Đạo Đức Kinh

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20271
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Thượng Kinh 上 經 Đạo Kinh 道 經
    __________________

    Chương 23
    HƯ VÔ 虛 無




    Hán văn:
    • 希 言 自 然.

      飄 風 不 終 朝,
      驟 雨 不 終 日.
      孰 為 此 者,
      天 地.
      天 地 尚 不 能 久,
      而 況 於 人 乎.


      從 事 於 道 者.
      道 者 同 於 道.
      德 者 同 於 德.
      失 者 同 於 失.
      同 於 道 者, 道 亦 樂 得 之.
      同 於 德 者, 德 亦 樂 得 之.
      同 於 失 者, 失 亦 樂 得 之.

      信 不 足 焉,
      有 不 信 焉.

    Phiên âm:
    1. Hi ngôn tự nhiên.
                
    2. Phiêu phong bất chung triêu,
      sậu vũ bất chung nhật.
      Thục vi thử giả,
      thiên địa.
      Thiên địa thượng bất năng cửu,
      nhi huống ư nhân hồ.
                
    3. Cố
      tòng sự ư Đạo giả.
      Đạo giả đồng ư Đạo.
      Đức giả đồng ư Đức.
      Thất giả đồng ư thất.
      Đồng ư Đạo giả, Đạo diệc lạc đắc chi.
      Đồng ư Đức giả, Đức diệc lạc đắc chi;
      đồng ư thất giả, thất diệc lạc đắc chi. [1]
                
    4. Tín bất túc yên,
      hữu bất tín yên.

    Dịch xuôi:
    1. Ít nói, (sống) tự nhiên,
                
    2. Vì gió lốc không suốt sáng,
      mưa rào không suốt ngày.
      Ai làm những chuyện ấy?
      Trời, Đất.
      Trời Đất còn không thể lâu,
      huống nữa người.
                
    3. Cho nên
      theo Đạo thì đồng với Đạo.
      Theo Đức thì đồng với Đức.
      Theo mất thì đồng với mất.
      Đồng với Đạo, đạo vui tiếp đó.
      Đồng với Đức, Đức vui tiếp đó.
      Đồng với thất, thất vui tiếp đó.
                
    4. Tin không đủ.
      Có sự không tin.


    Dịch thơ:

    1. Sống tự nhiên, xẻn lời ít nói,
    2. Vì gió giông chẳng thổi sớm, trưa.
    Mưa rào chẳng suốt ngày mưa,
    Ai làm gió sớm mưa trưa thế này?
    (Trời đất).
    Trời đất còn thoảng bay chốc lát,
    Vẻ chi người, sống thác dường bao !
    3. Đem vạn vật ướm vào Đạo cả,
    Đấng thánh nhân huyền hóa đạo Trời.
    Người nhân ôm đức chẳng rời,
    Người ham đắc thất, cả đời vẫn ham.
    Ôm lấy Trời, hân hoan Trời rước.
    Ôm đức ân, sẽ được đức ân.
    Miệt mài công cuộc gian trần,
    Gian trần vui đón, cho thuần hư vinh.
    4. Kẻ chẳng tin, người tin chẳng đủ,
    Không đủ tin hay cứ không tin.

    Đoạn 3 và 4 trên đây có thể dịch theo cách thứ hai như sau:

    3. Đem vạn vật ướm vào Đạo cả,
    Đấng thánh nhân huyền hóa Đạo Trời.
    Sá chi đắc thất trần ai,
    Vui vầy cùng Đạo thảnh thơi mặc tình.
    4. Sống huyền hóa, siêu linh thoải mái.
    Người tin, chăng, nào ngại gì đâu.





    BÌNH GIẢNG


    Chương này thực ra rất khó bình giảng cho xác đáng. Mỗi bản kinh lại chép một khác.

    • Có ba chữ chính trong chương này: Đạo 道, Đức 德, Thất 失.
      Các bản Vương Bật, Hà Thượng Công, Tống Long Uyên, v.v. đều viết là Đạo 道, Đức 德, Thất 失.
                
    • Bản của Wieger, và Duyvendak lại viết là: Đạo 道, Đắc 得, Thất 失.
      Và cho rằng viết Đức 德 là sai.

    Cho nên bình giảng chương này, chúng ta không thể có tham vọng đưa ra một ý kiến chính xác, mà chỉ mong nói lên được đại ý.


    1. Đoạn 1 và 2 tương đối dễ bình giảng.

      Đại khái Lão tử khuyên chúng ta
      • nên sống giản dị, tự nhiên, tuần tự nhi tiến,
        đừng lo lắng làm những chuyện bất thường, để được nhĩ mục quan chiêm.
      • Những chuyện bất thường không thể tồn tại,
        y thức như những cơn giông cơn gió, những trận mưa lũ, mưa rào, chỉ chốc lát rồi lại qua đi.


      Lời lẽ Lão tử ở đây tuy khác nhưng ý tứ thì xét ra cũng giống với đoạn XI của Trung Dung. Đức Khổng nói:
      • «Tìm bí ẩn, làm điều quái dị,
        Cốt mong cho hậu thế người khen.
        (Sá chi chuyện ấy nhỏ nhen)
        Đã là quân tử chẳng thèm quan tâm.
        Làm trai quyết chí tu thân,
        Đường đường quân tử ta tuân Đạo trời.
        Giữa đường đứt gánh trở lui,
        «Bán đồ nhi phế» có đời nào đâu.
        Trung Dung quân tử trước sau,
        Dẫu không tăm tiếng chẳng rầu lòng ai.
        Thánh nhân ấy thánh nhân rồi.» [2]


      Hoặc giống với đoạn thánh vịnh David sau đây:
      • «Chúa, hỡi Chúa, tôi không ngạo nghễ,
        Mắt tôi không đượm vẻ kiêu căng.
        Vinh quang tôi chẳng dám mong,
        Không mơ những chuyện quá tầm mức tôi.
        Hồn chẳng chút lôi thôi xao xuyến,
        Chẳng bận lòng những chuyện viễn vông.
        Hồn tôi, những muốn thong dong,
        Như con trẻ nhỏ, nằm lòng mẹ chơi.» [3]
    2. Đoạn 3 của Lão tử mới thực là khó giải thích. Đại khái có hai cách giải thích:
      1. Chúng ta, thực sự muốn gì, sẽ được nấy:
        • - Muốn Đạo sẽ được Đạo.
          - Muốn Đức sẽ được Đức.
          (Đức 德 là sự phát huy của Đạo 道 ra bên ngoài.
          Đức cũng là vẻ đẹp của Đạo chiếu sáng vào tâm hồn).

          - Muốn phù hoa, sẽ được phù hoa.[4]

        Sở dĩ gọi Thất là phù hoa, vì những chuyện vinh hoa đắc thất ở đời thoảng bay trong chốc lát.
        Như vậy ở đời muốn đạt được thành quả bất kỳ về phương diện gì, trước hết là phải:
        • - Đặt ra cho mình một mục phiêu, một lý tưởng.
          - Cố gắng hết sức thực hiện mục phiêu ấy.

                  
      2. Hoặc chúng ta có thể giải theo Wieger: [5]
        • Ở đời này chúng ta chỉ nên sống hòa mình với Đạo,
          còn các chuyện đắc thất bên ngoài, chẳng nên quá quan tâm, như vậy lòng ta lúc nào cũng sẽ ung dung thư thái.
                    
          Tinh thần này đã được cụ Nguyễn Công Trứ lồng vào thi ca như sau:
          • «Được mất dương dương người thái thượng,
            Khen chê phơi phới ngọn đông phong.[6]
    3. Cuối cùng Lão tử kết luận:
      Ở đời sở dĩ có nhiều người không thành công trong công trình tu đạo,
      • chính là vì đã không tin vào mình, vào những khả năng vô biên của tâm hồn mình, hoặc là tin chẳng đủ,
      • bởi vì nếu chúng ta có đức tin bằng hạt cải, chúng ta sẽ có thể đảo hải di sơn.[7]


    Ước mong lối bình giải này phản ánh được phần nào tư tưởng của Lão tử.


    _______________________________________

    • [1]
      Câu này Wieger, Duyvendak sửa lại như sau:
      • «Đạo giả đồng ư Đạo, đắc giả đồng ư đắc, thất giả đồng ư thất.
        Đồng ư Đạo giả, Đạo diệc lạc đắc chi; đồng ư đắc giả, thất diệc lạc đắc chi.»
        道 者 同 於 道, 得者 同 於 得. 失 者 同 於 失.
        同 於 道 者, 道 亦 樂 得 之; 同 於 得 者, 失 亦 樂 得 之.

      Tóm lại Wieger đã thay chữ Đức 德 bằng chữ đắc 得.
      Vương Bật khi bình giảng đoạn này cũng đã thay thế chữ Đức bằng chữ đắc.
                
      Hà Thượng Công lại viết:
      • «Thất diệc lạc thất chi»
        失 亦 樂 失 之.

                
    • [2] Xem Nguyễn Văn Thọ, Trung Dung Tân Khảo, quyển 2, Chương XI.
                
    • [3] Thánh Vịnh David 131.
                
    • [4] Nơi đây chúng ta giải theo những bản kinh có ba chữ: Đạo, Đức, Thất.
                
    • [5] Giải theo những bản kinh có ba chữ: Đạo, Đắc, Thất.
                
    • [6] Xem bài ca Ngất ngưỡng của Nguyễn Công Trứ.
                
    • [7] Xem thêm Mathieu 17, 19. Luc 17, 6


Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20271
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Thượng Kinh 上 經 Đạo Kinh 道 經
    __________________

    Chương 24
    KHỔ ÂN 苦 恩




    Hán văn:
    • 企 者 不 立,
      跨 者 不 行.
      自 見 者 不 明;
      自 是 者 不 彰;
      自 伐 者 無 功;
      自 矜 者 不 長.

      其 於 道 也, 曰 餘 食 贅 行, 物 或 惡 之.
      故 有 道 者 不 處.

    Phiên âm:
    1. Khí [1] giả bất lập,
      khóa [2] giả bất hành.
      Tự hiện giả bất minh;
      tự thị giả bất chương;
      tự phạt giả vô công;
      tự căng giả bất trường.
                
    2. Kỳ ư Đạo dã,[3] viết dư thực chuế [4] hành, vật hoặc ố chi.
      Cố hữu Đạo giả bất xử.

    Dịch xuôi:
    1. Kiễng chân lên, không đứng thẳng được.
      Xoạc cẳng ra không đi được.
      Tự coi là sáng, nên không sáng.
      Tự xem là phải, nên không hiển dương.
      Tự kể công, nên không có công.
      Tự khoe mình, nên không hơn người.
                
    2. Đứng về phương diện Đạo mà nói, thì đó là những «đồ thừa việc thải».
      Cho nên người có Đạo không thiết.


    Dịch thơ:

    1. Kiễng chân lên làm sao đứng thẳng,
    Xoạc cẳng ra, đi chẳng được nào.
    Thích khoe sáng suốt làm sao?
    Tự cho mình phải, đời nào hiển dương.
    Cầu cạnh quá, thời thường thất bại,
    Quá ỷ mình, danh lại không cao.
    2. Mắt thần ta mượn nhìn vào,
    Cơm thừa, việc thải xiết bao tục tằn.
    Đó đâu phải đạo thánh nhân.





    BÌNH GIẢNG


    Chương này ngược với chương 22.
    Chương 22 mô tả đường lối của thánh nhân:
    • - Hư vô, tự nhiên,
      - Xẻn lời, ít nói.
      - Không kiêu căng,
      - Không tự thị.

    Chương này mô tả đường lối của phàm nhân:
    • - Làm điều bất thường quái dị, chọc nước quấy trời.
      - Tự kiêu, tự đại.


    Nhưng Lão tử cho rằng
    • những việc bất thường không thể nào tồn tại.
      Càng khoe khoang, càng cầu cạnh, càng kể công, lại càng không có danh, không có công.
      Tu đạo mà đi vào con đường ấy, tức là đi vào con đường lầm lạc. Đó chẳng qua là những chuyện «cặn bã» như cơm thừa, việc thải, chứ chẳng có gì là cao đẹp.


    Ta có thể dùng chương 14 Trung Dung,
    để trình bày lại bằng những lời lẽ khác, những ý kiến mà Lão tử đã đề ra trong 2 chương 22 và 24 này.

    «Người quân tử sống theo địa vị,
    Không ước mơ, lo nghĩ viễn vông.
    Sang giàu, sống lối giàu sang,
    Nghèo nàn, sống lối nghèo nàn ngại chi.
    Tới man di, sống y man mọi,
    Gặp gian lao, vui nỗi gian lao.
    Bất kỳ sống ở cảnh nào,
    Lòng người quân tử ra vào thỏa thuê.
    Ở cấp trên không đè nén dưới,
    Ở dưới không luồn cúi người trên.
    Trời, người, chẳng oán, chẳng phiền.
    Ung dung thanh thản chờ xem ý trời.
    Kẻ tiểu nhân suốt đời tác quái,
    Xông gian lao rong ruổi cầu may,
    Người quân tử như tay xạ thủ,
    Chệch hồng tâm, lỗi đó trách mình.


    _______________________________________

    • [1] Khí (xí) 企:
      kiễng chân.
      Có bản viết là 跂.
                
    • [2] Khóa 跨:
      xoạc cẳng.
                
    • [3]
      Kỳ ư Đạo dã
      其 於 道 也:
      đứng về phương diện Đạo mà xét.

      Có bản chép là
      Kỳ tại Đạo dã
      其 在 道 也.
                
    • [4] Chuế 贅:
      thừa thãi, không cần thiết.

      Theo Cao Hanh,
      bốn chữ «dư thực, chuế hạnh» 餘 食 贅 行 nên đổi là «dư đức, chuế hạnh» 餘 德 贅 行
      và cho đó là cái «Nhân, đức, thông, minh» bên ngoài.

      Các nhà bình giải Âu Châu thường giải chuế là cái bướu,
      và hiểu bốn chữ «dư thực chuế hạnh» như «dư thực, chuế hình» 餘 食 贅 形.


Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20271
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Thượng Kinh 上 經 Đạo Kinh 道 經
    __________________

    Chương 25
    TƯỢNG NGUYÊN 象 元




    Hán văn:
    • 有 物 混 成,
      先 天 地 生.
      寂 兮, 寥 兮,
      獨 立 而 不 改.
      周 行 而 不 殆.
      可 以 為 天 下 母.

      吾 不 知 其 名;
      字 之 曰 道,
      強 為 之 名 曰 大.
      大 曰 逝.
      逝 曰 遠.
      遠 曰 反.


      道 大, 天 大, 地 大, 王 亦 大.
      域 中 有 四 大,
      而 王 居 其 一 焉.
      人 法 地,
      地 法 天,
      天 法 道,
      道 法 自 然.

    Phiên âm:
    1. Hữu vật hỗn thành,
      tiên thiên địa sinh.
      Tịch hề, liêu hề,
      độc lập nhi bất cải.
      Chu hành nhi bất đãi.
      Khả dĩ vi thiên hạ mẫu.
                
    2. Ngô bất tri kỳ danh;
      tự chi viết Đạo,
      cưỡng vi chi danh viết Đại.
      Đại viết thệ.
      Thệ viết viễn.
      Viễn viết phản.
                
    3. Cố
      Đạo đại, thiên đại, địa đại, vương diệc đại.
      Vực trung hữu tứ đại,
      nhi vương cư kỳ nhất yên.
      Nhân pháp địa,
      địa pháp thiên,
      thiên pháp Đạo,
      Đạo pháp tự nhiên.

    Dịch xuôi:
    1. Có một vật hỗn độn mà nên,
      sinh trước trời đất;
      yên lặng, trống không;
      đứng một mình mà chẳng thay;
      đi khắp nơi mà không mỏi.
      Có thể làm mẹ thiên hạ.
                
    2. Ta không biết tên,
      đặt tên chữ đó là Đạo.
      Gượng gọi tên đó là Lớn.
      Lớn là đi,
      đi là xa;
      xa là trở lại.
                
    3. Cho nên
      Đạo lớn, Trời lớn, Đất lớn. Người cũng lớn.
      Trong đời có bốn thứ lớn,
      mà Người là một.
      Người bắt chước Đất,
      Đất bắt chước Trời;
      Trời bắt chước Đạo;
      Đạo bắt chước tự nhiên.


    Dịch thơ:

    1. Có một đấng an nhiên tự hữu,
    Trước đất trời, vĩnh cửu tự thành.
    Tịch liêu, vắng ngắt, vắng tanh,
    Một mình mình biết, một mình mình hay.
    Muôn vàn chẳng chút đổi thay,
    Đó đây quanh quất, đó đây chẳng chồn,
    Sinh muôn vật, mẹ muôn thiên hạ.
    2. Tính danh người ta há biết sao,
    Tên Ngài phải gọi thế nào,
    Gọi liều là Đạo, xưng ào là To.
    Vì quá to, nên xa thăm thẳm,
    Thăm thẳm xa mà vẫn gần kề.
    3. Đạo to, to lớn muôn bề,
    Trời to, đất lớn, Người (khoe) lớn (quyền).
    Bốn trọng đại trong miền Vũ trụ,
    Người nghiễm nhiên được ghé một vai.
    Người theo khuôn phép đất đai,
    Khuôn trời đất lấy, Đạo cai quản Trời.
    Tự nhiên, Đạo cứ thảnh thơi.





    BÌNH GIẢNG


    Chương này Lão tử lại tiếp tục bình về Đạo. Đại cương vẫn là:
    1. Đạo là căn nguyên vạn hữu.
    2. Đạo vô hình tướng, nên không thể nào đặt tên cho xứng
    3. Đạo vô bất tại.
      (James Legge cho rằng những chữ «Đại, thể, viễn, phản» tương đương với chữ vô bất tại).


    Đạo là Nguyên lý, nên tam tài (Trời, Đất, Người) đều do đạo xuất sinh. Đạo Nho cho rằng người là một ngôi trong Tam tài. Lão tử lại cho rằng Người là một ngôi trong «tứ Đại» (Đạo, Thiên, Địa, Nhân). Tuy nhiên, hai đằng vẫn nói lên sự cao trọng của con người.

    Vả lại, đường lối con người chung qui là phải khuôn theo trời đất, phải khuôn theo Đạo. Mà Đạo thời «tự nhiên». Cho nên đạt tới mức sống «Tự nhiên» là mức sống cao siêu nhất.

    Lưu Tư, tác giả quyển «Bạch thoại dịch giải Lão tử» đã toát lược trong ĐĐK và phân loại của Lão tử trong ĐĐK về Đạo như sau:

    • 1.
      Khi gọi tên Đạo 道, Lão tử dùng những chữ:
      • - Đạo 道 (chương 1, 4, 21, 23, v. v.)
        - Nhất 一 (ch. 10, 22)
                  
        - Cốc thần 谷 神
        - Huyền tẫn 玄 牝 (ch. 6)



      2.
      Khi tả hình dáng của Đạo, Lão tử nói:
      • - Hoảng hề, hốt hề 恍 兮 惚 兮
        - Ảo hề, minh hề 窈 兮 冥 兮 (ch. 21)
                  
        - Vô trạng chi trạng 無 狀 之 狀
        - Vô trạng chi tượng 無 狀 之 象
        - Thị chi bất khả kiến 視 之 不 可 見
        - Thính chi bất khả văn 聽 之 不 可 聞
        - Nghinh chi bất kiến kỳ thủ 迎 之 不 見 其 首
        - Tùy chi bất kiến kỳ hậu 隨 之 不 見 其 後 (ch. 14)



      3.
      Khi đề cập gốc Đạo, Lão tử nói:
      • - Đế tượng chi tiên 帝 象 之 先 (ch. 5)
        - Tiên thiên địa sinh 先 天 地 生 (ch. 25)



      4.
      Nói về sự vận hành của Đạo Lão tử nói:
      • - Độc lập nhi bất cải 獨 立 而 不 妀
        - Chu hành nhi bất đãi 周 行 而 不 殆 (ch. 25)
                  
        - Kỳ thượng bất kiểu 其 上 不 皎
        - Kỳ hạ bất muội 其 下 不 昧 (ch. 14)



      5.
      Nói về cái dụng của Đạo, Lão tử viết:
      • - Uyên hề tự vạn vật chi tông 淵 兮 似 萬 物 之 宗 (ch. 4)
        - Dĩ duyệt chúng phủ 以 閱 眾 甫 (ch. 21)
        - Hầu vương nhược năng thủ chi vạn vật tương tự tân 侯 王 若 能 守 之 萬 物 將 自 賓 (ch. 32)
        - Vạn vật đặc chi nhi sinh 萬 物 恃 之 而 生 (ch. 34)
                  
        - Đạo thường vô vi nhi vô bất vi 道 常 無 為 而 無 不 為
        - Thiên đắc nhất dĩ thanh; Địa đắc nhất dĩ ninh; Thần đắc Nhất dĩ linh; Cốc đắc Nhất dĩ doanh; Vạn vật đắc Nhất dĩ sinh; Hầu vương đắc Nhất dĩ thiên hạ trinh.
        神 得 一 以 靈; 谷 得 一 以 盈; 萬 物 得 一 以 生; 侯 王 得 一 以 天 下 貞 (ch. 39)
        - Đạo sinh Nhất; Nhất sinh nhị; nhị sinh tam; tam sinh vạn vật
        道 生 一; 一 生 二; 二生 三 三 生 萬 物, v.v. (ch. 42)


    Thực ra, Lão tử còn có nhiều đoạn khác luận về Đạo nhưng sự cố gắng của Lưu tiên sinh khi thu nhập và phân phối những dữ kiện trên cũng đã hết sức đáng khen ngợi.

    _______________________________________

Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20271
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Thượng Kinh 上 經 Đạo Kinh 道 經
    __________________

    Chương 26
    TRỌNG ĐỨC 重 德




    Hán văn:
    • 重 為 輕 根.
      靜 為 躁 君.

      是 以 聖 人
      終 日 行 不 離 輜 重.
      雖 有 榮 觀, 燕 處 超 然.

      奈 何 萬 乘 之 主,
      而 以 身 輕 天 下?
      輕 則 失 根,
      躁 則 失 君.

    Phiên âm:
    1. Trọng vi khinh căn.
      Tĩnh vi táo quân.
                
    2. Thị dĩ thánh nhân[1]
      chung nhật hành bất ly tri trọng.[2]
      Tuy hữu vinh quan,[3] yến xử [4] siêu nhiên.[5]
                
    3. Nại hà [6] vạn thặng [7] chi chủ,
      nhi dĩ thân khinh thiên hạ.
      Khinh tắc thất căn [8],
      táo tắc thất quân.

    Dịch xuôi:
    1. Nặng là gốc của nhẹ.
      Tĩnh là chủ của xao động.
                
    2. Cho nên thánh nhân
      suốt ngày rong ruổi, mà không bỏ mất sự trang trọng, yên tĩnh. [9]
      Tuy sống trong vinh hoa, mà lòng vẫn thung dung sống vượt lên trên.
                
    3. Tại sao vua một nước có muôn cỗ xe
      lại đem thân coi nhẹ thiên hạ.
      Nhẹ ắt mất gốc,
      xao động ắt mất chủ.


    Dịch thơ:

    1. (Người) trang trọng hơn (người) nhẹ (dạ)
    (Người) thung dung chúa (gã) long đong.
    2. Đường đường là đấng thánh nhân,
    Suốt ngày rong ruổi, vẫn không buông tuồng.
    Tuy rằng ở chỗ cao sang,
    Tâm hồn thư thái, chẳng màng phồn hoa.
    3. Làm vua thống trị sơn hà,
    Cớ sao dở thói kiêu sa lộng quyền.
    Buông tuồng là mất căn nguyên.
    Lo toan trăm nỗi là quên mất Trời.





    BÌNH GIẢNG


    Chương này dạy ta hai điều:
    1. Sống cho trang trọng
    2. Sống cho yên tĩnh


    Chúng ta phải sống trang trọng vì tâm niệm rằng: trong mình ta,
    • gồm đủ thiên lý, thiên đạo,
      gồm đủ tam tài (thiên, địa, nhân) tam bảo (tinh, khí, thần).

    • Lý Long Uyên khi bình chương này đã viết đại khái như sau:
      • «Người quân tử đem một thân một mình mà suy hành cho cả thiên hạ;
        khi làm, hoặc ngơi nghỉ; khi nói năng hay im lặng, đều cảm thấy là do thiên lý lưu hành.
        Bất kỳ ở địa vị nào (vua, tôi, cha, con),
        cũng lấy cương thường luân lý để bảo đảm cho sự trang trọng mình;
        mỗi khi ứng sự tiếp vật,
        đều lấy đạo đức nhân nghĩa để bảo toàn cho sự trang trọng mình...» [10]
    • Trung Dung cũng viết:
      • Mỗi động tác quân tử đều nên như mẫu mực,
        Mỗi hành vi là khuôn phép chúng nhân theo.
        Mỗi lời nói, thiên hạ đời sau sẽ nương vào,
        Người xa ngưỡng mộ, người gần không hề ngán. [11]



    Thứ đến, Lão tử khuyên ta nên sống với một thần trí định tĩnh.

    • Lý Long Uyên bình câu «Tuy hữu vinh quan, yến xử siêu nhiên» như sau:
      • «Nên sống vô vi trần tĩnh,

        «Vinh quan» tức là tất cả những vật dục phân hóa, thanh sắc hóa lợi.
        • Mọi người đều tranh nhau hưởng mùi đời, lặn ngụp trong ba đào thế sự,
        • chỉ có người quân tử là sống an nhàn, siêu thoát; thanh tĩnh khác đời, hư minh thuần nhất;
          tùy thời thuận lý; không để cho vật dục làm đổi rời; không để cho tính tình vọng động càn rỡ;
          y như là gió mát trăng trong, lúc nào cũng ung dung thư thái, siêu thoát hồn nhiên...

        Người tu đạo nếu có thể
        • sống trong sang giàu mà không để cho giàu sang làm thay lòng dạ,
          sống trong nghèo nàn, mà không để cho nghèo nàn làm lụy tấm thân,
        được như vậy tức là người quân tử thoát tục rồi còn gì?» [12]
    • Gia Cát Vũ hầu cũng viết:
      • «Phi đạm bạc vô dĩ minh chí,
        phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn.»
        非 淡 泊 無 以 明 志,
        非 寧 靜 無 以 致 遠.
        (Không đạm bạc làm sao sáng suốt,
        Không tĩnh định làm sao tiến xa.)
    • Lý Long Uyên cho rằng:
      • mỗi con người chúng ta đều tôn quí vô ngần,
        mỗi con người chúng ta đều là một quốc gia có muôn cỗ xe,
        cho nên chúng ta đừng nên giảm giá trị của mình.
        Người tu đạo nên lấy đó làm đề tài suy nghĩ.


    Lão tử kết luận:
    Coi nhẹ mình tức là mất căn nguyên;
    ôm đồm nhiều chuyện phù du, là bỏ mất Đại Đạo.

    _______________________________________

    • [1] Có nhiều bản chép là «thị dĩ quân tử» 是 以 君 子.
                
    • [2] Tri trọng 輜 重:
      xe hành lý.
      Hà Thượng Công giải Tri 輜 là Tĩnh; Trọng 重 là Trọng.
                
    • [3] Vinh quan 榮 觀:
      1) cảnh đẹp;
      2) cung điện.
                
    • [4] Yến xử 燕 處:
      1) Ở yên;
      2) nơi cung phi ở (theo cách hiểu Hà Thượng Công).
                
    • [5] Siêu nhiên 超 然:
      1) vượt lên trên;
      2) xa lánh (theo cách hiểu Hà Thượng Công).
                
    • [6] Nại hà 奈 何:
      có bản chép: Như chi hà 如 之 何; Như hà 如 何.
                
    • [7] Vạn thặng 萬 乘:
      muôn cỗ binh xa, chỉ bậc thiên tử.
                
    • [8] Căn 根:
      có bản chép là «thần» 臣;
      có bản chép là «bổn» 本.
                
    • [9]
      Wieger dịch:
      • cho nên vị quốc dân,
        khi đi (trong xe nhẹ)
        không bao giờ lìa xe nặng chở hành lý của mình.
    • [10] Xem
      Kim Liên chính tông Long Môn pháp phái,
      Long Uyên tử Tống Thường Tinh chú giải,
      Đạo Đức kinh giảng nghĩa, tr. 41b.

                
    • [11] Xem Nguyễn Văn Thọ,
      Trung Dung Tân Khảo, chương 29.

                
    • [12] Xem Đạo Đức kinh giảng nghĩa, tr. 42.

Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20271
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Thượng Kinh 上 經 Đạo Kinh 道 經
    __________________

    Chương 27
    XẢO DỤNG 巧 用




    Hán văn:
    • 善 行 無 轍 跡.
      善 言 無 瑕 謫.
      善 數不 用 籌 策.
      善 閉 無 關 楗 而 不 可 開.
      善 結無 繩 約 而 不 可 解.

      是 以 聖 人
      常 善 救 人, 故 無 棄 人;
      常 善 救 物 故 無 棄 物.
      是 謂 襲 明.


      善 人 不 善 人 之 師,
      不 善 人, 善 人 之 資.
      不 貴 其 師,
      不 愛 其 資,
      雖 智 大 迷,
      是 謂 要 妙.

    Phiên âm:
    1. Thiện hành vô triệt tích.
      Thiện ngôn vô hà trích.
      Thiện số bất dụng trù sách.
      Thiện bế vô quan kiện nhi bất khả khai.
      Thiện kết vô thằng ước, nhi bất khả giải.
                
    2. Thị dĩ thánh nhân,
      thường thiện cứu nhân, cố vô khí nhân;
      thường thiện cứu vật cố vô khí vật.
      Thị vi tập minh.
                
    3. Cố
      thiện nhân bất thiện nhân chi sư,
      bất thiện nhân, thiện nhân chi tư.
      Bất quí kỳ sư,
      bất ái kỳ tư,
      tuy trí đại mê,
      thị vị yếu diệu.

    Dịch xuôi:
    1. Đi khéo không để vết chân.
      Nói khéo không có lỗi lầm.
      Đếm khéo không dùng thẻ.
      Đóng khéo không róng, chốt mà không mở được.
      Thắt khéo, không dây rợ mà không cởi được.
                
    2. Cho nên thánh nhân
      thường khéo cứu người, nên không có ai bị bỏ;
      thường khéo cứu vật nên không có vật nào bị bỏ.
      Thế gọi là sáng gấp đôi.
                
    3. Cho nên
      người hay là thày kẻ dở.
      Kẻ dở giúp người hay.
      Không quí người hay,
      không yêu kẻ dở,
      dẫu là bậc trí, cũng mê lầm.
      Sự mầu nhiệm cốt yếu là ở chỗ đó.


    Dịch thơ:

    1. Giỏi di chuyển, không lưu dấu tích,
    Khéo nói năng tránh hết lỗi lầm.
    Đếm tài, chẳng thẻ, chẳng thăm,
    Bít bưng khéo léo, khỏi cần khóa then.
    Thắt buộc giỏi chẳng phiền dây rợ,
    Không rợ dây nhưng khó gỡ ra.
    2. Thánh nhân cứu thế tài hoa,
    Cứu người chẳng bỏ sót qua một người.
    Thánh nhân lại có tài dụng vật,
    Muôn sự đời chẳng vất bỏ chi.
    3. Quang huy lồng bóng quang huy,
    Người hay đưa kẻ dở về đường ngay.
    Người bất thiện xưa nay đâu uổng,
    Họ đỡ đần nuôi dưỡng người lành.
    Nếu không quí trọng thầy mình,
    Không thương người giúp, khôn thành u mê.
    Chuyện đời ẩn áo ly kỳ.





    BÌNH GIẢNG


    Thánh nhân khi đã đạt tới chỗ vô vi khinh thoát, sẽ trở nên hết sức khéo léo; không còn phải dùng đến những phương thiện của thường nhân, mà vẫn đạt được mục phiêu mong muốn.
    • Không ra khỏi cửa, mà vẫn đạt đạo, vẫn tri thiên hạ.
    • Dựa vào Đạo, dựa vào những định luật tự nhiên mà ăn nói, nên lời nói không phạm lỗi lầm.
    • Không cần thẻ thăm tính toán mà vẫn giữ được phần hơn thiên hạ (vì giữ được Đạo).
    • Chẳng dùng đến khóa then, mà dâm tà cũng không thể xâm nhập được vào thần trí, mà tinh thần cũng chẳng chút phôi pha.
    • Chẳng cần dây rợ buộc ràng mà vẫn gắn bó được với Trời với Đạo.
    • Thánh nhân không hẹp lượng, nhưng bao dung, phiếm ái muôn loài muôn vật.
      Thánh nhân không thiên vị người hay, không ruồng rẫy kẻ dở, vì quan niệm rằng người hay thời làm thày kẻ dở, còn kẻ dở chính là để giúp dỡ người hay.


    Sinh ra đời mà bao dung hà hải, cố gắng tác thành cho muôn loài, muôn vật, chẳng hề từ chối, hắt hủi một ai khi họ cần mình, đó chẳng phải là tâm địa của thánh hiền hay sao?
    _______________________________________


Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20271
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Thượng Kinh 上 經 Đạo Kinh 道 經
    __________________

    Chương 28
    PHẢN PHÁC 反 朴




    Hán văn:
    • 知 其 雄, 守 其 雌, 為 天 下 溪;
      常 德 不 離,
      復 歸 嬰 兒.

      知 其 白, 守 其 黑, 為 天 下 式.
      常 德 不 忒,
      復 歸 無 極.

      知 其 榮, 守 其 辱, 為 天 下 谷.
      為 天 下 谷, 常 德 乃 足.
      復 歸 於 朴.

      朴 散 則 為 器;
      聖 人 用 之, 則 為 官 長.

      大 制 不 割.

    Phiên âm:
    1. Tri kỳ hùng, thủ kỳ thư, vi thiên hạ khê;
      thường đức bất ly,
      phục qui anh nhi.
                
    2. Tri kỳ bạch, thủ kỳ hắc, vi thiên hạ thức.[1]
      Thường đức bất thắc,[2]
      phục qui ư vô cực.
                
    3. Tri kỳ vinh, thủ kỳ nhục, vi thiên hạ cốc.
      Vi thiên hạ cốc, thường đức nãi túc.
      Phục qui ư phác.
                
    4. Phác tán tắc vi khí;
      thánh nhân dụng chi, tắc vi quan trưởng.
      Cố
      đại chế bất cát.

    Dịch xuôi:
    1. Biết sống, giữ mái, làm khe lạch cho thiên hạ.
      Làm khe lạch cho thiên hạ không lìa «thường đức»,
      trở về trạng thái anh nhi.
                
    2. Biết trắng, giữ đen, làm phép tắc cho thiên hạ.
      Làm phép tắc cho thiên hạ, không sai «thường đức»,
      trở về vô cực.
                
    3. Biết vinh, giữ nhục, làm hang sâu cho thiên hạ.
      Làm hang sâu cho thiên hạ, đầy đủ «đức hằng»,
      trở về mộc mạc.
                
    4. Mộc mạc tán thời thành đồ dùng.
      Thánh nhân được dùng, làm quan trên;
      cho nên
      phép lớn không chia cắt.[3]


    Dịch thơ:

    1. Cầm thư (kiễm) biết (thanh) hùng (kiếm)
    Sống lem nhem, theo tiếng thế gian.
    Lem nhem trước mắt trần hoàn,
    Nhưng mà đức cả tiềm tàng chắt chiu.
    Quá chắt chiu ra chiều trẻ nhỏ.
    2. Cầm tối đen, biết có sáng trong,
    Treo gương đã quyết một lòng,
    Treo gương thiên hạ, «đức Hằng» tất giao.
    Nghĩa tất giao gá vào Vô cực.
    3. Biết Ngài vinh ta nhục có sao.
    Khiêm cung như thể hang sâu,
    Hang sâu thăm thẳm, đức mầu chứa chan.
    Bỏ phức tạp, chỉ ham phác thực,
    Giữ chu toàn thực chất thiên lương.
    4. Thiên chân phân tán, vãi vương,
    Sẽ thành đồ đạc để nương, để dùng.
    Thánh nhân nếu lâm vòng hữu dụng,
    Bất quá là trưởng thượng bách quan.
    Mới hay phép lớn mênh mang,
    Không chia, không cắt, vẹn toàn mới hay.





    BÌNH GIẢNG


    Các nhà bình giảng chương này thường bình và giải rằng:
    nên khiêm cung, không nên phô trương thanh thế.

    • Chẳng hạn, Wieger dịch như sau:
      1. Biết mình dũng mãnh (biết mình là gà trống) mà lại ăn ở trong tình trạng thấp kém (của con gà mái); tự nguyện sống nơi thấp kém trong nước...
        Cư xử như vậy tỏ ra rằng mình vẫn giữ được «thường đức», tuyệt đối vô vị lợi, sống phối kết với Đạo,
      2. Biết mình thông sáng, mà vẫn ăn ở ra tuồng ngu dốt; sẵn sàng làm bậc thang cho mọi người...
        Cư xử như vậy tỏ ra rằng «thường đức» chưa bị giao động», và mình hãy còn phối hiệp với Đại Đạo.
      3. Biết mình đáng hưởng vinh hoa, mà sẵn sàng sống trong bóng tối; nguyện làm hang (làm chỗ thấp nhất) trong thiên hạ.
        Cư xử được như vậy, tỏ ra rằng mình vẫn giữ được nguyên vẹn lòng vô tư nguyên thủy, và vẫn giữ được sự chất phác hồn nhiên, v.v.




    Xưa nay các nhà bình giải đại loại đều cho rằng Lão tử muốn ta sống khiêm cung như vậy mà thôi.
    Tuy nhiên chúng ta cũng có thể bình dịch theo một khía cạnh khác như sau:

    • Từ những kinh nghiệm mà ta có về tâm hồn ta,[4] ta có thể suy ra [5] rằng trong ta còn có Trời, có Đạo.
      Tại sao vậy?
      • Vì trời đất, đã có âm, thời phải có dương, đã có đen thời phải có trắng.
        Cho nên nếu chúng ta nghiệm thấy rằng tâm hồn ta là âm (thư) là đen (hắc),
        thì lập tức ta sẽ suy ra được trong tâm hồn ta còn có Dương (Hùng), còn có trắng (Bạch)
        đó là phép từ «trái» suy ra «phải» từ «đầu này» suy ra «đầu kia».

      Như vậy từ người tìm ra Trời ra Đạo tưởng không có khó.
      Ta chỉ việc áp dụng định luật Âm Dương điên đảo, Âm Dương phản phúc của Dịch lý. Thế tức là:
      • «Điên đảo âm dương phản cửu hoàn.»
        顛 倒 陰 陽 反 九 還
        (Lộn lạo âm dương để về với Trời với Đạo.)

      Cho nên nếu chúng ta tách ra được khỏi trạng thái tâm hồn bác tạp, ô trọc, tầm thường,
      • chúng ta sẽ tìm ra được «thường đức», tìm ra được «mẫu mực không hề sai thác» trong tâm hồn ta, mẫu mực mà từ xưa đến nay, người ta thường gọi là Di, là Trung, là Minh Đức, là Lương tri v. v.,
      • và đồng thời chúng ta cũng tìm ra được «Vô cực» vô biên tế, hồn nhiên, thuần phác.

      Đó là con đường duy nhất mà các nhà Huyền học dùng để trở về với Đạo, với Trời.
                
    • Thánh Augustin cũng đã nói:
      • «Chúa thẳm sâu hơn sự thẳm sâu của lòng tôi.» [6]




    Bình giải theo lối thứ hai của chúng ta này, chúng ta sẽ thấy hai chữ «Phản phác» của Hà Thượng Công nơi đầu chương hết sức có ý nghĩa.

    Như vậy theo Lão tử, mục đích con người là thực hiện «Thiên chân» thực hiện «Đạo thể».
    • Có thực hiện được Đạo thể,
      mới trở nên toàn chân, viên mãn.
    • Không thực hiện được Đạo thể,
      thời dẫu làm chức vị gì chẳng nữa, cũng vẫn khí cụ cho đời, vẫn bị phân tán, khiếm khuyết.

    Trời sinh ra con người có thể có «Đại dụng», mà cũng có thể có «Tiểu dụng».
    • Thực hiện được cái «Đại dụng»
      thì trời đất cũng không đủ chứa,
    • thực hiện cái tiểu dụng
      thời nhiều khi không đủ miếng ăn.
      [7]

    Đó là ý nghĩa câu thứ tư: «Phác tán tắc vi khí...»




    Chúng ta có thể dùng thiên Tiêu diêu du của Trang tử để bình giải chương này như sau:

    «Hồn ta hỡi hãy tiêu diêu,
    Tung đôi cánh rộng khinh phiêu chín tầng.
    Hãy tung cánh chim bằng muôn dặm,
    Cưỡi gió mây bay thẳng về Nam.
    Bay về quê cũ giang san,
    Hồ Trời vùng vẫy miên man thỏa tình.
    Mặc nhân thế rẻ khinh đàm tiếu,
    Óc phàm phu sao hiểu chí nhân.
    Vùi thân trong chốn hồng trần,
    Họ như ve, sẻ, qua lần tháng năm.
    Tầm mắt hẹp, mà tâm ti tiểu,
    Kiếp phù du nào hiểu chi đâu.
    Thân lươn bao quản lấm đầu,
    Cốt sao cho khỏi cơ cầu thì thôi.
    Phận sâu bọ đành rồi sâu bọ,
    Thân nấm rêu, nào rõ tuần trăng.
    Ve sầu nào biết thu xuân,
    Minh linh ngoài mấy vạn năm hay gì.
    Như Bành tổ có chi là thọ,
    Mà chúng nhân quá cỡ tán dương.
    Người vui tước phận lý hương,
    Người vui mũ áo xênh xang trị vì.
    Kìa Liệt tử thích đi mây gió,
    Cưỡi gió mây đây đó thỏa lòng.
    Còn ta khinh khoát vô cùng,
    Sánh vai nhật nguyệt vẫy vùng khinh phiêu.
    Quên mình, quên hết mọi điều,
    Quên tên, quên cả bao nhiêu công trình.
    Sống đời sống thần linh sảng khoái,
    Như Hứa Do chẳng đoái vương hầu.
    Uống ăn nào có chi đâu,
    Mà lo với lắng cho dầu lòng ai.
    Ta chẳng nói những bài phách lối,
    Lời của ta đâu nỗi hoang đường.
    Lời ta minh chính đàng hoàng.
    Vì người không hiểu, trách quàng, trách xiên.
    Kẻ mù tối sao xem màu sắc,
    Người điếc tai sao bắt âm thanh.
    Cho nên những kẻ vô minh,
    Tối tăm, ù cạc ngọn ngành hiểu chi.
    Sao biết được uy nghi sang cả,
    Của những người huyền hóa siêu linh.
    Đất trời gồm tóm trong mình,
    Lồng vào muôn vật sự tình nào hai.
    Dẫu sóng cả ngất trời không đắm,
    Dẫu nóng nung cũng chẳng làm sao.
    Trời mây mặc sức tiêu dao,
    Cho dù Nghiêu, Thuấn dễ nào sánh vai.
    Kiếp sống nọ mấy ai biết dụng,
    Biết cách dùng cho đúng cho hay.
    Có dưa năm thạch trong tay,
    Bổ ra năm bảy, dưa này vứt đi
    Nhưng nếu biết để y như trước,
    Dùng làm phao, sông nước nó băng.
    Đổi bất qui thủ [8] lấy vàng.
    Ngỡ là đã khéo tính toan lãi lờ.
    Ai ngờ nó giúp Ngô thắng Việt,
    Giúp chủ nhân mãn kiếp vinh quang.
    Biết dùng thời thực mênh mang,
    Dùng sai, dùng dở, oán than nỗi gì.
    Nhưng hay nhất là khi vô dụng,
    Thoát vòng đời tù túng lợi danh.
    Sống trong vô cực siêu linh,
    Xa bề khổ ải, mặc tình nhởn nhơ.» [9]

    _______________________________________

    • [1] Thức 式:
      khuôn phép, mẫu mực.
                
    • [2] Thắc 忒:
      biến đổi, sai lầm.
                
    • [3]
      - Stanislas Julien dịch:
      Lorsque le Saint est élevé aux emplois, il devient le chef des magistrats.
      Il gouverne gravement et ne blesse personne.

      - James Legge dịch:
      The sage, when employed, becomes the Head of all the officers (of Government),
      and in his greatest regulations he employs no violent measures.

      - Nguyễn Duy Cần dịch:
      Mộc mạc tán ra sinh đủ hạng người. Thánh nhân dùng hạng tài năng.
      Phong làm quan trưởng. Nên phép trị lớn không chia.
      - Như vậy ta thấy có hai lối dịch:
      • (a) hoặc dịch: Thánh nhân nếu được dùng, sẽ thành quan trưởng;
        (b) hoặc dịch: Thánh nhân dùng những quan trưởng.

                
    • [4] Giải chữ Thủ 守.
                
    • [5] Giải chữ Tri 知.
                
    • [6] «Tu eras interior intimo meo. (Conf. III. 6-11)
                
    • [7]
      Xem Mạnh Tử, Công Tôn Sửu, chương cú thượng, câu 6:
      • «Cẩu năng sung chi,
        túc dĩ bảo tứ hải;
        cẩu bất sung chi,
        bất túc dĩ sự phụ mẫu»
        苟 能 充 之,
        足 以 保 四 海;
        苟 不 充 之,
        不 足 以 事 父 母.
    • [8] Bất qui thủ 不 龜 手 :
      Một thứ thuốc bôi vào chân tay cho khỏi nứt nẻ.
                
    • [9] Phóng tác theo thiên Tiêu diêu du trong Nam Hoa kinh.

Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20271
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Thượng Kinh 上 經 Đạo Kinh 道 經
    __________________

    Chương 29
    VÔ VI 無 為




    Hán văn:
    • 將 欲 取 天 下 而 為 之,
      吾 見 其 不 得 已.
      天 下 神 器, 不 可 為 也.
      為 者 敗 之, 執 者 失 之.


      物 或 行, 或 隨,
      或 歔, 或 吹,
      或 強, 或 羸,
      或 挫, 或 隳.

      是 以 聖 人
      去 甚, 去 奢, 去 泰.

    Phiên âm:
    1. Tương dục thủ thiên hạ nhi vi chi,
      ngô kiến kỳ bất đắc dĩ.
      Thiên hạ thần khí, bất khả vi dã.
      Vi giả bại chi, chấp giả thất chi.
                
    2. Cố
      vật hoặc hành, hoặc tùy,
      hoặc hư,[1] hoặc xuy,[2]
      hoặc cường,[3] hoặc luy,[4]
      hoặc tỏa,[5] hoặc huy.[6]
                
    3. Thị dĩ thánh nhân
      khứ thậm, khứ xa, khứ thái.

    Dịch xuôi:
    1. Muốn đem thiên hạ mà làm (theo ý mình)
      ta thấy không thể được.
      Thiên hạ là đồ vật linh thiêng, không thể làm (theo ý mình).
      Hễ làm thì hỏng, hễ giữ thì mất.
                
    2. Cho nên
      vật hoặc đi hoặc theo
      hoặc hà hơi, hoặc thổi,
      hoặc mạnh hoặc yếu;
      hoặc bền vững hoặc mong manh.
                
    3. Cho nên thánh nhân
      chỉ ngăn sự thái quá, sự xa xỉ, sự tham lam.


    Dịch thơ:

    1. Những muốn nặn, muốn nhào thiên hạ,
    Suy cho cùng, chẳng khá được nào.
    Lòng người nghệ phẩm (thần khí) tối cao,
    Ai cho ta nặn, ta nhào tự do.
    Ngao ngán kẻ mưu đồ như vậy,
    Chẳng chóng chày, hủy hoại lòng người.
    Lòng người ai nắm giữ hoài,
    Già tay nắn bóp, bao đời tiêu ma.
    2. Người trần thế (muôn hoa đua nở)
    Có nhanh chân, cũng có chậm chân.
    Người nóng nảy, kẻ lần chần,
    Người in gang thép, kẻ thuần đào tơ.
    Người kiên gan, kẻ như cánh bướm. [7]
    3. Nên thánh hiền sùng thượng chữ khoan.
    Chỉ ngăn quá lạm cực đoan,
    Quá giàu, quá chướng, quá ham tiền tài. [8]





    BÌNH GIẢNG


    Mọi người,
    mọi tổ chức đạo giáo, chính trị, xã hội
    đều mong muốn nhào nặn con người theo ý mình
    ,

    duy Lão tử dạy ta
    không nên
    nuôi hoài bão cải tạo con người theo chiều hướng của mình.


    Lão tử vốn chủ trương thiên chân thiên tính là hoàn hảo, cho nên nếu ta có dụng tâm muốn thay đổi con người thì chỉ làm cho con người trở nên sa đọa mà thôi.

    Chính vì từ trước tới nay con người đã bị nhồi sọ bằng mọi chủ nghĩa, chủ thuyết, nên ngày nay con người thực y như đang bị ngây ngất, vật vờ vì những cần sa ma túy tư tưởng.

    • Krisnamurti cho rằng con người cần được hoàn toàn giải độc thì mới có thể đi đến chỗ khinh khoát tự do.[9] Ta có thể nói Krishnamurti là một con người ở thế kỷ 20 này, không ngờ mà đã thực hiện chủ trương trên đây của Lão tử.

      Krishnamurti từ tấm bé đã được bà Annie Besant, đồ đệ của bà Blavatsky, đem về Âu châu giáo dục vì bà có linh giác rằng Krishnamurti này sẽ thành vị «chân sư của thế giới».[10] Krishnamurti được giáo dục rất kỹ càng ở Oxford, Pháp, California. Ông được tặng một tòa lâu đài ở Eerde với 2000 mẫu tây rừng (Hòa Lan). Tất cả tín hữu phái Thông Thiên học đều hồi hộp chờ ngày ông sẽ chính thức đăng quang làm giáo chủ Thông Thiên học. Thì đùng một cái, năm 1928 ông Krishnamurti trả lại hết mọi chức tước, tài sản mà Thông thiên học đã tặng ông đồng thời từ chối không chịu đăng quang và tuyên bố:
      • Nhân loại đã có nhiều lồng rồi, ông không muốn tạo thêm lồng mới nữa.


      Krishnamurti cho rằng:
      • các tôn giáo không giải thoát được con người vì lẽ
        • chúng khống chế con người,
          làm mất tự do con người,
          và gây ra những mâu thuẫn trong thâm tâm con người.
        Những duyên do đó làm cho con người không thể chuyển hóa để nhận ra được Chân đạo.[11]

      Ông cho rằng:
      • «Chỉ có ta mới cứu nổi ta.» [12]




    Ta cũng có thể mượn lời lẽ của Trang tử trong thiên Tại hựu để bình giảng chương này, như sau:

    Giữ sao cho vẹn tình trời,
    Giữ sao đức cả khỏi phai khỏi mờ.
    Tinh toàn đức tính trời cho.
    Ắt là thái thịnh ắt là bình an.
    Cần chi mòn mỏi tâm can,
    Càng bày vẽ lắm càng oan trái nhiều.
    Trị dân chớ có đặt điều,
    Làm dân vui, khổ trăm điều mà chi.
    Càng nhiều lễ độ, lễ nghi,
    Gian ngoan càng lắm, gian phi càng nhiều.
    Nghĩa phân mầm mống đăm chiêu,
    Nặng bề hình thức, nhẹ chiều tinh hoa.
    Cho nên đường lối cao xa,
    Con đường tuyệt diệu phải là vô vi.
    Khi người quân tử trị vì,
    Cần chi thao thức, suy vi hình hài.
    Vô vi bắt trước lối trời,
    Ngồi yên dùng mắt tuyệt vời mà xem.
    Im lìm vẫn tựa sấm rền,
    Dùng thần vận chuyển khắp miền trời mây.

    Im lìm lặng lẽ khoan thai,
    Thế mà muôn vật muôn loài nhởn nhơ.
    Gặp Lão Đàm, Thôi Cồ ướm hỏi,
    Không trị người sao đổi lòng người.
    Thưa rằng đừng lấy làm chơi,
    Lòng người đâu phải là nơi rỡn đùa.
    Bị đè nén bơ phờ rời rạc,
    Được chắt chiu vênh vác ngông nghênh.
    Lúc mềm, mềm tội, mềm tình,
    Đến khi cứng rắn, sắt đanh thua gì.
    Lúc nóng nảy khác chi lửa đỏ,
    Lúc lạnh lùng, lạnh rõ như băng.
    Nhanh thời bốn biển mịt mùng,
    Cũng trong chớp mắt vẫy vùng rong chơi.
    Khi êm ả chơi vơi vực thẳm,
    Lúc bừng lên, vút thẳng trời mây.
    Kiêu hùng, khinh khoát bấy nay,
    Chẳng thừng nào trói, chẳng giây nào cầm.

    Lạ thay là cái nhân tâm !...
    Muốn tù túng cầm chân thiên hạ,
    Nên muôn nghìn tai họa mới sinh.
    Nghĩa nhân đảo lộn nhân tình,
    Do nhân, do nghĩa, điêu linh nhân quần.
    Tẩy trừ thánh trí gian trần,
    Tẩy trừ cho hết là dân an hòa. [13]

    _______________________________________

    • [1] Hư 歔:
      hà hơi cho nóng lên (apathiques).
                
    • [2] Xuy 吹:
      thổi cho nguội (ardents).
                
    • [3] Cường 強:
      mạnh (fort).
                
    • [4] Luy 羸:
      yếu (faibles).
                
    • [5] Tỏa 挫:
      Hà Thượng Công viết là tải 載 và giải là an 安.
                
    • [6] Huy 隳:
      hủy nát.
      Hà Thượng Công giải là nguy 危.
      Wieger dịch tỏa 挫 là: durables; huy 隳 là éphémères.
                
    • [7]
      Wieger dịch:
      Quand il gouverne, le Sage laisse aller tous les êtres (et l’empire qui est leur somme), d’après leurs natures diverses;
      les agiles et les lents; les apathiques et les ardents, les forts et les faibles, les durables et les éphémères.
                
    • [8]
      Wieger dịch:
      Il se borne à réprimer les formes d’excès qui seraient nuisibles à l’ensemble des êtres
      comme la puissance, la richesse, l’ambition.
                
    • [9] Déconditionner la totalité de la conscience.
      -- Planète, no 14, p. 15.
                
    • [10] Instructeur du monde. Ib. p. 22.
                
    • [11]
      «Aucune croyance organisée ne peut libérer l’homme en vue de trouver la vérité».
      (Krishnamurti) Planète, No 14, p. 22.
                
      ... Or la liberté est l’essence même de la religion dans le vrai sens de ce mot.
      Cette essentielle liberté est déniée par toutes les organisations religieuses, en dépit de ce qu’elles disent.
      -- Ib., p. 20.
                
      ... Tant qu’elle existe dans la conscience un conflit quel qu’il soit, il n’y a pas mutation.
      Tant que domine sur nos pensées l’autorité de l’Église ou de l’État, il n’y a pas mutation...
      Tant que l’éducation, le milieu social, la tradition, la culture, bref notre civilisation, avec tous ses rouages nous conditionne, il n’y a pas mutation...
      -- Ib. p. 16.
                
      ... La religion organisée ne peut produire que des réformes sociales, des changements superficiels...
      -- Ib. p. 19.
                
      Un esprit vraiment religieux est dénué de toute peur car il est libre de toutes les structures que les civilisations ont imposées au cours des millénaires...
      -- Ib. p. 20.
                
    • [12]
      Il y a de l’espoir en homme, non en la société, en les systèmes religieux organisés, mais en vous et en moi...
      -- Ib. p. 13.
                
    • [13] Trang tử, Nam Hoa kinh, Tại hựu.

Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20271
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Thượng Kinh 上 經 Đạo Kinh 道 經
    __________________

    Chương 30
    KIỆM VŨ 儉 武




    Hán văn:
    • 以 道 作 人 主 者
      不 以 兵 強 天 下.
      其 事 好 還.
      師 之 所 處, 荊 棘 生 焉.
      大 軍 之 後, 必 有 凶 年.


      善 者 果 而 已;
      不 敢 以 取 強;
      果 而 勿 矜;
      果 而 勿 伐;
      果 而 勿 驕;
      果 而 不 得 已;
      果 而 勿 強.

      物 壯 則 老,
      是 謂 非 道,
      非 道 早 已.

    Phiên âm:
    1. Dĩ Đạo tác [1] nhân chủ giả
      bất dĩ binh cưỡng thiên hạ.
      Kỳ sự hiếu hoàn.
      Sư chi sở xử, kinh cức sinh yên.
      Đại quân chi hậu, tất hữu hung niên.
                
    2. Cố
      thiện giả quả [2] nhi dĩ;
      bất cảm dĩ thủ cường;
      quả nhi vật căng;
      quả nhi vật phạt;
      quả nhi vật kiêu;
      quả nhi bất đắc dĩ;
      quả nhi vật cường.
                
    3. Vật tráng tắc Lão,
      thị vị phi Đạo,
      phi Đạo tảo dĩ.[3]

    Dịch xuôi:
    1. Ai coi Đạo là vua (thiên hạ)
      không dùng binh mà bức thiên hạ.
      Chiến tranh có vay có trả
      Chỗ quân sĩ đóng, gai góc sẽ sinh.
      Sau trận chiến lớn, ắt có những năm tai ương.
                
    2. Cho nên
      người khéo sẽ giải quyết (trận chiến) một cách mau lẹ,
      mà không ỷ sức mạnh;
      giải quyết mau lẹ mà không khoe khoang;
      giải quyết mau lẹ mà không tự khen;
      giải quyết mau lẹ mà không kiêu căng;
      giải quyết mau lẹ vì bất đắc dĩ;
      giải quyết mau lẹ mà không muốn trở nên mạnh mẽ.
                
    3. Vật lớn mạnh ắt già;
      Như vậy là trái Đạo;
      trái Đạo sẽ mất sớm.


    Dịch thơ:

    1. Ai coi Trời là vua muôn nước,
    Chẳng hưng binh, tính cuộc chiến tranh.
    Chiến tranh phản phúc tung hoành,
    Bao nơi quân lữ đã thành góc gai.
    Sau vó ngựa những người chiến sĩ,
    Là những năm rầu rĩ lầm than.
    2. Tướng tài dẹp loạn mau tan,
    Nhưng mà chẳng dám khoe khoang sức mình.
    Tuy đánh mạnh, chẳng vinh vì thế,
    Chẳng kiêu căng, chẳng kể công lao.
    Ép tình nên chẳng hùng hào,
    Chứ đâu có muốn đề cao sức mình.
    3. Khi sức lực phong doanh thịnh tráng,
    Thời già nua, suy giảm theo sau.
    Cậy tài cậy mạnh hay đâu,
    Đi sai Đạo lý, trước sau chẳng bề.





    BÌNH GIẢNG


    Chương này Lão tử khuyên không nên dụng binh, dụng võ, vì binh đao gây họa không cùng.
    Nếu cần dùng đến võ lực, thì cũng
    • chỉ dùng trong những trường hợp bất khả kháng
      chứ đừng nên cậy mạnh, cậy thế,
      đừng nên dùng binh đao để xâm lăng.


    Tư tưởng của Lão tử phản ảnh lại tư tưởng của Dịch và của cổ nhân về chiến tranh. [4]
    - Dịch coi chiến tranh như là cái gì độc hại (xem quẻ Sư, phần Thoán).
    • Nên mỗi khi hưng binh động chúng, phải có chính nghĩa (quẻ Sư, phần Thoán).
    • Chỉ nên hưng binh động chúng để tự vệ (quẻ Sư, hào lục ngũ).
    • Đã hưng binh động chúng, cần phải chọn tướng tài chỉ huy (quẻ Sư, hào hai)
      và cần phải biết phép dùng binh (quẻ Sư, hào Sơ)



    Người xưa chỉ dùng sức mạnh, dùng võ lực để:
    • - Thế thiên trừ bạo.
      - Bảo vệ những di sản tinh thần của tiền nhân.

    Vì thế chỉ khi cần mới mộ binh; Hết giặc lại cho binh sĩ về làng.
    Chính vì thế mà chữ Vũ 武 gồm hai chữ «chỉ qua» 止 戈 (ngừng gươm giáo) và ngụ ý dùng vũ lực để ngăn chiến tranh. [5]



    Người tướng tài tuyệt đối không được cho quân tham đến tài sản tính mệnh của dân chúng. Đó là đường lối
    • của vua Thành Thang khi hưng binh đánh vua Kiệt
      và của Vũ Vương khi hưng binh đánh vua Trụ.

    Chủ trương này được dân chúng hết sức hoan nghênh.[6]

    Binh pháp Tư Mã Nhương thư có câu:
    • «Đánh giặc giỏi nhất là dùng mưu;
      thứ đến là dùng ngoại giao,
      thứ nữa là dùng binh;
      thứ nữa là đánh phá thành lũy.[7]

    Cũng nên nhắc lại rằng khi Vũ Vương dẹp xong Trụ Vương, liền đem trâu trận, ngựa chiến phóng thích nơi miền núi Hoa Dương và miền đồng Đào Lâm để tỏ ý sẽ dùng văn để mà cai trị, cải hóa thiên hạ, thay vì dùng võ, dùng bạo lực. [8]

    Sau này nhân loại càng ngày càng tỏ ra cuồng bạo: mỗi khi có chiến tranh, dân chúng, binh sĩ chết không biết cơ man nào.
    • Bạch Khởi giết trong một đêm 40 vạn hàng binh Triệu, làm cho máu chảy đầy sông Dương Cốc. [9]
    • Hạng Võ giết dân chúng Hàm Dương hơn 4600 mạng, thây chất đầy chợ, máu chảy như sông.[10]
    • Đến thời văn minh chúng ta bây giờ chiến tranh lại càng tàn phá khốc liệt, không còn biết phân biệt đâu là dân, đâu là quân, đâu là có tội, đâu là vô tội.

    Có một điều đáng lưu ý là Lão tử cũng như kinh Dịch
    không hoàn toàn hô hào dẹp bỏ binh đao, vũ lực,
    mà chỉ khuyên nên hết sức thận trọng trong việc dùng vũ lực.

    Có lẽ như vậy, sát với thực tế hơn.


    _______________________________________

    • [1] Các bản thường viết là tá 佐.
                
    • [2] Quả 果:
      quả quyết.
      Có bản chép là: Cố thiện hữu quả 故 善 有 果.
                
    • [3] Có bản chép là:
      Thị vi bất Đạo, bất Đạo tảo hĩ
      是 為 不 道, 不 道 早 矣.
                
    • [4] Nên đọc các bài thơ chống chiến tranh sau đây:
      1. «Lương châu từ» 涼 州 詞 của Vương Hàn 王 翰
        (Trần Trọng Kim, Đường thi, tr. 357)
      2. «Thạch hào lại» 石 壕 吏 của Đỗ Phủ 杜 甫
        (Trần Trọng Kim, Đường thi, tr. 65,67)
      3. «Loạn trung ức chư huynh đệ» 亂 中 憶 諸 兄 弟 của Bạch Cư Dị 白 居 易
        (Bùi Khánh Đản, Đường thi, tr. 349)

                
    • [5]
      Sở Trang Vương viết phù vũ định công tập binh; cố chỉ qua vi vũ
      楚 莊 王 曰 夫 武 定 功 戢 兵; 故 止 戈 為 武
      (Sở Trang Vương nói vũ là xác định công trạng, tàng phục binh lính. Cho nên ngừng gươm giáo gọi là vũ).
      Xem Thuyết Văn Giải Tự 說 文 解 字, Trung Hoa Thư Cục xuất bản, Bắc Kinh tái bản 1996, tr. 266.

      Léon Wieger giải:
      Tùng chỉ, tùng qua, hội ý
      從 止 從 戈 會 意 .
      Qua 戈 (khí giới) đình chỉ 止 các cuộc xâm lăng thù hận, nhờ đó dân chúng ấm no.
      Trong cách viết hiện đại, nét phiệt của chữ qua 戈 được đảo lên trên.
      Xem Léon Wieger, Caractères Chinois, bài 71, tr. 178.
                
      [6] Xem Mạnh tử, Tận tâm, chương cú hạ, câu 4, 5.
                
      [7]
      Thượng binh phạt mưu,
      kỳ thứ phạt giao,
      kỳ thứ phạt binh,
      kỳ thứ công thành
      上 兵 伐 謀,
      其 次 伐 交,
      其 次 伐 兵,
      其 次 攻 城.
                
      [8] Kinh Thư, Vũ Thành, tiết 2.
                
      [9] Xem Võ Minh Trí dịch, Đông Châu liệt quốc, tr. 1168.
                
      [10] Thanh Phong dịch, Tây Hán diễn nghĩa, tr. 141.

Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20271
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Thượng Kinh 上 經 Đạo Kinh 道 經
    __________________

    Chương 31
    YẾN VŨ 偃 武
    [1]




    Hán văn:
    • 夫 佳 兵 者,
      不 祥 之 器,
      物 或 惡 之.

      有 道 者 不 處.


      子 居 則 貴 左,
      用 兵 則 貴 右.
      兵 者, 不 祥 之 器,
      非 君 子 之器.
      不 得 已 而 用 之.
      恬 淡 為 上.
      勝 而 不 美.
      而 美 之 者,
      是 樂 殺 人.
      夫 樂 殺 人 者,
      則 不 可 以 得 志 於 天 下 矣.

      吉 事 尚 左,
      凶 事 尚 右.
      偏 將 軍 居 左,
      上 將 軍 居 右,
      言 以 喪 禮 處 之.
      殺 人 之 眾,
      以 哀 悲 泣 之.
      戰 勝
      以 喪 禮 處 之.

    Phiên âm:
    1. Phù giai [2] binh giả
      bất tường chi khí,
      vật hoặc ố chi.
      Cố
      hữu Đạo giả bất xử.
                
      Quân
      tử cư tắc quí tả,
      dụng binh tắc quí hữu.
      Binh giả bất tường [3] chi khí,
      phi quân tử chi khí.
      Bất đắc dĩ nhi dụng chi.
      Điềm đạm vi thượng.
      Thắng nhi bất mỹ [4].
      Nhi mỹ chi giả,
      thị lạc sát nhân.
      Phù lạc sát nhân giả,
      tắc bất khả dĩ đắc chí ư thiên hạ hĩ.
                
      Cát sự [5] thượng [6] tả.
      Hung sự thượng hữu.
      Thiên tướng quân [7] cư tả.
      Thượng tướng quân cư hữu.
      Ngôn dĩ tang lễ [8] xử chi.
      Sát nhân chi chúng,
      dĩ ai bi [9] khảo chi.
      Chiến thắng
      dĩ tang lễ xử chi.

    Dịch xuôi:
    1. Binh đao
      là vật bất tường,
      ai cũng ghét;
      cho nên
      người có Đạo chẳng (thích) dùng.
                
    2. vị quốc quân
      Khi bình thời trọng (ai thì mới đứng về) bên trái;
      lúc chiến tranh (muốn) trọng (võ tướng thì lại mời đứng ở) bên phải.
      Binh đao là vật bất tường;
      quân tử chẳng nên dùng nó.
      Bất đắc dĩ mới phải dùng.
      Người quân tử ưa sống điềm đạm.
      Thắng không có mừng.
      Mừng vì thắng
      hẳn là tâm địa kẻ thích giết người.
      Thích giết người
      không thể cai trị thiên hạ.
                
    3. (Theo nghi lễ) lành ở bên trái,
      dữ ở bên phải.
      Phó tướng ở bên trái,
      thượng tướng ở bên phải.
      Đó là nghi tiết dùng trong tang lễ.
      Kẻ giết người,
      phải khóc lóc xót thương (những người oan khuất).
      Kẻ chiến thắng
      phải đứng làm chủ tang.[10]


    Dịch thơ:

    1. Binh đao là chuyện bất tường,
    Muôn loài khiếp sợ chán chường binh đao.
    Người đạo hạnh chẳng vào chốn đó,
    2. Chốn binh đao chẳng có mặt người.
    Người quân tử ưa nơi tả dực,
    Khách kiếm cung, thích chức hữu biên.
    Đao binh họa hại vô biên,
    Nên người quân tử chẳng phiền đao binh.
    Bất đắc dĩ hạ mình dùng nó,
    Nhưng dằn lòng hãy cố tránh voi,
    Thắng về đừng lấy làm vui,
    Ai vui khi thắng là người sát nhân.
    Lấy đổ máu nhân dân làm khoái,
    Thâu tóm sao muôn giải giang sơn.
    3. Nếu đem nghi lễ mà bàn,
    Hai bên phải trái dữ, lành chia hai.
    Bên tả dực là ngài phó tướng,
    Còn hữu biên là thượng tướng quân.
    Đó là thứ tự qua phân,
    Dùng trong tang lễ (xa gần xưa nay).
    Người nào đã dúng tay giết lát,
    Đã ra tay tàn sát chúng nhân,
    Thời nên bi lụy thương tâm,
    Một khi chiến thắng, khóc dân vong tàn.





    BÌNH GIẢNG


    Chương này vẫn khuyên ta đừng nên trọng binh đao, cỗ súy binh đao.
    Thánh nhân xưa nay đều như vậy.

    • Vệ Linh Công nước Vệ hỏi đức Khổng về chiến trận.
      Ngài đáp:
      • «Việc sắp đặt cúng tế nơi tông miếu, tôi thường có nghe qua.
        Còn cuộc sắp đặt quan binh chiến phạt thì tôi chưa từng học.»
      Sáng hôm sau, ngài bỏ đi. [11]
                
    • Các bậc thánh nhân xưa nếu
      • «phải làm một việc bất nghĩa,
        giết một kẻ vô tội
        để lên ngôi thiên tử trị vì thiên hạ,
        thời cũng không làm».
        [12]



    Tiếp theo, Lão tử bàn về ý nghĩa của hai bên phải trái.
    • Theo Dịch thì
      • phía trái là phía Dương, phía Sinh 生;
        phía phải là phía Âm, phía Sát 殺
        .

      Cho nên văn thời đứng bên trái, võ thời đứng bên phải.


    Lại bàn thêm rằng
    • khi chiến thắng về, vị chủ soái phải đứng ra để chịu tang,
      để khóc thương những người vì mình đã phải chết oan
      vì chiến tranh.


    Đó cũng là một tục lạ, vì xưa nay phàm thắng trận người ta thường làm lễ linh đình để cảm ơn thần thánh đã hộ trì cho mình, tiêu diệt được địch nhân. Có mấy ai đã chịu rỏ lệ khóc thương cho những người bạc mệnh bao giờ !

    _______________________________________

    • [1]
      Chữ 偃 đọc là yến như Thuyết Văn Giải Tự phiên thiết: ư hiến thiết 於 憲 切 ;
      đa số đọc là yển như Từ Hải phiên thiết: ỷ kiển thiết, âm yển, nguyễn vận 倚 蹇 切 音 堰 阮 韻.
      Nghĩa là tức 息 (ngừng nghỉ).

      Kinh Thư, thiên Vũ Thành 武 成, nói:
      Yển vũ tu văn
      偃 武 修 文.
      Nghĩa là:
      Yển tức võ bị, tu minh văn giáo
      偃 息 武 備 修 明 文 教
      (ngưng việc vũ, sửa việc văn).
      Từ đó Hán Thư 漢 書 Lễ Nhạc Chí 禮 樂 志 gọi là yển vũ 偃 武.

      Trang Tử, thiên Từ Vô Quỷ 徐 無 鬼 ghi:
      Yển binh kỳ khả hồ?
      偃 兵 其 可 乎
      (xếp bỏ việc binh được sao?)
                
    • [2] Vương Niệm Tôn cho rằng nên đổi là chuy 隹 hay duy 唯.
                
    • [3] Bất tường 不 祥:
      chẳng lành.
                
    • [4] Bất mỹ 不 美:
      không cho là hay.
                
    • [5] Cát sự 吉 事:
      việc lành.
                
    • [6] Thượng 尚:
      chuộng, trọng.
                
    • [7] Thiên tướng quân 偏 將 軍:
      phó tướng.
                
    • [8] Tang lễ 喪 禮:
      lễ tang.
                
    • [9] Ai bi 哀悲:
      buồn thương.

      -- Bị chú:
      Đặc biệt chương 31 này trong bản Vương Bật không thấy có lời bình.
      Có lẽ là lời bình và lời kinh đã lẫn lộn nhau.
                
    • [10] Chương này phỏng dịch theo Léon Wieger, cho xuôi nghĩa.
                
    • [11] Xem Luận Ngữ, chương XV, câu 1.
                
    • [12]
      Hành nhất bất nghĩa,
      sát nhất bất cô
      nhi đắc thiên hạ,
      giai bất vi dã
      行 一 不 義,
      殺 一 不 辜
      而 得 天 下,
      皆 不 為 也.
      Xem Mạnh tử, Công Tôn Sửu, chương cú thượng, câu 2.

Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20271
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Thượng Kinh 上 經 Đạo Kinh 道 經
    __________________

    Chương 32
    THÁNH ĐỨC 聖 德
    [1]




    Hán văn:
    • 道 常 無 名.
      朴 雖 小,
      天下 不 敢 臣.
      侯 王 若 能 守 之,
      萬 物 將 自 賓.
      天 地 相 合,
      以 降 甘 露,
      民 莫 之 令
      而 自 均.

      始 制 有 名,
      名 亦 既 有.
      夫 亦 將 知 止;
      知 止 可 以 不 殆.
      譬 道 之 在 天 下;
      猶 川 谷 之 於 江 海.

    Phiên âm:
    1. Đạo thường vô danh.
      Phác tuy tiểu,
      thiên hạ bất cảm thần.
      Hầu vương nhược năng thủ chi,
      vạn vật tương tự tân.
      Thiên địa tương hợp,
      dĩ giáng cam lộ,
      dân mạc chi lệnh,
      nhi tự quân.[1]
                
    2. Thủy chế hữu danh,
      danh diệc ký hữu.
      Phù diệc tương tri chỉ; [2]
      tri chỉ khả bất đãi. [3]
      Thí Đạo chi tại thiên hạ;
      do xuyên cốc chi ư giang hải.

    Dịch xuôi:
    1. Đạo thường không tên, mộc mạc.
      Tuy nhỏ,
      dưới trời không ai bắt được nó phải thuần phục.
      Nếu bậc vương hầu giữ được nó,
      vạn vật sẽ thuần phục;
      trời đất hòa hợp
      làm cho móc ngọt rơi xuống.
      Dân không phải sai khiến,
      mà chia đều nhau.
                
    2. Bắt đầu phân chia,
      mới có tên.
      Đã có tên phải biết chốn dừng.
      Biết chốn dừng mới không hại.
      Đạo sánh với thiên hạ,
      như suối khe với sông biển.


    Dịch thơ:

    1. Đạo vốn dĩ không tên, không tuổi,
    Lại tế vi xiết nỗi đơn thuần.
    Thế mà trong khắp nhân quần,
    Đố ai bắt được Đạo thuần phục oai.
    Vương hầu nào thờ Ngài một dạ,
    Thì dân con cảm hóa liền tay.
    Đất trời đúng tiết vần xoay,
    Cam lồ tưới xuống (cỏ cây phỉ tình),
    Dân gian sống an bình đầy đủ,
    Chẳng đợi truyền tự sẻ áo cơm.
    2. Kìa tạo vật nhiều tên, lắm tuổi,
    Lắm tuổi tên, một cội, một nguồn.
    Mang danh vào chốn trần hoàn,
    Biết nơi dừng bước mới ngoan mới lành.
    (Nơi Đạo cả siêu linh), dừng bước,
    Sẽ thoát vành (ô trược), gian nan.
    Đạo kia đối với thế gian,
    Như khe, như suối đối hàng biển sông.





    BÌNH GIẢNG


    Chương này Lão tử lại tiếp tục bình luận về Đạo.


    A. Đạo vừa là cực tiểu, vừa là cực đại

    • - Cực tiểu vì «vô danh» và «thuần phác».
      - Cực đại vì mọi vương tước đều phải thuần phục.
                
    • Quan niệm này sẽ còn được nhắc lại nơi chương 34:
      • «Thường vô dục khả danh ư tiểu;
        Vạn vật qui yên nhi bất vi chủ, khả danh vi đại.»
        常 無 欲,可 名於 小 ;
        萬 物 歸 焉 而 不 為 主,可 名 為 大 .
    • Trang tử nơi Tạp thiên, Thiên Hạ, cũng nói:
      • «Rất lớn không ngoài... rất nhỏ không trong.»
        (Chí đại vô ngoại, chí tiểu vô nội
        至 大 無 外,至 小 無 內) [4]
    • Nói Đạo vừa cực tiểu, vừa cực đại,
      nghĩa là nói Đạo bao quát hết cả mọi phương diện, vì thế nên tuyệt đối vô cùng.



    B. Thuận theo Đạo, thiên hạ sẽ bình trị.

    • Lão tử chủ trương
      • nếu con người sống thuận theo Đạo, thuận theo lẽ tự nhiên,
        thiên hạ sẽ bình trị.

      Nói thế tức là
      • bao lâu chúng ta còn đi sai đường lối của trời đất, bao lâu còn chưa thuận thiên thời, thủy thổ, vật lý, tâm lý, thiên lý,
      • thì bấy lâu, cuộc đời chúng ta - bất kỳ là đời sống tư nhân, hay quốc gia, xã hội - vẫn chưa được ổn định.



    C. Đạo trước và sau khi sinh ra vạn vật:

    • Đạo khi chưa sinh ra vạn vật thì hồn nhiên nhất thể;
      đạo khi đã sinh vạn vật thì y như sẽ phân tán, chia phôi thành nhiều hình trạng và có nhiều danh hiệu khác nhau.

      Con người giác ngộ
      • phải biết sống một cuộc sống không xa lìa Đạo thể,
        phải biết dừng chân nơi bến bờ hoàn thiện, thuần phác, vĩnh cửu.


      Tìm ra được vĩnh cửu giữa vạn trạng phù du;
      tìm ra được tĩnh lãng giữa muôn vàn đợt sóng thế sự rạt rào;
      tìm ra được thiên chân giữa mọi hoàn cảnh tang thương, ảo hóa;
      tìm ra được viên mãn, thuần phác trong một thế giới đầy bác tạp, chếch mác dở dang,
      như vậy tức là:
      • Tri chỉ
        theo Lão tử.
      • «Hưu Hồ Thiên quân» 休 乎 天 鈞 (an nghỉ trong Thượng đế)
        theo Trang tử. [5]
      • «Chỉ ư chí thiện» 止 於 至 善
        theo Đại Học [6]
      • hay «Thung dung trung đạo» 從 容 中 道
        theo từ ngữ Trung Dung. [7]
      • «Đáo bỉ ngạn» 到 彼 岸
        theo từ ngữ Phật giáo.


      Lão tử còn cho ta thấy rằng
      • Đạo sinh ra muôn loài muôn vật, y thức như khe suối sinh ra sông biển.
      • Đạo không lìa khỏi muôn loài muôn vật, cũng như khe suối chẳng bao giờ lìa khỏi sông biển.
        Nước khe suối tuôn ra sông biển, rồi nước sông biển lại thành mưa trở về nguồn.[8]


      Các học giả thường bình giải như Tô Tử Do rằng:
      • «Nước tụ vào sông biển; suối khe ở núi có thể coi như những bộ phận nhỏ của nước chia ra.
        Muôn loài là tế phân của Đạo, mà Đạo là đầu gốc muôn loài.
        Vật thì hết thảy sông ngòi trở lại đại dương cũng như hết thảy mọi vật dưới trời này phải lộn về Đạo đã phát sinh ra chúng.» [9]

      Bình giảng như cách trên, xét về ý thời không sai, nhưng không ăn ý với câu văn của Lão tử.
      Lão tử viết:
      • «Đạo đối với thiên hạ, như suối khe đối với sông biển.»
        Như vậy Đạo ứng với suối khe, thiên hạ ứng với sông biển.


      Wieger bình toàn chương này một cách sâu sắc như sau:
      • «Mọi vật tồn tại là nhờ ở sự triển dương của Đạo.
        Những sự triển dương ấy không tách rời khỏi Đạo, và Đạo không suy giảm khi chia sẻ với tạo vật.
        Sự triển dương của Đạo trong mỗi vật chính là bản thể của vật.
        Đạo là Đại thể, tức là toàn thể vạn vật, vì vạn vật là những tiểu thể phát sinh do sự triển dương của Đạo.» [10]


    _______________________________________

    • [1]
      Duyvendak đem câu
      «Phác tuy tiểu... dân mạc chi lệnh nhi tự quân»
      朴 雖 小... 民 莫 之 令 而 自 均
      xuống chương 37.

      Duyvendak lại còn cho rằng chương 32 này có liên lạc với chương 66. Và có lẽ chương 66 tiếp ngay sau chương 32 này.
                
    • [2]
      Chữ «tri chỉ» 知 止 đây
      giống với chữ «tri chỉ» 知 止 trong Đại Học
      và «tri chỉ» 知 止 trong Nam Hoa kinh, chương 23, Canh tang sở, đoạn C.
                
    • [3]
      Hà Thượng Công viết:
      • Thiên diệc tương tri chi;
        tri chi khả dĩ bất đãi
        天 亦 將 知 之 .
        知 之 可 以 不 殆.

      Và giảng rằng:
      • Nếu mình hành động theo Đạo đức,
        thì trời sẽ biết, và thần linh sẽ hộ trì,
        nên không gặp nguy hại.

                
    • [4]
      Xem thêm Trung Dung, chương 12:
      • Ngứ đại, thiên hạ mạc năng tải yên;
        ngứ tiểu, thiên hạ mạc năng phá yên
        語 大, 天 下 莫 能 載 焉
        語 小 天 下 莫 能 破 焉.

                
    • [5]
      Thị dĩ thánh nhân hòa chi dĩ thị phi, nhi hưu hồ Thiên quân
      是 以 聖 人 和 之 以 是 非 而 休 乎 天 鈞.
      Trang tử Nam hoa kinh, Tề Vật luận, đoạn C.
                
    • [6] Cf. Đại Học, chương 1.
                
    • [7] Xem Trung Dung, chương 20.
                
    • [8]
      Duyvendak dịch:
      La place de la Voie à l’égard de tout-sous-le-ciel
      peut être comparée à celles des torrents et des vallées à l’égard du Fleuve et de la Mer.
      Cf. J. J. L. Duyvendak, Le Livre de la Voie et de la Vertue, 1953 p. 77.
                
    • [9]
      Xem Nghiêm Toản, Lão tử Đạo Đức kinh, q. 1, tr. 226.
      Xem Wieger, Les Pères du Système Taoïste, p. 40.

      Wieger dịch:
      Il en est du Principe par rapport aux êtres divers qui remplissent le monde,
      comme de la masse des grands fleuves et des mers par rapport aux ruisseaux et aux filets d’eau.
      Ib. 40.
                
    • [10]
      Chaque être existe par un prolongement du Principe en lui.
      Ces prolongements ne sont pas détachés du Principe, lequel ne diminue donc pas en se communiquant.
      Le prolongement du Principe est la nature universelle, étant la somme de toutes les natures individuelles, ses prolongements.
      Léon Wieger, Les Pères du Système Taoïste, p. 40-41.

Trả lời

Quay về “Thiên đạo - Nhân đạo”