiều gia đình ly tán. Người tuổi trẻ bị bắt vào đội “thanh niên xung phong” lên rừng chặt cây lồ ô, đi lao động khổ sai tiếp diễn, chịu bao nỗi khổ ảỉ đắng cay. Đã vậy thêm lớp người mới mang băng đỏ, chuyên đi lùng sục bắt bớ những người “chưa chịu tuân thủ” lệnh của chính quyền mới, vào nhà vơ vét tài sản của dân lấy cớ tịch thu “sản phẩm đồi trụy của Mỹ Nguỵ” đã tạo thêm nỗi kinh hoàng cho những người dân vừa bị đổi chủ…, những tháng ngày không thể nào quên, và mãi mãi không dễ gì quên….



    Lê Thị Hoài Niệm

    https://hon-viet.co.uk/LeThiHoaiNiem_Th ... GiQuen.htm
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Đêm nhớ trăng Sài Gòn

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          




          







Đêm nhớ trăng Sài Gòn
Du tử Lê . Phạm đình Chương
- Bạch Vân



:sad3:
          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Anh ở đây - Nhạc sĩ Thục Vũ

Bài viết bởi Hoàng Vân »






  • Anh ở đây - Nhạc sĩ Thục Vũ
    Vũ Chương




              

    Trung tá Vũ Văn Sâm - Nhạc Sĩ Thục Vũ
    1932 – 1976

              


    Năm 1960, một nhạc phẩm có tên là "Tình mùa chinh chiến" được giới yêu nhạc mến chuộng và được các nhà xuất bản tranh giành để được ưu tiên độc quyền xuất bản. Bản nhạc này cũng được thính giả của Đài phát thanh Saigon yêu cầu nhiều nhất trong thời gian đó. Thục Vũ, tên của tác giả bản nhạc nói trên, đã viết nên những dòng thơ nhạc dễ mến mà bao nhiêu năm sau chúng ta hãy còn nhớ như in vào lòng:


    "Người ơi tôi lắng dòng tâm tư

    Nghe chuyện tình người em gái

    Mắt vương khói lam chiều..."


    Với 4 câu thơ mở đầu bản nhạc:


    "Nếu có khi nào nhớ đến tôi

    Thì xin dòng lệ chớ đầy vơi

    Hãy đem ánh mắt pha màu tóc

    Nhuộm áo thời gian, gửi cuối trời..."


    Nhạc sĩ Thục Vũ, tên thật là Vũ Văn Sâm, sinh năm 1932 (tuổi Nhâm Thân) tại vùng Non Côi Sông Vị (làng Nam Lạng, Trực Ninh, Bắc Việt). Anh tốt nghiệp khóa 4 phụ Đà Lạt năm 1954, đúng vào năm ký kết hiệp định đình chiến Geneva chia đôi đất nước. Do đó, Thục Vũ kẹt lại ở miền Nam VN, bỏ lại phía bên kia bờ Bến Hải người vợ chưa cưới mà khi anh còn học ở Chu Văn An, anh đã sáng tác bản nhạc đầu tiên có tên là "Duyên em" để tặng nàng. Nhưng may thay năm sau (1955) người yêu của thiếu úy Vũ Văn Sâm đã vào được nơi miền Nam tự do và lễ cưới được cử hành vào năm 1956.


    Bước đầu của việc binh nghiệp, Thục Vũ được đưa ra phục vụ ở Đà Nẵng, và sau đó là Sư Đoàn 13 ở Tây Ninh và sau một thời gian tu nghiệp bên Hoa Kỳ về ngành Bộ Binh, anh được bổ nhiệm về Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung với chức vụ Trưởng phòng Tâm Lý Chiến ở Trung Tâm Huấn Luyện nàỵ Cũng tại đây, một bản hùng ca được Thục Vũ cho ra đời để tác động tinh thần anh em tân binh. Đó là bài "Quang Trung hành khúc" mà chúng ta thường nghe trong phần nhạc hiệu của chương trình phát thanh của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung của đài phát thanh Quân Đội trước 1975:


    "Quang Trung đây

    Quang Trung

    Anh về đây với tôi

    Ta thi gan xây đời sống mới..."


    Năm 1972, Thục Vũ đưọc đề cử làm Tham mưu phó của Sư đoàn 5 Bộ Binh ở Lai Khê (Bến Cát). Và đơn vị cuối cùng của nhạc sĩ Thục Vũ là Trường Sĩ quan Bộ binh Long Thành trước ngày CS cưỡng chiếm miền Nam. Lúc đó cấp bậc của Thục Vũ là Trung Tá.


    Với cấp bậc Trung Tá, lại phụ trách ngành Tâm Lý Chiến, Trung Tá Nguyễn Văn Sâm chắc chắn là phải đi học tập "mút mùa" nhưng người nhạc sĩ tuy cung cách nhà binh nhưng rất hiền lành này của chúng ta đã phải bỏ mình nơi chốn rừng thiên nước độc chỉ sau hơn 1 năm "cải tạo"!


    Năm 1975, Thục Vũ được Cộng sản đưa về Long Giao rồi đến trại Tân Hiệp (Biên Hòa). Ở đây, anh đã sáng tác nhạc phẩm "Suối máu" với 8 câu thơ cảm đề cũng của Thục Vũ:


    "Em ở Sai Gòn anh ở đây

    Đồi pha cát trắng kẽm gai đầy

    Ngẫn ngơ dăm chuyến tàu xuôi ngược

    Để nhớ nhung về che khuất mây


    "Tôi vẫn thường đêm thương nhớ con

    Thương em tình nghĩa vẫn vuông tròn

    Thương mình ray rứt từng đêm trắng

    Thương bạn anh trong chuyện mất còn


    "Anh ở đây bạn bè anh cũng ở đây

    Áo rách xác xơ thân gầy

    Cùng chung nếp sống lưu đày

    Anh ở đây ngày ngày cơm chưa đầy chén

    Chiều buồn ra xem bầy én

    Kiếm mồi thấp thoáng bay quanh..."


    Nghe nhiều anh em tù cải tạo có dịp đuợc gần nhạc sĩ Thục Vũ lúc còn trong tù kể lại, chính vì bản nhạc này mà nhạc sĩ Thục Vũ bị bọn CS đày đọa để đến giữa năm 1976, anh được đưa ra Sơn La và bỏ mình nơi sương lam chướng khí này vào ngày 15/11/1976. Ngày nay, một tấm mộ bia đơn sơ với đôi hàng nguệch ngoạc "Vũ Văn Sâm, 1932", được anh em tù cải tạo ghi lại, ngoằn ngoèo nơi chốn rừng thiêng nước độc Sơn La.


    Thục Vũ sáng tác không nhiều nhưng mỗi nhạc phẩm của anh là một tác phẩm, như bản "Trăng vàng dạ vũ" mà nhiều người rất thích. Vì là một quân nhân lại phục vụ trong ngành Tâm Lý Chiến cho nên phần đông những sáng tác của Thục Vũ là để phục vụ cho quân đội, cho chính ngành anh đang cộng tác. Ở đài phát thanh Saigon, anh có mặt trong ban Thi Văn Tao Đàn, chương trình Thi nhạc giao duyên và anh cũng là người thay thế thi sĩ Đinh Hùng để phụ trách chương trình Thi nhạc giao duyên trên đài Saigon khi Đinh Hùng mất.


    Là nghệ sĩ, vốn giàu cảm lụy, cho nên cuộc đời tình cảm của nhạc sĩ Thục Vũ cũng không thoát khỏi vòng "tình ái giăng tơ" nhưng với trường hợp của Thục Vũ, đây mới là chuyện tình thật sự vì nó đi ra ngoài những cái thông thường. Người ta bảo "trai tài gái sắc", nếu Thục Vũ yêu một cô gái đẹp, chúng ta cẳng nói làm chi vì họ mến nhau vì tài, cảm nhau vì sắc như trăm ngàn những chuyện tình tầm thường trên đời. Nhưng người yêu của Thục Vũ lại là "một cô gái trời bắt xấu". Nàng là Dương Thị Khánh, tức thi sĩ Lệ Khánh, tác giả những tập thơ "Em là gái trời bắt xấu", một công chức ở tòa tỉnh trưởng Đà Lạt. Chúng ta còn nhớ những vần thơ diễm tình của Lệ Khánh như:


    "Hôm nay trời vào thu

    Đà Lạt lắm sương mù

    Cây khô buồn trút lá

    Gió ven hồ bay xa


    Mây thu lờ lững trôi

    Lồng lộng gió lưng đồi

    Xin anh đừng giận dỗi

    Viết thư về thăm em…"



              

              
    mà Thục Vũ đã phổ nhạc với tựa đề "Tình người hậu tuyến", một bản nhạc đã làm xôn xao trong giới nhạc một thời. Tình yêu giữa họ xảy ra khi Lệ Khánh tròn 20 tuổi cho đến 1975, ngày mà Thục Vũ phải đi "cải tạo" và bỏ mình hơn 1 năm sau đó. Lệ Khánh đã sanh được một đứa con trai mang họ mẹ (Dương) và chữ lót là tên của mẹ (Khánh) với tên chữ đầu là Thục. Bà Thục Vũ, tuy đã biết về mối tình này, nhưng tuyệt nhiên không làm to chuyện mà trái lại ngày con của Lệ Khánh ra đời bà đã đến chăm nom và giúp đỡ "kẻ tình địch".


    Năm 1976, tin nhạc sĩ Thục Vũ bỏ mình trong trại cải tạo Sơn La đã đem lại cho những bạn bè và những người ái mộ anh một nỗi bàng hoàng và căm phẫn. Thục Vũ là người rất hiền lành, hồn nhiên và vui vẻ với bạn bè, mất đi, để lại một người vợ cao thượng (với 5 đứa con), một người tình nhỏ bé, một đứa con kết hợp qua dòng thơ nhạc và một số tác phẩm vẫn còn in sâu trong lòng của những người mến mộ anh.


    "...Hôm nay dành tặng anh

    Vài giọt nắng thơm lành

    Mai kia tàn chinh chiến

    Áo em màu "Mosa"

    Đón anh về hoan ca"



    Vũ Chương




    ________________________




    Anh Ở Đây
    Sáng tác: Thục Vũ
    Trình bày: Đoàn Chính




    ---oo0oo---

    Anh ở đây, bạn bè anh cũng ở đây

    Áo rách xác xơ vai gầy

    Cùng chung kiếp sống lưu đầy

    Anh ở đây, ngày này cơm chưa đầy chén

    Chiều chiều xa trông đàn én

    Kiếm mồi thấp thoáng bay nhanh


    Toa liền toa, tầu đi trong ánh hoàng hôn

    Tiếp nối những dư âm buồn

    Thành thơ ray rứt tâm hồn

    Trăng ngậm sương, mịt mờ không soi nẻo tối

    Đường dài sao rơi lạc lối

    Cho lòng giăng mắc không nguôi


    Chiều Suối Máu xót xa buồn nhớ con

    Tình thương em vẫn đong đầy khoé mắt

    Chiều Long Giao sương mờ đêm u uất

    Nhớ thương vơi đầy hẹn hò vương chân mây


    Anh ở đây, bạn bè anh cũng ở đây

    Vẫn giếng nước sâu bên cầu

    Tìm trăng, trăng vướng dây gầu

    Anh ở đây, ngày này bên trong rào sắt

    Hận thù ưu tư chồng chất

    Giữa lòng núi cũ sông xưa


    Anh đẩy xe, bạn bè anh cũng đẩy xe

    Dưới nắng gắt gay trưa hè

    Lòng đau viễn xứ ê chề

    Mưa chiều đông nhạt nhòa mưa rơi lạnh giá

    Ngậm ngùi trông nhau lặng lẽ

    Chân buồn đếm bước lê thê


    Ôi đời ta, ngờ đâu trăm đắng nghìn cay

    Khúc sắn bát ngô vơi đầy

    Sầu nuôi thân xác hao gầy

    Bao ngày qua đợi chờ tin vui chẳng thấy

    Hận thù yêu thương còn đấy

    Vui đành như cánh chim bay


    Người giữ nước phát gian miền núi xa

    Chiều Sơn La mưa rơi nhòa nước mắt

    Người đi xa trong niềm đau chất ngất

    Lối xưa không về hẹn hò đành đơn sai


    Ôi người đi, về đâu khi nắng chiều phai

    Nắng úa xót xa thương người

    Chiều nao gục ngã trên đồi

    Chim rủ nhau về rừng ru anh ngủ mãi

    Hình hài tan theo cỏ cháy

    Kiếp người kiệt sức buông tay


    Anh ở đây ! Anh ở đây ! Sao vẫn còn ở đây?




              


    https://hon-viet.co.uk/VuChuong_AnhODayNhacSiThucVu.htm
Trả lời

Quay về “Tưởng niệm ngày Quốc Hận 30/04/1975”