Cám ơn anh Tư

.
Hôm nay tự dưng nhớ chiếc xe đạp mà lúc đó mình chưa biết đạp xe, ngồi chưa đủ cao để chống xe cho vững, nhớ là hay nói "lái xe đạp", nên bị ngoại la là "đạp xe đạp", hi!. Xe đạp đó không đẹp đẽ, ngon lành gì lắm mà người bà con tập kết của ngoại từ đời nào không biết, chỉ thấy ông ta ghé ra ghé vô vài lần và lần cuối là dắt chiếc xe đi luôn.
Tối nay dạo FB có bài thơ hay của thi sĩ Linh Phương và tuỳ bút (cũ) của Don Ho. Đọc xong thấy bần thần

. Anh Tư có ghé ngang thì đọc nhen
SÀI GÒN NGÀY CHƯA THẤT THỦ ( thơ LINH PHƯƠNG)
Đoàn Linh Phương
Đặt khẽ lên môi anh nụ hôn
Em có nghe hơi thở Sài Gòn
Vương chút bụi khi ngồi Thanh Thế (*)
Và nắng Bến Thành thơm rất thơm
Nếu chán. Chúng ta vô rạp Rex
Chờ xem phim lãng mạn ái tình
Chiến tranh– súng đạn! Thôi bỏ hết
Cơm– áo- gạo- tiền . Gác một bên
Hãy tạt qua ngang thương xá Tax
Loanh quanh đi cho trọn buổi chiều
Anh sẽ đưa em về Bà Chiểu
Ăn gỏi khô bò trước Lăng Ông
Đêm xuống. Ra công viên đứng ngắm
Phà Thủ Thiêm và Bến Bạch Đằng
Đợi khuya ghé phòng trà ca nhạc
Ngồi Queen-Bee hay Đêm Màu Hồng
Ta sẽ đi cùng khắp ngả đường
Vỉa hè– góc phố– của quê hương
Tìm trong ký ức thời thơ dại
Áo lụa em bay trắng giảng đường
Dẫu cách xa vời vợi muôn trùng
Bên trời Âu Mỹ– em buồn không?
Sài Gòn vẫy gọi người xưa cũ
Sống nửa đời làm kiếp lưu vong
Anh ở Việt Nam ngày thương nhớ
Tóc bạc lâu rồi trong trại giam
Ngửa mặt khóc cười theo vận nước
Trời ơi ! Đã mấy chục năm ròng
(*) Nhà hàng Thanh Thế đường Lê Lợi trước 1975.
ĐÀO BUỒN ĐÀO BẬT KHÓC
(Bài đăng lại)
30 tháng 4, 1975 tuổi còn quá nhỏ để nhận thức tốt hơn về những gì đã đang xảy ra ở bên ngoài xã hội. Chỉ nhớ rất rõ cái bầu không khí thật ngột ngạt và hầm của một buổi trưa tối đen vì bên trong căn nhà bị đóng cửa kín mít.
Bên ngoài thỉnh thoảng có những tiếng xe gắn máy hốt hoảng vút qua.
Bên trong nhà chỉ có tiếng xì xầm của bố mẹ và ánh mắt hoang mang rụt rè của 5 đứa trẻ.
"Đào Buồn Đào Bật Khóc" đã được biên xuống 11 năm trước (04/2010).
Đã 46 năm đã trôi qua mà tiếng thì thầm của bố mẹ trong buổi trưa nóng hầm hập cuối tháng 4 ngày nào vẫn như rõ mồn một...
----------------------------------------
ĐÀO BUỒN ĐÀO BẬT KHÓC
Tôi rất thích ăn đào hộp, thích từ thuở bé. Mê sao là mê những miếng đào vàng lườm trong nước đường sền sệt, được múc ra từ những lon thiếc cao, tròn.
Thưở quân đội Mỹ còn trú đóng ở miền Nam Việt Nam, những hộp đào này được bố mẹ nhờ ai đó mua từ trong PX (Post Exchange: Một nơi bán những đồ gia dụng cho quân nhân Mỹ ở Sài gòn) hoặc mua ở khu chợ Dân Sinh, nơi chuyên bán những đồ hộp của quân đội, về cho con ăn.
Không phải ngày nào cũng được ăn đâu, mà lâu lâu mới được khui một hộp để cả nhà chia nhau mỗi người vài miếng bỏ đá bào vào nhâm nhi tráng miệng. Hoặc giả bữa nào ai trong gia đình được thưởng gì đó, thì mới được khao cho cả nhà ăn thả ga.
Và hôm ấy ... đặc biệt!
Anh em chúng tôi không phải đi học.
Đã vậy, chẳng thưởng gì ai mà được khui tới những 2 lon đào hộp to. Thêm cả hộp nho khô thật to cũng được khui ra, rồi nào bánh bích-qui (biscuit), đồ khô, ối chao ... ê hề...
Mẹ không nấu cơm, anh em chúng tôi được ăn đồ tráng miệng thế cơm trưa, anh nào anh nấy sướng ... tê người.
Trời vừa mới xế trưa mà đã hầm hập, nóng lắm. Đã thế cửa chính lẫn cửa sổ chả hiểu sao còn bị đóng kín bưng chẳng mở toang đón gió như thường ngày!
Ngoài đường thỉnh thoảng có những tiếng xe máy rồ ga chạy thật vội vàng đâu đâu xa xa. Rồi lâu lâu, lác đác một vài tiếng súng nổ vu vơ...
Hàng xóm lẫn trong nhà chúng tôi thì im phăng phắc, chỉ có tiếng rào rạo nhai đồ khô trong miệng của anh em chúng tôi là rõ mồn một...
Bố mẹ không ăn. Cả nhà đang tụ hết lại ở trong phòng khách.
Hai ông bà nhỏ to bàn tán gì đó với khuôn mặt thật lo lắng & nghiêm trọng lắm. Chiếc radio nho nhỏ chạy bằng pin đang được bố nâng lên tận tai mà chả thấy phát ra tiếng gì ngoài tiếng rè rè của sóng...
Không ai để ý ai.
Tôi sung sướng, đang tự tác tẩm ngẩm múc thêm đào từ hộp vào chén của mình thì bị giật mình vì chiếc radio bỗng ọ ẹ rồi phát tiếng nói. Giọng trầm trầm của một người đàn ông chậm rãi, từ tốn, buồn buồn.
Bố vội xoay xoay cái nút mở volume cho to lên thêm. Mải lo ăn nên tôi chẳng màng để ý người đàn ông kia nói gì cho lắm, đại loại như là:
- "Tôi là tổng thống Dương Văn Minh..., buông súng đầu hàng..., để tránh đổ máu..., ...chuyển giao chính quyền ", gì gì đó...
Dường như cái radio nhỏ kia bỗng trở nên nặng nề hơn gấp bao lần, bố chẳng còn nâng nổi nó lên bên tai... Bố và mẹ, hai ông bà mỗi người một hướng mà lịm người đi, chẳng còn ngó nhau!
Rồi một chập sau, chiếc radio lại ọ ẹ rồi oang oang vang lên giọng Bắc thật Bắc sắc lẻm và đầy sự đắc thắng của một người đàn ông khác với những ngôn từ thật lạ tai: -
- "Đây Ủy Ban quân quản thành phố Sài Gòn..."
Mẹ lúc này như chẳng còn kìm nổi, bà bật khóc lên. Ban đầu chỉ rấm rứt rồi dần chuyển qua thảm thiết hơn:
-"Ôi ông ơi là ông! Chúng tôi đã chạy ông đã bao năm rồi nay giờ sao lại gặp lại thế này... Hức hức hu hu hu..."
Ngạc nhiên buông muỗng đào xuống, tròn xoe cặp mắt ngó mẹ... Mẹ đang kêu "ông" nào thế nhỉ???
Mẹ, tay ôm mặt, hai vai rút lại, rung lên từng chập theo cơn khóc nức... Bố cũng như mất hẳn vẻ bình tĩnh thường nhật, ông hơi lảo đảo đứng dậy, mở khẽ cánh cửa tủ, lục đục lượm lặt vài món gì trong đó. Ông cuộn chúng lại cùng với lá cờ, vuốt nhẹ như vỗ về, rồi bắc thang, leo lên và nhét sâu vào cái hộc trên nóc nhà...
Ngoài đường có tiếng lao xao, mẹ hoảng hốt dáo dác, im bặt tiếng khóc. Bố trở vội lại phòng khách gom hết anh em chúng tôi lại ôm trong vòng tay. Bố khẽ nói, có thể thấy ông đang thật ráng để giữ bình tĩnh:
- "Bắt đầu từ giây phút này sẽ có nhiều thay đổi trong đời sống của gia đình chúng ta. Không biết rồi tốt xấu sẽ ra sao, nhưng bố muốn rằng các con phải can đảm lên..."
Và rồi bố nghẹn... nhưng vòng tay ôm của ông kéo chúng tôi vào, xiết chặt hơn.
Mẹ cũng tiến vội lại...
Cả nhà im lặng ôm nhau trong tiếng xụt xịt của mẹ...
Tôi vẫn còn ngậm miếng đào mềm, ngọt lịm trong miệng, nhưng chẳng dám nhai...
Ngày hôm ấy - 12 giờ rưỡi trưa của thứ tư 30 tháng 04 năm 1975. Ngày Sài-gòn thất thủ, chính thể Cộng Hoà của miền Nam Việt Nam xụp đổ!!!
Cho tới ngày hôm nay, tôi vẫn mê ăn đào hộp.
Không mê đến nỗi phải đi ra siêu thị mua về ăn hàng ngày, nhưng lâu lâu thấy ở đâu đó có để cho ăn tráng miệng thế nào cũng phải bỏ vài miếng vào đĩa để dành, để ăn sau cùng.
Nhưng mỗi lần ăn về sau này, trăm lần như một, lúc nào cũng thấy đào tuy vẫn ngọt như xưa nhưng dường như có pha đậm theo vào một tí muối mặn của những giọt nước mắt mẹ khóc năm nao.
Phải chăng đào cũng biết buổn, đào cũng ... bật khóc theo mẹ từ dạo tháng 04 năm ấy?!
Don Hồ
3:43 sáng 28 tháng 04, 2010. 35 năm sau vào một đêm rả rích mưa...
NGUỒN: