Trang 1/1

Châu Âu và Khủng Bố

Đã gửi: Chủ nhật 22/11/15 18:15
bởi Hoàng Vân
  • Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết đóng cửa “xa lộ thánh chiến”
    _______________________________________________
    Minh Anh - 21-11-2015





    Biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. - REUTERS/Murad Sezer




    • Từ lâu nay, Thổ Nhĩ Kỳ được xem như là “xa lộ của quân thánh chiến”. Nhưng những tháng gần đây, chính quyền Ankara đã giảm bớt được số quân thánh chiến đi lại giữa nước này với Syria. Kể từ sau loạt khủng bố tại Paris, Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm cắt đứt “xa lộ” này.


    Chiến dịch đang được khởi động. Trong tuần này, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Feridun Sinirlioglu có tuyên bố:
    • “Chúng tôi sẽ không cho phép Daech tiếp tục có mặt ngay tại biên giới của chúng tôi nữa. Quý vị hãy đợi xem trong những ngày tới”.


    Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cũng đã thông báo ý định ngăn chận dòng chiến binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Ông nói:
    • “75% biên giới đã bị đóng cửa. Cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi sẽ tiến hành chiến dịch để đóng 98 km đường biên giới còn lại”.


    Theo AFP, Thổ Nhĩ Kỳ gần như là cánh cửa để đi vào Châu Âu. Hàng ngàn người theo thánh chiến cũng như phần đông thủ phạm các vụ tấn công khủng bố, như Abdelhamid Abaaoud, được cho đầu não các vụ khủng bố tại Paris, đều phải đi qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ để gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS và cũng từ ngả này để về lại Châu Âu mà không bị chú ý.

    Chính việc chính quyền Damas mất dần quyền kiểm soát biên giới giữa hai nước kể từ khi nội chiến bùng bổ đã tạo thuận lợi cho quân thánh chiến tuyển mộ người, trang bị vũ khí hay thiết bị. AFP cho biết từ sân bay Istanbul, phần đông những tân binh thánh chiến đến từ Châu Âu hay từ những nơi khác được đưa về vùng Gaziantep và Sanliurfa, nam Thổ Nhĩ Kỳ. Rồi từ đây, các chiến binh mới được đưa về tổng hành dinh của IS tại Raqqa, bắc Syria.

    Một nhà ngoại giao phương Tây thổ lộ:
    • “Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn biết rõ việc này.
      Họ đã để yên như thế vì nghĩ rằng việc này có thể sẽ làm cho kẻ thù số một của họ, ông Bachar Al-Assad, sụp đổ nhanh hơn nữa”.


    Chỉ đến khi xảy ra vụ tấn công khủng bố vào khu du lịch Suruc hồi tháng 7/2015, gần với biên giới Syria, chính quyền Ankara mới bắt đầu ý thức được “Daech là một mối đe dọa thật sự cho an ninh Thổ Nhĩ Kỳ”, theo như nhận định của Naz Masraff, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ, thuộc Trung tâm nghiên cứu Á-Âu tại New York.

    Và kể từ khi vụ tấn công nhà ga Ankara vào tháng 10/2015, làm thiệt mạng hơn 100 người, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ mới gia tăng các vụ bắt giữ trong giới thánh chiến Thổ Nhĩ Kỳ. Cách nay vài ngày, lực lượng an ninh nước này đã phá vỡ một âm mưu tổ chức tấn công khủng bố tại Istanbul cùng ngày với vụ tấn công tại Paris.

    Theo các nguồn tin chính phủ, nước này đã bắt giữ và trục xuất hơn 2.300 quân thánh chiến nước ngoài, riêng trong 6 tháng đầu năm nay là 700 người. Vấn đề là mỗi ngày vẫn có hàng trăm người Syria vượt qua biên giới. Do đó,
    • “việc đóng cửa biên giới đương nhiên sẽ khiến quân thánh chiến khó đi qua hơn, nhưng chắc chắn IS cũng sẽ có những phương cách khác, như là trà trộn vào dòng người tị nạn ”,
      theo như nhận định của một thành viên một tổ chức phi chính phủ Syria.




    vi.rfi.fr

Kiểm soát biên giới có thực hiệu quả ngăn chặn khủng bố?

Đã gửi: Chủ nhật 22/11/15 18:36
bởi Hoàng Vân
  • Kiểm soát biên giới
    _____________có thực hiệu quả ngăn chặn khủng bố?

    ________________________________________________________
    Anh Vũ - 21-11-2015






    Cảnh kiểm soát ở một chốt biên giới Pháp Tây Ban Nha. Ảnh tháng 11/2015.
    - AFP PHOTO / RAYMOND ROIG


      • Việc kẻ chủ mưu vụ tấn công Paris, Abdelhamid Abaaoud xâm nhập trở lại châu Âu, tổ chức khủng bố, bất chấp sự theo dõi kiểm soát của cả một hệ thống an ninh dày đặc đã khiến các chuyên gia và cơ quan chức năng châu Âu phải đặt câu hỏi :
        • Liệu một loạt biện pháp kiểm soát biên giới, vừa được châu Âu thông qua,
          có thể ngăn chặn những kẻ thánh chiến « chuyên nghiệp » xâm nhập vào các nước hành động khủng bố ?



    Một tuần sau vụ khủng bố đẫm máu tại Paris, các nước trong Liên hiệp châu Âu, theo đề nghị khẩn thiết của Pháp, hôm qua, 20/11/2015, đã nhất trí áp dụng đồng loạt việc kiểm soát toàn tuyến biên giới của Liên hiệp, một biện pháp chủ yếu nhằm ngăn chặn những kẻ thánh chiến xâm nhập vào châu Âu.

    Cho dù có nhất trí đẩy mạnh việc hợp tác, trong đó có việc thiết lập một hệ thống cung cấp, báo hiệu thông tin nhanh giữa các nước, thì các nước trong Liên Hiệp cũng không đặt nhiều hy vọng sẽ kiểm soát một cách có hiệu quả cửa ngõ ra vào của mình để truy tìm dấu vết của các đối tượng bị tình nghi.

    Một chuyên gia cao cấp chống khủng bố của Pháp, xin giấu tên, ngỏ ý nhận định với AFP rằng :
    • « Cần phải nói, với các biện pháp mới, dẫu là cần thiết, nhưng ta sẽ chỉ tóm được những kẻ ngù ngờ thôi ».


    Thực tế đã cho thấy, những đối tượng lớn chỉ cần
    • thận trọng tránh dùng máy bay,
      làm nhiễu loạn hướng theo dõi bằng cách thay đổi đường đi liên tục,
      chọn các điểm nhập cảnh lỏng lẻo
      hay sử dụng các giấy tờ giả tinh vi,
    là chúng có thể di chuyển ngoài tầm theo dõi của các lực lượng an ninh.

    Chẳng hạn, với một tấm bản đồ, đối tượng có thể dùng xe hơi, chạy xuyên đêm qua các vùng làng quê, hay trên các con đường đất tới biên giới các nước Rumani, Hungary mà không hề gặp bất cứ lực lượng kiểm tra kiểm soát nào.

    Một quan chức của bộ Nội vụ Pháp còn tin chắc là
    • « các đối tượng hoạt động có tổ chức cần phương tiện hậu cần
      vẫn sẽ có cách để xâm nhập vào khu vực Schengen,
      ngay cả khi các nước trong khu vực này đóng cửa biên giới .... »
    . Các trường hợp bị phát hiện thường chỉ là những đối tượng nghiệp dư. Những tội phạm nguy hiểm, ranh mãnh không bao giờ sử dụng tên thật trong giấy tờ đi lại.

    Một hướng xâm nhập khác là trà trộn vào trong đám người tị nạn. Những tay « chuyên nghiệp » không chọn đường này vì bất trắc và mất thời gian, hơn nữa khi đóng giả người tị nạn thì phải để lại vân tay trong hồ sơ đang ký.

    Trường hợp của Abdelhamid Abaaoud, kẻ bị coi là chủ mưu các vụ tấn công Paris là một thí dụ điển hình cho hạn chế của hệ thống kiểm soát của Châu Âu. Là một kẻ thánh chiến nổi tiếng đang bị săn lùng, nhưng Abaaoud thực sự đã giỡn mặt cả hệ thống tình báo, an ninh Châu Âu khi ngược xuôi đi lại nhiều lần giữa Syria -Châu Âu.

    Các chuyên gia còn cho biết một kẽ hở trong việc kiểm tra giấy tờ, đó là
    • những đối tượng bị truy nã vẫn sử dụng giấy tờ giả
      hoặc giấy tờ thật của một người khác có ngoại hình giống mình,
      hay thậm chí chúng có thể sử dụng giấy tờ thật mua của các giới chức chính quyền tham nhũng.


    Với những giấy tờ « thật » như vậy thì có kiểm tra cả trăm lần thì việc đi lại không hề khó khăn gì. Và một khi đã nhập cảnh vào khu vực Schengen rồi thì không còn ai kiểm tra kiểm soát được nữa. Chuyên gia về tội phạm Christoph Naudin, cũng là một chuyên gia về giấy tờ giả, khẳng định với AFP rằng «rất dễ ra vào Liên hiệp châu Âu mà không bị phát hiện ».

    Trở lại với một biện pháp của châu Âu vừa thông qua. Việc thiết lập hệ thống « Passager Name Record – PNR », một loại phiếu dữ liệu cá nhân của các hành khách đi máy bay. Các giới chức chuyên môn cho rằng, biện pháp sẽ chỉ là một công cụ hỗ trợ điều tra chứ không ngăn chặn được việc di chuyển của những đối tượng bị theo dõi.

    Với các tội phạm khủng bố thánh chiến
    quan trọng hơn cả vẫn là ngăn chặn từ trong « trứng nước ».
    Cuộc chiến chống khủng bố giờ đây là cuộc chiến không biên giới, ngược lại
    với những kẻ khủng bố thánh chiến quỷ quyệt thì đường biên giới cũng không tồn tại.





    nguồn: vi.rfi.fr

Captagon, ma túy của kẻ khủng bố

Đã gửi: Chủ nhật 22/11/15 18:58
bởi Hoàng Vân
  • Captagon,
    ________ma túy của kẻ khủng bố

    ________________________
    RFI - 21-11-2015





    Các viên ma túy captagon do các lực lượng an ninh tịch thu được vào tháng 06/2010.
    - AFP PHOTO/JOSEPH EID




    Đêm 13/11/2015, một toán khủng bố đã đột nhập vào nhà hát Bataclan ở Paris và đã xả súng bắn giết không thương tiếc hàng chục người vô tội. Một số nhân chứng đã thoát chết sau vụ thảm sát đã vô tình thấy mặt những kẻ sát nhân đều ghi nhận dáng vẻ lạnh lùng, vô cảm của những kẻ bắn giết.

    Báo chí Pháp trong những ngày qua đã nêu bật hiện tượng là những người này có lẽ đã hành động dưới tác động của ma túy hay thuốc kích thích. Một số nguồn tin còn cho rằng chất ma túy đó rất có thể là loại Captagon.

    Theo Anne Bernas của RFI, Captagon là một loại thuốc kích thích rất phổ biến tại vùng Cận Đông, và là công cụ được tổ chức Nhà nước Hồi giáo sử dụng cho binh lính của họ, đặc biệt là những ứng viên tiến hành các vụ khủng bố tự sát.

    Báo Le Figaro trong số ra ngày 15/11 vừa qua đã phỏng vấn được một nhân chứng cho biết đã nhìn thấy những kẻ khủng bố trước khi những kẻ này ra tay tấn công vào nhà hát Bataclan. Những người này ngồi trên chiếc xe Polo màu đen, với dáng vẻ được mô tả như là những xác chết biết đi, như thể là họ được chích ma túy.

    Nhân chứng được Le Figaro đặt tên là Christophe này đã kể lại:
    • “Họ (tức là những kẻ khủng bố) đã đậu xe ngay trước mặt tôi vào lúc mà chỗ đậu xe không còn nhiều. Lúc đó tôi đã thấy là hành vi của họ rất quái lạ. Tài xe lái xe đã có vẻ rất vụng về, tựa như là anh ta chưa rành lái xe”.






    Những xác không hồn Vô cảm

    Vào lúc đó, nhân chứng của báo Le Figaro đang ở nhà hàng Cellar, số 9 đường Crussol, quận 11 Paris gần nhà hát Bataclan. Anh kể tiếp:
    • “Tôi đã ra gặp họ để bảo rằng họ đã đậu xe không đúng luật. Thế nhưng họ không thèm hạ kiếng xe, và đã nhìn tôi một cách dữ dằn. Nhìn họ giống như những thây ma biết đi, chẳng khác gì những người say ma túy”.


    Nhận xét kể trên về tính chất vô cảm, nhẫn tâm, giết người không chớp mắt của những tên khủng bố cũng được nhiều người thoát chết trong vụ tấn công xác nhận, khiến cho nhiều quan sát viên cho rằng các thủ phạm đã dùng chất kích thích trước lúc hành sự, và rất có thể đó là chất Captagon, một loại thuốc kích thích gây hưng phấn, làm con người mất hẳn nhân tính. Đây là loại ma túy ngày càng được sử dụng trong hàng ngũ thánh chiến hay nơi những người muốn thực hiện khủng bố tự sát

    Theo tuần báo Pháp Le Point, tác giả vụ khủng bố ở Sousse, Tunisia, tháng Sáu vừa qua, đã sử dụng Captagon, và những ống chích có chất ma túy này đã được tìm thấy tại những nơi cư trú của Salah Abdeslam, kẻ bị cho là đã đứng sau vụ khủng bố ở Paris đêm 13/11, và những đồng lỏa của nhân vật này.

    Captagon được tạo nên từ chất fénéthylline, một loại amphétamine được ghi trên danh sách các chất kích thích thần kinh Tổ chức Y tế Thế giới OMS từ 30 năm nay. Loại ma túy này có tác dụng làm cho người uống nó hay chích nó có cảm giác là họ có sức mạnh phi thường, cảm nhận là mình bất bại.





    Hoàn toàn mất nhân tính


    Giáo sư Jean-Pol Tassin, viện INSERM của Pháp và chuyên gia về hiện tượng nghiện, từng giải thích :
    • « Cũng như các loại amphétamine khác, chất ma túy này dẫn đến việc
      • không biết mệt mỏi,
        cảnh giác cao hơn
        và làm mất đi sự đánh giá – jugement-.
        Nó tạo cảm giác cho người sử dụng là mình đầy uy lực, là ‘vua thế giới’ ».


    Nhưng một khi tác động của thuốc kích thích giảm đi, thì người sử dụng bị chuyển qua một loại bệnh tâm lý, với các chức năng tinh thần bi suy thoái, với trạng thái hưng phấn được tiếp nối bằng tình trạng trầm cảm. Về cơ thể thì người dùng chất này không còn cảm thấy đau đớn, sợ sệt...

    Cho nên nếu một kẻ khủng bố bị câu lưu trong tình trạng này, tức là tình trạng bị chất ma túy khống chế, thì kẻ khủng bố đó không cảm nhận bất cứ gì, không bị sức ép của bất cứ gì, về cơ thể hay tâm lý.

    Những người thoát nạn trong vụ thảm sát ở nhà hát Bataclan đêm 13/11 kể lại là các kẻ khủng bố có vẻ hoàn toàn không còn tri giác, mất đi tính người và có dáng dấp của những người bị say ma túy nặng nề, những dấu hiệu rất giống trạng thái do chất Captagon gây ra.

    Mọi người đều nhớ lại hình ảnh chụp được trong vụ khủng bố ở Sousse (Tunisia) cho thấy thủ phạm Seifeddine Rezgui, cầm vũ khí trên tay đi trên bãi biển mặt tươi cười. Dưới hệ quả của chất ma túy, giết người đối với họ là một hành động hoàn toàn không nghĩa lý gì hết.

    Captagon hiện nay được bán ở Syria cho chiến binh của phe đối lập, Quân đội Syria Tự do, cho Mặt trận al-Nostra thân al Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Giới buôn ma túy trong vùng giàu to nhờ loại thuốc này, tình hình hỗn loạn ở Syria càng tạo điều kiện thuận lợi. Một người đã mỉa mai : « Hiện nay có ai quan tâm đến chuyện này nữa đâu », trong lúc mà sử dụng ma túy là điều cấm kỵ trong luật Hồi giáo.





    Một loại ma túy « thịnh hành » trong thế giới Ả Rập

    Captagon đang trở thành « thần dược » của kẻ khủng bố, nhưng chất ma túy này phải nói là thường được sử dụng từ lâu trong thế giới Ả Rập. Cách đây 15 năm, những viên thuốc bé nhỏ màu trắng sản xuất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria được chủ yếu bán qua các nước vùng Vịnh.

    Theo một báo cáo của Cơ quan Liên Hiệp Quốc chống ma túy và tội ác UNODC, thì một viên Captagon chỉ có giá vài cent ở Liban, nhưng khi bán lại cho các nước vùng Vịnh thì giá mỗi viên lên đến vài chục đô la. Ngày 2/11 vừa qua, ngành tư pháp Liban đã kết tội 10 người về tội buôn ma túy và trong đó có một ông hoàng Ả Rập Xê Út. Những người này đã tìm cách đưa gần 2 tấn Captagon viên ra khỏi Liban, trên một chiếc máy bay riêng. Đây là vụ tịch thu ma túy lớn nhất chưa từng xẩy ra ở phi trường Beyrouth.

    Tháng Tư năm ngoái, 2014, 15 triệu viên Captagon đã bị tịch thu ở hải cảng của thủ đô Liban, ma túy được giấu trong những container bắp ngô. Ngành chống buôn lậu ma túy Ả Rập Xê Út ngày 15/11 vừa qua, cho biết đã tịch thu 22,4 triệu viên amphétamine trong một năm.

    Nhưng không phải chỉ có giới khủng bố hiện nay sử dụng amphétamine, theo một số tài liệu, chiến sĩ cảm tử Thần phong Nhật Bản và lính Đức Quốc xã cũng đã sử dụng chất này và do quân đội cung cấp.



    nguồn: vi.rfi.fr

Châu Âu thiếu hợp tác về chống khủng bố

Đã gửi: Thứ sáu 27/11/15 16:06
bởi Quy Nam
  • Châu Âu thiếu hợp tác về chống khủng bố
    ___________________________________
    Thanh Phương - 20-11-2015




    Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon (G) tới dự cuộc họp bất thường tại Bruxelles, 20/11/2015
    - REUTERS/Eric Vidal



    Những vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris ngày 13/11/2015, cho thấy rõ là các nước trong Liên Hiệp Châu Âu đã thiếu hợp tác chặt chẽ về chống khủng bố, đến mức mà kẻ được coi là đầu não các vụ tấn công tại Paris, Abdelhamid Abaaoud, đã có thể ung dung từ Syria quay trở về châu Âu, đi vào nước Pháp, mà không hề bị phát hiện, cho đến khi bị giết chết ngày 18/11. Cuộc điều tra về các vụ khủng bố ngày 13/11 càng tiến triển, người ta càng thấy rõ những lỗ hổng trong mạng lưới an ninh Châu Âu.

    • Theo các chuyên gia, một trong những lý do có thể giải thích tình trạng này, đó là các cơ quan tình báo Châu Âu nay
      • đã không dùng nhiều phương tiện « con người »,
        mà chủ yếu dùng các phương tiện « kỹ thuật ».
      Trong những năm gần đây, các cơ quan tình báo Châu Âu thường sử dụng các biện pháp kiểm soát các liên lạc qua Internet hoặc qua điện thoại để theo dõi những kẻ theo xu hướng cực đoan hoặc đang chuyển theo xu hướng cực đoan, bởi vì họ thấy rằng những kẻ khủng bố tiềm tàng thường sử dụng các mạng xã hội và mạng Internet để liên lạc với nhau. Trong khi đó, để có thể ngăn chận các mưu toan khủng bố, không có gì hiệu quả hơn là đến điều tra tại chổ hoặc cài người vào các nhóm Hồi giáo cực đoan.

      Vấn đề là phương tiện « con người » rất là tốn kém cho các cơ quan tình báo Châu Âu, trong khi hiện nay nước nào cũng phải lo cắt giảm ngân sách Nhà nước. Nhưng từ sau loạt khủng bố ở Paris vào tháng Giêng năm nay, Pháp đã quyết định tuyển dụng thêm hơn 1000 nhân viên cho các cơ quan tình báo, nhưng phải đến cuối năm 2016 đầu 2017, các nhân viên này mới có thể bắt tay vào việc sau khi được đào tạo.

      Riêng về các vụ tấn công ở Paris thì nước Bỉ đã bị chỉ trích nặng nề vì phần lớn những kẻ khủng bố là công dân Bỉ, thế mà cơ quan tình báo của nước này đã không phát hiện được trước khi nhóm khủng bố sang Paris để hành động. Nhưng Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã rất giận dữ bác bỏ những lời chỉ trích nhắm vào cơ quan tình báo nước ông.
    • Vấn đề thứ hai đó là sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Từ sau các vụ tấn công khủng bố ở Madrid năm 2004, các nước Châu Âu đúng là đã có tăng cường hợp tác, nhưng chủ yếu là hợp tác song phương, chứ không phải là trong khuôn khổ Châu Âu. Trở ngại chính của hợp tác đa phương Châu Âu đó là do nhiều nước không chịu từ bỏ chủ quyền quốc gia nên không muốn chia sẻ nhiều thông tin tình báo với các nước khác.

      Tại cuộc họp ở Bruxelles hôm nay Uỷ ban Châu Âu đã đề nghị thành lập một « Cơ quan tình báo Châu Âu », nhưng bộ trưởng Nội vụ Đức đã bác ngay đề nghị này. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng ít ra phải có một hệ thống mà trong đó mỗi quốc gia tự thu thập thông tin và để các thông tin đó vào một cơ sở dữ liệu, mà các nước khác có thể tham khảo được. Có như thế mới hành động nhanh chóng và hiệu quả hơn hiện nay.
    • Vấn đề thứ ba cũng gay go không kém đó là không gian Schengen. Trong một khu vực mà mọi người được tự do đi lại như vậy, làm sao có thể kiểm soát được những người bị tình nghi khủng bố ? Các bộ trưởng Châu Âu hôm nay đã quyết định tăng cường kiểm soát biên giới bên ngoài Liên Hiệp Châu Âu, ngay cả đối với các công dân Châu Âu.


    Paris cũng đang đòi Liên Hiệp Châu Âu nhanh chóng thông qua dự án kho dữ liệu hành khách hàng không Châu Âu ( PNR ), để cơ quan an ninh các nước Châu Âu có thể biết được chính xác hành trình của những kẻ khủng bố và như vậy có thể vô hiệu hóa những kẻ này trước khi họ ra tay hành động.

    Và cuối cùng, Liên Hiệp Châu Âu bắt buộc phải tăng cường kiểm soát vũ khí tại các quốc gia bên trong khối này, để ngăn ngừa bọn khủng bố dùng vũ khí chiến tranh giết người hàng loạt như ở Paris vừa qua.



    nguồn: vi.rfi.fr

Năm lỗ hổng trong ngành tình báo Pháp

Đã gửi: Thứ sáu 27/11/15 16:28
bởi Quy Nam
  • Năm lỗ hổng trong ngành tình báo Pháp
    ____________________________________
    Minh Anh - 26-11-2015




    Cảnh sát đứng gác chung quanh trụ sở Tổng nha Phản gián Pháp ở Levallois, gần Paris ngày 08/01/2015.
    - AFP PHOTO / KENZO TRIBOUILLARD



    Vụ khủng bố thảm khốc tại Paris cách đây hai tuần vẫn còn ám ảnh các báo Pháp số ra ngày 26/11/2015. Sau đợt tòa soạn báo trào phúng « Charlie Hebdo » bị tấn công hồi đầu năm nay và bất chấp các báo động trong những tháng gần đây, các cơ quan tình báo Pháp đã bất lực trong việc giám sát những tên khủng bố ngày 13/11/2015. Libération trên trang nhất bức xúc đặt câu hỏi : « Tình báo: Vì sao chúng ta để chúng lọt lưới ? ».



    1. Thủng từ trong hệ thống

      Tờ báo dành ra bốn trang để điểm ra « Những mắc lưới thủng của ngành tình báo », mà theo nhật báo có đến tổng cộng 5 lỗ thủng. Thứ nhất, « Những mắc lưới thủng ngay trong hệ thống ». Đây chính là hệ quả của việc sáp nhập hai cơ quan giám sát :
      • Nha An ninh Quốc gia (Direction de la Sûreté de l’Etat-DST)
        và Tổng cục Tình báo (Renseignements généraux – RG)
        để thành lập Tổng nha Phản gián (Direction centrale du Renseignement intérieur – DCRI) năm 2008.


      Cựu Tổng thống Pháp lúc bấy giờ là ông Nicolas Sarkozy muốn chấm dứt sự trùng lắp và thiết lập một hệ thống theo dõi « FBI theo kiểu Pháp ». Hệ quả là sự sáp nhập đó đã làm tan rã những mắc lưới do RG thiết lập từ nhiều năm qua.

      Một chuyên gia phân tích lấy làm tiếc rằng :
      • « Tổng cục tình báo RG đã có nhiều mối liên hệ với người dân.
        Họ có nhiều mối giao tiếp khác nhau (các giáo sĩ, các chủ doanh nghiệp, nhân viên trợ giúp xã hội, láng giềng…)
        và họ có thể nói chi tiết đôi khi từng con phố một, từng tòa nhà một, nếu như có những vấn đề tồn tại ».


      Còn theo đánh giá của cựu nhân viên tình báo khác,
      • « Phá vỡ RG là một sai lầm chiến lược.
        • Cả một kho dữ liệu về thế hệ khủng bố tiềm tàng đã bị thất lạc,
          hồ sơ theo dõi bị hủy,
          các nhóm cảnh sát từng làm việc chặt chẽ với nhau cũng bị phân tán,
        và ngày nay chúng ta đang trả giá đắt cho sự việc đó ».
    2. Hệ thống theo dõi lạc hậu

      Cánh tay thì cụt mà tầm với lại quá cao. Tầm mức các đối tượng theo dõi gần như vô số kể. Một nguồn tin chính phủ buộc phải thốt lên là :
      • « Ngày nay, chúng ta không chỉ
        • phải để mắt đến những tên trộm cướp cực đoan hóa,
          mà còn phải chú ý cả những tên điên có khả năng tấn công một căn cứ hải quân bằng dao,
          những cựu chiến binh thánh chiến thoắt ẩn thoắt hiện,
          những kẻ vừa ra tù,
          các em thiếu niên bị cô lập,
          và có thể kể từ giờ còn phải theo dõi cả người tị nạn nữa…
        Thật tình mà nói, điều đó đã vượt quá sức cho một Tổng nha phản gián duy nhất ».


      Trong bối cảnh đó, hệ thống theo dõi của Pháp vẫn còn quá mang đậm « một nền văn hóa được kiến tạo từ thời chiến tranh lạnh ». Đó chính là lỗ hổng thứ hai của ngành tình báo Pháp. Tiền thân của Tổng nha phản gián DGSI là DST chỉ chuyên chống gián điệp, chứ không phải là chống khủng bố.

      Giữa hai hình thức này có một sự khác biệt rõ nét :
      • Phản gián đòi hỏi nhiều thời gian, xử lý thông tin kiên nhẫn và có một văn hóa bí mật.
        Trong khi đó, chống khủng bố lại đòi hỏi xử lý nhanh và chia sẻ thông tin.
      DGSI của Pháp từ hơn 30 năm nay được nuôi dưỡng theo kiểu chiến tranh lạnh và bị ám ảnh bởi hình mẫu gián điệp Nga hay Iran.
    3. Quá lệ thuộc vào công nghệ

      Lỗ hổng thứ ba đến từ « Cái bẫy của việc tất cả đều công nghệ hóa ».
      Cũng trong năm 2008, dưới thời Tổng thống Sarkozy, Pháp quyết định tiến hành cuộc đua công nghệ. Sách Trắng quốc phòng trong năm đó đã tăng chi tiêu cho đầu tư công nghệ trong ngân sách hàng năm của các cơ quan tình báo. Thế nhưng, việc giám sát hàng loạt các dữ liệu giao tiếp, đang dần thay thế cho việc thu thập thông tin từ nguồn nhân lực, đã tỏ ra kém hiệu quả.

      Về điểm này, ông Claude Moniquet, cựu nhân viên Tổng cục tình báo DGSE, có giải thích với nhật báo như sau : « Xin ngân sách cho một chiếc siêu máy tính còn dễ hơn là cho người làm tại địa bàn ». Nhưng ông Moniquet cũng không quên nhấn mạnh là : « Ngành tình báo đầu tiên hết là con người. Còn kỹ thuật chỉ là công cụ hỗ trợ ». Nhất là khi phải đối phó với những tên khủng bố không sử dụng các phương tiện giao tiếp điện tử, như Oussama Ben Laden là một ví dụ điển hình.
    4. Thiếu một đội ngũ chuyên gia phân tích

      Quá dựa vào công nghệ nhưng lại « thiếu hẳn khả năng phân tích » là lỗ hổng thứ tư. Ngành tình báo Pháp hiện đang thiếu các chuyên gia có thể diễn giải và phân tích các thông tin thu thập được. Một lỗ hổng thường xuyên bị chỉ trích. « Họ cứ lẫn lộn giữa thu thập và phân tích ».

      Một cựu nhân viên an ninh cho biết :
      • « Tổng cục tình báo từng là một bộ phận rất tinh thông kỹ thuật phân tích,
        giờ lại trở thành một cơ quan kỹ thuật, nhưng có một năng lực phân tích kém cỏi.
        Trong khi đó, họ rất cần chuyên gia phân tích để hỗ trợ lẫn nhau ».
    5. Châu Âu nói nhiều làm ít

      Lỗ hổng cuối cùng nhật báo điểm ra chính là « Tại Châu Âu : sự hỗ tương chỉ là tối thiểu ». Các nước thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu (EU) đề ra rất nhiều biện pháp hợp tác, nhưng vẫn còn xa mới thực hiện được. Mặc dù là EU có cả Europol , trụ sở tại La Haye, nhưng Libération cho rằng vẫn còn xa cơ quan này mới thành « FBI của Châu Âu ».

      Bởi vì
      tình báo, cảnh sát, tư pháp và quốc phòng
      vẫn còn là chuyện nội bộ của từng nước thành viên.

      Cho đến giờ, việc chia sẻ các thông tin giữa các nước với nhau vẫn còn gặp khó khăn. Phải đợi đến tháng Giêng năm 2013 và nhất là sau vụ tấn công « Charlie » ở Paris đầu năm 2015, các nước thành viên mới bắt đầu trao đổi danh sách các nghi can theo dõi.



    nguồn: vi.rfi.fr

Re: Châu Âu và Khủng Bố

Đã gửi: Thứ sáu 27/11/15 16:56
bởi Quy Nam
  • Pháp đơn độc chống khủng bố ?
    _______________________________
    Minh Anh - 26-11-2015




    Pháp sau vụ khủng bố đang cố vận động thành lập một liên minh lớn chống Daech. Chỉ trong mấy ngày
    • Tổng thống Pháp đã tiếp Thủ tướng Anh David Cameron tại Paris,
    • gặp đồng nhiệm Mỹ tại Washington,
    • và hôm nay gặp đồng nhiệm Nga tại Matxcơva.
    Thế nhưng, theo quan sát của báo Le Monde, « Liên minh lớn chống IS đang gặp bế tắc ».

    Bế tắc là vì « Căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang làm phức tạp thêm cuộc chiến chống IS », mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc Ankara bắn hạ một chiến đấu cơ của Nga. Sự việc cũng đặt ông « Hollande vào thế kẹt giữa Obama và Putin » như tựa đề bài viết trên trang 3.

    • Giữa một bên là liên quân gồm 65 nước do Hoa Kỳ dẫn đầu,
      trong đó có Pháp cũng như các nước vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ.
      Một liên quân rộng lớn với những ưu tiên khác nhau, không có một chiến lược chung nào. Đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ. Đây cũng là mắc xích yếu nhất trong liên minh.

      • Thổ Nhĩ Kỳ, nước láng giềng của Syria, là điểm trung chuyển của quân thánh chiến về nhân lực, tài chính và vũ khí. Nhưng trong cuộc chiến chống IS này, Ankara có hai mục tiêu rất rõ ràng :
        • kềm hãm sự đi lên của vùng tự trị Kurdistan ngay trước cửa nhà mình
          và hạ bệ ông Bachar al-Assad.

        Nhưng vì cũng cần đến căn cứ không quân tại Incirlik, Hoa Kỳ buộc phải dàn xếp với đồng minh Thổ, bằng cách giảm bớt việc giao vũ khí cho quân Kurdistan tại Syria.
        Trong khi đó, Paris lại rất muốn dựa vào đội quân này để tiến hành phản công vào Raqqa, thủ phủ quân thánh chiến tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria.
    • Bên kia là liên quân Nga-Iran,
      kích cỡ tuy nhỏ hơn, nhưng quyết tâm hơn và có chiến lược rõ ràng hơn.
      Nga bằng mọi giá phải duy trì sự hiện diện của họ tại Syria. Do đó, Matxcơva quyết định
      • ủng hộ chế độ Damas
        và đè bẹp cùng lúc quân nổi dậy và quân thánh chiến IS.

      Le Monde lưu ý là ý định rõ ràng đó chưa chắc đảm bảo được một sự thành công
      • tại một đất nước Syria Hồi giáo phần đông theo hệ phái Sunni,
        và rất căm ghét gia tộc Assad thuộc hệ phái Alawite hiện đang cầm quyền.

    Paris, sau vụ khủng bố hôm 13/11
    • vừa muốn xích lại gần Nga, nên không còn đặt sự ra đi của Bachar như là một điều kiện tiên quyết nữa,
      vừa lại muốn củng cố liên minh với Hoa Kỳ. Thế nhưng Washington lại tỏ ra ngờ vực Matxcơva.


    Cuộc hội đàm Hollande-Obama đã cho thấy rõ là một liên quân toàn cầu khó mà thực hiện được.
    Vụ bắn rơi chiến đấu cơ Nga đã chứng tỏ là ai cũng khư khư giữ lấy lợi ích riêng của mình trong khu vực.
    Le Monde kết luận :

    Đây quả là « Cuộc đua việt dã ngoại giao đầy khó khăn của ông Hollande ».




    nguồn: vi.rfi.fr