Trang 1/1

NGƯỜI MIỀN TÂY XƯA DẠY CON CHÁU NHƯ THẾ NÀO?

Đã gửi: Thứ bảy 10/08/24 14:14
bởi Hoàng Vân





  •           
    MÌNH ƠI (81)

    NGƯỜI MIỀN TÂY XƯA
    DẠY CON CHÁU NHƯ THẾ NÀO?

    __________________________






    Thám hoa gọi vợ:
    - Mình ơi!
    - Dạ oii… ooii!
    - Dạ, được rồi, còn “oii..oii” giống cơm nếp mắc mưa quá!
    (Nghiêm giọng) Anh nói cho mình nghe nè: có nhiều người nói mình nhõng nhẽo quá, không có phong cách của một đại tiểu thư tiền triều.

    Xụ mặt:
    - Ai nói kỳ à nha! Em nhõng nhẽo với chồng em chớ nhõng nhẽo với ai sao mà họ nói vậy? Người phụ nữ yêu chồng mới nhõng nhẽo chớ? Kể cả Võ Tắc Thiên và Từ Hi còn nhõng nhẽo với “ái khanh” của họ nữa kìa. Lật sách Thâm Cung Bí Sử của gã họ Cao thì biết! Bản tiểu thư đây, trong nhà luôn õng ẹo với đức lang quân, nhưng ra đường vẫn đường đường là mệnh phụ phu nhân, phong nghi thoát tục, khí chất siêu phàm. Bộ Thám hoa không thấy điều đó sao? Hay là muốn bản cô nương đây giở giọng La Sát mới chịu? Nói mau!

    Thám hoa mím môi, gật nhẹ. Phu nhân cười cười, chắp tay trước ngực, bắt chước lời một vị sư đáng kính:
    - “Con” ăn ở phải đạo, mà có ai ghét “con”, nói xấu “con”, “con” cũng cầu mong người ấy được bình an. A Di Đà Phật!

    Thám hoa vui lây:
    - Khùng tới rồi!
    - Thôi bỏ đi mình! Hôm đó mình hứa trả lời em về “Nền giáo dục trước năm 75”. Nay mình nói đi mình yêu!
    - Nói về một nền giáo dục của một thể chế, dù là chỉ nhận xét qua loa cũng không thể năm ba trang giấy là đủ; lại không khéo mích lòng! Thôi anh chỉ nói về “cách giáo dục của bậc cha mẹ ở miền Tây với các cháu con của họ” thôi mình nhé.
    - Ô kê!

    - Có thể nói, khi đứa trẻ hiểu chút đỉnh được lời của cha mẹ chúng (tiếng được tiếng không), thì cha mẹ bắt đầu dạy: “khoanh tay “ạ” (dạ) với ai đó; khi đứa trẻ nói rành rẽ thì cha mẹ dạy “đi thưa về trình”; và trong khi nói bất cứ chuyện gì với người lớn thì phải có tiếng “thưa” phía trước: “Thưa chú Hai, ba con mời chú Hai tới uống trà với ba con”; còn trước câu trả lời thì phải mở đầu bằng tiếng “dạ”, “dạ thưa”: - “Má có nhà không cháu?”- Dạ (thưa) dì, má con đi ruộng rồi” v..v.. Nói chung, trang học đầu đời của trẻ em là LỄ PHÉP VỚI MỌI NGƯỜI.

    Song song vào đó, các em được dạy vệ sinh về ăn uống, về thân thể; không được trèo cao. Không tắm sông khi không có người lớn đi cùng; không được đánh bài, không được trộm cắp, không nói láo. Với các bé gái, sự giáo dục càng đặt nặng về vấn đề ngôn ngữ, đi đứng, áo quần. mọi thứ phải tề chỉnh nghiêm trang. Đến độ tuổi nào đó, thường khoảng 6,7 tuổi, các em gái không được bận quần cụt, chớ đừng nói chi ở trần (Hồi trước bé gái thường “ở trần cho mát”, giờ không còn nữa); Khi đến tuổi “trổ mã”, “nổi giò”, thì áo quần càng phải kín đáo, nói cười càng phải giữ từng câu, từng lời, không được giơ tay lên khỏi đầu ở chỗ đông người,... vân vân.. Lúc nầy trò chuyện hay “chơi chung” với con trai là điều cấm kỵ. Nói bất cứ chuyện gì cũng không được dùng từ “sướng ghê”, “đã lắm”. Ăn uống phải từ tốn; lời nói phải ôn hòa lễ độ, không được cười ra tiếng; đi đứng phải khoan thai, không được chạy. Con trai thì không được nhậu nhẹt DÙ ĐÃ CÓ GIA ĐÌNH. Không được “mèo mả gà đồng, vợ một vợ hai”. Bởi vậy hồi xưa, trước năm 70, trong các đám tiệc chỉ có mấy cụ già uống rượu mà thôi; Ở “chợ” kiếm một quán nhậu đỏ con mắt, chớ đâu phải nghẹt như bi giờ!
    - Sao mà giống mẫu thân em dạy quá vây?
    - Thì nhờ vậy mới có một tiểu thư hình dung đoan chánh, khí sắc siêu phàm chớ!

    Phu nhân ửng hồng đôi má, dỗi hờn:
    - Vậy mà có người chê là nhõng nhẽo, tệ hơn là có người cũng đồng tình nữa, mới lạ chớ!
    Thám hoa giả đò không nghe, tiếp:
    - Có một điều là bậc cha mẹ thường dạy con bằng roi vọt; việc nầy nhiều nhà giáo dục trong nước và ngoài nước không đồng tình.
    - Còn mình thì sao?
    - Anh đồng tình lới lối giáo dục đó! Bởi cha mẹ đánh con là đánh trong tình yêu thương, muốn con mình nên người; chớ không phải như bên Pháp Ty đánh tội nhân: Đánh thẳng tay, đá thẳng gối, khiến tội nhân chết đi sống lại nhiều lần! Cha mẹ sau khi đánh con, lại khuyên con trong nước mắt: “Từ rày về sau con đừng như vậy nữa làm cha mẹ buồn nhe con”- “Huhu.. Dạ, hu hu”.

    Hình thức “bắt cúi” (bảo trẻ em nằm xấp trên giường chờ xử phạt) theo anh là lối dạy con tuyệt vời nhứt: Cha mẹ nhịp nhịp cây roi tre trên đít trẻ rồi nói: “…. Tội như vầy (đánh lộn, trốn học, hái trộm ổi, tắm sông….) chịu mấy roi mới xứng?” – “Dạ 2 roi!” – “Không đươc, 5 roi chịu không?” – “Dạ được! Hic hic” – Bây giờ ba/má đánh một roi cho nhớ, còn 4 roi cho thiếu nhen!” - “Dạ! híc híc..”. Thế rồi một roi khá mạnh tay (có khi nhẹ hều) vào đít! - “Ui da ui da! Hic hic…”. Sau cùng đứa trẻ đứng dậy xin lỗi cha/má và hứa không tái phạm. Và không tái phạm thật! cho dù đưa trẻ có tái phạm, hoặc có lỗi khác, thì những roi “thiếu chịu” đó, bậc cha mẹ cũng không bắt “trả nợ” bao giờ!

    Thám hoa cười:
    - Có nhiều lần khi bậc cha mẹ nói: “Giờ đánh một roi cho nhớ nhen?” (dạ). Mới nhịp roi vào đít thì đứa trẻ vò đít lia lịa: “Úi da, úi da! Hu hu..”, làm bậc cha mẹ cũng cười trong bụng rồi tha luôn!
    - Tui nghi gã họ Cao nhà ta quá! Hi hi…
    - Nhờ phương pháp “bắt cúi” để răn dạy nên sự “tái phạm” của trẻ em rất hiếm thấy. Bằng chứng là những trẻ nhỏ nầy khi lớn lên thường là những thanh niên chững chạc, khuôn mẫu; còn những trẻ suốt đời không bị “bắt cúi” thi lớn lên thường vướng nhiều lỗi lầm, đến nỗi không thể chấp nhận!

    - Hồi nãy minh nói con gái khi đến tuổi “trổ mã” thì cha mẹ cấm chơi với con trai, vậy vào lớp học chung thì sao?
    - Nói “cấm” thì hơi quá, bởi con gái khoảng 4,5,6 tuổi là phụ mẹ nấu cơm, chăm sóc em rồi, có thì giờ đâu mà chơi đùa? Ở trường học, xưa nam nữ ngồi riêng (không ngồi chung bàn như ngày nay). Trong giờ chơi, nữ thì đánh đũa, nam thì bắn cu li, búng thun, tạt lon. Trò chơi nam nữ khác nhau, nên không thể “chơi chung” được. Tất nhiên là suốt năm học chúng vẫn có dịp nói chuyện với nhau nhiều lần, nhưng rất nghiêm chỉnh, không có chuyện “lợi dụng” để nắm tay nắm chân như một số bọn trẻ ngày nay (ở đây nói nam nữ 12,13 tuổi).

    - Đừng “bôi nhọ” nhen!
    - Đi tập thể dục ở bờ kè, mình đã từng nói với anh: “Tụi nầy còn nhỏ mà xà nẹo coi chướng mắt quá!”; lại “ Mấy đứa nầy giỡn mất dạy quá”. Quên sao đại tiểu thư? Đúng ra thì không phải mọi trẻ đều như vậy, nhưng không hề hiếm!

    - Một điều em thắc mắc là những bậc cha mẹ hồi đó (thời Pháp thuộc và sau khi hòa bình) đã gần 100 phần trăm không biết chữ, thì họ làm sao họ dạy con cháu được?
    - Dạy nhân cách, dạy đạo đức, dạy đạo lý thì đâu cần phải biết chữ?
    - Cũng phải biết mà nghiên cứu sách vở chớ mình?
    - KHÔNG CẦN THIẾT! Bởi những người có ăn có học bi giờ, gọi là trí thức đi, có khi họ TỰ DẠY HỌ còn chưa xong thì dạy đến ai? Các bậc chú bác, ông bà xưa sở dĩ họ dạy con cháu mình có bài bản về nhân cách, về đạo đức, TRƯỚC TIÊN là họ có nhân cách và đạo đức. Còn sao họ biết à? Thì đời trước dạy đời sau! Sách vở ở đâu? Xin thưa, họ không biết đọc, nhưng họ thuộc lòng rất nhiều thành ngữ, tục ngữ, ca dao từ 5,6 tuổi, khi họ biết đưa võng ru em! Có thể nói THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ. CA DAO là kho tàng giáo dục vô tận về mọi thứ trên đời.

    Phu nhân “Ô” một tiếng rồi nói:
    - Em hiểu rồi! Chẳng han: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” là dạy con phải hiếu kính cha mẹ! “Trọng thầy mới được làm thầy” là dạy phải kính yêu, nhớ ơn thầy. “Tốt danh hơn lành áo” là dạy nên chọn nội dung tốt đẹp hơn hình thức màu mè. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” là khuyên chọn bạn mà chơi. “Uống nước nhớ nguồn” là khuyên phải nhớ công ơn tổ tiên. Đúng hôn mình?
    - Mười điểm! Ngoài ra còn có rất nhiều câu dạy về thời tiết, mùa màng, bịnh tật, kể cả tướng số của con người và cả của lục súc nữa!

    - Tướng số? Thôi mình nói tướng số về người em nghe đi mình.
    - Ok! “Người mà ti hí mắt lươn/ Trai thì trộm cướp gái buôn chồng người”; “Mặt miềng bầu xem lâu phát ghét,/ Mặt chữ điền tiền rưởi cũng mua”; “Bàn tay đỏ ửng như son. Không người danh tướng cũng con học hành”; “Bước chân thình thịch, cúi đầu. Bôn ba đây đó, dãi dầu nắng mưa”. “Mặt dày như mo, ăn no phá hoại” vân vân và mây mây. Nói 3 tháng không hết!

    Nũng nịu:
    - Hôi..hôi.. Hỏng xèm! Vậy mình nói em nghe thêm về tướng phụ nữ đi!
    - E hèm!...Trong “Nữ Nhân Tướng Pháp” có câu: “ Mặt sao … vậy”
    Phu nhân “đánh trống” vào lưng chồng, nghiến răng:
    - Nói bậy nè! Bậy nè!... Hỏng chịu đâu!...
    - Bậy sao mà bậy? Sách vở đàng hoàng. Mà thôi, lạc đề rồi. Anh tiếp đây. Em thấy “ngũ giới cấm” nhà Phật cũng có trong những điều dạy dỗ con cái nói trên phải không? (Dạ phải) Cho nên việc hù dọa con cái về viễn cảnh sẽ bị tội khi chết cũng thường được áp dụng: “Ăm cơm mà bỏ mứa, khi chết xuống dưới (âm phủ), Diêm Vương sẽ cho ăn giòi!”; “Hành hạ thú vật sẽ bị quỷ sứ lột da”..vân vân..

    - Theo mình, người lớn có nên hù dọa trẻ con vậy không?
    - Hù dọa trẻ con để nó được tốt hơn, chớ có phải hù cho nó sợ để nó… cúng dường cho ăn mập thây rồi nói láo, nói xàm, rồi dâm ô đâu mà không nên? Thuyết nhân quả của Phật cũng bảo vậy mà!

    Lấy gương tốt xấu của lối xóm, ấp, làng đem ra giáo dục con cái cũng rất hiệu quả. Song song vào đó, nhà trường bậc tiểu học ngày ngày dạy cách làm người qua lối sống mẫu mực của quý thầy: Thầy hồi xưa không hề uống rượu, các thầy không hút thuốc trong giờ dạy: luôn cư xử phải phép với mọi người, nhứt là không bày chuyện dạy thêm để vòi tiền phụ huynh. Xưa quý thấy cô chỉ dạy thêm cho học trò mình khi chúng sắp thi vào lớp Đệ Thất (Lớp 6 giờ), nhưng HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ!

    Các bài Tập Đọc, các bài Học Thuộc Lòng, các bài Công Dân Giáo Dục hàng tuần đã dạy các em cách cư xử với mọi người, phải thương yêu, giúp đỡ nhau, nhất là người già yếu, người nghèo khổ, tật nguyền, tôi tớ, và cả thú vật nữa!

    - Môn Công Dân Giáo Dục dạy những gì?
    - Dạy “Quyền lợi và nghĩa vụ công dân”. Đại để nó giống như hiện tại; duy có 2 điều hơi khác một chút; Một là học sinh (và cả mọi người) rất tôn trọng lễ chào cờ: Đi ngoài đường mà nghe quốc ca thì tất cả bộ hành, xe cộ đều dừng lại, họ giở nón xuống, nghiêm trang khi dứt lễ mới thôi; thứ hai là thấy đám ma, ai cũng nhường đường, giở nón, kính cẩn chào người quá cố! Môn nầy tuyệt đối không dạy phải thù ghét đối phương, kêu người bên đối phương đáng tuổi cha mình, ông nội mình mà “thằng”, là “nó”! Xung quanh lớp học nào cũng thường có các câu: “Chị ngã em nâng”; “Học tập là bổn phận yêu nước”, chớ không có dạy phải yêu quý ông nào, ghét thù ông nào mới yêu nước cả!

    Nói tóm lại, những gì ông bà miền Tây dạy con cháu mình, không có gì phi thường hết; ngược lại nó rất tầm thường, nhưng nó đã hình một nền giáo duc hết sức bình dân, hết sức gần gũi, mà hết sức hiệu quả. Nền giáo dục nầy đã “đào tạo" ra những con người thủy chung, biết hy sinh, khiêm cung, bác ái, liêm chinh, trọng chữ tín, khí phách ngang tàng “kiến nghĩa bất vi…”

    - Và phóng khoáng nữa! Em nhớ học giả Nguyễn Hiến Lê có viết: “Nếu nói tới người miền Tây là phải nói đến khí phách và phóng khoáng”. Mình quên rồi à?
    Thấy đức lang quân trầm tư, phu nhân bèn ghẹo:
    - Nầy Thám hoa! Nghe bản tiểu thư hỏi đây: (nhỏ giọng) Ngài có học… o mèo không, sao mừ (mà) rinh được ái nữ của ngài Lại Bộ Thượng Thư “uậy” (vậy)? Hi hi …
    - Bản phủ một đời thanh bạch, nào dám trèo cao! Chỉ vì nhờ mặt như Tống Ngọc, dáng tợ Phan An, nên vị tiểu thư nào đó mê mẫn tâm thần đó thôi! Hí hí…

    Thám hoa nghe hông mình hơi nhột với “chiêu nhéo trấn môn” mà nhẹ tay của phu nhân.
    - Nói xấu tui nè! Nói xấu tui nè!... Tui “xương” ngài Thám hoa là vì con người trọng nghĩa khinh tài, lòng ngay như trúc; chớ dù mười Tống Ngọc, chục Phan An hả, chớ hòng! Hiểu chưa?
    Thám hoa thấy lòng vui, bèn kéo phu nhân lại, chu miệng:
    - Cho bản phủ mượn cái gò má chút coi!





    CAO THÁM HOA
              

              
    https://www.facebook.com/khatiemly1252/ ... uAJLbyVF1l