Trang 1/1

Thế nào là người phụ nữ lý tưởng ?

Đã gửi: Thứ ba 09/01/24 05:26
bởi Hoàng Vân
  •           






    Mình ơi (10)
              
    Thế nào
    là người phụ nữ lý tưởng ?

    ___________________
    Kha Tiệm Ly _ 21/12/2023






    Phu nhân đập tờ báo xuống đất, bực mình:
    • - Bá láp!

    Chưa từng thấy “mình yêu” có thái độ như thế bao giờ; thám hoa cười, hỏi:
    • - Chẳng hay chuyện gì làm cô nương không vui, có thể chia sẻ cùng tại hạ được không?
      - Mình coi! “Nó” nói người phụ nữ lý tưởng phải là người phụ nữ phải có bộ ngực lớn, vòng eo nhỏ, chân dài, bàn chân nhỏ, trang phục màu đỏ! Đồ khùng!
      - Ha ha…! Không khùng đâu!
      - Mình còn binh nữa!
      - Không binh, nhưng nói về lý tưởng thì không ai giống ai, dù ở phương diện nào cũng vậy. Về người phụ nữ lý tưởng thì càng có nhiều “lý tưởng” khác nhau: Với giới bình dân thì khác, giới quý tộc thì khác; giới có ăn học thì khác, giới vô học thì khác; người xưa thì khác, người nay thì khác. Nói chung là “bách nhơn, bách bụng, bách bao tử”. Nếu đem phân tích từng giai cấp, từng giai đoạn, thì phải liệt kê, dẫn chứng… viết thành quyển sách ngàn trang không hết! Tuy nhiên, có những quan niệm về người phụ nữ lý tưởng của nhiều người hơi lạ đời, nếu không nói là bất bình thường, là… không hiểu nổi!
      - Mình lòng vòng quá! Em chỉ cần biết người phụ nữ lý tưởng của mình thôi!
      - Chỉ cần được như mình yêu là đã dư một khúc!

    Giẫy nẩy:
    • - Hỏng thèm! Mình nịnh! Em không chịu đâu. Mình nói đi!
      - Nói cũng tốt! Biết đâu ngày mai có vài thiên gạch để sửa nhà! Hehe… (Thở ra) Theo anh, người phụ nữ mà có đủ Công , Dung, Ngôn, Hạnh, ngày xưa gọi là “tứ đức”, là người phụ nữ lý tưởng; nhưng cần phải hiểu đúng “tứ đức” là thế nào đã!
      Thứ nhứt là “Công”. Công là đảm nhiệm chu toàn việc tề gia nội trợ: nấu ăn ngon, biết may vá, giữ nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp, dạy con ngoan, phụng dưỡng cha mẹ chu đáo.
      Thứ hai là “Dung”. Dung không có nghĩa phải là sắc nước hương trời, nhưng phải gọn gàng sạch sẽ, duyên dáng; đi đứng nghiêm trang, thần thái ôn hòa.
      Thứ ba là “Ngôn”. Ngôn là không cợt nhả, cười nói ngả nghiêng. Không nói lời thô tục, hỗn hào, ác độc; không ngoa ngôn vọng ngữ, không “mồm năm miệng bảy”; mà phải là “nói lời nào ra lời đó”, luôn dịu dàng, khuôn phép.
      Thứ tư là “Hạnh”. Hạnh là tiêu chuẩn quan trọng bậc nhất, có thể nói nó bao gồm cả ba đức tính trên. Hạnh là nết na từ lời nói, mọi cử chỉ, hành vi, nói chung mọi việc đi đứng, nằm ngồi, ăn mặc, nói năng, tất cả phải vào quy củ, không thể tùy tiện. Người phụ nữ có đầy đủ phẩm “hạnh” sẽ làm người chồng tôn quý, gia đạo yên vui hạnh phúc. Như vậy có thể nói “hạnh” là “đức” đứng hàng đầu của người phụ nữ.

      Có những cái “hạnh” mà bản phủ đây cũng phải cúi đẩu: nhiều người chồng bị tù đày với thời hạn được bên giam cầm cho biết là “chừng nào tốt sẽ được thả về”! Chính cái vô hạn định phi nhân tính, vô nhân đạo nầy đã làm biết bao người vợ ở nhà không còn niềm tin vào ngày trở về của người chồng, nên đã “sang ngang”, bỏ mặc chồng mình trong vòng lao lý. Thế nhưng có những người vợ lại chịu muôn ngàn vất vả, đói rét trăm bề, nhục nhã muôn phương để nuôi con ăn học, nuôi chồng trong vòng lao lý, chờ chồng trong vô vọng! Thử hỏi có đáng nghiêng mình không?

      Không ít người phụ nữ cho rằng mình chỉ cần đẹp, trẻ, thì khối người si mê! Thật tội nghiệp cho họ vì ý nghĩ nông cạn nầy! Hỏi lại, họ có trẻ và đẹp mãi như búp bê không? Đẹp mà mở miệng thì vô duyên, không chút từ tâm, không biết tha thứ, nói móc nói ngoéo, luôn cho mình là đúng, không mải mai độ lượng, lòng như rắn rít, thì chỉ có hạng đàn ông đầu rỗng như trái banh mới đắm đuối mà thôi! Ông bà ta thường nói “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, “cái nết đánh chết cái đẹp”. Chính cái đẹp ở nội tâm mới chinh phục được lòng người vĩnh viễn. Mà cái đẹp ở nội tâm, là “Tứ Đức” đó cô nương à.
      - Em thấy “Tứ Đức” nó “xưa” quá rồi. Ngày nay, người phụ nữ cũng xông pha ra đời, thậm chí còn có người làm nên đại sự, thì chuyện “tứ đức” liệu có phù hợp nữa không?
      - Mình hãy coi lại! Tất cả dù ngàn năm sau chúng vẫn phù hợp: Phụ nữ ngày nay dù cũng có nhiều người “cũng xông pha ra đời, thậm chí còn có người làm nên đại sự”, nhưng nếu họ không biết nấu một nồi cơm, không biết quan tâm đến chồng, không biết giáo dục con cái; mở miệng ra là lừa bịp mọi người; đạo đức giả, ăn uống như heo, đứng đi như khỉ, ngu như bò lợn, thì theo bản phủ cũng là hạng bỏ đi! Ngược lại, mình nhìn ái nữ của thượng thư đại nhân tiền triều thì rõ: Đến giờ nầy vị cô nương ấy có vượt qua khỏi cái Công, Ngôn, Dung, Hạnh vừa kể ấy đâu mà nói không phù hợp?
      - Bản cô nương được giáo dục từ tấm bé thì phải khác người phàm chớ!
      - (Nhìn quanh) Thời thái bình mà bom pháo nổ đâu điếc tai vậy cà? Hi hi! “Tứ Đức” không gì là khó khăn dù với một người phụ nữ tầm thường, chẳng qua là họ hiểu chưa tới hay cố tình hiểu sai, hoặc không thèm hiểu mà thôi! Nầy nhé! Như đã noisn người phụ nữ mà không biết nấu ăn, không biết chăm sóc nhà cửa, thì người phụ nữ ấy thế nào? Người phụ nữ mà ngày tối chỉ lo sửa mắt, sửa mũi, quần áo hở hang, thậm chí “xăm mình cho đẹp” mà không từ một vị trí nào trong cơ thể, thì người phụ nữ ấy thế nào? Người phụ luôn nói láo, nói xạo; trước khi vào đề thì chêm “tiếng đan mạch”, vân vân và mây mây, thì người phụ nữ ấy thế nào?

      Dù cho ngày nay ngươi phụ nữ cũng có một vị trí nhất định trong xã hội, nhưng họ vẫn không bỏ phế việc nhà cho người giúp việc; không phó mặc con cái cho nhà trường, cho bảo mẫu. Thì đó mới là ngưởi phụ nữ lý tưởng.
      - Em thấy mình hay chỉ trích Khổng giáo, sao nay lại binh (vực) vậy?
      - Không phải binh! Mà cái gì xấu thì bỏ, cái gì tốt thì theo. Cũng như “Tam tòng” là cái phải lên án: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Những thứ nầy đã giam hãm đời người phụ nữ trong bốn bức tường u tối đáng nguyền rũa! Thương cho người phụ nữ Trung Quốc xưa lắm thay!

    Phu nhân buồn buồn:
    • - Phụ nữ nước nào chẳng thế? Cho đến hôm nay, quốc gia nào cũng hô hào “nam nữ bình đẳng”, nhưng trừ các nước Tây Âu, Mỹ, và vài nước thực sự văn minh khác thì họ tôn trọng phụ nữ; còn hầu hết, phụ nữ được “bình đẳng” được bao nhiêu? Đó là chưa nói có nhiều nước còn coi phụ nữ như món đồ chơi, không hơn không kém! Họ chỉ có một quyền duy nhứt mà người nam ban cho là… đẻ!
      - Có nhiều nơi, người phụ nữ còn chịu thiệt thòi MỌI MẶT từ hàng ngàn năm nay. Muốn “bình đẳng”, cần phải có sự liên kết nhiệt tâm của nhà nước, đoàn thể, tôn giáo, luật pháp, nhưng chủ yếu vẫn là nam giới, trước hết là người chồng của họ.
      - Sao nam giới lại là chủ yếu?
      - Nam, nữ là hai thể trọng đặt lên bàn cân bình đẳng. Nếu không là người nam thì là ai? Dù nhà nước, đoàn thể, tôn giáo có giáo dục, dù luật pháp có can thiệp, mà người nam lại tuân thủ một cách miễn cưỡng thì hiệu quả cũng không như ý. Muốn được như ý không gì bằng người nam phải tự hạ mình xuống, đưa người nữ lên! Người chồng hãy bỏ thói gia trưởng, thói côn đồ; phải coi việc đánh vợ, chửi vợ là một điều xấu hổ, đáng khinh. Phải tôn trọng, chiều chuộng vợ mình như những ngày đầu quen biết, vân vân. Điều nầy đòi hỏi người nam phải được giáo dục lành mạnh từ gia đình, từ một nền giáo dục nhân bản, nhân văn của nhà trường; ngược lại, nếu người nam được giáo dục từ một nền giáo dục bạo lực, đâm cha chém chú; bởi một xã hội ích kỷ, hay một tôn giáo lạ đời, thì người phụ nữ muôn đời sau cũng chưa được giải thoát. Ngoài ra, ngươi phụ nữ cũng phải vùng lên, đấu tranh liên tục, bởi không một sự công bằng nào từ trời rơi xuống bao giờ.
      - Mình muốn nói tới những nước mà người phụ nữ bị trùm kín mít, chỉ chừa hai con mắt thôi đó hả?
      - Không chỉ riêng gì những nước đó! Mà thôi, không nói nữa. Bãi đường!
      - Mình cho em hỏi thêm nè!
      - Không! Để xem ngày mai trước nhà đống gạch nó lớn bao nhiêu đã! Bãi đường lần hai! Haha..
    • - (Xụ mặt) Thấy ghét! Vậy không thèm thưởng luôn! Hừmm…




    CAO THÁM HOA

    https://www.facebook.com/khatiemly1252