Lạm phát không phải là vấn đề duy nhất của kinh tế Mỹ
Đã gửi: Thứ năm 22/06/23 06:58
-
Lạm phát không phải là vấn đề duy nhất của kinh tế Mỹ
_____________________
Thomas McArdle _ 21/06/23
Dù Fed có đang làm gì, nước Mỹ cũng sẽ không tránh được suy thoái kinh tế. Con đường tài khóa của nước này là không bền vững. Người ta cũng cần chú ý tới cuộc thập tự chinh chống lại doanh nghiệp tại tiểu bang New York. Tất cả thể hiện những xúc tu độc hại, có mặt ở khắp mọi nơi của chính phủ.
Tại Mỹ, quyết định nhất trí của Ủy ban Thị trường mở Liên bang vào thứ 4 (14/06) về việc không tăng lãi suất quỹ liên bang đã khiến nhiều người bật nút chai rượu sâm panh ăn mừng. Nó được ca ngợi như là bằng chứng của việc chinh phục lạm phát sau một thời gian dài. Trong khi đó, những người khác cho rằng Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã chùn bước khi đối mặt với vấn đề lạm phát dài hạn, vốn cần các biện pháp quyết liệt và bền vững hơn nhiều so với chuỗi 10 tháng liên tiếp tăng lãi suất tổng cộng 500 điểm cơ bản của Fed.
Lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng có thể đã giảm hàng tháng trong gần một năm nay, giảm xuống mức 4% hiện tại. Nhưng lạm phát lõi - không bao gồm các mặt hàng thực phẩm và xăng dầu dễ biến động, và do đó đôi khi gây hiểu nhầm - đã tăng thêm 0,4% trong tháng 5, giống như mức trung bình trong các tháng trước đó của năm nay. Nó vẫn ở mức cao tính theo năm là 5,3%. Lạm phát lõi và chỉ số CPI 4% đều vượt xa mục tiêu lạm phát 2% của Fed.
Cho đến khi Tổng thống Joe Biden đến Tòa Bạch Ốc cách đây gần hai năm rưỡi, người Mỹ đã không để ý tới lạm phát trong hàng thập kỷ. Vào những năm 1980, Chủ tịch Fed Paul Volcker đã loại bỏ lời nguyền lạm phát cao dai dẳng ra khỏi nền kinh tế. Tổng thống Ronald Reagan đã cung cấp cho ông Volcker vỏ bọc chính trị cực kỳ quan trọng bằng cách kìm hãm bất kỳ lời chỉ trích thực sự nào đối với Fed. Ông Reagan đã ngay lập tức chấm dứt việc kiểm soát giá dầu trong nước, thứ vốn đã tồn tại từ lâu, trong vòng vài tuần sau khi ông nhậm chức. Kiểm soát giá dầu chính là một sự can thiệp của chính phủ, thứ đã làm chuyển hướng nguồn cung toàn cầu và gây ra tình trạng xếp hàng dài tại các trạm xăng. Ông Reagan cũng chứng minh rằng quyền lực của các công đoàn lớn đang suy yếu khi sa thải các nhân viên kiểm soát không lưu liên bang biểu tình bất hợp pháp. Và việc cắt giảm thuế thu nhập 25% khổng lồ của ông vào thời điểm đó đã bị các nhà kinh tế học dòng chính chỉ trích là mang tính lạm phát. Tuy nhiên, ông đã chứng minh rằng việc cho phép người Mỹ giữ nhiều tài sản hơn không làm tăng giá cả.
Di sản lạm phát thấp của Reagan-Volcker đã tồn tại rất lâu trong hơn hơn ba thập kỷ nhưng nó đã không thể vượt qua được thử thách tới từ đợt vung tiền của ông Biden và các đảng viên Đảng Dân chủ tại Quốc hội vốn ngày càng cực đoan hóa. Ông Biden và Quốc hội do đảng của ông kiểm soát đã khởi xướng hơn 3 nghìn tỷ USD chi tiêu bổ sung. Trong khi đó, Fed, lo sợ sự sụp đổ kinh tế do COVID thúc đẩy, đã triển khai quyền hạn cho vay phi thường của mình “ở một mức độ chưa từng có… một cách mạnh mẽ, chủ động và tích cực” trong ứng phó với COVID, mua hàng trăm tỷ USD chứng khoán Kho bạc và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp do chính phủ liên bang đảm bảo.
Kể từ đầu mùa hè năm ngoái, Fed đã chuyển hướng mạnh mẽ rời bỏ chiến lược nới lỏng quá mức trước đó. Nhưng sau động thái vào thứ 4 của Fed, được mô tả là “tạm dừng một cách diều hâu”, chúng ta hiểu rằng lạm phát còn lâu mới được kiểm soát và rằng nền kinh tế không thể trông chờ vào những biện pháp theo kiểu ông Volcker từ ông Jay Powell. Nhận xét của ông ấy vào thứ 4, rằng không một thành viên FOMC nào ủng hộ việc nới lỏng chính sách vào bất kỳ thời điểm nào vào năm 2023 và rằng sẽ có thêm hai lần tăng lãi suất nữa vào cuối năm, tương đương với lời quảng cáo cho sức mạnh của loại thuốc được kê đơn cho căn bệnh lạm phát.
Không chỉ là lạm phát
Và tất cả để làm gì? Mỹ sẽ không tránh khỏi suy thoái kinh tế. Conference Board không chỉ dự báo 3 quý tăng trưởng GDP âm trong tương lai, mà đồng thời tuyên bố, “Các nền kinh tế châu Á dự kiến sẽ thúc đẩy phần lớn tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023, vì họ được hưởng lợi từ động lực mở cửa trở lại đang diễn ra và áp lực lạm phát ít gay gắt hơn so với các khu vực khác”.
Sau khi chính phủ liên bang Mỹ phát tiền chi tiêu cho những nhân viên không đi làm do lệnh phong tỏa, nợ thẻ tín dụng hiện thực sự ở mức cao hơn so với trước COVID - gần 988 tỷ USD. Trong khi đó, Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng của Mỹ sẽ buộc các công ty cho vay thẻ tín dụng tăng lãi suất và lấy đi tín dụng của một số khách hàng bằng các hạn chế mới về khả năng tính phí trả chậm. Đây là thứ vốn không khuyến khích việc gia tăng sử dụng thẻ tín dụng quá mức.
Trong khi đó, Văn phòng Ngân sách Quốc hội xác định rằng chi tiêu cho An sinh xã hội sẽ vượt qua doanh thu của chương trình trong vòng chưa đầy một thập kỷ, vào năm 2033, trong khi số phận tương tự đang chờ đợi Medicare.
Thật vậy, ông Powell đã thừa nhận một lần nữa vào thứ 4 rằng đất nước đang trên “con đường tài khóa không bền vững”. Ông Biden vào đầu năm nay đã phấn khích tấn công Thượng nghị sĩ Rick Scott, đảng viên Đảng Cộng hòa Florida, vì đã đề xuất thời hạn 5 năm chung cho luật chi tiêu liên bang, bao gồm cả các quyền lợi. Hành động của ông Biden cho thấy mong muốn của Đảng Dân chủ là chờ đợi cho đến phút cuối cùng trước khi cắt giảm Phúc lợi An sinh xã hội và Medicare, và việc tăng thuế sẽ mang lại môi trường việc làm cho khu vực tư nhân giống với khu vực châu Âu.
Cuộc thập tự chinh chống lại doanh nghiệp
Suy thoái không phải là rắc rối duy nhất ở phía trước đối với khu vực tư nhân. Có một thứ đang không được để ý đến, đó chính là là cuộc thập tự chinh đang diễn ra của tiểu bang New York chống lại doanh nghiệp. Đây là sự kiện sẽ tác động tới cả nước Mỹ, khi mà 10% công ty trong danh sách Fortune 500 của Mỹ có trụ sở tại New York. Họ sẽ chịu đựng bất cứ điều gì mà chính quyền bang và thành phố ném vào họ, thay vì chuyển đến một nơi nào đó, nơi mà họ không thể tìm thấy một chiếc bánh mì tròn ngon hoặc các bảo tàng hay rạp hát chất lượng.
Với lý do chống lại sự độc quyền, Thượng viện Tiểu bang New York đã thông qua một dự luật phạt các công ty với số tiền phạt lên tới 100 triệu USD, thẳn thắn mà nói, chỉ đơn giản là vì quá thành công. Một ủy ban của Quốc hội Tiểu bang hiện đang xem xét luật được đề xuất. Cả hai viện của tiểu bang đều do đảng Dân chủ cánh tả thống trị.
Với suy nghĩ chống lại thị trường tự do, méo mó, luật pháp ở đây coi một công ty chỉ kiểm soát 40% thị trường là độc quyền. Bang New York đã phải chịu mức thuế thu nhập tổng hợp cao nhất ở Mỹ và thậm chí còn mang theo sự tai tiếng xấu hổ khi là bang duy nhất tăng thuế thu nhập trong thời gian phong tỏa COVID. Nếu có một cuộc di cư đáng kể khỏi New York của các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực tài chính và các lĩnh vực khác, điều đó có thể có nghĩa là cơ sở tài chính của Mỹ sẽ có những gián đoạn địa lý với những tác động khó lường.
Ta có thể thấy rõ ràng điều gì nằm đằng sau tất cả những điều này - từ việc một Fed quá quyền lực không có khả năng quản lý lạm phát đúng cách đến việc lạm phát bùng nổ do chi tiêu, đến những nguy cơ chính trị của việc ấn định các quyền lợi, đến sự căm ghét không nguôi của cánh tả đối với khu vực tư nhân. Đó chính là sự thâm nhập quá mức trái đạo đức của chính phủ.
Phơi bày những xúc tu độc hại, có mặt ở khắp nơi của nhà nước sẽ là một chủ đề không tồi cho một ứng cử viên Tổng thống Mỹ.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch
Thomas McArdle
Tác giả Thomas McArdle từng là người viết bài phát biểu tại Tòa Bạch Ốc cho Tổng thống George W. Bush. Ông hiện đang viết bài cho IssuesInsights.com.
https://www.ntdvn.net/kinh-te/lam-phat- ... 49290.html