Trang 1/1

Bắc Du Ký

Đã gửi: Thứ sáu 12/01/24 12:55
bởi Hoàng Vân
  •           





    Mình Ơi (13)
    Bắc Du Ký
    (Phần 1 và 2 )

    _________________________________
    Kha Tiệm Ly









    *. Chuyện kể năm năm trước
    *****
    Thám hoa phu nhân vừa đặt ly sữa xuống bàn, giọng oanh vàng:
    - Uống cho khỏe đi mình!

    Thám hoa nhìn vợ, trìu mến mỉm cười:
    - Tui nghi bị dụ vụ gì quá hè!

    Gò má thám hoa bị kéo nhẹ:
    - Mình ưa nói khùng quá hè! Em chỉ muốn mình uống sữa cho khỏe rồi kể cho em chuyên Bắc du vừa qua thôi.

    - Đi cả tháng, nếu kể chi tiết thì… cả tháng mới hết. Anh tóm lượt thôi nhe mình?

    - Yes sir!



    ****
    1. Đi Lai Châu

    - Như mình biết, có một phu nhân xinh đẹp, giàu lòng nhân ái; bà ấy muốn chia sớt ít vật chất cho đồng bào nghèo miền cao, nói nôm na là “đi từ thiện” đó. Anh được tháp tùng trong đoàn thiện nguyện này. Cuộc hành trình bắt đầu từ 14g tại Tân Sơn Nhứt, và đến Hải Phòng khoảng hơn 90 phút sau.

    Chiều đó, anh em văn nghệ sĩ Hải Phòng đã dành cho đoàn một buổi tiệc thân mật thắm tình gia đình. Khoảng 20 giờ, một số anh em Hải Phòng cùng lên đường với đoàn đi Lai Châu.

    Trời sáng, anh mới thấy được hai bên đường cảnh vật lạ mắt, đẹp vô cùng, mà miền Tây Nam Bộ chưa bao giờ có được: đó là đường đèo quanh co khúc khuỷu với độ cao hơn 1.000 m, băng qua những dãy núi điệp điệp trùng trùng.

    Nhìn ruộng bậc thang liên tiếp nối nhau “leo” tận đỉnh đồi, mới thấy cái công phu, nỗi vất vả, và sự khéo léo của đồng bào H’Mông tại đây.

    - Tại sao phải làm ruộng bậc thang cho cực vậy?

    - Vì địa hình dốc, người ta làm ruộng bậc thang để giữ lớp đất màu mỡ bên trên, tránh bị mưa lũ cuốn đi, xói mòn, sạt lở; kế đó là tận dụng mạch nước ngầm (“mội” nước) từ sườn núi chảy ra, rất tiện cho việc điều tiết nước; kế đó là để tiết kiệm đất; sau cùng là để… có ai thắc mắc thì hỏi!

    Phu nhân nũng nịu:
    - Em không biết mới hỏi mà mình ngạo em hả? Em không thèm hỏi nữa!

    Thám hoa dỗ ngọt:
    - Hi, hi! Anh giỡn chơi mà! Hỏi tiếp đi mình yêu!

    - Hỏng thèm!... Ưmm… Đồng bào H’Mông có phải là Mán, Mèo đó không mình?

    - Địa bàn cư trú của người H’Mông là nam Trung Quốc (Vân Nam, Hồ Nam, Quý Châu nhiều nhứt) và các vùng Đông Nam Á; mỗi vùng người H’Mông có tên gọi khác nhau. “Các nhà thám hiểm và xâm lược Trung Hoa đặt cho người H’Mông tên gọi "Miao" (hay "Miêu"/ tiếng Trung 苗: Miáo ), sau đó trở thành "Meo" (Mèo) và "Man" (Mán). Thuật ngữ “Mèo, Mán, Mọi” để chỉ những kẻ "man di, mọi rợ ở miền nam" (theo Wiki). Đây là một thuật ngữ xúc phạm, ta không nên dùng, mà hãy gọi là “đồng bào H’ Mông”, mình nhé. Người Trung Hoa vốn tự cho mình là tinh hoa của vũ trụ, còn xung quanh là Tứ Di (bốn thứ/ giống man di mọi rợ), gồm Nam Man (南蠻/ chỉ dân tộc ta), Đông Di (東夷), Bắc Địch (北狄) và Tây Nhung (西戎). Họ coi “tứ di” nầy không khác gì cầm thú! Thực ra, khi tiếp xúc với “tứ di” , người ta mới biết ai mới là mọi rợ, ai có văn hóa, nếu hiểu đúng nghĩa của từ “mọi rợ”, “văn hóa” của nó!

    Trong lịch sử, người H’Mông chưa xâm lược ai bao giờ, trái lại còn bị người Hán đánh đuổi, phải chạy về phương Nam. Người nam H’Mông hiền lành, người nữ xinh đẹp, dịu dàng, lễ phép, một mực thương yêu chìều chuộng chồng. Như vậy là mọi rợ đó sao? Còn với kẻ có lịch sử triền miên chinh chiến, cướp đất, giành dân, giết người hàng loạt, moi tim, lấy thận, không từ một thủ đoạn ác độc nào, như thế là “tinh hoa” đó sao?

    Ngày nay, đồng bào H’Mông (người H’Mông ở VN) có đời sống khá cao: nhà cửa khang trang (nền gạch, ti vi, nhà vệ sinh, phòng tắm tân tiến, quanh nhà sạch sẽ), lớp trẻ có người được ăn học tới nơi tới chốn.

    Sin Suối Hồ, một bản của đồng bào H’Mông (Mông) ở trên đỉnh Bạc Mây với độ cao 1400 mét, cách thành phố Lai Châu khoảng 30km; có thể nói là một bản VĂN MINH ĐÚNG NGHĨA.

    Được một anh honda (của chánh quyền địa phương) đưa lên bản. Đường xá quanh co "lên ải xuống đèo", có khi qua những cái "cua" 45 độ khiến anh phải ...nhắm mắt, cứ sợ rủi có bề gì sẽ không được gặp mình nữa!

    - (chụt)! "Xương" quá hà!

    - Anh gợi chuyện: “Tới nơi mình uống rượu chơi nhe?”. Anh ta lắc đầu: “Tôi không uống rượu đâu!” – “Thì anh kiếm quán nào tôi uống, anh ăn!” – “Ở đây không ai bán rượu, uống rượu đâu; uống rượu xấu lắm!”. Anh nghi ngờ.

    Phu nhân cười ngất:
    - Ha ha! Nếu em là anh Honda đó em sẽ nói: “Ở đây không ai ham ăn, ham nhậu như ông Thám hoa nào đó đâu!”. Ha ha...

    Thám hoa mỉm cười vì câu khôi hài của vợ. Tiếp:
    - Đường lên bản hơn 3km (nhưng anh Honda nói “vài trăm thước thôi”; có lẽ anh không ước lượng khoảng cách được). Dọc đường không thấy một cọng rác, một bao ny lông vứt bừa bãi!

    Sau này anh tìm hiểu mới biết, bản có khoảng 150 hộ dân, tất cả mọi người đều thực hiện "4 không":
    • 1. Không hút thuốc phiện, thuốc lào hay thuốc lá.
      2. Không uống rượu.
      3. Không cờ bạc.
      4. không xả rác bừa bãi.

    Còn nữa, chiều đến anh (và đoàn) được mời ăn cơm tại “nhà hàng” duy nhứt (tên gì quên) trong bản; anh hỏi anh Honđa: - “Xa không?” – “Gần thôi, vài trăm thước, môt lát tới thôi!”. Anh muốn ngắm cảnh, nên nói anh ấy đi trước, anh đến sau. Dọc đường, anh ngạc nhiên vì thấy bất cứ ai đi ngược chiều với anh họ đều cúi đầu, nhoẻn miệng cười chào thân thiện; cái mà có dân tộc tự tôn mình là “tinh hoa”, chê họ là “man di”, còn lâu mới có được hiện tượng văn hóa này. Người kinh ta cũng vậy; có “Ấp, Xã văn hóa” nào được như vậy hay không?

    Leo lên mấy cái dốc cao hơn… nhà lầu 10 tầng, anh ứ hự; hỏi thăm người đi đường còn bao xa tới nhà hàng, thì được trả lời:
    “Gần thôi mà! Còn 5 cái dốc nữa!”. Anh nghe muốn xỉu, thì may anh Honda lúc nãy đến đón. Hú hồn!

    Vào bàn ăn anh hỏi cô phục vụ:
    - Đây là cá gì vậy cô?
    - Cá suối!
    - Còn rau nầy?
    - Rau rừng!

    Thì ra cá sống ở suối là “cá suối”; rau mọc trong rừng là “rau rừng”. Vậy đi!

    Tối đến, có trình diễn văn nghệ. Mọi nghệ sĩ đều trang phục truyền thống. Cô nào cũng xinh như hoa, duyên dáng mười phần; nhất là cô MC đáng gọi là “dung nhan thoát tục, thần thái siêu phàm”.

    - Xí!...

    - Nghe nói, phụ nữ Mông yêu chồng, chiều chồng hết mực: Trước kia người chồng nào lỡ say nằm dọc đường thì người vợ liền ngồi cạnh, quạt muỗi đến khi nào chồng tỉnh dậy mới thôi. Chớ không phải như người kinh, mỗi lần chồng uống gụ thì bị mắng “ham ăn ham nhậu”! Làm đàn ông Mông sướng thiệt chớ!

    Mặt phu nhân về chiều:
    - Em chỉ nói chơi thôi! Mắng mình hồi nào? Hu hu! Thì mình đi làm rể người Mông đi! Tìm người “dung nhan thoát tục, thần thái siêu phàm” của mình đi! Hu hu! Em về kinh thăm thân phụ liền đây! Hu hu…



    ***
    2. Đi Lào Cai

    - Em nghe nói ở Lào Cai có chợ tình Sapa, phải không mình? Có gì đặc sắc không mình?

    - Chợ tình Sapa là một nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc sinh sống ở Sapa, Lào Cai. Nói là “chợ” nhưng nơi đây không có kẻ bán người mua; vì thực tế, chợ tình là nơi hẹn hò của trai gái người Mông, người Dao. Chợ tình xưa kia thường “nhóm” mỗi năm một lần vào một ngày chợ phiên sau dịp Tết. Sau khi bán hết những món hàng mang từ buôn ra, họ bèn tập trung tại một bãi trống trước chợ; rồi họ thổi khèn, thổi lá, hò hát giao duyên, liếc mắt đưa tình! Khi tìm được ý trung nhân, họ bèn trao nhau kỷ vật, ước hẹn trăm năm…

    Chợ tình Sapa ngày nay không còn mang sắc thái văn hóa độc đáo xưa nữa, vì nó không còn là nơi hò hẹn hát giao duyên của những đôi trai gái; mà là nơi trình diễn vào mỗi tối thứ 7 (chừng 20 giờ), trước quảng trường Nhà Thờ Đá, của những người phục vụ khách du lịch chuyên nghiệp, mang tính thương mại! Bởi vậy ta không làm lạ khi thấy những bé trai, bé gái cũng thổi khèn, cũng nhảy múa trong vòng vây của khán giả, và cuối cũng là xin tiền ủng hộ!

    Nơi đây cũng là cái “chợ” theo nghĩa truyền thống, là bán nhiều mặt hàng, đặt biệt là hàng lưu niệm địa phương (vòng tay, hoa tai, vòng cổ, túi, khăn, áo quần với họa tiết thổ cẩm).

    - Sao mình chụp hình chung với mấy cháu, mấy phụ nữ người Mông được vậy?

    - Thì mình xin phép thôi, và họ rất vui lòng. Tuy nhiên mình nên “hào phóng” chút đỉnh cho vui, nhất là với mấy cháu nhỏ.



    ***
    3. Cửa khẩu Lào Cai

    Khác với thời tiết mát mẻ ở thị trấn Sapa, thời tiết tại cửa khẩu Lào Cai rất nóng đến khó chịu, dù nơi đây chỉ cách thị trấn Sapa có 35km. Bên Trung Quốc thì gọi là Hà Khẩu, vì nó thuộc Huyện Hà Khẩu, một Châu tự trị của dân tộc Cáp Nê.
    Biên giới chỉ cách con sông Nậm Thi nhỏ bé! Nối hai bờ biên giới là cây cầu Hồ (Hồ Kiều) dài chừng 100 mét! Bên nây cầu là cột mốc biên giới; ngó bên kia với những tòa nhà cao, với phố phường, hàng quán, với những chữ Tàu tổ bố mà bên VN đọc được dễ dàng!

    - Mình có qua đó chơi không?

    - Không, anh lặng nhìn biên giới mà lòng không vui!

    - Sao vậy?

    - Ưmm… thì tự nhiên thôi. Con người ta có khi buồn vui vô cớ, sao giải thích được?



    4. Lên đỉnh Phan Xi Păng (Fansipan)

    “Hoàng Liên Sơn là một dãy núi ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Hoàng Liên Sơn rộng 30 km, chạy dài 180 km theo hướng tây bắc-đông nam, giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu kéo dài đến tận phía tây tỉnh Yên Bái. Đây là phần cuối của dãy núi Ai Lao Sơn, đoạn tận cùng phía đông nam của dãy núi Himalaya. Phần tây bắc của dãy núi có nhiều ngọn núi cao trên 2.800 m, trong đó, ngọn Phan Xi Păng cao 3.143 m; cao nhất Đông Dương, nên được gọi là “nóc nhà của Đông Dương” Núi Făng Xi Păng nằm ở tỉnh Lào Cai, cách thị trấn Sapa khoảng 9 km về phía tây nam.

    Với các nhà leo núi, muốn chinh phục đỉnh núi nầy họ phải mất từ 1 đến 3 ngày (tùy theo sức khỏe và tính chuyên nghiệp); nhưng với du khách, họ “chinh phục” bằng… cáp treo thì chỉ cần 15 phút mà thôi!

    - Sao có tên là Hoàng Liên Sơn vậy mình?

    - Vì núi đó có rất nhiều cây Hoàng Liên, môt loại thảo dược đó mình! E hèm! Sau khi xuống ga cáp treo trên núi, thì mọi người run cầm cập, leo vài chục bậc thang nữa thì sương mù dày đặc, gió thổi hù hụ, lạnh thấu xương! Người phía trước cách chừng ba, bốn mét mà chỉ thấy lờ mờ như những bóng ma! Anh đuối sức; chợt nhìn thấy ngôi chùa bên cạnh, bèn ráng leo lên mấy bậc thềm để tránh bớt gió lộng, sương mù; nhưng vừa đặt đít xuống thềm chưa kịp thở, thì một người mặc y phục giống như ngành pháp ty hay bảo vệ gì đó (phần hoa mắt, phần sương mù nên nhìn không rõ) xua tay, giọng cửa quyền:
    - Không được ngồi đây!

    - Cho ngồi nghỉ mệt chút đi chú! Muốn xỉu rồi!

    Xua tay càng mạnh, tiếng càng lớn:
    - Không được ngồi trước cửa chùa!

    À! Thì ra câu “CỬA CHÙA RỘNG MỞ” chỉ “rộng mở” với những ai đến cúng dường cho… mấy cha nội thầy chùa kinh doanh lòng tin, lòng ngu muội của bá tánh mà thôi! Còn những người già yếu, người đau bịnh, thì cửa chùa đang mở cũng đóng lại… cái rầm! Anh ngao ngán bước xuống thềm, quay lại, nhếch mép cười ngạo mạn, khinh khi; nghĩ thầm, Phật thật vô phước khi có hàng đệ tử như thế nầy, sớm muộn đạo của Ngài cũng bị tiêu tùng mà thôi; đã có triệu chứng rồi đó Ngài ạ! Qua sương mù dày đặc, anh thấy chùa mờ ảo giống như phủ Diêm Vương ở cõi A Tỳ; và tên đuổi anh, mặt bỗng như loài quỷ ngưu đầu mã diện!

    Phu nhân chậm nước mắt:
    - Khốn nạn thiệt! Khốn nạn cho lũ vô thần vô thánh nầy! Rủi mình xỉu tại đó chắc bọn nó quăng mình xuống núi luôn quá! Thám hoa ơi, thám hoa! Chùa bây giờ là để kinh doanh lòng tin, báng bổ Phật Trời, thì cớ sao không móc tờ 500 ra, không chừng mình còn được thỉnh vào, được mời chén trà gừng nóng! Ôi! “Phúc toàn kinh luân” sao mà khờ khạo vậy?

    - Cuối cùng cũng lên tới đỉnh! Hồi nhỏ anh thường mơ ước được leo lên tận đỉnh non cao; nghĩ rằng trên đó khí trời mát mẻ trong lành, ánh dương ấm áp; nào ngờ nơi đây sương mù dày đặc, gió lạnh thấu xương, ngẩng lên cao, mặt trời đâu chẳng thấy; chẳng bằng dưới đất, dù qua một đêm tăm tối, sáng ngày vẫn ló dạng bình minh!

    Nên có thơ rằng:
              
    “Thường thao thức trong đêm dài tăm tối,
    Nên ước mơ được gần gũi mặt trời.
    Để tận hưởng vầng dương quang chói lọi,
    Không chỉ riêng ta, mà cho cả muôn loài!
    Núi càng cao, chân càng hăng hái bước,
    Sao càng cao, càng thấy lạnh vô ngần?
    Sương dày đặc, khó khăn từng mỗi bước,
    Nhân ảnh lờ mờ không dám nhận người thân!
    Ngỡ gần mặt trời, mọi người càng ấm lại
    Nào hay đâu, càng buốt thấu thịt da!
    Đây là đỉnh Phăng Xi Păng vòi vọi,
    Mà thái dương vẫn vạn lý mịt mù xa!”

              
    - Thôi dù sao mình đã được lên đỉnh, em mừng cho mình đạt được nguyện ước. Em cũng vui lây.

    - Dù vậy anh cũng không vui lắm, ai cũng đi có đôi có bạn, họ vui vẻ nắm tay nhau cùng lên đỉnh, chỉ riêng anh cu ki có một mình!

    - Phải chi có em đi, hai vợ chồng mình cùng lên đỉnh, hén mình!
    Không hiểu sao, phu nhân vừa nói xong lại bụm miệng mình lại, liếc nhìn thám hoa, thèn thẹn!



    (Còn nữa)

              

    Với hai phụ nữ người Mông

              
    https://www.facebook.com/khatiemly1252