Ngày 15 Thang 1.
Để tưởng nhớ Ca sĩ Lệ Thu.
Đừng Bỏ Em Một Mình của Phạm Duy và Minh Đức Hoài Trinh
Đừng Bỏ Em Một Mình – Minh Đức Hoài Trinh – Phạm Duy
- Tiếng Khóc Cô Đơn Của Người Dưới Mộ.
”Đừng Bỏ Em Một Mình” nguyên là một bài thơ của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh và được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành nhạc năm 1969. Ngay từ khi mới ra đời, bài hát đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt và đã được nhiều giọng ca tên tuổi trình bày.
”Đừng Bỏ Em Một Mình” là một bài thơ buồn. Nếu chỉ xem tựa đề hay đọc vài khổ thơ đầu của bài thơ, người ta dễ nghĩ ngay đến một cuộc tình tan vỡ và “Đừng Bỏ Em Một Mình” là một sự níu kéo trong vô vọng của người ở lại đối với cuộc tình đã chết và với người yêu đã chia tay.
Đừng bỏ em một mình
Khi trăng về lạnh lẽo
Khi chuông chùa u minh
Chậm rãi tiếng cầu kinh
Đừng bỏ em một mình
Khi mưa chiều rào rạt
Lũ chim buồn xơ xác
Tìm nhau gục vào mình
Đừng bỏ em một mình
Trời đất đang làm kinh
Rừng xa quằn quại gió
Thu buốt vết hồ tinh
Đừng bỏ em một mình
Đừng bắt em làm thinh
Cho em gào nức nở
Hoà đại dương mông mênh
Đừng bỏ em một mình
Biển đêm vời vợi quá
Bước chân đời nghiêng ngả
Vũ trụ vàng thênh thênh
Nhưng thật ra đó là một sự dàn trải không gian mà tác giả đã cố tình xây dựng để đưa người đọc đi vào cuộc phiêu lưu cảm xúc của một tâm hồn cô đơn. Một tâm hồn cô đơn dưới mộ. “Em” đã chết! Tiếng khóc của “em” là tiếng nấc từ đáy huyệt lạnh. Mỗi một tiếng búa nện vào đinh trên nóc quan tài là một lực hút vô hình thật mạnh, đẩy “em” xa dần thế giới của trần gian và hòa vào cõi âm ty. Thế giới mà “em” đang đi vào là thế giới của linh hồn, của âm-dương cách biệt vì thân xác sẽ rả nát và trở về với cát bụi. Âm thanh trong thế giới của “em” là tiếng kinh cầu nguyện cho sự siêu thoát của một linh hồn cô độc giữa mênh mông của cõi U Minh huyệt lạnh.
Đừng bỏ em một mình
Bắt em nghe tiếng búa
Tiếng búa nện vào đinh
Hòa trong tiếng u minh
Đừng bỏ em một mình
Bóng thuyền ma lênh đênh
Vòng hoa tang héo úa
Yêu quái vẫn vô tình
Đừng bỏ em một mình
Cho côn trùng rúc rỉa
Cỏ dại phủ mộ trinh
Cho bão tố bấp bênh
Đừng bỏ em một mình
Mấy ngàn năm sau nữa
Ai mái tóc còn xinh
Đừng bỏ em một mình
Người ta thường hay nói “chết là hết”. Chết tức là xuôi tay để lại nợ trần gian cho người đời, rồi đi về chốn U Minh và nếu may mắn hơn thì sẽ đến được cõi Ta-Bà để đi đầu thai làm kiếp khác. Dường như “Đừng Bỏ Em Một Mình” không theo quy luật như vậy. Con đường đến chốn Âm-Ty không hoàn toàn thuyết phục được “em” về một số phận đã được định trước. Trong mênh mông của âm và dương; của bóng tối và ánh sáng, “em” vẫn còn cảm nhận được sự cô đơn và toàn bài thơ chính là nỗi lòng của “em” từ đáy mộ sâu, đang muốn thoát khỏi sự cô đơn đó và đã được tác giả lột tả lại thật sắc nét.
Khi phổ nhạc bài thơ “Đừng Bỏ Em Một Mình”, nhạc sĩ Phạm Duy đã trung thành với ý thơ của nữ sĩ Hoài Trinh. Ông dùng âm thanh để khắc họa cảnh nghĩa trang, nơi tiếng lòng cô đơn đang nức nở. Bài hát ra đời năm 1969, khi chiến tranh đang leo thang thảm khốc. Sự chết chóc, chia ly luôn cận kề. Đâu đó trong xã hội, hình ảnh của những tâm hồn cô đơn mong mỏi được sống, được yêu luôn hiện hữu. Người nghe dễ dàng cảm nhận bài nhạc và thấy bóng dáng của chính mình trong ca khúc.
Có người nghĩ “Đừng Bỏ Em Một Mình” là một minh chứng cho quan niệm “nghiệp” và “sự chưa siêu thoát”. Họ gọi cuộc đời là bể khổ nên cái chết chính là sự giải thoát. Người còn nặng “nghiệp trần” sẽ khó được giải thoát để ra đi thanh thản và vì vậy họ trở thành những linh hồn cô độc, quanh quẩn ở chốn dương trần, cố đi tìm một lối thoát cho mình. Nhưng nhiều người khác lại coi bài thơ “Đừng Bỏ Em Một Mình” như là một bài ngợi ca tình yêu-một loại cảm xúc chỉ hiện hữu trong thế giới của trần gian. Tiếng khóc cô đơn của “em” từ đáy vực sâu là mong muốn phá tan khoảng cách của cõi U Minh để “ngàn đời sau” “mái tóc còn xanh” với đầy đủ “thú đau thương” trên cuộc đời này, cho dù như người đời vẫn thường nói “đời là bể khổ”!
Ca sĩ Lệ Thu là người đã mang bài hát này đến gần với công chúng. Giọng hát ấy vừa chợt tắt ngày 15 tháng 1 năm 2021.
Ngủ yên cô nhé! Tiếng hát của cô sẽ mãi mãi ở lại với cuộc đời như là một loại ngôn ngữ của tình yêu và sự đau khổ; của “thú đau thương” giữa chốn nhân gian mà có một lần cô đã đi qua.
Xin tạm biệt.
Vancouver, Ngày 20 tháng 1 năm 2021
Chu Văn Lễ