- 30/04/2022 - tưởng niệm 47 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Tháng Tư Đọc Thơ Tù

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Tháng Tư Đọc Thơ Tù
    _________________________
    Nguyễn Thị Khánh Minh _ 18/03/2022





    Chiến tranh và ngục tù là bi kịch đau thương nhất trong lịch sử loài người, nó là kinh nghiệm không được rút tỉa để học hỏi và ngăn chặn, cứ thế lặp đi lặp lại khắp nơi trên thế giới, đánh động mãi ký ức con người nên có thể nói rằng không có cuộc chiến và nhà tù nào trở thành quá khứ, nó luôn là hiện tại với dấu lệ và máu không ngừng chảy. Kinh nghiệm chiến tranh, nhà tù, cùng hệ lụy tang thương của nó như vết cắt hằn sâu trong tâm tư tình cảm con dân Việt nam, mà nhà văn Ngô Thế Vinh đã gọi - vết thương không bao giờ lành-, nó sừng sững ở đó, trên đất đá, trên thân thể, trong tâm hồn, trong sử lịch, mà trái tim và lương tâm con người mãi thúc thủ một câu trả lời.

    Bây giờ là tháng tư, tháng của vết thương chưa kéo da non ấy, giở lại những trang thơ của những người lính Việt Nam Cộng Hòa viết trong trại tù-cải-tạo- như thể chúng ta đang mở băng dán vết thương, hẳn là sẽ rỉ máu, nhưng đồng thời cũng khơi chút hoài mong, rằng, thơ ấy sẽ có tác dụng như một thứ thuốc sát trùng làm vết thương nguôi ngoai. Bạn đọc sẽ thấy thể hiện nơi thơ của họ nỗi bi thương khiên nhẫn, những cõi mơ nương tựa, và họ đã xoay sở, đối diện, với những oan khốc của tù ngục bằng thứ khí giới mơ mộng hồn nhiên, nhân ái của trái tim thi sĩ. Và hiểu được vì sao họ sống sót.

    Xin giới thiệu mảng thơ tù của: Nguyễn Xuân Thiệp – Thanh Tâm Tuyền – Trần Dạ Từ - Tô Thùy Yên, và một bài hành bi tráng của Cao Vị Khanh.
              
    NGUYỄN XUÂN THIỆP

    Điệu hoài hương xanh

    đêm những vùng xanh châu thổ
    dịu như một làn hơi men
    bỗng bay rực trời đóm lửa
    khi điệu kèn hồng rúc lên

    đêm đưa ta lên miền bắc
    với những chấm đèn trong mưa
    một đi bóng nhà xa khuất
    còn nghe đôi ngọn gió thu

    khi ta đi lên miền bắc
    nụ cười quên dưới trời xưa
    trái tim đeo ngoài túi áo
    như chuông trước cổ ngựa thồ

    lưu thân đi trong trời đất
    áo quần như gã hề điên
    tóc râu dựng bờm cổ thụ
    cõi người chợt lạ chợt quen

    chân ta đi trên miền bắc
    qua dăm thôn xóm buồn teo
    đâu đám trẻ thơ bụng ỏng
    trố đôi mắt buồn dõi theo
    buổi chiều trắng bông chẩu rụng
    rắc lên quán chợ quê nghèo

    đi ta đi lên miền bắc
    bóng ngày treo ngọn cây cao
    buổi trưa tiếng gà hiu hắt
    nhớ đầy dăm vạt áo nâu
    có đêm sụp trờ mưa lớn
    nghe trăm cỗ ngựa qua cầu
    tưởng như những loài nấm đỏ
    mọc trên thớ gỗ mục sầu

    đi trên mùa thu đất bắc
    nắng lên tưởng chín trái hồng
    lá sen trong hồ đã chết
    lòng ơi có nhớ cốm vòng
    đâu những hội vui ngày trước
    ai về dưới mái đình cong
    giữa khuya nằm nghe tiếng ếch
    trôi về từ một bãi sông
    gió thu thổi bùng liếp cửa
    bên tai ngỡ giục trống đồng

    khi ta đi lên miền bắc
    uổng công ngậm ngải tìm trầm
    thấy con chim rừng sắc tía
    nhả những hạt buồn trăm năm

    ôi những ngày trên đất bắc
    nhớ mùi trái chín phương nam
    nhớ ơi đồng bông súng nở
    ngọn rau con cá trong vàm
    nhớ những cuộc tình sông nước
    nửa đêm đứt một dây đàn

    bao giờ giữa mùa thu biếc
    cho ta về lại phương nam
    nghe tiếng chim chuyền bụi ớt
    tưởng chừng động bóng thời gian
    hái những đọt mưa xanh ngắt
    khi mùa thu rơi trên đầm

    khi ta đi lên miền bắc
    hồn đầy những sắc tạp âm
    thổi chùm cỏ khô bay mất
    ôi bóng mùa vui biệt tăm

    1979 (Trại tù Cẩm Nhân-Yên Bái)
    NXT


    __________________


    THANH TÂM TUYỀN

    Bài nhớ thi sĩ

    Tặng già Ung
    Gửi M.T.

    Sáng nay thức giấc trong nhà giam
    Anh nhớ những câu thơ viết thời trẻ

    Bừng cháy trong lòng anh bấy lâu u ám quạnh quẽ
    Ánh lửa mênh mang buồi tình đầu

    Mưa bụi rì rào
    Gió náo nức mù tối

    Trễ muộn mùa xuân trên miền cao
    Đang lay thức rừng núi biên giới

    Đã qua đã qua chuỗi ngày lạnh lẽo, anh tự nhủ
    Cũng qua cơn khô cạn khác thường

    Tắt theo ngọn nắng chon von mê hoặc đầu óc quái gở
    Từng thiêu đốt anh trên đồi, theo vào đêm dập vùi anh đớn đau

    Từ lúc nào anh đứng trân trối cô đơn
    Hôn ám trời sơ khai nhìn qua song cửa ngục

    Hoang vu thơ hát lời lá cỏ heo hút
    Dẫn anh về tận nẻo nguồn hừng đông lẩn lút
    (Hừng đông Hừng đông ôi Hừng đông anh kêu khẽ cảm động muốn khóc
    Mai, Mai xa, Mai như hoa, Mai hoa. Mai về tình thơ hôm nay)

    Em có hay kẻ tội đồ biệt xứ một buổi về ngang cố quận
    Xao xuyến ngây ngô hắn dò hỏi lớp bóng mờ tàng ẩn

    Đêm vây hãm lụn dần
    Thủ thỉ mưa ru ngày khốn đốn

    Em, soi bóng em hồn nhiên ngược lối thời gian
    Lặng lẽ anh gầy lửa tinh mơ đầm ấm.

    (Lào Cai 5/77, Vĩnh Phú 1/78)
    TTT



    ______________


    TRẦN DẠ TỪ

    cám ơn dế mèn

    Ai? Ai đó? Ai. Ai đó vừa kêu tôi
    Ahaá, anh dế mèn
    Đúng là anh dế mèn năm xưa

    Ngày nào, đêm mưa
    Một mùa giông tố
    Có anh dế mèn phất phơ
    Lạc vào cát sô
    Đùa vui với người tù
    Và người và dế và mưa gió
    Cùng hát, hát vang hát vang xa
    Khúc tình ca gió mưa
    Ôi bài hát năm xưa.
    Cám ơn, cám ơn em, dế mèn
    Tiếng kêu vừa lạ lại vừa quen
    Thịt xương đáy ngục xưa thức dậy
    Lạnh một bên mà nóng một bên

    Cám ơn. Cám ơn em, dế mèn
    Bao nhiêu năm,
    bài hát ấy ta không quên
    Cám ơn. Cám ơn em, dế mèn.
    TDT



    ________________


    TÔ THÙY YÊN

    Tàu đêm (trích đoạn)

    Tàu đi. Lúc đó, đêm vừa mỏi
    Lúc đó, sao trời đã ngủ mê
    Tàu rú. Sao ơi, hãy thức dậy
    Long lanh muôn mắt tiễn tàu đi

    Thức dậy, những ai còn sống đó
    Nhìn ra nhớ lấy phút giây này
    Tàu đi như một cơn giông lửa
    Cuồn cuộn sao từ ống khói bay

    Toa nêm lúc nhúc hồn oan khốc
    Đèn bão mờ soi chẳng rõ ai
    Ta gọi rụng rời ta thất lạc
    Ta còn chẳng đủ nửa ta đây

    Tàu đi như một cơn điên đảo
    Sắt thép kinh hoàng va đập nhau
    Ta tưởng chừng nghe thời đại động
    Xô đi ầm ĩ một cơn đau

    Ngồi đây giữa những phân cùng bụi
    Trong chuyển dời xung xát bạo tàn
    Ta trở thành than, thành súc vật
    Tiếng người e cũng đã quên ngang

    Ta nghe rêm nhói thân tàn rạc
    Các thỏi xương lìa đụng chỏi nhau
    Nghe cả hồn ta bị cán nghiến
    Trên đường lịch sử sắt tuôn mau

    Dường như ta chợt khóc đau đớn
    Lệ nóng cường toan cháy ruột gan
    Lệ chảy không ra ngoài khóe mắt
    Nghẹn ngào đến cả tiếng than van

    Đem thân làm gã tù lưu xứ
    Xí xóa đời ta với đất trời
    Ngàn dặm lìa tan tình cố cựu
    Bàng hoàng thân thế cụm mây trôi

    Đã mấy năm nay quằn quại đói
    Thèm ăn như đứa trẻ con nghèo
    Mẹ ơi, con nhớ thời thơ dại
    Nhớ miếng ăn mà mẹ chắt chiu

    Liệu còn một bữa cơm đầm ấm
    Bên ánh đèn đoàn tụ vợ con
    Chia xẻ chút tình cay mặn cũ
    Miếng không ngon cũng lấy làm ngon

    Tàu đi khoan xoáy sâu đêm thép
    Tiếng nghiến ghê người, thác lửa sa
    Lịch sử dường như rất vội vã
    Tàu không đỗ lại các ga qua

    Có lúc tàu qua những chiếc cầu
    Sầm sầm những nhịp động đều nhau
    Dưới kia con nước còn thao thức
    Bát ngát dềnh lên bãi sậy sầu

    Người bạn đường kia chắc vẫn thức
    Mong tàu đi đến chỗ đêm tan
    Có nghe lịch sử mài thê thiết
    Cho sáng lên đời đã rỉ han

    Tàu ơi, hãy kéo còi liên tục
    Cho tiếng rền vang dậy địa cầu
    Lay động những tầng mê sảng tối...
    Loài người, hãy thức, thức cùng nhau
    1980
    TTY



    ______________


    CAO VỊ KHANH

    BÀI HÀNH THÁNG TƯ

    Vậy đó, tưởng quên mà vẫn nhớ
    Từ đêm vỡ tuyến lạc ven đô
    Người thua trận chót đền trăm tuổi
    Ta gánh thù sâu chốn hải hồ
    Những tưởng mười năm đời sáng lại
    Ta về bươi kiế́m miểng xương khô
    Vét hết oan khiên người lỡ vận
    Vùi sâu xóa dấu một hoang mồ
    Ta đi rong khắp Nam cùng Bắc
    Gom hế́t muôn ngàn vải tám thô
    May đủ hai hàng cờ lá phướng
    Treo lên trắng toát một cơ đô

    Vậy đó, tưởng quên mà vẫn nhớ
    Mười năm đủ lạnh một hương nguyền
    Người thơm áo mới mùi hoa vải
    Ta cứ u hoài một nỗi riêng
    Đã quá xa xôi ngày thất tán
    Biển xưa chừng lắng những con thuyền
    Ôi trinh tiết gái ngoài hoang đảo
    Chắc cũng nhạt nhòa chuyện đảo điên


    Vậy đó, tưởng quên mà vẫn nhớ
    Mười năm đánh đổi chuyện keo sơn
    Người thân biệt xứ lên rừng núi
    Kẻ ngóng đầu non đến mỏi mòn
    Thư nhắn trên đầu trang giấy rách
    “quên đi mà cứu trẻ măng non
    mười năm thân đã mềm như lá
    như xác ve sầu đã héo hon
    bồng bế con ra ngoài cõi ngoại
    giữ lấy giùm nhau chút mộng tròn”

    Vậy đó, tưởng quên mà vẫn nhớ
    Mười năm giậu đổ nát bìm xanh
    Mười năm thôn xóm thành hang ổ
    Người sống như loài thú mọc nanh
    Con lớn hoang đàng theo cỏ dại
    Mẹ buồn như cái vạc sang canh
    Mẹ gởi con đi ngoài biển lạnh
    Bằng như cọng cỏ ném sau gành
    Thuyền con mỏng mảnh trời đen kịt
    Mẹ thức từng đêm mắt lạnh tanh
    Con đi một sống trăm lần chết
    Mẹ đứt từng khoanh ruột đoạn đành

    Vậy đó, tưởng quên mà vẫn nhớ
    Mười năm ngờ ngợ giữa chiêm bao
    Ngày đi tóc rối còn đen mượt
    Mắt sáng còn nguyên đốm lửa sao
    Lòng đã dặn lòng chờ Câu Tiễn
    Gom mộng bình sinh nối chí cao
    Ai kẻ mài gươm về đấ́t cũ
    Ai mang đoản kiếm nhập Tần sâu
    Hẹn nhau xẻ núi dầu sạn đạo
    Miễ̃̃̃n thấy cờ bay ải địa đầu

    Vậy đó tưởng quên mà vẫn nhớ
    Mười năm nếm đủ vị chua cay
    Mười năm mòn lẳn đôi giày cỏ
    Ngó lại xem còn mất những ai
    Đất khách đãi nhau toàn mật đắng
    Tâm giao chưa quá một đêm say
    Người ơi ... đất nước mà rao bán
    Thiên hạ muôn người sợ lấm tay

    Vậy đó tưởng quên mà vẫn nhớ
    Mười năm ... một giấc mộng không thành
    Người chờ cho hết đời cô quạnh
    Ta đứng bên trời, lệ chảy nhanh

    C A O V Ị K H A N H
    tháng tư 1985

              


              
    viewtopic.php?p=35836#p35836
    https://vietbao.com/a311481/thang-tu-doc-tho-tu
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Ta Về _ Tô Thùy Yên

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Văn nghệ cuối tuần (101)
    Ta Về
    của Tô Thùy Yên

    ___________________________
    MAI HOA _ 01/07/2019



              

              
    Khi Tô Thuỳ Yên mất, người ta nói nhiều về ông như một gương mặt lớn của thi ca Việt Nam và nhắc nhiều về bài Ta Về. Ngươi ta cũng nói đến việc ông đi tù 13 năm trong đó lần đầu là 10 năm cải tạo vì là Thiếu tá Tâm Lý Chiến nhưng ít ai biết ông bị bắt lại lần hai ngay sau đó và đi tù ba năm vì bài thơ Ta Về mà ông làm sau khi đi cải tạo về. Ngày 1/6/2019 tại Houston là lễ hoả táng đưa ông về với cát bụi nhưng thơ ông thì ở mãi với người đọc và văn chương Việt Nam.


    Thi sĩ Tô Thùy Yên là thành viên chủ lực của tạp chí Sáng Tạo, cùng với Thanh Tâm Tuyền và Quách Thoại.

    Ông được biết đến với phong trào khai sinh "Thơ tự do" và ở miền Nam vào thập niên 1960, và nhiều tạp chí văn học khác ở miền Nam, cũng như là người chủ xướng của nhà xuất bản văn học Kẻ Sĩ.

    Ông nhập ngũ năm 1964 phục vụ ngành chiến tranh chính trị, chức vụ sau cùng của ông là Thiếu Tá, Trưởng Phòng Văn nghệ của Cục Tâm lý chiến.

    Sau năm 1975, ông vào nhà tù cộng sản hai lần, một lần 10 năm và một lần 3 năm.

    Lần đi tù sau vì bài thơ Ta Về mà ông làm sau khi đi cải tạo 10 về trong đó có những câu như:
              
    Ta về như lá rơi về cội
    Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
    Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
    Giải oan cho cuộc biển dâu này
    .......
    Ta về khai giải bùa thiêng yểm
    Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi
    Hãy kể lại mười năm chuyện cũ
    Một lần kể lại để rồi thôi

              
    Vào năm 2002 thì bài này được cho đăng trọn vẹn trên VNEXPRESS.

    Cùng VNCT nghe lại bài thơ Ta Về và bài hát cùng tên phổ từ một đoạn trong bài thơ để thêm một lần ngậm ngùi và ngỡ ngàng cho hoàn cảnh đât nước Việt Nam mà các văn nghệ sĩ trí thức đích thực như Tô Thùy yên trong thân phận nnạn nhân và nhân chứng đồng thời là người kể sử qua những tác phẩm văn chương mà họ để lại cho đời sau.

              
    Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung




    Ta về
    _____________


    Ta về một bóng trên đường lớn
    Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
    Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
    Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay

    Vĩnh biệt ta mười năm chết dấp
    Chốn rừng thiêng ỉm tiếng nghìn thu
    Mười năm mặt sạm soi khe nước
    Ta hóa thân thành vượn cổ sơ

    Ta về qua những truông cùng phá
    Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may
    Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ
    Nghe tàn cát bụi tháng năm bay

    Chỉ có thệ Trời câm đất nín
    Ðời im lìm đóng váng xanh xao
    Mười năm, thế giới già trông thấy
    Ðất bạc màu đi, đất bạc màu

    Ta về như bóng chim qua trễ
    Cho vội vàng thêm gió cuối mùa
    Ai đứng trông vời mây nước đó
    Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ

    Một đời được mấy điều mong ước
    Núi lở sông bồi đã mấy khi
    Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động
    Mười năm, cổ lục đã ai ghi

    Ta về cúi mái đầu sương điểm
    Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
    Cảm ơn hoa đã vì ta nở
    Thế giới vui từ mỗi lẻ loi

    Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa
    Làng ta ngựa đá đã qua sông
    Người đi như cá theo con nước
    Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng

    Ta về như lá rơi về cội
    Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
    Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
    Giải oan cho cuộc biển dâu này

    Ta khóc tạ ơn đời máu chảy
    Ruột mềm như đá dưới chân ta
    Mười năm chớp bể mưa nguồn đó
    Người thức mong buồn tận cõi xa

    Ta về như hạt sương trên cỏ
    Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời
    Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt
    Tội tình chi lắm nữa người ơi

    Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ
    Mười năm người tỏ mặt nhau đây
    Nước non ngàn dặm bèo mây hỡi
    Ðành uống lưng thôi bát nước mời

    Ta về như sợi tơ trời trắng
    Chấp chới trôi buồn với nắng hanh
    Ai gọi ai đi ngoài cõi vắng
    Dừng chân nghe quặn thắt tâm can

    Lời thề buổi ấy còn mang nặng
    Nên mắc tình đời cởi chẳng ra
    Ta nhớ người xa ngoài nỗi nhớ
    Mười năm ta vẫn cứ là ta

    Ta về như tứ thơ xiêu tán
    Trong cõi hoang đường trắng lãng quên
    Nhà cũ mừng còn nguyên mái, vách
    Nhện giăng, khói ám, mối xông nền

    Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ
    Nhà thương khó quá sống thờ ơ
    Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ
    Khách cũ không còn, khách mới thưa

    Ta về khai giải bùa thiêng yểm
    Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi
    Hãy kể lại mười năm chuyện cũ
    Một lần kể lại để rồi thôi

    Chiều nay ta sẽ đi thơ thẩn
    Thăm hỏi từng cây, những nỗi nhà
    Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?
    Mười năm, cây có nhớ người xa?

    Ta về như đứa con phung phá
    Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu
    Mười năm, con đã già trông thấy
    Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu

    Con gẫm lại đời con thất bát
    Hứa trăm điều một chẳng làm nên
    Ðời qua, lớp lớp tàn hư huyễn
    Giọt lệ sương thầm khóc biến thiên

    Ta về như tiếng kêu đồng vọng
    Rau mác lên bờ đã trổ bông
    Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng
    Chờ anh như biển vẫn chờ sông

    Ta gọi thời gian sau cánh cửa
    Nổi mừng giàn giụa mắt ai sâu
    Ta nghe như máu ân tình chảy
    Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau

    Ta về dẫu phải đi chân đất
    Khắp thế gian này để gặp em
    Ðau khổ riêng gì nơi gió cát
    Thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm

    Cây bưởi xưa còn nhớ, trắng hoa
    Ðêm chưa khuya quá hỡi trăng tà
    Tình xưa như tuổi già không ngủ
    Thức trọn, khua từng nỗi xót xa

    Ta về như giấc mơ thần bí
    Tuổi nhỏ đi tìm một tối vui
    Trăng sáng soi hồn ta vết phỏng
    Trọn đời nổi nhớ sáng khôn nguôi

    Bé ơi, này những vui buồn cũ
    Hãy sống, đương đầu với lãng quên
    Con dế vẫn là con dế ấy
    Hát rong bờ cỏ giọng thân quen

    Ta về như nước Tào Khê chảy
    Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ
    Thân thích những ai giờ đã khuất
    Cõi đời nghe trống trải hơn xưa

    Người chết đưa ta cùng xuống mộ
    Ðâu còn ai nữa đứng bờ ao
    Khóc người ta khóc ta rơi rụng
    Tuổi hạc ôi ngày một một hao

    Ta về như bóng ma hờn tủi
    Lục lại thời gian kiếm chính mình
    Ta nhặt mà thương từng phế liệu
    Như từng hài cốt sắp vô danh

    Ngồi đây nền cũ nhà hương hỏa
    Ðọc lại bài thơ thủa thiếu thời
    Ai đó trong hồn ta thổn thức
    Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi

    Ta về như hạc vàng thương nhớ
    Một thủa trần gian bay lướt qua
    Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
    Ðành không trải hết được lòng ta



    Tô Thùy Yên

              


    viewtopic.php?p=35837#p35837
    https://www.sbs.com.au/language/vietnam ... o-thuy-yen
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Tuẫn Tiết

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Tuẫn Tiết
    _________________________
    S.T.T.D Tưởng Năng Tiến _ 26/05/2022





              

              

    Bên Thắng Cuộc phát hành cuối năm 2012, và được bỉnh bút Nguyễn Hùng (BBC) liệt kê là một trong “mười chuyện nổi bật” nhất trong năm. Cùng lúc, biên tập viên Mặc Lâm (RFA) cũng nhận xét rằng “cuốn sách đang gây sôi nổi cho cư dân mạng cả trong và ngoài nước” và đã khiến cho “người đọc ngỡ ngàng”“cái nhìn” của tác giả – một người sinh trưởng “từ bên kia” chiến tuyến :
    • “Trong chương 1, Ba mươi Tháng Tư, Huy Đức đặt một tiểu tựa khiến người đọc ngỡ ngàng. Họ ngỡ ngàng vì biết tác giả là người trưởng thành từ bên kia nhưng dùng hai chữ Tuẫn Tiết đặt cho câu chuyện của các tướng lãnh bên này tự kết liễu đời mình trong ngày chế độ sụp đổ.

    Các tướng lãnh như Lê Văn Hưng, Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ hay Đại tá Đặng Sĩ Vinh lần lượt kết liễu đời mình trước sự chứng kiến của thuộc hạ hay vợ con dưới cái nhìn của Huy Đức là một sự tuẫn tiết...

    Một điểm quan trọng nữa, Huy Đức viết:
    • ‘Nhưng đấy vẫn chưa phải là những phát súng cuối cùng của cuộc chiến tranh. Nhiều quân nhân vô danh vẫn tìm đến cái chết trong những ngày sau đó.”




    Mãi đến bốn mươi sáu năm sau, độc giả của nhật báo Người Việt – số phát hành vào hôm 6/12/2021 – mới có dịp biết đến tên tuổi của một số “quân nhân vô danh” này qua bài viết (“Những Anh Hùng Tuẫn Tiết Trong Ngày Tàn Cuộc Chiến Tại Việt Nam”) của ký giả Vann Phan:
    • “Ngoài ‘Ngũ Hổ Tướng’ ra, còn có các sĩ quan khác cùng các hạ sĩ quan trong Quân Lực VNCH và Cảnh Sát Quốc Gia đã chọn cái chết để đền nợ nước trước, trong và sau ngày 30 Tháng Tư, thay vì đầu hàng quân Cộng Sản…

      Còn một số quân nhân thuộc nhiều binh chủng khác nhau trong Quân Lực VNCH thì đã tự sát tập thể để khỏi rơi vào tay quân địch, bằng cách cùng nhau mở lựu đạn hoặc đồng loạt nổ súng vào đầu nhau trong biến cố 30 Tháng Tư, 1975, thật vô cùng bi tráng.”

    Nỗi “bi tráng vô cùng” này đã được nhà văn Cao Xuân Huy ghi nhận bằng đôi mắt ráo hoảnh, cùng những câu chữ trần trụi và khô khốc :
    • “Lại có rất nhiều người tự tử. Bây giờ họ không tự tử từng người, từng cá nhân mà họ tự tử tập thể. Không rủ, không hẹn và hầu như họ đều không quen biết nhau trước hoặc có quen biết đi nữa, bạn bè đi nữa họ cũng không thể nhận ra nhau trước khi cùng chết với nhau một lúc. Dòng người chúng tôi đang chạy, một người tách ra ngồi lại trên cát, một người khác cũng tách dòng người ra ngồi chung, người thứ ba, người thứ tư, người thứ năm nhập bọn, họ ngồi tụm với nhau thành một vòng tròn nhỏ, một quả lựu đạn nổ bung ở giữa.”

    Cựu quân nhân Nguyễn Hữu Luyện bình luận:
    • “Khi một binh nhì kê súng vào đầu mình để bóp cò, người ấy chỉ có một nguyên nhân uất hận được bộc lộ qua khí phách của quân nhân QLVNCH. Do đó, hành động tự sát của anh binh nhì nói lên cái khí phách tột đỉnh và tấm lòng son sắt vô song …”

              

              
    Khí phách cùng tấm lòng sắt son của những người lính trận – buồn thay – vẫn thường bị lãng quên, nhất là khi họ thuộc bên thua cuộc :
    • “… những người lính chết trận và mất tích ở phía VNCH, chính thể đã sụp đổ vào tháng 4/1975, ít được biết tới và nhiều lúc đã trở thành đề tài cấm kỵ tại Việt Nam thời hậu chiến. Bị chính quyền mới ghẻ lạnh, đồng minh Mỹ lãng quên, các quân nhân VNCH tử trận chỉ được người thân, đồng đội cũ tưởng nhớ và kiếm tìm.”

      (Bùi Thư. “Hành Trình Tìm Hài Cốt Lính VNCH: 39 Năm, Anh Em Nằm Dưới Nền Đất Lạnh.” BBC - 28.04.2020)

    Ở vào hoàn cảnh của những kẻ thuộc phe bại trận thì việc thu nhặt hài cốt hay tìm kiếm những nấm mồ vô thừa nhận của bạn đồng đội – tất nhiên – chả dễ dàng chi, và cũng không mấy khi có được kết quả như mong đợi. Tuy thế, thỉnh thoảng, vẫn có những sự kiện ấm lòng :

    • Ngày 19 tháng 4 năm 2022, FB Dominic Pham cho biết thêm một tin vui: “Người dân Vũng Liêm, Tam Bình, Vĩnh Long đã đào được hài cốt người lính VNCH, với tấm thẻ bài: Nguyễn Văn Hài SQ 50/680.585LM A RH+. Hài cốt của anh đã được đưa vào Chùa. Xin vui lòng gọi 038 663 3049, 093 284 8449 để biết thêm chi tiết.”
                
    • Hôm 15 tháng 03 năm 2022 , trên trang FB Tìm Hài Cốt Chiến Sĩ VNCH cũng cho biết một tin mừng khác, đã được thực hiện từ 10 năm trước. Xin lược thuật :
      • Ngày 19-08-2011, ba cựu quân nhân VNCH đã đến Thị Xã Bà Rịa-Vũng Tàu vì nghe nơi đây có bốn ngôi mộ không bia của đồng đội, nằm trong vườn nhà ông Hai Lì – một cán bộ địa phương… Ông Hai Lì kể:
        • “Tôi là dân Gia Đình Cách Mạng, mấy Ông Rằn Ri này gan lì lắm, mấy Ổng chống đến cùng dù có lệnh đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh 30-04-1975, mấy Ổng chiến đấu cho đến trưa 01-05-1975 rồi cùng nhau tự sát và chính tôi là người chôn cất mấy Ổng, giấy tờ từng Ông tôi bỏ vào một cái hộp chôn theo các Ông.”

        Công việc bốc mộ được tiến hành, tất cả mọi người cùng hồi hộp chờ đợi từ nhát cuốc đầu tiên chạm vào ngôi mộ, sau đó hé lộ dần những hình hài của Các Anh đã chôn vùi nơi đây hơn 36 năm dài đằng đẵng…không Quan Tài, mà cũng chẳng có PONCHO bọc xác, chẳng còn gì với cát bụi thời gian, ngoài những mảnh xương tàn,quần áo đã mục nát …

        Chúng tôi cố tìm những mảnh giấy tờ đã được chôn theo Các Anh sau khi đã lượm lặt từng khúc xương còn sót lại, rồi cho vào từng hũ sành, ghi tên Các Anh, gởi vào Chùa và cầu xin cho Các Anh được siêu thoát khỏi chốn dương trần đầy khổ đau, tủi nhục này và điều mong muốn mãnh liệt nhất là thân nhân Các Anh sớm tìm gặp lại Các Anh sau bao năm dài vắng bặt tin tức…

        Tất cả mọi người cùng ứa lệ mừng vui khi tìm được những tấm thẻ bài, giấy tờ, tên tuổi Các Anh …và đây là những vị Anh Hùng của chúng ta :
        • Ngôi mộ thứ nhất: Có Thẻ Bài tên TRƯƠNG VI CỬ SQ: 75/115.815.
        • Ngôi Mộ thứ hai: có Thẻ Bài tên VÕ QUANG HẰNG SQ: 68/123.320.
        • Ngôi Mộ thứ ba: (gồm có 02 người) trong đó Một Vô Danh không Thẻ Bài. Người có Thẻ Bài tên: TRẦN VĂN HÀ SQ: 67/824.827.

        Sau khi Bốc mộ xong, chúng tôi đã đem 04 hũ cốt gởi Chùa Báo Ân. Địa chỉ: Khu Công Nhân, Thị Trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu. Còn các Di Vật và giấy tờ liên quan kể trên, chúng tôi nhờ MĐ Đẹp giữ. Nếu tình cờ Quý Vị nào hoặc ai đọc được tin tức này hoặc cần biết thêm chi tiết cụ thể, xin vui lòng liên lạc theo số Phone, dưới đây: Nguyễn Văn Thành ĐT: 01645462458 hay Lê Văn Đẹp ĐT: 01684118839.



    Dù không phải là kẻ vô thần, tôi là một người vô đạo (hay khô đạo) bất kể đạo gì! Tuy thế, những dòng thông tin muộn màng (ghi trên) về bạn đồng đội vẫn khiến cho tôi cảm thấy có đôi chút an tâm và vô cùng an ủi.
              

              



    Xin cảm ơn Trời, Đất, Chúa, Phật, Thánh Thần…
    Xin cảm ơn tất cả mọi người
    • đã không ngại công khó,
    • đã lập đài tưởng niệm,
    • đã cải táng,
    • đã lập mộ (cùng khói nhang ấm áp) cho những kẻ thuộc bên thất trận
    – dù chúng tôi đã không chu toàn được trách nhiệm bảo quốc an dân.



    https://www.rfavietnam.com/node/7236
Trả lời

Quay về “Tưởng niệm ngày Quốc Hận 30/04/1975”