Julie và Jo Marcel hát Je T'aime Moi Non Plus, Còn Để Lại Gì Không - lời việt của Phạm Duy
Jane Birkin là một ngôi sao điện ảnh và âm nhạc bên trời Châu Âu. Cô có đến Việt Nam trình diễn năm 2004 nhưng có lẽ âm nhạc của cô chưa thật sự phổ biến trong giới yêu nhạc Việt ngoại trừ ca khúc Je T'aime, Moi Non Plus nổi tiếng và đã làm cả thế giới đạo đức bị điên đầu. Jane Birkin vừa qua đời tại Paris ngày 22 tháng 7 vừa qua. Xin mời nghe lại ca khúc bất hủ của cô qua phần trình bày Việt Ngữ của Julie Và Jo Marcel.
Serge Gainsbourg và Số Phận của ca khúc “Je T’aime, Moi Non Plus”
Serge Gainsbourg là ca, nhạc sĩ từ Pháp quốc. Ông nổi tiếng là người sáng tác ca khúc với ca từ nhạy cảm và thường có nhiều cách diễn nghĩa khác nhau. Nhiều ca khúc của ông có nghĩa bóng nói về những đề tài táo bạo như tình dục hay những hành vi gợi cảm của thế giới người lớn. “Je T’aime, Moi Non Plus” lại là một ca khúc hoàn toàn khác. Bài hát có duy nhất môt cách hiểu về nội dung là nói về chuyện phòng the của người lớn.
“Je T’aime, Moi Non Plus” ra đời năm 1967, được sáng tác đặc biệt cho riêng giọng hát của Brigitte Bardot, lúc bấy giờ đang là “Quả Bom Sex” của Châu Âu. Rủi thay, sau khi ghi âm bài hát, Brigitte Bardot gặp phải sự chống đối kịch liệt của chồng cô lúc bấy giờ là là nhà tỷ phú người Đức, Gunter Sachs. Brigitte không còn cách nào khác, đành phải năn nỉ Serge Gainsbourg rút ca khúc này ra khỏi album đang dự định trình làng của cô. Bản ghi âm này giữ kín mãi đến năm 1986 mới cho phát hành.
Serge Gainsbourg không bỏ cuộc. Ít lâu sau, ông đề nghị cô bạn gái là ca sĩ gốc Anh quốc, Jane Birkin hát bài hát này. Họ ghi âm ca khúc này vào năm 1969 và nó nhanh chóng chiếm đầu bảng ca khúc được ưa chuộng tại nhiều quốc gia ở Châu Âu, trong số đó có Anh Quốc (hạng 1) và Ái Nhĩ Lan (hạng 2). Nhưng bài hát cũng gặp sự chống đối mạnh mẽ tại nhiều quốc gia. Tại các quốc gia như Tây Ban Nha, Ý, La Mã, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Anh, và Ba Lan, “Je T’aime, Moi Non Plus” bị cấm phát thanh. Tuy vậy, phần lớn công chúng yêu nhạc tại các quốc gia này đón nhận bài hát thật nhiệt thành và giúp giữ vị trí hàng đầu cho bài hát trong một thời gian dài. Tại Pháp, xứ sở của sự cởi mở và tự do luyến ái, “Je T’aime, Moi Non Plus” được coi là một tác phẩm nghệ thuật!.
“Je T’aime, Moi Non Plus” kể lại câu chuyện mây mưa trong phòng the. Lời nhạc hoàn toàn là những ngôn từ tình tứ, lãng mạn chứ không thô tục như nhiều người đã lên án. Nó ghi lại một mẩu đối thoại, dĩ nhiên là hư cấu, của hai người trong cuộc truy hoan. Mẩu đối thoại đó được trình bày trên nền nhạc của môt giai điệu nhẹ nhàng và hết sức tượng hình. Trong ca khúc ghi âm thì người ta còn nghe cả tiếng thở của người phụ nữ và cả những âm thanh biểu hiện sự khoái lạc. Có lẽ chính yếu tố này đã làm cho một số người cảm thấy khó chịu hay e dè không chịu chấp nhận bài hát. Những người này cho rằng “Je T’aime , Moi Non Plus “có nội dung tục tĩu, và phản cảm. Nhưng đó chỉ là nhận xét của một số người và có lẽ chính nhờ vào yếu tố gây tranh cãi này mà “Je T’aime, Moi Non Plus” đã trở thành ca khúc được nhiều nghệ sĩ trình diễn và ghi âm trong suốt nhiều thập niên qua. Sau này, chính Brigitte Bardot đã yêu cầu Serge Gainsbourg cho phát hành lại bản ghi âm của cô và bày tỏ sự hối tiếc đã không phát hành ca khúc ngay khi vừa ghi âm năm 1968.
Nhạc sĩ Phạm Duy cũng có Việt hóa “Je T’aime, Moi Non Plus” thành “Còn Để Lại Gì Không?” và đã được ca sĩ Julie song ca cùng Jo Marcel. Tuy nhiên, có lẽ văn hóa Việt Nam, cho dù là trên đất Hoa Kỳ vẫn chưa thật sự đủ cởi mở để đón nhận “Je T’aime, Moi Non Plus” với ý nghĩa thật sự của nó nên “Còn Để lại Gì Không” của Phạm Duy chỉ là lời chia tay ray rứt của môt cặp tình nhân. Sự lãng mạn trong bản Việt Ngữ chỉ dừng lại trong tâm trạng hồi tưởng về những kỷ niệm đẹp đã qua.
Gần 50 năm kể từ ngày bài hát được giới thiệu trước công chúng, Je T’aime, Moi Non Plus vẫn còn là ca khúc được nhiều người, thuộc nhiều thế hệ khác nhau yêu thích. Jane Birkin đã đi một bước nhảy vọt từ một ca sĩ vô danh thành một biểu tượng tình dục và biểu tượng thời trang của Pháp Quốc trong thập niên 70s. Sau này Brigitte Bardot cũng đã đồng ý cho phát hành bản ghi âm của cô nhưng công chúng vẫn chọn bản ghi âm của Jane Birkin cho ca khúc này. “Je T’aime, Moi Non Plus” thật sự là một ca khúc lãng mạn. Nó đã vượt qua mọi định kiến về đạo đức của xã hội để trở thành một tác phẩm nghệ thuật. “Je T’aime, Moi Non Plus” xứng đáng là biểu tượng của sự tự do trong sáng tạo nghệ thuật. Nó minh chứng cho một chân lý: không có bất cứ một chính phủ hay nhà đạo đức nào có đủ quyền lực định giá trị cho những sáng tạo nghệ thuật. Chính công chúng mới là người làm quyết định cho sự tồn tại của một tác phẩm nghệ thuật. Người ta có thể cấm lưu hành một ca khúc; người ta cũng có thể đốt đi môt quyển sách hay một bức tranh; nhưng không ai có thể kiểm soát cách công chúng cảm nhận bài hát, quyển sách hay bức tranh đã bị thiêu hủy.
Viết xong tại Vancouver ngày 22 tháng 4 năm 2016