Quán trọ suối nước nóng - Kawabata Yasunari - Nguyễn Nam Trân
Đã gửi: Thứ hai 12/06/23 09:05
Quán trọ
suối nước nóng
Onsen-yado, 1929
tác giả Kawabata Yasunari - dịch giả Nguyễn Nam Trân
______________________________________________________________
A. Mùa hạ ra đi
Một
Giống như một đàn thú trắng, bọn đàn bà đang bò thành vòng. Lõa lồ, bóng nhẫy và tròn trịa, họ trườn bằng đầu gối quanh cái đáy tối của bồn tắm nhòa hơi nước. Đó là một đàn súc vật da trơn láng và nhơm nhớp, chỉ có phần bắp thịt săn chắc trên vai là lay động như lúc họ làm việc ngoài đồng. Món tóc đen nhánh chảy dài như dòng suối – vừa buồn bã vừa cao quí – đã tạo cho họ cái dáng dấp sống động chỉ thấy nơi loài người.
O-Taki ném cái cái bàn chải dùng để cọ rồi gấp rút trèo qua thành cửa sổ như phóng lên lưng một con ngựa gỗ. Cô bất chợt dạng chân bắc qua bờ một cái rãnh, để cho tiếng nước rót xuống lòng rãnh và thốt lên:
-Này! Có phải trời vào thu rồi không nào?
-Đúng là có gió thu đấy. Ở những nơi nghỉ mát, cứ đầu mùa thu là cảnh vật trở nên thê thảm, giống như cái bến đỗ sau khi thuyền đã bỏ đi.
O-Yuki trả lời bằng cái giọng làm dáng cô nhại lại một cô gái thành thị từng được nhân tình dắt đến đây chơi.
-Ôi. Có thấy con nhỏ này đỏng đảnh chưa nào?
O-Yoshi nói và lấy cái bàn cọ phát vào mông cô gái:
-Khi tháng tám mới bắt đầu, chưa chi người trên Tôkyô đã lập đi lập lại "Trời đã thu rồi! Trời đã thu rồi!" làm như ở vùng núi non, gió thu thổi quanh năm.
-Này, chị O-Yoshi ơi! Nếu em là cô gái kia thì em sẽ nói một câu nào nghe thông minh hơn một chút. Chẳng hạn "trông thê thảm như một cô gái ế"
-Xin lỗi bạn nha. Nói cho mà nghe. Tui lấy chồng ba lần, lần nào cũng cưới hỏi đàng hoàng. Ở tuổi bạn, tui đã có chồng rồi đó nghen.
-Thế thì em xin đổi qua cách khác là cái khu nghỉ mát này, cứ cuối hè đầu thu, cảnh tượng trông giống như một "cô gái ba lần chồng bỏ" thì nghe có được không?
O-Yuki chọc tức O-Yoshi xong liền chạy ù về hướng bờ sông.
***
O-Taki vẫn ngồi chàng hảng trên con rãnh nhỏ, vươn người lên để cố nhìn cảnh vật mà người đô hội thường mệnh danh là "đầu thu". Thế nhưng cô chỉ thấy mỗi vầng trăng treo lưng chừng trời trên rặng núi nơi có xóm làng, quê cũ của cô. Từ khi O-Taki xuống khu phố này, cô không còn có dịp nghe lại tiếng thác đổ bên trong hẻm núi nơi có ngôi làng ở đầu nguồn một con suối nước nóng. Ánh trăng xuyên qua đám lá sồi như vẽ mấy đường vân lên cái bụng của nàng con gái trẻ, người đã phải làm việc tất bật suốt năm tháng trời, không một ngày nghỉ.
O-Yoshi thò đầu qua cửa sổ lên tiếng:
-Kìa, O-Taki! Mầy chứng nào tật ấy. Con suối này là chỗ rửa "thực khí" (shokki) đó nghe!
-"Thực khí" [1] là cái gì hở chị?
-Ở mạn dưới, người ta còn khoanh thành chỗ nuôi cá hương và vo gạo nữa đấy!
-Nhưng bề gì nước cũng cho trôi hết thôi mà.
-Đồ ngựa cái!
Tuy nhiên O-Taki không thèm quay lưng nhìn về hướng đó.
***
-Này Yuki-chan, em có biết bơi không?
O-Taki hỏi và nắm lấy cổ tay cô gái nhỏ rồi băng qua cây cầu dẫn ra bờ sông. Khi thấy O-Yuki đang gập người lại, e thẹn vì đang trần truồng, O-Taki bất thần giật tay ra làm cho người cô bé chao đảo:
-Cho đáng đời mầy!
-Em đau mà chị. Phải đi chân đất như thế này.
Hai người ấy dĩ nhiên là đề tài nói xấu của bọn đàn bà đang làm việc trong phòng tắm. Món tóc của hai ả đều to khỏe và mọc rậm rì là cái đã làm cho họ cảm thấy khó chịu. Hàng ngày, những người đàn bà ấy vẫn xem mớ tóc đen, mượt mà ướt rượt của hai cô như nồng nàn cái mùi của tính dâm đãng bẩm sinh. Hơn nữa, hai cô không bao giờ chịu thay chăn đệm và cứ ngủ chung với nhau suốt một mùa hè.
Thế nhưng đêm nay là lúc bên kế toán sẽ chia chác số "tiền nước" [2] phần tháng tám cho đám nhân viên.
-Hai đứa nó thế nào cũng ăn gian sổ sách khi đem tiền được thưởng đi nộp cho quán. Coi bộ tụi nó có vẻ khoái trá và đang kéo nhau ra đằng kia để thậm thà thậm thụt mấy chuyện đó đấy.
-Ngoài ra, chúng còn dám lên tiếng chống lại việc chia chác đồng đều cho mọi người nữa kìa!
Thế nhưng tình thật mà nói, tất cả các cô đều không thỏa mãn với cách ăn đồng chia đều này. Bảy cô trong đám đều nuôi những nỗi bất bình trong bụng. Ngay O-Toki, người tự nhận là con gái nhà nông cũng nghĩ rằng cô là kẻ bị lãnh phần ít nhất:
-Mấy chị nói đúng!
Chỉ vì nghĩ đến cái vai vế yếu kém mình, cô nàng đã ngước đầu lên khỏi cái đáy bồn tắm để góp lời:
-Hai con nhỏ đó khác làng với chúng mình! Một đứa vốn làm con ở trong một hàng thịt, còn đứa kia từng giữ trẻ cho cửa hiệu geisha...Nếu chúng nó làm bậy chăng nữa, nào có gì để phải ngạc nhiên.
O-Taki ôm xốc người O-Yuki lên như bê một mớ rau tươi, phóng theo những miếng đá lát đường để tiến về phía cây cầu. Cầu này bắc qua một hòn đảo nhỏ nằm giữa dòng sông vốn chảy ra từ thung lũng trong núi. Trên đảo, người ta đã dựng lên túp nhà tranh và tạo một khoảnh vườn để khách trong quán ra đó chơi. Trên mặt sông, ở những nơi nước sâu, tia sáng của vầng trăng phản chiếu lên tán loạn trông chẳng khác nào bầy chim di lông bạc đang ngụp lặn. Màu trắng của ghềnh đá lẫn vào tiếng côn trùng mùa thu từ rừng cây tuyết tùng bên kia bờ sông đang trùm lên hai tấm thân con gái mình không mảnh vải che.
Công việc chùi rửa bồn tắm có lẽ đã kết thúc vì những tiếng đặt gáo gỗ xuống sàn xi măng đã nghe vọng lại. O-Taki tìm được dăm cây pháo bông bên cạnh cây cột của túp lều, còn O-Yuki thì kéo cái khố đi tắm của khách bỏ lại trên cành bụi dâu leo xuống và xỏ chân vào.
-Nè, chị coi! Cái khố này dài tới đầu gối em.
-Đồ của đàn ông mà!
Lúc đó thì bọn con gái còn lại đã quấn áo ngủ lên người và băng qua cầu kéo tới. Nếu là mọi ngày thì sau khi làm việc mệt mỏi, bọn họ đã lăn ra ngủ vùi như những khúc củi. Riêng đêm nay, thay vì chia phiên và cử một toán hai người thay nhau lau chùi bồn tắm, họ tụ tập một lần tất cả bảy đứa. Vừa nắm được mớ tiền thưởng trong tay, họ tỏ ra hưng phấn như những kẻ đêm mai sẽ được sống trong một lễ hội nơi họ được ăn chơi thả giàn. Họ cười cợt O-Yuki với mái tóc rẽ trái đào, thân hình thì lọt trong cái khố để tắm rộng thùng thình. Họ kể cho nhau nghe những lời hứa hẹn của bọn khách đàn ông mùa hạ vừa qua. Vừa cảm thấy bụng cồn cào như những người đang đói [3] , họ thi nhau nói xấu về các ông khách ấy. Giữa lúc đó, O-Taki lên tiếng:
-O-Toki với O-Tani chỉ còn làm việc mỗi ngày mai thôi nhỉ. Thế thì tụi mình đốt pháo bông để tiễn đưa họ nhé!
Thế nhưng mấy cây pháo bông đã bị ẩm.
-Này! O-Yuki chan. Mùa thu thật giống như thứ pháo bông bị ẩm.
Cô đánh mạnh que diêm thêm lần nữa để đốt một lượt 15, 16 cây pháo bông và lần này ngọn lửa đã bùng lên, gây ra một tiếng động mạnh mẽ. Những tia lửa bắn ra bay cao và xuyên khỏi ngọn cây anh đào đã ra lá xanh.
Cả bọn reo hò và nhất tề ngước đầu nhìn. Họ vừa nhận ra có một bóng đàn ông mặc đồ tắm đang đu lủng lẳng, hai tay bám vào cái sào dài dùng treo mấy bộ yukata trên sân phơi quần áo. Quán trọ vốn được cất trên kè dốc của một con sông chảy từ thung lũng trong núi. Tuy đằng trước gian tiền đường đưa vào quán là đất bằng nhưng phía sau, nơi phơi quần áo, lại cao lên hẳn, phải trèo lên mới tới nơi. Sau khi loay hoay, người đàn ông đang đu lơ lửng đã phải quặp hai chân vào cái trụ làm bằng một thân cây tròn và cố leo lên một cách vụng về.
-Ôi chao ơi! Ông Tsuruya đây mà!
-Thân bệnh hoạn mà còn phải cố gắng như thế. Rõ khổ!!
Bọn đàn bà cất tiếng cười khanh khách. Yoshi phải suỵt để ngăn họ lại.
-Đừng cười! Chắc tại tôi khóa cửa lối vào hành lang nên ông ấy phải leo từ đằng sau quán để vào.
Người đàn ông chụp lấy cánh cửa liếp che mưa và kéo lấy nó như một gã điên. Rốt cuộc, với cả hai cánh tay, ông ta đã giật được nhưng lại ngã và lọt tỏm ngay giữa căn phòng ngủ của mấy cô hầu phòng. Bên trong cánh cửa sổ, phòng tối om om.
O-Yoshi bỏ chạy thật nhanh về hướng cây cầu. Bọn đàn bà cũng nhất loạt nhỏm dậy. O-Yuki định cởi cái khố đàn ông thì O-Taki ôm lấy vai cô và giữ chịt lại:
-Thây kệ họ đi em. Mấy người ấy đang lo mất ví tiền đó thôi.
-Mình hãy còn mớ pháo bông kia kìa.
Từ ngôi nhà chứa [4] thượng nguồn con sông, hai cô gái điếm thân hình đong đưa đang vượt qua mấy ghềnh đá để xuống tắm trộm ở bồn tắm của quán trọ. Bọn đàn ông đi theo sau lưng họ.
O-Taki thả O-Yuki đang nằm tựa trên đầu gối mình mà tưởng chừng như muốn hất rơi cô ta rồi đứng lên.
-Khốn nạn thật. Để chị cho mấy mụ kia biết tay mới được.
Hai
Vườn nhà O-Taki có nhiều hoa cosmos [5]. Miếng đất trải hoa ấy được bao chung quanh bằng dậu tre đan để làm chỗ nuôi gà.Những cọng hoa dài ngả nghiêng vô trật tự, chạm đến đất. Từ khu mồ mả của làng đổ xuống thung lũng có nhiều thửa ruộng bậc thang. Ngôi nhà này nằm ở giữa vùng đó nên lúc nào cũng đầy ắp nắng gió. Rừng tre sau lưng lấn cả mái tranh nhà họ. Cành lá chúng lúc nào cũng lay động như một đàn cá mòi đang bơi lội nhưng cả O-Taki lẫn mẹ cô chưa bao giờ nghe có tiếng lá tre reo xào xạc.
Từ năm O-Taki được 13, 14, cô bắt đầu cưỡi ngựa không yên và phóng ra khỏi nhà. Nhìn cái dáng cô trên lưng mang đầy củ wasabi với những chiếc lá màu xanh tươi tắn, thúc con ngựa không yên chạy từ mỏm núi xuống giống như là một trận gió mát ban mai màu lục.
Từ năm 15, 16 tuổi, cứ vào dịp tháng giêng hoặc hai tháng mùa hè, khi trong ngôi nhà nhiều công việc và neo người là cô sẽ đến để phụ một tay. Khi cô vào đến buồng tắm và cởi hết áo quần, bọn khách đàn ông đang ngâm mình trong bồn nước nóng bỗng trở nên ít lời. Hai cánh tay và đôi chân dài săn chắc như những thanh thép trắng của cô toát ra vẻ đẹp trẻ trung của một cô gái dậy thì.
Cái bụng của O-Taki và bụng của mẹ nàng, nếu nhìn từ bên ngoài, có thể nói lên được nhiều điều. Cô gái trẻ ngồi thẳng đứng nhìn người mẹ đang ngủ, lơ là để lộ cái bụng béo ngậy đang căng phồng. Trước cảnh tượng không mấy đẹp đẽ đó, cô gái bất chợt nhổ nước bọt đang tích tụ trong miệng mình đánh phẹt một cái rồi cũng lăn ra ngủ theo. Kể từ khi cha cô bỏ rơi hai mẹ con, hình ảnh cái bụng của người mẹ bỗng đã trở thành một vật thể hết sức quan trọng khiến cô luôn để ý.
Cha của O-Taki hiện sống với cô vợ bé trên cùng một con đường lớn trong xóm. Có lúc gặp nhau giữa đường, cha cô hỏi:
-Độ rày má ra sao?
-Bả ngủ li bì suốt ngày.
Cô ta trả lời một cách hờ hững rồi đi qua thật nhanh.
Năm lên 16, có lần O-Taki cùng mẹ đang điều khiển một con ngựa làm việc ngoài đồng. Họ đưa nước vào ruộng và trước khi sắp sửa cấy mạ, bà mẹ phải kéo theo một cái bừa răng gỗ thưa đằng sau lưng ngựa. Đang đứng nhìn cảnh ấy từ trên bờ ruộng, không hiểu sao mà O-Taki lại nhảy phóc xuống ruộng và cho bà ta ăn một cái tát nổ đom đóm:
-Ngu ơi là ngu. Không thấy cái bừa nó cứ nổi lềnh bềnh, chưa chạm được tới đất hay sao bà?
Bà mẹ tay cứ nắm lấy cán bừa loạng choạng bước tiếp. O-Taki bèn giành lấy bừa, duỗi khuỷu tay ra và ấn xuống:
-Mở mắt ra mà coi người ta làm đây!
Người mẹ quì một đầu gối xuống mặt đám ruộng bùn, nhìn lên đứa con gái và phân bua với mấy người ở đám ruộng bên, mặt thì đỏ lên và bẽn lẽn như một thiếu nữ:
-Đó, các ông bà coi! Cô chủ mới của tôi có khiếp không? Ông chồng cũ còn dễ thương gấp mấy.!
Ban đêm, O-Taki quay lưng lại với mẹ mà ngủ. Còn người mẹ ngủ đâu mặt về hướng lưng cô.
Mỗi ngày, bà mẹ vác cái cuốc vỡ đất chạy lúp xúp bám theo đứa con gái đang cưỡi ngựa không yên. Về đến nhà, mọi chuyện từ giặt giũ cho đến bếp núc đều là công việc của bà. Càng bị con gái hành hạ, sai bảo bao nhiêu, bà càng có ít thời giờ để nghĩ đến những bất hạnh trong cuộc sống vợ chồng của mình. Thế nhưng bà lại hay mắc chứng hồi hộp, dễ bị rối loạn nhịp tim. Mỗi lần bà mơ màng nghĩ đến chồng mình thì con gái lại giở trò đánh đập. Khi nhìn thấy mặt mẹ ràn rụa nước mắt, đứa con gái bèn bỏ ra đi và bà lại chạy theo trách móc:
-O-Taki, đợi mẹ cái con! Sao lại mang đôi dép mòn rách như thế?
Thế rồi mẹ cô lại tiếp tục vùi đầu vào công việc. Trong khi cặp mắt của bà trở nên hiền từ, hiền lành như mắt mèo thì tròng mắt đứa con gái vẫn cứ trong đen, long lanh, chao qua đảo lại.
Mỗi lần cô diện kimono bước vào phòng khách của ngôi nhà trọ, O-Taki thường làm cho đám khách suýt soa. Đôi mắt luôn luôn ướt rượt và long lanh của cô là cái đập vào mắt họ.
Chuyện đã xảy đến cho cô trong quán trọ đó vào một ngày cuối năm lúc cô 16 tuổi.Trong khi O-Taki một mình sắp sửa lau chùi hồ tắm thì bọn con gái ở khu nhà chứa đã kéo ba ông khách đang say xỉn đi bằng cửa sau mà vào.
-O-Taki ơi. Em cho chúng tôi tắm tí nhé! Nhưng sao bồn lại không có nước thế này?
-Tại nước nóng đã được dồn cả vào hộc bên trên rồi.
O-Taki ngượng nghịu đứng ở góc hồ, tay vẫn nắm bàn cọ.
Phía dưới sàn phòng tắm là nền đá. Hồ tắm được chia thành ba cái hộc bằng gỗ. Khi nào hộc thứ nhất ngập đầy, nước trào ra sẽ chảy xuống hộc thứ hai. Nhờ đó mà dần dà, nước ở hộc bên dưới sẽ nguội dần so với nước của hộc trên.
Bọn đàn bà đến từ nhà chứa dùng nước bồn tắm rửa sạch lớp phấn trắng thơm nồng đang bám lên người họ. Hai cô trong bọn bắt đầu bô bô bình phẩm về thân thể của O-Taki để xem cô gái đã biết hơi trai hay là vẫn còn tân. Thế nhưng bọn đàn ông vì bị lôi cuốn bởi cái dáng khỏa thân tràn trề nhựa sống của cô con gái đến thì nên vẫn câm miệng hến. Chỉ cần nghe những lời bàn tán đó, O-Taki cảm thấy ngay ánh mắt mấy anh đàn ông kia đang tách bạch thân thể mình. Bọn đàn bà quì gối phía sau lũ đàn ông và khoát nước để kỳ lưng cho họ. Một người lên tiếng:
-Này O-Taki. Xem anh nào chưa có ai kỳ lưng thì xối nước dùm chút coi.
O-Taki cảm thấy cổ họng cô như thắt lại sau khi một vật cứng mới trôi qua. Cô đến sau lưng một người đàn ông và đặt đầu gối xuống sàn. Hình như chàng ta là một anh đốc công làm việc trong khu mỏ ở sườn núi bên kia. Trong khi vuốt lên cái lưng săn chắc kia cho trôi đi cái mùi của lớp bụi mỏ, O-Taki thấy bàn tay cô bắt đầu run rẩy. Cô chợt khép hai đầu gối sát lại nhưng cảm thấy vừa có một luồng điện chạy từ cần cổ xuống làm cô rùng mình như người ớn lạnh. Cô vội khoát nước và tráng thật nhanh.
Hai người đàn bà – với cái rắn mắt của loại gái điếm dạn dày khi đứng trước một cô gái còn ngây thơ, liên tiếp tuôn ra những lời lẽ độc địa. Đôi mắt O-Taki nhìn thẳng về phía họ, long lên như bốc lửa.
Một người đàn ông bên ngoài có mặc thêm áo khoác đến vỗ nhẹ vào vai O-Taki:
-Này, em gái! Có đi chơi với anh không?
-Ừm!
Vừa khi O-Taki vừa thốt ra một tiếng như vậy, cô cảm thấy cánh tay đàn ông kia đã quàng chặt vai mình.
Bầu trời trên bờ sông phủ mây trắng đục như tuyết sắp rơi, lại thêm gió bấc thổi rát qua cành lá. Trên người O-Taki chỉ có mỗi manh áo ngủ bằng vải, hai chân trần từ dưới hồ tắm bước lên đang hút vào bên trong thân thể cô từng đợt một cái lạnh của ghềnh đá. Mỗi lần lòng bàn chân truyền cái buốt giá ấy lên phía trên, cặp đùi cô như cứng nhắc, cô hét lên "Đồ khốn! Đồ khốn!" với tất cả sức lực đang dồn nén trong lồng ngực.
Ban đầu, O-Taki chỉ biết dấu mặt mình vào trong lòng bàn tay nhưng sau đó cô đã đút ngón tay trỏ bên phải vào mồm và cắn nhiều lần thật mạnh. Sau khi ngồi dậy, cô mới nhận ra là là ngón tay cái ấy có một vết răng và từ chỗ đó máu đang rịn ra.
O-Taki vội vàng dấu bàn tay ấy vào bên trong lớp áo, lảo đảo đứng dậy. Cô định mở toang cánh cửa trượt ngăn với phòng bên cạnh qua một bên nhưng biết rằng đằng sau cánh cửa đó, ba cô gái điếm và bọn khách đang nín thở để theo dõi. Do đó cô chỉ đặt tay lên thành cửa và hậm hực hét lên cái câu nói cũ "Đồ khốn! Đồ khốn!" rồi, không thèm nhìn cả người đàn ông của mình, theo cánh cửa sau của ngôi nhà chứa bước ra và men theo con đường mòn trong thung lũng mà về.
Vừa mới đi được một đoạn ngắn, O-Taki bỗng nghe có tiếng chân và ngoảnh lại thì thấy có hai người đàn ông đang đuổi theo mình.Đằng sau là tiếng rít lanh lảnh của bọn đàn bà con gái đang buông lời chửi bới nhưng đó là bằng cớ cô là kẻ chiến thắng. Chân O-Taki loạng chạng như muốn ngã, cô nằm úp mặt xuống bờ sông, vốc từng ngụm nước lạnh lên uống. Cô liếc mắt nhìn hơi thở trắng của bọn đàn ông đuổi theo cô mà quên cả giày dép, rồi lại tiếp tục uống nước.
Đêm đó, khi trở về nhà, O-Taki đã ôm lấy mẹ mà ngủ và ghì siết một cách hung bạo như kiểu gã đàn ông vừa làm với cô.
Ba bốn tháng sau, khi trời đã vào xuân, một đêm O-Taki đã nhảy từ một ghềnh đá cao gấp đôi chiều cao của mình xuống mặt đường cái đến nỗi trẹo cả chân. Được đưa vào bệnh viện thị trấn, ngày hôm sau cô bị trụy thai. Chỉ mười hôm cô đã về làng và thấy ông bố đang có mặt ở đó.Cô đã đá cả mẹ và ôm lấy ông bố vật xuống, cãi nhau nhặng xị:
-Hai người nhơ nhuốc quá. Lợi dụng lúc con gái vắng mặt để làm trò bỉ ổi. Không ai thèm ở trong cái nhà bẩn thỉu này nữa đâu.
Ngay hôm đấy, cô đã lấy chuyến xe khách để xuống thị trấn, vào làm con sen trong một hàng thịt.
Thế rồi cuối tháng bảy mùa hè năm đó, cô lại thôi việc ở hàng thịt, về làng và đến làm công ở lữ quán. Vì câu chuyện tình của cô hai năm về trước, hễ khi có dịp nhắc đến các cô gái nhà chứa, thế nào O-Taki cũng nổi cáu và tìm cách cho họ biết tay.
Ba
Để cho hơi nước nóng không làm mờ phòng tắm, bất kể mùa hè hay mùa đông, cánh cửa sổ của phía sau gian phòng đều để mở toang hoác ngày cũng như đêm. Chuyện thường xảy ra là các cô gái làng chơi đã lợi dụng cánh cửa sổ này để đưa khách của họ men theo con đường trong hẻm núi lén đến chỗ tắm riêng của lữ quán mà tắm lậu. Mọi sự vẫn không thay đổi từ hai mùa đông trước cho đến bây giờ. Thế nhưng O-Taki lại cảm thấy việc mình cởi truồng trong vụ hè năm nay và những lần ở truồng vào mùa đông năm trước không còn giống nhau nữa.
Vừa đi băng qua cây cầu ván, O-Taki vừa hỏi O-Yuki:
-Coi kìa! Sao em còn giữ làm gì mấy cây pháo bông ẩm ướt như thế? Để hai chị em mình vào trong phòng tắm bẻ cho gãy mũi mấy con mụ đó. O-Yuki nè, em với tụi nó khác nhau một trời một vực. Chỉ cần em đưa bộ mặt xinh xắn của em ra cho bọn đàn ông thấy là mấy con mụ đó sẽ khóc tức tưởi.
-Nếu làm thế, em cảm thấy mình phá đám chuyện làm ăn của mấy chị đó.
-Xí! Em đúng là người từng giúp việc ở hiệu geisha. Thay vì cứ ôm lấy ba cái khố đàn ông, cứ làm theo lời chị thì đã sao! Thôi, để chị đi một mình cũng đủ. Em có định về ngủ trước không?
-Cái ông chủ tiệm Tsuruya đang nằm trong phòng tụi mình mà chị!
Người được gọi "ông Tsuruya" vốn là một tay buôn sỉ hàng tạp hóa cho cả vùng. Mỗi tháng hai lần, ông ta lại đánh một vòng vào khoảng giữa và cuối tháng. Đầu ông ta tròn bóng như một hạt dẻ, một bộ râu giống như lông hạt dẻ đỏ mọc từ má xuống cằm, còn người thì tròn quay với làn da nâu màu hạt dẻ. Khi nào say, ông ta thường dùng đũa gỏ vào bát đĩa như một tên khùng và có những hành động nhố nhăng. Sau đó, ông lăn ra ngủ hai ba tiếng đồng hồ. Vừa mở mắt ra là thế nào cũng phải tìm đủ cách - dù gian nan đến mức nào – để chui vào phòng các cô giúp việc. Việc đu người leo lên sàn phơi quần áo vừa rồi chỉ là một ví dụ. Nếu không leo được vào phòng các cô, ông sẽ không thể nào ngủ tiếp. Kiểu lăn xả vào phòng các cô thì mười năm nay, mỗi tháng hai lần, ông vẫn không hề từ bỏ làm như thể đó là thói quen để đem lại may mắn cho mình.
Tuy nhiên O-Yuki hãy còn là một cô gái mới, đầu óc nhạy cảm, cho nên khi O-Taki bảo:
-Say khướt như thế, lão ta nằm xuống là ngáy liền, còn biết mô tê gì đâu mà em sợ.
Cô đã trả lời:
-Thôi, không sao. Để em ra "Nhà tắm trên sông" đợi chị vậy.
Trên bờ con sông chảy qua chỗ trũng trong núi hãy còn có một ngôi nhà tắm khác, giản dị, cất bằng gỗ tạp. Nó giống như chòi canh lửa rừng và các cô thường gọi là "Nhà tắm trên sông" (Kawa no yu).
Từ cánh cửa hậu của phòng tắm trong lữ quán, O-Taki đang theo mấy bậc đá đi xuống thì chợt nghe trong bồn tắm, có tiếng người nói vọng lên giữa tiếng nước sóng sánh:
-Nhà tắm ngoài bờ sông lạnh quá cỡ.
-Chào em!
-Chào chị!
Tránh những giọt nước mà đám đàn bà nhà chứa làm bắn lên, O-Taki gieo cả thân hình vào bồn. Cô thấy bồn nước ấm sóng sánh dạt dào rồi đầy ắp trở lại.
-Cô cho bọn này đến tắm nhờ chút nha.
-Thế à? Vậy mà em cứ tưởng các anh là khách của quán em.
Hai người khách đàn ông ấy có vẻ là sinh viên. Khi O-Taki đến trước mặt hai người lạ và mạnh dạn đứng thẳng lên, cả hai cảm thấy như có một luồng gió nóng đang phả lên người họ. Ra khỏi bồn tắm, họ ngồi lên bên thành, cúi đầu bối rối:
-Đáng lẽ xin phép trước thì tốt hơn nhưng bọn tôi cứ nghĩ giờ này cô đã xong việc và về nhà rồi.
-Được mà! Em trở lại vì muốn mượn chị O-Saki một món đồ thôi.
Người đang xin lỗi O-Taki là cô gái tên O-Kiyo, người có biệt danh là "quả dưa chuột" bởi tướng cô gầy guộc, lưng cong vòng, trông không khác nào một quả dưa chuột. Chẳng những thế, cô lại xanh xao và hay nằm bệnh. O-Kiyo lại là người thích trẻ con. Cô thường giữ trẻ mới sinh cho hàng xóm, hay đưa ba bốn đứa con nít đến hồ tắm công cộng để rửa ráy và tỏ ra thích thú khi được chăm sóc, vuốt ve chúng. Có lẽ cô là người biết giữ một cách nghiêm ngặt qui luật dành cho các cô gái điếm của nhà chứa là không bao giờ đi khách người làng. Tuy là dân kiều ngụ nhưng từ khi đến làng này và làm việc đến nỗi sức khỏe suy sụp, cô vẫn nhủ lòng là một mai kia, mình sẽ được vùi xác nơi đây. Cô mong mỏi ngày đó, đám con nít mà cô rất mực yêu thương sẽ theo sau linh cữu đưa cô ra ngoài cánh đồng. Mỗi lần đặt lưng xuống ngủ là trong đầu cô lại hiện ra hình ảnh của cái ước vọng hão huyền đó.
Vì thế nên mỗi khi gặp O-Kiyo, O-Taki để ý ngay tới cái dáng xanh xao như ánh sáng nhợt nhạt một ngày mùa đông của cô nên lúc nào cũng có lời thăm hỏi.
Tuy vậy, trong đám có một người đàn bà thứ hai, không thèm nhìn mặt O-Taki mà chỉ cất một tiếng "Chào!" cụt lủn rồi tiếp tục nhắm mắt như đang ngủ. Đôi mi cô ta dài che cả mắt và mái tóc xẻ ra làm hai mái, đẫm nước như bết dầu và đổ xuống một cách bơ thờ. Làn da trắng trên khuôn mặt phẳng phiu với dáng vẻ của người đang ngủ mơ cộng thêm bờ môi cong cớn và nét lông mi dài tạo ra một sự tươi tắn khác thường. Đôi mày không chăm chút mọc một cách hoang dại, tự nhiên. Chỉ cần nhìn những bộ phận như vành tai, cần cổ hay ngón tay của cô ... người ta đã muốn nhe răng ra cắn lấy. O-Taki biết ngay rằng một người đàn bà với dáng dấp mềm mại và hấp dẫn như thế không thể là ai khác ngoài O-Saki.
Trong số trên mươi cô đầu rượu (shakufu) [6] trong ngôi làng này, chỉ có O-Saki là người bị xem là kẻ làm rối loạn thuần phong mỹ tục. Cô đã bị các viên tuần cảnh đóng ở đây thông báo quyết định của hội đồng hương chức trục xuất khỏi làng. Lý do là con trai của một vị nghị viên trong hội đồng đi lại với cô quá thường xuyên. Họ xem cô quá dâm đãng như thể đã mang dòng máu cô đầu từ lúc mới sinh ra.
Dù O-Taki đưa mắt trừng trừng nhìn mình nhưng O-Saki vẫn như người đang sống trong một thế giới riêng biệt. Cô cất người lên khỏi bồn nước tắm và ngồi lên trên mé bồn, mình mẩy trắng phau như một con ốc sên (namekuji). Nhìn những giọt nước còn lăn trên lớp da thịt mịn màng, người ta không nghĩ rằng cô là một loài động vật có xương. Da thịt cô là một vùng mềm mại và tròn trĩnh không có lấy một chút tì vết. Phần mỡ màng ấy như có khả năng co rút của một loài sên (kagyuurui) di động bằng cách trườn mình. Bất chợt O-Taki bị xâm chiếm bởi một sự ham muốn hết sức đàn ông là đưa chân dẫm lên và dày xéo lên cái vùng bụng trắng tinh khôi đó. Cô liền giang cánh tay về phía cái vùng nằm giữa hai đầu gối của O-Saki:
-Cho mượn cái khăn đi!
O-Saki giật bắn, lại thu người như một con ốc sên, cúi rạp ngực xuống để che lấy hạ bộ nhưng trên cái vùng mà vuông khăn tắm không còn che đậy nỗi nữa, một khoảnh đầy sẹo nhỏ hiện ra giữa lớp da thịt trắng tươi.
Cử chỉ đó đã làm cho hai vành tai như trong suốt của O-Saki đỏ lên vì ngượng và cái một màu hồng nhạt ửng lên từ phía đôi vú và lan đến phần da bụng của cô. Màu máu đẹp đẽ trên da thịt O-Saki dường như không phải là của con người đã làm dậy trong lòng O-Taki một sự ganh tỵ đồng thời đem đến cho cô cái khoái cảm được nhìn ngắm nó.
-Thôi, không thèm mượn khăn nữa đâu. Nhỡ lây bệnh thì khốn.
Thế rồi, một lúc sau, O-Taki vừa nhìn vào bên trong ngôi nhà tắm nhỏ ngoài bờ sông, vừa cất tiếng mời gọi:
-Yuki-chan ơi! Đây có hai cậu sinh viên trông điển trai và ngoan lắm. Thế có chịu đi dạo với chị về phía nguồn sông không nào?
Từ trong bồn, O-Yuki đang khoành hai cánh tay thành một vòng tròn trên thành xi măng và úp cái má còn đẫm ướt nước tắm lên đó.
-Ôi chao! Em đang ngủ à? Nhưng thôi, nếu cẩn thận một tý ...thì cũng không sao.
Khi O-Taki về đến phòng khi những thân cây trắng và cả dòng sông trắng cũng đã lẫn vào trong luồng ánh sáng trắng nhạt của buổi bình minh vừa hé đang bao trùm lên mọi vật. O-Yuki vẫn còn nằm ngủ trong bồn tắm ở ngoài bãi sông. Và hình như vì muốn giữ cho thật chặt cái đạo đức và sự trinh tiết của mình, cô đã khoành tay thành một vòng tròn để ôm trọn lấy chúng.
Bốn
Dường như ở một nơi nào đó trong người, O-Yuki còn có giữ được mấy nguyên tắc sót lại từ cuốn "Luân lý giáo khoa thư". Điều đó thấy cũng dễ thương như một con chim non còn dính theo đuôi cái vỏ trứng nơi nó vừa nở ra nhưng cũng thấy dễ ghét như cái lớp da rắn vừa mới lột.
Từng có kinh nghiệm làm công cho một cửa hiệu geisha ở một thị trấn có suối nước nóng ven biển gần nơi đô hội nên dù với mái tóc hãy còn rẽ trái đào [7] O-Yuki đã có một cần cổ với đường nét thanh tú và vô cùng khêu gợi. Chỉ nhìn một thoáng thôi, ai cũng hiểu cô là một ca kỹ tập sự nhưng đã sớm trưởng thành, đồng thời là một cô gái miền biển tràn đầy sinh lực. Màu má đỏ hồng như táo chín, cặp mắt tròn to hai mí trông lúng liếng đa tình. Xưa có câu "Vật hiếm hoi thường nằm trong núi" (Yamazato ni wa mezurashii), dường như lại được nghe thêm lần nữa.
Vì lý do đó mà khi đến cái quán trọ ở suối nước nóng này, bao nhiêu khách đàn ông đã buông ra câu đó với vẻ nửa đùa nửa thật. Và cô gái này cũng tiếp nhận một cách nửa đùa nửa thật những lời tán tỉnh ấy rồi quên bẵng đi. Hơn nữa, khác với những cô gái khác, O-Yuki lại không hề đem những chuyện ấy rêu rao với ai. Một dạo, có cậu học sinh kia đã lỡ lời:
-Yuki-chan nè! Em còn nhỏ tuổi mà sao đã tinh ranh thế em!
O-Yuki đổi sắc mặt đáp trả:
-Anh đừng coi thường em. Anh chỉ mới là sinh viên thôi, sao đã vội phách lối như vậy. Có phải vì anh nghe người ta nói em từng đi làm ở cửa hiệu geisha hay không?
Cô vứt cái mâm đang cầm và ngoe nguẩy đi mất. Trong suốt một tháng trời cậu sinh viên trọ ở lữ quán, cô không thèm mở miệng nói thêm một lời nào với cậu nữa.
Tuy vậy, lúc làm chung toán quét dọn nhà tắm với O-Yoshi và chỉ có hai người, O-Yuki lại sinh tật giả vờ buồn ngủ. Bị bạn lấy bàn cọ đập vào người thì cô ta lại nói:
-Em hoa cả mắt, nhìn chị mà thấy như có đến ba người. Cho em đi ngủ trước nhé, được không? Em hứa sẽ sưởi ấm chỗ nằm cho chị.
Với cách ăn nói tưng tửng và khuôn mặt xinh xắn, O-Yuki đã được nhóm bạn gái của cô yêu mến, như kiểu bọn đàn ông yêu một cô gái điếm.
Các người khách phái nữ nhìn O-Yuki, lộ vẻ ngạc nhiên: "Ôi chào, cái yếm (maekake) này, em mặc trông xinh xinh là!"
Không biết tự hồi nào và từ đâu mà O-Yuki đã thu thập được nhiều mẩu vải nhỏ hoa hòe hình tam giác và khâu lại thành một cái tạp dề xinh xắn.
Lần đầu khi O-Yuki mới đến làm việc ở quán trọ này là dạo cuối hè, nhằm lúc người trong quán đang chuẩn bị khâu những cái áo trấn thủ (dotera) mới. Lúc mọi người đã khâu xong hai mươi tấm áo trấn thủ thì đồng thời. O-Yuki cũng đã khâu xong một áo kép (awase) cho đàn ông và cùng một chất liệu. Cô đã dùng những mẩu vải dôi mà người ta không dùng. Mục đích là gửi nó cho cậu em ở quê nhà.
Nghe bà chủ nhà trọ vừa ngạc nhiên vừa khen ngợi cô gái, ông chủ mới bảo:
-Coi chừng nó nghe. Con nhỏ này mình không lơ là được đâu.
O-Yuki còn lượm tàn thuốc vấn của mấy ông khách, ngắt bỏ đầu và để dành đó. Sau khi đã khá đủ, cô trải giấy báo ra và phơi thuốc lên trên rồi gửi cho người ông đang sống ở một khu phố biển.
Bà cụ già trong lữ quán chuyên nhặt thuốc lá vứt đi trong lữ quán từ nhiều năm vẫn tự tay nhặt nhạnh chúng từ những cái gạt tàn và bếp sưởi. Tất nhiên bà cũng xé bỏ đi những đầu điếu đã bị ngậm trước rồi để dành thuốc trong một cái hộp lớn làm bằng giấy và sẽ đem nó ra mời khi có các cụ già trong làng ghé qua chơi. Các bô lão lúc ấy mới nhồi nó vào ống điếu và hút, vừa bắt đầu nói chuyện con cà con kê. Thật ra có nhiều cụ đến chơi chỉ để có dịp hút thuốc miễn phí.
Thế nhưng vì cớ O-Yuki, bà cụ trong quán đành phải ngưng cái thú vui nhặt nhạnh thuốc vụn xưa nay của mình.
Bà mẹ O-Yuki – thực ra là kế mẫu của cô – là một cô đầu rượu ở ngoài bến cảng – cứ năm hôm một lần dắt theo đứa con trai em cô đến chường khuôn mặt bự phấn của bà trước cửa lữ quán. Bà làm đủ mọi điều để lấy lòng bọn người làm ở đây nhưng đồng thời sau lưng họ, bòn rút tiền bạc của O-Yuki.
Bố O-Yuki là một người chuyên đi đây đó tìm chỗ làm mướn. Ông ta lót mấy tấm chiếu cũ trong một cái nhà kho của một nông gia làng bên và sống ở đó. Cái bến cảng quê hương cũ gia đình O-Yuki là một làng đánh cá nằm ở giữa một tuyến xe khách nối những thị trấn có suối nước nóng lại với nhau. Ông nội của O-Yuki bị gia đình để lại đó một mình, chỉ biết ngồi đợi những món quà như thuốc lá rời và dưa mắm wasabi (wasabizuke) [8] do cô cháu gái gửi tới.
Chiếc xe khách vừa chạy vòng quanh cái mũi đất hơi dốc thì bất chợt khung cảnh của khu phố có suối nước nóng đã hiện ra trong tầm mắt. Dọc theo bờ biển là màu sắc ấm áp của khu rừng đầy hoa trà (tsubaki) đang độ mãn khai, tiếp theo đó là những đồi cam chín tới. Xen vào giữa là con đường thẳng tắp đổ xuống một cửa sông. Trên bến có chừng ba bốn mươi chiếc thuyền con đã được kéo lên bờ và nằm gọn ghẽ. Bên trong các lùm cây chỉ thấy được mấy ngôi nhà lớn lợp ngói và các nhà kho với bức tường trắng. Nếu nhìn cảnh sung tức của khu phố biển này, không thể nào tin rằng nó là nơi cư ngụ của cả một gia đình nghèo khổ như gia đình O-Yuki. Hơn thế nữa, đây là một xóm làng kiểu mẫu nên đã được miễn cả thuế địa phương.
Cũng trong ngôi làng này, mẹ của O-Yuki, sau khi sinh đứa em trai của cô, đã lên cơn sốt, tuy giữ được tính mạng trong một thời gian nhưng đã phát cuồng. Ban ngày, trong khi cả ông nội lẫn bố O-Yuki vắng mặt vì phải đi làm, vì thoáng thấy mẹ mình sắp nổi cơn điên, cô đã tách em trai ra khỏi bầu vú mẹ và bế đi chỗ khác. Buổi sáng trước khi đi làm, cha cô cột hết tay chân mẹ cô lại bằng giây bện bằng rơm (waranawa) nhưng O-Yuki đã cởi trói cho bà sau đó. Được khoảng bốn mươi hôm sau khi phát cuồng thì mẹ cô qua đời.
Năm lên mười, O-Yuki học lớp ba trường tiểu học cơ sở. Cô đi học mà còn địu em bé trên lưng. Cô còn lo mọi thứ, kể cả cái ăn thức mặc cho cha mình. Cách tiêu hoang duy nhất của cô là kiếm chó vô chủ đem về nuôi. Mỗi đêm khi thiếu nữ đi ra ngoài kiếm sữa cho em bé thì con chó cũng lẽo đẽo bước sau chân chủ.
-Tôi không thích ngồi gần một con sen đang giữ em!
Đứa con gái ngồi bên cạnh O-Yuki trong lớp nói thế rồi ngồi giữa lớp mà bù lu bù loa. Mỗi lần đứa bé trên lưng O-Yuki òa khóc là cô bé bắt buộc rời phòng học đi ra ngoài.Trong mười phút giờ chơi, cô phải thay tã hoặc đi kiếm sữa cho em.
Học hành kiểu đó vậy mà suốt bốn niên khóa, O-Yuki năm nào cũng thăng cấp và đứng đầu lớp làm cho cả nhà trường kinh ngạc.Ngày lễ cuối niên học, cô vẫn địu đứa em trên lưng lúc lên nhận phần thưởng từ tay thầy hiệu trưởng. Nhìn cảnh đó nhiều phụ huynh học sinh đã rớt nước mắt. Tin đồn thầy hiệu trưởng đã báo lên quan đầu tinh để xin bằng khen và học bổng cho cô cũng có lần lọt đến tai của O-Yuki. Thế nhưng giữa đám con nít với nhau thì không có gì ác độc cho bằng cách xử sự của chúng trước một đứa yếu đuối hơn. Vì thế mà vào dịp nghỉ hè cuối năm thứ tư, O-Yuki đành phải thôi học.
Dù sao, chỉ một tay thôi, O-Yuki đã nuôi được đứa em trai cho đến khi nó lên ba. Năm đó, trong nhà có thêm người mẹ kế. Có điều là chuyện giặt giũ, nấu nướng, đun nước tắm vẫn là phận sự của cô. Láng giềng còn chứng kiến cái cảnh lúc ra đồng phát cỏ, trong khi O-Yuki địu em bé trên lưng, cô đã bị người dì ghẻ nắm lấy tóc và quay vòng vòng trên mặt ruộng bùn và chuyện ấy hầu như xảy ra mỗi ngày.
Khi đang ngâm mình trong bồn nước ấm của ngôi nhà trọ, có lần O-Yuki đã chìa ngón tay để trỏ mấy vết sẹo đầy trên ngực và cánh tay mình.
-Cái này, cái này, cái này, cái này...tất cả đều là dấu tích của các vết thương thời đó.
Nhưng đến lúc cô biết kèm theo động tác ấy bằng một tiếng cười lẳng lơ, người ta cảm thấy là cô gái này đang muốn giở một chiêu trò gì, nếu không là tạo dịp cho bọn đàn ông nhìn được thân thể trần truồng của mình và lôi cuốn sự chú ý của họ.
Thế nhưng vào thời điểm đó, một bà bác sống ở khu suối nước nóng bảo rằng vì quá thương xót số phận của O-Yuki, đã đến đưa cô về nuôi. Tuy thầy hiệu trưởng trường tiểu học thôi thúc mấy lần nhưng đến khi bức thông tri với bằng khen kèm theo học bổng của quan đầu tỉnh tới nơi thì O-Yuki đã vào làm việc trong một cửa hiệu geisha. Còn ông bố cô thì đã đi vào vùng núi non để tìm kế sinh nhai.
Trong ngôi nhà của bà bác, tầng trệt là nơi làm hoa giả để bán, còn ở tầng trên, bà mở một cửa hiệu geisha.
Nếu O-Yuki nói với những người ở lữ quán suối nước nóng là "Ở cửa hiệu geisha, nhiệm vụ của em chỉ là làm hoa giả và giữ trẻ thôi!" là vì cô đã dấu diếm sự thật để giữ đúng lập trường của cuốn "Luân lý giáo khoa thư" kia! Chính ra, cô từng vác đàn shamisen và mang quần áo cho các geisha đàn chị thay đổi, nghĩa là đóng vai geisha học việc (shitajikko).
Chính cũng vì thế mà kế hoạch khen thưởng cô của quan đầu tỉnh đã bị đình chỉ nhưng về phần cô gái thì lúc đó, đôi má đã hồng lên lồ lộ, đôi mắt tròn biết liếc qua liếc lại, cô bắt đầu đi đứng nhanh nhẹn và ăn nói liếng thoắng, cái cổ đánh phấn trắng đã toát ra một vẻ khêu gợi. Đâu đó trong thân thể cô hình như đã nhen nhúm ngọn lửa dục tình.
Thế nhưng đến lúc cảm thấy mình sắp bị bắt buộc bước sang giai đoạn tiếp khách thì cô đã trốn biệt khỏi nhà bà bác. Có lẽ điều này chứng tỏ O-Yuki vẫn chưa sao quên được lời người ta đồn là cô là người suýt nhận được bằng khen của tỉnh.
Khi O-Yuki tìm đến chỗ người cha đang làm việc, bà dì ghẻ lại có thái độ trái ngược so với trước kia. Bà tỏ ra hết sức vồn vã với cô. Cô mới nói:
-Giờ thì dù ở đâu đi nữa, con đã đủ sức kiếm được miếng ăn. Nơi nào không hợp với mình thì ở lại làm gì.
Như thế, O-Yuki bắt đầu có sự tự tin vốn đã bắt rễ nơi cô từ những năm tháng làm công trong cửa hiệu geisha. Sự tự tin đó đến một cách tự nhiên, tuy cô không ý thức được nhưng đã thể hiện trong lúc đối mặt với người mẹ kế. Trước cái nhìn thẳng thắn mà bà không còn có thể tránh né, người mẹ kế đã phải thối lui một bước. Với sự dạn dĩ đến từ món vũ khí mới mình vừa có được, O-Yuki bắt đầu nhìn cuộc đời với vẻ khinh miệt. Thế nhưng đó cũng là bước đầu tiên đã đưa những người con gái như cô đi vào thế giới lầu xanh.
Tuy vậy, nơi nàng thiếu nữ này, cái giấc mơ được đặt cuộc đời ở dưới chân mình rốt cuộc cũng bèo bọt như là giấc mơ ngồi lên kiệu hoa ngày cưới. Giấc mơ đó được nuôi nấng bởi lòng kiêu hãnh của một người nghĩ mình sẽ tiến lên, tiến mãi không ngừng trên nấc thang xã hội vì là kẻ được tuyển chọn. Tuy cô càng khôn lanh trên con đường đó nhưng đồng thời cũng thấy mình là người không bao giờ gắn bó với một ai.
Lúc thấy O-Yuki đang nằm ngủ trong bể tắm ngoài bờ sông, O-Taki đã bảo: "Thôi, cũng được. Nếu em cẩn thận...chắc không sao đâu". Có lẽ cô nghĩ rằng chuyện quan trọng là cô bé kia phải để ý để nâng cao "giá bán". Hòa hợp được việc nâng cao "giá cả của món hàng" cùng với việc giữ nguyên tắc đến từ quyển "Luân lý giáo khoa thư" là một điều rất khó và nguy hiểm nhưng phải chăng nó sẽ tạo ra cái sức hấp dẫn của một đứa ranh con và chỉ thấy nơi mỗi O-Yuki.
Trước những lời nịnh nọt hòng mua chuộc cô của bà dì ghẻ, O-Yuki cũng đã có những câu trả lời hết sức khôn khéo. Thế nhưng sau khi bà ta bước vào bên trong phòng tắm của quán trọ, cô đã rón rén nhìn vào dò xét. Sau đó, cô đến thưa với bà chủ:
-Bà chủ ơi. Bà chủ đừng nghe những gì dì con đặt điều nghe bà! Ở nhà bà ấy vẫn tiếp tục đánh đập thằng em trai con. Nhiều khi con thấy mình mẫy nó có tới năm sáu chỗ sưng phồng và tím ngắt.
Cũng vậy, trong lời đường mật của bọn khách đàn ông, cô gái mới mười sáu tuổi này cũng đã nhìn thấy hiện ra những vết thương sưng phồng và tím ngắt ẩn đằng sau ngôn từ.
Năm
Đến ngày thứ 210 trong năm [9] , lúc trời nắng ráo khiến cho mấy ngọn khói các lò đốt than trong núi cũng nhìn thấy rõ thì từ phía con sông chảy giữa hai vách núi, những đàn chuồn chuồn đỏ đã lũ lượt bay ra. Cơn bão của ngày thứ 213 đã làm cho những cây đèn vừa được thắp lên đã tắt ngúm. Các cô làm công đóng hết liếp che mưa từ khi trời hãy còn sáng rồi vào nằm la liệt bên trong căn phòng dành riêng cho họ. Tiếp theo, ông quản lý đã choàng áo mưa sùm sụp đem mấy cây nến tới phát. O-Taki là người nhận lấy chúng rồi khi thấy O-Toki đang nhìn ra ngoài trời qua lỗ mắt cáo của cánh cửa, đã nói với bạn:
-Toki-chan ơi! Đừng nhìn ra ngoài nữa. Mưa như thế này thì biết ngay là tối nay sẽ không thể nào về nhà được! Đem hộ tôi ngọn nến này tới phòng số 26 đi nhé.
Nhóm các cô gái đều vỗ tay reo nhưng O-Toki đã tắt phụt ngọn nến người ta vừa mới trao cho mình rồi ngồi đực ra đó.
Đến ngày 2 tháng 9 thì bọn đàn bà tất cả bảy người chỉ còn lại bốn nghĩa là các cô đến giúp việc vào vụ hè đều đã ra về. Trong số đó có cháu gái của chủ nhân nhà trọ, một cô cận thị tên Takako. Cô vừa tốt nghiệp nữ trung học và đang chuẩn bị nhập học trường hộ sinh để trở thành cô mụ. Tiếp đến là O-Tani, người rất chân chỉ và biết mình muốn gì. Cô là người đã từng đến làm công ở đây từ năm 14 đến năm 17 tuổi, nhà cửa lại gần bên, nên thường được gọi ngay đến giúp mỗi khi nhà trọ có nhiều công việc. Cô vừa rành rẽ việc bếp núc của quán và lại được bà cụ yêu mến. Người ta kể lại rằng cô đã sắm sanh đủ mọi thứ cho ngày đi lấy chồng với món tiền kiếm được từ lữ quán. Người cuối cùng là O-Toki, một cô gái xuất thân nông dân. O-Toki mới trở lại đây chơi từ sáng nay nhưng chẳng may gặp bão.
Tiếng nước réo ồ ạt như có những hòn đá lớn trôi long lóc trên dòng sông, vọng đến bên gối nơi chỗ các cô gái nằm ngủ. Giữa đêm khuya bỗng thấy cánh cửa gỗ căn phòng của họ mở ra và kêu kẽo kẹt. Thì ra O-Toki đã mở cửa đi đâu rồi. Nghe có tiếng soạt như ai đánh diêm trong hành lang. O-Yuki kêu lên như không kiềm chế được:
-Ôi cha1 Hoan hô.
Cô ta lăn cả thân mình và dè lên bụng O-Yoshi rồi ôm lấy O-Kinu, người đang nằm ở tận một góc bên vách.
-Con nhóc. Mầy làm tao nhột!
-Cả đám đang vờ ngủ, phải không? Mấy bà hồ ly tinh này ác quá!
-Tôi đã đoán trước tình hình hết rồi. (O-Yoshi lên tiếng). Chính tôi là người cố ý để O-Toki nằm cạnh cửa ra vào mà.
Nghe nói thế, O-Yuki nhấc hai chân lên dung dăng và miệng vẫn chưa thôi cười:
-Sao các chị làm thế. Hơi đâu chòng ghẹo một người ngay thật như vậy!
O-Kuni dặn dò:
-Nhưng này O-Yuki. Đừng kể chuyện này cho ai hết nghe em. Cô ấy là người vùng này. Mai mốt thiên hạ mà biết được, O-Toki sẽ khó lấy chồng.
Thế nhưng O-Taki phản bác:
-Không sao hết. Chả lẽ họ lại cấm con bé đó ra đồng làm việc à? Nó có mục đích chài tiền người ta như bà đâu...!
-Tôi chài tiền ai? Hồi nào?
Từ trong bóng tối, O-Kinu bò lại phía này và chụp lấy O-Taki nhưng bị O-Taki bắt lấy hai cánh tay vặn tréo rồi buông ra thật nhanh làm cho ngã lăn.
-Hừm. Hay không chừng bà cũng khoái thằng chả? Thôi dẹp cái kiểu yêu đương của bà đi. Tui thấy nó tẻ ngoét như một bình sake nguội ngắt.
Cô O-Kuni này xưa kia làm thợ phụ (hôkô) búi tóc trong một xóm geisha ở Tokyo, là một người có tật xấu là ăn nói độc địa. Cô định đến lữ quán này làm việc và dành dụm một ít tiền rồi về lại một cửa hàng búi tóc trong khu phổ cũ làm trợ lý (naideshi) cho chủ nhân. Đầu cô búi theo kiểu tóc của geisha. Nếu có ông khách nào nhận ra được điều đó thì cô sẽ tỏ ra rất sung sướng và loan tin ấy cho người khác. Cô nhỏ con, nước da lại ngăm đen nhưng thích các ông khách trẻ có phong thái người tỉnh thành và hay tranh đoạt khách của bạn dù chưa tới phiên mình được ra hầu tiệc.
Mùa hè năm ấy, có một sinh viên mắc chứng suy nhược thần kinh đến trọ ở lữ quán đó suốt nửa tháng. Dù bị ban quản lý mắng cho hay người chung quanh chế nhạo, O-Kuni vẫn lén lút lui tới phòng anh ta.
Suốt mùa hè, lúc thời gian đông khách, chuyện tình cảm giữa các cô hầu phòng và khách chỉ xảy ra với O-Kuni và O-Toki thôi, và oái oăm thay, lại là hai cô nhan sắc kém nhất trong đám.
Đích ngắm của O-Toki là một anh họa sĩ (eshi). Anh ta lang thang từ nhà trọ này sang nhà trọ khác để vẽ những cái vách trượt (fusuma) dùng để ngăn các phòng. O-Toki chỉ là cô gái quê với hốc mắt sâu hoắm nhưng khi vào trong bồn nước tắm (yudono) thì mới để lộ một làn da xinh đẹp như thể nó không phải của cô..
***
Sáng hôm sau, khi cơn bão đã đi qua, mặt sàn phơi quần áo đầy lá xanh rụng xuống. Bồn tắm nhỏ hình chiếc thuyền ở cái nhà tắm bên bãi sông đã bị bùn và và cát ngập hết. Những ghềnh đá dọc theo bờ đã được dòng nước tráng lên một lớp phù sa đỏ. Bọn trẻ con đang tụ lại và đứng dàn hàng, tay đứa nào cũng nắm tấm lưới con để bắt những con cá nhỏ đang quẫy mạnh giữa dòng nước hung hãn. Hai mẹ con một geisha hát rong đang đứng nhìn quang cảnh ấy như người đi xem hội.
Cái cầu bằng ván nối từ ghềnh đá này qua ghềnh đá nọ đã bục và văng ra, không còn sót lại mảnh ván nào. Riêng những thanh được xỏ qua bằng giây xích thì còn giữ được nhưng lại trôi bập bềnh trên mặt nước.
Dẫu lưu lượng trên sông có hạ thấp nhưng không thấy có bao nhiêu bạn câu ra ngoài sông để kiếm cá hương (ayu). Bọn con gái hầu phòng tụ tập với nhau trong căn phòng của ông khách kỹ sư trắc địa. Còn anh thợ vẽ thì đang trang trí tấm vách trượt của một căn phòng khác không ai ở.
Vào cái mùa ít khách như vậy nhưng trong làng lại có không khí ồn ào náo nhịp. Âm hưởng những câu chuyện kháo nhau giữa người làng nghe càng ngày càng to.
Những cô gái đang làm công trong ngôi lữ quán số một trong làng đã toa rập với nhau để xin thôi việc vào cùng một thời điểm. Người làng hay tụ họp đông đảo ở cái lữ quán số hai, nơi O-Taki và các bạn đang làm để lôi cái quá khứ của ông chủ lữ quán thứ nhất ra mà kể xấu như chuyện vừa mới xảy ra.
-Lão ta từng bị ra tòa vì đã lập mưu đánh tráo những mảnh quặng có độ vàng thật cao mà kỹ sư mỏ mới đào lên được.
-Đúng! Đúng đấy. Mà có biết cái vụ kiện kia đã kết thúc như thế nào không?. Trong khi kỹ sư kia mất việc, lão ta lại hời to vì ẳm được mộ số tiền mấy vạn Yen.
-Chắc lão đã lường gạt kiểu ấy không biết bao nhiêu lần rồi. Này, thời còn có mấy vụ đi săn nai, bao nhiêu bộ trưởng và tướng tá tham gia thường đến qua đêm đằng lữ quán của lão. Lão mới nhờ họ viết hộ mấy bức thư pháp, rồi nhân biết viết chữ đẹp, lão đã viết thêm 10 hay 20 bức giả mạo rồi đem bán. Lão nói dối là các vị ấy khi đến chơi nhà đã viết tặng lão, thế mà người ta vẫn tin ào ào. Đó là câu chuyện cho biết tại sao hắn đã trở thành một kẻ chuyên môn làm đồ giả. Ở vùng núi non như nơi đây, nếu chỉ sống bằng tiền kiếm được từ nhà trọ suối nước nóng thôi, thì làm gì hắn có được khối gia sản kết xù như thế. Cứ xem cảnh tượng cái nhà trọ thứ hai đây thì rõ.
Thế rồi, khi rượu vào, câu chuyện kể còn được tăng thêm khí thế:
-Chặn nguồn suối nước nóng của lão đi thôi!.
-Từ giờ phải gây áp lực. Đem lão ấy ra bờ sông chôn sống phứt.
Thực ra, người ta có dự định nới rộng con đường nhỏ dọc theo thung lũng thành một con đường ô-tô chạy được. Kẻ được hưởng lợi nhiều nhất trong vụ này là mấy lữ quán trong vùng. Vậy mà người chủ cái nhà trọ tắm suối số một của ngôi làng này đã từ chối không bỏ ra một xu nào để đóng góp phần tiền lão phải tham gia chi phí.
Khoảng mươi thầy cảnh sát đã đến trọ ở ngôi nhà trọ ấy. Mỗi ngày họ đều chơi trò bắn cung. Trước khi họ bắt đầu chán chê việc bắn cung thì mọi lời đàm tiếu bên trong làng đã yên ắng trở lại.
Trong hành lang tối, O-Taki đang khép cái liếp che mưa thì cô bỗng nhảy phốc lên và la "Ái cha!". Thì ra cô vừa dẫm phải lên một chiếc lá ngô đồng xanh (aogiri) thật to. Không hiểu tại sao, cô cảm thấy mình không còn muốn trở lại cửa hàng thịt trong làng.
Bà chủ quán với cái bụng chửa đến tháng thứ bảy, đang khổ sở lau chùi phòng vệ sinh. Đây là công chuyện duy nhất bà không muốn nhờ mấy cô người làm. Nhìn cái dáng cực nhọc đó, không hiểu vì sao lại thấy bà ta thật đáng thương...
Có một kẻ giống như bợm cờ bạc đến làng và trọ trong lữ quán. Mỗi ngày, hắn ta lo đốc thúc việc tu bổ một ngôi nhà bỏ hoang nằm ở thượng nguồn con sông. Sau đó đến lượt một nhóm thợ vỡ đất người Triều Tiên di chuyển đến đấy.
O-Kinu vào gian phòng ngủ dành cho các cô hầu phòng và bảo:
-Ê ê! Ra đây mà xem! Mấy cô kia còn khiêng cả nồi niêu soong chảo đi theo đấy!
Một đám phụ nữ Triều Tiên mặc những cái Chi’ma [10] màu trắng dúm dó, chân dận trong dép bằng vải bố đang mang trên lưng những cái bịch tròn, lớn đầy những dụng cụ dành cho việc bếp núc, bước đi trông giống như một toán người gù.
Có tiếng mìn nổ vọng lại từ phía hạ lưu của dòng sông.
Căn nhà bỏ hoang ở phía thượng nguồn đã trở thành một căn nhà chứa nhỏ nhắn. Chuyện khiến các cô làm công trong lữ quán cũng phải kinh ngạc là việc O-Kinu đã dọn đến đấy. Thực ra tất cả bọn họ đều đã được anh chàng tướng bợm cờ bạc kia dụ khị khi nói về khả năng kiếm bộn tiền ở đó. Bây giờ, khi nhớ lại những lời hứa hẹn đường mật của anh ta, họ thi nhau thóa mạ O-Kinu.
B. Thu đã vào sâu
Một
Số quạt mà đám khách mùa hè bỏ quên ở quán có đến 14, 15 cây. Mấy cô đến các phòng nhặt lấy và gom góp chúng. O-Yuki cầm hai cây quạt đàn ông đó, nhẹ nhàng xòe ra trong đôi bàn tay, môi mím lại một cách nghiêm trang rồi bắt đầu một điệu vũ trông giống như cô geisha đang trình diễn.
-Phải mà. Nếu không tới đây làm việc, chắc Yuki-chan đã trở thành geisha, có đúng không em?
Người đàn ông tên Kurayoshi tựa lưng vào cái tủ áo (tansu) tô màu theo kiểu xưa, đang ngồi bó gối trước mặt cô. Anh ta nói tiếp:
-Và nếu vậy thì anh sẽ không có cái hạnh phúc được Yuki-chan múa cho xem, em nhỉ?
-Em có bao giờ làm geisha hay chi chi đó đâu anh. Em chỉ là cô giữ trẻ trong cửa hiệu đó thôi mà.
O-Yuki trả lời với một giọng lảnh lót như người đang hát. Kurayoshi bèn nhìn theo động tác của cô vừa nhanh nhẩu cho bàn tay vỗ lên cái đùi trần của mình để bắt nhịp. Khi anh đánh sai, cô cũng cố ý phối hợp với cái vỗ đùi trật nhịp của anh và múa theo. Bắp chân cô nóng bừng lên và gấu kimono bắt đầu xô lệch. Rồi như bị chóng mặt vì động tác múa quá nhanh, cô quay gót,, một tay tựa vào cái tủ để người rơi xuống đống gối đệm đang chồng lên nhau.
-Sao? Anh Kurayoshi! Múa cỡ em đã có thể đi múa Hôkaibushi [11] với anh được chưa nào?
-Làm gì đến nỗi em phải đi múa Hôkaibushi?
-Nếu không được thế thì chắc cũng chỉ cỡ đó.!
O-Yuki trả lời rồi ném cái quạt đang cầm bên tay phải về phía vai Kurayoshi.
-Tại em không thích làm geisha nên mới trốn khỏi nhà bà bác đó anh.
Cô như muốn nhủ với Kurayoshi là ta đây không thèm kết bạn với một người không nhà không cửa như nhà ngươi ...nhưng trong khi tỏ ra khinh khi đối tượng, đôi mắt tròn to của cô cũng lộ vẻ muốn quyến rũ người đối diện. O-Yuki cầm quạt lên và bắt đầu múa trở lại. Kurayoshi cười ruồi rồi nhặt cái quạt cô gái vừa ném cho mình, bắt đầu đánh nhịp lên đùi. Cái đùi ấy trắng béo như đùi của một phụ nữ sồn sồn cỡ tuổi 40. Hơn thế nữa, anh còn có cặp môi dày, thêm đôi gò má đỏ. Tuy cái áo khoác bằng vải mặc lúc làm việc không hợp với khổ người nhưng các bắp thịt trên thân thể anh vẫn toát ra sức mạnh tiềm tàng của một loài thú hoang dã.
Cứ vào mùa hạ và mùa đông là khu vực suối nước nóng trở nên bận rộn. Khoảng 3, 4 năm trước, không biết từ đâu Kurayoshi đã lừng lững trở lại chốn này. Bảo là anh sẽ ở lại đây luôn cũng đúng thôi vì lúc đó khu nhà trọ suối nước nóng đang hoạt động cao điểm. Nhân quán trọ đang thiếu nhiều nhân viên, người ta đã mướn anh vào làm, lúc phụ bếp, lúc đưa rước khách, rồi cứ thế anh giữ luôn vị trí. Do đó, trong khoảng thời gian nhiều việc là người trong quán nghĩ ngay đến anh ta đến độ bảo với nhau: "Năm nay lại nhờ Kura đến giúp nữa đi!".
Cũng trong một mùa hè bận rộn, có một cô con gái tên Kayo, vốn có liên hệ nhiều năm với quán trọ, cũng tới đây phụ việc. Từ đầu thu, nhiều gian phòng đã bắt đầu thưa khách. Mỗi buổi tối, Kurayoshi và O-Kayo có nhiệm vụ đi một vòng đóng các cánh liếp che mưa. Có hôm, công việc xong xuôi, họ đã dắt nhau ra nhà tắm ngoài bãi sông giữa đêm khuya.
Thế rồi, dù sau đó Kura có bị tống khứ khỏi nhà trọ, đến ngày Tết, anh chàng vẫn lượn vể với vẻ mặt như không có chuyện gì xảy ra và người ta vẫn sai bảo anh công việc như thể họ đã quên khuấy mọi chuyện.
Thế nhưng hồi mùa xuân, sau khi vắng tin được ba tháng, bỗng có một lá thư gửi từ một tiệm bán sushi trong thị trấn cho cô gái mới 16 tuổi O-Yuki. Trong lá thư để thông tin đó, anh cho biết đã bị lây bệnh từ người phụ nữ làm ở cửa hiệu. Anh ta tỉnh rụi kể lể hết tình tiết cho O-Yuki nghe như đang bàn chuyện trời mưa trời nắng.
Thế rồi, khi mùa hạ tới, anh ta lại quay về quán trọ nơi các cô làm việc và kể từ mùa thu lại thấy anh đeo sát O-Yuki. Anh cũng theo chân O-Yuki đi đóng cửa liếp mỗi tối, phụ cô lau chùi phòng tắm và còn cất dọn chăn mền cho khách nữa. Bù lại, cô gái cũng hay biểu diễn cho anh ta những điệu vũ cô từng được xem ở cửa hiệu geisha và hãy còn nhớ.
Tuy nhiên, giữa lúc cô đang múa, O-Taki đã bất chợt bước vào phòng.
-Nè, Yuki-chan! Để ý tới chân cẳng nghe em. Đừng nhảy nhót quá mà làm hỏng mặt chiếu. Chị thấy em hơi mạnh tay mạnh chân đó!
-Đâu phải tại em. Chỉ vì anh Kura [12] đang muốn hít một tí bụi để nhớ lại không khí tỉnh thành.
-À phải, em nói đúng đó! Chị nhớ có một tên sinh viên mà chị rất ghét. Có lần chị được dặn phải đến quét dọn phòng ốc cho hắn nhưng hắn cứ nhìn chòng chọc lúc chị làm việc. Chị mới nói anh xích ra chỗ khác cho tui nhờ thì hắn bảo là lâu lâu cũng nên để phòng có bụi bặm một chút. Trên núi không khí quá trong lành, có bụi thì mới có hơi hướng thành thị. Lúc ấy, chợt Yuki-chan đến nơi để lau chùi ngoài hành lang. Những lời con bé du côn này nó nói lúc đó mới hay làm sao! Nó bảo: "Thế thì anh nghĩ thế nào về cái chậu nước bẩn đen thui này?".....Này, anh Kura ơi! Nãy giờ anh cứ say sưa ngắm nó nhảy múa đó. Anh có thấy mình đã hưởng hết không khí thành thị chưa?
O-Yuki ném cái quạt còn lại trên tay lên bắp đùi của Kurayoshi:
-Cái anh này ghê lắm chị ơi! Chính ảnh bày đặt dụ dỗ em múa đó.
-Tự nãy giờ, chính O-Yuki bảo tôi ít nhất 15 lần là mình biết múa mà?
-Này O-Yuki! Đàn bà mới ra đời đã dính phải ba thứ đàn ông kiểu cha này là hổ thẹn lắm đó. Phải cố đợi đến người thứ 15 thì may ra.
Dĩ nhiên Kurayoshi chỉ biết cười bẽn lẽn rồi đứng lên:
-Này, bà chủ dặn phải quét dọn cho xong cái sàn phơi đồ đấy nghe!
-Sàn phơi đồ gì? ...O-Yuki kéo cánh cửa trượt qua một bên và nhìn mặt sàn và kêu lên. Ô kìa, kinh quá!...Lá ở đâu mà rụng nhiều thế?
Khắp nơi trên mặt sàn, lá xanh bị rụng nhiều hơn cả lá vàng. Tối hôm qua những trận gió thu thô bạo đã thổi qua đấy.
Sàn phơi quần áo này nằm phía trên, ngay cạnh cửa sổ phòng ngủ các cô.
Trong gian phòng có một cái tủ sơn đen cẩn gia huy hình ngô đồng và trông rất bề thế. Thế nhưng cái nắm tay giống như quai ấm của nó thì đã sét rỉ. Đây là chỗ chứa những món đồ cổ của một gia đình nông dân và cả quần áo sắp đem đi giặt. Các thứ áo yukata để đi tắm và mấy tấm vải trải giường dành cho khách cũng được xếp vào bên trong tủ. Từ mọi góc của căn phòng rộng 10 chiếu tatami này, đâu đâu cũng đầy đồ dùng của khách từ đệm ngủ tới đệm con để ngồi. Còn mấy bọc vải lớn dùng cất những mẩu vải dư cũng như mấy cái hộp không của các cô thì được nhét tất tần tật vào bên trong cái tủ đứng ăn vào hốc tường (oshiire). Nhìn giá kính trang điểm đã bị gãy, hộp đồ trang sức chỉ còn là hộp dùng đựng xà phòng nhưng trống rỗng, cây đàn shamisen cũ xì và cái dù đen cánh dơi đã rách...đặt nằm bên trên kệ bên vách thì thấy nơi đây tuy có lắm đồ đạc nhưng không biết chủ nhân chúng là ai. Khi bắt đầu thời điểm phải may áo trấn thủ cho mùa đông thì mặt chiếu căn phòng này sẽ ánh lên màu thép của những cây kéo và đầy những mẩu giấy bọc kẹo caramel hay các chùm chỉ vụn.
Quét lá rụng xong xuôi, hai cô gái nhảy từ sân thượng nơi phơi quần áo xuống thẳng phòng mình thì đã thấy anh bếp Go-hachi ngồi khoành chân ở đó, tay trái cầm cọc bài Hanafuda [13] , còn tay phải thì đang chia từng lá một.
O-Taki ngồi xuống định cầm lấy cây kim khâu:
-Không ai thèm nhìn mấy thứ này của anh đâu. Còn khối công chuyện ra kìa.
-Anh thì không có gì là bận bịu. Vừa mới xin nghỉ việc đó.
-Ủa, sắp sửa ra mở tiệm riêng à?
-Không. Thật ra, nếu bảo anh là người thất bại thì anh đúng là đứa thất bại.
-Sao lại thất bại. Anh bị chủ đuổi, phải không?
-Đâu đến nỗi. Chỉ vì anh thấy chán nản. Anh không muốn nói ra điều đó bây giờ nhưng kỳ thực, trong bụng anh thấy như vậy.
O-Taki đưa tay nhặt lấy món đồ Go-hachi vừa móc từ cái túi của tấm tạp dề đang mặc trước bụng.
-Ủa. Phần đuôi thanh cá ngừ sấy khô (katsuo-bushi) [14] đây mà anh!.
-Chuyện thế này. Sáng nay, lúc mở tủ đựng thức ăn ra xem thì anh thấy có ai đã đánh tráo miếng cá khô này vào chỗ một miếng mới còn chưa đem sấy.
-Em hiểu rồi. Người ta buộc tội ông bếp Go-hachi đã chôm mất một khúc cá của nhà chủ chứ gì! Tất cả tại cái mụ O-Yoshi khốn nạn. Mụ ta bệnh hoạn lắm, chuyên môn mở rương hòm của người khác ra dò xét.
-O-Yoshi sau khi lấy khúc cá mới đã đem đến mách bà cụ. Theo lời nó nói thì khi nó đưa khúc cá mới ra, bà cụ vì đang cần nên giữ lấy và trao cho một khúc cá cũ để thay thế. Nghe O-Yoshi kể cơ sự như thế, anh thấy khó chịu, không thể nào giữ im lặng.
Từ đằng sau lưng, O-Taki đặt hai bàn tay lên vai anh:
-Cơ sự chỉ đến từ khúc cá ấy thôi à?
-Cái đó thì bên quản lý lẫn O-Yoshi đều giữ im lặng..
-Gì kỳ vậy? Nếu họ đã không nói, cứ vờ làm ngơ cho em.
Còn O-Yuki thì đưa tay lắc lắc vai Go-hachi và bảo:
-Nhu nhược như anh làm sao đối phó với người ta. Không được đâu.
-Con này, mới nhóc tì mà đã thích lên mặt. Nhưng kể từ nay, anh Go-hachi cũng không nên để ai muốn nói gì anh thì nói nữa nghe.
O-Taki bước ra khỏi phòng sau khi đã ném lại một câu như thế. Nhưng khi vào đến nhà bếp, thấy O-Yoshi đang ở đấy, O-Taki bèn túm lấy ngực và kéo lê cô ta suốt dãy hành lang, đẩy đến trước mặt Go-hachi và bảo:
-Nó đây rồi!
Thấy Go-hachi vẫn điềm nhiên không phản ứng, cô lại kéo O-Yoshi đến tận phòng tiền đường, đưa tay tóm lấy cổ và ghìm người đàn bà ấy lại để đánh:
-Đồ khốn! Đồ khốn! Cút xéo cho tao nhờ!
Rồi cô lấy bàn chân đang dận trong đôi tất tabi dí lên bụng O-Yoshi mà chà đạp. O-Yoshi chỉ biết chịu trận chứ không dám hở môi.
-Ôi! Coi kìa.
Người nhảy bổ đến để hất O-Taki qua một bên chính là Kurayoshi. O-Taki lúng túng, mất thăng bằng nên ngã lên một cái thùng lớn dùng để cất giày dép.
-Mắc mớ gì mà xen vô chuyện của tui. Bộ anh muốn chiếm chỗ làm của Go-hachi sao hả?
Nhìn trừng trừng vào mặt Kurayoshi, O-Taki hét lên: "Đồ khốn!" rồi thình lình cúi đầu thật thấp, nhe răng nhào tới, cắn vào ngực Kurayoshi.
Hai
Nhóm nhân công đắp đường người Nhật đến nơi chậm hơn đoàn Triều Tiên khoảng hai tuần. Viên quản đốc trọ ở một ngôi nhà không xa lữ quán của các cô là mấy.
Có hai cô gái điếm chuyên đi khách nhà binh dưới thị trấn cũng tìm đến xóm này nhập bọn với các cô trong ngôi nhà chứa cạnh lữ quán. Bù vào, O-Saki bắt buộc phải rời nơi đó, dọn lên căn nhà chứa mới mở ở tít nguồn sông và từ ngày đó, giá đi khách của cô đã tăng vọt gấp ba. Về O-Kiyo thì mới đi làm chưa được 5 hôm, đã lâm bệnh và không ra khỏi giường mình..
Chuyện O-Kiyo mắc bệnh, người trong làng đã cảm thấy ngay. Trên vai địu một đứa trẻ sống trong nhà chứa và hãy còn bú, tay dắt theo 4 đứa con gái nhỏ, cô đi từ thung lũng, men theo đường cái để lên tới làng. Đó là công việc hằng ngày của cô suốt mùa hè. Khi đến được đường cái thì bên gấu váy cô đã có thêm ba bốn bé gái đeo theo. Người làng mỗi lần tình cờ gặp cô trên đường bao giờ cũng gợi chuyện trước và lúc ấy trên khuôn mặt thanh tú nhưng xanh xao với mái tóc bới kiểu Ichôgaeshi thanh cảnh bao giờ cũng lộ ra một nét buồn buồn nhưng dịu dàng và ấm áp. Tuy nhiều lúc phải nằm dài vì bệnh hoạn – có thể là bệnh tật bắt cô phải ngủ nhiều hoặc tính cô thích ngủ – mà cô có thói quen cho tay ra sau gáy làm như muốn chỉnh lại món tóc con khỏi lòa xòa. Cô ít nói đến độ ai nấy đều làm lạ cho nên khi thấy lũ trẻ quấn quít bên cô, họ tự hỏi không biết cô đã nói với chúng bằng những lời gì.
Nhờ có đám trẻ - bởi lũ con nít sống ở nhà chứa không lúc nào rời bên gối - nên tuy cô nằm suông và không làm ăn được gì nhưng nhà chủ chưa dám tống khứ. Thế nhưng, như một thói quen lâu năm, khi bọn đàn ông kéo nhau đến là cô đã không giữ nổi bình tĩnh như cảm thấy giông bão sắp nổi dậy.
Một mặt cô nghĩ bụng "Chắc đến lúc công trình tu bổ con đường chấm dứt, người ta mới để cho mình chết" nên mỗi ngày vẫn sống sinh động như một cô gái trong gánh xiếc đợi ngày lễ hội, nhưng cùng lúc, cô vẫn thường tưởng tượng quang cảnh đám tang của mình. Lúc đó, đám con nít cô vẫn thương yêu chăm sóc sẽ xếp một hàng dài đằng sau linh cửu leo theo cô lên cái nghĩa trang nằm trên núi.
Giữa một cô con gái da thịt đã thấm đẫm nước dòng suối ấm nóng ở đây để trở thành một người dân sở tại (dochaku) như O-Kiyo và ông chủ của ngôi nhà mới dựng trên nguồn sông, có một sự trái ngược rõ rệt. Anh chàng kia vì công việc xây dựng đã phải sống rày đây mai đó, từ công trường này đến công trường khác, và có lẽ trên mỗi chặng đường đều dùng thân xác phụ nữ làm món hàng buôn bán, suốt từ khi khách trong lữ quán còn mặc áo mát (yukata) cho đến lúc họ quàng lên người một tấm áo bông (dotera).
Trước hành động giống hệt kiểu "buôn người" (hitokai) ngày xưa, bọn con gái trong làng hễ gặp anh ta là tránh mặt.
***
Tuy vậy, mấy anh công nhân sửa đường khi đi ngang, chỉ ngước đầu qua vòm cây trong sân lén nhìn lên tầng hai của lữ quán. Đối với họ, đó mới là nơi cao sang và đáng chú ý.
Khi chàng họa sĩ xong xuôi công việc tô vẽ mấy cánh cửa trượt của lữ quán, anh đã bắt xe ngựa vượt đèo qua bên kia núi. Hình như anh lẳng lặng đi mà không nói cho O-Toki một tiếng. O-Taki cùng chúng bạn tiễn anh ra ngoài trạm xe ngựa. Anh cười và bảo:
-Nhắn dùm O-Toki là nếu cô ấy muốn gặp lại tôi thì phải mau mau phá cho hỏng mấy tấm cửa trượt.
Khi trở về phòng, đám con gái làm như đã quên ngay câu chuyện tình giữa anh họa sĩ và O-Toki. Mùa này khách thưa thớt nên gian phòng chung của họ đã trở thành một nơi để sống yên ổn và bắt tay vào việc may cắt mấy chiếc áo bông dành cho những ngày đông sắp tới. Ho cũng thu thập tạp chí cũ do đám khách vứt lại và đem về phòng nhưng chẳng có ai là người mở ra xem. Họ chỉ mơ về làng cũ và những dự định kết hôn, không để ý rằng ngoài kia mùa thu đang đổi màu và từ thứ bảy bước qua chủ nhật, sẽ có nhiều nhóm du khách lên đây chơi để ngắm cảnh lá hồng.
Go-hachi bỏ lữ quán ra đi đã được 4 hôm. Các cô không còn đem những lời đồn đại về anh mà kháo với nhau nữa.
Có một lần, ông hàng cá của làng đã đến nơi xin lỗi giùm anh.
Bà chủ quán ấp úng trong miệng:
-Tôi nào có ép chú ấy ra đi...Thế nhưng chú ấy cũng khá vô tâm vô tính. Ai đời trong lúc nhà bếp đang bận rộn, chú ấy lại đến phòng của khách chơi và ngồi ì ở đó. Chú ấy cứ vắng mặt mãi như vậy thì lúc cần gấp, tôi biết xoay xở sao cho kịp. Nếu muốn ở đây làm ăn lâu dài thì chú ấy phải nể tôi và chịu một sự ràng buộc nào đó chứ!
Đúng như thế, Go-hachi làm việc ở lữ quán này được 8 năm rồi. Năm nay anh đã gần 50. Nửa quảng đời trước đó, anh chỉ sống với con dao bầu nhà bếp (hôchô) và trôi dạt qua nhiều thành phố dọc theo tuyến đường ven biển. Khoảng thời gian ấy, anh đã mất đi một lóng của đầu ngón trỏ bên tay trái kể từ móng và cũng từng thay vợ hai ba lần. Một điều có nhiều sác xuất là khu vực suối nước nóng này đã giúp anh quên được quá khứ. Tóm lại, trong thời gian sống ở đây, anh chưa một lần kể cho ai nghe về quãng đời cũ của mình. Không phải anh muốn dấu diếm, chỉ vì anh thấy không còn hứng thú để nhắc về nó nữa.
Dĩ nhiên cuộc sống của người từng rong thuyền qua bao nhiêu là bến đỗ làm gì chẳng để lộ cái mùi thép tanh tanh của con dao sắc. Thế nhưng khi đặt chân đến vùng núi non này, anh đã lấy một người đàn bà đã có con riêng làm vợ, rồi bắt đầu thấy mình quyến luyến đứa trẻ. Sau đó, không biết lúc nào, anh đã tìm được sự bình yên trong cuộc sống và muốn chọn nơi đây làm chỗ gửi nắm xương tàn.
Nếu O-Kiyo mơ về một đám tang ấm cúng thì Go-hachi lại nuôi hy vọng mở được quán ăn riêng nho nhỏ. Anh coi đó chỉ là một ước mơ bình dị cho đến cuối đời chứ bản thân đã tìm thấy sự yên ổn trong lữ quán này. Vì vậy, anh cứ sống khơi khơi, lúc đi đào khoai rừng, lúc vác cần câu cá, hễ có hứng là tự tiện bỏ về ngôi nhà của mình ở làng bên, nói chung là có những thú vui của một người đi làm đã quá tuổi hồi hưu. Điều duy nhất nơi anh gợi được cái nhanh nhẹn ngày xưa chắc chỉ là việc mỗi ngày anh thường dậy sớm nhất lữ quán.
Suốt năm, anh chỉ mặc một manh sơ-mi bằng vải trắng, một áo khoác ngắn in gia huy của cửa hiệu, một cái quần bó buông nửa vời và không cần bộ đồ nào chỉn chu hơn. Tướng mạo vẫn gọn gàng như thời trẻ lúc còn trong quân ngũ và da mặt vẫn rám nắng như bề mặt một cây quạt lớn bằng giấy phết nhựa quả hồng chát [15] . Mỗi buổi tối, sau khi đã ngả xong mấy be rượu sake, anh sẽ tìm đến phòng của những người khách quen nhưng cứ nói chuyện chưa được mươi phút thì đã lăn ra ngủ.
Một người tính khí như anh làm sao chịu nổi việc bị nghi ngờ vì một thỏi cá khô.
***
Làm việc trong một gian bếp cất bằng những thanh gỗ lớn, Kurayoshi tuy siêng năng chăm chỉ nhưng mấy ngón tay anh ta cũng thô tháp và nông dân không khác gì bàn tay Go-hachi. Nếu bọn con gái lữ quán đều tỏ vẻ khinh khi hay lảng tránh Kurayoshi, chuyện đó chỉ xảy ra nội mấy ngày đầu. Chẳng bao lâu, họ đã đứng quây quần sau lưng anh để được nhồm nhoàm những lát cá sống (sashimi) vụn anh vứt đi.
Buổi sáng sau khi toán du khách lên đường rồi, các cô hầu phòng đã đem dấu mấy quả trứng sống mà khách không dùng trên kệ phòng ăn dành cho khách. Thế rồi, lúc ra quét dọn hành lang, họ luộc chúng bằng những cái ấm sắt nấu nước pha trà đặt ở đó.
Hơn thế nữa, trường hợp họ trở thành thân thiết với những người khách trọ lâu dài thì họ sẽ san bớt cơm khách cho mình và ăn những món ăn khách bỏ mứa. Có điều là họ chỉ ăn cơm "chàng" của họ thôi. Nếu là cơm của khách nữ thì, có lẽ là do bản năng, họ không hề ngó tới.
Một cô gái thò đũa ra gắp đồ ăn và nhân đó, tâm sự với các cô khác:
-Vì quen thân nên mới biết ảnh không bệnh hoạn và mình cũng không cảm thấy có gì là bẩn.
Liệu có đúng là các cô xử sự theo bản năng phụ nữ hay chỉ đóng vai trò một người nội trợ? Tuy vậy, nói chung, lúc nào cũng thấy độc một người đàn bà tiếp tục ăn đồ thừa của độc một người đàn ông. Không biết tự bao giờ, điều đó đã trở thành thứ luật bất thành văn giữa các nàng. Đó cũng là bí mật họ không bao giờ thổ lộ cho khách nam. Người hay "ngoại tình" qua bữa ăn chắc chỉ có mỗi O-Kinu. Tuy nhiên, từ khi O-Kuni dọn lên ở căn nhà chứa trên nguồn sông thì cái tật đó đã chuyển qua O-Yuki.
Ngược lại, mỗi một mình O-Taki là người đôi khi đụng đũa vào mâm cơm của anh quản đốc công trường. Hành động ấy giống như cô đang bắn tiếng với anh ta rằng "Giờ đây, muốn đến với em là đúng lúc rồi đấy!"
Ba
Buổi sáng khi ra ngoài quét vườn, các cô đều nhận ra rằng dù muốn hay không, đã có những tín hiệu cho biết mùa thu đã vào sâu. Nhìn cái dáng O-Yuki tay cầm một cây chổi tre cao hơn đầu người và đang thu dọn, bỗng cảm thấy nơi cô có một vẻ gì ngây thơ nhỏ nhắn của một tiểu thư.
O-Yuki kéo lê cái chổi theo người như một món đồ trang sức và đi về phía có mấy người đàn bà Triều Tiên đang trò chuyện. Đám người Triều Tiên đã thuê một ngôi nhà bỏ trống thuộc về lữ quán để sống chung với nhau. Đó là một ngôi nhà nông dân nhưng không còn cửa trượt hay cửa giấy bồi nào để ngăn nó ra thành phòng. Lúc các cô người làm ra ngoài quét dọn khu vườn của lữ quán cũng là lúc đám đàn bà Triều Tiên trong những chiếc váy Chima trắng và to phồng ra ngồi bên bờ giếng rửa chén bát nồi niêu ban sáng. Giữa khi đang nhìn họ, O-Yuki bỗng quay đầu lại và nhận ra rằng giữa những cành lá của một cây vàng tâm cổ thụ, cánh cửa ra vào của ngôi nhà phụ đang để mở nửa vời. Cô vội quăng cái chổi tre đang cầm xuống gốc cây cổ thụ và nấp xem.
O-Taki đang chồm hổm trước cánh cửa của ngôi nhà phụ ấy và đang quấn giúp cái xà cạp màu vàng chung quanh bắp chân của anh quản đốc công trường. Cái cổ trắng với mái tóc với đường ngôi rẽ qua hai bên (momoware) rủ xuống một cách buồn bã trước đôi chân của người đàn ông đang ngồi trên bậc cửa ra vào.
-Chị O-Taki của mình...
Chị O-Taki của cô đang làm sao thì O-Yuki vẫn chưa tìm ra được một lời nào để diễn tả cảm tưởng cô đang có, nhưng dầu sao, chị ấy....
-Người như chị O-Taki mà cũng...
O-Yuki cảm thấy lạnh đôi má. Cô thờ thẫn bước về phía khu vườn của lữ quán. Chống hai tay trên thành cây cầu nhỏ, cô để cho hai chân mình đong đưa. Những tia nắng mai dọi tận đáy của dòng nước cạn đang trôi, Những giọt nước mắt từ từ chảy xuống má cô như đã đến từ tình thương mến đối với O-Taki vốn chất chứa trong lòng từ bấy lâu nay, một tình cảm mà cô không thể diễn tả thành lời.
***
O-Taki lôi một tấm nệm cứng và ố bẩn từ cái tủ ăn vào tường. Các cô hầu phòng này thường không phân biệt nệm trải nằm (shikibuton) là một loại nệm cứng với loại nệm mềm (kakebuton) dùng để đắp. Bất chợt cô ta nói:
-Bữa nay mình mới đi xem người ta cho nổ mìn xong. Thật khoái khi được nghe những tiếng nổ long trời làm sạt cả vạt núi.
O-Yuki thở hắt ra một cái rồi ngã lăn chiêng trên tấm nệm cứng:
-Còn em, không ngửi thấy mùi thuốc súng đó là em không sao ngủ được.
Nói xong cô áp mặt vào trong hai bàn tay rồi nằm phục xuống và bắt đầu cười ngặt nghẽo như một con điên.
O-Taki xoay người lại và đứng lên:
-Ê! Con kia!
Cô lấy một chân đạp thật mạnh lên lưng O-Yuki.
-Thật thế mà! Chớ chị đang làm sao vậy?
O-Yuki làm như không thèm để ý đến cái bàn chân ấy, tiếp tục cười đến rung cả hai vai.
O-Yoshi trải mấy đệm rmột cách ồn ào và bảo mọi người:
-Nào! Đi chùi phòng tắm! O-Taki ơi ! Hãy còn đầy công việc đấy. Không nhanh lên là sẽ khóc đỏ con mắt cho coi.
Đã đến giờ các cô phải quấn vội bộ áo ngủ với cái thắt lưng đơn và xuống chùi rửa phòng tắm.
-Được thôi. Các bạn cứ đi ngủ trước đi. Để tui xuống lau chùi một mình cũng được..
O-Taki nói như thế rồi bước ra khỏi căn phòng dành riêng cho đám con gái và đóng cánh cửa gỗ một cái rầm.
O-Yoshi và O-Kichi ngủ được ngay. Có tiếng nước chảy từ phía phòng tắm vọng lại. Chợt thấy O-Yuki khép hai ống tay áo tắm làm như cô đang bị lạnh và cũng đi xuống phía phòng tắm. Dạo sau này, cô hay lẽo đẽo đi theo O-Taki như đứa con muốn bám lấy mẹ.
Từ trên bãi sông, có tiếng gọi:
-O-Taki ơi. O-Taki ơi!
Cô mở tấm cửa giấy bồi ra dòm, té ra là O-Kinu đang đứng tần ngần ở đó. O-Taki bèn đi lên trên sàn phơi đồ giặt.
-Gì vậy?
-Bữa nay...
-Thôi, vô đây!.
-Vâng. Thế nhưng mà...
O-Kinu tiến gần sàn phơi đồ và ngước lên nhìn:
-Mấy chị khỏe chứ?
-Tụi tôi đâu có ai đủ ngon lành để đáng bạn gọi là "mấy chị" đâu.
-Mình thì có chút chuyện muốn nhờ đến ..."chị" O-Taki.
-Ừ, vô đây nào!
O-Kinu hơi cúi chào đồng thời chỉnh lại vuông khăn đội đầu.
-Mình có cho mấy anh công nhân mượn ít tiền.
-Hừm!
-Nhưng sau đó không đòi lại được.
-Có sao đâu nào!. Tên nào không tiền, bạn cứ cho nó chơi chịu.
-Không phải chuyện đó đâu chị.
-Tụi nghe đồn là giá của bạn cao nhất nhà đằng đó cơ mà.
-Làm gì có, chị. Thực ra ông chủ bên em rất kỹ tính. Hể khách không trả trước một món tiền vào cửa là ổng không cho lên gác chơi.
-Chuyện gì kỳ vậy. Cứ nói với họ là nếu ai không có tiền tôi sẽ gửi đến đằng con O-Taki. Nhớ quảng cáo như thế giúp tui nghen.
-Mình nói thiệt đó. Mình có cho họ vay mà.
-Tiền mặt?
-Phải rồi. Nếu tiếp tục làm công ở lữ quán, mình không thể để dành vốn nên mới dọn lên nhà đó kiếm ăn. Thế nhưng mình không có ý định làm ăn lâu dài trên ấy. Năm tới bề gì mình cũng quay về Tôkyô trở lại với nghề búi tóc. Để có thêm chút tiền cho lúc đó, mình mới cho mấy anh thợ ấy vay.
-Ôi cha! Bạn làm tui ngạc nhiên. Có nghĩa là họ dùng tiền bạn cho mượn để trả cho bạn mỗi lần họ đến chơi. Rồi họ còn phải trả cả tiền lãi trên số tiền vay ấy nữa.
-Nhưng đâu có mấy ai trả lại cho mình. Nên mình mới định nhờ "chị" O-Taki nói giùm với anh quản đốc thúc họ trả lại cho mình số tiền họ đã vay.
-Cái gì? Tới nhờ tui việc đó à? Bạn thật gan cùng mình!
Từ trên sàn phơi đồ giặt, O-Taki chạy như bay xuống dưới nhà rồi đóng cánh cửa giấy bồi lại thật mạnh và cười hăng hắc như đã lâu rồi cô mới được cười một bữa.
***
-Chị Taki ơi!
Có tiếng gọi nũng nịu của O-Yuki. Có vẻ ngạc nhiên, O-Taki cứ đứng sửng một chỗ.
-Chị Taki ơi!
O-Taki không trả lời, lẳng lặng cởi tấm áo khoác haori đang mặc bên trên yukata ra.
-Này chị Taki.Mọi người ngủ hết rồi. Em đã ấp cho ấm chỗ nằm của chị. Hồi nãy, nước canh cá bị đông lại hết đó.
-Vậy à! Cám ơn nhe.
Chợt O-Taki luồn bàn tay lạnh cóng của mình vào trong ngực áo O-Yuki:
-Em đang buồn hở em?
Cảnh tượng những tối như vậy tuy kéo dài trong một thời gian nhưng rốt cuộc, mỗi khi bà cụ trong lữ quán muốn lay cho O-Yuki thức dậy là phải tìm đến tận phòng của Kurayoshi. Cô gái bật dậy, ngồi ngay ngắn và đặt hai tay xuống chiếu thi lễ đàng hoàng:
-Con thành thật xin lỗi cụ..
Thế rồi, vừa dụi đôi mắt còn ngái ngủ, O-Yuki vội vàng chạy về gian phòng chung của các cô.
-Nằm xuống đây với chị nào!
Từ chỗ mình, O-Taki nhỏm dậy, ôm lấy đầu gối O-Yuki và kéo cô gái trẻ xuống.
-Yuki-chan. Chị thấy em cũng là đứa thông minh lanh lợi, đúng không?. Em còn biết gìn giữ bản thân để mai sau này có một tương lai. Tại sao em lại đi theo cái thằng Kurayoshi khốn kiếp đó. Này Yuki, đừng ăn bả một thằng đàn ông như Kurayoshi để mà phải tàn mạt. Mau mau kiếm người khác mà kết đi. Ai chị cũng chịu hết. Chị nói thật. Bị lừa một lần là thua luôn đó. Đừng có chịu phép một thằng đàn ông như vậy. Thua nó là em tiêu đời....Coi kìa, thật chán cô. Sao lại khóc? Có gì mà phải khóc?...Em không sao chứ? Không sao hở? Nếu em nói không sao hết thì chị yên tâm nhưng phải mau mau tìm người khác. Bằng không Yuki-chan sẽ có vấn đề đấy!
Nói thì nói nhưng sáng hôm sau, khi Kurayoshi xin thôi ở lữ quán thì O-Yuki cũng tự ý bỏ việc và đuổi theo hắn ta. Chỉ nửa tháng sau, O-Taki nhận được một lá thư của O-Yuki nhưng không biết nó đã được gửi đi từ địa chỉ nào.
"Ôi! Hỡi dòng suối nước nóng trên ngọn núi kia ơi! Ta đang âu sầu dưới bầu trời lữ thứ. Hôm qua đằng Đông, nay lại đằng Tây..."
Hồi còn ở lữ quán có suối nước nóng này, O-Yuki vẫn thích đọc những tạp chí ướt át lãng mạn [16] và còn nhớ vài câu văn hoa mỹ
Thế rồi cứ "theo lời gió nhắn" đến cái vùng núi non này thì O-Yuki sau khi bị bọn đàn ông lôi kéo loanh quanh hết chỗ này qua chỗ nọ, rốt cuộc đã bị chúng đem đi bán mất. Tuy vậy, đó chỉ là lời đồn đại chứ không lấy gì làm chắc.
C. Mùa đông đã về
Một
Những giọt nước đóng băng trên guồng nước lấp lánh dưới ánh trăng. Cây cầu ván đóng băng bật ra tiếng giống tiếng kim loại khi có móng ngựa dẫm lên. Mùa đông lạnh lẽo như con dao bén cắt thành đường viền cho những ngọn núi đen thẫm đang in lên nền trời.
O-Saki là người khách duy nhất trong chiếc xe ngựa trạm. Cái khăn quàng trắng đã trùm cao đến má, bên trên cô lại che mặt với đôi bàn tay dấu trong ống tay kimono. Hơn nữa, cô còn ngồi thu hình trong một góc sâu của cỗ xe hình hộp.
Từ trạm xe đò cho đến ngôi làng có suối nước nóng này, phải mất đến 4 dặm (15 km) đường. Sau chuyến xe hỏa 7 giờ chiều, sẽ không còn có xe đò dù là xe hơi hay xe ngựa. Lúc cỗ xe ngựa trạm cuối cùng đến nơi thì cư dân trong làng, cả người đỏ au vì ngâm trong nước nóng quá lâu, đã phải cầm đèn lồng để đi từ dưới thung lũng trong hẻm núi trở về nhà. Dù là đêm có trăng, bóng những lùm cây cũng làm con đường tối đi. Nhà hai bên đều đã kín cửa từ lâu.
Thế nhưng lúc O-Saki vừa phóng từ góc tối của cỗ xe ra, cô đã rụt đầu lại, chạy thật nhanh và chui vào lùm hoa trà bên vệ đường. Lần theo những cành lá dày đặc, cô chạy vào khu rừng tre. Cô lấy bình rượu dấu trong người ra và đưa miệng tu một hơi.
Sau khi bật ra một tiếng "khà" khoan khoái, cô ủ đôi bàn chân thật kín dưới gấu áo kimono, xong, sửa lại khăn quàng cổ cho chặt rồi lấy hai ống tay áo áp lên má, người nằm lăn ra, mặt sấp xuống đất.
Cô làm như thế vì biết rằng vào mùa đông, khi các lớp lá khô rụng và chồng chất lên nhau, rừng tre giữ được hơi ấm nhiều hơn nữa. Tuy mặc hai lớp đồ lót bằng tơ nhân tạo nhưng cô không có áo khoác dài.
Đợi chưa đến 20 phút, O-Saki nghe có tiếng chân đàn ông đi tới.
-Ê! Làm anh giật mình. Bộ em đang ngủ hả?
Người con trai vừa cúi người xuống bên cạnh, O-Saki đã kéo thật mạnh bàn tay của anh đang đặt trên bờ vai mình và đưa xuống ngực. Anh ta mất thăng bằng nên té quị. Cô gái vẫn nắm nguyên bàn tay ấy rồi hai người cùng lăn quay.
-Ôi chao, mừng quá đi anh! Em muốn gặp anh quá chừng chừng. Mình ôm nhau lăn qua lăn lại cho ấm đi anh.
-Không ai bắt gặp em chứ?
-Coi kìa. Anh chẳng biết gì hết. Này, em phải đi mất năm trạm và hai tiếng xe ngựa đó. Vậy mà...
Rồi cô cởi đôi tất tabi ra để lồ lộ hai bàn chân dưới ánh trăng đang tràn ngập.
-Đỏ hết rồi đó anh!
Nói xong, cô ngáng đôi bàn chân lên đầu gối anh rồi bắt đầu xoa bóp những ngón chân đỏ hỏn.
-Trông sao mà giống như mấy trái ớt dầm nước đá.
Người đàn ông cầm lấy ngón chân đó. Nó dính vào trong lòng bàn tay anh, lạnh lẽo và nhớp nháp như con ốc sên. Da thịt của O-Saki cũng trắng giống loài sên. Chìa mấy ngón chân mình cho anh xong, cô buông trọn thân hình ra đằng sau, trông nhễ nhại như một tảng mỡ.
-Mình xuống nhà tắm trong làng ngâm cho ấm nhé!
-Em không đi đâu hết! Em từ xa phóng tới đây nhanh như sao xẹt (hi no tama) [17] thì người anh cũng phải nóng lên nhanh nhanh cho em nhờ chứ!
Gã đàn ông chực đứng dậy nhưng cô gái đã đưa hai tay chụp lấy thân hình anh và vật nó lộn lại.
-Đã nói là không được đi. Em đâu phải tới đây bằng tiền "chùa". Vừa tốn vé xe lửa vừa tốn tiền xe ngựa.
-Mấy thứ lắt nhắt đó, anh sẽ hoàn lại cho mà. Có lần nào mà anh chẳng trả.
-Không được. Phải đưa cho em trước. Nếu không em sẽ không chịu làm bồ ruột anh đâu.
Người đàn ông bỗng nghe tiếng nước lành lạnh của con sông đang trôi dưới thung lũng vọng đến tai mình.
***
O-Saki đi từ dưới thành phố lên đây, không phải để gặp tình nhân. Cô chỉ đến với mục đích bán dâm.
Trong số những cô đầu rượu trong làng, O-Saki là cô gái duy nhất từ lâu lắm đã bị các hương chức có thế lực đồng lòng xem là kẻ hay phá rối kỷ cương. Viên cảnh sát thường trú ở địa phương đã thi hành đúng chỉ thị của các vị ấy và nhiều lần khuyến cáo cô phải rời làng. Thế rồi trong lần ăn tiệc mới tháng trước đây thôi, các ông hương chức đã than thở với nhau về phẩm hạnh mấy cậu quí tử nhà mình và kết quả là chính viên cảnh sát phải tháp tùng để đưa O-Saki ra tỉnh. Chỉ vì họ đều nghĩ rằng O-Saki là người quá lẳng lơ, một kẻ đã mang một dòng máu đĩ thỏa từ lúc mới sinh.
Tuy vậy, chỉ cần mấy anh tình cũ chịu gửi cho cô một tấm bưu thiếp là O-Saki đã sẵn sàng quay lại tìm họ. Phải lấy xe hỏa và xe điện, đồng thời lẩn tránh những cặp mắt của người làng để về đây nấp trong khu rừng tre...nhưng cô vẫn không quản ngại vì cô cần tiền đến từ những chuyến "làm ăn xa" (enshutsu) ấy. Ngoài ra thì hơn cả tiền bạc, cô luôn tìm thấy một hứng thú hết sức cuồng nhiệt trong hành động bán dâm nên mới bỏ công đi cả chục dặm đường (35 km) giữa đêm khuya để mò về làng. Không khác gì trường hợp một nàng con gái trong truyền thuyết đã bơi qua biển để gặp bạn trai.
Dĩ nhiên khi ra tỉnh thành, O-Saki đã làm ở một tiệm chuyên môn tiếp khách lính tráng. Khuôn mặt phèn phẹt với màu da trắng lúc nào cũng mơ mơ màng màng, ngây ngô như người buồn ngủ, cô sống hồn nhiên, không để ý là mình đã thay đổi chỗ ở không biết bao nhiêu lần. Ở đâu cũng được, chỉ cần nơi đó có bóng đàn ông là cô đã cảm thấy hạnh phúc. Tính tình thoải mái như vậy nên dù đã xức đầy dầu lên tóc đến bóng lưỡng, cô chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện búi nó cho gọn gàng.
Ngay bây giờ, dù có bị lá tre bám lên người, cô cũng chẳng buồn phủi nó đi.
***
Anh đàn ông gỡ từng cái lá tre bám trên người O-Saki và hai người cùng nhau đi xuống thung lũng. Nương theo những phiến đá bên bờ sông, họ vào tắm trộm trong nhà tắm của lữ quán.
O-Taki đang ngồi một mình trên thành bồn. Khi thấy O-Saki, cô lấy vuông khăn tắm đang ướt để chậm đôi mắt rồi nói với người đàn ông:
-Này anh kia. Anh có biết tối hôm qua, O-Kiyo bên hàng xóm mới vừa chết hay không?
-Có, chuyện đó tui có nghe người ta nói chớ. Giờ này, tưởng mọi người đã ngủ cả rồi nên mới vô đây tắm lậu một chút.
Anh đàn ông nghĩ mình làm quấy, lúng túng cởi sợi giây lưng.
-Tối nay có cuộc họp mặt (tsuuya) để tiễn biệt O-Kiyo.Thế mà bọn đàn ông đều làm lơ, không có lấy một chút tình nghĩa. Họ coi rẻ người chết quá!
-Bao nhiêu người chịu ơn cô ấy hồi còn sống mà có ma nào đến viếng! Nói lén đây thôi chứ tui thấy cô ấy thiệt tội.
-Anh mà tội nghiệp gì người ta? Anh cũng là một trong những người làm cho cô ấy phải đi sớm đấy chứ!
-Chỉ cần bọn thợ sửa đường không đến đây là sẽ không có gì xảy ra. Ai cũng thấy thương vì O-Kiyo biết chăm sóc con nít chòm xóm.
-Coi đó, lễ tiễn đưa gì mà buồn bắt chết! Mà này, anh chưa bao giờ gặp hồn ma O-Kiyo lảng vảng trong khu rừng tre à? Tui không cho phép mấy người hay lui tới chỗ đó được vô tắm ở đây đâu. Nước tắm quán tôi không dùng để rửa sạch những tấm thân nhơ nhuốc như của mấy người
Nghe thế, người O-Saki ửng đỏ từ bên trên cho đến buồng vú nhưng cô ta chỉ cúi gầm và không nói năng gì. Với hai lòng bàn chân mềm mại, trắng tươi, cô lần theo mấy bậc đá để bước xuống hồ tắm.
Hai
Vì O-Kiyo là cô đầu rượu và O-Saki lại là một cô đầu rượu thập thành nên dù có nhiều lối suy nghĩ, vẫn có thể xem O-Saki như người có chịu trách nhiệm về cái chết của O-Kiyo.
Từ hồi 16, 17 khi lưu lạc đến cái hốc núi này rồi chẳng bao lâu thành thân tàn ma dại, O-Kiyo đã nghĩ rằng mình sẽ chọn nơi đây để ngủ giấc nghìn thu. Cái mà bọn đàn ông ôm ấp chỉ là bóng dáng xanh xao của cô thiếu nữ bị ám ảnh bởi cái chết. Nhiều lúc, tinh thần suy sụp nên hễ có thời giờ là cô tìm nguồn vui bằng cách rong chơi cùng bọn con nít trong làng.
Khi bọn công nhân tu bổ đường sá đến nơi nghĩa là lúc người làng nghe được tiếng mìn nổ làm sạt cả ghềnh đá, cô là người nhận được ấn tượng mạnh mẽ nhất từ sự việc đó.
-Khi người ta tu bổ con đường xong, mình mới phải chết.
Rốt cuộc thì chưa được 5 hôm, O-Kiyo đã không còn lếch dậy khỏi chỗ mình nằm. Bởi vì bốn bé gái và một đứa tuổi còn bú mớm sống trong nhà chứa lúc nào cũng đeo theo cô không rời nên người ta còn chưa muốn tống khứ cô đi. Tuy vậy, bất cứ cô đầu rượu nào trong làng này đều được nghe ông chủ chứa nhắc nhở:
-Cứ coi cảnh ngộ của O-Saki đi!
Nghe câu nói đó, họ đã đến vây chung quanh chỗ nằm của O-Kiyo. Gọi là chỗ nằm nhưng đó chỉ là một cái lều nhỏ rộng chừng hai chiếu, nơi dùng để trữ dưa mắm. Muốn được phép rước khách, cô phải bằng lòng với một nơi như vậy.
O-Kiyo biết mình đang làm một hành động tự sát khi nhỏm dậy khỏi giường giữa lúc còn ươn yếu. Hành động của cô nghe không được kêu hay mạnh mẽ như mấy chữ " chủ tâm tự sát" mà chỉ là một thái độ buông trôi, đầu hàng. Thế nhưng, nhìn kết quả mà nói thì việc cô cố gắng đi khách với mấy anh phu sửa đường cũng là một hình thức tự sát không hơn không kém. Về phần những người muốn bênh vực cô như bọn trẻ con thì chúng còn chưa đủ hiểu biết để có thể lập được một mối liên hệ giữa các anh phu sửa đường và cái chết của cô.
***
Sau khi ra khỏi bồn tắm, O-Saki vẫn làm một bộ mặt như cô không quan tâm gì đến cái chết của O-Kiyo cũng như những lời miệt thị đến từ miệng O-Taki. Cô nói một cách tỉnh tuồng với anh đàn ông:
-Thôi, chia tay nghe. Nè, lần tới bao giờ anh lại gọi em đó?
-Đừng đùa chớ em. Chào chia tay nhưng em định đi đâu giữa đêm khuya khoắt như thế này?
-Em đi về. Nếu lội bộ thì khi trời vừa sáng chắc cũng đến được trạm xe.
-Bốn dặm lận nghe! Lại ở giữa rừng núi.
-Được mà! Ban đêm, gặp con trai lại càng tốt. Em không sợ bất cứ cái gì. Em không nhờ anh đưa đâu. Thôi, em đi!
O-Saki hờ hững cho tay vào bên trong áo và bắt đầu bước.
-Ê! Ê! Có chắc không đó! Đừng có ỷ y nha. Chờ sáng ra rồi đi đâu thì đi.
-Nếu bị ai bắt gặp thì đã sao!
O-Saki nói mà không thèm quay đầu. Cô leo lên đường cái lúc đó đang ngập trong ánh trăng buốt giá.
Anh đàn ông đực người ra, không biết phải làm gì.
Tuy nhiên, khi O-Saki không còn thấy bóng dáng chàng trai nữa, cô ta lốc tốc chạy ngược trở lại và nấp dưới bóng cái nhà tắm dựng trên bãi sông dọc theo thung lũng. Cô thu người lại và đợi chờ vì nghĩ rằng một người bạn trai mình quen thân còn có thể đến đây tắm đêm nay.
***
Những gié lúa mạch đã nhuộm màu sương giá. Bầu trời trên đỉnh núi rạng ra. Không biết vì sao mà lũ chim di không trở về khu rừng tre mà lại hạ cánh xuống dòng nước chảy phía dưới chân nó. Trong khu rừng, người con trai thứ hai đang dẫm lên một đống lửa nhóm ngoài trời để dụi cho tắt, chợt cất tiếng:
-Ô kìa. Có ai đang tới!
O-Saki chống khuỷu tay lên ngồi dậy:
-À à! Em biết rồi! Đám ma O-Kiyo đấy.
-Nói nhỏ nhỏ thôi!
Đám tang đi lên những đám ruộng hình bậc thang và tiến tới gần khu rừng tre. O-Saki nằm bẹp bụng trên mặt đất, hai bàn tay đỡ lấy đôi má, vừa ngắm cảnh đám tang vừa mỉm cười.
Tuy gọi là đám tang nhưng chỉ có vỏn vẹn một cái hòm được phủ lên trên bằng tấm vải trắng đã phai màu và do hai người đàn ông vác đi. Có lẽ hai ông là chủ nhân và người gác dan của nhà chứa. Bên trên chiếc hòm có đặt hai cái cuốc, chắc không phải là vật dùng để trang trí. Theo tục lệ làng này, chết là phải đem chôn.
Thế nhưng nào có thấy bọn con nít mà O-Kiyo xưa kia vẫn yêu thương chăm chút? Chúng phải sắp thành một hàng dài đi theo đằng sau linh cữu của cô và phải đưa cô lên khu nghĩa trang nằm trên núi chứ nhỉ? Khôngphải đó là hình ảnh tượng trưng cho niềm vui mà O-Kiyo bao lần ôm ấp trong trí tưởng turởng tượng lúc sinh thời ư? Và nó không phải là niềm vui lúc chết của cô đó hay sao?
Mấy đứa trẻ đó giờ đây hãy còn đang ngủ say.
O-Kiyo được khiêng đi ngang qua khu rừng tre để lên tới khu mộ địa nằm trên núi.
-Tàn nhẫn nhỉ?
-Ừ, thật đấy.
-Họ phải lén xử lý cho xong trước hừng đông.
-Còn em thì em cũng phải về trước khi trời sáng. Nếu đi ngay bây giờ thì nửa đường may ra sẽ đuổi kịp chuyến xe ngựa trạm đầu tiên trong ngày.
-Nè. Tụi mình dọn dẹp lại lớp lá tre cho xong rồi đi nào.
O-Saki nhặt bình rượu, lấy hết sức quăng nó ra xa. Cái bình thủy tinh đụng vào mấy thân tre trước mặt, vỡ tan làm nhiều mảnh và bay tứ tán.
-Chia tay nghe anh! Lần tới nhớ gửi bưu thiếp gọi em lên.
Dịch xong tại Tôkyô ngày 13/11/2022
Bên lề tác phẩm:
Quán trọ suối nước nóng (Onsen-yado, 1929)
Nếu có một môn học gọi là địa lý văn học thì khi muốn định vị bối cảnh các tác phẩm của Kawabata, ta sẽ thấy hầu như nó chỉ nằm trong phạm vi 5 vùng đất ở hai bên ngọn đèo Hakone, điểm phân chia hai miền Đông Tây. Về phía Tây trước tiên là Ôsaka, nơi nhà văn sống quãng đời niên thiếu (xem Juurokusai no nikki hay Nhật ký năm 16 tuổi, 1914-1925) rồi thành phố Kyôto kề bên, sân khấu của Koto (Cổ đô, 1962), một trong những tác phẩm cuối cùng ông viết. Phía Đông có khu phố Hongô-Asakusa ở Tôkyô, nơi Kawabata trải qua thời sinh viên và giai đoạn tập tễnh bước vào làng văn (xem Băng đảng con gái ở Asakusa, 1929), thành phố Kamakura (thấy qua Kiku ni hana hay Cúc mọc trên đá, 1952 và Saikai hay Tái ngộ, 1946), bán đảo Izu với những lữ quán suối nước nóng (xem Cô đào hát miền Izu, Izu no odoriko, 1926) và cuối cùng là vùng núi non Jôetsu phía biển Nhật Bản, giang sơn bao la của tuyết trắng (xem Yukiguni hay Xứ Tuyết, 1935-1947).
Trong số những vùng đất vừa kể, bán đảo Izu đóng vai trò quan trọng như cánh cửa ngỏ bước vào văn học Kawabata với những tác phẩm quan trọng, dù nổi tiếng như Izu no odoriko (Cô đào hát miền Izu) hay ít người để ý như Onsen-yado (Quán trọ suối nước nóng) này.
Thiên nhiên thơ mộng với những nàng con gái xinh xắn của Quán trọ suối nước nóng giống như bộ phận của một bức tranh cuộn (emaki). Dưới ngòi bút của tác giả, cuộn tranh ấy như được mở ra và độc giả - tùy theo nhịp đọc của mình - sẽ có cơ hội khám phá lần hồi những nhân vật khác nhau. Có khi nhân vật được giới thiệu sơ lược vài hàng trong phần đầu rồi bị bỏ quên ít lâu, sau mới được nhắc lại và đào sâu hơn trong những trang kế tiếp.
Qua "Quán trọ suối nước nóng", chúng ta sẽ biết rõ hơn thổ ngơi của vùng suối nước nóng Izu. Chúng ta sẽ tìm thấy thêm lần nữa những hình ảnh từng xuất hiện nhiều lần trong tập "Truyện ngắn trong lòng bàn tay" như Banzai (Hoan hô), Yubiwa (Chiếc nhẫn), Rekishi (Lịch sử), Oshin Jizô (Nữ bồ tát Oshin), Fuyu chikashi (Mùa đông gần kề), Kami imasu (Trời có mắt) vv...Thực vậy, các truyện nói trên và ngay cả các truyện dài hơn như Izu no odoriko (Cô đào hát miền Izu) vừa kể hay Yoru no saikoro (Tiếng đổ hột trong đêm thanh, 1940) ...đều sẽ trở nên dễ nắm bắt và thi vị hơn nếu chúng được đọc song song với Quán trọ suối nước nóng vì tất cả đều có thể bổ túc cho nhau
Ngoài phong cảnh nên thơ và không khí diễm tình của vùng Izu được nhà văn mô tả theo một trục thời gian bốn mùa và tượng trưng cho cái đẹp, người dịch để ý đến khía cạnh xã hội, từ đó những nỗi buồn đã toát ra từ tác phẩm. Những nàng con gái xinh xắn và thơ ngây trong truyện vì thất học và nghèo khổ, đã là nạn nhân của một xã hội chậm tiến vào những năm cuối thập niên 1920, khi số phận người phụ nữ dù là dân chính quốc Nhật Bản hay di trú Triều Tiên đều không được đếm xỉa và còn bị bóc lột như nô lệ tình dục. Những nàng con gái đó đã ra đi, mỗi người theo con đường định mệnh của mình, nhưng không một ai nắm bắt được hạnh phúc.
Cô bé hát rong Kaoru chân chất và xinh đẹp trong Cô đào hát miền Izu có lẽ là người duy nhất trong đám các cô ấy đã vươn lên được như một đóa sen thanh khiết nở trên bùn nhơ để xoa dịu vết thương lòng của chàng sinh viên mồ côi Yasunari năm đó đã ghé một quán trọ suối nước nóng Izu trên bước đường du lịch, cho dù về sau, chính ông cũng không biết nàng đã lưu lạc phương nào.
Thư mục tham khảo:- Kawabata Yasunari, Onsen-yado (Quán trọ suối nước nóng) trong Izu no odoriko (Cô đào miền Izu và những truyện khác) bản bỏ túi trong Shinchô Bunko do Nxb Shinchô, Tôkyô xuất bản năm 1970, từ trang 47 đến 104. Nguyên tác tiếng Nhật.
- Kawabata Yasunari, Onsen-yado (Les Servantes d’Auberge) do Suzanne Rosset dịch qua tiếng Pháp trong Kawabata Romans et Nouvelles, La Pochothèque, Livre de Poche xuất bản, Paris, 1997, từ trang 161 đến 200. Bản ngoại văn tham chiếu.
_________________
[1] - Thay vì nói giản dị là "chén bát" hay "nồi niêu trong bếp" thì O-Yoshi lại dùng chữ Nho (thực khí) nên cô gái trẻ không hiểu.
[2] - Bây giờ gọi là "tiền bo" (tip, pourboire) do khách thưởng. Các cô phải đưa hết cho quản lý để được phân phát đồng đều vào mỗi cuối tháng.
[3] - Có lẽ họ đang nhớ lại những bữa cơm ăn đồ khách bỏ lại. Xin xem đoạn sau sẽ rõ,
[4] - Lầu xanh, nhà thổ (aimaiyado). Aimai = không rõ ràng, đáng ngờ.
[5] - Cosmos là một thứ hoa họ cúc (kiku) nhiều màu và trải lên mặt đất như tấm thảm. Tuy nằm dưới đất nhưng chúng được xem như hoa anh đào của mùa thu (akizakura)
[6] - "Chước phụ" (shakufu). Tuy nhiệm vụ của họ là phụ nữ chuốc rượu trên chiếu tiệc nhưng đồng thời cũng hành nghề mãi dâm.
[7] - Momoware tức kiểu tóc rẽ trái đào qua hai bên tay mặt tay trái và thắt phồng lên đằng sau gáy, dành cho các thiếu nữ lứa tuổi 16, 17 thời Meiji.
[8] - Đặc sản của vùng Shizuoka, món ăn làm với lá và rễ wasabi, một loại củ màu xanh có vị cay nồng.
[9] - Cách gọi những ngày trong năm theo lịch cũ và thường liên quan đến khí tượng (vào một thời đại mà khí hậu chưa biến đổi không theo qui luật như bây giờ).
[10] - Váy trong bộ quốc phục của người Triều Tiên, đi cùng với phần áo ở trên gọi là Chogori.
[11] - Nguyên văn Hôkai bushi (Pháp giới tiết) một điệu hát bình dân của những người trình diễn trên đường phố, rất thịnh hành vào thời Meiji (cuối thế kỷ 19).
[12] - Tên rút ngắn của Kurayoshi.
[13] - Loại bài Nhật Bản gồm có 48 lá (fuda) trên đó vẽ hình 12 loại hoa (hana) khác nhau.
[14] - Thỏi cá ngừ phơi khô, thường được bào ra thành lát mỏng để làm ngọt nước dùng. Sau khi hun khói để sấy khô, có thể giữ được lâu. Vật liệu cơ bản trong bếp Nhật.
[15] - Shibugami no akashi: Lối so sánh kiểu Nhật về một làn da nâu khỏe mạnh.
[16] - Nguyên văn Kôdan Zasshi (Giảng đàm tạp chí) tức tạp chí tiểu thuyết.
[17] - Hi no tama = sao băng, ý nói nhanh như bay biến nhưng có thêm một nghĩa khác là dữ dội, nồng nhiệt (hageshii).
http://chimvie3.free.fr/89/nguyennamtra ... ng_089.htm