- 30/04/2023 - tưởng niệm 48 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

- 30/04/2023 - tưởng niệm 48 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          




          
          
30-04-2023
tưởng niệm 48 năm người Việt mất miền Nam Tự Do
          
          





          


Nước mất nhà tan,
nhưng đoàn người ly hương vẫn nâng cao biểu tượng của Tự Do
mọi nơi, mọi lúc
như một lời thề cho con cháu
đem cờ này về lại quê hương


cho ánh Tự Do trải vàng
từ Cà Mau đến Nam Quan

cho dòng Nhân Ái chảy mãi
trong tim người Nam Trung Bắc



          



          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: - 30/04/2023 - tưởng niệm 48 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





              
    Mục Lục
    _________________

    - 30/04/2023 -
    48 năm mất miền Nam Tự Do




    Bài viết:


    Chương trình Quốc Hận 30/04 -2023-:


    Phim:


    Bài đọc:


    Nhạc:


    Thơ:


    Tranh ảnh:


    Tưởng niệm:



Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5468
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: - 30/04/2023 - tưởng niệm 48 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Trăm nghìn nhánh khổ







    Tôi chợt nhớ những ngày sau tháng Tư 75, đám bạn bỗng nhiên làm đám cưới chớp nhoáng, lấy vợ lấy chồng để đối phó với thời cuộc, rồi vội vã tìm đường vượt biên. Có đứa vượt được qua biên giới, nhưng cũng có đứa về bên kia thế giới. Những người ở lại như tôi, tưởng họ đã đến bến bờ thiên đường.





    Bước lên tàu là ngàn khơi sóng vỗ, không phải là chuyến xe Sài Gòn – Đà Lạt. Có khi Hà Bá mời xuống chơi, có khi tủi nhục trên đường vượt biển, phần còn lại là may mắn. Mà có may mắn lọt vào xứ người cũng chưa hết. Cô bạn tôi cao chưa quá thước rưỡi, với tay đưa khay bánh vào ngăn, trượt chân, u đầu sứt trán. Quên cả đau, vội vội vàng vàng lượm bánh xếp lại vào khay. Bà xếp Tây mắng, Xứ này không ăn dơ như thế.

    Cũng có người đi làm nail, “tiền tươi thóc thật”, dồn hết cho con ăn học. Hy sinh đời bố, củng cố đời con; hiểu sát nghĩa đen là đây, là mồ hôi trộn nước mắt. Khi con thành tài, thân mẹ cũng tàn tạ. Tiền gửi về nhà, người thân trong nước nhiều khi tưởng đâu bên đó kiếm tiền dễ như ăn cơm sườn, xin thêm thứ này thứ nọ. Có biết đâu đó là tiền chắt chiu, có khi là tiền thí mạng không mua bảo hiểm y tế.

    Nhưng cũng có nhiều người kiên nhẫn vừa làm vừa học, thành danh. Nơi xứ người, dù sao vẫn có nhiều cơ hội hơn trong nước, vấn đề là có chịu nắm bắt hay không mà thôi.

    Trong nước thì coi như bế tắc. Hồi đó, tôi dạy kèm thêm luyện thi đại học, dạy nhóm năm, bảy học sinh. Có em học xuất sắc, bài thi làm không chê vào đâu được. Vậy mà rớt. Em là con “ngụy”, thứ “ngụy” còn trong trại cải tạo, làm sao vào đại học nổi, em rớt ngay từ bãi gửi xe. Em đến báo tin, thầy trò ngồi uống cà phê vỉa hè, buồn ứa nước mắt. Thời điểm này không dung những tiềm năng như em… Số phận đời người chứ đâu phải trò chơi chính trị.

    Những năm sau 75, giáo sư, bác sĩ, ông này bà nọ xuống đường ra chợ trời hết, người đạp xích lô, chạy xe ôm, người bơm mực bút bi, bán bún riêu, mở quán cà phê vỉa hè, buôn hàng lạc xon… Người nào lanh hơn thì buôn hột xoàn đổi đô-la…

    Năm 78, tôi gặp một phụ nữ ăn mặc lam lũ, nhưng đẹp, quý phái, không quá ba mươi, trên chuyến tàu chợ. Chị kéo lê hai bao than ra gần cửa tàu, ngước mắt nhìn tôi, nói như năn nỉ: Lát nữa gần đến ga Bình Triệu, anh làm ơn đạp dùm tôi hai bao than này xuống. Chị buôn lậu than, đến ga sẽ bị tịch thu. Đôi mắt chị buồn và nhẫn nhục quá, làm tôi nhớ đến đôi mắt của bà mẹ trong một tác phẩm của C.V. Gheorghiu. Cảnh sát bắt bà mẹ vào bót để tra hỏi nơi ẩn nấp của con bà. Tác giả đã mô tả đôi mắt của bà, cũng buồn và nhẫn nhục như thế.

    Có lần đi chơi khuya, tôi gặp Bùi Giáng ở ngã ba Trần Quang Diệu – Trương Minh Giảng(3), ăn mặc chắp vá màu mè như phường tuồng, cầm cây chổi cùn múa may, chặn đầu xe tôi lại, Cho trẫm điếu thuốc. Hoàng thượng đã chiếu cố dân đen, dân nào dám cãi. Tôi rút điếu thuốc, cung kính châm lửa cho hoàng thượng. Ngài rít một hơi rồi phẩy tay, Cho lui… Lui rồi, ngoái cổ lại, vẫn thấy hoàng thượng tiếp tục múa chổi đi quyền.

    Bùi Giáng đã có mầm mống bất thường từ trước rồi. Sau 75 nặng hơn, lang thang khắp chốn. Cái điên của Bùi Giáng thật hay giả, cũng khó biết. Mất trí như ông vậy mà hay, ý thức buồn vui làm chi cho khổ?

    Mà Sài Gòn lúc đó sao dễ gặp “người điên” thế! Cũng không phải điên, họ có phá phách gì ai đâu. Tôi thường gặp vài ông ăn mặc lịch sự, áo sơ mi trong quần, có ông còn đeo cà vạt, đi đi lại lại ở khu Lê Công Kiều, nơi bán sách cũ. Vừa đi vừa khua tay, lảm nhảm rồi lại gật gù, nào là Marx, Hegel, Mounier, Sartre…

    Người bạn tôi qua được tới bến bờ, vừa làm vừa học, gửi về cho tôi thùng quà chừng ký rưỡi, kèm bức thư ngắn: Gửi mày mấy hộp thuốc Tây, bán đi mà lai rai. Còn lọ nhỏ để uống, đừng bán. Thuốc an thần đó. Tâm thần phải chăng là lối thoát của con người với thực tại?

    Sau 75, tôi học được một điều, mà đến nay vẫn thấy chí lý. Đó là, người chiến thắng tuyệt đối đúng. Người chiến thắng tự hào là đúng rồi, nhưng có khi tự hào cả những cái sai. Sai mà cứ tưởng mình đúng. Chuyện “tủ lạnh chạy đầy đường” chỉ là chuyện khôi hài, chuyện nhỏ. Cái “sai mà tưởng đúng” mới làm đất nước chậm nhịp, di lụy chẳng biết bao giờ mới hết.

    Cả đất nước đã có lúc “sống” bằng khẩu hiệu. Nghe riết rồi quen, nghe tai này lọt tai kia cũng quen luôn. Không quen lỡ có ngày phát điên thì sao?

    Người lẽ ra phải điên mà không chịu điên, đó là mấy bà. Cầm có tí tẹo tiền, xách giỏ đi chợ, loanh quanh đầu chợ cuối chợ cả tiếng đồng hồ, có khi chẳng mua được thứ gì. Mà có tiền đi chợ là còn may, có người chỉ khoai sắn, rau lang, bí đỏ… quanh năm. Ăn để sống sót thì thứ gì chẳng nhét vô bụng được. Bột ngọt khi đó là thần thánh.

    Mấy ông “tù cải tạo” coi vậy chứ chỉ khổ cái thân, chứ cái đầu chưa đến nỗi. Có biết bên ngoài thế nào đâu mà khổ, mà lo. Vợ một bác sĩ quân y đi thăm nuôi, dúi vào tay chồng ít tiền. Thăm nuôi lần sau, thấy tiền vẫn còn nguyên, ông chồng không dám xài. Bà than, Tội nghiệp cho cả gia đình tôi! Ở ngoài vợ con nhịn đói để nuôi tù, ở trong nhịn đói vì không nỡ nuốt cái đói khát của vợ con. Não lòng đến thế là cùng! Nước mắt nuốt ngược thế này, chỉ bị nghẹn mà không phát điên, bà này chắc có căn phần phúc đức.

    Nghe nói mấy ông “ngụy cải tạo” định lập ra ngày vinh danh mấy bà vợ. Không đủ đâu mấy ông. Mấy bà này chắc phải phong thánh.

    Tháng Tư năm nay, Sài Gòn nóng khủng khiếp. Sài Gòn không mưa nhưng Đà Lạt mưa. Những ngày cuối tháng Tư năm nào Đà Lạt cũng mưa, mưa mù mịt che khuất cả đồi thông ở Couvent des Oiseaux đối diện nhà, nhưng mưa chỉ vào lúc trưa chiều, tối tạnh.

    Đà Lạt, tám giờ tối đã như mười hai giờ khuya ở Sài Gòn. Tôi vẫn thích đi bộ mỗi khi có chút hơi men thế này. Con đường dốc về nhà thường kéo theo mệt mỏi của đời người. Tựa lưng vào cửa nhà, hoa lá trong vườn yên tĩnh như đêm. Dưới ánh đèn đường rọi qua hàng rào, bóng của lá cây ngọc lan chập chờn trên mặt sân.

    Cuối tháng Tư rồi. Người ta sẽ đốt pháo hoa ở Sài Gòn để ăn mừng. Ai vui xin cứ vui. Nhưng còn chút tâm tình này không nói về những ngày sau 75 trong mắt tôi là như thế nào, lòng dạ chưa yên…

    Đời trăm nghìn nhánh khổ, nhánh nào cho người, nhánh nào cho mình? Năm 75 là ngã rẽ của đời người. Bạn bè, người thành danh, đứa bầm dập, và cho dù ở phương trời nào, Tây hay ta, nỗi khổ vẫn theo số mệnh mà đến. Giờ đây, đứa nào cũng chạm tay vào buổi hoàng hôn đời người.

    Tháng Tư, tôi thắp ngọn nến trong lòng. Thoảng trong mùi hương ngọc lan, tôi hát theo, hát thầm bài hát nghe được ở quán rượu…

    Cuộc đời là hư vô, bôn ba chi xứ người,

    Khi mình còn đôi tay…(1)


    Vũ Thế Thành

    https://vuthethanh.com/2018/10/01/tram-nghin-nhanh-kho/


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5468
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: - 30/04/2023 - tưởng niệm 48 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Bạch Vân »

          

Thơ Tháng Tư của Nguyễn Hiền, Cao Vị Khanh,
Trần Hoàng Phố, Hoàng Xuân Sơn




Nắng tháng Tư


Em nghe không trong nắng tháng 4
tiếng khóc trẻ thơ lạc mẹ
tiếng kêu gào lạc giọng của người mẹ mất con
tiếng vợ gọi tên chồng
chồng gọi tên vợ
trong cảnh hỗn loạn chen lấn
bước lên con tầu đang kéo neo rời bến
ngày người lính được lệnh buông súng
ngày Sài gòn tuyên bố đầu hàng

em nghe không trong nắng tháng 4
tiếng than dài uất nghẹn của những thương binh
bị đuổi ra khỏi nhà thương
với vết thương trên đầu còn chảy máu
với cái chân gãy mới vừa bó bột
với một cánh tay bị cắt cụt
với thân tàn ma dại chi chít vết thương
do miểng lựu đạn
không một bộ đồ lành lặn
không một xu dính túi
ngày người lính được lệnh buông súng
ngày Sài gòn tuyên bố đầu hàng

em nghe không trong nắng tháng 4
tiếng ve kêu chiều hè buồn bã
trong sân trường vắng lặng
lão cai trường ra sức kéo cánh cổng nặng nề
nhớ đám học trò ngày nào
sau giờ tan học
còn tung tăng chạy nhảy
cánh cổng trường đóng lại
lòng người cũng đóng theo
ngày người lính được lệnh buông súng
ngày Sài gòn tuyên bố đầu hàng

em nghe không trong nắng tháng 4
48 mùa xuân đã đi qua
nắng vẫn vỡ ra những giọt buồn trên góc phố
như Sài gòn ngày nào không có ngày chủ nhựt
nhu Sài gòn ngày nào buồn tênh những con đường
thay tên
vắng những bước chân tình nhân hẹn hò
như Sài gòn ngày nào
tuyên bố đầu hàng

Nguyễn Hiền


***



Chiều Tháng Tư, về qua sông Cổ Chiên


Gió quậy tư bề sóng nhọn hoắc
Thuyền quay như lá cuối mùa rơi
Người qua sông muộn tay ghìm chặt
Vực trống chìm sâu đến rã rời

Nước chảy hung hăng lở sạt bờ
Tưởng ngàn vó ngựa sải qua mau
Người về từ cõi đầy xương sọ
Lòng bể trăm chiều miểng cứa đau

Nước vẫn tuôn tuôn, sầu cuộn cuộn
Ngó lục bình trôi tưởng rã hàng
Người xưa có đợi ? Chờ có muộn ?
Mà cứ trông chừng một bóng sang

Thuở nhỏ qua sông ý đã liều
Thách trời, kiêu ngạo cả hư vô
Hai mươi năm lẻ về vội vã
Nước mất, đường quê rặt bóng mồ

oOo

Gió đẩy thuyền đi, hận quá giang
Cồn xa bỗng lạnh rợn âm quen
Chiêng trống thời xưa gào xung trận
Trách kẻ đời nay để phận hèn !

Cao Vị Khanh


***


Sắc màu tháng Tư

1-

Những con chữ
như những giọt mưa vô tình rơi vào mắt tháng tư
Không còn những giọt lệ
của niềm vui nỗi buồn trên ký ức ngày tháng
Triệu người khóc
Triệu người cười
Triệu người hoan hô
Triệu người tung cờ
Triệu người dở hơi
Triệu người say xỉn
Triệu người bước vào giấc mơ ảo tưởng chân không chạm đất
Triệu người lặng im dáo dác ngó lui ngó tới
Triệu người nuốt chữ nhẫn vào trong lòng tủi nhục
Triệu người vênh vang quả quyết tự hào chiến thắng
Triệu người bỏ nước âm thầm lặng lẽ vượt biên
Triệu người không thuộc phe nào ngơ ngác
Triệu người thuộc phe chịu trận tập thiền

2-

Những bông hoa nở trên
cành nhánh xanh tươi hy vọng tháng tư
Như linh hồn của những đám mây vĩnh cửu trầm tĩnh nhìn ngắm
dòng sông biến cố lịch sử thế gian lạ lùng chảy trôi
Những con hạc trắng bay về
trong giấc mơ tĩnh lặng buổi sáng

3-

Những con chữ rơi
vào trái tim tháng tư
Như cơn mưa rào sáng sớm
Trái tim đau nhói
như bừng tỉnh thức giấc
sau cơn mê dài phẫu thuật

Tháng tư xanh
như chân trời sáng
sau đêm chiến tranh mệt mỏi nhàu nát
Tháng tư đỏ
trong rừng cờ biểu ngữ và những khúc quân hành tụng ca
Tháng tư đen
giăng ngọn cờ phe bại trận bị tù tội ở chốn rừng xanh nước độc
bị biến cố tàn nhẫn loại bỏ
tương lai bị định mệnh lịch sử nhẫn tâm tước đoạt
Tháng tư tím biếc
như niềm hoài nhớ cố hương khắc khoải
của những người mất mát bỏ xứ ra đi
Tháng tư trắng
vành tang ảm đạm của những người thuộc phe nước mắt
Tháng tư xám
vẽ những vết thương lâu lành
Trên cát ảo ảnh
của những người âm thầm chịu trận
mang vác cây thánh giá hoà bình khổ nạn

Bầy hạc trắng bay về chân trời lục biếc phục sinh
Trong tiếng chuông lễ sớm
như giấc mơ sáng tháng tư ngọt ngào tinh khôi

Trần Hoàng Phố


***



tháng tư. không trận và lũ cóc kèn


không có bông hoa nào nở giữa tháng tư
những trụ đèn vẫn chết ngoài đông hải
lâu rồi
ánh sáng ngư trường mê hoảng
vẫn vọng rọi suốt đầm dạ trạch
có thể nào con ngâm thây mẹ trong mùa cá vữa
những chiếc vây phơi trên nóc tòa câm
có thể nào ruồi nhặng và hũ rượu dương cương
vầy cuộc mây mưa giữa luồng âm trạo
tháng tư đau nhức u mê
chẳng phải bùa thiêng trầm ngải
lũ cóc kèn thổi trên không bài ca không dấu
toi nghiet lam rang tui bay troi giat het phương nay
người kinh ôm mặt khóc
khi mẹ lùa hết nửa chân tay xuống biển
chỉ còn chiếc nạng cây khơ nia cha cắm
lút đầu óc tháng tư

Hoàng Xuân Sơn





          
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5468
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: - 30/04/2023 - tưởng niệm 48 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           



    Gần ngày 30/4 (nguoiviettudo)





    Bây giờ tuổi đã lớn mới chợt nhận ra mình cần phải xin lỗi rất nhiều người . Hồi còn nhỏ mình có nhiều thành kiến sai lầm và vì thành kiến đâm ra ghét oan. Chẳng hạn như mấy ông lái máy bay trong Không Quân .

    Phi Công Không Lực VNCH:

    Hồi xưa có thời kỳ mình rất thích ghi danh theo khoá học phi hành . Mấy ông bay trên đầu thiên hạ vốn dĩ là thần tượng của thanh niên mới lớn , bởi vì đâu phải ai muốn làm phi công cũng được . Hồi đó máy bay không nhiều dù chỉ là loại còn sót lại từ thế chiến thứ hai, cho nên phải lựa thật kỹ tuy không cần thiết .Chẳng hạn mắt phải 20/20, răng phải 32/32 (?) tiêu chuẩn chiều cao có ấn định không thể ăn gian vân vân và vân vân .

    Sau này xem chương trình tuyển mộ không quân của Mỹ mới thấy phi công mang kính cận tùm lum và nhiều phi công nữ phải chêm thêm bộ đỡ dưới chân cho vừa vặn chiều cao để điều khiển máy bay jet . Hàng ít quá nên phải thêm tiêu chuẩn tuyển mộ thật khó để loại bớt ra chứ nếu không thanh niên ào ào ghi danh xin gia nhập thiếu máy bay cung cấp .


    Hồi xưa nhìn một phi công người ta rất ngưỡng mộ trầm trồ vì coi đây là mẫu chuẩn của một sức khỏe hoàn hảo từ trên xuống dưới , từ trong ra ngoài nhất là vấn đề chiều cao răng miệng . Phi công phải trên một thước sáu – rất nhiều thanh niên ao ước thời đó – . Nhiều phi công ra khỏi phi trường còn kè kè cây súng rouleau bên nách coi rất ngầu , lại còn ca bài “một chuyến bay đêm” như anh hùng xung phong bay canh phòng cho đất nước được bình yên, mình thức trắng cho dân chúng ngủ say.

    Vậy mà tôi đã không vào Không Quân thậm chí còn ghét dù điều kiện sức khỏe và học vấn có đủ . Hồi đó tôi bị một anh lái trực thăng dớt đẹp người yêu . Con gái mà có phi công ngắm nghé thì trước sau gì cũng mủi lòng (thêm lời đồn phi công thường đẹp trai ). Cho nên tôi đâm ra …oán ! cứ nghĩ mấy ông nội này đi tới đâu gom hết gái đẹp ở đó là muốn ứa gan !!.

    Nhưng khi biết phi công bị bắn nổ tung theo máy bay trên bầu trời gom lại không đủ một bụm , hay nhảy dù được mà lại bị VC bắt sống thì tôi thấy nể họ . Chuyện đó hầu như xảy ra mỗi một phi vụ , khi bước lên máy bay họ không biết chắc rằng mình còn cơ hội trở về .

    Huấn luyện thành thạo một phi công đâu phải đơn giản ? ngoài chuyên sức khoẻ họ còn phải có học – ít nhất cũng Tú Tài Một – mà ai đã sống thời VNCH mới thấu hiểu nỗi lòng học sinh đi thi hai cái bằng Tú Tài . Nhiều sĩ tử thậm chí nhảy cầu hay uống thuốc chuột tự vận .

    Mấy ông phi công rất đáng khâm phục anh hùng thời mặt trận An Lộc nóng bỏng . Hầu như họ tử trận hàng ngày. Nhiều xác nằm rừng cho tới chiến thắng mới thu hồi được trả về cho thân nhân chỉ còn là nhúm xương khô . Những thanh niên ưu tú ( theo đúng nghĩa đen ) của đất nước đổ máu mình ra cùng đồng đội bộ binh nằm xuống trong vinh dự và tình yêu thương của dân chúng.


    Ai không nhớ Đại Uý Trần Thế Vinh hay Trung Úy Trang Văn Thành – người lái Hoả Long những ngày cuối tháng Tư 75 cùng các đồng đội – bị bắn nổ tung trên không phận Sài Gòn ?

    Du học sinh thời chiến:

    Hồi xưa con nhà giàu thường được cha mẹ lo cho ra nước ngoài du học vừa tránh được chuyện phải vào quân trường rồi ra mặt trận bị trúng một viên đạn coi như xong đời . Họ sẽ an toàn và khi cầm mảnh bằng tốt nghiệp phương Tây yên chí lớn về tương lai sáng lạn không như những bạn bè đồng lứa chết trên mặt trận hàng ngày.

    Quốc gia thường được chọn du học là Pháp , Canada và Úc (Mỹ không có nhiều trừ thành phần quân sự). Những sinh viên tốt nghiệp nếu muốn có thể ở lại tìm việc làm và định cư mặc kệ tình trạng chiến tranh ở Việt Nam ra sao thì ra…

    Học sinh nghèo không có điều kiện đi du học thường nghĩ về những ” anh em” may mắn hơn mình như thế !!

    Vài ngày trước 30/4/75 khi VNCH như chỉ mành treo chuông vì sự rối loạn ở miền Nam và các cuộc tấn công quân sự dữ dội của miền Bắc người ta tưởng những du học sinh chắc cũng cuốn cờ cuốn gói theo ” cách mạng” kiếm chút cháo .

    Nhưng không !!!

    Họ không giống như những gì anh em còn trong nước hiểu lầm về họ . Ở Pháp họ biểu tình , lên án sự cưỡng chiếm bằng võ lực của VC và bày tỏ lòng trung thành với VNCH. Họ tổ chức tuần hành và đưa tang Tổ Quốc đang hấp hối, nơi gia đình cha mẹ anh em bạn bè không biết rồi sẽ ra sao . Họ không bỏ mặc VNCH như nhiều người từng hiểu lầm về họ .

    Sau 75, những anh em này đã tỏ tinh thần yêu nước và tâm tư về một Tổ Quốc bị cưỡng chiếm đau thương điển hình trong số là cựu sinh viên Trần Văn Bá và các đồng chí tìm đường trở về , chấp nhận đổ máu để phục quốc . Họ đặt chân được lên đất miền Tây nhưng bởi sự thâm nhập của địch vào tổ chức các anh bị thất bại . Máu của các anh đã thấm nhập vào đất Việt Nam và sách sử trung thực sẽ ghi lại những việc làm anh hùng này .

    Những người lính VNCH

    Kính gởi quý vị

    Quý vị đã làm hết Bổn Phận và Trách Nhiệm của mình để bảo vệ Tổ Quốc trong Danh Dự . Không nên dằn vặt mình bị thua vào tay kẻ thù .Thiên Định đã như thế chẳng thể làm gì được .

    Nhưng hãy chuyển lửa xuống cho con cháu , nhắc nhở các cháu luôn gìn giữ lửa VNCH trong trái tim và có thể hãy giải thích chiến công Vệ Quốc của cha ông cho những người chung quanh hiểu.


    Một điều cần biết là thời gian người lính miền Nam cầm súng gìn giữ Tổ Quốc luôn nằm trong tâm thức và trái tim của công dân nước VNCH . Xin nhớ một điều là những tháng ngày quý vị cầm súng gìn giữ quê hương đã đem đến cho nhân dân sự tuyệt đỉnh đời sống trong ấm no thịnh vượng. Đó mới là điều đáng tự hào. Cũng không thể quên công lao đóng góp của anh em nhân viên Cảnh Sát Quốc Gia , Cán Bộ Bình Định Nông thôn , Lực Lượng Vũ Trang Chiêu Hồi , đặc biệt Nghĩa Quân thầm lặng nhưng anh hùng khiến chính quy VC năm 1968 còn phải gờm

    Tuy không phải là thành phần trực tiếp cầm súng ra chiến trường đánh nhau với VC (dân chúng thường coi cảnh sát gây phiền phức cho mình) nhưng khi Quốc Gia lâm nguy mới thấy lòng yêu nước. Hồi 68 ( Mậu Thân) không có sự hỗ trợ đắc lực của quý vị thìcác đơn vị chính quy sẽ phải chịu nhiều khó khăn và tổn thất để lùa VC ra khỏi các nơi trú ẩn .

    Nhiều sĩ quan cảnh sát còn trẻ ngày 30/4/75 đã chấp nhận tự kết liễu đời mình hơn là chịu sống nhục dưới tay kẻ thù . Nếu nhìn vào bọn Công An Cộng sản thời này quý vị sẽ hãnh diện biết bao nhiêu …

    Phần tôi lúc nào cũng hãnh diện mình được sinh ra lớn lên và thành người dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà.



    Cứ đến 30/4 là buồn và mỗi lần nghe một bản nhạc về lính thấy như nước mắt muốn rơi . Miền Nam họ cầm súng không phải vì muốn chém giết căm thù như lính ngoài kia ( bị nhồi sọ) hễ cứ bắn một phát phải có mấy chục” NGỤY” trúng đạn !! Họ cầm súng để bảo vệ gia đình thân nhân hàng xóm và Tổ Quốc . Đặc biệt những người lính trẻ sau này khi ra trận bắt tù binh họ đối xử nhân đạo với địch hoàn toàn khác hẳn những tuyên truyền bịt mắt của bọn tuyên huấn chính trị xui trẻ ăn cứt gà ngoài đó. Tôi đã từng biết báo chí miền Bắc viết về một du kích quân VC bắn ” xuyên táo ba xe thiết giáp ” NGỤY ” bằng một quả B40 . Còn chuyện MIG “Ta” tắt máy núp trong mây chờ F4, B52 Mỹ tới mới xông ra dí K54 tận buồng lái bắt sống thì tôi nghe chính tai mình từ đại uý giám thị Năm Kiểm trong nhà tù đầy thành kính và tin tưởng .

    VC được nuôi dưỡng trong nói dóc như cá sống nhờ nước cho nên không nói dóc chúng không sống nổi. Nói dóc không ngượng miệng và thoải mái như uống trà buổi sáng thế hệ con cháu cũng hùng hổ nói dóc phun cả nước mồm nước miếng chung quanh như ông cha chúng (tôi tin chúng biết mình nói dóc nhưng được trả tiền và cũng được bọn con nhang theo lệnh đảng bấm like nên chúng rất hăng hái) .

    Thời buổi thế kỷ thứ hai mươi mốt rồi – năm nay là 2023 rồi – mà những cái mồm xoen xoét nói dóc vẫn cứ phun nước bọt phèo phèo hàng ngày trên các đài truyền thông truyền hình toàn quốc- cả youtube, facebook- . Mở miệng ra là tự hào !! trong khi VIỆT NAM CÓ CÁI CON #$%@^& GÌ ĐÂU MÀ TỰ HÀO ?

    Miền Nam thua là vì họ chỉ phòng vệ mà không tấn công . Nếu họ đánh thẳng ra Bắc thì với một triệu lính thiện chiến họ đã có thể giải phóng hay ít ra cũng buộc quân xâm lược phải rút về thế phòng thủ không còn chủ động trên chiến trường muốn làm mưa làm gió gì cũng được . Ít nhất dành thế tấn công thì VNCH đã ở kèo trên và không đến nổi mất như bây giờ . Miền Bắc miền Nam theo hình thức của Nam, Bắc Hàn rồi VNCH cũng sẽ thăng tiến – hay vượt trội trong khu vực ĐNA, hơn luôn Nam Hàn – ngày nay. Ở thế tấn công VNCH không cần Địa Phương Quân, chỉ cần Nghĩa Quân , NDTV , Cảnh Sát cũng đủ sức phòng vệ lãnh thổ mà lực lượng còn tăng thêm quân số .


    Hỡi ôi tất cả thất bại vì những cái đầu VĨ ĐẠI ở thủ đô nước Mỹ thời đó !!

    Tại sao tôi dám đoan chắc như thế ? vì tôi biết tinh thần chiến đấu của lính miền Nam . Đặc biệt những binh chủng tinh nhuệ , họ chiến đấu không dựa trên căm thù nhưng can đảm, chịu đựng lại được huấn luyện bài bản từ các quân trường hiện đại , nhất là họ coi trọng DANH DỰ , TRÁCH NHIỆM đối với TỔ QUỐC . Đâu phải tự nhiên đối phương ngại đụng đầu với SĐ 5, 18 (vùng Ba), SĐ I( vùng I) hay những SĐ Bộ Binh khác của VNCH ? và cũng đâu phải tự nhiên bộ đội ( cả đồng minh) nể phục các đơn vị (BCND81 , ND, TQLC , BDQ). Không quá đáng khi xưng tụng họ là tinh hoa của cả nước (không chỉ ở miền Nam ) .

    Nỗi ngậm ngùi của người lính thời chiến trong những ca khúc ” Thư Xuân Trên Rừng Cao “, ” Đưa Em Vào Hạ“… làm nghẹn ngào rơi nước mắt của dân chúng miền Nam và bao nhiêu người xứ Bắc đến nổi bây giờ ở đâu họ cũng hát như lời tri ân, sự kính phục nét hào hùng của người trẻ miền Nam thời chiến . Bây giờ trừ những bệnh nhân tâm thần hết thuốc trị , bọn ghen ăn tức ở mới tỏ ra kỳ thị thù ghét văn hoá ca nhạc miền Nam chứ kể cả cán bộ CA ,QĐ đều yêu thích và ư ử hát theo nhạc lính trước 75.

    Việc VNCH mất nước, dân VNCH bị lưu đày đau khổ bao nhiêu lâu nay chắc chắn không phải lỗi lầm của ĐA SỐ những người từng khoác quân phục QĐVNCH . Họ là những người lính can đảm , thậm chí trên đường trở về NAM từng nhóm vài ba người MỜI NHAU đi vào chỗ chết bằng cách chia trái lựu đạn qua chứng kiến của người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu (Tù lâu hơn Nelson Mandela Nam Phi ).

    HỌ CHỌN CÁI CHẾT vì KHÔNG CHỊU ĐẦU HÀNG, thà CHẾT ĐỨNG HƠN SỐNG QUỲ !!



    Viết Thêm Một Chút :


    – Nhiều người ngoại quốc hãnh diện nói được tiếng Việt . Than ôi họ mắc một sai lầm rất lớn khi phát âm theo giọng Bắc !! Họ không biết rằng giọng Bắc đem lại cảm giác rùng mình cho người miền Nam với thanh âm cao the thé . Nó cũng mang lại sự đe doạ, hăm he đối với dân VN sống ở nước ngoài .

    – Có người đề nghị nên dùng giọng Hà Nội làm chuẩn cho các xướng ngôn viên . Nhưng dựa vào tiêu chuẩn nào để coi Hà Nội là chuẩn khi họ vẫn có nhiều sai trái trong phát âm ? ( chứng , thay vì trứng , zòng zã thay vì ròng rã …?)

    – Đa số ( nếu không nói là toàn bộ) xướng ngôn viên nói giọng Bắc . XNV nữ còn dễ nghe XNV nam thì có khi phải vận dụng công lực chú ý mới hiểu nổi họ nói cái gì.

    – Nhiều người cho rằng miền Nam – nhất là dân Sài Gòn- phát âm như thế này : dzội dzàng , dzui dzẽ, dzũng..

    Thực ra đó là cách phát âm của người Bắc sống lâu trong Nam muốn hoà đồng vào người địa phương ( như ông Thanh Hoài ) người Nam nhất là Sài Gòn KHÔNG CÓ âm Z. Họ phát âm DỘI DÀNG, DUI DẺ, DŨNG ( Sao tôi biết ? vì tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn )

    – Người VN – vô tình hay cố ý – giết những món ăn uống truyền thống VN . Có ông người Viêt chế món PHỞ CÁ !! PHỞ CUỐN !!

    Phở chỉ có thể là bò , tạm chấp nhận được là gà , phở mà cuốn thì thành BÌ CUỐN hay GỎI CUỐN chứ đâu còn là phở nữa ; còn PHỞ CÁ thì ăn ra cái giống gì hả trời đất thiên địa ?. Rồi mai mốt người ( không phải VN) khi thưởng thức PHỞ CUỐN , PHỞ CÁ họ tưởng phở truyền thống nổi tiếng của VN là như vậy thì #$^@&

    – Bánh cuốn (truyền thống ) nay chế thêm đập trứng tráng trên mặt bánh thì khi ăn không biết mình đang thưởng thức bánh cuốn hay BÁNH MÌ ỐP LA !!

    – Cà phê phin nổi tiếng từ đó tới giờ nay trộn với trứng khiến người thưởng thức tuởng mình uống bánh flan (?) lỏng chứ không phải đang thưởng thức món cà phê sữa thơm ngon đậm đà.

    Cuối cùng xin gởi câu hỏi này cho các đại kinh tế gia thế giới :

    CÂU HỎI :

    – VN không có kỹ nghệ , không có xưởng đóng tàu đóng máy bay, dân sống được nhờ vào GIA CÔNG, đóng giày đóng dép cho NIKE mua bán đồ online ăn hoa hồng, làm áp phe, sinh viên ra trường chở nước đá bỏ hàng mấy quán cà phê…. SAO MÀ HỌ GIÀU QUÁ VẬY ? Nữ đại gia ở Cà Mau ( Cà Mau chứ không phải Sài Gòn ) sắm xe hơi cả trăm ngàn USD. Đại gia ở Bắc Ninh đãi đám cưới toàn bào ngư, king crab… tiền dân gởi về cho nhà nước VC hàng năm mấy chục ngàn triệu đô la ( nói “TỶ” không thấy nhiều !!) HỌ LÀM CÁI GÌ RA TIỀN ?


    nguoiviettudo
    2023

    Nguồn:https://baovecovang2012.wordpress.com

              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5468
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: - 30/04/2023 - tưởng niệm 48 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Bạch Vân »

          


Quốc Hận 30 tháng 4


          





Đêm nhớ trăng Sài Gòn
Du tử Lê . Phạm đình Chương - Bạch Vân

Đêm về theo vết xe lăn
Tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng
Tìm tôi đèn thắp hai hàng
Lạc nhau cuối phố sương quàng cỏ cây

Ngỡ hồn ta xứ mưa bay
Tôi chiêng trống gọi mỗi ngày mỗi xa
Đêm về theo bánh xe qua
Nhớ em xa lộ nhớ nhà Hàng Xanh

Nhớ em kim chỉ khứu tình
Trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre
Nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè
Nắng Trương Minh Giản trưa hè Tự Do

Nhớ nghĩa trang quê hương bạn bè
Nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường
Đêm về theo vết xe lăn
Tôi trăng viễn xứ sầu em bến nào?


1978



:sad3:

          
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5468
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: - 30/04/2023 - tưởng niệm 48 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Bạch Vân »

          
          


và sau đây là một trong những niềm đau "còn mãi" của quê hương tan nát .. :( ..








Cơn mê chiều
Nguyễn minh Khôi - Bạch Vân

Chiều nay không có em, mưa non cao về dưới ngàn
Đàn con nay lớn khôn mang gươm đao vào xóm làng
Chiều nay không có em, xác phơi trên mái lầu
Một mình nghe buốt đau, xuôi Nam Giao tìm bóng mình
Đường nội thành đền xưa ai tàn phá ?
Cầu Tràng Tiền bạc màu loang giòng máu
Hương Giang ơi thuyền neo bến không người qua đò
Một lần thôi nhưng còn mãi ...
Và chiều nay không có em, đường phố cũ chân mềm

Tôi là người khai hoang đi nhặt xác mình, xác người
Cho ruộng đồng xanh màu, cho đám mới lên cao
Và người ơi xin chớ quên, người ơi xin chớ quên

Đừờng vào thành, hàng cây trơ trụi lá
Đồi Ngự Bình thịt xương khô sườn đá
Kim Long ơi, bờ lau ngóng, chuông chùa tắt rồi
Một lần thôi nhưng còn mãi
Và chiều nay khg có em, đường phố chẳng lên đèn

Tôi là người trong đêm, mang ngọn đuốc về nội thành
Xin làm người soi đường đi xóa hết đau thương
Và người ơi xin chớ quên, người ơi xin chớ quên


:sad3:

          

Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5468
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: - 30/04/2023 - tưởng niệm 48 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Bạch Vân »

          


          







Hận Ly Hương
Hoa Anh - Ngọc Long - Bạch Vân

Thu năm qua đoàn người đi xót xa
Mang tâm tư hận sầu vương thiết tha
Hôm nay đi nghe tiếng sóng rạt rào
Nghe tiếng gió nghẹn ngào
Nhìn làn mây buồn trôi

Ôi quê hương ! Giờ chìm trong khói sương
Mây bao la gợi sầu ai viễn phương
Bên kia sông ai nỡ cắt đôi đường
Gieo rắc mối u buồn
Tìm đâu tình cố hương

Ra đi xa mái tranh thân yêu
Xa bến xưa cô liêu
Với hình dáng quê nghèo
Ðêm nay ta lặng ngắm mây trôi
Nhớ về phía xa xôi
Hận sầu dâng đầy vơi

Xa quê hương một chiều khi viễn khơi
Bao tâm tư hẹn ngày vui khắp nơi
Thăng Long ơi ! Không biết tới bao người
Ðang sống với mong chờ
Ngày vui về cố hương .

:(



          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: - 30/04/2023 - tưởng niệm 48 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    30 Tháng Tư,
    và những biến động trong đời giới nghệ sĩ Sài Gòn

    Những ngày ấy, với mỗi người...
    __________________
    Y Nguyên
    13 tháng 4, 2022





              

    Sài Gòn 1978, hàng ngàn người đã bị tống vào các trại tù “cải tạo”
    (ảnh: Jean-Claude LABBE/Gamma-Rapho via Getty Images)

              
    30 Tháng Tư 1975 là biến cố của một đất nước, nhưng ngày đó cũng là biến cố riêng của cuộc đời nhiều con người. Vào những thời khắc loạn lạc, tuyệt vọng, hỗn loạn và hoang mang ấy, một số người của miền Nam cũ đi về đâu? Đã có những câu chuyện được kể lại sau nhiều năm với giọng trầm ngâm và ánh mắt xa xôi… Quả là tưởng tất cả đã qua nhưng nhiều thứ vẫn ám ảnh khó quên…

    Gia đình của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ kể rằng khi ngày 30 Tháng Tư ập đến, chương trình biểu diễn tại Nhật của đoàn hát Hoàng Thi Thơ vẫn chưa chấm dứt, vì vậy ông bị kẹt ở lại, sau đó định cư ở Mỹ. Nhưng con và cháu ông thì lại chứng kiến nhiều điều mà đến mấy năm sau vẫn chưa thể kể cho nhau nghe, vì không có thư từ liên lạc, rồi đến khi có, cũng không dám thuật lại, vì thư luôn bị kiểm duyệt.

    Hai đứa con của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là Hoàng Mỵ Thi Thoa và Hoàng Thi Thanh bất ngờ nhìn thấy một đám đông lính Bắc Việt và những thành phần “băng đỏ” đứng trước ngôi nhà của mình tại Quận 1, đập cửa, quát tháo. Hai em nhỏ vị thành niên này cùng người cậu của mình bị buộc phải ra khỏi nhà ngay lập tức vì đang ở trong “nhà của tên có tội ác với nhân dân là Hoàng Thi Thơ”. Căn nhà được tuyên bố bị chính quyền cách mạng trưng thu. Tất cả mọi người được sự “khoan hồng” nên có năm phút để trở vào ngôi nhà của mình, lấy hai bộ quần áo cho mỗi người và ra đi, không kịp đốt nén hương từ giã ông bà. Dĩ nhiên, ngay cả việc đi lấy quần áo cũng có người cầm súng theo kiểm soát vì sợ hai em nhỏ cất giấu hay tẩu tán tài sản.

    Hai đứa con của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ gạt nước mắt ra khỏi nhà mình, đi cùng một người cậu về Gò Vấp, tới một căn nhà khác của ông Hoàng Thi Thơ. Nơi đó, một người em họ của ông Thơ bất ngờ trở mặt thành người của cách mạng, chiếm nhà và chỉ mặt Hoàng Vinh, người cháu của ông Thơ nói, liệu mà đi cho mau, lần này tha không bắt cũng là nhờ “khoan hồng”. Cả ba sững sờ vì đó nhà của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, một nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho nền văn hóa VNCH.
              

    Trong một trại tù cưỡng bức
    (ảnh: Jean-Claude LABBE/Gamma-Rapho via Getty Images)

              
    Với Phương, người nhạc sĩ của đôi song ca Lê Uyên Phương lừng danh, thì ông hoàn toàn rơi vào một cú sốc khác thường. Việc chứng kiến một Sài Gòn hỗn loạn và đổ nát, những con đường vất vưởng xác người cùng với loa phóng thanh ra rả về khái niệm “giải phóng” khiến ông bước sang một giai đoạn khác: Ông tò mò dành hàng giờ để quan sát và nhìn ngó những người Việt nhưng rất khác đang trở thành kẻ chỉ huy thành phố.

    Những cảm hứng về nhạc tình, hiện sinh và mộng mơ bị chôn vùi theo mất mát của Sài Gòn. Lê Uyên Phương yêu đương dịu dàng ngày nào giờ đây bí mật hình thành tập ca khúc Con người, một sinh vật nhân tạo (1973-1975) tập 1 và tập 2. Mỗi ngày ông ngồi cafe vỉa hè, đi bộ dọc theo những con đường phơ phất lá me xanh quen thuộc nhưng giờ đầy họng súng AK. Ông muốn tự mình chiêm nghiệm về một thời đại của những kẻ cùng tiếng nói nhưng khác mạch sống. Cuộc sống xô đẩy, ông viết những gì mình trải qua, kể lại trong tập Trại Tỵ Nạn Và Các Thành Phố Lớn, Biển – Kẻ Phán Xét Cuối Cùng… Cuối cùng, cảm hứng của ông cũng tàn dần, theo đời tha hương, lặng lẽ.

    Nhiều nhạc sĩ khác bị cú sốc thời cuộc và chuyển khuynh hướng sáng tác, từ tình ca sang hiện thực ca, như Phạm Duy (với Tỵ nạn ca), Ngô Thuỵ Miên (Em còn nhớ mùa xuân, Biết bao giờ trở lại), Anh Bằng (Nổi lửa đấu tranh, Saigon kỷ Niệm), Lam Phương (Chiều Tây Đô), Trầm Tử Thiêng (Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng, Một ngày Việt Nam)… Và đó là lý do nền văn nghệ hải ngoại có giai đoạn bùng phát những bài hát sôi sục và thương nhớ về Việt Nam, về Sài Gòn.

    Những ngày ấy, mỗi người, mang vội theo những điều thương mến nhất, bỏ lại tài sản, bỏ lại quê hương… gạt nước mắt chạy về vô vọng. Ca sĩ Khánh Ly kể rằng trong lúc hoảng hốt phải chọn lựa thật nhanh mang đi cái gì, để lại cái gì…, bà chạy đến chiếc tàu di tản, với hành lý quan trọng nhất mang theo là hai vali đầy thư tình trong đời bà – những lá thư không chỉ là tình yêu mà chứa cả khung trời thơ mộng và bình yên của miền Nam Việt Nam đã mất. Trong một lần phỏng vấn ở Sài Gòn, ca sĩ Khánh Ly nói bà không ân hận vì đã để lại của cải; chỉ muốn mang theo những điều riêng tư, những thứ giúp giữ cho tâm hồn Khánh Ly không nguội lạnh với khung trời cũ mà bà đã sống.

    Nhiều văn nghệ sĩ khác táo tác như bầy kiến bị phá tổ, chạy đến nhau hỏi thăm tin tức từng ngày về số phận mình, số phận của thành phố mình đang sống. Họ thì thào với nhau về những biến động khó hiểu từng ngày, chẳng hạn những tin tức về việc Doãn Quốc Sỹ, Duyên Anh, Nhã Ca vừa bị bắt… Rồi ai đó bị thẩm vấn, và ai đó đã lặng lẽ xuống tàu mà giờ không còn nghe tin tức.

    Thương gia đình, không nỡ bỏ xuống tàu vượt biên, nhạc sĩ Y Vân tiễn một người bạn thân lên đường. Đó là một chuyến tàu vĩnh biệt. Và đó là điều khiến ông trầm uất suốt nhiều năm liền, một ký ức sâu thẳm sau 1975. “Vượt biên” là từ thì thầm quen thuộc trên đầu môi của giới nghệ sĩ những năm tháng ấy, để thoát tiếng loa réo từng ngày, thoát những cú lùng sục, tra vấn, thoát chuyện bị bắt tham gia vào văn nghệ mới, để thôi bị bắt buộc đi học tư tưởng cách mạng…
              

    Sài Gòn 1985 – những năm tháng biến động
    (ảnh: Christopher Pillitz/Getty Images)

              
    Trong một lần nói chuyện với các anh chị văn nghệ sĩ ở Úc, tôi nói đùa rằng một ngày nào đó nên lập một giải thưởng “vô địch” dành cho người vượt biển nhiều nhất, vì tôi từng biết một chị người Công giáo ở khu Hoà Hưng đã tìm cách đi vượt biên 25 lần nhưng đều thất bại. Im lặng nhìn tôi trong tích tắc, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn chỉ nhà văn Võ Quốc Linh, nói “đây, người vượt biển 26 lần”. Rồi chỉ vào mình, anh Tuấn nói “còn mình, 27 lần”.

    Chuyện vượt biển của nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn ly kỳ không kém một bộ phim. Vài năm sau 1975, khi nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn tốt nghiệp thủ khoa sư phạm ở Nha Trang, lúc bạn bè rủ nhau vui mừng lên bục nhận bằng, thì hiệu trưởng đến bên, ghé tai buồn rầu nói với anh Tuấn: “Con đừng lên nhận bằng. Công an đã đến tịch thu bằng vì nói gia đình con có vấn đề về lý lịch và có người đi vượt biên”. Nhiều năm sau, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn lang thang khắp các bờ biển miền Nam để tìm đường ra khỏi nước. Niềm tuyệt vọng và khát vọng tự do là sức mạnh lớn nhất giữ ông sống sót qua các trại tù khắc nghiệt nhất.

    Ở trại tù nhốt người vượt biển tại Phú Yên, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn bị một cai tù tàn ác luôn tìm cách đẩy anh vào lao khổ. Thậm chí dù biết anh là giáo viên, hắn vẫn bắt anh hàng ngày hốt phân, gánh đi đổ cho cả trại. Đó là thời gian như địa ngục. Thân thể của anh có tắm bao nhiêu lần cũng không hết mùi hôi, những vết thương nhỏ nhất cứ lở loét không thể lành. Càng đau khổ, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn càng nung nấu giấc mơ ra khơi. Cuối cùng, trong chuyến đi thứ 27, Hoàng Ngọc Tuấn may mắn đến được Úc. Anh đã nhận thêm việc tiếp nhận và giúp đỡ người tỵ nạn mới đến, như trả ơn cho những ngày tháng mình bắt đầu được tự do.

    Một đêm nọ, nghe tin có một chuyến tàu vượt biên vừa đến, Hoàng Ngọc Tuấn ra nơi tiếp nhận. Khi đi lướt qua những người vừa cập bến, anh bất chợt nhìn thấy một gương mặt quen thuộc mà anh khó có thể quên trong đời: Đó chính là viên công an cai tù từng hành hạ anh. Hoàng Ngọc Tuấn sững người nhìn viên cai tù. Nhân vật đó cũng bối rối quay mặt đi, né cái nhìn của anh Tuấn. Nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn suy nghĩ suốt nhiều giờ, rồi chọn cách gặp riêng nhân vật cán bộ cai tù để hỏi thẳng rằng hắn muốn gì khi đến đây. Chỉ cần một lời tố cáo của Tuấn, tay cán bộ đó có thể bị trục xuất về Việt Nam, hoặc sẽ bị chính quyền sở tại bắt giữ và đưa ra toà vì tội từng tra tấn và hành hạ tù nhân.

    Sợ hãi và tuyệt vọng, viên cán bộ thú thật rằng hắn đã yêu một phụ nữ có gia đình là “Mỹ Nguỵ” nên không còn cách nào khác là phải từ bỏ tất cả, cùng người yêu vượt biển. Khi kể cho tôi nghe chuyện này, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn ngừng giây lát, rồi nói: “Không biết bây giờ tay đó sống ở đâu đó, trên nước Úc này”. Lúc đó, anh Tuấn đã im lặng và điền hồ sơ cho tay cán bộ cộng sản cùng người yêu của hắn tỵ nạn ở Úc. Vết thương chưa bao giờ lành của anh Tuấn, một người bị hành hạ trong trại giam rồi bị xô đẩy ra khỏi quê hương, cuối cùng cũng được thanh thản chữa lành với lòng tha thứ.

    Quả là có thật nhiều điều để ghi lại, từ hàng triệu người sống sót sau biến cố Tháng Tư 1975. Cứ vào thời điểm này, nhà nước Việt Nam gọi là đại lễ và tổ chức ăn mừng. Còn hàng triệu người Việt khác thì tưởng niệm, buộc phải coi lại cuốn phim bi kịch chung cũng như những đoạn phim cay nghiệt của riêng mình. Những ngày ấy, với nhiều người người, đều để lại những cuốn phim với cùng một chủ đề nhưng có muôn vạn phiên bản ray rứt. Và trong ngày ăn mừng “đại lễ” của nhà nước Việt Nam, tôi chợt nhớ đến viên cán bộ cai tù vô danh trong câu chuyện của anh Hoàng Ngọc Tuấn. Tôi tự hỏi, ông ta đứng đâu giữa lằn ranh ngày 30 Tháng Tư mỗi năm như vậy?


    https://saigonnhonews.com/nhin-lai-lich ... i-sai-gon/
Trả lời

Quay về “Tưởng niệm ngày Quốc Hận 30/04/1975”