Mình ơi 51 _ GIÁO DỤC CON EM CỦA NGƯỜI MIỀN TÂY XƯA
Đã gửi: Thứ sáu 31/01/25 08:46
-
MÌNH ƠI 51GIÁO DỤC CON EM
CỦA NGƯỜI MIỀN TÂY XƯA
______________________________
Kha Tiệm Ly
Mấy lần liếc qua chồng, phu nhân đều thấy thám hoa tủm tỉm cười một mình, bèn hỏi:
- Bộ nhớ hồng nhan nào sao cứ tủm tìm hoài vậy đại nhân?
- Tự nhiên anh nhớ những lời mẹ ngày xưa dạy thấy lý thú nên cười thôi.
- Mẹ dạy gì, nói em nghe!
- Dạy thì kể sao mà hết? Kể những chuyện đã in vào ký ức thôi. Nói riêng là mẹ; nói chung là phụ nữ miền Tây họ dạy con cháu với những hình thức là khuyên răn, hăm dọa, roi vọt và tâm linh. Bậc cha mẹ luôn khuyên con làm điều tốt, lễ phép với mọi người, vân vân…, nếu đứa trẻ “ngoan cố” thì dọa sẽ đánh đòn, hoặc đem giáo điều Phật giáo răn đe.
Lối giáo dục con cái của người Miền Tây hay kể cả người Phương Tây đúng chỗ nào sai chỗ nào không thể phân tích một vài câu là đủ. Hồi nãy anh mím chi cọp là vì anh nhớ mỗi lần ăn trái sa pô mẹ đều dặn phải khượi hột ra cẩn thận rồi mới được ăn, nếu không vài ngày hột sẽ mọc mầm trong bao tử, rồi thành cây, nó sẽ chĩa ra họng đó! Anh (và các bạn) nghe sợ thấy mồ nên từ đó khi ăn trái cây đều cẩn thận, không vội vàng; khi lờn thì thành thói quen.
Lại nữa là khi ăn chén cơm cuối cùng mẹ dạy phải vét trong chén không còn hột cơm nào, nếu không khi chết xuống âm phủ quỷ sứ cho ăn dòi! Nếu bẻ ngoe, bẻ càng 1 con cua còn sống thì “xuống dưới” sẽ bị quỷ sứ chặt tay!
Làm cái gì hơi “ác” một chút hay thiếu đạo lý một chút, như nhại tiếng người nói đớt, nói ngọng; giả tướng đi của người què chân hay ăn nói vô phép với người lớn tuổi… mây mây… thì bị rầy là: “tội chết”, “kiếp sau con sẽ bị như vậy”.
- Em thích người miền Tây trước khi trả lời 1 câu hỏi, luôn bắt đầu tư tiếng “dạ” hay “thưa” và không bao giờ nói “trổng”. Họ luôn “xin lỗi” nếu thấy mình có lỗi dù nhỏ như hột tiêu, cũng như “cám ơn” khi mang ơn ai dù chỉ là một lời nhắc nhở nhỏ nhoi!
Nhưng em có một thắc mắc, tại sao bậc ông bà cha mẹ ta lúc đó dốt chữ (phụ nữ mù chữ gần 100%) mà sao biết những lời hay lẽ phải mà dạy cho con cháu để khi lớn lên con trai thì ai cũng biết trọng nghĩa nhân, tràn dũng khí; còn con gái thì nói năng khuôn phép, thùy mỵ nết na vậy mình?
- Có gì đâu, cứ lớp sau học lớp trước và lớp nào cũng học từ thành ngữ, tục ngữ, ca dao. Mà thành ngữ, tục ngữ, ca dao là một kho tàng kiến thức vô tận về mọi mặt: “Của phi nghĩa chẳng giàu lâu/ Ở cho ngay thẳng giàu sang mới bền”. Công cha như núi Thái Sơn / nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. “Trọng thầy mới được làm thầy”. “Tốt danh hơn lành áo”. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. “Có đức không sức mà ăn”. “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. “ Móng dài thì nắng, móng vắn thì mưa”. “Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang…
Phu nhân cướp lời:
- … Bao nhiêu tất đất tất vàng bấy nhiêu!”. Thôi mình nói nhiêu đó em đủ hiểu rồi, mình kể hết chắc tới sáng! Em thích ca dao thành ngữ ở chỗ là đọc lên thì ai cũng hiểu câu đó muốn dạy người ta cái gì, không làm người ta phải suy nghĩ. Em thích nhứt là câu “Đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn”, tức là hai vợ chồng thương yêu nhau, cùng lòng cùng sức thì việc lớn mấy, khó khăn mấy cũng làm thành công (nghiêng đầu qua Thám hoa), phải không mình? Còn mình thích câu nào?
- Anh thích nhưt là câu “Đồng vợ đồng chồng, mấy tô bún giò heo cũng hết”.
Phu nhân lắng nghe, giờ cụt hứng vì biết chồng nhạo mình thích bún giò heo miền Tây, bèn… “phủi bụi” lia lịa vào lưng Thám hoa:
- Ghẹo em nè! Ghẹo em nè!
- Nghĩ thương mà cũng giận: Thích bún giò heo mà mỗi lần đi ăn lại gắp thịt bỏ cho chồng thiếu điều hết thịt trong tô! Nói hoài cũng vậy!
Nũng nịu:
- Em “xương” mình em mới gắp bỏ cho mình chớ em gắp bỏ cho ai sao mà mình ghét em?
Thám hoa hắng giọng:
- Lễ phép là điều đầu tiên người xưa dạy cho con của mình. Lúc trẻ còn… chưa biết nói; mà nếu có người lớn lại nhà thì cha mẹ thường giữ hai tay con khoanh trước ngực, một tay đè nhẹ đầu con xuống rồi nói: “Ạ (dạ) bà đi (hay ai đó) con! Ạ, ạ… giỏi giỏi!...”. Những điều thấy như khôi hài nầy mà lại khiến bọn trẻ lớn lên lại biết chào hỏi người lạ, biết “đi thưa về trình”! Theo thời gian, họ dạy con cách làm người: Phải biết thương yêu súc vật, thương người đói rách, tàn tật, trọng người già cả… Điều nầy phù hợp với chủ trương của nhà trường là “Tiên học lễ hậu học văn” mà những bài học đức dục đã chứng minh.
Vì vậy, người ta không lấy làm lạ khi thấy trẻ em ra đường hễ gặp người lớn là cúi đầu chào. Chuyện kêu người lớn lối xóm vắng mặt (dù ghét tận xương tủy) bằng “thằng” không bao giờ có, chớ đừng nói chi là nguyên thủ một quốc gia! (thằng Nixon, thằng…)
Ra đường gặp đám ma là giở nón chào; thấy chào cờ dù đi bộ hay đang đi xe, tất cả đều dừng lại đứng nghiêm trang.
Với con gái thì càng nghiêm khắc. Đến năm, sáu tuổi là phụ mẹ nấu cơm, không được cười đùa cợt nhã, phải giữ gìn từ lời ăn tiếng nói, miếng ăn. Lớn chút nữa thì phải ăn mặc kín đáo, sạch sẽ, ko được đưa hai tay qua khỏi đầu trước mặt người khác; nói chuyện phải dịu dàng hòa nhã; không lớn tiếng và nhứt là tránh dùng từ “sướng” và “đã”!
- Sao kỳ vậy? Ạ, a…Em hiểu rồi… (đỏ mặt)
- Đến tuổi dựng vợ gả chồng, người con gái còn được “lên lớp” nhiều hơn: Phải kính trọng, hiếu đễ với cha mẹ chồng như cha mẹ ruột, thương yêu em chồng như em ruột; phải dạy con ngoan nhứt là phải thủy chung với chồng….
Phu nhân có vẻ bực mình:
- Như vậy phụ nữ miền Tây không có người lẳng lơ, trắc nết?
- Nói là nói chung vậy thôi! Người xấu nơi nào không có? Nào kẻ tham dâm Võ Tắc Thiên còn chào thua, nào kẻ tham vàng phụ ngãi, nào kẻ “hiền” như… sư tử Hà Đông, nhưng rất hiếm! Có điêu phải nhìn nhận rằng nạn ly hôn TRƯỚC KIA dường như không thấy!
- Sao vậy?
- Từ thuở nhỏ trai gái được dạy dỗ “Trọng nghĩa khinh tài”, “Mang ơn phải nhớ ơn”, “Một ngày cũng tình nghĩa vợ chồng”, “Khi giàu sang đừng quên người vợ (chồng) lúc nghèo khổ”…. Hơn nữa, vợ chồng ở với nhau từ hàn vi, họ đã chịu cực, chịu khổ, chia xớt trăm cay ngàn đắng, nhường cơm xẻ áo cho nhau, lo lắng cho nhau, ÂN NGHĨA TRÙNG TRÙNG, thì sao nỡ bỏ nhau?
- Vậy cớ sao ngài không chịu cưới gái miền Tây mà tìm đâu tận Thăng Long vậy?
- Vạn sự tùy duyên! Hừm… tại ngài Lại bộ thượng thư thấy tui dễ thương, khí phách cùng mình nên ngài gả con cho đó mừ! Hii
Nhéo nhẹ vào hông thám hoa:
- Tui biết ngài chọc tui nhưng câu nói dô diêng làm mất lòng bản tiểu thư đó nghe chưa? Nghe chưa?
- Em biết gồi La Sát! Hii… Anh chọc mình cho vui mừ. Chớ anh sao quên được kỳ thi Đình năm Ất Tỵ, trời lạnh thấu xương, nếu không có mình lén bảo gia nhân cho áo ấm và thức ăn, thì anh đã chết cóng rồi, còn đâu để chọc mình nữa! Ơn mình trùng trùng nói sao cho hết?
- Thôi bỏ qua đi mình. Mình nói tiếp đi.
- Có một điều mà ít ai dám nhìn nhận là trong thời kỳ thuộc Pháp (Nam Kỳ là thuộc địa), mình đã học hỏi họ rất nhiều điều, như giao tiếp, vệ sinh,… và nhất là biết tôn trọng phụ nữ hơn trước. Thôi, tạm ngưng, nói nhiều chuyện nầy coi chừng bị ném đá! Gần Tết rồi, mình chuẩn bị đón Tết đi mình.
- Dạ, để em hâm nồi thịt kho tàu đã. Mà mình ơi, công nhận anh Ba ảnh có món “thit kho tàu” nầy hạp với dân ta quá hén mình: Ai cũng khoái, không có nhà nào thiếu nó trong mấy ngày Tểt!
- Thịt kho tàu đâu phải của người Tàu! Bằng chứng là nó không có trong thực đơn của người Tàu không có món nầy; người Tàu bên Việt Nam họ có món nầy là vì họ có người vợ Việt Nam thôi!
- Cớ sao gọi là “thịt kho tàu”?
- Có thuyết bảo, sở dĩ gọi là “thịt kho tàu” là vì những người làm nghề đánh cá ngoài biển họ thường đem món nầy theo đẻ ăn trong những ngày lênh đênh trên biển vì nó để được lâu và “càng hâm càng ngon” nên rất thuận lợi. Thuyết thứ hai là vào thời mở cõi ông bà ta thường di chuyển bằng ghe xuồng (lúc đó đường bộ rất ít và không tiện lợi), nên họ thường đem món nầy theo trong cuộc hành trình (vì tiện lợi như nói ở trên) nên gọi “thịt kho tàu” là vậy!
Thuyết thứ ba là của nhà văn tiếng tăm đáng kính Bình Nguyên Lộc. Ông giải thích rằng, “tàu” có nghĩa là “lờ lợ giữa mặn và ngọt”, hương vị của “thịt kho tàu” cũng như vậy. Ông còn nói sở dĩ gọi là Cái Tàu Hạ, Cái Tàu Thượng (thị trấn của huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) là vì hai con rạch ầy có nước lờ lợ mặn ngọt. Ban đầu anh cũng tin thuyết nầy nhưng sau khi về nơi ấy tìm hiểu thì quý bậc lão thành bảo rằng “tôi ở đây mấy đời chưa bao giờ thấy nước hai con rạch nầy “lợ” cả!”
- Em muốn biết ý của ngài Thám hoa thế nào?
- Theo anh, anh tin thuyết thứ hai là đúng, bởi vì thời khai phá, vùng đất mới làm gì có nghề đi biển?
- Sao mình không nghĩ “thịt kho tàu” là bắt nguồn từ miền Trung hay miền Bắc. Nơi đây nghề đi biển đã có từ lâu đời mà!
- Chác chắn “thịt kho tàu” là của dân Nam, bởi trong “thịt kho tàu” có một nguyên liệu không thể thiếu là nước dừa; mà nước dừa hai miền kia rất hiếm, thậm chí là không có!
- Còn bánh Tét có phải là do chữ Tết mà ra không mình? Bánh Tét mà ăn với thịt kho tàu là hết xẩy!
Thám hoa lắc đầu:
- “Tét” không liên quan vì tới “Tết” cả đại tiểu thư à. Gọi là bánh Tét là vì khi ăn, thay vì phải lấy dao cắt ra, điều nầy nó làm cho dính dao, lại nặng tay; thì người ta chỉ cần lấy sợi dây buộc bánh, “tét” nó ra nhẹ nhàng và gọn gàng, tiện lợi. Đơn giản vậy thôi!
Bánh Tét cũng có mặt từ thời khai phá. Nó để ba bốn ngày cùng không thiu, rất tiện lợi cho việc mang theo trên đường di chuyển trong thời khai phá: xách tay hay treo lên bất cứ chỗ nào, bởi hai đòn cột dính với nhau.
Phu phân ôm cổ chồng “chụt” vào má 2 phát:
- Chồng em giỏi quá hà! Đợi giao thừa em “xưởng” cho nhé!
CAO THÁM HOA
https://www.facebook.com/khatiemly1252/ ... XnSsL92ul?