Trang 1/1

Chuyện đi lấy nọc chó

Đã gửi: Thứ ba 23/08/22 18:15
bởi Bạch Vân
  •           


    Chuyện đi lấy nọc chó



    Trước tiên xin khẳng định bài này không phải là lời khuyên về y tế, nó là chuyện đã xảy ra hơn hai mươi mấy năm trước khi mà y học hiện đại còn chưa vươn tới vùng quê sâu ở miền Tây nơi tôi lớn lên, và khi đó hầu như không có lựa chọn khác. Mặc dù chính tôi là người trực tiếp trải nghiệm nhưng xin cô bác anh chị đọc bài này với tinh thần đọc truyện và đừng coi việc đi lấy nọc là phương pháp điều trị khi bị chó cắn. Anh chị cô bác nào ở miền Tây và biết về những điều này xin hãy cùng hoài niệm một chút, vì những thầy lấy nọc chó và nọc rắn chân truyền trung thành với lời thề tổ nghiệp bây giờ hầu như cũng không còn ai nữa... Nhưng nếu có cơ may nào các nhà khoa học Tây y thấy bài này và lưu tâm, xin hãy dành giờ nghiên cứu, biết đâu hữu ích vì Tây y chưa trị được.

    Bị Ngợp Nước
    Đây là từ riêng dành cho triệu chứng sau cùng của người bị chó điên (miền Bắc kêu là "chó dại") cắn. Khi bị chó điên cắn, có thể ngay lập tức hoặc sau năm bảy ngày, "nọc" chó đã chạy khắp châu thân, vào tới lục phủ ngũ tạng, người bị chó cắn sẽ không thể hô hấp được, chỉ còn "hước hước" như trạng thái bị chết chìm, lưỡi thụt vào sâu, mặt nhăn nhúm, miệng giật ngược hai bên lộ răng như một kiểu cười quái dị, cổ họng như bị bít lại hoàn toàn, đổ nước không vào. Trong tâm thức dân miền Tây, bất biết bị chó điên hay chó thường cắn, thấy "bị ngợp nước" là coi như đặt một giò vô hòm rồi. Những triệu chứng này rất giống thứ mà người ta nói là "bệnh dại" như ngày nay.

    Thuốc Mọi
    Đây là tên của loại thuốc mà các thầy lấy nọc chó cắn của miền Tây dùng để lấy nọc chó ra khỏi cơ thể người bị cắn. Nguồn gốc của nó, như tên, bắt nguồn từ những người dân tộc thiểu số có làm ăn mua bán với dân Nam kỳ. Không phải cây thuốc mọi thực vật Herbal Sambucus Javanica.

    Những ghe bán thổ sản cho đến chiếu bông (không phải chiếu Cà Mau 😊), lụa Tân Châu, nồi đất, Cà Ràng... thường đậu dưới bến rồi người trên ghe có thể vác đồ đi quanh xóm để bán. Có ông nào xui, chó thấy người lạ rượt cắn đánh đu trên bắp tay, máu chảy xối xả luôn cũng không sao, vì họ có thuốc bí truyền. Chỉ cần xuống ghe giã thuốc cụp cụp đắp lên chỗ bị cắn là yên trí.

    Về sau người Việt có nhiều người học được, nhưng phải thề là cả đời làm "thầy thuốc" chứ không được làm "thợ thuốc", chỉ được truyền cho con trai và con gái ruột, không truyền cho người không có huyết thống, con gái thì không được truyền lại cho đời sau. Thầy với thợ khác nhau chỗ nào? Thưa, thầy thì không được ra giá, không được đòi tiền; thợ thì được. Nên thầy lấy nọc chó hầu như chỉ làm phước, không lấy tiền, người được trị lành cũng không cần cúng quải gì, về sau có muốn đền ơn thầy thì thầy có thể nhận lễ vật, nhưng nếu mà gợi ý hoặc nhận lễ trọng thì là phạm lời thề, và sẽ bị phản phệ lên thân mình và con cái.
    Thuốc mọi có nhiều vị, nhưng in là có gừng và ngải trong đó, mùi cay cay.

    Trải Nghiệm Của Tôi
    Tôi bị chó cắn hai lần trong đời, lần đầu năm năm tuổi, đang ngồi chơi trước hàng ba trong một buổi chiều nắng đã tắt. Con chó của ông bác Hai anh ruột ba tôi, nhà sát vách. Tôi vẫn nhớ nó là con chó rất lớn có màu đen trắng na ná lông bò sữa, cụt đuôi. Nó phát bịnh điên từ bữa trước, chạy loanh quanh với cái lưỡi lặc lè và dãi chảy ròng ròng, nó đã bị bắt lại rồi, tự nhiên chiều đó thoát ra rồi ở đâu chạy tới táp một cái thủng da đầu tôi. Nghĩ lại thấy kinh khủng, vì nếu mạng tôi hèn thì nó phập thêm vài cái nữa chắc thấu óc hoặc là cắn đứt tay chân thậm chí xé xác tôi cũng không chừng. May, tôi đứng dậy và la éc éc, nó mất hứng hay sao mà bỏ chạy đâu mất. Ba mẹ tôi trong nhà chạy ra thì chỉ còn tôi ở đó với cái ót chảy máu ròng ròng.
    Xong ba mẹ đưa tôi đi ra sau nhà rửa cái đầu, thấy lủng hai lỗ tròn vo như đóng đinh 😂🤣 Tối đó nó nhức gần chết và vết thương bầm xanh. Mà giờ nghĩ lại thấy hồi xưa liều thiệt, sống chết như chơi. Sáng bữa sau mẹ tôi thay cho bộ đồ mới, tôi nhớ là quần tây nâu áo trắng, rồi ba tôi bắt bỏ lên xe đạp, chở lên nhà ông Mười Giá, là một người bà con xa và là thầy lấy nọc có tiếng.

    Lần đầu tôi gặp ông Mười, thấy ông như ông tiên, râu muối tiêu dài tới ngực, mặt hao hao ông nội tôi nhưng già hơn. Ba tôi tới khoanh tay:

    - Thưa bác Mười coi giùm thằng lính bị chó điên cắn! - xong quay qua tôi - Thưa ông Mười đi con!

    Tôi cũng ngoan, khoanh tay tròn vo:

    -Dạ thưa ông Mười con mới tới!

    Ông Mười khoái, cười khà khà:

    -Giỏi bây! Đâu tới ông coi!

    Ông Mười bắt tôi bỏ vô lòng, vạch cái ót tôi ra, xong đi vô buồng đâm thuốc. Tôi ngồi ngó quanh, thấy nhà ông Mười còn rách hơn nhà tôi. Trên trang thờ Phật, bàn thông thiên ngoài sân có cây quýt, cột kèo cũ lắm rồi, nền nhà đất nện, vách cũng đầy mối mọt. Tiếng đâm thuốc cụp cụp trong buồng làm tôi thấy chú ý cái cửa buồng được che bằng cái màn vải cũ. Nhà ông Mười còn một bác con út ngoài ba mươi chưa cưới vợ. Ông bà già ở miền Tây thường không bao giờ ngủ trong buồng mà ngủ riêng ngoài nhà trước, chắc là làm mô phạm cho con cháu khỏi chọc. Con trai cũng không ngủ trong buồng mà thường ngủ ngoài nhà trước hoặc dưới chái, tại sao tôi cũng không biết.

    Ông Mười đắp cục thuốc lên sau ót tôi, lấy miếng vải vụn băng lại, còn một cục thuốc dư gói trong cái lá cây rồi cột lại riêng, dặn ba tôi bữa sau thay thuốc cho tôi. Tôi vẫn nhớ cảm giác thuốc vừa đắp lên, nó như có ống giác hơi, rút da đầu tôi nge "tực tực" luôn. Mùi thuốc cay cay như gừng hay ngải. Ông Mười dặn về nhớ cử ăn giá đậu xanh một tháng và tránh bị kiến vàng cắn.

    Tôi đi về với cái đầu băng chéo, bác Tám Thơ trước nhà cười khì khì chọc: "Đi đâu về uốn tóc kiểu gì độc thiệt ha!". Cái tôi mắc cỡ, nói: "Dạ đâu có con bó thuốc lấy nọc chó cắn đó!"

    Sau đó tôi cũng thay thuốc một lần, rồi cũng quên luôn chuyện năm đó. Con chó thì tôi không bao giờ gặp lại nó lần nào nữa, có lẽ nó đã chết.

    Lần thứ hai tôi bị con chó của cậu Sáu cắn, cậu em ruột của mẹ tôi. Khi đó tôi học xong tiểu học, lớn rồi. Tôi nhớ nó màu đen, bự chần dần và xù lông như sư tử. Tôi chơi với nó, nó tự nhiên táp vào mắt cá chân tôi một vết đủ sâu để chảy máu. Nhưng mà tôi sợ con chó bị la nên giấu người lớn. Tới khi vết cắn kéo miệng rồi, mẹ tôi phát hiện ra, xong mới hỏi giò mày bị sao vậy, tôi giấu tiệt, nhưng nói dóc không giỏi nên sau khi bị nghiêm hình bức cung lát thì bể 🤣

    Cũng ba tôi, cũng cái xe đòn cũ kỹ, chở tôi lên nhà ông Mười để lấy nọc. Lần này ông Mười già lắm rồi. Thấy vết chó cắn trên giò tôi đã lành, kêu ba tôi ra bẻ cây gai quýt ngoài bàn thông thiên vô lể cho vết thương chảy máu để đắp thuốc.

    Ba tôi là một bác nông dân lực lưỡng, cao gần hai mét, nhưng cầm cây gai trầy trật miết mà không lể thủng được vết thương đã lành trên chân tôi. Tôi mới nói để con làm cho, xong tôi giành lấy cây gai lụi thí bà vô vết chó cắn, ba tôi day mặt đi chỗ khác. Giờ nhớ lại, nghiệm ra nhiều điều hết biết. Cảnh lể vết thương này là cảm hứng tôi viết ra chương 1 cuốn Thầy Tư Thủ 😆

    Sau lần đó, tôi không còn dịp nào gặp lại ông Mười nữa, vì ông mất hai năm sau đó. Ấn tượng về ông vẫn đọng lại trong lòng tôi rất rõ nét tới tận bây giờ. Tôi vẫn nhớ ơn ông cứu chữa, muốn có một ngày nào đó tới thăm mộ ông và thắp lên bàn thờ ông mấy cây nhang.

    Tuổi thơ của tôi vẫn còn may mắn vì sống động trong không khí huyền diệu của miền Tây, lúc đó những ông đạo tiên phong đạo cốt vẫn chống gậy vân du và ở nhờ nơi này nơi khác, những ông Chà Và da đỏ như tôm luộc đi xin gạo, những câu chuyện bùa ngải thư yếm, tin đồn về chỗ này có ma chỗ kia có chằn... Nhưng câu chuyện lấy nọc chó không phải những huyền thoại không đầu không đuôi, mà là chính bản thân tôi đã trải nghiệm và chứng thực. Tôi không biết một ngày nào đó tôi có bị nọc độc phát tác hay không, vì từ lần lấy nọc năm đó tới giờ, cũng đã qua mấy mươi năm rồi và tôi chưa từng chích ngừa bệnh dại. Cuộc sống có nhiều điều thật thú vị!



    hình: tôi và em gái, tầm tuổi bị chó cắn lần đầu


    Hai Le

    https://www.facebook.com/profile.php?id=100010082284940