Sách Kissinger's Betrayal, bản việt ngữ
Đã gửi: Thứ bảy 11/01/25 05:52
-
Sách
Kissinger's Betrayal,bản việt ngữ
____________________________
Nguyễn thị Cỏ May _ 10/01/2025
Với thế giới, chiến tranh Việt Nam là cuộc tranh giành quyền lực giữa tư bản và Cộng sản, giữa dân chủ và độc tài. Với dân tộc Việt Nam, cuộc chiến tranh có ý nghĩa sâu xa hơn, nó là sự khẳng định sự hiện hữu, khẳng định tư cách quốc dân của một dân tộc.
Ba chương đầu tiên trong SỰ PHẢN BỘI CỦA KISSINGER, tác giả Steve Young trình bày những nét đặc trưng về văn hóa, chính trị và xã hội của Việt Nam, qua hơn 4000 năm lịch sử, ghi nhận bản sắc độc lập từ lân bang khổng lồ ở phương Bắc.
Sau đó, Steve Young phân tích sự ngộ nhận của người Pháp, xem Việt Nam như một bộ tộc bán khai; và Pháp đến Việt Nam mang theo một sứ mệnh khai hóa. Trên nền tảng ngộ nhận đó, sự phản bội của Kissinger được hình thành. Cộng sản Việt Nam dưới lăng kính thiên lệch của Kissinger, là đại diện chính đáng cho tư cách quốc dân Việt Nam. Phe Quốc gia vì thế trở thành phía có thể vứt đi – disposable – vì mục tiêu chính trị của Kissinger và của đảng Cộng hòa Mỹ vào thời điểm ấy.
Vài tháng trước khi qua đời, Kissinger còn qua gặp Tập Cận Bình, không hiểu với mục đích gì. Nhưng nếu quá khứ có thể là một biện chứng cho tương lai, ta có lý do để tin rằng chuyến đi của Kissinger không phải là một chuyến viếng thăm không mục đích. Con cọp không đổi vằn, con beo không đổi đốm, ngay lúc sắp đi vào cõi chết.
Dịch tác phẩm Kissinger’s Betrayal của Steve Young để gửi đến độc giả Việt Nam, chúng tôi chỉ làm một đóng góp nhỏ để cảm ơn công trình quý báu của ông. Về mặt kỹ thuật, chúng tôi không ghi chú phần footnotes và tài liệu tham khảo. Quý độc giả có thể tìm những thông tin này lúc đối chiếu với nguyên bản Anh ngữ.
Về nội dung, độc giả khi vào ba chương đầu của sách, sẽ hiểu rõ thêm vì sao miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến được xem là phía “quốc gia”, để khẳng định với nhau chúng ta không phải là một bộ tộc bán khai, cần được người ngoài khai hóa. Nhớ lại cuộc bút đàm giữa cụ Phan Bội Châu và nhà cách mạng Trung Hoa Lương Khải Siêu tại Nhật, khi Lương Khải Siêu viết: “Quý quốc không lo không có ngày độc lập, chỉ lo quốc dân không có tư cách độc lập.”
Sự Phản Bội của Kissinger, sau bao nhiêu năm đã trở thành quá khứ. Cái tư cách quốc dân mới là chuyện của hiện tại, và của tương lai.
Nguyễn Hoàng Duyên
Nguyễn Bình Phương
MỤC LỤC
1: Người Việt Là Ai?, 2: Người Pháp Đầu Độc Giếng Nước, 3: Sự Phản Bội, 4: Hòa Bình Trong Danh Dự, 5: Những Cuộc Đàm Phán Bí Mật, 6: Bán Dứng, 7: Hoàn Tất Việc Phản Bội, 8: Tất Cả Đều Sụp Đổ, :Lời Bạt, :Hậu Bút .
Nguyễn thị Cỏ May
nguồn: tác giả qua email ....