Trang 1/1

LAN MAN VỀ THÁNG CÔ HỒN

Đã gửi: Thứ ba 20/08/24 08:55
bởi Hoàng Vân







  •           
    MÌNH ƠI (16)

              
              
    LAN MAN VỀ THÁNG
    CÔ HỒN

    _______________________
    Kha Tiệm Ly






    ***
    Nghe thám hoa ho trong phòng viết, phu nhân vội chạy vào, vuốt ngực thám hoa, trách:
    - Hổm rày mưa bão, thời tiết lạnh, mình cảm; em đã bảo mình nghỉ ngơi, sao mình không nghe em?
    - Hụ.. hụ… Gần tới sinh nhật của cụ Nguyễn Du, anh muốn viết bài văn tế dâng cụ.
    - Đó là việc làm tốt, thế nhưng mình cũng phải giữ gìn sức khỏe chớ!

    Ngoài trời lại mưa rào rào, kéo theo cơn gió mạnh. Phu nhân:
    - Đó, mình thấy chưa? Đài mấy ngày nay báo bão. Mình nghe lời em nghỉ vài ngày đi mình.
    - Dạ!
    - Ngoan, sẽ được thưởng (cười)! Nè! Mưa gió như vầy hay là vợ chồng mình ngủ sớm đi mình! Đi! (nhéo nhẹ vào hông thám hoa

    Thám hoa ngần ngừ:
    - Mới có … 6 giờ mà ngủ cái gì?
    - Thì mình nói chuyện tào lao một hồi, đến … 9 giờ rồi mình ngủ, mấy hồi? Đi mình!
    - Dạ! Hỏng biết sao mà cái gì phu nhân tui nói, tui cũng nghe hết vậy trời?

    Phụng phịu:
    - Huwm…! Bản cô nương nầy nói đúng chớ nói sai sao mà ngài thám hoa nói vậy? Lộn xộn hoài! Đi!

    Vừa nằm xuống, phu nhân hỏi:
    - Vài ngày đến rằm tháng bảy, mình đi chùa với em nhe!
    - Anh đi… nhà thờ!
    - Lãng xẹt hà! Ngày Vu Lan là ngày báo hiếu cha mẹ, là ngày xá tội vong nhân, là ngày từ thiện, là ngày phóng sanh… Như không cái nói đi nhà thờ trong lúc mình quy y tam bảo từ năm 14 tuổi! Cái nầy ngộ à nghe!
    - Ý anh muốn nói là BẤT CỨ ngày nào trong năm cũng là báo hiếu, ngày từ thiện, ngày phóng sanh cả, không cần phải là ngày Vu Lan. Ngày Vu Lan có ý nghĩa là NHẮC NHỞ làm con phải hiếu đạo, thương cha nhớ mẹ, phải đền đáp thâm ân; cũng như khuyên mọi người phải có lòng giúp đỡ đồng loại, thương yêu loài vật qua nghĩa cử từ thiện và phóng sanh. Sở dĩ anh nói điều thừa thãi nầy là vì không biết bao nhiêu người một năm cứ nhằm ngày Vu Lan mới báo hiếu, mới phóng sanh, mới từ thiện; còn trước đó dù chỉ một ngày tức ngày 14/7, nhứt định phải “đợi mai làm luôn”; và qua ngày rằm rồi, thì đợi… tới Vu Lan năm sau!

    - Mình nói đúng! Không đâu xa, xóm mình cũng cả đống người như vậy: cho vay bạc góp, ngày rằm tháng 7 thì miễn một ngày, còn qua ngày 16 mà con nợ chưa kịp góp thì chửi người ta tắt bếp! Có người mua cá “rộng” để ngày rằm phóng sanh (cho rẻ), ai dè khi phóng sanh thì nó chết một nửa! Có người mỗi năm chỉ hiếu với cha mẹ có ngày Vu Lan, còn những ngày khác thì hằn học, xua đuổi, chửi bới, bêu xấu, thưa kiện cha mẹ nữa mình à. Buồn ghê vậy! Mà Vu Lan nghĩa là gì vậy mình?
    - Vu Lan là nói tắt của “Vu Lan Bồn” 盂蘭盆 , nó không có nghĩa gì cả vì là tiếng phiên âm của “sa. Ullambana”, được hiểu là “Lễ báo hiếu”; đó là một trong những ngày lễ lớn của Phật giáo Bắc tông. . Nhớ là “Vu Lan Bồn” dù không có nghĩa gì, nhưng phải dùng “Vu Lan Bồn”, chớ không thể dùng “Vu lan LU” là sai, dù bồn và LU, đều đựng nước được! Ha ha..
    - Ôi, cái đám mà nếu cắc cớ có ai hỏi miệng con hến đóng ngang hay đóng dọc nó còn ú ớ, thì mình để tâm lũ ăn hại ấy làm gì! Thôi mình nói cho em nghe vì sao ngày Vu Lan gọi là ngày báo hiếu?

    - Tích bà Thanh Đề khi sống làm nhiều việc ác, khinh thường tam bảo, hãm hại người lành, nên khi chết bị đọa địa ngục làm kiếp ngạ quỷ. Mục Kiền Liên là đại đệ tử của Phật, khi chứng A La Hán, ngài đã dùng huệ nhãn nhìn khắp cùng trời đất để tìm mẹ (bà Thanh Đề), ngài phát hiện mẹ mình đói khát khổ sở nơi địa ngục nên dùng thần thông mang cơm đến thăm. Nhưng khi Thanh Đề bưng cơm lên, thì cơm hóa thành lửa, không thể ăn được! Mục Kiền Liên đau khổ về bạch mọi sự cho Phật; Phật bảo:
    - Dù ngươi thần thông quảng đại, nhưng muốn cứu độ được cho mẹ ngươi thì cần phải. nhờ đến thần lực của mười phương tăng. Vậy rằm tháng 7 tới, ngươi hãy sắm lễ vật gồm các món ăn ngon, thức uống lạ, hương dầu, đèn nến, giường chiếu gối, mùng, mền, quần áo, chậu rửa mặt, khăn lau… để cúng dường chư tăng. Họ sẽ cùng cầu nguyện thì mẹ ông mới thoát được!

    Mục Kiền Liên y lời, và quả nhiên vào ngày ấy, sau khi nhờ thần lực mười phương tăng cầu xin thì không những bà Thanh Đề thoát được kiếp ngạ quỷ mà còn lên được tầng trời! Các tội nhân ngày ấy cũng được “hưởng xái” luôn! Do vậy ngày Vu Lan gọi là ngày Báo Hiếu, và có lẽ ngày nầy vong nhân được xóa tội theo bà Thanh Đề nên gọi là “ngày xá tội vong nhân” chăng? Nhưng có thuyết lại nói hai ngày nầy khác nhau; ngẫu nhiên trùng nhau thôi.

    Phu nhân cười ngất; thám hoa xoay qua chống tay nhìn phu nhân:
    - Bộ… vong nhập hả?
    - Ha ha… vong nào… mà … nhập? Em tức cười vì ngày xưa cũng có “chạy án”, mà lại chạy trong giới tăng sĩ nữa! Không cười sao được mình: muốn thoát tội thì phải cầu “thần lực của mười phương tăng” và phải sắm cho quý vị ấy lễ vật! Ha ha, may mà quý vị ấy không biết uống gụ, nếu hủ chìm như thám hoa nhà ta thì “gụ lễ vật” phải mất mấy xe bồn!… Hi hi…(lấy lại giọng) Mình nói Vu Lan nhằm rằm tháng 7, tức tiết Trung Nguyên; nhưng cớ sao có chùa lại làm ngày 11, hoặc 12, 13, hay 14 mà không đồng loạt làm vào ngay rằm?
    - Khửa!... khửa!..

    Đến lượt phu nhân xoay qua, hỏi:
    - Bộ… vong nhập hả? Sao cười lạnh xương sống vậy?
    - Tâm lý tín đồ là họ đi “báo hiếu” và cúng dường cho chùa nào ĐANG tổ chức lễ Vu Lan như vậy mới được nhiều “phước”. Nếu các chùa đồng loạt tổ chức vào một ngày, thì “chùa ai nấy đi”, thử hỏi mỗi chùa được bao nhiêu người? Bởi vậy cần phải không làm đồng loạt cùng một ngày để thu hút tín đồ các chùa khác lại. Không tin, hễ chùa nào tổ chức xong Vu Lan thì ngay sau vắng như chùa Bà Đanh, dù đó là ngày 14 đi nữa! Đó chỉ là… hạch toán kinh tế thôi!
    - Chia ra như vậy cô hồn ăn mệt nghỉ hén mình?
    - Hi… Cô hồn có ăn mệt nghỉ hay không thì anh không biết; nhưng nhà chùa thì đếm tiền mệt nghỉ là chắc chắn!

    Phu nhân lại cười:
    - Bộ thời đó người ta chưa phát minh ra… bao thơ hả mình?
    - Sao mình hỏi vậy?
    - Em thấy ngài Mục Kiền Liên sắm lễ vật em thấy… “tâm tư”, thấy “quan ngại” cho ngài quá: Ngài sắm “món ăn ngon, thức uống lạ, hương dầu, đèn nến, giường chiếu gối, mùng, mền, quần áo, chậu rửa mặt, khăn lau…” cho cả mười phương tăng thì 100 toa xe lửa chở cũng không hết! Phải chi ngài cho tiền vào bao thơ như bi giờ thì thật tiện lợi, khỏe ru!

    Thám hoa không nói, phu nhân tiếp:
    - Huwmm… Còn “bông hồng cài áo” có từ đời nào vậy mình?
    - Có từ thời… mới đây! Nghe nói có lần thiền sư Thích Nhất Hạnh sang Nhật, ông ngạc nhiên khi được một người Nhật thành kính cài vào ngực ông một hoa hồng. Sau khi tìm hiểu ý nghĩa cao đẹp nầy, ông bèn chọn hoa hồng làm biểu trưng cho ngày lễ báo hiếu Vu Lan. Việc cài hoa hồng lên áo là biểu tượng đẹp đẽ và cao quý của con cái đối với bậc sinh thành: Ai còn cha mẹ đầy đủ thì cài hoa hồng đỏ; mất cả cha mẹ thì cài hoa hồng trắng; mất cha hoặc mẹ thì cài hoa hồng hường.
    - Mình thấy lễ Vu Lan và vụ cài bông hồng nầy có nên duy trì không?
    - Đó là một việc rất tốt đẹp và cần thiết, nhất là lúc đạo đức xã hội xuống dốc thê thảm như thế nầy, thì sao lại chẳng nên duy trì? Nó nhắc nhở mọi người phải nhớ ơn công lao trời bể của đấng sanh thành. Dù là chỉ một ngày nhưng nó tác dụng vào lương tri con người rất lớn: Trong những buổi thuyết giảng về đạo hiếu, và nhất là khi cài bông hồng vào ngực, thì đạo tràng không ngưng tiếng thổn thức, và nước mắt nhoe cả mặt, từ những cụ già tới những em nam nữ học sinh, và cũng không ngoại trừ các em nhuộm tóc, xăm mình!

    “Trăm cái nết tốt của con người, thì “hiếu” đứng đầu” (nhân sinh bách hạnh, hiếu nghĩa vi tiên). Người có hiếu thì không bao giờ làm điều ác, không bao giờ làm những chuyện trái đạo làm người. Bởi vậy, những kẻ mà mắng mẹ chửi cha, kêu mẹ bằng mầy, kêu cha bằng thằng thì không việc ác nào không dám làm! Mới hay sự giáo dục từ tuổi thơ đáng quý dường nào! Tiếc thay!

    Phu nhân buồn buồn:
    - Thôi bỏ qua đi mình! Còn việc đốt vàng mã, mình nghĩ sao?
    - Đó là việc tào lao mà người Phật tử chân chính phải cương quyết bài trừ. Mình nhớ rằng trong Phật giáo, đức Phật Thích Ca KHÔNG HỀ dạy đốt vàng mã để cúng gia tiên, hay cúng cô hồn. Vậy Phật tử nào, chùa nào mà còn đốt vàng mã, thì những Phật tử đó. chùa đó, một là u mê, hai là … học pháp chưa tới!
    - Còn việc cúng sao giải hạn, cúng tam tai, cúng cầu an thì sao mình?
    - Đó là chuyện ba xàm, chùa bày ra để moi tiền của bá tánh mê muội mà thôi. Nếu nói cầu xin mà được thì những thằng nhà giàu nó mướn hàng ngàn thầy chùa để cầu giải tội cho nó thì nó sẽ thoát tội à? Đức Phật có nói: " Ta không thể ban phước cho ngươi cũng không thể giá họa cho ngươi. Họa hay Phước là tự các người tạo ra thế nào thì nhận thế ấy mà thôi!"
    - Nhưng mình phải nói sơ sơ cho em biết với chớ?
    - Dài dòng lắm, thôi ngủ sớm!
    - Mới có … 8 giờ mà ngủ gì mình? Chín giờ mới được ngủ nhe!

    Thám hoa nói trong tiếng ho:
    - Mai anh kể cho, giờ buồn ngủ quá hà! Khò ! khò!..
    - Hihi! Coi làm bộ ngủ kìa! Thấy ghét!

    Ngoài trời bỗng mưa ầm ầm, gió lạnh lùa qua cửa sổ. Thám hoa dùng hai tay chà mạnh vào nhau. Phu nhân hỏi:
    - Mình lạnh tay hả (dạ). Ngoan ghê! Mình để tay vào chỗ nầy ấm lắm. Đưa tay đây, nhắm mắt lại!

    Thám hoa nhắm mắt, đưa tay cho phu nhân vừa chúm môi cười khó hiểu. Phu nhân vội để tay thám hoa dưới lưng mình rồi nằm lên, hỏi:
    - Ấm hông?

    Thám hoa cười cười:
    - Ấm! Ấm!... Vậy mà tui tưởng…




    CAO THÁM HOA
              

              
    https://www.facebook.com/khatiemly1252/ ... dsV75Y6Aql