Xuân .. Xuân .. Xuân .. Nhâm Dần ...

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 21156
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Nhâm Dần ...

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          

          
          

          

          

... Mời các bạn góp bài, cùng vui đón ...
... Xuân Nhâm Dần ...


          
          

          
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5507
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Nhâm Dần ...

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Mùi Tết...




    1.

    Có xa quê hương đất nước nhiều năm, mỗi khi Tết đến Xuân về, người ta mới cảm nhận không khí chung quanh mình như thiếu thiếu một cái gì rất quan trọng? Không phải vì đất lạ, người không quen biết, không cùng chủng tộc. Cũng không phải vì những đồ ăn, thức uống khi mua về thiếu đi cái hương vị đất nước của quê hương bản quán mà có lẻ chỉ vì... cái không khí chung quanh mình nó khác biệt và cả cái mùi vị của mùa xuân cũng nhiều lạ lẫm.

    Đêm trằn trọc, nhớ mông lung và mũi chợt nhận ra mùi hương thân thuộc, gắn bó từ lúc ấu thơ cho đến khi trưởng thành mà chỉ mỗi năm mới có một lần. Cái mùi gì nhỉ? Đâu phải mùi hơi của con cái, vợ chồng đã quá quen thuộc trong căn nhà ta ở theo kiểu “Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi”, mà đó là cái mùi vị nôn nao, mong ngóng, chờ đợi, man mác một nỗi gì khó tả. Là mùi khói ấm cúng, nồng thơm, của củi, của pháo, của trầm nhang phảng phất, của hương hoa, trà quả và cả của tiền mới và áo mới. Thôi cứ tạm gọi là cái “mùi Tết” cho dân dã mộc mạc mà quyến luyến đến lạ thường!

    2.

    Chợt mỉm cười, lẩn thẩn tự hỏi mình: Tết là gì nhỉ? Lại tra cứu từ điển, sách vở với nhiều định nghĩa, khái niệm khác nhau, song có thể hiểu nôm na: Tết là một phong tục, một mỹ tục đã có từ ngàn đời nay của người Việt. Đó là dịp để mọi người, mọi gia đình sum họp, vui vầy cùng nhau, tổ chức ăn uống, hội hè. Dâng cúng đất trời, Thần Phật, tưởng nhớ tổ tiên, ông bà và những người đã khuất, v.v... “Tết” nguyên là từ có âm Hán Việt là “tiết”, chỉ thời tiết, khí hậu bắt đầu trong một năm, thêm chữ “Đán” chỉ “ngày” khởi đầu của tháng đầu tiên theo Âm lịch, tức ngày mùng 1 tháng Giêng hằng năm.

    Theo quan niệm của người Việt, để chuẩn bị cho “ba ngày Tết”, và để “vui như Tết”, mọi người cần phải chuẩn bị thật chu đáo cho Tết, bắt đầu từ lúc 23 tháng Chạp, tức ngày đưa ông Táo về trời, việc sửa soạn, mua sắm, trang trí nhà cửa cho thật mới và tươm tất, cũng như đi thăm và rẫy cỏ những phần mộ của người thân, chuẩn bị cho lễ cúng rước ông bà vào ngày 30 tháng Chạp. Đó là lúc không khí sôi động và chộn rộn ở khắp mọi nơi mà con người có thể cảm nhận được. Chuyện sắm sửa cho con cái những bộ đồ mới để mặc vào ngày đầu năm, cũng là nỗi lo “ngay ngáy” thường trực của những gia đình đông con, kinh tế khó khăn. Từ làng xóm, tới chợ búa, ngày thêm sôi động. Trên trán, trong đôi mắt của mọi người ánh lên niềm vui, mong đợi đó là lúc mùa màng tươi tốt, thuận hòa, được mùa, kinh tế xã hội phát triển. Khi những nét nhăn hằn lên trên trán, đôi mắt tư lự, ưu tư đó là lúc... thất bát, mùa màng hạn chế. Kinh tế xã hội khó khăn... Có người nói, cứ nhìn không khí chuẩn bị đón Tết vui Xuân của mọi người là có thể biết được đất nước đang phát triển tốt hay kinh tế khủng hoảng, trì trệ. Quả thật không sai?

    Nếu những bậc cha mẹ, người lớn đang tất bật lo lắng cho từng cái ăn, cái mặc: Nhà cửa tươm tất, mua sắm áo quần mới, lo nồi bánh chưng, bánh tét, nồi thịt kho... thì những đứa trẻ từ vài ba tuổi cho đến mười chín, đôi mươi vẫn ngong ngóng, háo hức đếm từng ngày để chờ... Tết. Đúng với câu ca dao: “Cu kêu ba tiếng cu kêu/ Cho mau đến Tết dựng nêu ăn chè!” Trẻ con vẫn khoái ăn chè nhưng...

    Nhớ thuở bé, lớp người thuộc U.60, U.70 chúng tôi mong chờ Tết, mong cho mau đến Tết là để được vui chơi thỏa thích trong mấy ngày Tết mà không bị cha mẹ la rầy hay quở phạt. Đấy là lúc cái mùi Tết mơ hồ phảng phất ngày càng thêm đậm đặc, khi ra cửa ngong ngóng, đón đợi người thợ hớt tóc già trên chiếc xe đạp trành, không phanh, không thắng, ghé ngay nhà, húi cho cái đầu tóc vốn đã bờm sờm để chuẩn bị đón Tết. Đó cũng là lúc mẹ dẫn đi chợ xã, chợ huyện để ướm những bộ đồ may sẵn để mua cho cái quần, cái áo, thơm phức mùi vải, mùi hồ mới cứng. Và cũng thật là sung sướng, khi cầm trên tay những viên pháo chuột màu đỏ hồng, thơm mùi thuốc pháo, rồi đến những bộ bầu cua, cá cọp mới tinh là niềm vui của tuổi nhỏ.

    Cái vị Tết cứ bùng lên lan tỏa khắp thôn xóm khi những đêm sương, dăm ba nhà cùng chung canh nồi bánh tét, củi than đỏ rực, khói nồng nàn cay tỏa, cùng với những câu chuyện kể đời xửa đời xưa mà mãi đến giờ cũng không quên được. Rồi tiếng heo, vịt, gà... rộn ràng trong buổi sớm tinh mơ. Là mùi vị thơm lừng, béo ngậy của những mâm cỗ cúng ông bà, cúng năm mới, cúng vườn, cúng ruộng, cúng nhà, cúng trâu bò... cứ tiếp nối không dứt cho đến ngày mùng Bảy, hạ nêu. Chấm dứt “ ba ngày Tết”.

    Mùi vị Tết còn là khói nhang trầm trong ngày lẽo đẽo theo ông bà đi lễ chùa, cúng Phật, sợ hãi đứng xa ông Thiện, ông Ác, miệng khấn “Nam mô” mà mắt ướt nhạt nhòa!

    Một hương vị nồng nàn, có khi khét lẹt, không thể nào quên của thời chúng tôi nữa là mùi pháo! Cùng tranh nhau giữa lả tả xác pháo đỏ rực, tìm kiếm những viên pháo lép, đem về lấy thuốc pháo sáng chế những trò chơi tuổi thơ có khi gây ra... hỏa hoạn, cháy phỏng! Mùi vị này, hiện nay có lẽ là mùi của thú vui ngắm pháo bông, mỗi khi giao thừa, Tết đến.

    Tết còn thêm mùi của tiền mới, và âm thanh sột soạt, hoặc leng keng của những đồng xu mới cáu cạnh, tinh khôi, được bỏ vào những cái phong bao đỏ bằng bàn tay, là món quà mừng tuổi thiết thực và có lộc nhất mà lũ trẻ con mong chờ ở cha mẹ và người lớn đến nhà viếng thăm. Có những cái Tết trẻ được lì xì, đủ tiền mua cặp vở đi học cho cả năm sau. Những đồng tiền mới tinh ấy đã đi vào trong giấc mơ của rất nhiều con trẻ, mãi đến khi đã trở thành. thanh niên, nam nữ.

    3.

    Mùi vị Tết cứ mỗi năm, mỗi trở lại, tạo dấu ấn riêng biệt của cái Tết Việt Nam mà những ai xa nhà, xa quê hương luôn nhớ nhung và khắc khoải. Khi đã lớn lên, lập gia đình, có con cái, mỗi lần Tết lại thấm thêm cái mùi vị đắng đót của mồ hôi và cay xót của nước mắt để lo cho một cái Tết sum vầy và no đủ. Nhất là những năm thất mùa vì thiên tai, hạn hán hay bão lũ.

    Mùi Tết đã trở thành quốc hồn, quốc túy trong lòng của mỗi người Việt xa quê, là chất “gây nghiện” hai chữ quê nhà, khiến ai đi xa, cũng nôn nao, quay quắt được trở về ăn Tết ở quê: “ Dù ai buôn bán nơi đâu/ Nhớ đến ngày Tết rủ nhau mà về”. Và cứ thế mà nhớ Tết. Nhớ mùi Tết.



    – Trần Hoàng Vy


    Nguồn:https://vietbao.com


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5507
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Nhâm Dần ...

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Hồn Xuân



    Hình minh họa - Tranh Đinh Trường Chinh



    Kể từ “Ngày ấy”, cuộc chia biệt tới nay đã hơn 45 năm vật đổi sao dời, cụ ông cụ bà mới có dịp gặp lại nhau. Kể nhau nghe chuyện gió bấc mưa phùn, màu trăng trên bến cũ. Tình già, tình như rêu.
    Bé gái tên Nhiên hầu bà nội đã nhiều năm nay, từ năm cô lên mười. Hầu, là phải luôn gần nội, đôi lúc đọc truyện cho bà nghe, mô tả những gì đang có trước mắt nhưng nay bà không còn nhìn thấy. Cây mai vườn nhà ngày giáp Tết nhiều hoa hay ít. Có đàn chim trời nào đang bay qua trên từng cao kia không? Tính tình bà rất hiền hòa. Hay kể chuyện xưa. Hồi ông nội là một sĩ quan quan trẻ, rất đẹp trai, hào hoa, rất thương yêu bà. Bà bảo, thuở bé, bà đã thấy đàn chim bay từ phương bắc vào nam trốn mùa lạnh, ngày đầu xuân trời quang mây tạnh, khí tiết ấm áp, chúng bay trở về phương bắc. Đại khái bà muốn biết những gì giờ đây bà chỉ cảm, chỉ nghe, chỉ ngửi được, nhưng không thể nhìn thấy được.

    Bà nội nói bà mất ánh sáng vì ông nội cho bà được mù. Ông tặng bà một dịp thương nhớ không dịp nào có thể nhớ thương hơn. Một trận khóc dai dẳng, khiến đôi mắt mờ dần. Đâu ngờ nước mắt là lá chắn vĩnh cửu che cắt ánh sáng. Ông nội cũng thương bà lắm, nên trong thăm thẳm lòng ông, có món ích kỷ lạ lùng, ông muốn bà nên mù, “Em ạ, hãy thôi nhìn. Đừng nhìn gì nữa khi mỗi chúng ta người này đã mất người kia”.

    Sống trong cái lịch sử quái lạ, đầy hố thẳm của Việt Nam, sự cách biệt tâm linh tình cảm giữa hai thế hệ nối nhau đã chứa đầy ly biệt. Bé Nhiên rất rối rắm mỗi khi nghe bà nội tâm sự. Cô không tiêu thụ nỗi cái biển “nỗi lòng” quá khứ của một người mất ánh sáng. Cô đang trong một thế giới riêng, vô tư trẻ trung, khó chia sẻ, hóa giải được tâm trạng của bà, tuy cô và bà có dòng máu chung.

    Lại rất đỗi hoang đường, khi Nhiên nghe cha cô nói/kể/giảng giải về “Ngày ấy”, ngày đành chia biệt giữa ông bà nội của cô. Cha cô nói nhiều lắm, nhưng ông cười thật thà, không tin rằng mình nói/tả đúng cái thời sự thời cuộc đã từng diễn ra ấy. Với ông, nó như một chuyện cổ tích.

    Ông tự than van “Hồi đó cha mới sáu tuổi mà, nào biết trời trăng gì”. Những đường phố, vỉa hè Sàigòn, người ta vất đầy những vũ khí, nón sắt, giày trận, những bộ quân phục màu ô liu. Quân đội Miền Nam tan rã, bỏ núi rừng rút về đồng bằng, tan nát từ đồng bằng, co cụm trong thủ đô, rồi tan bong bóng. Đường phố một trưa nắng bỗng như rực lửa, với tiếng gầm thét của đoàn xe tăng, những binh lính ốm o, da tái nhợt, bấy lâu từ sâu trong múi rừng đã xuất hiện giữa các đại lộ Sàigòn. Gấp gáp quá, dân chúng Miền Nam chẳng ai kịp buồn thảm hay tỉnh táo biện minh cho cái giây phút tuyệt vọng ấy.

    Đã 47 năm qua, cha của Nhiên, một đứa bé sáu tuổi nay đã qua năm mươi, tuổi của tri thiên mệnh, ông đã chẳng thể kể lại câu chuyện “Ngày ấy” đúng sự thật là một nhân chứng đã từng tham dự. Tuổi thần tiên, trí nhớ trong lành đã rất mực nhuộm màu mơ hoặc. Những nan vấn bí ẩn, về cái gọi rằng lịch sử, vẫn chưa hề được giải mã.

    Hãy đi hỏi mọi người. Hỏi những mái đầu hôm nay trắng màu cước ở phố Bolsa, Nữu Ước, Houston. Hãy đến hỏi những phận người đang khô héo ở Sàigòn, Đà Nẵng, Nha Trang. Hỏi những trang giấy vàng ố sự thật. Tất cả sẽ nói cho nghe, “Ngày ấy” rạch ròi. Bởi, chính họ, trong suốt cuộc nội chiến Bắc-Nam, tất cả đã cùng lên sân khấu diễn tuồng. Chẳng ai là khán giả. Kịch hạ màn, chỉ họ với nhau hiểu và nhớ tuồng kịch.

    Chỉ họ chia sẻ những vết thương với nhau thôi. Bình minh cho một bên. Bên còn lại, nhận lấy hoàng hôn.

    Những đêm trăng còn lại, ai đó ngồi một mình. Có thể trong núi non. Có thể giữa con đường mọi người thân quen đã không còn ai.

    Mọi sự đã già nua. Kẻ diễn tuồng đã lần lượt cỡi hạc bay đi, kẻ còn lại đã tay run chân yếu, mất trí nhớ. Nhưng chuyện đời chẳng bao giờ khép lại, vì mỗi mùa xuân luôn mở ra cuốn lịch mới.

    **

    Chiều lung. Gió đầu xuân se lạnh. Bà bảo đặt một chiếc ghế ngoài vườn cho bà ngồi. Chừng như bà đánh hơi được mùi của núi, bà quay mặt đúng hướng núi. Tai bà rất thính, bà nghe được tiếng côn trùng xa. Nhiều đêm khuya, bà ngủ rất ngon, hơi thở đều, nhưng môi miệng bà luôn thầm thì. Nói với ai trong giấc ngủ? Giọng bà rất êm ái. Câu chuyện có đầu có đuôi, của tâm sự, tình tự. Nhiên luôn nằm cạnh bà. Nghe rất nhiều “Tâm sự trong đêm” của bà. Một đêm, khách trong giấc mơ đi rồi, bà tỉnh táo nói với Nhiên, “Xương cốt ông nội của con mùi trầm, gỗ trầm thơm”.

    Mải mê cõi tục lụy, nhưng có người sống với thần tiên.

    Qua một cánh đồng rộng, từ đây nhìn thấy phía Đông Trường Sơn xa xa. Núi xanh thẳm. Núi miệt mài kéo từ bắc vào nam. Mây đen nặng tầng tầng, che lấp một phần ánh mặt trời. Phần còn lại là ráng chiều le lói.

    Bà nói với Nhiên:

    - Con có thấy một người đàn ông, y phục màu ô liu, dáng cao lớn, đang đi vào xóm mình? Kia kìa, hình như ông đang trở về nhà.

    Nhiên nhìn ra cổng, con đường đất dẫn ra cánh đồng, những bờ ruộng nước, lúa thời con gái xanh mướt, cô chẳng thấy ai. Cô nói:


    - Con chẳng thấy ai bà ơi.

    - Có mà! Người đang tới.

    Nhiên nhìn lại lần nữa, nói với bà:

    - Có mấy con cò trắng. À có chị Thám, hình như đi chợ về.

    Bà nở nụ cười, nói thật tình:

    - Người ấy đã vào.

    Bất ngờ bà nhổm người dậy. Như chờ ôm một người. Rồi bà ôm khoảng không. Như ta ôm một ai thân thiết lâu ngày mới gặp lại nhau. Hẳn trong đôi mắt tối của bà có ai hiện hình. Một ai lung linh. Môt nhẹ tênh rưng rưng mà bao la, thứ ánh sáng hừng đông, một mặt trời sẽ có mặt.

    Đầu bà nghiêng qua một bên, như nghiêng mặt chờ người kia áp cái má vào, làn da ấm lâu ngày tưởng đã lạc loài nhau. Bà vỗ vỗ bàn tay vào khoảng không, như ta thân mật vỗ lưng người kia khi tha thiết ôm nhau. Thế giới tối tăm bà đã thoắt dựng một hình người. Một thiết kế hoang đường.

    - Em chờ mình lâu quá.

    Không nghe ai nói gì, vì Nhiên chẳng thấy ai bên bà. Chỉ nắng chiều và núi xa xanh màu chàm. Bà quàng cánh tay mặt vào khoảng không, như ta choàng qua vai âu yếm một người. Giọng bà rất buồn:

    - Gần em chút nữa.

    Bà ngửi không gian. Bà nói nhỏ nhẹ. Nhiên nghe rõ, Da của ông nội mùi nhang khói. Nhiên bắt đầu sợ hãi, nhưng quả thật cô nghe rõ mùi trầm thơm, thoảng trong gió.

    Bà ra dấu bảo Nhiên đứng dậy, nhường chiếc ghế cho ông ngồi.

    Núi phía trời tây hãy còn le lói ánh chiều.

    “Em vẫn thường thấy mình về trong giấc ngủ khuya khoắt, cơn mơ đầy nắng. Rồi mình vội bỏ đi. Sao mà bỏ em. Vì sao cuộc đời chỉ còn ý nghĩa trong những giấc chiêm bao”.

    Chừng có ai nói gì đó. Trong khoảng chiều im vắng. Bà lắng tai nghe. Lời trong lá rụng, trong cành trúc lay, trong nắng mềm. Những lời an ủi bà. Những nhắc nhở kỷ niệm. Hỏi bà cái tình thế, cái hoàn cảnh vợ con còn nơi trần thế. Chừng như được dịp tỏ tình, bà tuôn trào tâm sự.

    Bọn họ đã đến. Chúng ta phải ra đi. Anh bỏ biệt em từ lúc đồn lũy tan bóng nước. Con chúng ta ra khỏi trường, vì bị đuổi học. Tài sản còn sót lại của chúng ta lần lượt ra đi, đến chỗ chợ trời, để con cái có miếng ăn. Những vật vô tri hóa ra nó có đường vận mệnh làm ta nhớ nhung. Soạn mấy bộ vét cùng những vật kỷ niệm của anh như đồng hồ, ống vố, những đôi giày hàng hiệu, bỗng nhớ nhung những ngày phép, anh diện vào, anh đưa em đi tiệc tùng khiêu vũ. Dưới ánh đèn màu, anh đẹp lắm, một người chồng luôn hào hoa. Tưởng anh chẳng bao giờ cũ. Bây giờ anh không còn trên cõi đời để được cũ dần mòn. Chẳng còn anh để rệu rạo bên em lẩm cẩm. Hết gì ăn rồi. Em xếp chiếc áo cưới cùng mấy chiếc áo dài, nó ra đi, tới chỗ bụi bặm nơi lề đường chợ trời. Em lột chiếc nhẩn cưới, chao ơi là tủi lòng. Nó đang biến thành bo bo, bột mỳ Liên xô, khoai sắn.

    Buồn nhất ngày em thu dọn cái bàn thờ. Bán bộ lư đồng, chiếc lư nhang sứ đồ cổ. Bán cái tủ thờ gỗ quý nạm xa cừ Nhị thập tứ hiếu. Em khóc vùi. Xưa kia em quỳ bên anh cúi lạy tổ tiên, Lễ gia tiên trong ngày cưới. Nay đành đoạn đề một bọn cùi đày, so bì giá cả. Nhà trống trơn. Mọi thứ ra đi. Đó cũng là giai đoạn cuối cùng của ánh sáng trong đôi mắt em. Ánh sáng bỏ em. Ngày tưởng niệm một năm anh Ra-đi, thì em không còn thấy gì nữa.

    Gió không có hình hài nhưng gió có chiều ngang chiều dọc, gió chạy vút một đường dài. Từ trước mặt ra sau lưng. Gió đóng mộc trong trí nhớ.

    Bà đưa một bàn tay vào không vuốt mặt người chồng lâu năm được gặp nhau. Bàn tay dịu dàng. Cái vuốt nhẹ âu yếm. Khuôn mặt trường niên buồn bã của bà bỗng tươi hẳn ra, qua nụ cười. Chừng như đây là đúng lúc ta lột hết cõi lòng cho gió mây.

    Cái khoảng không ấy là hy vọng đời bà. Khoảng trống ấy là nơi gặp gỡ của tình yêu.

    Anh ngồi đi. Ông ngồi trên chiếc ghế con bé Nhiên vừa đứng dậy nhường chỗ. Người ông gầy nhưng thanh thoát, dáng vẽ một tiên ông.

    -Mình từ thiên đường trở lại?

    -Không, bọn anh ở gác lửng của thiên đường, nơi trung chuyển.

    -Ừa, thằng con của chúng mình nó cũng phải ở đảo châu Á hơn một năm mới tới Mỹ.

    Ông bất ngờ thở ra. Bà hỏi:

    - Ôi đã tới được chốn thiên đàng mà các anh còn những người buồn bã, thất chí, sầu muộn ư, mình ơi!

    - Em ạ, người Mỹ H.O gốc Việt hôm nay chẳng biết tâm tình tâm huyết họ vui buồn ra sao, chứ thiên thần gốc Việt bọn anh hôm nay toàn một thảm trạng nhai lại. Ựa cái nỗi lòng đắng cay, nhai hoài mãi cái quá khứ khó tiêu. Không là loài nhai lại cũng loài gặm nhấm. Một đời bận rộn gặm nhấm, đục khoét chính đời mình.

    **

    Trong hơi chiều, trong mây cao, trong tiếng núi xa vọng lại, bà sờ mặt vai chồng. Bà lục tìm những vết thương. Xưa kia lửa đã cháy trên da thịt này.
    Bà nói với khoảng trống:

    - Mình đã “Rời khỏi chốn này” sau những loạt đạn cuối cùng ở đồn lũy Xuân Lộc. Hôm nhận được tin buồn em tìm đến nơi nhận mình về, lo việc sau cùng, nhưng giữa chừng thì đường sá đầy ngập người chạy loạn. Mọi người khuyên em nên trở về, nơi đó không còn ranh giới đồn lũy gì, tất cả đã tan tành. Ngược chiều, giáp mặt em, là những xe tăng, đại pháo, binh lính chân mang dép, mình áo chàm, tay lăm le ngọn súng.

    Trông họ khá đơn giản, nghèo nàn và khổ hận. Các anh đã thua trận vì đoàn quân này. Họ thắng các anh vì các anh là những Con Người.

    Họ đã gởi trước vào đây những “Đoàn quân em bé”. Chết như đang trong giấc ngủ, giữa các đường phố Miền Nam. Trên ngực các em có xâm hàng chữ “Sinh Bắc tử Nam”. Có em chết lõa lồ, háng non tơ chưa một sợi lông măng. Bầy thiên thần ấy đi hàng tiền phong, phụng hiến cho những cuộc mở đường. Họ đã thắng các anh vì xem những em bé kia không phải là con người.

    Bà ôm cái khoảng không, đã nhuốm màu hoàng hôn. Đôi mắt không còn ánh sáng của bà trông rất tội nghiệp. Tâm sự dài lắm. Niềm đau, bao kỷ niệm màu máu bầm, những hy vọng bong bóng nước, bấy lâu đã hành hạ bà.

    Bà gục vào vai người không bóng người. Nước mắt chảy dòng. Bà nói “Cảm ơn mình lau nước mắt cho em. Ôi mình còn giữ chiếc lau kỷ niệm này ư?”
    Không gian bày biện những nghi ngờ. Trăng đã lên. Nhiên thấy bà nội trắng hếu. Bộ áo quần bà ba lụa trắng. Mái tóc trắng. Trời đầy ánh trăng. Mây màu trăng. Nhiên lạnh. Mùi xương cốt ông nội thoảng mùi thơm gỗ trầm. Không gian rỗng trống bỗng mọc ra xương cốt. Những xương khổ hạnh như lũ cây mọc trên đá.


    Cung Tích Biền
    Thị Trần Giữa Đàng,
    Đêm cuối năm Tây lịch 2021.


    Nguồn:https://vietbao.com


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5507
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Nhâm Dần ...

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           



    Cuối Năm Tân Sửu Dự Đoán 2022



    Múa Lân Ngày Tết. Nguồn, từ Godong Universal Images Group. Getty Images.


    Những ngày gần cuối năm, người Việt thường đi xem bói để tìm hiểu vận mệnh tương lai, nhất là của năm tiếp theo. Xem bói cuối năm thường giành cho những người thất bại trong năm cũ, những người nghèo, nôn nóng tìm biết vận hên xui trong năm mới. Còn người giàu, người thành công, thường chờ đến những ngày đầu năm mới đi xem vận mệnh. Họ từ tốn vì không có gì phải lo lắng. Trong thực tế, những ai nghiêm chỉnh về việc bói toán: sách xưa ghi rằng, nhà vua cũng như quan thái sư, đêm 30 tắm rửa sạch sẽ, xông hương trầm, mặc y phục trắng, chờ đúng nửa khuya, khi giờ mới bắt đầu ngày mới của năm mới, họ mới đăng đàn cúng tế và bói việc thịnh suy. Vua bói cỏ thi, quan thái sư bói mu rùa. Quân sư bói nhâm độn, dân gian bói tử vi, chỉ tay, bói bài, và nhiều loại bói kỳ lạ đầy mê tín. Bói phải chăng là mê tín? Bất kỳ là loại bói nào, cũng thuộc về mê tín? Một mảnh bánh mì vẫn là bánh mì?

    Câu Chuyện Bói Toán Xưa Và Nay.

    Cho đến thời đại này, chuyện bói vẫn được tôn trọng, không chỉ trong dân gian, mà còn xảy ra sau lưng sân khấu chính trị, kinh tế. Hầu hết các nhà lãnh đạo ở Đông phương đều xem bói, có khi đã tuyển dụng một thầy bói nổi tiếng để hỏi việc thành bại mỗi lần gặp khó khăn và thầy bói đó chỉ đạo thay vì vị lãnh tụ được lòng tin của dân chúng. Ở Tây phương cũng vậy, ngày xưa họ tin dùng các thầy phù thủy; ngày nay họ dùng những kỹ thuật khoa học để dự đón tương lai. Bất kỳ thứ gì, nếu có chữ “đoán” đều thuộc về dòng họ “Bói”.

    Bói là những hành động và lời lẽ làm cho “mê” và “tin” một cách “tín” nhiệm. Hầu hết những người có học đều xem bói là mê tín, nhưng cái thứ mê tín này ẩn núp tận xương tủy thần kinh, chỉ chờ đúng dịp sẽ xuất hiện. Từ những chuyện quan trọng như đầu tư kinh doanh, xuất quân viễn chinh, quyết định chính trị, cho đến những chuyện vui chơi: Khi vào một đám đông, bạn chỉ cần bắt đầu xem chỉ tay của một người, lập tức, kẻ lạ người quen kéo đến ngồi chung quanh, chờ đến phiên được xem bói. Những cô thanh tân chưa chồng, muốn bói chỉ tay để biết chuyện tình duyên, không có gì lạ. Chỉ lạ ở chỗ không cho người đeo đuổi tán tỉnh mình cầm tay, lại sẵn sàng vui sướng đưa tay cho anh thầy bói lạ mặt sờ nắn (đôi khi, biết rõ anh ta chỉ giỏi nói dóc).

    Nếu nói, bói chuyện tương lai là mê tín với nhà khoa học gia Laplace ở thế kỷ 19, sẽ bị ông phản đối. Ông nghiêm túc tuyên bố: nếu chúng ta có thể biết được vị trí và tốc độ của hạt (trong nguyên tử) ở một thời điểm, chúng ta sẽ biết được nó xảy ra như thế nào ở bất kỳ thời điểm khác trong quá khứ hay tương lai. Quan điểm của Laplace trở thành nguyên lý Xác Định (Determinism) là xương sống cho dòng khoa học suốt thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20. (Như chúng ta đã biết, sự vật luân chuyển trong vũ trụ là do sinh hoạt của các nguyên tử nối kết với nhau trong nhiều dạng, vô số dạng. Mỗi nguyên tử sống động là do các hạt bên trong, một thế giới vật lý nhỏ bé tinh vi, là đối tượng của lượng tử học Vì vậy, Laplace cho chúng ta biết, có thể dự đoán được tương lai, nếu biết rõ hai điều kiện vị trí và vận tốc của hạt.)

    Như vậy, giải thích phần nào, lòng tin vào bói của người xưa không hoàn toàn sai lầm. Đừng nói ai xa lạ, tôi là người không tin mấy về bói (nghĩa là tin môt chút) nhưng cách đây khoảng hơn 20 năm, một người quen giới thiệu với vợ tôi, một ông thầy tử vi kỳ tài ở Việt Nam. Vợ tôi bói một quẻ tìm hiểu chồng và tương lai của người mà vợ tôi phải nương tựa. Lạ lùng, khi ông gửi sang một cuốn sổ mỏng, giấy học trò có kẻ hàng, may gáy bằng chỉ rất cẩn thận, trang trọng bọc bìa bằng nhựa trong cho khỏi bị ướt. Viết tay, chữ sắc, cứng và đậm, nét sọc tự tin. Những mẩu đoán về tôi có ba đứa con gái, hành nghề liên quan đến kim loại, thích văn chương, có một ít tên tuổi, thậm chí cả việc đi dạy học là chuyện tôi không bao giờ nghĩ đến, có lúc nhiều người gọi tôi bằng thầy (kỳ dị), vậy mà ông cũng biết. Tuy nhiên, tôi nghi ngờ vợ tôi hoặc bạn của vợ đã hớ hên, lộ tẩy khi nói chuyện với ông bói gia. Thần bói nào không tinh ý, không tra khảo một cách nhu mì, không điều tra một cách nghệ thuật. Có một điều làm tôi thích thú, ông quả quyết tôi là người chung thủy. Sướng chưa! Vợ tôi sướng nhất. Nhưng có những chuyện không ai có thể biết, những chuyện sẽ phải mang xuống tuyền đài, vậy mà cũng bị ông nói “phất phơ” qua, như một người chỉ tay vào bóng tối thì thầm, giấu cái gì trong đó, tôi đã biết rồi. Ngoài ra, ông dự đoán ba đứa con tôi đều liên quan đến nghề thuốc. Lạ thật, sau này, đúng như vậy. Mê tín? Thực tế, cũng đáng tin cậy. Buồn nhất, ông cho biết, tôi không bao giờ giàu, lại bị bệnh bao tử (đúng), sống quá tuổi tử vi (tức là ngoài 80 tuổi, chưa biết), văn chương tuy có tên tuổi nhưng chết rồi sẽ bị lãng quên ngay tức khắc (điều này không cần bói, cũng biết).

    Sau giao thừa, đi hái lộc, bói chuyện đầu năm, (rất phổ thông). Đánh vài canh bạc, lấy hên cho suốt năm, (thông dụng). Vừa tin vừa không tin là đạp đất tư gia và cơ sở thương mại. Không được quét nhà ngày mồng một…v…v… Nói chung, dù nghĩ như thế nào, trí tò mò muốn biết chuyện tương lai, là lẽ tự nhiên. (Sở dĩ có sự phân biệt giữa “lòng tò mò” và “trí tò mò" là vì sự tò mò đến từ hai nguồn khác nhau. Tò mò vì muốn biết nhiều chuyện mà không cần chứng minh, thuộc về tâm tình, gọi là lòng tò mò. Trí tò mò đòi hỏi sự tìm hiểu tương lai có tính khoa học, có chứng minh dù có thể sai.) Đã là người ai cũng muốn biết chuyện tương lai, nhất là những chuyện liên quan đến tính mạng, gia đình, tình cảm và tài sản.

    Dự đoán cơ bản từ năm 2022.

    Quantumrun Foresight là một cơ sở về lập trình điện tử (software) sử dụng những phương cách khoa học dự đoán tầm nhìn xa để giúp cho chính quyền và các tập đoàn tư nhân có thể xây dựng những chiến lược hoặc kế sách phù hợp với những khuynh hướng phát triển trong tương lai mang tính toàn cầu.

    Từ vựng “Quantumrun” có căn bản: “quantum cộng cho run”, tức là “lượng tử” + “vận hành”. Quantum là cơ học lượng tử, một khám phá quan trọng của nhà vật lý Đức Max Planck, năm 1900; sau này được cải thiện bởi bởi một nhà vật lý khác, Werner Heisenberg, 1927; đã đánh đổ nguyên lý Xác Định của Laplace, thành lập nguyên tắc Bất Định (Uncertainty Principle). Với nội dung, người ta không thể xác địch chính xác cùng một lúc vị trí và tốc độ của hạt. Nghĩa là, không bao giờ có thể dự đoán được tương lai. Chúng ta thấy, cơ học lượng tử là cơ bản của câu chuyện dự đoán. Như vậy, ông thầy tử vi kia thuộc vào loại cơ học lượng tử nào?

    Từ năm 2010 trờ đi, Quantumrun Foresight đã đem đến nhiều hiệu quả khả quan về những tiên đoán gần. Theo như thông tin của Quantumrun ngày 7 tháng 1 năm 2022, tôi tuyển chọn một ít dự đoán để chúng ta tìm thấy cách bói toán của điện tử như thế nào.

    Kinh tế trong năm 2022:

    Tiếp tục hình ảnh và thực chất không khả quan của nền kinh tế 2021. Một nửa khả năng kinh tế của Hoa Kỳ đang rơi vào tình trạng khủng hoảng ngắn hạn (recession).

    Khoa học tương lai:

    1- Khoa học thực nghiệm ngày mai đặt trọng tâm lên sự phát triển của AGI (Artificial general Intelligence) tức là Trí tuệ thông minh tổng quát của điện tử. Nôm na gọi là con Rô bô (robot). AGI thể hiện qua nhiều hình dạng khác nhau, tựu trung là khối điện tử cách không (wireless) được tạo ra với mục đích phục vụ con người. Sự hiện diện AGI sẽ thay đổi đời sống vật chất và tâm lý của nhân loại. Câu hỏi: Khi nào thì AGI đầu tiên sẽ được tạo thành?
    Thống kê từ năm 2013 cho biết, khoảng 10%, AGI sẽ xuất hiện trong năm 2022; khoảng 50% trong năm 2040; khoảng 90% trong năm 2075.

    David Tal viết rằng: “[…] sự sáng tạo này như một sự kiện tâm linh hiện đại. Về tất cả những khía cạnh quan trọng, AGI sẽ là một hình thức sống mới, một hình thức suy nghĩ khác với chúng ta và có mục tiêu khác với mục tiêu của chúng ta. Một khi việc tạo ra AGI được công bố, con người sẽ không còn chỉ chia sẻ trái đất với động vật, mà còn ở bên cạnh một lớp sinh vật nhân tạo có trí thông minh ngang bằng hoặc vượt trội hơn chúng ta.” (Sept. 15, 2020. Quantumrun.)

    2- Nasa dự tính sẽ tìm kiếm những dòng nước bên dưới mặt đất trên cung trăng để khảo sát sự sống và những điều kiện sinh sống trước khi gửi người trở lại cung trăng năm 2024. Họ dự tính gửi một con robot lớn bằng chiếc chiếc xe đánh golf để đi dọ thám cung trăng trong năm 2022.

    Giáo dục tương lai:

    Với sự xuất hiện và nhu cầu đòi hỏi của khuynh hướng kiến tạo xã hội cho phù hợp với lối sống: kinh tế, công kỹ nghệ, buộc hệ thống giáo dục phải thay đổi để thích nghi nếu không muốn bị sụp đổ.

    • - Căn bản là tâm trí con người sống trong thế giới này càng lúc càng kém dần khả năng khám phá các sự việc phức tạp, đồng thời phải ghi nhớ một số lượng dữ kiện lớn. Các trẻ em ngày nay sẽ được chú trọng hơn về khả năng suy nghĩ, tận dụng sức mạnh của nhận thức, nhạy bén, chính xác để tránh sự sa lầy vào phương pháp ghi nhớ thuộc lòng đã lỗi thời.

      - Hơn nữa, khả năng sống hơn 100 tuổi thọ đang tiếp cận. Đời sống của người dài hơn một thế kỷ khác với đời sống trung bình 70 năm. Xã hội và tâm trí, tâm lý cá nhân sẽ phải thay đổi lớn để tiếp nhận.


    Bên trên là một vài dự đoán cơ bản những sự việc chúng ta sẽ phải bắt đầu đối phó trong năm 2022 trở đi. Trên những dự đoán cơ bản này, là hàng ngàn những dự đoán chi tiết khác. Tuy nhiên, người Việt, nhất là người Việt hải ngoại, cần quan tâm những dự đoán cơ bản để có thể cảm nhận được sự thay đổi và nhu cầu đòi hỏi của các thế hệ trẻ, để không tạo ra những xung đột trong gia đình. Không phải bọn trẻ tân thời mà càng lớn tuổi chúng ta càng lỗi thời, kể cả những kinh nghiệm lão luyện được tự hào, cũng lỗi thời.

    Tuy nhiên, không thấy Quantumrun Foresight dự đoán về tình hình chính trị năm 2022, cũng có lẽ vì lý do chính trị và sự phức tạp của tâm lý về chính trị. Không ai mà không nhận thấy sự chia rẽ trầm trọng từ đỉnh cao chính trị xuống cho đến đơn vị gia đình trong xã hội Hoa Kỳ hiện nay. Một loại nội chiến không cần thiết cho người dân nhưng cần thiết cho lịch sử đi đến một giải quyết.

    Không thể dự đoán bằng các lập trình điện tử, không thể giải quyết bằng suy luận, vì như tôi đã có lần đề nghị, chúng ta hoàn toàn không biết những bí mật quốc gia, những thông tin mật mã liên quan tình hình thế giới, tình trạng ngoại thù và nội thù, của FBI, CIA và bộ nội an, vì vậy, sự suy nghĩ, suy đoán thiếu dữ liệu, thiếu tin tức chính xác, là chuyện không nên làm. Nhưng chúng ta có thể bói và sử dụng những định luật tự nhiên thông dụng đã được minh xác.

    Khi nhà vật lý Heisenberg đưa ra nguyên lý Bất Định, đã mặc nhiên phủ nhận chuyện tiên đoán tương lai, ông Einstein không hài lòng về quan điểm sự ngẫu nhiên hiện diện trong tự nhiên. Quan điểm mới của Einstein tóm tắt trong câu nói để đời: “Thượng Đế không chơi trò xúc xắc.” Ông cảm nhận được sự ngẫu nhiên xảy ra trong tương lai chỉ là việc tạm thời, còn có một thực tế khác tiềm ẩn bên trong, chưa được khám phá. Việc khám phá mới sẽ xác định được vị trí và tốc độ của hạt, do đó, quan điểm dự đoán tương lai của Laplace vẫn còn hiệu lực. Thuyết của einstein là thuyết Biến Ẩn (Hidden Variable Theory.) Nghĩa là, khoa học có thể dự đoán tương lai. (Hấp dẫn thật. Khó ngờ trong cái khoa học khô khan cũng tràn đầy lôi cuốn.)
    Vậy ra, bói cũng có cơ hội đúng. Đúng ở mức độ nào, không ai có thể bảo đảm.

    2022 Chính trị Hoa Kỳ.

    Trong bốn năm đại học, tôi giành nhiều thời giờ nghiên cứu về binh thư chiến pháp và Nhâm Độn, bộ môn bói độn, bấm những ngón tay, biết tiên cơ, của các quân sư (tham mưu trưởng trận địa). Với tham vọng mai sau sẽ trở thành một quân sư trong quân đội. Ngờ đâu, bây giờ đã mốc meo vì trong gia đình, vợ tôi là quân sư chính thức.

    Nhâm độn đơn giản hơn tử vi, thực tế hơn bói cỏ thi, thuận tiện hơn bói bốc phệ, tức là bói mu rùa và đồng bạc. Lỡ như đang đánh giặc, văng mất mu rùa là hết bói. Nhâm độn tính trên lòng bàn tay. Dùng kinh nghiệm, kiến thức và trí khôn giải mã những sự tình qua các biểu tượng.

    Nói đến bói chính trị Hoa Kỳ, chúng ta chỉ có thể phác họa tổng quát trên hai phương diện: 1- sự vận hành của hai lãnh tụ đang đối đầu: Donald Trump và Joe Biden. 2- Xung lực mâu thuẫn giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Sử dụng phương pháp Nhâm Độn cho phương diện một và nguyên tắc tự nhiên về lực đối đầu của khoa học vật lý cho phương diện hai.

    Vận hành của ông Trump và ông Biden trong năm 2022:

    Xem vận hành là xem sự thông suốt hay trở ngại trong mưu sự, hành động, và thành quả của một người.

    Năm 2022 là năm Nhâm Dần. Thiên can (ý trời) (*) Nhâm thuộc về thủy. Địa chi (ý và hành động của người) thuộc về mộc. Nhâm Dần là Thủy / Mộc.

    Ông Trump sinh năm 1946, năm Bính Tuất. Thiên can Bính thuộc hỏa. Địa chi tuất thuộc thổ. Bính Tuất là Hỏa / Thổ. Sách ghi như sau: Bính (Hỏa) thuộc Dương: Tượng trưng cho tính cách nhiệt tình, hào phóng nhưng nông nổi, hiếu thắng.

    • Bài giải cơ bản: 2022: Thủy / Mộc
      Trump: Hỏa / Thổ


    Thiên can Hỏa của ông Trump bị chế ngự bởi thiên can 2022 là Thủy (Thủy khắc Hỏa). Địa chi của ông Trump là Thổ bị ngăn chận khó phát triển bởi Mộc (Mộc khắc Thổ).

    Nhìn chung, ông Tump sẽ gặp nhiều khó khăn, vận hành không thông từ ý trời (thiên can) cho đến tâm ý hành động con người (địa chi). Tuy nhiên, sách Nhâm Độn thuận câu ý người xoay chuyển vận trời. Chúng ta chờ xem ông sẽ xoay sở như thế nào để vượt qua những trở ngại.

    Trong khi, ông Biden sinh năm 1942, năm Nhâm Ngọ. Nhâm thuộc về thủy. Ngọ thuộc về Hỏa. Sách ghi như sau: Nhâm (Thủy) thuộc Dương: Tượng trưng cho tính cách khoan dung nhưng cũng ỷ lại, chậm chạp.

    • Bài giải cơ bản: 2022: Thủy / Mộc
      Biden: Thủy / Hỏa


    Nhìn chung, Thiên can của năm và của ông Biden đều thuận thủy. Túc là “vượng thủy” lòng người hợp với ý trời. Sách Nhâm Độn ghi chú khuyết điểm của vượng thủy là nhiều nước xem chừng lũ lụt. Tôi nghĩ, nếu những chính sách cực tả được thực hiện nhiều sẽ mang hiệu quả không tốt cho đảng Dân Chủ. Xét về địa can, Mộc sinh Hỏa, hành động của trời ủng hộ hành động của ông. Năm 2022 sẽ là năm tốt, hạnh thông cho sự nghiệp chính trị của Joe Biden, dĩ nhiên, lời bói này mang tính khái quát, cũng có nghĩa tốt nhiều hơn xấu, hay nhiều hơn dở.

    Việc vận hành của hai lãnh tụ thông thường là ưu và khuyết điểm chung cho hai đảng. Hạnh thông hay không hạnh thông chưa hẳn sẽ là thất bại hay thành không, nhưng không hạnh thông đối đầu với người hạnh thông, thường không phải là điềm tốt.

    Xung lực mâu thuẫn giữa hai đảng:

    Theo quy luật của hai lực đối đầu trên một mục đích, dần dà sẽ có một lúc chiếm tiên cơ, lúc đó này sinh ra lực thứ ba. Đối với hướng của mục đích, lực này hoặc tiến tới, hoặc thụt lùi, hoặc rẽ ra một lực khác.

    Tình hình trong năm 2021 dẫn qua 2022, hai lực mâu thuẫn đầu tiên đối chọi xảy ra ngay trong đảng Cộng Hòa: Lực theo Trump và lực chống Trump. Chưa ngã ngũ lực nào tiên cơ, nhưng lực theo Trump khí thế hơn. Kết quả bầu cử trong tháng 11 năm 2022 sẽ cho biết lực nào tiến, lực nào lùi; có sinh ra lực thứ ba “dung hòa” giữa theo Trump và chống Trump không. Gọi là lực Cộng Hòa hậu bầu cử 2022.

    Lực mâu thuẫn trong đảng Dân Chủ không đáng kể. Vì vậy, chỉ còn đối lực giữa lực Dân chủ và lực Cộng Hòa hậu 2022. Sự đối đầu này dẫn qua năm 2023 và 2024, đến cuộc bầu cử lớn.

    Nhìn chung, nếu lực hậu Cộng Hòa 2022 thuộc phe theo Trump, ở vị trí điều hành chính quyền và sự kém hạnh thông của ông Trump, ông Biden và đảng Dân Chủ sẽ nắm ưu thế và thành công giới hạn tùy vào quyền đa số ở Thượng Viện và Hạ viện thuộc đảng nào. Nếu lực hậu Cộng Hòa 2022 thuộc vào phe chống Trump, ông Biden và đảng Dân Chủ vẫn có ưu thế nhưng sức mạnh của đảng Cộng Hòa, sẽ gia tăng.

    Cứ thử bói như vậy, chờ đến cuối năm 2022, đầu năm 2023, chúng ta sẽ suy xét và đánh giá những dự đoán và bói toán đang thực hiện hôm nay.

    Kết Luận của Erwin Schrodinger.

    Bói toán được sắp vào dòng hoang tưởng, hoang đường, nhưng lại gặp gỡ một căn bản khoa học đáng tin cậy. Khoa thiên văn và cơ học lượng tử đã tiếp cận để chứng minh về khả năng “bói đoán” tương lai. Thuyết Xác Định của Laplace và thuyết Bất Định của Heisenbeg đối đầu, nảy sinh ra thuyết Biến Ẩn của Einstein. Sự thắng thế nghiêng về thuyết Xác Định. Nghĩa là, con người có khả năng tiên đoán tương lai ở bất kỳ thới điểm nào. Bạn có muốn biết năm 2030 bạn sẽ như thế nào không? Nhưng bạn có thể biết chắc năm 2062 tôi sẽ ra sao.

    Đời sống quả nhiên đầy dẫy những kinh ngạc: Nhà vật lý John Stewart Bell (1928-199) đã chứng minh bằng một loạt thí nhghiệm, đưa đến kết luận thuyết Biến Ẩn của Einstein là sai. Và người ta trở lại quan điểm: không thể nào tiên đoán tương lai.

    Còn khoa học, còn đời sống sẽ còn biến đổi. Nhà vật lý người Áo, ông Erwin Schrodinger, và nhà vật lý người Anh, ông Paul Dirac, cải thiện lại cơ học lượng tử và chứng minh, tuy người ta không thể tiên đoán vị trí và vận tốc của hạt trong tương lai một cách riêng biệt, nhưng người ta có thể tiên đoán chung cho cả hai vị trí và vận tốc của hạt. Nói một cách bình dân, chúng ta có thể tiên đoán một nửa sự thật trong tương lai theo phương trình Schrodinger.

    Có nghĩa, chúng ta đang hy vọng, khoa học sẽ tiến tới một lúc nào đó, có thể dự đoán, bói toán 100% chuyện tương lai.

    Tiếc thay, trước khi qua đời, nhà bác học nổi tiếng của thế kỷ 20, Stephen Hawking cho biết, khi tiếp cận hấp lực cao của lỗ đen, phương trình Schrodinger không đạt được hiệu quả. Xem ra câu chuyện tiên đoán tương lai của khoa học vẫn còn dài. Hứa hẹn nhiều chuyện li kì!


    Ngu Yên.


    Ghi:
    Thiên can, thường được tìm hiểu như ý của trời, nhưng sự giải mã thường ứng vào tính tình, tâm trí con người. Dường như, người xưa đã cảm nhận được, chính tính khí của người tạo ra số mệnh. Ý trời phải chăng đã cài sẵn, là bẩm sinh?

    Trích: Can Chi.
    https://lichngaytot.com/12-con-giap/can ... 50858.html

    - Giáp (Mộc) thuộc Dương: Tượng trưng cho tính cương trực, kỷ luật cao.

    - Ất (Mộc) thuộc Âm: Tượng trưng cho tính cách cẩn thận và cố chấp.

    - Bính (Hỏa) thuộc Dương: Tượng trưng cho tính cách nhiệt tình, hào phóng nhưng nông nổi, hiếu thắng.

    - Đinh (Hỏa) thuộc Âm: Tượng trưng cho tính cách trầm tĩnh bề ngoài, sôi nổi bên trong.

    - Mậu (Thổ) thuộc Dương: Tượng trưng cho tính cách giỏi xã giao, trọng vẻ bề ngoài nhưng thiếu chính kiến.

    - Kỷ (Thổ) thuộc Âm: Tượng trưng cho tính cách cẩn thận, tỉ mỉ nhưng không rộng lượng.

    - Canh (Kim) thuộc Dương: Tượng trưng có tính cách tài hoa, thích hợp làm kinh tế hoặc văn học.

    - Tân (Kim) thuộc Âm: Tượng trưng cho tính cách kiên trì nhưng cũng đầy ngoan cố.

    - Nhâm (Thủy) thuộc Dương: Tượng trưng cho tính cách khoan dung nhưng cũng ỷ lại, chậm chạp.

    - Quý (Thủy) thuộc Âm: Tượng trưng cho tính chính trực, dù gặp khó khăn cũng không lùi bước.


    Nguồn:https://vietbao.com


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5507
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Nhâm Dần ...

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Đi Xe Đò, Đi Xe Ôm





    Năm đó, tôi về Việt Nam ăn Tết và cũng để mừng má tôi tròn một trăm tuổi. Đó là lần thứ hai tôi về Việt Nam. Kỳ trước về với vợ con nên đi đâu chúng tôi cũng dùng xe nhà của thằng em bà con cho mượn với tài xế (Thằng em này “biết làm ăn” nên bây giờ nó khá lắm). Kỳ này về một mình, tôi định nếu có dịp sẽ dùng xe công cộng một lần cho biết.

    Sau một tuần ở Gò Dầu với má tôi (Gò Dầu quê tôi thuộc tỉnh Tây Ninh, nằm cách thành phố 63 km) thấy còn năm hôm nữa mới tới Tết, tôi bèn sửa soạn xuống Sài Gòn để đi thăm vài người bạn.

    Lần này, tôi muốn đi bằng xe đò (bây giờ người ta gọi là “xe khách” - trong bài viết này tôi vẫn dùng từ “xe đò” cho dễ hiểu!)

    Một thằng cháu - hồi trước làm thầy giáo, bây giờ sửa xe đạp và bán sách vở học trò - nói:

    - Để cháu lấy Honda chở chú Hai lên bến xe kiếm xe gởi chú đi.

    - Khỏi cần, chú đi một mình được. Nó phì cười:

    - Cái tướng Việt Kiều của chú lên đứng lớ ngớ trên đó, tụi nó dám chém nhẹ vài chục ngàn cái vé đi thành phố thay vì chỉ có tám ngàn thôi. Tụi nó bây giờ “mánh” lắm chú ơi!

    Vậy là nó chở tôi lên bến xe đò (Ở quê tôi, vì có con sông Vàm Cỏ Đông chảy ngang, nên dân chúng thường nói “trên” và “lên” để chỉ những nơi nào nằm về phía thượng lưu con sông - đối với khu chợ nằm ở giữa - và “dưới” hay “xuống” để chỉ những xóm nằm về phía hạ lưu).

    Ở bến xe, thằng cháu nói:

    - Chú đứng đây giữ dùm cháu cái Honda. Để cháu “thả” một vòng coi.

    Trong lúc nó “thả một vòng”, tụi bắt mối hai ba đứa rà rà lại:

    - Đi thành phố hả chú? Chạy liền giờ nè!

    - Thằng xạo đó chú! Xe nó chưa tới “tài”. Xe cháu kìa, xe đầu vàng đang rồ máy đó chú. Đi chú!

    Cháu xếp chỗ tốt đằng trước cho chú, nè!

    Vừa nói, thằng nhỏ vừa nắm cái ba-lô của tôi kéo đi trong lúc thằng kia cũng lôi về phía nó. Tôi rị lại la lên:

    - Tao không có đi xe đò! Tao đợi thằng cháu. Bộ tụi bây không thấy xe Honda đây sao?

    Một thằng khác, có vẻ anh chị, “xẹt” vô can thiệp:

    - Buông ra! Tụi bây làm gì vậy? “Quậy” hả? Trong lúc hai tên kia bỏ đi, nó hạ giọng thân mật:

    - Chú Hai đi thành phố hả chú Hai? Tôi lắc đầu, lại chỉ cái Honda, nói:

    - Tao đợi thằng cháu chở đi công chuyện.

    Thằng nhỏ bỏ đi. Tôi nhìn theo nó mà nghe ngượng vô cùng. Mấy thằng nhỏ bắt mối cỡ tuổi hai thằng cháu nội tôi thôi, vậy mà tôi sợ gì lại phải nói trớ là không đi thành phố? Có lẽ tại vì mấy chục năm nay ở xứ người, tôi đã sống quen với cái xã hội có tổ chức, có trật tự, nên tôi không biết cách ứng xử phù hợp với môi trường chụp giựt mánh mung này. Cho nên phản ứng của tôi là né! Không biết phải làm sao, thôi thì né tránh đi cho nó xong chuyện! Tự nhiên, tôi thở dài.

    Thằng cháu tôi dẫn lại một người đàn ông còn trẻ gầy nhom, giới thiệu:

    - Thằng Đực nè chú Hai. Nó lái xe cho cậu Năm Bộn. Nó là chồng con Hường, con của chị Ba Đầy ở xóm nhà máy đó chú nhớ hôn?!!

    Tôi mỉm cười gật gật đầu “ờ” cho lấy có. Thằng cháu nói tiếp:

    - Còn đây là chú Hai con bà Tám, mầy kêu ổng bằng ông lận.

    Thằng Đực chấp tay xá:

    - Dạ, lâu nay con có nghe nói ông Hai ở bên Tây, bây giờ mới gặp. Về chơi hả ông Hai?

    Rồi không đợi tôi trả lời, nó vói tay xách cái ba lô:

    - Ông Hai đi theo con. Xe con đằng nầy nè. Thằng cháu tôi dặn vói:

    - Xuống dưới nhớ kiếm xe ôm cho ổng, nghe mậy!

    - Được rồi! Cậu ba yên chí!

    Thằng Đực dẫn tôi lại xe của nó, giới thiệu tôi cho hai thằng cỡ mười tám đôi mươi đang đứng hút thuốc ở đầu xe:

    - Đây là ông Hai, con bà cố ở đường đất đỏ, đó! Còn đây là hai thằng em vợ con, tụi nó vừa là phụ xế vừa là lơ nữa.

    Rồi nó đỡ tôi lên đưa lại ngồi phía tay trái cách chỗ tài xế hai hàng băng. Trên xe đã có nhiều người ngồi, chắc họ quen nhau nên nghe nói chuyện rân như họp chợ!

    Chiếc xe đò là xe loại đầu bằng, có hai cửa lùa cho hành khách lên xuống. Chỗ ngồi hẹp té, tôi đo vừa đúng hai gang tay. Trên kiếng chắn gió trước mặt tài xế, về phía phải, có viết mấy hàng chữ bằng sơn đủ màu. Vì tôi ngồi trong xe nên phải đọc ngược, nhưng vẫn đọc được:

      • TP. HCM/Gò Dầu
        Vidéo/Karaoké


    Chính giữa xe, ngang ngang với đầu anh tài xế, có một cái lồng sắt hàn dính lên trần, trong đó có cái télé. Tôi tự hỏi: “Vidéo thì còn hiểu được, chớ Karaoké thì hành khách hát hí ra làm sao?” Thật là mới mẻ quá! Dưới chân tấm kiếng chắn gió, cũng ngay chính giữa, có gắn một kệ nhỏ, trên đó có một tượng Phật Bà, một bình bông, một bình cắm nhang và ba chung nước. Tất cả mấy món vừa kể đều được gắn xuống mặt kệ bằng băng keo chằng chịt! Cho nó đừng nhúc nhích hay lật đổ khi xe chạy hay khi xe thắng gắp. Nhìn tượng Phật Bà chằng chịt băng keo, tôi nghĩ chắc Ngài cũng phải mỉm cười mà từ bi hỷ xả?

    Thằng Đực lên ngồi, đề cho máy chạy, rồi cứ rồ máy từng chập giống như làm cho nóng máy. Hai thằng lơ đứng dưới đất la ó:

    - Lên đi bà con! Chạy à! Chạy à!

    Tài xế sang số cho xe nhúc nhích nhúc nhích, trong lúc hành khách cứ lần lượt trèo lên xe tỉnh bơ không thấy có chút gì hối hả. Không thấy ai bán vé, thiên hạ cứ lên xe thấy ghế trống là ngồi. Hàng hoá mang theo lỉnh kỉnh để đầy hành lang chính giữa. Những người lên sau phải bước choàng ngang để đi!

    Một bé gái cỡ mười hai mười ba tuổi, lên xe với hai bao ni-lông lớn đựng đầy dép, loại dép cao su Nhựt Bổn. Nó ngồi vào ghế trống cạnh tôi. Vừa đặt đít xuống nó vừa trao cho tôi một bao dép, nói:

    - Ông ngoại giữ dùm con.

    Nó làm một cách tự nhiên, chẳng thấy một chút ngượng nghịu gì hết. Còn tôi thì thật ngỡ ngàng bối rối không biết phải làm sao.

    Vậy mà tôi cũng ôm bao dép vào lòng, ôm một cách máy móc! Tôi biết nó “đi” hàng lậu (Xưa nay, Gò Dầu được biết tiếng nhờ có chợ trời hàng lậu ở biên giới Cao Miên) nhưng tôi không thể tưởng tượng được một bé gái mới mười hai mười ba tuổi mà đã đi buôn lậu và còn bắt người khác giữ hàng lậu dùm mình một cách tỉnh bơ coi như chuyện bình thường! Xã hội bây giờ thật quá nhiều thay đổi, mà tôi thì quê trân, giống như “một thằng mán ra chợ”!

    Thằng Đực rồ máy cho xe chạy tới trong lúc hai thằng lơ phóng lên xe - mỗi thằng một cửa - vừa phóng vừa la “Bà con ơi! Chạy à! Chạy à!” Xe chạy được mươi thước, ngừng lại, máy rồ từng chập một lúc rồi xe lui về vị trí cũ! Hai thằng lơ nhảy xuống đất, miệng vẫn bô bô: “Lên đi bà con. Chạy liền giờ nè!”. Hành khách vẫn lai rai từ tốn leo lên xe?

    Mươi phút sau thì xe lại chạy. Lần này, nó ra khỏi bến xe, chạy rề rề. Đến ngả ba (Chỗ này có đường xuống chợ, có đường vô xóm Mới, nhưng vẫn được gọi là “ngả ba”!) nó rước một vài người khách rồi chạy thẳng về hướng thành phố. Tưởng chạy luôn, té ra xuống khỏi Trâm Vàng - cách ngả ba lối ba cây số - nó quay đầu lại chạy về bến đậu. Lại nhúc nha nhúc nhích một lúc lâu đến khi có tiếng tu hít thổi (Chắc là hiệu lịnh của cán bộ điều hành bến xe) xe lại rồ máy chạy. Lần này, đúng là nó chạy thiệt bởi vì nó không có rề rề như hồi nãy! Tôi thở cái khì?

    Xe không có bán vé, nhưng có một chị đi thâu tiền. Cái hay của chị này là chị ta nhớ người nào đã thâu rồi người nào chưa. Cho nên trong suốt “hành trình” trèo qua trèo lại trên những kiện hàng nằm ngổn ngang dọc hành lang để thâu tiền, không thấy ai phàn nàn phản đối gì hết.

    Xe đang chạy, bỗng thấy thằng lơ cửa trước đứng thẳng lên mở dây nịt, kéo phẹt-mơ-tuya... cởi quần! Hành khách tỉnh bơ. Có lẽ trên xe chỉ có một mình tôi là ngạc nhiên trố mắt nhìn. Một cô gái ngồi gần đó đưa cho nó mấy cây thuốc lá “555 “ và một nạm vòng thun, nó cầm lấy, xỏ vòng thun vào hai chân, cách khoảng nhau độ hơn một tấc, rồi nhét mấy cây thuốc vào đó, dài từ háng xuống mắc cá và ôm tròn chân từ mặt trong ra mặt ngoài. Trông nó giống Robocop của phim Mỹ! Thì ra thằng lơ giấu hàng lậu dùm cô gái. Nó vừa mặc quần xong là đến lượt thằng lơ cửa sau. Nhưng thằng này quá gầy nên nó không cần cởi quần. Nó kéo ống quần đì-rét lên tới bẹn rồi làm y như thằng trước. Thằng này thì “ cao cấp “ hơn, vì nó còn “ chêm “ vòng theo thân mình tới năm cây thuốc lận! Xong nó khệnh khạng đi về hướng cửa sau. Tôi nhìn theo, phục quá!

    Xe vừa chạy vừa bóp kèn, đường trống vẫn bóp kèn. Làm như đã thành cái tật! (Ở Việt Nam bây giờ, chạy xe hơi, xe gắn máy trên đường - Nhà Nước gọi là “tham gia lưu thông”, nghe thật là văn vẻ - ai ai cũng bóp kèn, chạy ngoài đồng hay chạy trong thành phố gì cũng vậy hết. Lạ lắm!)

    Còn hai thằng lơ thì hể thấy có người chạy lạng quạng phía trước thì lòn người ra ngoài, vừa la to “Vô! Vô!” vừa vỗ vào thùng xe đùng đùng. Làm như kèn xe không đủ cho người ta nghe vậy! Thấy ai đứng lớ ngớ đàng xa bên lề đường như có vẻ đón xe thì lơ hét to cho tài xế “ Bà già đó! Bà già đó!” hay “ Con mẹ cầm nón đó! Con mẹ cầm nón đó!”. Nếu là hành khách đưa tay ngoắc thì xe chạy chậm lại, rề sát vào. Thằng lơ phía trước mở cửa rồi một tay nắm cây cột sắt nằm cạnh cửa lùa, lấy thế nghiêng nguời xuống hốt người khách đẩy vào trong xe trong lúc xe vẫn tiếp tục lăn bánh chớ không ngừng lại (Sau này tôi mới biết rằng xe đò không được phép rước khách ngoài những nơi đã được ấn định bởi chánh quyền. Vì vậy xe không được ngừng dọc đường ngoại trừ khi xe ăn-banh!)

    Thằng Đực vừa lái xe, vừa bóp kèn, vừa lách tránh những xe khác - đủ loại: Honda, xe đạp, xe thùng, xe ba gác, xe bò, xe ngựa... - vừa liếc dài theo lề đường để “bắt” khách. Xe đang chạy ngon lành ( 50 km/giờ, tốc độ tối đa ấn định bởi Nhà Nước ) bỗng nó “nhả ga” chạy bớt lại và la lên: “Giao thông nghen! Giao thông nghen! Lấy tay lấy đầu vô bà con!”. Hai thằng lơ cũng la theo: “Đừng ló đầu ra nghe bà con! Giao thông đó!” Xa xa về phía trái, thấy có hai ông công an giao thông ngồi chàng hảng trên xe mô-tô dưới tàn cây bên lề, hút thuốc. Khi xe chạy ngang qua, mấy ổng chỉ nhìn theo cười cười, chắc hài lòng với sự biết “chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông” của tài xế Đực!

    Đường xuống thành phố, ngày xưa, hai bên là ruộng lúa ruộng mía và giồng rau cải. Bây giờ nhà cửa cất dài dài, đồng ruộng còn rất ít. Quán ăn, quán nhậu thì quá nhiều. Phần lớn mang bảng hiệu rất thơ mộng như: “Hẹn hò”, “Vườn Thúy”, “Quán Trăng”

    Làm như bây giờ người ta thèm được? “phiêu phiêu” để quên đi một phần nào cuộc sống xơ cứng của hiện tại!

    Bến xe Trảng Bàng nằm trước sân banh. Xe đò vừa vào bến thì một bầy trẻ con bán dạo ùa lên xe như ruồi, rao hàng ó trời! Trong xe bỗng ồn ào như cái chợ. Nhiều đứa nhỏ mang hàng đầy hai vai. Hàng đựng trong những túi ni-lông nhỏ bằng nắm tay, miệng cột túm lại bằng vòng thun. Mỗi loại được xỏ chung với nhau thành một đùm. Tụi nhỏ đeo nhiều đùm như vậy lên hai vai, nhiều đến nỗi không còn thấy cái cổ! Chỉ còn thấy cái đầu nhỏ lòi ra trên đống túi ni- lông tròn tròn?

    Tụi nhỏ bán loại này rao hàng có ca có kệ. Rồi vì muốn cho “có ca có kệ” nên nhiều tiếng để sai dấu, tôi nghe mà không hiểu hàng gì và hàng gì! Phải nghe vài lần mới “nắm bắt được”: Sâm lạnh. Thuốc lá. Suynh gum. Trứng cúc. Bánh tráng muối. Nem chay. Đây? Nếu có người mua, đứa nhỏ cầm túi ni-lông giựt mạnh cho đứt sợi thun rồi trao cho khách, nhanh gọn lắm! Ngoài ra, có những đứa bán “chuyên ngành” hơn, bán một thứ một, như chỉ bán giấy số hay thơm gọt sẵn, hay bánh tráng bánh phồng, hay thuốc lá..v.v... đủ thứ. Đứng đầy xe như vậy mà khi xe rồ máy lìa bến thì tụi nó đứa trước đứa sau phóng xuống như trò đu bay! Thấy chết như không!

    Xe chạy chậm chậm, rước vài người ở khúc cua Trảng Bàng. Đến Cầu Ông Chừa - cách Trảng Bàng độ năm ba cây số - xe quay đầu chạy về bến trước sân banh! Rồi cứ nhúc nha nhúc nhích để lấy thêm hành khách. Mấy đứa nhỏ lại ùa lên rao hàng. Độ hai mươi phút sau, xe lại lăn bánh. Lần này chạy thiệt.

    Trên đường lúc nào cũng có người. Xe đạp, xe Honda (Bây giờ, “ Honda “ là tiếng gọi chung cho xe hai bánh có gắn máy) chạy loạn. Hai bên đường, thỉnh thoảng có bảng đề “Bia tươi” đặt trên lề trước quán nhậu. Tôi đã nghe nói “bia hơi”, “bia ôm”, nhưng loại “bia tươi” này là lần đầu!

    Khều thằng lơ, tôi hỏi:

    - Bia tươi là gì vậy cháu? Nó bật cười:

    - Là bia làm tại chỗ, làm ngày nào là nhậu ngày nấy. Để vài ba bữa mà đớp vô là đi luôn à ông Hai!

    Tôi gật gật đầu nhưng trong lòng sao nghe buồn chi lạ: bây giờ, đến “cái nhậu” cũng “không giống ai” hết!

    Bỗng thằng Đực vừa bớt ga rà thắng vừa la lên:

    - Kinh tế! Kinh tế! Bà con.

    Trong xe, hành khách nhốn nháo. Kẻ thì đút giấu hàng dưới băng mặc dù ở đó đã đầy đồ, người thì chèn nhét hàng trong hốc trong kẹt, dưới đít mấy kiệng hàng rau cải gà vịt. Mấy bà mấy cô thì nhét trong áo trong quần chẳng thấy có chút gì xấu hổ hết!

    Tôi nhìn con bé cạnh tôi, nó cười trấn an:

    - Ông ngoại đừng lo. Mỗi người có quyền đi một bao dép. Con đi hoài hà!

    Tôi “ờ” rồi hỏi một cách máy móc:

    - Bộ con không có đi học hả? Nó cười rất tự nhiên:

    - Đi học rồi lấy gì ăn, ông ngoại?

    Tôi xúc động, không dám nhìn gương mặt dễ thương đó nữa, tôi nhìn vội ra ngoài. Xe đã đậu lại. Bên kia đường, có một xe hàng nằm sau một xe Jeep. Hai ông công an kinh tế mặc sắc phục (họ kiểm soát hàng lậu) đang “làm việc” dưới tàn cây vệ đường với mấy người mà tôi đoán là lơ và tài xế của xe hàng. Thằng Đực cầm một xấp giấy tờ xum xoe chạy qua đó, chen vào chỉ chõ nói năng. Một lúc sau, thấy nó khúm núm cúi chào mấy cái rồi vui vẻ chạy trở về trèo lên xe sang số chạy thẳng!

    Xe chạy không bao nhiêu xa, hành khách chộn rộn móc kéo hàng giấu hồi nãy cho vào bao vào bị. Hai thằng lơ cũng cởi quần lấy cây thuốc vòng thun trả lại cô gái, vừa làm vừa trò chuyện nói cười. Con nhỏ ngồi cạnh tôi kéo cái bao dép tôi đang ôm về phía nó, chẳng nghe một lời cám ơn. Mọi người đều hành động một cách tự nhiên, bình thường. Tôi bỗng thấy tôi không giống ai hết. Tôi là người “bất bình thường”, ngay trong lòng quê hương mà sao thấy thật là lạc lõng!

    Xe ngừng ở Suối Sâu, hai thằng lơ - đứa trên mui, đứa dưới đất - xuống hàng: bao, bị, giỏ tre, cần xé lổn ngổn (Những món này chắc của bạn hàng quen gởi và đã chất lên đó trước khi xe vào bến Gò Dầu) Vừa làm, thằng lơ trên mui vừa nói lớn cho mấy người đang bu lại nhận hàng: “Hai cái cần xé nầy của dì Ba. Cái giỏ bội này cũng của bả nữa. Mấy thứ tôi liệng xuống đây của cô Bảy nghen. Rồi! Xong! Bây giờ là đồ của chú tư Xáng”.

    Cô gái “đi” thuốc 555 lấy hàng nằm dọc hành lang trao qua cửa sổ cho một bà sồn sồn đứng phía dưới, vừa làm vừa nói chuyện huyên thiên. Bà đó hỏi:

    - Mầy có ghé thăm con Hoa hông? Nó đẻ chưa?

    - Chưa. Má lên trển mà coi. Cái bụng của chỉ bây giờ chang bang như cái mả vậy!

    Nói rồi, cô ta cười hắc hắc. Chắc cũng là chuyện bình thường thôi.

    Xe chạy tiếp. Bon bon 50 km/giờ. Đến Củ Chi ngừng lại để xuống hàng lần nữa. Con nhỏ ngồi cạnh tôi xuống ở đây. Nó đứng lên, xách hai bao dép đi, không nói một lời, cũng không nhìn lại. Nó làm tự nhiên như tôi không có mặt trên xe!

    Sau khi xuống hàng, xe chạy thẳng về thành phố, không ngừng ở trạm nào nữa hết. Tôi đoán: “Trên mui chắc không còn hàng”.

    Bến xe Tây Ninh nằm ở Bà Quẹo. Bến này rộng lắm, vây quanh bởi một tường rào. Khi xe đò quẹo vào, thấy người ta chạy theo lố nhố. Chừng xe đậu rồi, nghe họ mời mọc tía lia mới biết họ là những người lái xe ôm, xe ba gác đang tranh nhau kiếm mối chở đi. Thằng Đực nói:

    - Ông Hai ngồi đây, đừng đi đâu hết. Để con kiếm mấy thằng xe ôm quen cho ông Hai.

    Tôi nhìn đồng hồ thấy 10 giờ 20. Hồi ở Gò Dầu, tôi lên ngồi trên xe lúc 8 giờ sáng. Tính ra, tôi đi 63 km mất hết hai giờ hai mươi phút!

    Một lúc sau nó dẫn đến một người đàn ông cỡ tuổi nó, vừa vỗ vai người đó vừa nói:

    - Thằng này tên Chín, ở cùng đơn vị với con hồi trước. Nó đàng hoàng lắm, ông Hai. Mà ông Hai về đâu vậy?

    - Ông về nhà thằng cháu ở khu Đại học Phú Thọ.

    Thằng Đực lại vỗ vai bạn:

    - Tao giao ông Hai cho mày đó. Tính tiền cho có tư cách nghe mậy.

    - Yên chí?

    Vừa nói thằng Chín vừa cầm ba lô của tôi:

    - Ông Hai đi theo con.

    - Ủa? Xe của cháu đâu?

    - Dạ để ngoài kia, chớ đâu được phép đem vô đây, ông Hai. Cấm mà!

    Vậy là mấy phút sau, tôi “ ôm “ về nhà thằng cháu. Đó là lần đầu tiên tôi đi xe ôm.

    * * *
    Ở thành phố, người ta thường đi xe ôm, nếu chỉ đi có một mình. Xe ôm rẻ hơn xe taxi nhiều và nhanh hơn nhờ nó lòn lách dễ. Biết như vậy nên sáng hôm sau tôi ra đường đón xe ôm để đi thăm bạn bè.

    Nếu xích lô và taxi dễ “nhận diện” nhờ hình dáng và chữ “taxi” bên hông, thì xe ôm rất khó biết. Bởi vì trên đường lúc nào cũng đầy người chạy Honda, chạy xuôi chạy ngược, không có dấu hiệu đặc biệt gì hết thì biết ai “ôm” hay ai không “ôm”?

    Nếu xe ôm được sơn một màu ấn định, hay người lái xe có gắn một cái gì trên ngực trên lưng, hay ít ra cũng đội nón kết có in hai chữ “xe ôm” thì dễ cho mình nhìn ra, để ngoắc cho đúng. Đằng này, ai cũng như ai.

    Ngoắc đại mấy lần thấy “trật chìa”, tôi bèn đổi “chiến thuật”. Tôi bước ra đứng trên mép vỉa hè, mặt làm ra vẻ dáo dác nhìn xuôi nhìn ngược như đang tìm xe ôm trong luồng người chạy Honda. Thấy một người vừa chạy vừa nhìn dài dài theo phố, tôi mừng rỡ vẫy tay ra dấu. Anh ta chạy luôn. Vậy là anh ta đang tìm cái gì khác chớ không phải tìm khách hàng. Tôi lại làm bộ dáo dác cho người khác để ý. Lần này có một ông tấp vô, mỉm cười hỏi:

    - Đi không ông Hai?

    Tôi gật đầu, nói địa chỉ, trả giá - căn cứ trên giá đi hôm qua - rồi ôm đi (Gọi là “ôm” chớ hành khách không có ôm người lái. Nhiều người không biết, cứ nghĩ rằng trèo lên xe là phải ôm! Cho nên, khi trở về Paris thuật lại vụ đi xe ôm, vợ tôi hỏi: “Có đàn bà lái xe ôm hông?”)

    Trên đường, xe chạy như loạn.

    Hai luồng ngược chiều nhau lấn ép lòn lách, bóp kèn như điên! Thấy tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào!

    May quá, ông lái xe của tôi - khá trộng tuổi - chạy từ tốn. Ổng cứ men theo lề mà chạy và đặc biệt là không nghe ổng bóp một tiếng kèn! Ngạc nhiên, tôi hỏi:

    - Sao ông không bóp kèn?

    - Bóp cho ai nghe? Ai cũng bóp kèn hết, rền trời. Mình có bóp cũng vô ích!

    Ngừng một chút rồi tiếp:

    - Cứ làm thinh như vậy mà người ta để ý. Người ta nghe mình làm thinh!

    Rồi ông ta cười ha hả. Tôi cũng bật cười theo. Khoái quá, tôi vỗ vai ổng:

    - Hay! Hay!

    Rồi không kềm được, tôi hỏi thẳng:

    - Hồi trước ông làm gì?

    Ngần ngừ một lúc, ổng mới nói:

    - Dạ, làm giáo viên.

    - Dạy trường nào vậy?

    - Dạ, trường trung học X.

    - Dạy trung học sao gọi là giáo viên được? Phải gọi là giáo sư chớ.

    - Xin lỗi ông. Hồi nãy nhìn ông tôi đã đoán ra ông là Việt Kiều. Bây giờ, ông hỏi như vậy đúng là ông không phải người ở trong nước. Bây giờ, đi dạy học cao thấp gì cũng gọi là giáo viên ráo. Muốn được gọi “giáo sư” phải được “Hội Đồng Chức Danh Giáo Sư Nhà Nước” xét duyệt hồ sơ. Khi họ công nhận, họ cấp cho mình chức danh giáo sư. Chừng đó, mình mới được gọi là giáo sư. Ông hiểu không?

    Tôi nhớ lại tôi có một người bạn hồi đó cũng dạy trường trung học X. Tôi nói:

    - Tôi có một người quen cũng dạy ở trường X nữa. Ông tên Nguyễn Văn Y.

    Giọng ông xe ôm có vẻ như reo lên:

    - Anh Y dạy lý hoá. Ảnh mộc mạc dễ thương lắm. Lúc nào cũng thắt cà vạt đen!

    Ông xe ôm nói đúng. Như vậy ổng là giáo sư thiệt, không phải ổng ba xạo. Tôi bỗng nghe một xúc động dâng tràn lên ngực. Tôi đặt một tay lên vai ông ta, muốn nói gì đó thật nhiều. Nhưng sao tôi không tìm ra được lời, tiếng nói bị nghẹn ngang trong cổ. Tôi chỉ biết bóp nhẹ vai của ổng, cái vai bây giờ tôi mới thấy là gầy. Chắc ổng hiểu cử chỉ của tôi nên làm thinh. Tôi bóp vai ổng mà tưởng chừng như tôi đang bóp vai một người bạn cố tri, tưởng chừng như tôi đang mân mê một cái gì trân quí của thời cũ. Tôi như thấy lại được cái thời đã mất đó với những giá trị tinh thần của nó, cái thời mà nhà giáo dù nghèo cũng chưa đến nỗi phải chạy xe ôm như bây giờ.

    Ông xe ôm im lặng lái xe. Tôi im lặng nhìn cảnh tượng xô bồ hỗn tạp trên lòng đường phố. Bàn tay tôi vẫn đặt trên vai ông ta như để giữ thăng bằng. Sự thật, tôi muốn giữ nguyên như vậy để ổng cảm nhận rằng giữa ổng và tôi không có một sự cách biệt nào hết. Không có người lái xe ôm, không có khách đi xe ôm. Mà chỉ có hai thằng bạn...

    Bỗng ở phía ngược chiều, một người đàn ông lái Honda nhìn về phía bên này gọi to: “Thầy! Thầy!”. Tôi thấy anh ta chật vật lòn lách quay đầu xe lại, chạy theo chúng tôi. Chừng đến ngang nhau, anh ta hớn hở:

    - Thầy mạnh hả thầy?

    Giọng ông xe ôm cũng vui vẻ:

    - Ờ! Mạnh! Cám ơn! Em đi đâu vậy?

    - Dạ! Em chạy áp-phe. Thấy thầy em nhìn ra được liền hà! Tụi thằng A thằng C nói có gặp thầy nên em thường để ý kiếm, bây giờ mới gặp. Mừng quá, thầy!

    - Ờ! Cám ơn! Hai mươi mấy năm mà tụi em còn nhớ tới thầy là thầy vui rồi.

    - Làm sao quên được, thầy? Hồi đó, thầy là thần tượng của tụi em mà!

    Ông xe ôm làm thinh. Chắc cả một dĩ vãng đang được quay nhanh lại trong đầu. Tôi bóp nhẹ vai ông ta, chia sẻ.

    Hai thầy trò vừa lái xe vừa nói chuyện với nhau một lúc rồi người đó xin phép “đi làm ăn”. Chúng tôi im lặng, tiếp tục đoạn đường còn lại. Sự im lặng nào sao cũng nói thật nhiều...

    Đến nhà anh bạn tôi, tôi trả tiền cuốc xe ôm mà không dám cho thêm như tôi đã làm hôm qua với thằng Chín. Tôi muốn ông ta thấy rằng tôi vẫn kính trọng ông ta, vẫn xem ông ta là một giáo sư. Ông ta nhìn tôi mỉm cười. Chúng tôi bắt tay nhau, cái bắt tay đó ngầm nói lên rằng, dù cuộc đổi đời có vĩ đại đến đâu, mình vẫn giữ được cái tình người trân quí của thời cũ.

    Lần đi xe ôm đó tôi nhớ hoài đến bây giờ. Viết lại mà vẫn còn nghe xúc động.


    Tiểu Tử


    Nguồn:https://sites.google.com


              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 21156
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Nhâm Dần ...

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          




          

                     

          

          


          
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5507
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Nhâm Dần ...

Bài viết bởi Bạch Vân »

          

          
.. với bài nhạc trên ..
          

          
          


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 21156
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Nhâm Dần ...

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          



          

          



          

          


Buồn vào xuân

Xuân về nhạt nhẽo nắng hanh hao
Xuân có gì vui, thấy nghẹn ngào...?
Xuân lạnh phương trời mơ thuở ấy
Xuân chùng phím nhạc nhớ ngày nao
Xuân không dáng mẹ mai sầu héo
Xuân thiếu hương quê lệ tủi trào
Xuân đã bao xuân đời lữ thứ
Xuân hoài khắc khoải giấc chiêm bao.

Tâm An





Tết … hẹn

Tết nơi đất khách dáng gầy hao
Tết vắng xuân hương vị ngọt ngào
Tết lặng hàn phong đâu hớn hở
Tết buồn tuyết vũ chẳng nôn nao
Tết sao sân hận còn nguyên vẹn
Tết vẫn sầu bi mãi cuộn trào
Tết hãy cho mình xin hẹn nhé
Tết ngày quang phục đẹp dường bao !

Thiên Hùng





Tết viễn xứ

Tết nào phân biệt sắc màu hoa
Tết chẳng riêng ai khắp mọi nhà
Tết tặng năm châu câu ái lạc
Tết trao bốn biển khúc hoan ca
Tết mong đất mẹ mau hồi tĩnh
Tết ước quê cha sớm hợp hòa
Tết cũng khuyên em đừng nhỏ lệ
Tết sầu viễn xứ khác gì ta





Tết Ly Hương
(Thơ họa - Khoán thủ độc vận)

Tết đến hằn thêm nỗi nhớ nhà
Loang cùng cánh gió điệu hờn ca
Yên tâm nguyệt khuyết hình dung lả
Hỏa điểm hoàng hôn bóng nắng tà
Ưng chuẩn thiên hòa nung chí bá
Ơn cầu nhân hậu nối giòng cha
Nệ chi bước rẽ đường chia ngả
Ghi quốc thù đâu luận trẻ già





Tết ... computer

Phố ảo tình chân cười đón Tết
"Log in" gõ gõ mê quên mệt
Mai vàng lộng ảnh nở quanh năm
Bánh tét trên hình ăn hỗng hết
Cờ bạc quay nhìn khoái chẳng thua
Rượu trà uống ngắm vui ra phết
Tha hương hạnh ngộ Tết trên "comp"
Cất tiếng đồng ca Tết, Tết, Tết ...

Thiên Hùng




          



          

          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 21156
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Nhâm Dần ...

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          



          

          



          

          


Thư Lính


Ngoài kia Xuân đang tới
Xanh mướt màu tin yêu
Bao cành non lộc mới
Tình thương em bấy nhiêu ...

Thương em lắm mỗi lần Mai khoe sắc
Nhớ em nhiều mỗi độ Én vờn mây
Nhìn ngọn nêu lả mình trong giá rét
Thấy em ngồi tóc xõa lượn bờ vai

Giao thừa đến với anh không tiếng pháo
Không hương trầm dưa hấu đỏ trà sen
Chỉ tiếng súng vọng về từ điểm kích
Và ánh hoả châu tỏa sáng lưng đèo

Bạn đồng đội chuyền tay nhau điếu thuốc
Ngụm cà phê còn lạnh gió cuối Đông
Súng chắc tay mắt nhìn về phía trước
Cho hậu phương được yên trọn giấc nồng

Tết vắng anh chắc em thương nhớ lắm
Khi nhà nhà đoàn tụ đón Xuân sang
Vội viết vần thơ khi gà gáy sáng
An ủi em cho kịp hội trăng rằm

Nhớ thì nhớ ... nhưng xin em đừng khóc
Vì hạnh phúc mình thật quá nhỏ nhoi
Khi đồng bào còn lầm than đói khát
Bởi mộng cuồng chinh của lũ vượn người

Và anh biết em thương ... kiên cường lắm
Bão tố cuộc đời nào dễ lung lay
Lòng dạ sắt son vợ hiền của Lính
Dù đường hành quân hun hút trải dài

Gió lộng qua ngàn cây
Bình minh hồng ánh nắng
Ngắt một đóa Mai rừng đang nở thắm
Anh thầm gọi tên em ...
Và trong từng nhịp đập của con tim
Gởi về em ... vô vàn ... thương nhớ



Thiên Hùng :flwrhrts:



          



          

          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 21156
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Nhâm Dần ...

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          



          

          




Cào vùa ...

Cào vùa ba lá bạn mình ơi
Ghé lại đây chơi để thử thời
Vận đến lo gì không đổi hệ
Xui đi chẳng mấy chốc thay đời
Ba tây vét hết tiền trên chiếu
Chín nút moi luôn đáy túi người
Một tháng đi cày trong nháy mắt
Mai nầy mì gói sống cầm hơi

Vui mà...kkkk

Cờ bạc ghiền chi má nó ơi
Chơi vui ngày Tết sống theo thời
Hên vô mấy chục nào vênh mặt
Xui mất vài trăm chẳng héo đời
Đừng để ngồi mơ toàn lá nút
Hay nằm ngủ thấy chỉ tay người
Vì nhân vốn hữu tâm tham lợi
Nên lão thần bài mới mại hơi


Thiên Hùng :rotfl:







Đậu chến...

Xanh vàng trắng đỏ hỏn hòn hon
Ba khạp hai hoằng thiệt quá ngon
Tượng pháo vừa đôi chao mắt biếc
Mã xa xé lẻ mím môi son
Chốt đơn quá hải... Ồ... xoa xuýt
Tướng cụng thêm đầu... Á... tới chon
Một lệnh sau cùng mong kéo chến
Được thua thua được tiếng cười dòn


Thiên Hùng







Tết binh xập xám ...
(Lưỡng đầu xà nghịch)

Dôi thừa thú sảnh chắc vừa thôi
Đôi rứt ra giương mém đứt rồi
Điểm cả cơ chuồn hầu đã kiểm
Coi mòn rô bích hết còn moi
Ách reo chết chắc ôm eo rách
Bồi nhột te tua gặm bột nhồi
Mậu lúi đành đi buôn muối lậu
Đời cho chút chút xuống đò chơi... tiếp


(II)
Đôi thủ binh vầy cũng đủ thôi
Ôi rằng tưởng thế chắc ăn rồi
Cọc còi sảnh nhí thân còi cọc
Moi móc thùng con xác mốc moi
Bắt địch mù thầu già bích đặt
Rồi nhô thú phé ách rô nhồi
Cắc tùng chẳng biến khi cùng tắc
Hơi chết tìm về tịt hết chơi


Thiên Hùng







Nhậu ... mừng Xuân

Tiệc Tết ê hề món mặn chay
Mấy khi bằng hữu được đông vầy
Tương chao đậu hủ đều không thiếu
Thịt mỡ hành dưa thật đủ đầy
Trước kính thầy huynh người lớp trước
Sau nhường đệ muội bạn thời nay
Cùng nhau chạm cốc mừng Xuân mới
Ba bảy vào ra cũng hết ngày




Xỉn ...

Lửng lơ bỗng thấy một thành ba
Sấp nhỏ đi đâu vắng cả nhà
Nửa xị lo gì Diêm Chúa bắt
Nguyên chai chẳng kể Ngọc Hoàng tha
Ngoi lên cước đạp Lưu Linh thức
Quỵu xuống quyền chòi Vũ Lạc hoa
Lưỡng cẩu ơi... mi đừng sủa nữa
Chờ ta một chút... ụa... khà khà !


Thiên Hùng :lol2: :allright:



          



          

          
Trả lời

Quay về “Chuyên đề”