Nhạc Sĩ Cung Tiến (1938-2022): Yên Nghỉ Ở Cõi Riêng

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5468
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Nhạc Sĩ Cung Tiến (1938-2022): Yên Nghỉ Ở Cõi Riêng

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Nhạc Sĩ Cung Tiến (1938-2022): Yên Nghỉ Ở Cõi Riêng



    Nhạc Sĩ Cung Tiến (1938-2022)


    Vào một buổi chiều mưa đông cuối năm 2021 ở Quận Cam, một số gương mặt tiêu biểu của nền văn học nghệ thuật Miền Nam trước 1975 đã có một buổi hội ngộ hiếm hoi: nhà văn Doãn Quốc Sỹ, nữ minh tinh điện ảnh Kiều Chinh, nhạc sĩ Cung Tiến, nhà văn Nhã Ca, nhà thơ Trần Dạ Từ, nhà thơ Đỗ Quý Toàn, giáo sư Trần Huy Bích... Có người đã chạm mốc bách tuế, đa số đã vượt qua tuổi tám mưới. Những mái đầu bạc ngồi ôn lại kỷ niệm thời trai trẻ, chuyện buồn vui trong tù, chuyện điện ảnh, đọc thơ, hát nhạc Cung Tiến... Có ai đó đã nói rằng sẽ khó có lại một buổi hội ngộ đông đủ như thế này, bởi vì "...Bạn già lớp trước nay còn mấy..."


    Vào một buổi trưa nắng ấm đầu hạ, rất ít người có mặt trong buổi hội ngộ đó đã đến dự lễ tiễn đưa lần cuối nhạc sĩ Cung Tiến, Ông ra đi ngày 10 tháng 5, 2022. Nguyện vọng của gia đình là tang lễ chỉ tổ chức riêng, thông báo rất giới hạn đến một số thân hữu. Từ Thụy Điển, nhà văn Nhã Ca và nhà thơ Trần Dạ Từ lặng lẽ thắp nén nhang tưởng nhớ đến người bạn cố tri - Cung Tiến, người nhạc sĩ có phong cách sống kín đáo, cuối đời cũng đã ra đi thầm lặng như vậy.


    Trong một chương trình thâu hình hiếm hoi giới thiệu về Cung Tiến, chị Y Sa của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) đã tóm tắt khá đầy đủ cuộc đời và sự nghiệp của người nhạc sĩ tài danh này:



    Cung Tiến sinh năm 1938 ở Hà Nội. Trong thời Việt Nam Cộng Hòa ông là một nhà kinh tế, đã từng tốt nghiệp Cử Nhân ở Úc và Cao Học ở Anh về chuyên ngành này. Ông cũng từng là một cây viết với bút hiệu Thạch Chương. Nhưng hầu hết người yêu nhạc Việt Nam chỉ biết đến ông như một nhạc sĩ.



    Lần gặp gỡ cuối của nhạc sĩ Cung Tiến với bạn hữu văn nghệ - Từ trái: Trần Dạ Từ, Sông Văn, Cung Tiến, Trần Huy Bích, Doãn Quốc Sỹ, Hưng Doãn, Nhã Ca, Josee Nguyễn Thụy Hữu, 30 tháng 12, 2021




    Người hâm mộ hay kháo nhau những ca khúc đầu tay của Cung Tiến được sáng tác năm ông mấy tuổi. Nhiều nhà bình luận cho rằng ông là một thần đồng của âm nhạc Việt Nam. Có người đoán với phong cách nhạc và lời của Hương Xưa, Nguyệt Cầm, Hoài Cảm… tác giả phải là một người đã trưởng thành lắm rồi. Kỳ thực, những ca khúc đầu tay Hoài Cảm, Thu Vàng được ông sáng tác năm 13-15 tuổi, lúc đó chưa theo học bất kỳ một lớp nhạc nào! Còn ca khúc được nhiều người yêu thích nhất là Hương Xưa được viết năm ông 18. Nữ ca sĩ Lệ Thu có kể lại kỷ niệm lần đầu tiên trình diễn bài này ở nhà hàng Queen Bee Sài Gòn. Khi Lệ Thu ngân dài và kết thúc câu hát cuối: ”…đời êm như tiếng hát của lứa…đôi…”, tiếng hát dừng, rồi tiếng đàn dừng. Khán giả đông nghẹt trong phòng trà cũng như chết lặng trong một khoảnh khắc trước khi bùng nổ với tiếng vỗ tay và lời tán thưởng. Ca khúc của một chàng nhạc sĩ 18 tuổi đã chinh phục giới yêu nhạc khó tính nhất của Sài Gòn như vậy đó! Nhưng cho dù khán giả rất yêu thích những ca khúc đầu tay của mình, nhạc sĩ Cung Tiến vẫn cho rằng đó chỉ là những “bài tập” khởi đầu trong sự nghiệp âm nhạc của ông.


    Như vậy đâu mới là thực sự là dấu ấn riêng, sự toàn bích trong âm nhạc của Cung Tiến?


    Không khó để nhận ra rằng nhạc của Cung Tiến chịu ảnh hưởng mạnh mẽ phong cách nhạc cổ điển Tây Phương. Ông là một trong số rất ít tác giả người Việt soạn luôn phần đệm đàn cho những ca khúc của mình. Có nhiều ca khúc của Cung Tiến rất khó đệm bằng một cây guitar, cần phải có dương cầm hay dàn nhạc phụ họa. Nói về Hương Xưa, tác giả nhớ lại rằng đã lấy nguồn cảm hứng từ những giai điệu trong sáng, lãng mạn của Mozart. Một trong những ca khúc để đời khác của Cung Tiến là Nguyệt Cầm. Trong tập Ca Khúc Cung Tiến phát hành trước 1975, bên dưới tiêu đề Nguyệt Cầm là một dòng nhạc ngắn với chú thích của tác giả: (Hồ Cầm) Romance en FA, Beethoven. Bởi vì những nốt nhạc đầu tiên của Nguyệt Cầm “Đêm mùa trăng úa làm vỡ hồn ta…” được gợi hứng từ giai điệu của một trong những tấu khúc nổi tiếng của nhạc sĩ thiên tài người Đức, Romance viết ở cung Fa trưởng. Cũng ở phần tiêu đề, tác giả chép lại 4 câu thơ của Xuân Diệu để giải thích nguồn cảm hứng khi ông soạn lời ca khúc:


    • Trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh

      Trăng thương trăng nhớ hỡi trăng ngần

      Đàn buồn đàn lặng ôi đàn chậm

      Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân



    Những ai đã từng hát, từng đàn ca khúc này sẽ cảm nhận được cái hồn lãng mạn của ca khúc đậm chất Cung Tiến này. Giai điệu khởi đầu như một đêm trăng thu tĩnh lặng. Giữa đêm trăng vang vọng một tiếng đàn hồ cầm (cello) cũng tĩnh lặng, chậm rãi, khoan thai:

    • Đêm mùa trăng úa làm vỡ hồn ta...

      Ngập ngừng xa...suối thu dồn lá úa trôi qua
      Sầu thu, sầu lên vút mịt mù, mà e nhớ hương mùa thu…

    Rồi tiếng đàn khi trầm bổng, khi da diết, thổn thức theo tâm trạng của người chơi đàn đơn độc trong đêm trăng lạnh, cô liêu, huyền ảo…

    • …Long lanh long lanh ... trăng chiếu một mình,
      khơi vơi khơi vơi ... nhạc lắng tỏ ngời
      Nguyệt cầm ơi từng lệ ngân, ...
      chết từng mùa Xuân...
      Đêm ngời men nhớ...Nhạc tê ngời thuở xưa
      Trăng sầu riêng chiếc... Trăng sầu riêng chiếc, sầu cho tới bao giờ ?



    Những cảm xúc mãnh liệt bỗng dưng biến mất như những áng mây tan loãng trong bầu trời đêm, trả lại một khung trời tĩnh mịch dưới ánh trăng vằng vặc…

    • …Khơi mãi nguồn đêm ...Mùa trăng úa làm vỡ hồn ta…

      …Ôi đàn trăng cũ làm vỡ… hồn… anh…


    Có thể nói Nguyệt Cầm là một trong những tuyệt tác trong nghệ thuật sử dụng giai điệu và lời ca để tả cảnh, diễn đạt nội tâm của người nghệ sĩ.


    Khởi đầu sự nghiệp rất sớm với sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả như vậy, Cung Tiến đã có thể trở thành một nhạc sĩ phổ thông vào bậc nhất của nền âm nhạc Miền Nam trước 1975. Nhưng ông đã không chọn con đường đó. Những ca khúc đầu đời Thu Vàng, Hoài Cảm, Hương Xưa, Nguyệt Cầm cũng là những ca khúc được hát và biết đến nhiều nhất của Cung Tiến. Những sáng tác về sau của ông rất kén chọn người hát, người nghe. Điều này có thể giải thích là vì Cung Tiến sáng tác ca khúc trước tiên là cho mình, để thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc của chính mình. Ông đã từng nói rằng âm nhạc là một sự tìm tòi không có điểm dừng, không có sự thoả mãn. Không có một nền âm nhạc nào duy nhất thống trị trên thế giới. Sự cầu tiến, khuynh hướng sáng tạo đã biến thế giới âm nhạc của Cung Tiến trở thành một cõi riêng, ở đó ông không cần nhiều sự tán thưởng, đồng cảm của đám đông.



    Ông ngưỡng mộ và phổ thơ của người bạn văn nghệ của mình là Thanh Tâm Tuyền, một thi sĩ đi đầu trong phong cách thơ mới đầy sáng tạo. Lệ Đá Xanh là một ca khúc phổ thơ Thanh Tâm Tuyền cũng đậm dấu ấn Cung Tiến. Bài hát được đề tặng Phạm Đình Chương, tác giả của Nửa Hồn Thương Đau, một ca khúc cũng lấy ý từ cùng bài thơ của Thanh Tâm Tuyền, có cùng câu hát: “… đôi khi anh muốn tin, ôi những người sống lẻ loi một mình…” Không thể so sánh hai ca khúc về mặt nghệ thuật, nhưng chắc chắn là Nửa Hồn Thương Đau có mức độ phổ biến cao hơn nhiều.


    Ca khúc Mắt Biếc được Cung Tiến viết tặng cho đôi mắt của người bạn đời của mình, Josee. Một bản nhạc tình dù vẫn nồng nàn, âu yếm nhưng vẫn toát ra vẻ sang trọng, quý phái một cách thoát tục. Người Sài Gòn còn nhớ một Mắt Biếc khác nữa của Ngô Thụy Miên, lãng mạn và tình tứ một cách nhẹ nhàng. Mỗi ca khúc đều mang dấu ấn riêng của hai tác giả, nhưng Mắt Biếc của Cung Tiếc vẫn chọn lọc người nghe người hát hơn.


    Khi bắt đầu sống đời lưu vong tại hải ngoại sau 1975, Cung Tiến bắt đầu sáng tác những ca khúc mang âm hưởng ngũ cung, khởi đầu là bài Hoàng Hạc Lâu, phổ bản dịch bài thơ Đường bất hủ cùng tên của Vũ Hoàng Chương, là người thầy dạy Việt Văn của ông. Dù là ngũ cung, nhưng Hoàng Hạc Lâu vẫn mang âm hưởng trường phái ấn tượng Tây Phương của một “Claude Debussy trong bài Claire De Lune” như nữ ca sĩ Quỳnh Giao đã từng nhận xét. Sau đó, ông sáng tác Hợp Tấu Khúc Chinh Phụ Ngâm, lần đầu tiên được trình bày vào năm 1988 bởi dàn nhạc giao hưởng San Jose, được cộng đồng người Việt hải ngoại hết sức trân trọng. Ông còn tiếp tục phổ tập thơ tù Vang Vang Trời Vào Xuân của Thanh Tâm Tuyền. Những ca khúc vẫn với cách diễn đạt mới mẻ, lắng đọng, đầy nội tâm, phong cách mà cả nhạc sĩ lẫn thi sĩ đã chọn trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình.



    Nhạc sĩ Cung Tiến và bạn hữu: từ trái, Giáo Sư Trần Huy Bích; Nhạc Sĩ Cung Tiến, Nhà Thơ Trần Dạ Từ, Nghệ Sĩ Điện Ảnh Kiều Chinh, Nhà Thơ Nhã Ca, Nhà Thơ Đỗ Quý Toàn tại Fountain Valley, 30 tháng 12, 2021.


    Buổi họp mặt chiều đông 2021 đã trở thành lần gặp gỡ cuối cùng của Cung Tiến với những người bạn văn nghệ tri kỷ. Trưa thứ Năm ngày 2 tháng Sáu, trong buổi tang lễ của người nhạc sĩ, một xấp nhạc trong đó có các bản Symphony #5 và #8 của Mahler được đặt ngay ngắn trên bàn thờ -gia đình cho biết những bài nhạc này được chuyển từ bàn viết của ông đến đây, những giờ phút cuối cùng Ông vẫn đang nghiên cứu và học hỏi.


    Khi nghe tin nhạc sĩ Cung Tiến đã từ giã chúng ta, nghệ sĩ Kiều Chinh đã ngậm ngùi thốt lên: "Bạn ơi, chúc bạn đi yên lành, và hẹn ngày tất cả chúng ta sẽ gặp lại."

    Nhà thơ Đỗ Quý Toàn trong tang lễ của nhạc sĩ Cung Tiến vào trưa thứ Năm, ngày 2 tháng 6 tại Camarillo đã nói: "Ban nãy, chị Josee có nói rằng anh Cung Tiến có thể đang ở đây. Vậy Cung Tiến bây giờ ở đâu. Mình không biết được. Nhưng mình biết rằng theo quan niệm của Phật Giáo không phải chỉ có một thế giới này, ở chỗ này, mà có tới 3000 đại thiên thế giới. Cung Tiến có thể không đang ở thế giới này, mà ở một thế giới khác. Anh Cung Tiến đã ra đi, chúng ta có thể đoán được rằng anh vẫn đang ở một thế giới nào đó, rất có thể mình sẽ lại gặp anh ấy, lại nhận ra nhau. Tôi muốn chia xẻ với gia đình, với chị Josee và cháu Đăng Quang, rằng Cung Tiến vẫn đang còn ở với chúng ta."

    Rồi tất cả những cây đại thụ của nền văn học nghệ thuật Miền Nam cũng sẽ lần lượt từ giã trần thế, chỉ còn để lại những áng văn, vầng thơ, câu nhạc cho đời. Mỗi người sẽ chọn cho mình một cõi bên kia thế giới. Qua những ca khúc của mình, nhạc sĩ Phạm Duy đã nhắn nhủ với đời rằng ông sẽ trở lại cõi người ta để tiếp tục làm tình nhân, để tiếp tục yêu và được yêu.


    Còn Cung Tiến?


    Cõi nhạc của Cung Tiến đã là một cõi riêng. Kiếp sau của Cung Tiến vẫn còn là một bí ẩn. Nhưng chắc chắn, ông đã có một nơi chốn vĩnh cữu trong trái tim của những người yêu nhạc Cung Tiến, và tất cả những ai lấy sự toàn bích của cái đẹp trong nghệ thuật là đích đến của cuộc đời.


    Doãn Hưng

    ***



    Cung Tiến (1938-2022)





    Cung Tiến sinh tại Hà Nội ngày 27 tháng Mười Một, 1938, tạ thế ngày 10 tháng 5, 2022, Ông ra đi thanh thản nhẹ nhàng bên người thân.

    Ông tên thật là Cung Thúc Tiến. Thời kỳ trung học, Cung Tiến học xướng âm và ký âm với hai nhạc sĩ nổi tiếng Chung Quân và Thẩm Oánh. Trong khoảng thời gian 1957 đến 1963, Cung Tiến du học ở Úc ngành kinh tế và ông có theo tham dự các khóa về dương cầm, hòa âm, đối điểm, và phối cụ tại A m nhạc viện Sydney.

    Trong những năm 1970 đến 1973, với một học bổng cao học của Hội đồng Anh (British Council) để nghiên cứu kinh tế học phát triển tại Cambridge, Anh, ông đã dự các lớp nhạc sử, nhạc học, và nhạc lý hiện đại tại Sydney Music Conservatory.

    Ngoài các ca khúc, Cung Tiến viết nhạc tấu khúc Chinh phụ ngâm năm 1987, soạn cho 21 nhạc khí, được trình diễn lần đầu vào ngày 27 tháng 3, 1988 tại San Jose, California với dàn nhạc thính phòng San Jose, và đã được giải thưởng Văn Học nghệ thuật quốc khánh 1988.

    Năm 1992, Cung Tiến hoàn thành tập Ta Về, thơ Tô Thùy Yên, cho giọng hát, dẫn đọc, ngâm thơ và một đội nhạc cụ thính phòng. Năm 1993, với tài trợ của The Saint Paul Companies để nghiên cứu nhạc quan họ Bắc Ninh và các thể loại dân ca Việt Nam khác, ông đã soạn Tổ khúc Bắc Ninh cho dàn nhạc giao hưởng. Năm 1997, ca đoàn Dale Warland Singers, đã đặt ông một bản hợp ca nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập ca đoàn nổi tiếng quốc tế này. Năm 2003, Cung Tiến đã trình làng một sáng tác nhạc đương đại "Lơ thơ tơ liễu buông mành" dựa trên một điệu dân ca Quan họ. Ông đã nhận được giải Artist-in-Residency từ The Schubert Club, St. Paul, Minnesota. Ông là hội viên của hội nhạc sĩ sáng tác The American Composers Forum từ năm 1882-98.

    Ngoài sáng tác, Cung Tiến còn đóng góp nhiều khảo luận và nhận định về nhạc dân gian Việt Nam cũng như nhạc Hiện đại Tây phương. Trong lãnh vực văn học, những thập niên 1950 và 1960, với bút hiệu Thạch Chương, Cung Tiến cũng đã từng đóng góp những sáng tác, nhận định và phê bình văn học, cũng như dịch thuật, cho các tạp chí Sáng Tạo, Quan điểm, và Văn. Hai trong số các truyện ngắn ông dịch và xuất bản ở Việt Nam là cuốn Hồi ký viết dưới hầm của Dostoievsky và cuốn Một ngày trong đời Ivan Denisovitch của Solzhenitsyn.


    Nguồn:https://vietbao.com


              
Last edited by Bạch Vân on Chủ nhật 05/06/22 17:00, edited 2 time in total.
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5468
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Nhạc Sĩ Cung Tiến (1938-2022): Yên Nghỉ Ở Cõi Riêng

Bài viết bởi Bạch Vân »

          

























          
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5468
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Nhạc Sĩ Cung Tiến (1938-2022): Yên Nghỉ Ở Cõi Riêng

Bài viết bởi Bạch Vân »

          






Thành Kính phân ưu cùng Tang quyến




          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Nguyễn Đình Toàn viết về Cung Tiến

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          

          

          
          

          
          

          

          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Cung Tiến, từ Thu Vàng đến Hoàng Hạc Lâu

Bài viết bởi Hoàng Vân »





  •           

    _Cung Tiến,
    từ Thu Vàng
    đến Hoàng Hạc Lâu


    _________________________
    PHẠM VĂN KỲ THANH _ 1986


    Lời giới thiệu
    “Nhạc sĩ Cung Tiến vừa giã từ nhân thế ngày 10 tháng 5, 2022, hưởng thọ 83 tuổi; nhiều bài viết về ông trên trang mạng xã hội.
    Thập niên 1980, nhà phê bình Phạm Văn Kỳ Thanh đã viết một bài phê bình về dòng nhạc Cung Tiến, đăng trong nguyệt san Nhân Văn xuất bản ở San Jose. Trần Củng Sơn, với sự đồng ý của tác giả, đã bỏ công đánh máy dựa vào bản chụp bài báo, để mời quí vị thưởng thức một bài phê bình âm nhạc tỉ mỉ, công phu và giá trị. Chính nhạc sĩ Cung Tiến lúc còn sống thích thú và đã gởi tặng Phạm Văn Kỳ Thanh những tác phẩm xuất bản của mình.”



    Chiều hôm qua lang thang trên đường
    Nhớ nhớ nhiều lòng thấy chán chường...
    ......
    Gần xa đâu biết nào quê quán
    Đừng dục cơn sầu nữa sóng ơi!


    Khác với Tạ Tỵ viết về Phạm Duy, người viết hoàn toàn không được quen với Cung Tiến. Cho nên, những nhận xét về những nhạc phẩm của ông hoàn toàn do sự tri âm. Thường khi viết về một người làm văn học nghệ thuật, phải hiểu rõ về cuộc đời lẫn tác phẩm của người ấy mới làm đầy đủ bổn phận đối với độc giả. Riêng về phần đầu, người viết xin khất sẽ tiếp tục với tác giả khi hoàn thành tập khảo luận về “Âm nhạc Việt: từ nhạc cổ truyền, dân ca đến tân nhạc.”

    Với một số nhạc phẩm xuất bản chưa đến mười bản: Thu Vàng, Hoài Cảm, Những Đêm Ảo Huyền, Hương Xưa, Nguyệt Cầm, Lệ Đá Xanh, Mắt Biếc, Cung Tiến đã tạo cho mình một chỗ đứng rất cao và riêng biệt trong nền tân nhạc Việt. Có lần vì quá hâm mộ nhạc Cung Tiến, một tác giả đã mệnh danh Cung Tiến như “Con Thiên Nga” của nền âm nhạc Việt Nam. Sự hâm mộ đó có đáng chăng? Để trả lời, người viết mời độc giả đi vào thế giới âm nhạc Cung Tiến.

    Nhạc Cung Tiến rất gần mà cũng rất xa với người thưởng ngoạn. Từ nhạc phẩm “Thu Vàng” đơn giản, dễ nghe đến cầu kỳ, âm hưởng nhạc cổ điển Tây Phương như “Đêm Hoa Đăng,” “ Nguyệt Cầm,” trở về âm hưởng ngũ cung như “Hoàng Hạc Lâu” như vậy, với số lượng nhạc phẩm khiêm nhường Cung Tiến đã chinh phục được thính giả có trình độ thẩm âm và kiến thức âm nhạc khác nhau.


    “Thu Vàng”

    Nhạc Cung Tiến bắt đầu được phổ biến vào quãng năm 1956 qua chương trình phát thanh “Học Sinh Sinh Viên” trên đài Sài Gòn. Đối với những thanh niên đã bỏ Hà Nội ra đi sau hiệp định Geneve, không khỏi chạnh lòng khi nghe “Thu Vàng.” Cung Tiến đã gợi lại cả một bầu trời mùa thu nhung nhớ Hà Nội. Tuy không nói ra người nghe cũng ngầm hiểu rằng với nỗi buồn bâng khuâng chán chường, tác giả đã tiên đoán được sự mất mát sắp tới của mình: kỷ niệm tuổi hoa niên và mùa thu đất Bắc. Viết với nhịp 6/8 Adagio, Cung Tiến đã cố tình kéo dài mỗi phách của trường canh ra thêm một nửa so với nhịp ¾ để diễn tả trọn vẹn được sự chậm rãi của nỗi buồn gậm nhấm. Day dứt nhất là đoạn điệp khúc, tác giả dùng quãng sáu liên tiếp để khuyếch đại cường độ của nỗi buồn. Kỹ thuật này thính giả thường bắt gặp ở “Bây Giờ Tháng Mấy” của Từ Công Phụng và “ Lệ Đá” của Trần Trịnh, “All by Myself” (ca khúc phổ thông Mỹ do Neil Diamond trình bày). Quãng sáu liên tiếp dễ làm cho bài ca hay nhưng dùng nhiều sẽ làm người nghe nhàm tai, đó là cái lỗi lớn nhất về kỹ thuật Từ Công Phụng mắc phải. Vì lối viết này bàng bạc trong phần lớn tác phẩm của anh từ “Bây Giờ Tháng Mấy” đến “Bài Cho Em,” “Giọt Lệ Cho Ngàn Sau”... Có lẽ về kỹ thuật viết ca khúc “Thu Vàng” là nhạc phẩm đơn giản nhất của Cung Tiến. Tác giả dùng tám trường canh (measure) cho mỗi câu nhạc (Membre de phrase), và chuyển cung tương đối dễ nghe, loanh quanh quãng bốn, quãng năm và cảm âm.


    “Hoài Cảm”

    Tiếp đến nhạc phẩm đã đưa Duy Trác lên đỉnh cao của danh vọng là “Hoài Cảm.” Bản này rất khó hát không phải vì lối phân câu cầu kỳ nhưng đòi hỏi người hát phải có một thang ca (echelle musical) khá rộng. “Hoài Cảm” được viết ở cung Đô Trưởng (Do Majeur), nốt thấp nhất là Sol trầm và nốt cao nhất là Mi 2 (Quảng 10 so với chủ âm), như vậy người hát phải trải qua một âm vực 13 nữa cung. Hầu hết nam ca sĩ Việt Nam có giọng Baritone, có nghĩa là không thể xuống quá nốt Fa trầm và lên quá Fa 2. Vì thế hát “Hoài Cảm” không phổ thông như “Thu Vàng” vì khó hát. Nhạc phẩm này cùng được viết vào năm 1953, cho nên về nhạc thuật không khác “Thu Vàng” mấy, có nghĩa là lối phân câu rất sát luật cân phương, mỗi câu tám trường canh vuông vắn. Lối chuyển cung vẫn bảo thủ, duy có đoạn điệp khúc từ hợp âm thứ đổi thành hợp âm trưởng để diễn tả sự biến đổi của trạng thái tình cảm từ man mác sang ảo não. Với “Thu Vàng” ở cuối đoạn điệp khúc (nghe chừng đâu đây màu tê tái...), tác giả đã đưa người hát đến trạng thái chất ngất của tình cảm, rồi bỏ lơ ở đó, dù không để dấu nghỉ tự do (point d’orgue) người đệm đàn cũng phải ngầm hiểu lót thêm bốn nốt Rê, Do thăng, Si, La để người hát bắt vào đoạn cuối. Những nốt thêm này tạo thành hình ảnh chiếc lá vàng úa lơi lả lìa cành. Còn ở “Hoài Cảm,” tác giả cũng đưa người nghe đến chỗ nghẹn ngào nhất, nhưng câu cuối của điệp khúc có sửa soạn cho người hát đi từ nốt cao, xuống thấp, và trở lại chủ âm, vì thế người hát không bị hẫng khi sang câu kế tiếp.


    “Hương Xưa”

    Sau “Thu Vàng”“Hoài Cảm” hai năm, nhạc Cung Tiến trở nên cầu kỳ hơn rất nhiều. “Hương Xưa” được viết tại Sài Gòn năm 1955, kích thước của sự nuối tiếc không chỉ còn là nỗi sầu riêng tư không rõ rệt. Cung Tiến đã gợi lại cả một hình ảnh quê hương thanh bình thủa ấy bằng những đoạn nhạc dài hơn (32 trường canh cho mỗi đoạn nhạc), thông lệ (16 trường canh). Chỗ chuyển tiếp giữa hai đoạn nhạc của điệp khúc tác giả đã thêm phần nhạc đệm viết rất công phu mang âm hưởng một Sonate dương cầm thời cổ điển. Nếu đứng trên quan điểm nghệ thuật, đáng nhẽ Cung Tiến nên chọn hình thức trường ca mới diễn tả trọn vẹn ý nhạc phong phú của “Hương Xưa.” Nếu kể về hình thức (form) với “Hương Xưa” Cung Tiến đã viết dài hơn một ca khúc và ngắn hơn một trường ca. Nhiều đoạn nhạc (passage) tác giả sử dụng lối viết liên cung (diatonique), lối này thường áp dụng cho nhạc khí hơn là ca khúc (lời Đường thi rền trong sương mưa), nếu ca sĩ không nắm vững kỹ thuật rất dễ bị hụt hơi. Ngay trong đoạn đầu, (những đêm sao mờ hồn ta mênh mông nghe sáo vi vu...) tác giả bắt người hát phải kéo dài tám phách ½ liên tục. Trừ ca sĩ hát Opera, rất ít người đủ hơi để diễn tả đúng ý tác giả. Tuy nhiên ý nhạc của “Hương Xưa” rất dồi dào phong phú so với “Thu Vàng”“Hoài Cảm.” Với ba mươi hai trường canh đầu tiên, Cung Tiến đã mang người thưởng thức về khung trời kỷ niệm với “cây đa bến cũ con đò năm xưa,” với tiếng sáo diều vi vu rộn rã của buổi chiều cô thôn, với tiếng khung quay tơ đều đặn của trưa hè, sang ba mươi hai trường canh điệp khúc, tác giả quay lại cả cuốn phim văn học nghệ thuật cổ xưa trong đó có lời ngâm Đường thi, tiếng nhị hồ não nuột, tiếng nguyệt cầm dập khoan. Ở ba mươi hai trường canh cuối cùng tác giả mong có một mùa thu nào đó, đất nước thanh bình, trở về thiên đường tuổi nhỏ nhặt lá thu rơi, nơi đó có tình người, tình yêu chan chứa.


    “Đêm Hoa Đăng”

    Ca khúc Cung Tiến ảnh hưởng nhạc cổ điển Tây Phương rõ rệt nhất là “ Đêm Hoa Đăng” (nhạc phẩm được phổ biến nhưng chưa xuất bản). Ngay câu đầu tiên (Một đêm giữa mùa vui liên hoan...) bài này, nét nhạc giống nhạc đề (Open Theme) của đoản khúc thứ nhất (1st Movement Allegero), cầm tấu khúc số 15, cung Đô trưởng (Sonata No 15) của Mozart. So với “Hương Xưa” Đêm Hoa Đăng phức tạp hơn nhiều, lối viết rất phóng khoáng, phân câu không còn theo qui luật biền ngẫu như trước. Ở điệp khúc cũng có một đoạn đơn tấu bởi nhạc khí nghe rộn rã rất Mozart. Vẫn là “Giấc Mơ” của Cung Tiến về quê hương cũ, đất nước thanh bình và tình yêu đôi lứa mãi không chết trong tuổi xanh.


    “Những Đêm Ảo Huyền”

    Thời gian từ 1953 đến 1960 Cung Tiến cho xuất bản “Những Đêm Ảo Huyền,” ca khúc mang nhịp điệu Tango, nét nhạc rất thời trang như “Những Bước Chân Âm Thầm,” “Xóm Đêm,” hoặc “Kiếp Nghèo.” Có điều lạ ca khúc này không được phổ biến rộng rãi như những ca khúc phổ thông nói trên của những nhạc sĩ cùng thời. Cũng thời gian này ca khúc “Chiều Cách Vợi” được trình bày đôi lần trên đài phát thanh Sài Gòn rồi chịu chung số phận với “Những Đêm Ảo Huyền.” So về kỹ thuật hai ca khúc này đơn giản hơn những ca khúc của Cung Tiến rất nhiều. Thoạt nghe, nếu không có lời giới thiệu, khó có thể nhận ra đó là nhạc của Cung Tiến, vì nét nhạc quá mộc mạc, bình thường.


    “Mùa Hoa Nở”

    Cung Tiến có cho phổ biến trường ca “Mùa Hoa Nở” qua giới học sinh, sinh viên. Cũng vì thế, tuy hòa âm công phu, ý nhạc súc tích nhưng trường ca này ít người biết đến. Đó cũng là trường hợp chung của trường ca “Màu Hồng Sử Xanh,” “Ngày Trường Hận” (Hoàng Thi Thơ), Việt Nam Sử Ca (Trần Bửu Đức tức Tống Ngọc Hạp). Để trình bày loại nhạc hợp xướng này, ban hợp ca phải qui tụ đông người và tập luyện công phu. Trừ học sinh, sinh viên, ít đoàn thể nào có phương tiện để sửa soạn trình diễn loại nhạc này.


    “Nguyệt Cầm”

    Phỏng theo ý thơ Xuân Diệu, Cung Tiến giới thiệu “Nguyệt Cầm” với thính giả năm 1956, sau “Hương Xưa” một năm. Ngay đoạn dạo đầu Cung Tiến đã dùng nhạc Beethoven để vào đề cho ca khúc của mình. Chính vì thế người nghe không lạ nếu câu đầu tiên, đoạn thứ hai của Nguyệt Cầm (Long lanh long lanh trăng chiếu một mình...) Cung Tiến lấy ở trường canh số 21 trong cầm tấu khúc số hai, đoạn 2 của Mozart (Andante- Sonata No 2, Key Fab). Về kỹ thuật viết nhạc Cung Tiến lại đổi một lần nữa. Tác giả đã phá hẳn luật cân phương, câu nhạc dài ngắn tùy ý. Lối này rất phóng khoáng, tuy nhiên rất khó sử dụng. Cũng như trong hội họa muốn vẽ lập thể phải vững hình họa trước. Nếu không chỉ là một sự phá luật khôi hài, lẫn trốn kỹ thuật căn bản. Trong “Nguyệt Cầm” Cung Tiến chuyển cung rất xa, từ Mi Trưởng sang Fa thăng thứ về Si giảm trưởng (Đêm mùa trăng úa...nhớ thương mùa thu), rồi từ Mi trưởng sang La trưởng, Fa thăng thứ, Sol trưởng... (Trăng Tầm Dương...chết theo nước xanh...) điệp khúc trong “Nguyệt Cầm” cũng không rõ rệt (...long lanh...khơi mãi tình sâu...) gồm hai đoạn khác nhau ghép lại. Điều này chứng tỏ Cung Tiến đã đạt trình độ kỹ thuật rất cao về lối viết ca khúc. Tác giả phá luật cân phương, chuyển cung xa nhưng bố cục bài nhạc vẫn chặt chẻ, gắn bó, ý nhạc vẫn đầm thắm luân lưu. Tuy nhiên, để người hát không bị lạc lõng, lúng túng, Cung Tiến vẫn cho kết ở chủ âm.


    “Lệ Đá Xanh”

    Sang đến 1957, Cung Tiến cho ra mắt “Lệ Đá Xanh” viết tại Sydney, Úc Đại Lợi. Vì phổ thơ Thanh Tâm Tuyền, (thể loại thơ tự do ), tác giả vì phải tôn trọng nhà thơ nên bỏ hẳn luật cân phương để khỏi phân đoạn lại, hoặc sửa lời thơ. Hơn nữa nhiều khi tác giả đang dùng nhịp 4/4 bỗng đổi sang ¾ đột ngột rồi 4/4 . Có lẽ chính vì thế gây sự khó khăn cho người hát và người đệm đàn không đoán trước được sự phân câu và chuyển đoạn. Không biết Phạm Đình Chương viết “Nữa Hồn Thương Đau” vào quãng thời gian nào? Điều ngẫu nhiên trường canh thứ 22 của bản nhạc này (Đôi khi em muốn tin...) giống y hệt trường canh thứ 19 của “Lệ Đá Xanh” (Đôi khi em muốn tin...). Có điều chắc chắn Cung Tiến và Phạm Đình Chương cùng lấy ý thơ Thanh Tâm Tuyền, và tất nhiên hai ca khúc đều có nét đặc thù riêng. “Lệ Đá Xanh” được viết theo cung Đô Trưởng, nhưng Cung Tiến dùng dấu hóa bất thường (Alteration Irregulaire) khá nhiều và lại kết ở cung Mi Trưởng, nên người hát phải có trình độ nhạc pháp khá cao mới trình bày được hoàn hảo. Với 54 trường canh quả thật Cung Tiến đã đưa người hát lẫn người nghe đi một cuộc hành trình kỳ thú, luôn có những cảnh sắc mới lạ. Điều này xảy ra tương tự với “Mắt Biếc.” Càng ngày Cung Tiến càng đi xa người thưởng ngoạn có kiến thức âm nhạc trung bình. Người chuộng tân nhạc Việt nghe nhạc Cung Tiến sau này cũng như thính giả nhạc cổ điển Tây phương nghe nhạc Schoenberg hay Mahler. Tuy cùng là rượu vang quí nhưng vừa uống vừa phải vận dụng sự tinh anh của vị giác, khứu giác mới cảm nhận được mùi thơm của phẩm (Flavor) đến vị ngon của rượu (flagrance) cho đến cái tận cùng tinh túy của chất nho (bouquet). So với “Lệ Đá Xanh,” tuy nhiên “Mắt Biếc” còn bàng bạc chủ âm từ đầu đến cuối khiến người thưởng ngoạn không đến nỗi để lạc lối, từ trường canh 45 (Đâu ngờ phút giây huy hoàng...) tác giả chuyển cung từ Rê thứ rồi Fa thăng trưởng...


    “Hoàng Hạc Lâu”

    “ Hoàng Hạc Lâu” một danh thi của Thôi Hiệu ít nhất đã được bốn dịch giả Việt Nam chuyển thành Việt ngữ: Tản Đà, Bùi Khánh Đản, Vũ Hoàng Chương, Đào Mộng Nam. Trong vòng non một phần tư thế kỷ Cung Tiến hai lần bỏ quê hương. Nếu 1953, Cung Tiến nuối tiếc kỷ niệm thời hoa niên với mùa thu Hà Nội vàng úa, thì 1975 Cung Tiến nhớ cả quê hương hai miền qua “Hoàng Hạc Lâu.” Tựa trên bản dịch của Vũ Hoàng Chương, Cung Tiến dịch chuyển khuynh hướng âm nhạc của mình 180 độ khi dùng âm giai ngũ cung phổ nhạc bài thơ về lầu Hoàng Hạc. Cung Tiến sử dụng sự chuyển hệ của âm giai ngũ cung tài tình không kém sự chuyển cung trong những bản nhạc ảnh hưởng nhạc cổ điển Tây Phương. Cung Tiến tìm cho mình thấy cả một khung trời tự do trong cả hai hệ thống âm giai Đông Tây. Đó là dấu hiệu của sự sai khiến được kỹ thuật dưới ngòi bút mình để phục tòng sự biểu lộ xúc cảm, ưu tư.






    Ngoài khả năng viết ca khúc, Cung Tiến là nhạc sĩ đầu tiên cho xuất bản ca khúc của mình có phụ soạn tây ban cầm và dương cầm. Muốn sử dụng được phần phụ soạn này người đệm đàn cũng phải có trình độ nhạc thủ khá cao. Chẳng hạn trong “Hoàng Hạc Lâu,” Cung Tiến dùng kỹ thuật reo dây viết phần phụ họa tây ban cầm, muốn sử dụng kỹ thuật này thành thạo phải tốn ít nhất 6 năm tập luyện.

    Cũng vì Cung Tiến sử dụng kỹ thuật viết ca khúc và nhạc đệm quá cao so với người thưởng ngoạn nên nhạc Cung Tiến không được phổ biến đúng mức. Có lẽ kỹ thuật này nên áp dụng cho hình thức đại nhạc thì hơn (Sonate, Concerto, Symphony, Opera...). Tuy nhiên người thưởng ngoạn nhạc Cung Tiến ít ai phủ nhận, dù với một số lượng nhạc phẩm khiêm nhượng, Cung Tiến đã có những bản nhạc bất hủ trong nền âm nhạc Việt.


    (San Jose 1986)


    http://www.viendongdaily.com/cung-tien- ... 22X5A.html
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Vũ Hoàng Chương – Cung Tiến và Hoàng Hạc Lâu

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           



              
              
    Vũ Hoàng Chương

    Cung Tiến


    Hoàng Hạc Lâu

    _______________________
    Quỳnh Giao

              


    Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, nhạc sĩ Cung Tiến & ca sĩ Quỳnh Giao, tác giả bài viết, đều đã khuất bóng. Như một tưởng niệm ba nghệ sĩ nổi tiếng này, xin mời bạn cùng thưởng thức bài viết sau đây.





              

    (VHC - Thủ bút)
    Hoàng Hạc Lâu – Vũ Hoàng Chương

              

    Sinh tiền, Vũ Hoàng Chương là thày dạy Việt văn của Cung Tiến. Ông sinh năm 1916, trước người nhạc sĩ tên tuổi này 22 năm. Nhưng với thói quen khoáng đạt của một nhà thơ, ông không hề câu nệ, vẫn coi Cung Tiến như người bạn vong niên hơn là một đứa học trò.

    Có lần ông nói đùa. Rằng Cung Tiến phổ thơ biết bao người mà chưa từng phổ thơ Vũ Hoàng Chương! Cung Tiến không quên điều ấy nhưng biến cố 1975 đã ụp trên cả nước và người nhạc sĩ thì lưu vong ra ngoài, còn nhà thơ kẹt lại ở bên trong với những Mai Thảo, Phạm Đình Chương, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Xuân Ninh, Phan Lạc Phúc, v.v….

    Trong nỗi bi phẫn về cảnh bạn bè tán lạc, Vũ Hoàng Chương đã cảm dịch bài thơ Hoàng Hạc Lâu nổi tiếng của Thôi Hiệu, rồi nhờ bạn bè chuyển được ra ngoài, Đến tay Cung Tiến khi ấy còn ở Canberra bên Úc… Thôi Hiệu là nhà thơ khét tiếng thời Thịnh Đường vào đầu thế kỷ thứ tám. Bài thơ của ông khiến một người như Lý Bạch còn nghẹn lời không dám viết về lầu Hoàng Hạc nữa và được Kim Thánh Thán ngợi ca là “bút pháp tuyệt kỳ, tác phẩm đệ nhất cổ kim trong thơ Luật”.

    Đấy cũng là bài được người mình dịch sang Việt ngữ nhiều nhất. Có người đếm ra hơn bốn trăm bản dịch khác nhau, từ Tản Đà, Ngô Tất Tố đến Trần Trọng Kim, Trần Trọng San, Nguyễn Đức Hiển, v.v… Với Cung Tiến và nhiều bằng hữu thì bài cảm dịch của Vũ Hoàng Chương là một sự tuyệt mỹ vì tâm cảnh mọi người vào lúc đó.

    Từ bên ngoài, nhận được bản dịch, Cung Tiến nhớ thầy, nhớ bạn và nhớ lại cung cảnh xa xưa nên đã xuất thần phổ nhạc rất nhanh và tìm cách gửi về ngay năm sau. Nhưng không kịp nữa. Vũ Hoàng Chương bị cầm tù và bị kiệt sức mới được thả ra và tạ thế sau đó năm ngày nên không bao giờ được nghe ca khúc này. Bây giờ nhớ lại thì xin ghi bài cảm dịch của ông để chúng ta khỏi quên và cùng thưởng thức:
              
    ““Xưa hạc vàng bay vút bóng người
    Đây lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi
    Vàng tung cánh hạc đi đi mãi
    Trắng một màu mây vạn vạn đời
    Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu
    Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi
    Gần xa chiều xuống nào quê quán
    Đừng giục cơn sầu nữa, sóng ơi…””

              
    Khi còn sống, ông Nguyễn Đức Hiển tại Houston Texas cho rằng bản dịch Vũ Hoàng Chương “còn hay hơn nguyên bản, mà nguyên bản vốn đã hay tót vời”. Ông Hiển có thể nói không ngoa vì bản thân đã dịch đi dịch lại mười mấy lần bài thơ của Thôi Hiệu! Ông còn dụng công so sánh hai câu thực của nguyên bản, gồm sáu thanh trắc liên tiếp:
              
    “Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản
    Bạch vân thiên tải không du du”

              
    Với câu “thực” do Vũ Hoàng Chương để lại mà ông cho là ảo diệu hơn:
              
    “Vàng tung cánh hạc đi đi mãi
    Trắng một màu mây vạn vạn đời…”

              
    Khi đọc lại, làm sao mình không ngậm ngùi với những chữ tuyệt diệu như “vút” bóng người, hay chút “thơm” rơi…? Và câu kết, ” Đừng giục cơn sầu nữa, sóng ơi!”, nghe thê thiết hơn vần lục bát của Tản Đà:
              
    “Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
    Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai!”

              
    Cung Tiến đưa Hoàng Hạc Lâu vào nhạc với phần hòa âm soạn cho dương cầm và viết trên cung Ré giáng Trưởng, nhịp 4/4 chậm rãi tha thiết – andantino – và Ỷ nhị. Piano mở đầu bằng hai ô nhịp, hai mesures, viết lối Arpège chùm hai nốt, thánh thót, êm đềm. Rồi lời ca cất lên bồi hồi day dứt như một truyện kể, mà dùng phép tả cảnh để tả tình:
              
    “Xưa hạc vàng bay vút bóng người…
    Đây lầu Hoàng Hạc chút (ứ ư ) thơm rơi…”

              
    Đàn piano lại rải, nghe như tiếng chim hót, và cứ thế ca khúc dẫn người nghe vào một bức tranh cổ, với cánh hạc vàng ẩn hiện sau vầng mây bạc có nắng chiếu, có cây bến Hán Dương u buồn và cỏ bờ Anh Vũ vắng vẻ, chẳng còn ai chơi…

    Đoạn nhạc chuyển tiếp nỉ non đan lượn những ngậm ngùi rồi chợt mở ra tâm sự kẻ tư hương, nhớ quê, nhớ bạn…
              
    “Gần xa chiều xuống nào quê quán
    Đừng giục cơn sầu nữa (ư ứ), sóng (à à) ơi…”

              
    Rồi đàn lại buông arpège hai nốt nhẹ nhàng, lãng đãng chìm khuất, mơ hồ như cánh hạc vàng tan trong khói sóng…

    Toàn bài, Cung Tiến dùng âm giai ngũ cung đầy chất Đông phương với nét nhạc thanh thản, nhuốm vẻ Lão Trang và phảng phất giai điệu Claude Debussy trong bài “Clair de Lune”. Cung Tiến rất chuộng Debussy khi nhạc sĩ người Pháp này khám phá nhạc Á Đông vào đầu thế kỷ trước. Debussy cũng dùng hợp âm ngũ cung và cũng lấy “Arpège” rải tay trái và đưa ra một hợp âm lạ tai mà hài hòa êm ái…..

    Bài “Hoàng Hạc Lâu” là viên ngọc quý của thơ Đường. Bản dịch Vũ Hoàng Chương là bài chuyển ngữ mang tâm sự của một thi hào trong hoàn cảnh bi đát của đất nước. Ca khúc Cung Tiến là sự kết hợp lạ kỳ của tình cảm và nhạc thuật để nối liền ngần ấy nét đẹp của thơ, của nhạc. Điều hơi tiếc là ít người biết hoặc trình bày ca khúc trác tuyệt này để đời sau còn nhớ Vũ Hoàng Chương và dòng nhạc quý phái của miền Nam chúng ta khi mình đã mất hết…

    Lần cuối mà miền Nam tự do có buổi sinh hoạt để vinh danh Vũ Hoàng Chương là vào Tháng Ba năm 1975, tại phòng trà của Khánh Ly, do Mai Thảo và Thanh Tâm Tuyền tổ chức. Đã 35 năm tròn rồi. Sau đó là cảnh chia ly tan tác. “Vàng tung cánh hạc”… như ánh chớp chợt lóe rồi vụt tắt.

    Dư âm còn lại là tiếng nhạc lãng đãng trong chiều tà. Sau đấy là cõi tối đen của thơ và nhạc…



    Quỳnh Giao
    (Nguồn: Người Việt Online)


    —-





    Xin mời nghe lại tiếng hát Quỳnh Giao trong ca khúc Hoàng Hạc Lâu
              

    Hoàng Hạc Lâu _ Cung Tiến _ Quỳnh Giao

              
    Và đọc thêm

    https://tranthinguyetmai.wordpress.com/ ... g-hac-lau/
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Vài dòng về tiểu sử của nhạc sĩ Cung Tiến

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Vài dòng về tiểu sử của nhạc sĩ
    Cung Tiến

    _______________________________






    Trong lịch sử tân nhạc Việt, dường như không có một nhạc sĩ nào nổi tiếng ngay với sáng tác đầu tay, ở tuổi niên thiếu, khi chỉ mới 14, 15 tuổi, như trường hợp Cung Tiến. Có dễ chính vì thế mà, có người không ngần ngại gọi hiện tượng Cung Tiến là thiên tài của bộ môn nghệ thuật này.

    Nhạc sĩ Cung Tiến tên thật là Cung Thúc Tiến, sinh ngày: 27-11-1938 tại Hà Nội, học xướng âm và ký âm với hai nhạc sĩ nổi tiếng là Thẩm Oánh và Chung Quân tại hai trường Trung học Chu Văn An và Nguyễn Trải.

    Với hai sáng tác đầu tay bất hủ Thu vàng và Hoài cảm viết từ khi mới lên 13-14 tuổi, nhạc sĩ Cung Tiến được nhiều người ca tụng là thần đồng âm nhạc dù ông xuất thân từ một gia đình không ai có năng khiếu âm nhạc.

    • “Cụ thân sinh tôi là một nhà thơ, một nhà cách mạng. Ông theo Việt Nam Quốc dân Đảng, không có ai dính vào âm nhạc nhất là âm nhạc mới, không có ai cả,” nhạc sĩ Cung Tiến nói với đài VOA.

    Tuy nhiên, bản thân ông đã bắt đầu sinh hoạt văn nghệ thời còn là học sinh tiểu học, đi học hát trong nhà thờ, hát trong các ca đoàn Công giáo và được giao điều khiển ban hợp ca của các trường khi lên tới trung học.

    • “Thời trung học có tổ chức những đại hội học sinh toàn thành. Hồi kỷ niệm thành lập Việt Nam Cộng hòa năm thứ hai của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm thì có đại nhạc hội học sinh toàn thành của các trường trung học Việt Nam như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Trưng Vương, Petrus Ký, Marie Curie, thành lập Ban Hợp ca và tôi điều khiển ban hợp ca đó, vào năm 1956,” nhạc sĩ Cung Tiến tâm sự.

    Từ nhỏ, ông từng học thổi sáo, biết chơi đàn mandoline, đàn guitar cổ điển trước khi làm quen với đàn piano lúc qua Úc du học về nghành kinh tế Trong khoảng thời gian 1957 tới 1963.

    Trong những năm từ 1970 tới 1973, khi Cung Tiến nhận được một học bổng cao học về kinh tế, của British Council để nghiên cứu kinh tế học phát triển tại Ðại Học Cambridge, Anh quốc; ông cũng đã ghi tên tham dự các lớp về nhạc sử, nhạc học, và nhạc lý hiện đại…

    Các bản nhạc đầu tay của ông đã đi sâu vào lòng người hâm mộ như Thu Vàng, Hoài Cảm, hoàn toàn xuất phát từ trí tưởng tượng, không dính líu đến đời thật của ông. Cung Tiến sáng tác rất ít và phần lớn các tác phẩm của ông đều viết sau 1954, trừ hai bài nêu trên ông viết năm 1953 khi mới 14-15 tuổi. Tuy nhiên, các ca khúc này lại thường được xếp vào dòng nhạc tiền chiến bởi chúng có cùng phong cách trữ tình lãng mạn… Sau này, phần lớn những nhạc phẩm của nhạc sĩ Cung Tiến là những bài thơ được ông thổi vào giai điệu du dương.

    • “Viết lời ca khi hồi còn trẻ. Sau này mình không có hứng, không có dịp để viết lời ca thường nữa. Phần lớn tôi phổ thơ của Vũ Hoàng Chương, Thanh Tâm Tuyền. Thanh Tâm Tuyền tôi phổ nhiều lắm. Ngoài tập 10 bài thơ viết trong tù cải tạo, tôi còn phổ những bản trước khi ông vào tù, khi còn ở Sài Gòn như bản Lệ đá xanh, Đêm…,” ông giải thích.

    Cung Tiến chưa hề về Việt Nam và từ khi sang Mỹ ông không viết bản nhạc nào về Việt Nam ngoài Hoàng Hạc Lâu, phổ thơ của Vũ Hoàng Chương dịch bài thơ của Thôi Hiệu đời Đường, tác phẩm duy nhất của ông có “dính líu” với Việt Nam sau ngày miền Nam Việt Nam sụp đổ năm 1975.

    Sau khi đậu Tú tài hai, nhạc sĩ Cung Tiến được học bổng Colombo sang Úc học về môn kinh tế trong khoảng thời gian từ 1957 đến 1965. Dịp này, ông tham dự các lớp học về âm nhạc phương Tây tại Viện Âm nhạc Sydney.

    Từ năm 1970 đến 1973, ông được học bổng của Hội đồng Anh (Bristish Council) để nghiên cứu về kinh tế tại trường đại học Cambridge. Trong thời gian đó, ông trau dồi thêm về âm nhạc bằng cách tham dự các lớp về nhạc học, lịch sử âm nhạc và nhạc lý hiện đại. Cho nên về sau này, phong cách sáng tác của ông khác hẳn những bản nhạc thời học sinh mà ông gọi là “nhạc phổ thông”. Thay vào đó là những tác phẩm mà ông gọi là “ca khúc nghệ thuật.”

    Ra hải ngoại Cung Tiến viết nhạc tấu khúc Chinh Phụ Ngâm năm 1987, soạn cho 21 nhạc khí, trình diễn lần đầu vào ngày 27 tháng 3 năm 1988, tại San Jose, California, với dàn nhạc thính phòng San Jose, và đã được giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật Quốc Khánh 1988…

    • “Về sau tôi sáng tác nhiều tác phẩm khác được chơi ở bên Mỹ rất nhiều, nhất là tập tổ khúc (Suite) Chinh Phụ Ngâm. Tổ khúc giống như một symphonie nhưng nhỏ hơn, viết cho dàn nhạc đại hòa tấu. Dựa vào những tình tứ, tình cảm trong tập thơ đó, tôi viết thành một tổ khúc ba phần. Không phải tôi phổ nhạc. Không phải tôi phổ thơ Chinh Phụ Ngâm. Tôi dựa vào tình tiết, cảnh tượng trong Chinh Phụ Ngâm mà viết thành một tổ khúc cho dàn nhạc đại hòa tấu,” ông chia sẻ.

    Theo dõi sinh hoạt sáng tác của Cung Tiến, kể từ sau biến cố 30 tháng 4, 1975, ở hải ngoại, người ta được biết, ông dành nhiều thì giờ hơn cho việc sáng tác – Từ phổ nhạc thơ, cho tới những công trình nghiên cứu dân ca Việt, nghiên cứu hình thái đặc thù của truyền thống Quan Họ Bắc Ninh, v.v…

    Bên cạnh lãnh vực âm nhạc, Cung Tiến cũng đóng góp nhiều cho lãnh vực văn học thuộc giai đoạn 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam. Với bút hiệu Thạch Chương, ông từng cộng tác với các tạp chí Sáng Tạo, Quan Ðiểm, và Văn. Hai trong số những bản dịch thơ văn của Cung Tiến dưới bút hiệu Thạch Chương, được nhiều người biết tới thời trước 1975 ở Saigon là
    • Hồi Ký Viết Dưới Hầm của Dostoievsky,
    • và cuốn Một Ngày Trong Ðời Ivan Denisovitch của Solzhenitsyn.


    Nhạc sĩ Cung Tiến cũng từng là một viên chức cao cấp của Việt Nam Cộng hòa. Ông là một trong ba Tổng Giám đốc trụ cột của Bộ Kế hoạch trước năm 1975.

              
    1953: Sáng tác hai nhạc phẩm bất hủ Thu Vàng và Hoài Cảm từ lúc còn rất trẻ.

    1957-1963: Du học ở Úc Châu ngành Kinh tế, đồng thời học thêm về dương cầm, hòa âm, đối điểm, phối cụ tại Nhạc viện Sydney.

    1964-1970: Viết nhận định, phê bình văn học, dịch thuật cho các tạp chí Sáng Tạo, Quan Điểm, Văn với bút hiệu Thạch Chương.

    Dịch giả hai tác phẩm nổi tiếng của văn hào Nga: Hồi Ký Viết Dưới Hầm của F. M. Dostoevsky và Một ngày trong đời Ivan Denisovitch truyện của A. Solzhenitsyn.

    1970-1973: Nhận học bổng cao học của British Council để nghiên cứu kinh tế học phát triển tại Cambridge, Anh Quốc và tốt nghiệp kinh tế học tại đó; đồng thời dự các lớp nhạc sử, nhạc học và nhạc lý.

    1975: Định cư tại Hoa Kỳ, làm việc trong Bộ An Ninh Kinh Tế Tiểu Bang Minnesota.

    Đầu thập niên 80: phổ nhạc Vang Vang Trời Vào Xuân từ thơ viết trong tù của Thanh Tâm Tuyền, trình bày lần đầu tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn năm 1985.

    1987: Sáng tác tấu khúc Chinh Phụ Ngâm, soạn cho 21 nhạc khí, trình diễn lần đầu tại San Jose, California, ngày 27-3-1988; trình diễn lần sau tại Minnesota ngày 11-11-1989.

    1992: Phổ nhạc bài thơ Ta Về của Tô Thùy Yên, gồm hát, dẫn đọc, ngâm với đội nhạc cụ thính phòng.

    1993: Nhận tài trợ của The Saint Paul Companies để nghiên cứu nhạc Quan họ Bắc Ninh, các thể loại dân ca Việt Nam và soạn Tổ Khúc Bắc Ninh cho dàn nhạc giao hưởng.

    1997: Soạn bản hợp ca cho ca đoàn Dale Warland Singers (Minnesota), nổi tiếng quốc tế, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập ca đoàn.

    1999: Đêm nhạc Cung Tiến tại rạp Ebel Theater, Santa Ana, California, do dàn nhạc thính phòng của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ tổ chức (ngày 4 tháng 12).

    2003: Sáng tác nhạc đương đại Lơ Thơ Tơ Liễu Buông Mành dựa trên điệu dân ca Quan họ.

    2010: Đêm nhạc “Vết Chim Bay” do Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) tổ chức (ngày 10 tháng 7) tại rạp La Mirada Theater, Nam California – với một số nhạc phẩm tiêu biểu của Cung Tiến cùng dàn nhạc giao hưởng của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ. Hai tuyển tập Vang Vang Trời Vào Xuân và Hoàng Hạc Lâu cũng được ra mắt 2 hôm trước đó.
              




    Tổng hợp và theo Hà Vũ (VOA)

    https://www.cochinchine-saigon.com/vai- ... cung-tien/
Trả lời

Quay về “câu chuyện âm nhạc”