Phết-búc

Trả lời
Hình đại diện
nắng thủy tinh
Bài viết: 3555
Ngày tham gia: Thứ sáu 15/05/15 06:14

NGƯỜI ĐẶT TÊN ĐƯỜNG SÀI GÒN TRƯỚC NĂM 1975 LÀ MỘT THIÊN TÀI LỊCH SỬ

Bài viết bởi nắng thủy tinh »

Hình ảnh


NGƯỜI ĐẶT TÊN ĐƯỜNG SÀI GÒN TRƯỚC NĂM 1975 LÀ MỘT THIÊN TÀI LỊCH SỬ.

Đã từ lâu tôi rất muốn tổng hợp lại những điều thú vị đẹp đẽ và gây sửng sốt trong cách đặt tên đường của Sài Gòn trước năm 1975 (dù có nhiều trang đã từng viết). Bài này tôi viết mang trong mình 3 kỳ vọng.

Thứ nhất là để các bạn, các em yêu lịch sử nhưng sợ lịch sử có thể bỗng chốc phát hiện ra những điều tinh tế tuyệt vời trên con đường mà các em, các bạn đang đi học, đi làm mỗi ngày.

Thứ hai là một gợi ý để những nhà hoạch định giao thông có thể quy hoạch lại trên niềm cảm hứng tinh tế thú vị đó, để có thể tạo ra những bản đồ tên đường như thể ta đang bước đi trên một trang sách.

Và cuối cùng là để thắp một nén nhang tri ân đến người đã đặt tên những con đường đó, cũng là một cái cúi mình ngưỡng mộ trước những tinh hoa, tinh tế của người trí thức Miền Nam trước 1975 mà thời cuộc đã khiến mọi thứ không thể đi đến trọn vẹn.

Dưới đây là 10 điều thú vị về cách đặt tên đường Sài Gòn trước năm 1975:

1/. Bờ sông Sài Gòn được chia ra ba đoạn.
Đầu tiên là Bến Bạch Đằng, thứ đến là Bến Chương Dương, và cuối cùng là Bến Hàm Tử. Đó là gì?
Vâng, là những trận thuỷ chiến trong lịch sử chống quân Nguyên Mông của quan quân nhà Trần vào thế kỷ 13. Riêng Bến Bạch Đằng lớn nhất thì có ở đó là bức tượng của vị Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo chỉ tay ra bờ sông.
Vậy bạn có nhớ ở bên kia bờ sông là bến gì không?
Bến Vân Đồn - nơi Trần Khánh Dư đánh tan đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ, cũng là một trận thuỷ chiến thời đó.

2/. Bạn hẳn đều ít nhiều nghe đến cái tên Nguyễn Thái Học, một trong số những người sáng lập Việt Nam Quốc dân đảng và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Nhưng bạn có biết vợ của Nguyễn Thái Học không?
Từ cầu Ông Lãnh đổ xuống, bạn sẽ đi trên đường Nguyễn Thái Học, và bạn sẽ gặp phu nhân của người. Đó là Cô Giang.
Song song với đường Cô Giang là đường Cô Bắc. Nguyễn Thị Giang (tức Cô Giang) là vợ Nguyễn Thái Học, và Nguyễn Thị Bắc (tức Cô Bắc) là chị của Cô Giang.

3/. Điện Biên Phủ là một con đường huyết mạch tại Sài Gòn ai ai cũng biết. Nhưng không mấy ai biết tên con đường này trước 1975 là đường gì?
Đó là đường Phan Thanh Giản - tên của vị Đại thần nhà Nguyễn đã phải ký bản Hiệp ước cắt 3 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp. Ông chịu án oan trăm năm mà chỉ được gột rửa trong chục năm trở lại đây.
Sau năm 1975, tên đường Phan Thanh Giản đổi thành đường Điện Biên Phủ, đưa ông về quên lãng. Tuy nhiên ít ai biết rằng, sự tinh tế của vị đặt tên đường ấy vẫn để lại những dấu hiệu. Đó là người con của ông: Phan Liêm, Phan Tôn vẫn ở đó. Hai con đường ngắn, nhỏ, đặt song song, như ở cạnh hầu hạ cho linh hồn của người cha oan khuất bi kịch của mình.
Ngày ngày, khi đi từ cầu Sài Gòn xuống mà muốn về nhà thờ Đức Bà, chúng ta sẽ rẽ vào Võ Thị Sáu, và quẹo vào một con đường nhỏ cắt qua Điện Biên Phủ. Con đường nhỏ ấy chính là đường Phan Liêm. Nhưng cha ông thì không còn đó nữa.

4/. Phan Thanh Giản đỗ tiến sĩ và ra làm quan dưới triều Minh Mạng, vậy thì đương nhiên phải có đường Minh Mạng trước đó rồi đúng không. Vậy đường Minh Mạng ở đâu nhỉ?
Đấy là đường Ngô Gia Tự hôm nay. Một con đường xứng đáng với tầm vóc của Minh Mạng: to, đẹp với 3 hàng cây rợp bóng mát, mang cái hùng tâm tráng chí của bậc đế vương tham vọng nhất nhì lịch sử Việt Nam.
Và vị Đại Tướng của ông, người gánh trách nhiệm chinh chiến ở Campuchia là tướng Trương Minh Giảng, đó sẽ là một con đường nối dài từ quận này sang quận khác, như công tích vĩ đại kéo qua 2 nước, nhưng hẹp, hệt số phận bi kịch khi trở về. Con đường ấy hôm nay là đường Lê Văn Sỹ-Trần Quốc Thảo.

5/. Tương tự con đường Trương Minh Giảng là con đường Gia Long. Đường Gia Long và đối thủ không đội trời chung của ông là Nguyễn Huệ có sự nghiệp thể hiện qua tên đường. Đường Gia Long tuy hẹp nhưng dài, đường Nguyễn Huệ tuy to, nhưng ngắn, như số phận của vị anh hùng dân tộc đánh Đồn dẹp Bắc, công tích rực rỡ mà tuổi thọ ngắn ngủi.
Đường Gia Long hôm nay là đường Lý Tự Trọng. Ở phía đầu đường Gia Long là nhóm những vị khai quốc công thần của ông, đó là đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám), đấy là đường Võ Tánh (Nguyễn Trãi Quận 1), Ngô Tùng Châu (nay là Lê Thị Riêng), Quân sư Đặng Đức Siêu (đổi tên thành đường Nam Quốc Cang).

6/. Một số cái tinh tế khác như đường Lê Lai nhỏ nằm cạnh đường Lê Lợi lớn, đường Sư Vạn Hạnh âm thầm nối gót cho đường Lý Thái Tổ, giúp Lý Công Uẩn lập ra nhà Lý. Khu vực người Hoa chợ Lớn thì rặt các con đường của những vị hiền triết của Trung Hoa như Trang Tử, Khổng Tử hay các vị người Hoa đã có công mở cõi như Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích….
Còn ở Quận 1 ta thấy Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Trương Công Định… các vị khởi nghĩa chống Pháp thì sát sạt nhau.
Các vị nữ sĩ Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương khéo làm sao cũng ở bên nhau. Cách đó một khúc lại là cụm Bùi Thị Xuân, Huyền Trân Công Chúa và Sương Nguyệt Anh.
Trong khi những vị Trạng Nguyên như Lê Quý Đôn, Phùng Khắc Khoan, Lê Văn Hưu, Mạc Đĩnh Chi là các con đường song song bàn cờ.
Và hai danh nhân góp phần xây dựng nên chữ Quốc Ngữ là Hàn Thuyên và Alexandre de Rhodes thì lại song song nhau bên cạnh.

7/. Ở phía Bến xe Miền Tây lại thuộc về thuở lập quốc của thuỷ tổ dân tộc.
Đầu tiên là Hồng Bàng đúng không? Kế đó là Kinh Dương Vương, Hùng Vương, rồi An Dương Vương.
Xa xa là những Triệu Quang Phục, Bà Triệu. Đủ rồi chăng?
Chưa hết, còn một con đường nữa là đường Triệu Đà thưa các bạn. Đường Triệu Đà hôm nay chính là đường Ngô Quyền.
Thực ra trước năm 1975, đường Ngô Quyền-Triệu Đà nằm trên một trục. Như cái sự chấm dứt 1000 năm Bắc Thuộc mà Tiền Ngô Vương đã đem lại cho dân tộc vậy.
Triệu Đà dẫu không còn, nhưng đi về thêm một chút nữa bạn sẽ lại gặp đường Lữ Gia, vị Tể Tướng người Thanh Hoá thời Triệu Đà.

8/. Không chỉ có lịch sử, mà còn có những cái hay khác. Đi qua Bộ Y Tế thì là đường Hồng Thập Tự (nay gọi là đường Nguyễn Thị Minh Khai), đường Tự Do, Công Lý, Dân Chủ, Cộng Hoà, Thống Nhất thì được ở cạnh nhau như nói lên khát vọng nhân bản cao đẹp.
Đặc biệt đường Công Lý thì quy tắc phải một chiều (vì có Công Lý nào tráo trở đâu).
Đường Lục Tỉnh, đường Hậu Giang, đường Tháp Mười thì ở cạnh nhau. Rồi, quay về phía khu Bắc Hải là ta gặp một loạt cụm đường mang những địa danh của dân tộc đã đi vào huyền sử: Trường Sơn, Bạch Mã, Ba Vì, Đồng Nai, Cửu Long.

9/. Lòng dân cũng là một trang sử mộc mạc.
Tôi kể câu chuyện nhỏ, có một lần hai vợ chồng tôi đi ăn cháo lòng trên đường Võ Thị Sáu - Quận 3. Lúc ngồi xuống bàn, tôi thấy pass wifi là "hienvuong".
Hiền Vương chính là tên con đường này trước 1975, là tên nhân gian gọi chúa Nguyễn Phúc Tần, ông là vị chúa thứ 4 của dòng chúa Nguyễn trong thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, là người có công mở rộng lãnh thổ về phía Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần còn là người đã tiếp nhận những đoàn thuyền của Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên từ nhà Minh đi xuống, để họ tiến hành khai khẩn và tạo nên Cù Lao Phố, Mỹ Tho. Không có ông tạo nền tảng, sẽ không có Sài Gòn Chợ Lớn TPHCM sầm uất như ngày hôm nay.
Chúa Nguyễn Phúc Tần còn là một nhân vật hùng bá ở trên biển. Ông có tham vọng đánh ra Bắc phía chúa Trịnh, và từng đuổi quân Anh, quân Hà Lan... khi họ dám bắt người và xâm phạm bờ cõi Đàng Trong.
Sau năm 1975, đường Hiền Vương trở thành đường Võ Thị Sáu. Tuy nhiên như đã nói ở trên, lòng dân là một trang sử mộc mạc. Dẫu bị đổi thay thế nào, dẫu sử sách có quên lãng và các vấn đề chính trị đã xô đẩy họ rời khỏi trang sách, thì nơi đây, lòng dân vẫn biết cách để nhớ về, dù chỉ bằng một cái pass wifi ngắn ngủi.

10/. Người tạo nên kiệt tác lịch sử với các câu chuyện tôi kể trên kia là … một công chức.
Ông là Trưởng Phòng Họa Đồ thuộc Tòa Đô Chánh Saigon. Bộ phận được lệnh gấp rút thay thế toàn bộ tên đường từ tên Pháp qua tên Việt trong khoảng thời gian ngắn nhất, sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm nắm quyền.
Tên ông là Ngô Văn Phát, Nhà văn – bút hiệu Thuần Phong, sinh ngày 16 tháng 10 năm 1910 tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Để xây dựng nên công trình lịch sử thập phần tinh tế này, ông cần 3 tháng.

3 tháng cho một đời!

Nguồn: Fb Dung Phan
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5468
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Phết-búc

Bài viết bởi Bạch Vân »

          


Cám ơn Nắng , Bài viết hay quá :flwrhrts: :allright:



          
Hình đại diện
nắng thủy tinh
Bài viết: 3555
Ngày tham gia: Thứ sáu 15/05/15 06:14

Re: Phết-búc

Bài viết bởi nắng thủy tinh »

Bạch Vân :cafe: :flower:

N đọc cũng mường tượng ra được một ít con đường mình đã đi qua, dù gần 40 năm rồi. Bài viết hay mà sáng n loay hoay tìm chỗ trong Nhà Nam nhưng hong biết cất ở đầu nên để trong topic FB luôn :)

N thích đoạn tác giả viết thêm câu chuyện nhỏ "9/. Lòng dân cũng là một trang sử mộc mạc." :flwrhrts:
Hình đại diện
nắng thủy tinh
Bài viết: 3555
Ngày tham gia: Thứ sáu 15/05/15 06:14

Re: Phết-búc

Bài viết bởi nắng thủy tinh »

Zelenskyy

Tui xem ông đến Mỹ. Thấy cách bác Bi bắt tay chào đón vượt qua cái kiểu ngoại giao thông thường. Rồi ông vào toà nhà quốc hội. Mọi người đứng dậy vỗ tay chào mừng. Cũng là sự biểu lộ tình cảm dành cho ông. Ông đến đây , để vận động chính quyền và nhân dân Mỹ tiếp tục giúp đỡ Ukraine ,nên có nhiều đồn đoán , lời ra tiếng vào. Nhưng xem hình ảnh vừa qua thì tui thấy ổng được ngưỡng mộ và có thể thành công trong việc xin viện trợ đó.

Đi " xin xỏ" hoặc vay nợ luôn là công việc khó khăn. Nhất là vào cái lúc ai nấy... hết tiền sau mấy đợt lạm phát và suy thoái. Phải nói rằng bước đi sao mà đôi chân nó nặng. Nhưng ông phải đi. Chuyến ra nước ngoài đầu tiên sau cuộc chiến. Ông không đến Châu Âu mà đi thẳng đến " anh hai" . Chứng tỏ vị thế của nước Mỹ. Ai ghét cái quốc gia này thì cứ ghét nhưng không chơi với ảnh là thiệt thòi lớn.

Bài diễn văn của ông đọc trước quốc hội Mỹ quả là hay rôi. Chắc ổng và các cố vấn đã biên soạn kỹ lưỡng. Từ ngữ " chiến thắng " được nhắc lại nhiều lần. Và luôn gắn liền sự chiến thắng của Ukraine là của Mỹ. Khiến hội trường quốc hội phấn khởi. Các nghị sĩ đứng dậy để vỗ tay không ngớt . Sau thất bại ở Afghanistan, lần này người Mỹ được hãnh diện thật sự. Họ cảm thấy bỏ tiền đúng chỗ.Tui thấy cảnh hai đảng đồng lòng như vầy thì việc vận động của ông sẽ có kết quả tốt đẹp.
Một cái hay nữa là bài diễn văn được ông đọc bằng tiếng Anh. Phát âm rất chuẩn, diễn tả xúc động. Phải nói cái nghề " diễn viên " cũng là một lợi thế. Ông quay ra sau, quay ngang, nhìn trước. Từng câu đọc đều kết hợp với diễn tả. Không có cái kiểu cầm giấy cúi đầu đọc một mạch như.... phe ta.

Năm nay mùa đông lạnh thật sự. Ở Mỹ sắp có bão tuyết. Còn ở Ukraine thì đón Giáng Sinh bằng các ngọn nến. Ông nói đây không phải lãng mạn mà nước ông không có điện. Ông quy trách nhiệm cho Nga và " khều " luôn Iran vào nữa. Quả thật đây là đòn tâm lý rất hay, đánh động lương tâm người Mỹ. Đi xin là phải vậy. Khi dùng từ " chiến thắng " để nâng bà con lên thì " xuống xề " liền để nối liền cái mạch cảm hứng .

Ông cũng không quên tả cảnh chiến trường ác liệt. Từ ngữ " chiến hào thay đổi chủ nhiều lần " quả thật gây ấn tượng cho người nghe. Trước đó một ngày ông đã đến chiến trường Bakhmut. Nơi đây hai bên giành giật từng ngôi nhà suốt từ đầu cuộc chiến. Nên lời ông nói ra được tin là sự thật. Ông nói thêm sự ác liệt như vậy quân đội và người dân Ukraine gồng gánh, máu của người Mỹ không cần đổ ra. Ý của đoạn diễn văn này nhấn mạnh rằng để có chiến thắng chung cuộc, Mỹ chỉ cần viện trợ thôi mà. Tuy vậy . Dù đi xin xỏ ta cũng cần có... " vốn ". Vốn đây chính là sử dụng đồng tiền của người cho thật kết quả. Quả tình người Ukraine đã làm được điều này. Từ e ngại lúc đầu, bây giờ Mỹ đã viện trợ các vũ khí tối tân hơn mà nhiều đồng minh thân cận khác vẫn chưa có.

Kết thúc cuộc thuyết trình, ông đem theo lá cờ từ Bakhmut trao cho bà chủ tịch hạ viện như một ý nghĩa " chung một bóng cờ ". Rất hay. Ông đã trao cái " gánh nặng " cho người Mỹ để từ đây hai quốc gia cùng " sát cánh ". Bà chủ tịch cũng không quên ôm ổng " cọ má " chút. Lần này thấy bà .... sung sướng. Không bị " quê độ " như cái ...năm nào.

Bên kia chiến tuyến. Bác Putin cũng đi " xin xỏ " chớ cũng không ngồi yên. Bác cử người đi kiếm bác Tập, bác bay qua Belarus.... Không có gì tốn kém bằng chiến tranh. Bỏ tiền triệu làm cái gì đấy đều có đồng ra đồng vô, từ đó kích thích nền kinh tế. Còn bỏ tiền triệu làm hoả tiễn. Bắn cái " đùng " là tiêu tan. Tiền nào chịu cho nổi. Thôi thì cũng mong các bác " chín bỏ làm mười ", mỗi người nhịn một chút để ngồi xuống với nhau. Hồi đầu năm Ukraine " năn nỉ " rằng Nga rút quân đi. Donbass để đó, Crimea không nhắc tới trong 15 năm. Giờ thì khó rồi. Mấy bác uýnh nhau văng miểng khắp thế giới, kéo suy thoái đồng loạt. Hic!

Thế nên mỗi dịp Lễ Giáng Sinh , là dịp cho ta cầu nguyện. Cùng cầu cho thế giới, cho Nhân Loại hoà bình, cho đôi ta gặp lại, trong một mùa Giáng Sinh. Lời bài hát tuy cũ mà hay và lúc nào cũng hợp thời. Tui mong ông đạt mục đích trong chuyến đi này. Khi thấy " anh hai " quyết tâm với Ukraine thì có thể bác Putin chùn bước. Còn " anh hai " mà xìu xìu ển ển là bác Pu uýnh tới cho mà xem.

nguồn: https://www.facebook.com/jimmynguyen.nguyen.35
Hình đại diện
nắng thủy tinh
Bài viết: 3555
Ngày tham gia: Thứ sáu 15/05/15 06:14

Re: Phết-búc

Bài viết bởi nắng thủy tinh »

NGOẠI GIAO THẤT BẠI
====================
Đến hôm nay, có vẻ làn sóng ngầm bank run đã tìm đến Châu âu. Sau Credit Suisse của Thụy Sĩ, ngân hàng Deutsche của Đức đang bên bờ vực. Share của Deutsche đã giảm 20% giá trị, gây nhiều lo âu cho giới nhà bank.

Tại Mỹ, bóng ma lạm phát vẫn chưa dừng lại sau rất nhiều cố gắng của chính phủ. Cho dù SVB và Signature bank bị phá sản vì tiền lời quá cao, FED vẫn phải cắn răng nâng lãi suất thêm .25% mà chưa biết tác hại sẽ như thế nào.

Lạm phát chính là kẻ thù vô hình của mọi người. Dân quèn hay trung lưu, tất cả phải thắt lưng buộc bụng. Giới doanh gia choáng váng với lãi suất tăng vọt, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh. Nội các cụ Biden đã thất bại trong cuộc chiến chống lạm phát, hậu quả một phần từ giá dầu tăng cao đang khi Mỹ lại đánh mất tình trạng độc lập năng lượng. Phần quan trọng khác đến từ việc chi tiêu quá mức của chính phủ với những gói hổ trợ nhiều ngàn tỷ thời gian qua.

***
Đó là trong nước. Thất bại lớn nhất của chính quyền cụ Biden nằm ở phần ngoại giao.

3 ngày trước, Tập Cận Bình viếng thăm chính thức Nga, 2 nước ký bản tuyên bố chung, liên thủ đối đầu với Mỹ.
2 quốc gia này đang tận hưởng mối quan hệ nồng ấm nhất kể từ đầu thập niên 60s. Thời bấy giờ, tuy là 2 nước đứng đầu khối CS, nhưng TQ và khối Xô Viết có nhiều bất hòa, nhất là khi Xô Viết từ chối tiếp tục giúp đỡ TQ trong kế hoạch chế tạo bomb nguyên tử.

Thập niên 60s, miền bắc Việt Nam có lúc phải đi dây giữa 2 thế lực Nga và TQ. Nhóm văn nghệ sĩ thân Nga bị đàn áp nặng nề.

Người khai thác xung đột cốt tử này chính là Mỹ, trong đó có bàn tay của bậc thầy Henry Kissinger. Từ đó khối CS mất đoàn kết, không còn quá đáng ngại bởi những rạn nứt ngầm giữa 2 quốc gia đàn anh. Có người cho là từ đây Mỹ không còn cho miền nam Việt Nam là quá quan trọng trong cuộc chiến ngăn chặn làn sóng đỏ với hiệu ứng domino. Mỹ sau đó đã bỏ miền nam một cách lạnh lùng, không thương tiếc.

Hôm nay, Nga và TQ đã chính thức xích lại gần nhau sau hơn nửa thế kỷ lạnh nhạt. Nga không giàu nhưng là cường quốc hạt nhân số 2, và là quốc gia có nguồn năng lượng bất tận. Còn TQ có túi tiền khá lớn cùng sự khôn khéo quỷ quyệt. Sự kết hợp của cả 2 chắc chắn sẽ là một thách thức không nhỏ cho vị trí siêu cường số một của Mỹ trong tương lai.

Hiện tại, đang khi các nhà máy ở Mỹ và tây Âu phải è cổ mua dầu giá cao, sản xuất cầm chừng thì Nga bán cho TQ với giá discount 30%. Các nhà máy công xưởng của TQ tha hồ sản xuất, hàng hóa xuất sang Mỹ và châu Âu với giá rẻ, chất đầy trên các kệ hàng, gây khốn đốn cho doanh nghiệp sở tại.

Cuộc chiến Ukraine - Nga càng kéo dài, giá dầu tăng cao, Nga suy yếu 1 phần, châu Âu ảnh hưởng khá nặng, Mỹ tốn tiền, nhưng nắm chặt đàn em châu Âu hơn. Duy chỉ có TQ là lợi đủ đường.

Nhưng thất bại lớn nhất, theo cá nhân mình, chính là cú làm trung gian thương thuyết thành công giữa Iran và Saudi Arabia của họ Tập.

Ở chảo lửa trung đông, cũng là mỏ dầu của thế giới, Saudi là đồng minh lâu đời và tin cậy của Mỹ. Chỉ hơn 2 năm trước thôi, dưới thời cụ Trump, Saudi vẫn còn rất thân thiết với Mỹ.

Chỉ 2 năm thôi, tình hình khác hẳn. Saudi lạnh nhạt với cụ Biden qua vài vụ kiện, đã chọn xích lại gần với TQ. Họ Tập đã nhân cơ hội đứng ra làm trung gian hòa giải giữa 2 nước cựu thù. Saudi đã quay lại bắt tay với kẻ thù truyền kiếp Iran bởi mối xung đột về nhiều mặt, mà sự khác biệt tôn giáo chiếm phần quan trọng. Iran là hồi giáo theo hệ phái Shia, còn Saudi và phần còn lại thuộc hệ phái Sunni. Cả hai như lửa với nước, như mặt trời với mặt trăng.

Ấy vậy mà giờ đây 2 nước lại ngồi xuống trong hòa bình. Xung đột tôn giáo, chính trị không còn nữa. Khối Hồi giáo trung đông chắc chắn sẽ mạnh lên rất nhiều. Iran sẽ rảnh tay lo cho ước mơ hạt nhân của mình. Quốc gia buồn lo nhiều nhất là Israel.

Người kiến thiết thành công ngoạn mục này mỉa mai thay lại là Tập Cận Bình. Uy thế ngoại giao của TQ lên cao hơn bao giờ. Theo đà này, Tập sẽ tiếp tục làm trung gian hòa giải cho những xung đột quốc tế khác trong tương lai. Tập đã chính thức thay thế sứ mạng làm sứ giả hòa bình của cụ Trump trước đây.

Giờ đây, trên trường quốc tế Tập đang trở thành nhà cái, làm người chia bài chính thức, còn Mỹ từ vị trí anh cả chủ sòng nay chỉ còn là một trong nhưng tay chơi bài. Đây là một bước lùi nghiêm trọng.

Nếu Nga ngố chỉ là một cường quốc khu vực châu Âu, khó mà lớn nổi bởi sự bao vây tứ phía của NATO, không đáng quan ngại thì TQ nguy hiểm hơn bội phần. Ảnh hưởng của họ ngày càng lớn, từ Phi châu sang khối Mỹ la tinh... TQ khá giàu, lại có thừa mưu ma chước quỷ.

Nói gì thì nói, phải công nhận TQ đã ghi những bàn thắng đẹp trên chính trường mà người kiến tạo vô tình lại là Mỹ.
Mỹ đã mất đi một đồng minh lâu đời, quan trọng ở trung đông về tay TQ. Đó là ngoại giao thảm bại.

https://www.facebook.com/larryDking
Hình đại diện
nắng thủy tinh
Bài viết: 3555
Ngày tham gia: Thứ sáu 15/05/15 06:14

Re: Phết-búc

Bài viết bởi nắng thủy tinh »

Hoàng Nguyên Ngữ

Nhớ quá các mode thời trang của SG một thời xưa qua mấy câu Thơ:
"Mái tóc bồng gợi niềm sầu thế kỷ
-Quần blue jean chung thuỷ bạc thời gian
-Bastos xanh gắn chặt ngón tay vàng
-Giày tróc đế Bonard mòn đại lộ....."

nguồn:
Hình đại diện
nắng thủy tinh
Bài viết: 3555
Ngày tham gia: Thứ sáu 15/05/15 06:14

Gặp Lại Người Yêu Cũ

Bài viết bởi nắng thủy tinh »

GẶP LẠI NGƯỜI YÊU CŨ.
TG: Đỗ Minh Thuỳ

Tôi hiểu ba thương má nhưng không thể quên người yêu cũ. Có điều, trái tim không thể chứa cùng lúc hai người phụ nữ, nên ba mới thấy chông chênh.

Nghe má nói ba bị tai biến, tôi tức tốc vượt hơn trăm cây số về nhà. May mà tai biến nhẹ, lại được cấp cứu kịp thời nên không để lại di chứng. Bệnh viện đông, không khí ngột ngạt làm ba khó chịu. Ba gắt má sao nước nguội quá, cháo gì lạt nhách, gối kê đầu sao quá mềm…

Ba quạu thì quạu, má vẫn nhỏ nhẹ “rồi rồi, để tôi sửa cho vừa ý ông”. Quạu với má vậy thôi, má về nhà mới được nửa buổi, ba đã sốt ruột hỏi tôi: “Sao má con đi lâu vậy?”. Ba với má đó giờ vẫn vậy, xa thì ngóng, gần thì như mặt trăng với mặt trời.

Từ nhỏ, tôi đã chứng kiến ba má thường xuyên cãi cọ. Má da nâu nên ưa mặc quần áo màu nhạt, ba nói đàn bà phải mặc màu tối mới sang. Má uốn tóc ngắn, ba nói đàn bà phải để tóc dài, kẹp hay bới gì cũng quý phái…

Má biết tỏng bụng ba nên mát mẻ: “Người ta” của ông da trắng, dáng cao mới diện kiểu đó, tui bắt chước sao được”. “Người ta” của ba là dì Hiền. Hồi trẻ, ba và dì yêu nhau. Nhà dì chê ba nghèo nên không gả.

Nhà bán gạo, nhiều người mua thiếu rồi quỵt. Má nói người ta nghèo mới làm vậy, kệ đi, coi như làm phước. Ba thở dài, than: “Má mày hiền quá, dễ bị người ta gạt”. Má ấm ức: “Phải tía lia, mồm năm miệng mười như “người ta” mới vừa bụng ông chớ gì”...

Lớn lên tôi mới hiểu, ba đuổi bắt thứ gì đó rất mông lung, với hoài không tới. Từ vóc dáng tới tính tình của dì Hiền đã đóng khung trong ba thành chuẩn mực của cái đẹp. Vậy nên trong mắt ba, má chưa bao giờ toàn vẹn. Ba chưa một lần nhắc tên dì Hiền, cũng chưa từng gặp lại sau mấy chục năm xa cách, nhưng tôi vẫn cảm nhận được bóng dáng dì lúc nào cũng đâu đó trong những lần cãi cọ giữa ba với má, trong ánh mắt mênh mang của ba mỗi chiều về...

Người ta hay nói “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”. Chính vì dang dở nên ba mới nhớ, mới thương, mới tự gây sóng gió. Có lần tôi hỏi ba: “Dì Hiền đẹp lắm hả ba?”. Ba không trả lời, chỉ cười tủm tỉm, ánh mắt xa xăm như thể đang lạc về quá khứ.

Tôi nói: “Má không đẹp nhưng có duyên, tính lại hiền, chiều ba hết mực. Ba còn đòi gì nữa?”. Im lặng hồi lâu, ba mới khẽ khàng: “Chuyện người lớn, con không hiểu đâu”. Tôi hiểu chớ. Tôi hiểu ba thương má nhưng không thể quên dì Hiền. Có điều, trái tim không thể chứa cùng lúc hai người phụ nữ, nên ba mới thấy chông chênh…

Ba nằm viện được năm ngày, tôi xin chuyển viện lên Sài Gòn để khám lại. Bệnh viện lớn càng quá tải hơn ở quê. Tôi trải chiếu để ba nằm cho đỡ mệt. Góc bên kia, giọng một phụ nữ lớn tuổi cứ liên tục kêu rên: “Bệnh viện gì mà đông phát khiếp”, “Bắt số 225 vầy biết chừng nào tới tui hả trời”, “Ông quạt mạnh tay cái coi, khỏe cùi cụi mà làm như sắp chết vậy”…

Ba khều tôi: “Chắc bà ấy bệnh nhiều nên khó chịu. Số của ba 200 hả con, đổi cho bà ấy để bả khám sớm chút”. Tôi nghe lời ba, mang số qua đổi. Dì ấy thở ì ạch, mặt cau có. Nghe tôi nói đổi số, dì buông gọn lỏn: “Sao tự dưng đổi, có tiền bạc gì không?”.

Anh con trai bước qua chào ba tôi để cảm ơn. Ba tôi hỏi anh quê ở đâu. Nghe nói người cùng tỉnh, ba nhổm dậy dòm qua. Hai người cùng sững sờ. Ba lắp bắp: “Là… là… cô Hiền phải không?”. Tôi giật thót, quay lại nhìn “kẻ thứ ba” vô hình của má bấy lâu.

Dì ấy mập ù, tóc tai xơ xác, bộ ngực thả rông xập xệ… dường như chẳng liên quan gì tới dì Hiền da trắng, tóc dài, dáng cao ba hay nhắc bấy lâu. Có lẽ cảm giác của ba cũng bàng hoàng giống tôi nên thăm hỏi gượng gạo. Lúc về, tôi trêu ba: “Gặp “người ta”, mãn nguyện rồi hả ba?”. Ba thở dài: “Thà đừng gặp…”.

Từ bữa đó, ba cư xử với má dịu dàng nhỏ nhẹ. Ảo ảnh ba bắt được rồi, cũng chỉ là ảo ảnh thôi, má mới là thực tại của ba. May, cuối cùng ba cũng ngộ ra điều đó.

nguồn: https://www.facebook.com/groups/3958533 ... 058228251/
Hình đại diện
nắng thủy tinh
Bài viết: 3555
Ngày tham gia: Thứ sáu 15/05/15 06:14

Đoc Thủy Tinh Tan Vỡ của Tôn Nữ Thu Dung

Bài viết bởi nắng thủy tinh »

Thời chinh chiến mặc dù tôi đã là một quân nhân không còn là thư sinh áo trắng nữa nhưng thói quen mơ mộng của thời học trò không thay đổi. Trong ba lô mỗi lần hành quân thế nào tôi cũng lận theo vài ba quyển Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc loại bông tím để mỗi lúc dừng quân ven con suối hay gốc cây nào đó lấy ra đọc. Tôi thích những câu chuyện tình hay những bài thơ nhẹ nhàng đậm chất mộng mơ trong lứa tuổi học trò . Một trong những tác giả của những câu truyện là Tôn Nữ Thu Dung . Tôi biết Tôn Nữ Thu Dung từ đó . Biết nhưng không quen vì tôi là lính sống cùng rừng rú trong khi Tôn Nữ Thu Dung đang sống ở thành phố rất xa . Cho mãi sau này khi đã qua tuổi xuân lâu thật lâu chúng tôi mới gặp nhau trên Facebook. Tuy chưa đủ cơ duyên gặp mặt nhưng hai anh em chúng tôi trở thành thân nhau vì đi chung trên chiếc cầu thơ văn và cũng vì cùng là dân của thành phố biển Nha Trang. Văn Tôn Nữ Thu Dung mà tôi mến mộ hơn 50 năm về trước cho mãi đến bây giờ vẫn êm ả như mặt nước hồ cho dù chừng ấy năm giòng đời không hề êm ả sau khi mảnh đất miền Nam rơi vào tay của những người thắng trận miền Bắc.

Số phận tuổi trẻ của chúng tôi là số phận của những thanh niên sanh nhằm cuộc chiến. Nam hay nữ không là ngoại lệ. Tôn Nữ Thu Dung là một trong số đó. Cô sinh viên đang chạm cửa giảng đường đại học đầy phơi phới tương lai đành gác lại để tập tễnh bước vào đời bằng chiếc cuốc cầm tay với những ngày lao động ở những nông trường và những vùng đất khô cằn mà bom đạn của chiến tranh vẫn còn. Cho dù trong muôn vàn khốn khó như thế nhưng câu thơ của Herman Hesse " dù đau đớn quằn quại tôi vẫn yêu thiết tha trần gian điên dại này " vẫn theo nhân vật Diệp của Tôn Nữ Thu Dung trong Thủy Tinh Tan Vỡ. Đó cũng là câu thơ mà tôi chép trong quyển nhật ký hành quân cách đây gần 50 của thời còn trẻ. Năm 75 sau khi thua trận phải đun số phần vào trong các trại lao cải, câu thơ của Herrman Hesse vẫn theo tôi trong mỗi khi tuyệt vọng. Nay gặp lại trong Thủy Tinh Tan vỡ của Tôn Nữ Thu Dung khiến cho tôi xúc động vì đồng bệnh tương lân. Tôi liền đọc một lèo bản thảo do Tôn Nữ gửi. Sau đó tôi tắt computer rồi đi đâu đó để cho hồn mình lắng đọng. Mãi hai ngày sau tôi ngồi đọc lại. Lần này thì đọc từ từ chậm rãi từng chương một .

Thủy Tinh Tan Vỡ số phần của cô sinh viên tên Diệp sau năm 75 bị cuốn theo lịch sử bi thương của đất nước. Một gia đình êm ấm trong phút chốc đổ nhào giữa tiếng reo vang của những kẻ thắng trận. Người cha cột trụ trong gia đình bị tập trung lên rừng khổ sai để rồi chết âm thầm bỏ lại gia đình cùng những trách nhiệm chưa tròn. Từ một cô sinh viên ăn chưa no lo chưa tới Diệp bị cuốn hút vào khát vọng tự do và phải đánh đổi muôn vàn khốn khổ trong những lần vượt biên và tổ chức vượt biên. Càng khốn khó cô sinh viên Diệp càng ngẫng cao càng cứng cõi.

Tôi chưa hề là một nhà văn cũng chưa hề là một nhà thơ, tôi chỉ là độc giả của Tôn Nữ Thu Dung của 50 năm trước và bây giờ vẫn thế. Do đó những gì tôi viết xuống đây không phải là những lời phê bình văn học mà là những gì tôi cảm nhận được của một người đọc dành cho một tác phẩm.

Tác phẩm Thuỷ Tinh Tan Vỡ được viết từ ký ức mà ký ức là nhiên liệu trong khi cuộc đời là những chiếc xe. Những chiếc xe chạy cần nhiên liệu. Thủy Tinh Tan Vỡ là nhiên liệu đổ vào bình chiếc xe chuyên chở cuộc đời . Những chiếc xe chạy trong những cơn bão cuồng nộ của lịch sử. Chạy trong vùng kinh khủng và đau buồn. Đó là " anh Quang chết trong một trận lũ khi bơi thuyền qua sông cứu mấy đứa học trò ". Đó là " được gọi đến Bệnh Viện Tỉnh để ký giấy mang ba về nhà chôn cất". Đó là "Cao lăn xuống đồi trước khi tôi nghe tiếng súng hay gần như tôi không hề nghe tiếng súng ".

Để đau buồn dành cho người còn lại. Cám ơn người còn ở lại đã đi qua hết cuộc đời và cảm ơn cuộc đời đã vì Diệp mà đau buồn. Trong một đất nước khi lịch sử đã chọn kẻ ác làm người chiến thắng, biết bao biến cố tang thương dồn dập đổ ập xuống khiến những người bị trị chỉ muốn trở thành vô tri cho nên Diệp rất may mắn khi vẫn còn cảm xúc để được đau buồn. Nhờ những đau buồn đó mà trong văn học Việt Nam mới có Thủy Tinh Tan Vỡ để cùng hồi niệm.

Trong chương ba khi cô sinh viên Diệp vào thăm nuôi cha ở trại lao động khổ sai tác giả tả lại hình ảnh người cha của mình như sau .... “Ông quay lưng đi, anh Thiện cúi xuống lượm chiếc rựa ông quên nhặt … Bóng hai người dềnh dàng đi trong chiều âm u … những sợi nắng quái rơi rớt trên từng đám cây rừng đe dọa một đêm mưa tầm tả … Ước chi ba tôi quay lại một lần, nhưng ông không hề quay lại… tôi ngồi xuống, khóc nức nở” .

“Tôi không thể tưởng tượng nỗi là ba tôi đã ra đi, vĩnh viễn ra đi… Không một tin tức nào cho đến khi tôi được gọi đến Bệnh Viện Tỉnh để ký giấy mang ba về nhà chôn cất .... “ .

Tôn Nữ Thu Dung đã khơi động lại trong tôi những hình ảnh mà tôi đã từng trải qua, cứ những tưởng thời gian lâu quá rồi đã làm cho nhạt nhoà. Hình ảnh ba của Diệp dềnh dàng đi trong chiều âm u của trại lao động khổ sai cũng chính là hình ảnh của tôi trong những năm tháng đó.

Nên tôi hiểu được tâm trạng của người thua trận. Chỉ những muốn chết đi để khỏi di luỵ đến gia đình cùng những người thân yêu nhưng lại không đủ can đảm. Cái chết không đáng sợ bằng sợ cái chết nên đành phải chấp nhận tù tội chia ly và đau cắt. Sau 75 tôi cũng từng đi ở tù sáu năm và trong khoảng thời gian đó đứa con đầu lòng của tôi sanh năm 75 bị mất khi lên bốn tuổi. Con tôi mất không có tôi bên cạnh cũng như ba của Diệp mất không có ai bên cạnh.

Nên tôi hiểu được cái cảm giác mà Diệp tưởng rằng chai cứng. Thật ra đó là những vết sẹo không bao giờ lành da chỉ cần một cơn chuyển gió trở trời là vết sẹo đó lại nưng mũ.

Thuỷ Tinh Tan Vỡ cũng ghi lại mối tình của hai kẻ cứng đầu giữa Diệp và Cao. Nếu như đất nước không có cái ngày 30/04 oan nghiệt thì đây là một mối tình có hậu. Nhưng bởi vì đất nước có cái ngày đó nên hai anh chị thay vì hẹn hò nhau thơ mộng lại mỗi lần gặp nhau là toàn bàn chuyện vượt biển tìm tự do. Tuy thế bản chất nhân bản của những người được lớn lên phía Nam vẫn không tránh khỏi nên hai anh chị cũng có những giờ phút đắm chìm trong lãng mạn.

…. ” Giữa những công việc bận rộn của Cao, anh thường tìm đến tôi như một chốn nghỉ ngơi êm ả nhất… những buổi tối ngồi trên xích đu dưới giàn Huỳnh Anh chờ trăng lên bên kia cư xá nghe thoảng hương Dạ Lý từ khu vườn bên cạnh… Đêm thơm như một dòng sữa… đêm yên tĩnh lạ lùng như những đêm xưa… “

Tôi thấy thơ phảng phất trong khung cảnh này. Được biết Thuỷ Tinh Tan Vỡ được in chung một số thơ cùng tác giả do đó không lấy gì làm ngạc nhiên khi bắt gặp ở đâu đó trong những đoạn văn có thơ

Đêm rơi vỡ những vì sao mê hoặc
Hứng trên tay buốt lạnh hạt sương buồn
Người cũng thế... chia cùng tôi ngọt đắng
Bên kia bờ còn đau đáu vết thương
(Ký Ức Tháng Tư /TNTD)

Thủy Tinh Tan Vỡ gồm 19 chương. Mỗi chương là mỗi đoạn khúc tự sinh tồn của lớp tuổi thanh niên miền Nam cuối thập niên 70 sau khi quân lính Bắc phương dùng vũ lưc chiếm đóng thành công. Tác giả đã kết thúc những đoạn khúc đó ở chương thứ 19 đầy bi thương sau khi chuyến đi cuối của Cao lại thêm một lần thất bại và đánh đổi bằng sinh mạng của mình.

Nhưng không còn một nguy hiểm nào đe dọa tôi được nữa… Tôi đã chia chung với anh những giờ hạnh phúc và tôi phải chịu chung cùng anh cả những phút nguy nan… Tôi không để ý đến hai chân không vấp vào những cạnh đá xanh rướm máu, Tôi không còn sức để chạy nên lết đến bên anh, một tên du kích quay lại khóa chặt tay tôi.

Trong cuộc sống của mỗi một chúng ta, ngoài tình yêu nam nữ ra còn có nhiều thứ tình bao dung hơn mà nếu chữ tình đó đem thả xuống dòng nước thì sẽ bị nước cuốn trôi đi. Nếu khắc trên trời xanh thì một ngày nào đó sẽ có những chòm mây bay ngang qua che khuất. Nếu khắc lên hy vọng thì sẽ bị chông gai gập ghềnh trong cuộc sống cản ngăn trắc trở. Chỉ có khắc lên trái tim thì chữ tình kia mới sẽ cùng ta vĩnh cửu. Tôi tin rằng trong trái tim của Diệp hình bóng người con trai tên Cao đã hằn chung cùng với những tháng ngày chia hoạn nạn. Hai người đó vừa là bạn, vừa là anh em, vừa là tri kỷ, vừa là tri âm và cũng vừa là được hiện hữu để dành cho nhau hai trái tim cùng chung nhịp đập.

Và tôi suốt đời chẳng lẽ
Làm con ốc nhỏ chơi rong
Mà ôm trong lòng tiếng sóng
Ôm trong lòng cả đại dương…
(Tự Tình Với Biển /TNTD)

Hy vọng là một viên thần dược mà trên căn bản nó không hề tồn tại, nhưng điều thần kỳ là mọi người đều tin vào nó. Tôi cũng tin vào nó. Bạn biết sao không? Tại vì mọi người đều muốn có một khát khao mảnh liệt tin vào một điều gì cho dù không thay đổi được lịch sử nhưng ít nhất ra không để kẻ ác lợi dụng sự sai lầm của lịch sử thay đổi mình. Tôi tin Tôn Nữ Thu Dung cũng như tôi tin vào viên thần dược diệu kỳ kia cho dù không tồn tại. Bởi có niềm tin nên Thuỷ Tinh Tan Vỡ đã ra đời. Tôi cũng tin rằng lớp thế hệ sau cuộc chiến hiểu được những điều mà tác giả gửi trong tác phẩm vì đó là sự thật trong một giai đoạn lịch sử. Lịch sử có thể sai nhưng sự thật không ai có quyền che đậy. Bởi đó là khát vọng.

Và cuối cùng tôi xin dùng một đoạn văn và một đoạn thơ của chính tác giả để nói về Thuỷ Tinh Tan Vỡ mà Tôn Nữ Thu Dung cô nhà văn nhà thơ chung thành phố biển Nha Trang đã ưu ái dành cho tôi đọc khi còn trong bản thảo.

Tôi vuột khỏi tay Sư bà, chạy vội theo anh, tôi sẽ ngã vào tay anh, tôi sẽ úp mặt vào ngực anh thơm mùi khói thuốc, tôi sẽ nói: Cao ơi, cho Diệp theo anh, cho Diệp đi với mà anh.

Khi không thể chia cùng nhau khổ nạn
Thắp cho người ngọn nến cháy rưng rưng
Từng giọt nến rơi vào đêm tan nát
Mái hiên khuya- gió tạt...
buốt căn phần
(Vọng Âm Buồn /TNTD)

New Orleans tháng 5/2019
Quan Dương

nguồn:
Hình đại diện
nắng thủy tinh
Bài viết: 3555
Ngày tham gia: Thứ sáu 15/05/15 06:14

Chuyện Tâm Linh có không?

Bài viết bởi nắng thủy tinh »

Hoàng Mỹ Uyên

Chuyện Tâm Linh có không?

Ngày nhỏ mẹ hay được tặng lịch treo tường. Mẹ chỉ thích lịch có hình Chúa Jesus để treo. Còn lại Diễm My, Lý Thu Thảo, Lý Hùng, Lê Công Tuấn Anh đồ là mẹ cho tui. Tui rọc rời từng tờ ra hết. Lấy mặt sau ra, nằm chèm bẹp dưới sàn nhà, vẽ Chúa và Đức Mẹ trong mấy tấm hình nhỏ nhỏ mẹ có rất nhiều kẹp trong quyển kinh thánh ra vẽ theo.

Tới lớn vẫn vẽ Chúa. Con bạn thân là Na Heo năn nỉ vẽ cho nó miết vẫn ko vẽ. Tui có ám ảnh kiểu ảnh truyền thần người ta toàn vẽ để thờ. Nhứt định ko vẽ cho ai. Có vẽ người cũng chỉ vẽ người trong trí tưởng tượng.

Gần đây, lạ lắm. Có cô khách tới làm tay. Kể chuyện chồng cổ mới qua đời đột ngột. Tui không hề biết ảnh, chưa gặp. Trong đầu tui lúc đó thấy ảnh mồn một. Cảm giác rất kỳ lạ. Trong đầu tui chạy một mớ câu hỏi. Có phải là ảnh không thì một luồng điện chạy dọc từ đầu xuống chân. Tui biết đó là ảnh. Tui cảm động với câu chuyện vợ chồng cổ quá. Bèn đề nghị vẽ tặng cổ một bức ảnh.

Trong suốt 2 tuần, tui cứ định vẽ cả 2 vợ chồng, thì cầm bút lên là trống rỗng ko làm được gì. Và lại thấy tấm tranh ảnh cho tui thấy lần trước.

Tui bèn vẽ lại y như vậy. Tui vẽ ảnh ở tư thế từ trên cao nhìn xuống, đưa bàn tay trái xoè ra, mỉm cười. Mây hồng bao quanh ảnh và hào quang sáng xung quanh đầu ảnh. Ảnh mặc chiếc áo cam. Tới hồi tui khó xử ở màu da thật của ảnh. Tui lên IG cổ tìm. Toàn hình có chỉnh sửa, cũng khó. Nhưng lựa tấm tui cho là trung thật nhất để làm mẫu vẽ màu da, màu mắt.

Ngày cuối, khi xong hết, trong đầu tui chợt nảy ra một bài thơ. Tui viết vội xuống , đọc lại thấy hay quá. Tui bèn viết nó lên tranh luôn và ký tên ảnh.

Tui lại nghĩ, giờ làm sao tặng cho cổ mà không phải gọi cổ tới tiệm. Vì tui biết cổ sẽ rất xúc động. Nhưng tui lại không biết gì về cổ cả. Ngay lúc đang nghĩ, cổ nhắn tin tui trong group, nhờ tui làm tay dùm cô bé bạn thân của con gái. Tui chụp cơ hội đó, nhắn tin cô bé. Cổ giúp tui liền. Nhắn tui địa chỉ nhà. Ngay ngày tui off. Quá tiện.

Tui mang tranh tới. Hẳn là đoán được. Cổ khóc quá trời. Cổ nói cổ mơ thấy ảnh y chang vầy. Ảnh nói ảnh đã an nghỉ rồi. Và bài thơ tui biên trên tranh gần như y chang với tấm thiệp cổ tìm thấy trên xe, ảnh giấu định tặng cổ nhân ngày kỷ niệm ngày cưới. Trừ mấy câu cuối là ảnh nói ảnh chỉ không có ở đây nhưng ảnh không chết và luôn ở bên cổ.

Tấm ảnh tui chọn làm mẫu đó là tấm ảnh selfie. Sau cổ nói mới biết đó là tấm họ chụp tại ngôi nhà thờ mà họ đã làm lễ cưới.

Chưa hết, 2 ngày sau đó cổ muốn tặng tui tấm vé đi xem show mà cổ mua từ lâu định tặng ảnh nhân ngày của cha. Hỉnh trên poster là hình của anh chàng diễn viên , bố cục y chang như tấm tranh tui vẽ, phần đầu anh diễn viên chụp từ dưới lên, phía sau ảnh là mây hồng.

Cổ nói, màu áo cam, màu cam là màu ưa thích của ảnh.

Tui vừa ngạc nhiên vừa không ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì tất cả những chi tiết vô cùng riêng tư mà tui không thể nào biết được đó lại trùng khớp lạ kỳ. Không ngạc nhiên vì chính tui mới biết nó đến từ đâu. Tui chỉ việc rỗng tâm và để ảnh hướng dẫn mình. Ngạc nhiên vì tui hoàn toàn không có mối liên hệ nào với ảnh hay biết gì về ảnh. Nhưng rồi nghĩ, thôi kệ, giúp được một người chữa lành phần nào vết thương và cú shock lớn. Tại sao không?! Tui chọn giữ riêng hình của tấm tranh ấy riêng tư cho họ nên không đăng.

Nhỏ thấy ma làm mợ xĩu, bị quánh tung đít. Lớn thấy ma giữa ban ngày mém bị tông xe sợ xanh đít. Xưa bạn nào đi chùa thỉnh bùa an tặng là giữ. Ai đi nhà thờ những nơi linh thiêng tặng chuỗi mân côi hay hình thánh đã làm phép là giữ. Chỉ mong bớt thấy ma.

Trước nghe nói ai khí âm vượng, dương khí thấp là thấy ma. Tin mà không biết sao.

Năm ngoái tới nay, tui tập thiền nhiều. Tâm an, khí bình. Không bị doạ dẫm hay gì nhưng “thấy” kiểu khác. Mọi thứ cứ mồn một trong đầu. Mười chuyện chỉ dám chia sẻ 1-2 chuyện với người nhà. Vì nghe thấy mình kỳ dị, quái gỡ sao sao đó. Nhưng chẳng giữ gì “hộ mệnh” nữa cả.

Giờ kệ, có thấy thì hẳn là có duyên, càng vui vì hiểu và biết rằng, chúng ta chẳng ai chết luôn cả. Chúng ta chẳng bao giờ lẻ loi cả. Ta luôn luôn được che chở, được yêu thương mà chẳng biết đó thôi. Bị doạ hay gì cũng do chính mình quyết định có được doạ mình hay không á. Tin không là tuỳ mỗi người.

Kể chuyện này để nếu có tin, thì sẽ bớt buồn khi người thân yêu rời chúng ta đi. Họ vẫn không bỏ mình đâu. Họ biết hết, nghe hết, hiểu hết, tha thứ hết và yêu thương vô điều kiện lắm.

***
Anh chồng của chị bạn ung thư mắt. Bả nhắn kêu tui vẽ cho ảnh tấm hình Phật. Tui dẹp ngang bức dang dở , làm liền. Và cũng xong liền, chỉ chờ khô. Đẹp xấu không biết sao nhưng khi vẽ tâm nguyện an chắc người nhận cũng sẽ được an. Từ nay chắc sẽ tập vẽ Ngài ấy nhiều hơn. Cảm giác thật thích.

Chợt nghĩ tới việc nhỏ lớn toàn vẽ Chúa. Lần đầu được vẽ Phật. Vẽ Chúa xưa còn có mẫu. Vẽ Phật hình như chỉ cần ngắm thấy an là được.

Không biết bao giờ tui mới vẽ được người hiện sinh. Hì.

-Bee-


https://www.facebook.com/ubeesg
Hình đại diện
nắng thủy tinh
Bài viết: 3555
Ngày tham gia: Thứ sáu 15/05/15 06:14

CHUYỆN ĐI BUÔN - GẶP LẠI NGƯỜI BẠN ĐẠP XÍCH LÔ

Bài viết bởi nắng thủy tinh »

CHUYỆN ĐI BUÔN
GẶP LẠI NGƯỜI BẠN ĐẠP XÍCH LÔ

Mùa thu năm 1972 , tôi là một trong số 54 sĩ quan cấp bậc thiếu uý của 14 tiểu khu, đặc khu thuộc vùng 2 chiến thuật nhận được sự vụ lệnh của Quân đoàn II về trình diện Bộ chỉ huy CSQG khu 2 tại Nha Trang để biệt phái qua cành sát .
Sau khi trình diện cả 54 tên được đưa đến tâm huấn luyện CSQG khu 2 tại cây số 8 Cam Ranh để học một khoá tư pháp cảnh lại trong ba tháng . Tôi gặp thiếu uý Nguyễn Minh cùng theo học khoá này . Tôi được biệt phái từ Tiểu Khu Darlac còn Minh thì từ tiểu khu Tuyên Đức . Sau khi mãn khoá tất cả các sĩ quan đều bốc thăm để về đơn vị mới . Tôi và thiếu uý Minh bốc trúng Bình Định. Tôi được phân bổ về làm trưởng cuộc xã Nhơn Hưng Quận An Nhơn còn thiếu uý Minh làm trưởng cuộc xã Bình Nghi Quận Bình Khê .

Ngày 31/03/75 Bình Định rơi vào tay cộng sản . Khi đó tôi và Nguyễn Minh đã là trung uý và một lần nữa chúng tôi lại gặp và sống chung với nhau nhưng lần này thì ở trong trại tù A30 của bên thắng trận . Hai thằng cùng tổ chăn nuôi . Tố chúng tôi có tổng cộng 8 người với số heo cần phải phục dịch gần 200 con . Trung uý Minh có nhiệm vụ nấu cháo còn tôi thì đi hái rau và tắm rửa cho heo . Cái tật của Minh mỗi lần nấu cháo thì lại khoái đọc thơ . Nhìn hắn ở trần lòi nguyên bộ xương sườn hai tay gồng cái mái chèo quậy trong cái chão to đùng miệng ngâm nga, tôi chỉ sợ hắn sẫy chân té vào chão thì xem như xong đời . Dung tích cái chão dư sức chứa cả tôi và hắn nếu phải rơi vào . Mái chèo dùng để quậy cháo cái bản còn to hơn thân hình mõng như lá lúa của chúng tôi. Bốn câu thơ không rõ tên tác giả mà hắn thích ngâm tôi còn nhớ đến bây giờ.

Phượng hoàng ở chốn cheo leo
Sa cơ thất thế phải theo đàn gà
Bao giờ mưa thuận thái hoà
Rủ lông rủ cánh lại ra phượng hoàng

Hỏi hắn sao khoái làm phượng hoàng dữ vậy thì hắn nói bọn mình cốt cách là những con chim phượng hoàng vì thời thế đảo lộn mà phải đi chung với đám dép râu nón cối từ miền Bắc vào nên mới trở thành gà . Hắn nói sẽ có một ngày nào đó những con gà thất thế sẽ trở thành những con phượng hoàng như trước .

Hy vọng là một viên thần dược trên căn bản không hề tồn tại nhưng trong khốn đốn chúng tôi vẫn tin vào . Vẫn biết đó là điều nghịch lý nhưng cũng nhờ uống viên thần dược có tên là hy vọng đó mà tôi và hắn trải qua 6 năm tù hồi nào không hay . Năm 1981 khi được thả ra hai con phượng hoàng chính thức trở thành hai con gà què với bộ lông tơi tớt vì thiếu ăn . Ra khỏi nhà tù đường ai nấy đi . Tôi về Ninh Hoà sinh sống còn hắn thì nghe đâu nhà ở Sài Gòn.

Năm 1988 vì sinh kế nên tôi kiếm sống bằng nghề buôn lậu trầm sô . Những miếng trầm được gói thành gói nhỏ bó vô chân và quấn quanh bụng đu theo tàu hoả từ Ninh Hoà vô Sài Gòn để bán . Một bữa tôi đang lớ ngớ trước ga Bình Triệu thì một chiếc xích lô trờ tới . Chẳng nói chẳng rằng tôi leo lên . Tên xích lô hỏi tôi muốn chở về đâu . Nghe âm giọng quen quen tôi ngước cổ lên nhìn và cùng một lúc cà hai cùng phát giác ra nhau . Hai tên ốm nhách nhãy cỡn lên mừng rỡ xém một xíu nữa là mấy miếng trầm bó trong chân rớt ra ngoài . Hắn chở tôi đến một khách sạn trên đường Phạm Ngũ Lão giấu “ hàng “ trước . Xong cả hai tên trung uý thay phiên làm tài xế đạp xích lô chở nhau kiếm quán nhậu . Chúng tôi ngồi giữa nhà tù lớn Sài Gòn uống mừng cuộc hội ngộ nhắc lại bao nhục khổ khi còn ở trong nhà tù nhỏ A30. Chuyến đi buôn đó lỗ vốn còn hắn thì cũng được nghĩ ngơi một bữa . Đó là lần duy nhất chúng tôi gặp nhau để nhớ đời sau khi được thả khỏi nhà tù .

Đầu thập niên 90 nộp hồ sơ HO đi Mỹ tôi có vào Sài Gòn vài lần để bổ túc hồ sơ phỏng vấn tôi cố ý tìm hắn trong số những người đạp xích lô nhưng không thấy . Không biết hắn có đi theo chương trình HO hay không ? Tôi nghĩ rằng chắc là có nhưng do cơ duyên đã tận nên mất tin tức về nhau .

Nhắn trung uý Nguyễn Minh chức vụ cuối cùng trước 75 là trưởng cuộc xã Bình Nghi Bình Khê Bình Định , nếu bạn vô tình đọc được bài thơ này thì nhớ liên lạc với mình nhé .

CHUYỆN ĐI BUÔN
GẶP LẠI NGƯỜI BẠN ĐẠP XÍCH LÔ

thua trận ở tù ra. Thất nghiệp
bạn bè cho mượn vốn đi buôn
đôi dép rọ heo manh áo cũ
đu theo tàu lửa vô Sài Gờn

vài ký trầm sô đùm từng túm
giấu tụi công an với thị trường
chúng nó rình soi từng kẽ háng
bắt được chúng ăn không chừa xương

Ngủ gà ngủ gật trên tàu lửa
bụng lo không biết lọt chuyến hàng
nếu lọt còn mua vài ký gạo
không lọt xem như cháo trừ cơm

Sáng sớm tàu vô ga Bình Triệu
Loay hoay ta gọi chiếc xích lô
Tên xích lô ốm như còng gió
Giật mình ta gặp lại bạn xưa

Hai tên ốm nhách ôm mừng rỡ
tưởng bặt tin nhau lúc ra tù
đâu ngờ đói quá đi buôn lậu
nhờ vậy gặp thằng bạn xích lô

gác chuyện đi buôn qua một phía
hai tên tấp vô quán bên đường
một tên gọi phở tên hủ tiếu
không quên xị đế để ăn mừng

bạn nói làm nghề xich lô đạp
một ngày kiếm được hai bữa cơm
gặp hôm mưa gió xem như đói
từng đói dài dài nên cũng quen

ta nghe bạn kể ta cười ngất
té ra hắn khổ giống như mình
sau ngày quân bắc vô cướp nước
không khổ mới là chuyện khó hơn

kiếm cơm thật khó thời khốn khó
bán buôn cũng khép tội chai lười
những con cú vọ mang băng đỏ
xách súng đi ruồng khắp mọi nơi

Sài Gòn tháng tư nắng chảy nhớt
hai đứa nhìn nhau cùng thở dài
chiến trận quyết thề không chịu nhục
vậy mà lại bị nhục sảng tai

cha mẹ nuôi con cho ăn học
đâu biết đời con thảm thế này
những con sâu bọ không chữ nghĩa
giậu đổ bìm leo lên đầu ngồi

nghe cô ca sĩ gì đó hát
Sài Gòn thành phố mười mùa hoa
nghe lời mị ngữ y như thiệt
Bọn thắng xem dân ngu như gà

dân ví như gà đâu có trật
chiều chưa chạng vạng lo vô chuồng
tranh nhau tìm góc nào an phận
chờ đến phiên mình bị nhổ lông

thằng bạn có bằng cử nhân luật
mất nước đem treo ở đầu giường
lịch sử chúng còn mang ra đốt
sá gì tấm giấy bằng mỏng tanh

đứa đạp xích lô đứa buôn lậu
mỗi đứa lận lưng một lá bùa
đó là miếng giấy khi ra trại
chứng chỉ mỗi thằng tù sáu năm

lần đi buôn đó xem như lỗ
tuy lỗ suy ra vẫn có lời
bởi vì hai đứa sang hơn đĩ
dám bỏ một ngày đi ngao du

số phận mây trôi như bèo giạt
gặp nhau là để tay chia tay
mỗi đứa gia đình con nheo nhóc
chia tay là để không hẹn ngày

Sau lần gặp đó không gặp nữa
không biết bây giờ bạn ở đâu
có đi ra biển theo tiếng gọi
hay đã vùi thây ở chốn nào

Quan Duong

* Hình một người đạp xe xích lô nguồn lấy từ trên google xuống

nguồn: https://www.facebook.com/groups/3958533 ... 1046268536
Trả lời

Quay về “Nhà của bạn ..”