Xuân .. Xuân .. Xuân .. Giáp Thìn ...

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Giáp Thìn ...

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          




Hùng Ca Quang Trung
(Nhớ về mùa xuân Kỷ Dậu 1789)

* Bài này làm vào năm 1964 lúc còn học đệ tứ;
bài đã được đài phát thanh Sài Gòn cho lên sóng qua giọng ngâm của 2 nghệ sĩ nhiều năm liền.
Bài MỘT MÙA XUÂN gửi trước đó mấy năm cũng vậy.






“Đánh cho chúng chích luân bất phản
Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn”

*




Vó ngựa thù…
Vang rền biên ải...
Nhói tim người áo vải cờ đào.
Tuốt gươm thiêng, lấp lánh mấy tầng sao
Quyết giữ lấy quê hương từng ngọn cỏ,
Máu hùng anh cháy bừng như ngọn lửa,
Máu ba quân ngùn ngụt chí kiêu hùng.
Ứng lời người,
Dài một dãy non sông…
Trường Sơn vội vươn mình cao thêm thước,
Hoành Sơn vội xoay mình vươn tới trước,
Cho dòng quân như thác lũ dâng tràn.
Một lời thề rúng động cả giang san:
“Đánh cho chúng chích luân bất phản
Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn”.

Từng dòng người như thác đổ miên man...
Tiếng ngựa hí vang vang trời một cõi.
Sau bạch tượng, vó câu ào đá sỏi,
Sau tướng quân, gươm thép tuốt sáng ngời!
Bạch Đằng giang háo hức máu xưa sôi,
Ngàn sông rạch như lưới trời bủa sẵn.
Sóng trường giang ào ào cơn quốc hận,
Hoàng Liên Sơn ngân ngất dáng ngang tàng…
Trống Ngọc Hồi chấn động đến Nam Quan,
Đồn Khương Thượng quân thù thây chất đống.
Tiếng quân reo, cướp hồn Sầm Nghi Đống,
Tiếng quân reo, cuồn cuộn sóng sông Hồng…
Vó ngựa tung hoành giữa núi đao
Cứu dân thoát khỏi biển ba đào
Sông Hồng xác giặc lênh bênh nổi
Gò Đống thây thù chất ngất cao
Bảo kiếm sáng ngời rung ánh nguyệt
Chiến công chói rạng dậy tầng sao
Giang sơn một cõi nghìn thu vững
Tanh máu xâm lăng nhuộm chiến bào!

Hồ Thơm Nguyễn Huệ,
Mãi mãi về sau.
Chiến tích một thời rung bốn biển,
Uy linh ngàn thuở động năm châu!
Hồ Thơm Nguyễn Huệ
Áo vải Tây Sơn:
Đường cũ dẫu mờ muôn dấu ngựa,
Sử xanh còn rạng tấm lòng son.






Kha Tiệm Ly
1964


https://www.facebook.com/khatiemly1252/ ... 4jxs7duT7l
          
          

          
          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Giáp Thìn ...

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          




Khai Bút
(Thương về Tạ Tôn)





Bắt chước người, ta khai bút chơi,
Giấy hồng, giấy trắng cứ săm soi.
Viết lui, viết tới không ra chữ,
Coi lại: nghẹt bi, mực hết gồi!




Cao thám hoa
          
https://www.facebook.com/khatiemly1252/ ... yUzid7s8zl
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Giáp Thìn ...

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Còn đâu tiếng quết bánh phồng
    _________________
    Kha Tiệm Ly _ 21/02/2024






    Vào thời gian từ năm 65 về trước, mỗi năm từ hai mươi tháng chạp, sau khi chuyện đồng áng đã xong thì bà con quê tôi bắt đầu chuẩn bị ăn Tết. Quết bánh phồng có lẽ là khâu cần phải chuẩn bị chu đáo và vất vả nhứt, thế mà dường như nhà nào cũng thực hiện.

    Không biết tục quết bánh phồng rầm rộ ăn Tết ở quê tôi có từ bao giờ, nhưng theo suy luận qua tuổi đời thì ít ra nó cũng đã có hơn sáu mươi năm, từ sau chiến tranh chống Pháp kết thúc (1954)

    Với nguyên liệu sẵn có đó là nếp và củ mì, các bà các chị đã chế biến ra một loại bánh khá công phu và đặt biệt là khi còn “sống”, thì ăn dai dai, nhưng khi nướng lên thì nó CHUỒI ra, lớn hơn gấp mấy lần và ăn giòn rụm!

    Để làm một ổ bánh phồng ngon, trước hết người ta phải chọn loại nếp thật dẻo, không được lộn gạo, men tốt (loại nấu rượu), dầu dừa mới.

    Đầu tiên, ngâm nếp với men cà nhuyễn ba ngày, xong vớt ra, vo sạch rồi cho vào CHÕ hấp. Trong lúc chờ đợi, người ta chuẩn bị ống cán (thường là một đoạn lóng trúc hay lóng tre), chiếu mới để phơi, một mớ lá chuối để lót cán (lúc đó chưa có bao nylon), dầu dừa (cho khỏi dính tay, dính lá).

    Khi nếp vừa đổi màu trong, tức vừa chín tới, người ta liền đổ vào cối quết.

    Cối là một vật dụng không thể thiếu của nông dân ngày xưa, nó dùng để “giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già”, hoặc thường xuyên giã chuối cho heo cho gà vịt ăn; nhưng ngày nay cái cối dường như vắng bóng, thiết tưởng cũng nên tả sơ qua để lớp đi sau có thể hình dung: Đó là một khối cây hình... cái cối! Phía dưới là một đoạn hình trụ làm chân, phía trên to hơn, phình ra, hình vuông, chính giữa có khoét một lổ lớn gọi là miệng cối để cho những gì muốn giã vào. Quanh miệng cối được BE ra hình chữ bát cho vật muốn giã khó bị thoát ra ngoài (nếu lật ngược lại thì nó giống như cái nón khổng lồ). Có cối thì phải có chày. Chày là một khúc cây hình trụ, đừơng kính khoảng hai tấc, chính giữa được tra vào một tay cấm tạo thành hình chữ T. Chày và cối nếu được làm bằng cây mù u cổ thụ thì xài mấy đời chưa nhúc nhích! Nếu chỉ một người giã thì gọi là chày chiếc, hai , ba người giã gọi là chày đôi, chày ba. Giã là công việc khá nặng nhọc nên thường là việc của thanh niên. Sau nầy để đỡ sức, người ta chế ra chày đạp. Đó là một hệ thống đòn bẫy nhằm cho việc nâng chày lên nhẹ nhàng hơn, và sức giã xuống thì nhờ vào trọng lượng của chày. Với chày đạp, thì chỉ cần sức một phụ nữ hay vài trẻ em mười ba mười bốn tuổi cũng có thể thực hiện được. Nhưng dù với chày nào, thì cũng phải có người ngồi ở ngay cối để VÙA (với gạo, với chuối cây), hoặc CHO ĂN (với bánh phồng). “Vùa” hay “cho ăn” chỉ là động tác trở đều vật muốn giã cho mau trắng (với gạo), mau nát (với chuối cây) hay mau “tới” (với bánh phồng). Việc làm nầy chỉ được thực hiện trong thời gian chày giở lên, và phải nhịp nhàng, “ăn rơ” với người quết, nếu không thì tay bị giập như chơi!

    Trở lại quết bánh phồng. Trong khi quết, người ta cho đường, bột đậu nành, dầu dừa, hay gì gì đó theo một kinh nghiệm, hay bí quyết riêng với liều lượng có sẵn. Quết đến khi nào thấy trên ổ bánh có những hạt khí li ti nổi lên là ổ bánh đã tới, lúc đó không còn một hạt nếp nào còn nguyên, thì khâu quết “gác chày” (tạm xong nhiệm vụ)!

    Kế tiếp là cán. Người ta vò ổ bánh thành từng viên, thường thì lớn cỡ viên chè trôi nước, thoa dầu trên tấm lá chuối lớn rồi thoăn thoắt cán mỏng ra.

    Nhìn người cán mới thấy “tay nghề” của họ, dù họ chưa bao giờ làm nghề nầy để sống: Bột không cần cân mà ngắt cục nào cục nấy y chang, thao tác lẹ làng, lượn ống cán qua lại, tới lui làm người nhìn không kịp, phút chốc thành cái bánh tròn xoe!

    Đôi nam nữ quết bánh lúc nãy bây giờ thì một người là “thợ” cán, một người là “thợ”… úp bánh lên chiếu để chuẩn bị đi phơi (lúc nầy trời cũng hừng sáng).

    Phơi chừng ba bốn giờ thì bánh vừa khô, người ta đem vào rồi hòa lòng đỏ trứng gà đã luộc chín với dầu dừa hâm nóng mà thoa lên cả hai mặt bánh (có người không dùng lòng đỏ trứng gà); việc làm nầy cốt để cho khi chồng lên nhau bánh không bị dính.

    Làm bánh phồng phải trải qua nhiều công đoạn, lại phải cần nhiều người; một gia đình khó thể thực hiện nên các nhà thường phải “vần công” nhau. Hoặc giả nhà nào có nhiều con trai thì chỉ việc đến phụ quết (không dùng từ “quết mướn”) hết nhà nầy đến nhà khác, thì ngày rước ông bà cũng có vài trăm bánh mừng xuân.

    Không thiếu nhiều mối tình thơ mộng của chàng trai quết bánh và cô em xinh xinh bên cối. Và, như nếu diễn biến tốt đẹp, chàng liền thực hiện lời mình là… “Ra giêng anh cưới em”!

    Bánh phồng có thể “ăn sống” (thực tế là đã chín), nhưng thường thì nướng. Nướng bánh cũng là một nghệ thuật: Trước tiên, bánh được để trên hai cái kẹp bằng tre trông giống như hai bàn tay xòe ra, rồi hơ một vòng trên lửa rơm. Bánh bắt lửa, “chuồi” ra nhanh chóng, vì thế trước khi nướng, bánh cần phải được xé biên ở bốn điểm đối xứng nhau cho khỏi bị cuốn mép; thế mà người nướng còn phải trở bánh liên tục, có khi phải giũ để bánh khỏi bị oằn xuống tro!

    Sau khi nướng, bánh phải chuồi và nở, tức là lớn hơn về diện tích và bề dày rất nhiều so với bánh chưa nướng; và trên mặt bánh phải nổi lên nhiều cục lớn nhỏ như bọt nước. Như thế mới được gọi là “khéo”!

    Ngày nay bánh phồng (cũng như dưa hấu) không còn là sản phẩm chỉ dành riêng cho ngày Tết, mà có mặt suốt tháng quanh năm; dạng làm thủ công cũng không còn, mà mọi khâu đều do máy móc. Ở nhiều cơ sở lớn, kể cả khâu khó khăn nhất là cán bánh, cũng không ngoại trừ.

    Ai đã từng ở quê vào những thời buổi ấy, thì cũng từng “nghe tiếng quết bánh phồng rộn rã đón xuân sang” mà lòng chẳng thấy nao nao, mà chẳng thấy nhớ nhớ thương thương tiếng “chạch bum” mà nay lại không còn nữa? Và biết đâu có ai đó lại là chàng trai quết bánh năm xưa, vừa quết vừa trò chuyện với cô em đảo bánh bên cối, mồ hôi lả chả mà không thấy mệt, chỉ vì cái miệng em cười cười, nói nói trông thật có duyên!



              

              
    KHA TIỆM LY
    https://www.facebook.com/khatiemly1252/ ... Z4T1MtdXDl
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Giáp Thìn ...

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Về Quê
    _______________
    Do Duy Ngoc



              
    "Tết nhìn thiên hạ trở về quê
    Tôi chẳng có quê để được về"

              
    Nói thế cũng hơi ngoa chăng, ai lại không có quê. Thật ra, tôi cũng có quê, nơi giòng họ nhà tôi đã qua hơn mười đời ở đó, gia phả ghi rõ vậy. Tôi thuộc đời thứ chín. Như thế, tôi cũng có quê chứ. Vùng đất đó có nhiều thắng cảnh, nhiều hang động nổi tiếng thế giới. Cũng là nơi sản sinh nhiều danh nhân đất Việt. Miền quê ấy có tên là Quảng Bình.

    Đó là nơi ông nội tôi được sinh ra và lớn lên. Thời trai trẻ, ông nội đi Tây, lúc trở về lại Việt Nam, mới sinh ra ba tôi. Sau đó, ông nội tôi qua Lào làm ăn, mất ở Paksé, cho đến giờ cũng chưa tìm thấy mộ.

    Quê là nơi ba tôi sinh ra, trưởng thành rồi đi vào Huế học, ra trường làm việc tại Tourane từ trước 1945, Việt Minh lên nắm chính quyền, ba tôi trở về quê tham gia kháng chiến, rành tiếng Pháp, nên ba tôi thường trao đổi với lính Pháp khi Pháp hành quân vào làng bắt người để xin thả người, tránh mất mát, chết chóc, hi sinh. Vì lý do đó, dù có chân trong huyện uỷ, vẫn bị nghi ngờ quan hệ với địch, lệnh trên vẫn ra lệnh thủ tiêu ba tôi. May thay, người nhận lệnh lại là một người học trò cũ của ông, báo động cho ba tôi trốn đi. Một vài người và con cháu của họ đã từng hạ lệnh đó còn sống cho đến nay, tôi không muốn về quê để phải chào hỏi, dạ thưa với những người đã từng ra lệnh giết ba mình.

    Quê cũng là nơi tôi được sinh ra nhưng không lớn lên ở đó, tôi rời quê từ bé lên máy bay di cư vào Nam khi Hiệp định Geneve được ký kết, do vậy, tôi chẳng có kỷ niệm nào với quê. Quê đối với tôi xem như không có, chỉ là tên ghi vào giấy tờ, mục nguyên quán và nơi sinh. Đã gần hết đời người, tôi vẫn chưa một lần trở về và cũng chẳng hình dung ra quê của mình như thế nào. Chỉ biết ở đó có những người từng ra lệnh kết thúc cuộc đời ba mình, ở đó có những người liên tục đề nghị đóng góp để làm điều này điều nọ cho xã cho làng, cho giòng họ mà cũng chẳng thấy việc gì cụ thể, ở đó có một thời gian dài người ta mang gia đình tôi lên án và chửi rủa không tiếc lời vì đã vào Nam theo giặc.

    Quê cũng là nơi tài sản một đời của bà ngoại tôi bị tước đoạt, mẹ tôi từ một người mười hai tuổi vẫn có được người hầu cõng đi xem hát phải bươn chải vào đời để nuôi cha bệnh. Quê là nơi mẹ tôi đi kháng chiến, làm cần vụ rồi đoàn văn công, đã từng bị Tây xử bắn lại may mắn thoát chết, nhưng khi bị bắt vào tù, lại bị các đồng chí bỏ lơ. Tôi ghét những chuyện ấy khi từ còn bé nghe ba mẹ kể, nên cũng chẳng thích chốn quê.

    Lúc sinh thời, ba tôi bảo những điều đó đều là chuyện của lịch sử, của quá khứ, cũng không nên nhớ nữa. Nhưng tôi thì không quên, nên chẳng chịu một lần về quê. Và vì thế, xem như tôi chẳng còn có quê để trở về.



    28 Tết
    DODUYNGOC

              

              
    https://www.facebook.com/doduyngoc/post ... FLCTNuys9l
Trả lời

Quay về “Chuyên đề”