- 30/04/2022 - tưởng niệm 47 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Tôi Muốn Nói Với Em

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          







Tôi Muốn Nói Với Em
Nguyễn Đình Toàn - Bạch Vân


:sad3:
          

          


Tôi Muốn Nói Với Em

Tác giả: Nguyễn Đình Toàn


Tôi muốn nói với em, tôi muốn nói với em
Những em bé Việt Nam
Tôi muốn nói với em, tôi muốn nói với em
Những em bé Việt Nam đang sống khắp bốn phương
Nghe nhắc tới cố hương thấy lòng vẫn chạnh buồn
Dù Việt Nam có khi chỉ còn
Là bóng dáng héo mòn lắt lay trong hồn
Giống như ngọn đèn mờ sương

Nhưng vẫn muốn sáng lên như tiếng nói đã quên
Tiếng mẹ tiếng Việt Nam rơi mãi xuống đáy tim
Trong những lúc vắng im
Trước một giấc ngủ ngon
Len giữa đám khói hương hay lúc nắng mới lên
Soi vàng trên lưng thềm

Chợt reo lên tiếng ngân êm đềm
Giọt nước cũng nhớ nguồn, lá không quên rừng
Chắc em sẽ còn nhớ lại Việt Nam

Tôi muốn nói với em
Về những tháng năm Tổ quốc ta nhục nhằn
Người phơi người trên đau thương
Dạy trẻ thơ thù oán

Sợ nhau hơn bão trời cướp biển
Em có biết sao không
Người mơ ước ly tan

Tôi muốn nói với em, tôi muốn nói với em
Những em bé Việt Nam
Tôi muốn nhắc với em, tôi muốn khóc với em
Cho còn chút tình chung
Ôi đất nước chúng ta
Đã có lúc giống như lũ quỷ ma đưa đường
Nào người cùng núi sông thề nguyền
Chạy hết lúc đắm thuyền
Đá bia cũng mòn
Nhắc chi một lời thề suông

Tôi muốn nói với em, tôi muốn nói với em
Những em bé Việt Nam
Mai mốt sẽ lớn khôn
Đôi lúc có nhớ tên, tên mình tên Việt Nam
Em có muốn viếng thăm hay cứu giúp cố hương
Dẫu lòng không nợ nần
Một người đang chết trong âm thầm
Chỉ muốn nhắc khẽ rằng
Hãy soi lại hồn, hãy nghe lại lòng…
Có thật lòng không



          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

“Hiếp Dâm” chữ nghĩa

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    “Hiếp Dâm” chữ nghĩa
    _________________
    Điệp Mỹ Linh



              

              

    Từ khi Nga ngang nhiên xâm lăng Ukraine – một quốc gia độc lập, có chủ quyền – tôi đọc tin tức và thấy nhiều hình ảnh tan thương, thảm khốc của cuộc chiến mà lực lượng hai bên rất chênh lệch! Nhưng, không hiểu tại sao tấm ảnh của người đàn ông đơn độc với chiếc xe đạp, âm thầm bước trên sự điêu tàn, đổ nát của thành phố Mariupol, Ukraine, lại làm cho hồn tôi chĩu nặng nhớ thương!

    Suy nghĩ một chốc tôi mới nhận ra rằng: Tấm ảnh đã gợi lại trong hồn tôi cảnh tan thương, đổ nát trong “vùng giải phóng”, danh từ Việt Minh – tiền thân của cộng sản Việt Nam (csVN) – dùng để xác định địa thế từ Bắc đèo Cả đến Huế, trong thời kỳ Ba tôi theo kháng chiến chống Tây; chỉ khác hai điều:

    • a.- Trong “vùng giải phóng” chỉ có nhà tranh vách đất; một số người giàu mới xây nhà gạch, lợp ngói; tuyệt nhiên không có nhà lầu.

      b.- Trong “vùng giải phóng”, Việt Minh phá hoại đường xe lửa; chỉ chừa lại những đoạn đường xe lửa ngắn để “xe gòn” chạy. “Xe gòn” gồm 1 toa xe lửa cũ, được một nhóm nhỏ đàn ông đẩy. Mọi cây cầu đều bị giật sập vài “nhịp”. Đường nhựa – nhất là quốc lộ xuyên Việt – đều bị Việt Minh đào xới từng hố sâu, nối tiếp nhau; người đi xe đạp phải vừa đi vừa vác hoặc dắt xe đạp; chỉ người đi bộ mới có thể đi trên những đoạn đường đó, rồi hai bàn chân sẽ bị đau nhói vì đá lởm chởm.

    Khi Ba tôi “thoát ly” “vùng tạm chiếm” – danh từ này cũng do Việt Minh đặt – để theo kháng chiến, tôi còn bé lắm, chưa hiểu biết gì. Nhưng tôi rất tò mò và nhớ dai. Tôi lại được Ba Má tôi giải thích mọi điều.

    Đối với tôi, những điều bình thường trong “vùng giải phóng” đều là những gì tôi không hề thấy tại Dalat – nơi tôi chào đời – như: Nhà tranh vách đất, trâu, bò, xe bò, ruộng lúa, nông phu, cày bừa, gieo mạ, gặt lúa, v.v... Người trong “vùng giải phóng” rất gầy, đi chân trần, mặc đồ bà ba cũ, vá nhiều miếng lớn. Chỉ những ngày Tết hoặc lễ họ mới mặc đồ “dễ coi” hơn một tí, nhưng cũng luộm thuộm, màu sắc không thể phân biệt được; vì vải nội hóa, thuốc nhuộm cũng nội hóa, rất dễ phai và cũng vì không có xà-phòng giặc đồ. Du kích và “bộ đội ông Hồ” cũng gầy, đen, mắt lồi, má cóp, mặc đồ “kaki” màu xám nhạt, đội nón cối, mang dép “râu”. Trẻ em thì bụng “ỏng” đầu to, mắt lồi, chỉ chăn trâu, chăn bò, mót lúa, mót khoai, kiếm củi chứ không biết đọc, không biết viết! Không nơi nào có trường học!

    Quảng đời thơ ấu của tôi là như thế, cho nên, trước khi qua đời, Ba tôi để lại cho tôi câu này: “Con! Ba tiếc rằng Ba đã làm mất một phần tuổi thơ của con!”

    Viết đến đây, buồn quá, tôi tìm tin khác đọc!

              

              

    Tấm ảnh này chụp tại Ukraine trong thời gian Ukraine bị Nga xâm lược, trông giống như thảm cảnh Tết Mậu Thân, 1968, tại Huế!

    Năm 1968, csVN – vi phạm Hiệp Định Đình Chiến đã ký với Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) – đồng loạt pháo kích dữ dội, dai dẳng và điên cuồng vào tất cả thành phố của miền Nam Việt Nam vào dịp Tết Mậu Thân. Không ai có thể biết được bao nhiêu ngàn người miền Nam đã gục ngã vì những trận pháo kích bất ngờ và dã man đó!

    Ngay sau khi ngưng pháo kích, csVN mở những cuộc tấn công tàn bạo và đẩm máu vào tất cả cơ quan quân sự của VNCH và Hoa Kỳ.

    Chỉ sau vài đợt pháo kích của csVN, người Lính VNCH đã linh cảm được điều bất thường, vội tự động trở lại đơn vị. (Ngày đó không có cell phones như hiện nay, xin đừng vội kết tội ĐML “láo như csVN”)!

    Tiếc rằng phương tiện truyền thông vào thập niên 60 rất giới hạn, cho nên, thế giới không thể biết được csVN đã bất ngờ tấn công VNCH. Vì thế, chính phủ cũng như Quân Lực VNCH không được thế giới yễm trợ vũ khí như hiện nay Ukraine nhận được; thế mà Quân Lực VNCH cũng vẫn đẩy lui csVN trở về Trường Sơn!

    Tinh thần yêu nước và ý chí bất khuất của Người Lính VNCH là như thế, cho nên, lúc nào người csVN cũng cố tình bôi nhọ, “gán” cho người Lính VNCH là lính đánh thuê!

    Muốn biết người Lính VNCH và “bộ độ ông Hồ” ai là lính đánh thuê, mời đọc vài đoạn trích dẫn dưới đây:

    BBC News ngày 29-4-2019: “Bài viết Reassessment of Beijing's economic and military aid to Hanoi's War, 1964-75 của Shao Xiao & Xiaoming Zhang vừa đăng trên tạp chí học thuật Cold War History tháng 4/2019.”

    “Theo lịch sử chính thức của Trung quốc, từ thập niên 1950 tính tới 1975, Trung quốc đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng hơn 20 tỉ nhân dân tệ. Trong đó, 1,4 tỉ là cho vay không lãi suất...”

    “... Năm 1974, viện trợ Trung quốc cho Hà Nội ở khoảng 2,5 tỉ nhân dân tệ, ngoài ra là 2 tỉ tệ cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam...”

    “Ngày 26/10/1974, Trung Quốc và Việt Nam ký thỏa thuận lần chót, cung cấp cho Hà Nội 850 triệu tệ cho kinh tế và vũ khí, cùng 50 triệu đôla tiền mặt cho năm 1975.”

    Link: https://www.bbc.com/vietnamese/world-48051722

    Cũng BBC News, ngày 21-4-2022: “Đài Trung quốc nói lính Trung Quốc giúp Việt Nam bắn rơi hằng trăm máy bay Mỹ.”

    “Trung Quốc, từ tháng 6 năm 1965 đến tháng 8 năm 1973, đã điều động tổng cộng hơn 320.000 binh sĩ thuộc các quân chủng phòng không, công binh, đường sắt, v.v. để thực hiện các nhiệm vụ phòng không, xây dựng, rà phá bom mìn và đảm bảo hậu cần ở miền Bắc Việt Nam...”

    Thế mà csVN chụp hình các em bé chỉ hơn 10 tuổi, ôm súng trường, ghi chú là “anh hùng nhí” hoặc “anh hùng gái” đã bắn hạ máy bay Mỹ!

    Trong khi nhà cầm quyền csVN gián tiếp thực thi hành động diệt chủng bằng cách bắt trẻ em và thiếu nữ tham chiến thì chính phủ VNCH – tuy phải tổng động viên để đủ quân chống trả các cuộc xâm lăng của csVN – vẫn cố duy trì nòi giống bằng luật miễn quân dịch cho những thanh niên là con trai độc nhất trong gia đình.

    Viết đến đây tôi cảm thấy bất nhẫn về sự gian dối của csVN, vội tìm tin khác.

    Không ngờ tôi “khám phá” được sự dối gian rất lố bịch của Nga khi đọc trên US News, ngày 04-04-2022 @ 2:05 am EDT, bảng tin này: (Reuters) –“... Russia's foreign ministry said that footage of dead civilians in the Ukrainian town of Bucha had been ‘ordered’ by the United States as part of a plot to blame Russia.”

    "Who are the masters of provocation? ‘Of course the United States and NATO,’ ministry spokeswoman Maria Zakharova said in an interview on state television late on Sunday.”

    Trên Fox News, ngày 19-4-2022 @ 9:07am EDT, tôi thấy đoạn này rất giống luận điệu của csVN: “Russian Defense Minister Sergei Shoigu is accusing the United States and other Western countries Tuesday of trying to ‘delay’ the course of the war in Ukraine by sending shipments of weapons to Kyiv’s military.”

    Theo BBC News ngày 23-4-2022, Trung cộng cũng lên án Hoa Kỳ: Tân Hoa Xã ngày 22-4-2022 viết: “Ngay cả khi không bắn một phát súng nào hoặc triển khai bất kỳ binh sĩ nào ở Ukraine, Mỹ vẫn được coi là bên tham chiến trong cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine."

    "Bằng cách vũ khí hóa sức mạnh tối cao tài chính toàn cầu của mình, chủ nghĩa khủng bố tài chính của Washington đang làm leo thang cuộc đối đầu vốn đã gay gắt và gây ra làn sóng chấn động khắp thế giới."

    Ngày trước, khi biết Trung cộng viện trợ vũ khí cho csVN, Mỹ đưa quân sang giúp VNCH để chống lại sự bành trướng của cộng sản thì cộng sản gọi Mỹ là quân xâm lược, cần phải đánh đuổi khỏi miền Nam Việt Nam.

    Bây giờ, Nga, một cường quốc, xâm lược Ukraine, một nước nhỏ và yếu hơn nước Nga về nhiều phương diện. Hoa Kỳ và các nước Âu Châu chỉ gửi vũ khí – chứ không gửi quân – giúp Ukraine chống lại Nga thì Hoa Kỳ bị lên án!

    Thập niên 70, Mỹ “mệt mỏi” – vì cuộc chiến Việt Nam mà Mỹ không muốn thắng – đã rút quân khỏi Việt Nam và hòa hoản với Trung cộng; vì thế, Mỹ “làm ngơ” để Trung cộng chiếm Hoàng Sa của VNCH.

    Nếu ngày đó, VNCH được Hoa Kỳ và thế giới viện trợ vũ khí – như hiện nay Ukraine nhận được – thì chưa chắc Trung cộng có thể chiếm được Hoàng Sa! Bằng cớ là Ukraine đã bắn chìm chiến hạm Moskva của Nga.

    Theo Jason Lemon trên Newsweek ngày 15-4-22 @ 5:37 pm EDT thì: “At 610 feet in length, the Moskva was the third-largest in Russia's fleet. The vessel was also the only one of Moscow's warships that were capable of carrying nuclear weapons.”

    Moskva, một chiến hạm tối tân và quan trọng đến như thế mà bị quân của Ukraine bắn chìm làm cho ông Putin bị “quê xệ”, vội chối quanh!

    Bảng tin của Greg Norman trên Fox News ngày 15-4-2022 @ 2:05pm EDT viết: “Moscow has claimed the ship sank after a fire on board caused an explosion”.

    Nhưng, cũng trong bảng tin cùng ngày của Greg Norman, Hoa Kỳ xác nhận rằng: “A U.S. official told Fox News on Friday that the latest assessment by the U.S. is that Russia’s Moskva warship was struck by two Ukrainian missiles before it sank.”

    Giữa bốn bên: Mỹ, Nga, Tàu và csVN, dĩ nhiên nhiều người – cũng như tôi – tin Mỹ hơn.

    Tin Mỹ thì tin, nhưng tôi rất buồn Mỹ; vì chính nhờ Mỹ, thập niên 70, hòa hoản với Trung cộng mà Trung cộng – từ những “anh” chuyên bán hủ tiếu và “woành” thánh mì – nay có phi thuyền, hàng không mẫu hạm và, theo BBC News, sắp sửa hoàn tất hàng không mẫu hạm thứ ba!

    Sở dĩ Trung cộng được như ngày nay là nhờ chính sách “lương lẹo” của Trung cộng. Trung cộng cho tuyển gái trẻ, đẹp, huấn luyện họ về tình báo rồi gửi sang Hoa Kỳ du học. Học xong, họ – đã được đảng cộng sản Trung Hoa chỉ thị trước khi sang Mỹ – phải tìm những nhân vật quan trọng của Mỹ để kết hôn. Thế là bí mật hoa học và quốc phòng của Mỹ được chuyển về Trung cộng!...

    Suy nghĩ đến đây, tôi nản quá, ngưng viết.

    Sáng nay, mở computer, nhìn hình ảnh buồn thảm của di dân Ukraine, tôi chợt nhớ lại những dòng nước mắt đắng cay của tôi và của hơn 100 ngàn người Việt di tản vào 30-4-1975!

    Đa số di dân đến Mỹ đều đau khổ vì quê hương rơi vào tay cộng sản, gia đình ly tán, tài sản không còn; vì thế, chúng tôi trông rất thảm sầu!

    Còn người csVN – sau khi thi hành triệt để chiêu bài gian manh: “Đánh Mỹ ‘kíu’ nước” để thiu rụi mấy triệu người Việt – thì khi đến Mỹ gương mặt của họ trông rất “hồ hởi”!

    Từ thái độ “hồ hởi” của người csVN khi được sang Mỹ, tôi nghiệm ra rằng: Trước 1975, miền Bắc Việt Nam nghèo đói đến cùng cực; vì chưa thể gượng dậy sau hệ quả khốc hại của hai chiến dịch “Bần cùng hóa nhân dân” và “Tiêu thổ kháng chiến”.

    Người csVN tưởng rằng miền Nam Việt Nam nhờ Mỹ mới giàu; nhờ Mỹ mới có tự do; nhờ Mỹ người dân mới có trình độ văn hóa và đạo đức cao. Thế là – dù phải “hy sinh đến người Việt Nam cuối cùng” để cưỡng chiếm miền Nam – người csVN vẫn phải thực hiện, chỉ với chủ tâm đạt cho được mục đích là chính người csVN được “bắt tay” với Mỹ để vươn lên!

    Từ 30-4-1975 cho đến nay, csVN có nhà cao cửa rộng, nghĩa trang “hoành tráng”; còn tình trạng dân trí, đạo đức, giáo dục và tự do của người Việt Nam trong nước như thế nào, thế giới biết rồi!

    Thời csVN dùng chiêu bài “Giải phóng miền Nam” để xâm lăng, tiêu diệt người miền Nam, Ba tôi thường cười “nửa miệng”, bảo: “Đúng là ‘tụi nó’ – csVN – ‘hiếp dâm chữ nghĩa’! Đi cướp nước, giết người mà xưng là ‘giải phóng’!”

    Ngày nay, Nga xâm lăng Ukraine thì, trên Shargh, The Guardian, ngày 13-4-2022 @ 15:57, tôi thấy câu này: “‘Its goals are absolutely clear and noble,’ Putin said of Russia’s military campaign while standing alongside his Belarusian counterpart, Alexander Lukashenko...”

    Tiếc rằng tôi không phải là thông dịch viên; tôi lại không thích Google dịch; và Ba tôi – nguyên giáo sư Pháp văn các lớp đệ nhị cấp trường trung học Cam Ranh – không còn nữa; do đó, tôi không hiểu chữ “noble” mà ông Putin dùng cho hành động xua quân Nga xâm lăng, giết người trên phần đất của Ukraine có đúng là “hiếp dâm chữ nghĩa” hay không!


    Điệp Mỹ Linh


    https://hon-viet.co.uk/DiepMyLinh_HiepDamChuNghia.htm
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5468
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: - 30/04/2022 - tưởng niệm 47 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Trả Súng Đạn Này



    Đồng bào Nha Trang chạy giặc, Tháng Tư 1975 (ảnh: David Hume Kennerly/Bettmann/Corbis via Getty Images)


    • “… Trả súng đạn này, khi sạch nợ sông núi rồi
      Anh trở về quê, trở về quê, tìm tuổi thơ mất năm nao…”
      (Một Mai Giã Từ Vũ Khí – Trịnh Lâm Ngân)


    Tôi có thể ngồi đồng cả ngày trên mạng, nhảy tường lửa, đọc tài liệu, đọc báo nhăng nhít, nhưng chưa bao giờ xem/nghe trọn một chương trình ca nhạc, dù là ở nhà hay trên những chuyến xe đò đường dài. Xem không trọn chỉ vì ngủ… gật, đúng hơn, trình độ thưởng thức của tôi chỉ tới cỡ đó. Vậy mà chiều nay tôi đã xem trọn một chương trình ca nhạc.

    Ở Việt Nam, các DVD ca nhạc hải ngoại Thúy Nga, Vân Sơn,… dễ kiếm, nhưng Asia thì khó. Asia “phản động” lắm, lỡ bị phát hiện, sẽ bị tịch thu cả xe, hết đường sống, những người bán DVD dạo nói thế. Nhưng bây giờ, chỉ cần một media hub, người ta có thể tải từ internet đủ loại chương trình giải trí để xem qua TV. Ngủ gật cũng sướng như ăn vụng. Thỉnh thoảng tôi cũng click đại một liveshow nào đó để ru mình ngủ… gật. Và chiều nay, tôi muốn ngủ gật với Asia, để xem “phản động” tới đâu. Tôi chọn chủ đề “55 Năm Nhìn Lại” vì đoán là nói miền Nam từ thời di cư 1954.

    Không chỉ là chương trình ca nhạc, mà đan xen vào đó là những thước phim tài liệu, những hình ảnh năm xưa, khỏi cần thuyết minh, tôi cũng nhớ ra gần hết. Chuyện hôm nay mau quên, chứ chuyện ngày xưa thì nhớ dai lắm. Con tàu há mồm “Passage to Freedom”, Đệ Nhất, Đệ Nhị Cộng Hòa, kinh tế, giáo dục, văn hóa, mùa Hè đỏ lửa, Đại lộ kinh hoàng… Mọi thứ như mới đâu đây, tưởng như chạm tay vào được. Hai mươi năm trước, cha bỏ xứ ra đi. Hai mươi năm sau, con muốn bỏ nước ra đi. Bỏ đi không đành, con ngu hơn cha, nên bây giờ mới ngồi lẩn thẩn.

    Nhiều bản nhạc từ lâu lắm rồi, bây giờ mới nghe lại. Nghe lại mà có thể hát theo trong đầu được. Những ca khúc thanh bình thưở xưa đó, ngày trước nghe hờ hững, bây giờ lại thấy hay. Dĩ vãng sao êm đềm quá! Chưa bao giờ tôi nghe Một Mai Giã Từ Vũ Khí với một cảm xúc ngậm ngùi như thế, như nuốt từng lời ca tiếng nhạc vào tim óc. Chương trình này cũng khéo “dụ” được bà Dương Nguyệt Ánh làm MC. Cho dù là kịch bản đi nữa thì MC Dương Nguyệt Ánh giống như nhà Toán Học có khiếu làm thơ: Ngôn ngữ chắc nịch và giọng nói biểu cảm.

    Tôi cũng lần đầu nhìn lại nhiều khuôn mặt ca sĩ quen thuộc. Cận cảnh mới thấy thời gian nghiệt ngã. Son phấn không thể cứu vãn, kỹ thuật âm thanh cũng phải bó tay. Khi giọng hát vút lên đuối hơi, những đường gân hiện trên cổ thấy rõ. Con tằm đang nhả những sợi tơ cuối cùng cho đời… Tôi đọc đâu đó, có lần Y Sĩ ca sĩ Trung Chỉnh phải nhảy trực thăng xuống vùng chiến sự để cấp cứu. Ông nhảy thoát được, nhưng túi đồ nghề thuốc men bị bắn bể. Ông Y Sĩ đành lấy tiếng hát thay thuốc men để làm dịu cơn đau của thương binh. Chuyện thật bao nhiêu phần trăm không rõ, nhưng sao thấy thiệt đậm “chất người” giữa làn ranh sống chết. Thời gian cứ thế trôi ngược theo hình ảnh và âm thanh…

    Những ngày sau 1975, nếu chết chưa chắc là hết, thì sau khi chết, tôi sẽ không quên được cảnh tượng các em thiếu niên đi tịch thu sách vở “đồi trụy phản động”, quẳng rầm rầm lên xe ba gác, như chuyển hết căm thù vào đó, vừa quăng vừa dạy đời người lớn.

    Hai mươi năm sau, tôi sống lại cảm giác này khi đọc Sống Và Chết Ở Thượng Hải của Trịnh Niệm. Người đàn bà cứng cỏi này, dù bị áp lực, ngược đãi tới đâu, cũng nhất định không nhận tội “phản động”, nhưng đã phải cuống quýt van nài bọn Hồng vệ binh, xin hãy tịch thu hết bộ sưu tập đồ cổ tranh quý của bà, nhưng đừng đập phá, giày xéo chúng. Cái cảm giác lạnh buốt chạy dọc theo sống lưng…

    Vài năm trước, một đạo diễn trẻ, bà Lê Phong Lan làm bộ phim tài liệu để chứng minh thảm sát Mậu Thân ở Huế chỉ là “xuyên tạc”. Và mới đây, phó giáo sư tiến sĩ sử học Vũ Quang Hiển, trả lời phỏng vấn Đài BBC: Làm gì có chuyện ngược đãi tù đày những người thua cuộc sau 1975, chỉ là tập trung học tập cải tạo cho thông đường lối chính sách, thế thôi. Nhiều người hải ngoại phản ứng gay gắt. Tôi thì quen rồi. Những điều “vẫn thế” như bao điều “vẫn thế” ở đất nước này.

    Trước họ còn có những tay như Gareth Porter (Mỹ) chứng minh (bằng cách “chặt chém” số liệu của người khác) rằng, thảm sát Mậu Thân chỉ là chuyện “bôi nhọ”. Lùi lại hơn chục năm, tay giáo sư này cũng cho rằng, xử chết “quá tay” trong Cải cách ruộng đất ở miền Bắc cũng là chuyện “bôi nhọ” luôn. Nhà báo Wilfred Graham Burchett (Úc) đã từng “đi dạo” ở Củ Chi thập niên 1960 để viết bình luận, cũng lại là người hết lời ca tụng “Bước đại nhảy vọt” và “Đại cách mạng văn hoá” của Mao Trạch Đông. Thế đấy!

    Tôi phục họ. Bước ra khỏi ranh giới của nhân cách đâu phải ai cũng dám làm. Lịch sử có thể được nhìn dưới nhiều góc cạnh khác nhau, nhưng sự thật lịch sử thì chỉ có một. Nhân chứng còn đó, và lịch sử vẫn còn đó. Bây giờ, những ngày cuối Tháng Tư này, nơi đây đốt pháo hoa ăn mừng; bên kia cúi đầu tưởng niệm. Triệu người vui, triệu người buồn. Vui nhiều kiểu, mà buồn chỉ một kiểu. Vui vì tự hào là người chiến thắng. Buồn thì chưa chắc đã vì chiến bại, mà hậu quả chiến bại thì đúng hơn.

    Gần năm mươi năm rồi chứ đâu ngắn ngủi. Về kinh tế, chỉ cần nhìn qua các nước lân cận cũng đủ thở dài rồi. Giáo dục thúc đẩy bản năng nhiều hơn, cướp giựt chợ hoa, leo rào bơi miễn phí,… Mỗi năm khoảng 5,000 phụ nữ Việt bị đưa qua Malaysia và Singapore bán dâm. Đó là con số chính thức, thực tế nhiều hơn. Và đó cũng chỉ mới nói đến hai thị trường, còn Campuchia, Thái Lan, và nhất là Trung Quốc còn khủng nữa.

    Nhưng cũng có những niềm vui vô tư vì “ngày giải phóng” là ngày nghỉ dài, đi chơi thỏa thích. Rồi cũng có những nỗi buồn lẩm cẩm với quá khứ, nằm nhà nghe nhạc. Vui buồn, hiểu theo nghĩa tuyệt đối, thì mỗi năm sẽ thêm triệu triệu người vui. Còn buồn, thì vài ngàn, vài trăm, rồi vài chục, chỉ còn tí tẹo. Đất nước có chỉ số hạnh phúc cao là thế. Ngẫm lại mới thấy hội chứng Stockholm sao thiệt éo le!

    Vậy mà gần 50 năm trôi qua rồi. Chiều nay tình cờ xem “55 Năm Nhìn Lại”, đôi khi phải bám chặt tay vào thành ghế… Biết bao tâm tư chất chứa, cũng muốn một lần trải lòng, nhưng rồi lại thấy, bà Dương Nguyệt Ánh đã “giành” nói hết cả rồi, nói ngắn, gọn và đủ, nói cả những điều nhỏ nhặt mà lịch sử đã quên, đang quên và có lẽ cũng sẽ quên luôn: “Người lính ra trận với vũ khí kém cỏi. Lỡ thua thì bị chê bai, nhưng nếu thắng thì chỉ những người bạn lớn được nói đến”. Tủi quá! Xin cám ơn bà.

    Đã “sạch nợ sông núi rồi”. Mệnh Trời bắt thế, chỉ là lực bất tòng tâm thôi. Đâu cần phải đấm ngực mea culpa… mea culpa. Cái đó nên dành cho những chính khách salon, những người ba rọi. Sự thật là sự thật. Người lính bên nào lại chẳng đau, mỗi bên đau mỗi kiểu. Cuộc chiến tàn rồi. Ván cờ thế bày ra, không có cửa cho những tay chơi cờ thí chốt.

    Tháng Tư nào trời chẳng mưa. Quá khứ đâu dễ gì quên được. Hai mươi năm đau thương của chiến cuộc, cũng may mắn có được những năm tháng bình yên. Rồi thêm bốn mươi và năm mươi năm nữa, học được biết bao chuyện trò đời,… Nhưng vẫn còn sót lại đâu đó chút tình người, phải thế không?

    Xin kết thúc bài viết bằng lời nhạc: “… Xin cám ơn, xin cám ơn… người nằm xuống…”


    Vũ Thế Thành

    Nguồn: https://saigonnhonews.com




              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Sài Gòn, những ngày cuối tháng Tư 1975

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           



    Sài Gòn,
    những ngày cuối tháng Tư 1975

    __________________________
    Nguyễn Mạnh Trinh




    Tháng tư năm 1975 có lẽ là một thời điểm không thể nào quên của dân tộc chúng ta. Ở ngày tàn của cuộc chiến, là của chia ly và mất mát. Bao nhiêu người đã nằm xuống sau một cuộc chiến kéo dài hơn 20 năm. Tưởng đã hòa bình, đã hết những bi thảm nào ngờ bắt đầu từ lúc ấy lại kế tiếp hết những bi thương này qua những bi thảm khác…

    Với ngày lịch sử ấy, từ nhạc đến thơ, từ tiểu thuyết đến hồi ký, đã có biết bao nhiêu tác phẩm ghi nhận lại những bi thảm nhưng hào hùng, những mất mát đau xót không thể nào quên được trong tâm khảm những người Việt Nam. Hôm nay, trong cái hồi tưởng để nhớ về những ngày đã qua ấy, chúng tôi nhắc lại những tác phẩm đánh dấu một thời điểm quan trọng của lịch sử Việt Nam, phản ánh tâm tư thời đại, và những nỗi niềm của những người bị quay cuồng trong con lốc thời thế...

    Là một người lớn lên và trưởng thành trong xã hôi miền Nam thì thế hệ chúng tôi có nhiều cái chung lắm. Cùng đi học, cùng đi lính, cùng vào tù, cùng vượt biển hay đi định cư theo diện HO, cùng lưu lạc ở hải ngoại và cùng chung những nỗi niềm, những tâm sự về ngày đổi đời bi đát của đất nước này. Với những cái chung của nhiều người ấy đã thành một phận đời dù có những nét tư riêng nhưng cũng phản ánh phần nào được xã hội mà chúng tôi đã sống, đã buồn, đã vui, đã hy vọng và thất vọng theo mệnh nước nổi trôi…

    Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ đã sáng tác rất nhiều về đề tài này. Đã là nghệ sĩ, thì làm sao tránh được cái nhạy cảm với thời thế, huống chi biến cố ấy đã ảnh hưởng trực tiếp vào đời sống. Viết văn, làm thơ, đặt nhạc về những ngày tháng ấy là một xu hướng biểu lộ chân thực nhất mà cảm xúc cũng như kỷ niệm riêng của mỗi người đã ảnh hưởng làm cho văn chương sinh động hơn và có hơi thở của cuộc sống thực hơn. Tôi thấy mình cũng có những xu hướng ấy và hơn nữa nó là một động lực để tôi đến với nghiệp cầm bút.

    Trước 1975, tôi chỉ là một người lính yêu sách vở và đam mê văn chương. Sau năm 1975, khi trải qua nhiều cảnh huống và tâm tình không thể nào quên của cuộc đời mình, tôi chập chững đi vào công việc cầm bút cho đến ngày hôm nay. Có thể đó là một sự tình cờ, nhưng có khi trong thâm tâm tôi đó là một sự trả nợ cho những người mà mình phải mang ơn họ trong cuộc sống. Có thể họ là bạn cùng trang lứa cùng đồng ngũ với tôi, hay những người đã mất trong một cuộc chiến. Vì thế, nếu nói một cách bóng bẩy văn hoa thì viết là một cách thế sống để sòng phẳng với mình và với cuộc đời...

    Thật ra có rất nhiều tác phẩm văn chương và âm nhạc viết về ngày cuối tháng tư đau đớn của lịch sử Việt Nam. Đáng kể như tập hồi ký “Tháng Ba Gẫy Súng” của Cao Xuân Huy viết về những ngày tan hàng ở Quảng Trị và Huế, như tác phẩm “Ngày N+” của Hoàng Khởi Phong viết về cuộc di tản từ Pleiku đến Tuy Hòa, hay như những ký sự của ký giả Nguyễn Tú, của nhà văn Nguyên Vũ hay những đoản thiên của nhà văn Hải Quân Phan Lạc Tiếp, của nhà văn Không Quân Đào Vũ Anh Hùng, viết về những cuộc di tản bằng chiến hạm hoặc phi cơ ra biển Đông…

    Về thi ca, thì cũng có rất nhiều thi sĩ và nhiều bài thơ viết về những ngày tháng tư buồn thảm như thơ Cao Tần, Thanh Nam, Tô Thùy Yên... Những bài thơ rất ngậm ngùi đầy tiếc nuối của những người đã trắng tay trong một cuộc đổi dời của lịch sử.

    Nhưng với tôi, thì gây cảm xúc nhất lại là những bản nhạc. Những bản nhạc nhắc lại Sài Gòn, nói đến những cuộc chia ly, tả về những tiếc thương cho một thành phố bị xóa tên và nằm trong tay quân thù. Như bản nhạc “Sài Gòn niềm nhớ không tên” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn.

    Bản nhạc ấy đã gây thật nhiều cảm xúc cho tôi vì tôi nghe bản nhạc ấy lần đầu tiên ở trại tù Long Khánh do một người bạn đồng tù hát. Nhạc đệm chỉ là một cây đàn guitare tự chế bằng tôn nhôm và gỗ săn nhặt được và giây đàn được làm bằng những sơi dây điện thoại tước ra từng sợi nhỏ tạo thành. Cũng như ca sĩ là người chung cảnh ngộ hát bằng cả tấm lòng và giọng hát thầm thì như của một người đang làm một công việc mạo hiểm, hát để cho vơi tâm sự mặc kệ mọi sự cấm đoán đe dọa của hệ thống quản giáo cai tù đầy dẫy ăng ten báo cáo. Tôi cũng chẳng hiểu làm sao mà những bản nhạc như thế lại được hát và phổ biến ở trong tù như vậy. Chúng tôi xung quanh ngồi nghe như uống từng nốt nhạc, như chắt từng câu ca. Sài Gòn xa rồi, bây giờ ở ngoài vòng rào kẽm gai mịt mùng. Sài Gòn, vẫn còn gần gũi những ngày mà thành phố thảng thốt lọt vào tay giặc thù, những anh hồn liệt sĩ còn phảng phất đâu đây từ những ngày bi thảm mà chúng tôi bị buông súng một cách tức tưởi…

    Lời nhạc lôi kéo chúng tôi, ngôn ngữ hiền từ tha thiết không kêu gọi máu lửa nhưng sao lại lôi cuốn chúng tôi dường ấy:

    “Sài Gòn ơi, ta mất người như người đã mất tên - như dòng sông nước quẩn quanh buồn - như người đi cách mặt xa lòng - ta hỏi thầm em có nhớ không… Sài Gòn ơi, đến những ngày ôi thành phố xôn xao-trong niềm vui tiếng hỏi câu chào - sáng đời tươi thắm vạn sắc màu- còn gì đâu...”

    Lúc ấy, chúng tôi chưa biết bản nhạc ấy là của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn. Tên nhạc sĩ tác giả là cả một huyền thoại đối với chúng tôi lúc đó. Có người bảo đó là của nhạc sĩ P. hát bản nhạc ấy ở hải ngoại rồi cảm xúc đến nỗi bị ngất xỉu ngay trên sân khấu. Có người bảo đó là một bản nhạc của một nhạc sĩ đang bị giam ở khám Chí Hòa truyền ra ngoài và phổ biến. Đến mãi về sau, khi đã qua Mỹ định cư tôi mới biết tác gỉa là người chủ trương Chương trình Nhạc Chủ Đề trên đài phát thanh Sài Gòn và là thi sĩ, văn sĩ nổi tiếng của hai mươi năm văn học miền Nam…

    Chương trình Nhạc Chủ Đề do nhà văn Nguyễn Đình Toàn thực hiện trên đài phát thanh Sài Gòn vào buổi tối ngày thứ năm hàng tuần với mục đích giới thiệu với thính giả những bản nhạc được lựa chọn và được viết với lời giới thiệu và giọng đọc rất đặc biệt của người chủ trương. Theo như ý kiến của nhiều người, những lời giới thiệu nhạc hay nhất trong lịch sử âm nhạc có lẽ là bài viết và giọng đọc của nhà văn Mai Thảo và Nguyễn Đình Toàn. Những bài viết ấy đã mở ra những khung trời lãng mạn mà người nghe có cảm giác như đã quên đi hiện tại để bồng bềnh trong mênh mang của chữ nghĩa và âm nhạc…

    Chương trình Nhạc chủ đề ấy có những lời mở đầu như những cánh tay mở khung cửa mơ mộng, để ở đó tình yêu trở nên mơ màng hơn, có chuốt lọc nhưng lạ có những cảm giác nhẹ nhàng như tơ làm mềm lòng những tuổi thanh xuân đang hăm hở vào đời với sự tinh khôi trong sáng của những bình minh hứa hẹn những giọt nắng thủy tinh ngời tin yêu nồng biếc.

    Ai đã nghe qua những lời mở thế này mà không rung động? Nhất là những chàng tuổi trẻ ngày xưa nay đã thành những ông già lão nhìn lại quá khứ ngày nào đã rất xa, thật xa mà sao lại còn rưng rưng nỗi niềm chia sẻ:

    “Tình ca - những tiếng nói thiết tha và tuyệt vời nhất của một đời người - bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau... Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây, của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại, làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta…”

    Hay như một lời ngỏ khác, thầm thì, kêu gọi những bước trở về, đi ngược lại vòng quay vô tình của thời gian:

    “Em đâu ngờ anh còn nghe vang tiếng em trong tất cả những tiếng động ngù ngờ nhất của cái ngày sung sướng đó: tiếng gió may thổi trên những cành liễu nhỏ, tiếng những giọt sương rơi trên mặt hồ, tiếng guốc khua trên hè phố… Ngần ấy thứ tiếng động ngân nga trong trí tưởng anh một thuở thanh bình nào, bây giờ đã gần im hơi, nhưng một đôi khi vẫn còn đủ sức làm ran lên trong ký ức một mùa hè háo hức, một đêm mưa bỗng trở về, gió cuốn từng cơn nhớ… Anh bỗng nhận ra anh vẫn còn yêu em, dù chúng ta đã xa nhau như hia thành phố…”

    Tôi thời còn là sinh viên đã rất mê chương trình này. Có thể nói, đó là một phần khá đẹp của cuộc sống tôi. Bây giờ, nghe lại CD của Nhạc Chủ Đề cũ, tôi lại bồi hồi và một phần đời đã qua như hồi sinh lại.

    Sau này, ở xứ Mỹ này, tôi có hỏi ông về trường hợp sáng tác bản nhạc này như thế nào thì ông chỉ nói qua với sự rất hờ hững coi như đó chỉ là một trong những gần trăm bản nhạc ông đã sáng tác. Và ngay cả khi tôi hỏi về cách ông thực hiện hàng trăm chương trình nhạc làm say mê cả một thế hệ trẻ trong thời kỳ ấy hoặc hỏi về mấy trăm bài thơ và mấy chục tác phẩm vừa tiểu thuyết vừa tùy bút nổi danh một thời thì cũng với vẻ hờ hững ấy, ông cũng trả lời với vẻ thản nhiên của một người đã trải qua nhiều thay đổi và hiểu được rằng có những điều không cần biện giải của cái tự nhiên đã có.

    Cũng như, khi tôi hỏi về những khó khăn của cuộc sống hiện nay, ông cũng trả lời chẳng có gì cực nhọc dù rằng tôi hiểu được đó là một sự thản nhiên chấp nhận của một người đã trải qua nhiều mệt mỏi của cuộc đời.

    Đó là những ca khúc mà ông gọi là viết trong những thời gian tăm tối nhất của lịch sử và của chính cuộc sống ông. Nhưng đó lại là những lời kêu gọi yêu thương mong con người trở về với tình tự dân tộc. Có những bài hát trong tuyển tập nhạc “Hiên cúc vàng”, “Tôi muốn nói với em“ và "Mưa trên cây hoàng lan” đã chứng tỏ điều ấy. Chất nhân bản đã làm thành những ca từ đẹp và có sức thuyết phục mạnh với thính giả và cũng chuyên chở một cách thâm trầm những thông điệp gửi cho người cho đời những ước vọng và tâm sự.

    Những lòi nhạc như “Tôi đã bám lấy đất nước tôi bằng sức người vô hạn. Bằng sức người đầu đội trăm tấn bom. Tim mang nghìn dấu đạn. Tôi đã đổ mồ hôi, đổ máu tươi. Để mong ở lại đây. Nhưng đất đã đỏ vì bị nung bằng những lời dối trá. Người bám vào lửa đã đốt cháy tay. Lửa hờn căm, lửa hiểm thâm, lửa khốn cùng cay đắng. Người lừa nhau trời đất còn bưng mặt thảm thương. Ba mươi năm cuộc tương tàn chưa đủ? người giết người không kịp mở mắt trông. Ba mươi năm mạng người như rác cỏ. Giây hòa bình còn thắt cổ người tin…” trong bản nhạc ”Tôi cố bám lấy đất nước tôi” có phải là những lời chân thành dù trong cơn tuyệt vọng nhưng vẫn còn cố gắng bám víu vào cuộc sống một ý nghĩ nào tích cực nhất?

    Những lời ca viết cho thành phố Sài Gòn trong thời thế ấy bỗng dưng trở thành những lời kêu gọi của một dân tộc đã chịu quá nhiều đau khổ. Hết rồi những cơn mưa chiều cũ, mất rồi những buổi sáng rực rỡ xưa. Lời ca, ý nhạc lôi kéo chúng ta trở về con hẻm nào của những hẹn hò, của nụ hôn môi tuyệt vời, của hương tóc thề e ấp phả trong tà áo lụa xôn xao. Cái cảm giác ngày nào như sống lại, làm gai gai trong da thịt nỗi ngây ngất thuở nào. Nghe đâu đây như bước chân nào trở về đồng vọng...

    Bản nhạc ấy là “Sài Gòn ơi vĩnh biệt” của nhạc sĩ Nam Lộc. Lại cũng là tiếng gọi bi thiết nhưng tràn đầy thương yêu về thành phố mà có người nói rằng đó là chỗ để người ta yêu nhau. Nhạc Nam Lộc gợi cho tôi những nỗi niềm của một người mong nhớ với tâm trạng dằn vặt. Những lời ca thất thanh của một người mất quê hương:

    “Sài Gòn ơi tôi đã mất người trong cuộc đời. Sài Gòn ơi thôi đã hết thời gian tuyệt vời. Giờ còn đây những kỷ niệm sống trong tôi. Những nụ cười ngắt trên môi. Những giọt lệ ôi sầu đắng. Sài Gòn ơi nắng có còn vương trên đường. Đường ngày xưa mưa có ướt ngập lối đường về. Rồi mùa thu lá còn đổ xuống công viên. Bóng gầy còn bước nghiêng nghiêng. Hay đã khóc thương cho người yêu…”

    Hình như, tôi thấy tôi đã kêu thất thanh như thế trong cuộc đời tôi...

    Không phải tôi nói văn hoa đâu mà tôi đã nhiều lần kêu “thất thanh“như thế! Như một lần trong ngày 30 tháng tư năm 1975 khi tôi từ Cần Thơ trở về lại nhà ở Sài Gòn!

    Trước ngày 30 tháng tư năm 1975, tôi chỉ đi học và đi lính, nhưng sau ngày ấy thì tôi đi tù vì không di tản được. Mặc dù tôi ở trong Không quân và ngày ấy đang làm việc ở phi trường Tân Sơn Nhứt.

    Đơn vị của tôi là Đoàn phi đạo F5 thuộc Sư Đoàn 3 Không quân ở phi trường Biên Hòa sau ngày 20 tháng tư năm 1975 thì một phần lớn phi cơ di chuyển về phi trường Tân Sơn Nhứt. Ngày 30 tháng 3 đáng lẽ tôi phải biệt phái ra Đà nẵng để làm biệt đội trưởng kỹ thuật để bàn giao phi đạo cho Sư Đoàn I Không Quân nhưng Đà Nẵng đã thất thủ. Trước ngày đó chúng tôi đã chở từ Biên hòa ra Đà nẵng rất nhiều quân dụng và cơ phận thay thế của phi cơ trị giá cả chục triêu đô la và lúc đó kể như thiệt hại hết. Một số nhân viên biệt phái thoát về kể lại cảnh tượng ở Đà nẵng khiến người nghe phải rùng mình. Chiếc Boeing 727 thuê bao của Trung Hoa Quốc Gia cất cánh mà cửa chân đáp không đóng được vì một số hành khách đã ôm vào chân đáp nên phi cơ phải bay từ từ về Sài Gòn trong khi những người bám vào chân đáp bị rụng rớt vì không chịu nổi áp lực của không khí chỉ còn vài người buộc mình vào phi cơ mới không rớt dù khi máy bay đáp xuống đã bất tỉnh. Ở trên phi đạo Đà Nẵng là cả một rừng người và tình trạng lộn xộn khiến tất cả các phi cơ vận tải không thể đáp xuống để bốc người không vận về Sài Gòn. Chính ở Sư Đoàn 3 KQ cũng dự trù dùng phi cơ AD5 để bốc các chuyên viên kỹ thuật biệt phái về nhưng không thực hiện được…

    Rồi sau đó các căn cứ Pleiku, Phù Cát, Nha Trang, di tản rồi căn cứ Phan Rang thất thủ.

    Ỏ Tân Sơn Nhứt những ngày cuối tháng tư tình trạng khá hỗn loạn vì các sư đoàn KQ di tản về. Từ bãi đậu phi cơ vãng lai vào đến phi đạo bên trong phi cơ đậu thành hàng đông nghẹt. Trực thăng, A37, phi cơ quan sát xếp xen vào nhau thành ra vấn đề an toàn khá phức tạp. Ở khu huấn luyện sư đoàn đầy nghẹt những quân nhân về trình diện từ các đơn vị đã bị tan hàng, mọi người đều linh cảm rằng một cơn địa chấn dữ dằn sẽ tới.

    Gia đình tôi thì đã ra đi nên tôi làm việc và ở luôn trong phi trường. Hàng đêm, chúng tôi lái xe ra bãi đậu phi cơ xem những chuyến bay chở người di tản. Nếu quyết định ra đi lúc đó thì khá dễ dàng, chỉ cần thay quân phục và mặc đồ dân sự là có thể leo lên phi cơ một cách dễ dàng. Nhưng tôi vẫn nghĩ không thể nào thua trận mau chóng như vậy được và nghĩ rằng đi lúc đó là quá sớm. Đến đêm 27 tháng tư, căn cứ Biên Hòa di tản về Tân Sơn Nhứt. Và lúc đó quả thực tôi bị chấn động và hiểu rằng ngày cuối đã tới. Suốt đêm phi cơ bay đầy trời và chúng tôi đã phụ giúp để trang bị rocket và đạn cho phi cơ trực thăng gunship bay yểm trợ trên các mặt trận ven thành phố.

    Chiều ngày 28, lúc Tổng Thống trần Văn Hương bàn giao cho tướng Dương Văn Minh ở Dinh Độc Lập thì năm phi cơ A37 oanh tạc phi trường Tân Sơn Nhứt do tên phản tặc Nguyễn Thành Trung dẫn về khi các phi tuần nghênh cản phòng không F5E chấm dứt túc trực. Lúc ấy, tôi đang tập họp biệt đội trong hangar thì xảy ra biến cố ấy. Và sau đó đến bốn giờ sáng thì các đợt pháo kích ác liệt của Cộng quân vào phi trường. Trong phi trường khói lửa tùm lum, một hỏa tiễn 122 ly rớt trúng phân đội nữ quân nhân. Lúc sáng sớm, tôi lái xe qua khu vực ấy còn thấy những mảnh quần áo và cả da thịt vương vãi trên những tàng cây. Buổi sáng, tôi leo lên F5 rồi không đi. Kết quả là chiếc phi cơ ấy bị rớt ở phi trường Utapao ở Thái lan hy sinh tất cả những người trên phi cơ. Rồi tôi lên trực thăng xuống Cần Thơ và bị kẹt lại đến chiều 30 thì xuống Rạch Giá kiếm đường vượt biển nhưng cũng không xong và ngày 1 tháng 5 thì phải trở lại Sài Gòn…

    Trên đường từ Cần Thơ trở về tôi đã nhìn thấy ở dọc đường quốc lộ số 4 những cảnh tượng mà tôi không thể nào quên. Hai bên đường những chiếc xe tăng và những chiếc trực thăng nằm chỏng chơ và quần áo trận, nón sắt, dây ba chạc, giày lính... vứt lộn xộn tạo ra một khung cảnh điêu tàn của một trận chiến về chiều. Đi từng đoạn rồi cũng về tới Sài Gòn về nhà để thấy căn nhà mình ở bị niêm phong. Tôi vô nhà đại và mang vài vật dụng đi ra và đau lòng biết bao nhiêu khi nhìn thấy vật dụng hàng ngày của mẹ tôi và các anh em tôi trong một căn nhà mà tôi bị đuổi ra vì cả gia đình đã di tản. Tôi muốn khóc khi nhìn thấy ô trầu của mẹ, khi nhìn thấy đôi dép mẹ đi, cái áo ấm mẹ mặc. Vật thì còn nhưng người đã đi xa, biết đến bao giờ mới gặp lại… Và không biết ở phương xa, có còn trầu cau để cho mẹ ăn không? Buồn thật phải không? Quốc phá thì gia vong. Người xưa đã nói thì chẳng sai chạy được…


    Nguyễn Mạnh Trinh


    https://hoiquanphidung.com/forum/c%C3%A ... C6%B0-1975
Ngoc Han
Bài viết: 1586
Ngày tham gia: Thứ tư 20/05/15 14:24

Re: - 30/04/2022 - tưởng niệm 47 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Ngoc Han »

Bán tiểu đội Biệt Kích Dù và trận đánh chớp nhoáng sau lệnh đầu hàng 30.04.75

::: Hải Triều/Trung Nghĩa :::

Thiếu úy Biệt Kích Dù Vũ Văn Tư trằn trọc không ngủ được. Ðơn vị anh được lệnh chuyển quân về đóng ở Tam Hiệp, Biên Hòa, nơi mà tinh thần chống cộng của đồng bào Thiên Chúa giáo vững vàng như sắt, như đá. Sự có mặt của những toán Biệt Cách Dù làm các đơn vị quân dân phòng thủ ở đây lên tinh thần. Tư đi hết nhà dân đến nhà thờ. Có những đêm Tư âm thầm vào nhà thờ nhìn chăm chăm vào tượng Chúa để cầu xin một phép lạ, không phải cho anh, mà cho quê hương, để Bắc quân bị tan biến trong trận Long Khánh và không một tên nào mò qua Tam Hiệp để vây Sài Gòn. Anh thấy tượng Chúa buồn buồn, anh thấy tượng Ðức Mẹ dường như muốn khóc. Anh về lại đơn vị trùm poncho ngủ. Giấc ngủ vỡ tan theo tình hình tin tức chiến sự căng cứng cứ một ngày gần về phía Sài Gòn.

Sáng ngày 28 rạng 29 tháng Tư, đơn vị anh được tin cho biết về các hướng chuyển quân của địch, trong đó có một đơn vị cộng sản có chiến xa sẽ di chuyển từ Tân Phong hướng chiến khu D tiến về vòng đai phi trường Biên Hòa theo lộ trình quốc lộ 1 vào Hố Nai. Tất cả đơn vị đã sẵn sàng trong tư thế chiến đấu. Các đơn vị địa phương và nhân dân tự vệ, súng đủ loại bỗng nhiên thành những người lính tử thủ. Họ phân công, tăng cường phòng thủ và di chuyển đồng bào khỏi vùng có thể sắp xẩy ra những cuộc đụng độ đẫm máu.

Sáng sớm 30 tháng Tư, Tư và các sĩ quan được đơn vị trưởng mời họp khẩn cấp, chờ lệnh Sài Gòn. Trời Tam Hiệp vẫn chờ cơn bão lửa trong tinh thần chuẩn bị cho cuộc thư hùng chết bỏ. Ðến khoảng vừa sau 10 giờ sáng, các sĩ quan quay quanh chiếc radio, im lặng, đợi chờ một cái gì vô cùng nghiêm trọng. Bỗng tiếng tướng Dương văn Minh ồn ồn vang lên lệnh buông súng. Tư đập tay xuống bàn. Chiếc đồng hồ vỡ tung, đứt dây văng xuống đất. Các sĩ quan có mặt, người chửi thề, kẻ ôm mặt khóc. Vị sĩ quan Dù, cấp chỉ huy của Tư đang gục mặt xuống bàn, hai vai ông run lên. Một lúc sau, ông đứng dậy nói trong hai hàng nước mắt:

– Ðịnh mệnh oan nghiệt! Ðịnh mệnh oan nghiệt! Thế là hết! Anh em tan hàng và thoát khỏi vùng này gấp! Chiến xa địch có thể đang rất gần!

– Sao dễ dàng vậy ông thầy? Mơ hay thực ông thầy! Hỏa ngục An Lộc mình coi như pha! Sao bay giờ chưa bắn phát đạn lại tan hàng? – Tổng thống đã bó tay hàng, lệnh chúng ta buông súng. Làm sao chuyển xoay thế nước? Làm sao xoay chuyển lịch sử? Công chuyện bây giờ là cứu mạng anh em? Anh em nghe rõ?

Không khí im lặng, tịch mịch, thê lương. Không một ai trả lời. Một thứ im lặng nặng nề, uất nghẹn. Tư bỗng lên tiếng:

– Không! Tụi em nghe rõ nhưng không buông súng! Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng là chuyện của ông Dương Văn Minh. Tụi em không thể quăng súng! Biệt Kích Dù không bao giờ quăng súng! Ông thầy mặc tụi em!

– Thế cậu làm gì?

Tư không trả lời người chỉ huy của mình. Anh đứng phắt day chào tay người đơn vị trưởng và bỏ ra khỏi phòng:

– Vĩnh biệt ông thầy và anh em!

Ðây là lần đầu tiên trong đời binh nghiệp mà Tư hành sử như vậy đới với cấp chỉ huy. Ðơn vị trưởng Tư lặng lẽ nhìn Tư đi cho đến khi bóng anh khuất ở một góc đường dẫn về vị trí công sự phòng thủ của toán Tư trách nhiệm. Ông thở dài và mọi người giải tán.

Thiếu úy Tư về vị trí anh em đang bố trí chờ địch. Họ thấy nét mặt Tư như căng ra, căng thẳng và quyết liệt. Anh nói với anh em:

– Thằng cha Minh Bự ra lệnh buông súng rồi! Mấy ông đại bàng lớn nhỏ đã chấp nhận lệnh của Dương Văn Minh. Tôi thì không. Anh em nào theo tôi thì gom hết súng đạn và M72 xếp hàng theo tôi. Anh em nào nặng gánh gia đình thì ngay từ lúc này, bẻ súng, hay chôn súng, rời khỏi nơi đây gấp! Tôi còn chỉ huy anh em. Ðây là lệnh! Lệnh sau cùng trước khi chia tay!

Thầy trò Thiếu úy Tư nhom vào nhau, ôm nhau, kẻ khóc, người gạt nước mắt khi chia tay. Tư gom còn lại anh em khoảng một bán tiểu đội chịu ở lại với Tư, mỗi người hai ống M72, lựu đạn, súng cá nhân và ba lô. Tư dẫn anh em di chuyển nhanh về xứ đạo Kim B… Ðó là quê quán của một số anh em trong toán không buông súng của Tư. Tư đưa anh em lẩn vào một dãy nhà quen. Dãy nhà chỉ còn lại một bà cụ già:

– Bác Tám! Cháu là Vũ Văn Tư! Bác còn nhớ cháu? Bà con đâu hết rồi?

– À, tôi nhớ rồi! Cậu Tư Biệt Kích Dù! Cậu Tư về đây làm gì, bà con tản cư về Sài Gòn, vì nghe nói cộng sản có thể vô đây! Mà mấy cậu đói không?

– Sáng giờ tụi con chưa có gì trong bụng hết…

– Còn nồi thịt kho sau bếp. Tôi nấu nồi cơm cho mấy cậu ăn!

Mặt tiền nhà thờ Kim B… bên trái là cột cây số 6 tính từ Biên Hòa lên, bên phải là những căn nhà dân bỏ hoang, cách đó không xa là trường tiểu học Hải Phòng có một địa thế che khuất thuận tiện cho một cuộc phục kích. Tư ra lệnh anh em đào hầm và ngụy trang gấp để sẵn sàng cho một cuộc tấn công chớp nhoáng và rút nhanh theo kế hoạch.

Các Biệt Kích Dù còn lại mặt trận không có lệnh hành quân do Thiếu úy Tư chỉ huy, không có đại bàng trên trời, dưới đất, cũng không có hệ thống truyền tin, không Tổng Tham Mưu, không dinh Ðộc Lập… Chỉ có thầy trò Tư, Văn, Lễ, Hùng, Sự và Bảy đang dàn trận đối đầu với Bắc quân vào xế 30 tháng Tư, 4 tiếng đồng hồ sau lệnh cho quân đội buông súng của tướng Dương Văn Minh. Lúc này, trên mặt những Biệt Kích Dù không còn nước mắt buổi sáng, mà mặt họ lại đăm đăm chờ giặc như những lần phục kích năm xưa, bất chấp cái gì xẩy ra cho họ.

Tư phân phối vị trí tác xạ cho từng anh em và chỉ thị:

– Trận này chỉ sài M72! Không dùng súng nhỏ và lựu đạn, thứ này chỉ để tự vệ trên đường tàng hình mà thôi! Nếu địch xuất hiện trong tầm hiệu quả, xe nhỏ và Molotova vận tải, chơi trực xạ một M72. Nếu T54, tập trung tối thiểu là 2 M72 một chiếc cùng lúc để con cua bị rang muối ngay tức khắc, nếu nó còn sống, nó quay đại liên thì mình không thoát được theo kế hoạch, không về được với vợ con. Tất cả phần đuôi của đoàn xe địch còn lại, chơi xả láng tất cả M72 còn lại vào mục tiêu, kể cả bộ binh tùng thiết… Và tàng hình thật nhanh trước khi địch tỉnh hồn phát giác vị trí tấn công và đường thoát của tụi mình!

– Rồi sau đó tụi em gặp Thiếu úy ở đâu?

– Tại nhà thằng Hùng ở Ngã Ba Hàng Xanh tối ngày mai nếu tụi mình không thằng nào rách áo hay đi phép dài hạn! Nhưng mình chơi cú này như ma như quỷ, bố tụi nó cũng không ngờ! Nhớ! Tụi mình phải gặp nhau lần cuối trước khi chia tay mà không biết bao giờ gặp lại!

Ðúng như nguồn tin hôm trước và dự đoán hôm nay, dưới ánh nắng gay gắt, trước nhất là một chiếc jeep đi đầu, ngay sau là tiếng xích sắt nghiến trên mặt đường của một chiếc T54 nòng đại bác kềnh càng chỉa về trước, hai bên hông xe là một số bộ đội, có cả du kích dép râu có lẽ lần đầu tiên được “cưỡi” xe tăng, rồi tiếp theo là 2 chiếc Molotova đầy bộ đội miền Bắc và du kích dép râu, mũ tai bèo, lá ngụy trang. Họ di chuyển dường như khá chủ quan là sau cả buổi lệnh buông súng của Dương Văn Minh loan báo trên đài, các ổ kháng cự của quân đội VNCH đã rời vũ khí, bỏ trống chiến trường. Họ chuyển quân như đi duyệt binh, như phô trương lực lượng.

Tư và bán tiểu đội Biệt Kích Dù chỉ chú ý đến phần đầu kể từ chiếc xe jeep để có thể tấn công chớp nhóng và rút nhanh trước khi địch hoàn hồn. Ðoàn xe tiến ngày càng gần vào vị trí ổ phục kích. Tư bình thản nói nhỏ vào tai các xạ thủ:

– Jeep có sĩ quan đi đầu, cậu chơi chính xác 1 quả cho tôi!… Chiếc T54 kế, hai cậu chơi hai quả trực xạ ngang hông cùng một lúc!… Hai Molotova đi sau, mỗi chiếc một quả chính xác cho tôi!… Các ống phóng còn lại, các cậu xả láng hết vào bất cứ đoàn xe hay đám tùng thiết nào xuất hiện trong tầm tác xạ! Và ngay sau đó, biến nhanh theo tôi! Không chần chờ ở lại xem kết quả! Hổ nhanh như ma như biến mới sống!

Tiếng xích sắt chiếc T54 nghiến đường kềnh càng mỗi lúc một gần. Chiếc jeep có một sĩ quan cấp đại tá và hai nhân viên truyền tin cùng chiếc T54 vừa lọt vào tầm tác xạ hữu hiệu, có thể nói là quá sát vị trí phục kích, Tư ra lệnh khai hỏa.

– Ầm!

Một vệt lửa vụt đi, quả M72 lao như điện xẹt vào mục tiêu. “Tiến về Sài Gòn. Ta giết sạch giặc thù” chưa thấy đâu, nhưng chiếc jeep đi đầu bị thổi tung lên như con diều giấy bốc cháy. Bị tấn công bất ngờ, chiếc T54 hoảng hồn nã một phát đại bác lên tháp chuông nhà thờ. Tháp chuông bị vỡ sụp một góc. Nhanh như chớp, trước khi đại liên và đại bác tác xạ vào các vị trí nghi ngờ khác, hai quả M72 phóng thẳng vào hông phải chiếc T54:

– Ầm! Ầm!

Chiếc T54 lật ngửa sang một bên, bốc cháy bên vệ đường. Ba quả M72 tấn công quá nhanh, chỉ trong vòng không tới 30 giây, bộ đội Bắc Việt và các du kích bám trên xe không phản ứng kịp, bị văng xuống như sung rụng. Trong một tích tắc tiếp theo đó, hàng loạt M72 phóng thẳng vào hai chiếc Molotova chở đầy lính đủ loại, nón cối, mũ tai bèo và vài chiếc đi sau.

– Ầm! Ầm! Ầm…!

Nguyên một đoạn đường còn lại trong tầm tác xạ của M72 bỗng chốc thành bãi chiến lửa khói đầy xác xe và người chết. Tiếng súng AK khai hỏa từ phía sau đoàn “con-voi” nhưng họ không biết họ bị tấn công từ đâu. Không một tiếng súng nhỏ M16 bắn trả. Bỗng chốc chiến trường thành một thứ chiến trường im lặng chết người. Trong cái khoảnh khắc im lặng mà Bắc quân còn nằm chết dí trên mặt đất bắn lung tung, chưa nắm vững tình hình địch và thiệt hại của các chiếc xe đi đầu, bán tiểu đội Biệt Kích Dù đã biến đi tự lúc nào.

Sau khi không nghe thấy gì nữa, các đơn vị Bắc quân và chiến xa còn lại thận trọng dàn quân thành một vòng cung bọc tròn khu vực nhà dân, nhà thờ và trường tiểu học. Họ di chuyển chậm và họ nghĩ rằng trận phục kích kế tiếp sẽ diễn ra. Nhưng không! Tiếng nổ lác đác còn lại chỉ nghe thấy từ lòng chiếc T54 với những đạn loại nhỏ bị cháy và còn phát nổ. Vòng vây khép lại như một mẻ lưới, càng lúc càng nhỏ dần.

Bắc quân uất giận bắt đi vị linh mục già chánh xứ co ro trong nhà thờ và mấy người dân đau ốm tá túc trong nhà thờ. Họ lục soát trong nhà dân, bắt thêm vài người. Tháp chuông nhà thờ đổ nát nhưng tượng Chúa và tượng Ðức Mẹ vẫn còn, một tên VC lia vào tượng một tràng AK và ra ngoài, hắn lầm lừ như con hổ bị trọng thương. Một tên chỉ huy hạch hỏi hai người dân điều gì không rõ, song sau đó, họ bắn cả hai ngay trước cổng nhà thờ.

Toán quân cộng sản tiếp tục di chuyển, áp tải theo linh mục chánh xứ và những người dân vô tội, đến ngay tại cây số 7, họ dừng chân, họ bàn chuyện gì không biết, nhưng sau đó họ lôi ra bắn tiếp 2 người nữa và vứt xác bên vệ đường. Người dân miền Nam, những người bị bắt còn sống chưa bị hành quyết tại cây số 7, những người còn sống trong các nhà bên đường… kinh hoàng, vài người đã la hét trong cơn hoảng loạn tâm thần. Họ thấy cái chết lắc lư trên đầu họ. Và dường như Bắc quân thấy một cái gì không ổn trong hành động của họ trước những tiếng gào thét tuyệt vọng của đồng bào, họ ngưng hành quyết những người còn lại.

Trên quốc lộ 1, đoạn đường từ cây số 6 trước nhà thờ Kim B đến cây số 7 cũng chính là một phần của đoạn đường “Tiến về Sài Gòn, ta giết sạch giặc thù!” Bài hát “Tiến về Sài Gòn” của Huỳnh Minh Siêng đã hiện thực trên những vũng máu của người dân vô tội.

Ngày 1 tháng 5, thủ đô Sài Gòn tang tóc. Chiều, gió nhe ïthổi từ sông Sài Gòn như hơi thở tàn hơi trên từng sợi tóc của những người dân phờ phạc, âu lo, trên từng tàng cây hai bên đường như cảm nhận một mùa xuân tang tóc. Sài Gòn thoi thóp thở. Ðâu đó, người ta thỉnh thoảng còn nghe tiếng súng, tiếng lưu đạn nổ. Tiếng nổ của những người tự tử chết theo thành. Tiếng súng của những anh em còn chiến đấu tuyệt vọng từ những hẻm hóc giữa thủ đô liệm chết.

Tư lần mò đến địa điểm hẹn anh em ở Ngã Ba Hàng Xanh. Thầy trò Tư lặng lẽ ôm nhau, cùng nhau ăn một bữa cơm ly biệt sau cùng. Tư bùi ngùi nói với anh em:

– Trách nhiệm của chúng ta đối với Tổ Quốc đã tròn. Không ai lệnh cho chúng ta phải đánh trận sau cùng khi Dương Văn Minh đã đầu hàng. Tôi tạ ơn Thiên Chúa, tạ ơn Ðức Mẹ đã bảo bọc chúng ta để còn gặp đủ anh em đêm nay. Nhưng ngay trong đêm nay, tôi không còn là người chỉ huy anh em, anh em mỗi người tự thay tên đổi họ để về nguyên quán, lo cho gia đình, vợ con. Tôi sẽ còn ở lại Sài Gòn ít hôm coi tình hình, và có thể trở lại coi tận mặt chiếc T54 bị bắn cháy trước khi về lại Cao nguyên.

– Em còn độc thân! Ông thầy cho em ở lại và tháp tùng ông thầy!

– Không! Em về với bà cụ! Tình hình vô cùng nguy hiểm! Thôi, chúng ta chia tay! Coi chừng mấy thằng 30 nằm vùng!

Ðèn trong trong phòng vụt tắt. Bán tiểu đội Biệt Kích Dù không còn quân phục, không còn vũ khí của thiếu úy Vũ Văn Tư ôm nhau trong bóng tối. Người ta không thấy nước mắt, chỉ nghe những tiếng nấc ly biệt, nghẹn ngào…

Mấy hôm sau, Tư lẻn về lại Hố Nai một mình. Ðịch vẫn chưa áp đặt gắt gao sự kiểm soát trong vùng. Tư mặc đồ rách rưới như một nông dân lần đến thăm nhà thờ Kim B và khu vực trận địa. Tư lựa một góc nhà khuất, dựa lưng nhìn chiếc T54 và xác chiếc jeep nằm tan nát bên cạnh. Tư được biết một sĩ quan cấp đại tá và hai người lính truyền tin đã tử thương trong trận phục kích, số thương vong trên các chiếc Molotova và đoàn quân phía sau không rõ. Về lại Sài Gòn, Tư gặp một số bạn thân kể lại trận đánh và anh biến mất khỏi Sài Gòn sau đó.

Một năm sau, Tư hoàn toàn thay tên, đổi họ và sống như một người dân không biết gì về lính tráng. Lặng lẽ, âm thầm, uất ức và chán đời về sống ẩn dật về sống ở Cao nguyên. Thiếu úy Biệt Kích Dù Vũ Văn Tư đã không còn trên cõi đời. Dần dà, anh trở thành người thất chí rồi mất trí. Anh không điên, nhưng người nhà cho biết anh Tư ngày nào cũng như ngày nào, suốt ngày cứ lầm bầm… những câu ” Tại sao đầu hàng? Tại sao đầu hàng? Quân phản bội! Quân hèn nhát! Tại sao đầu hàng? Tại sao đầu hàng?…” Và trong một đêm mưa Cao nguyên sấm động rung trời như hét lời hận uất giữa không trung, mưa như trút nước, anh Tư nằm liệt giường, mê sảng. Trong cơn mê, anh cũng cứ thều thào… “ Tại sao đầu hàng? Tại sao đầu hàng?…” Và sáng hôm sau, anh nằm yên, vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại.

Thiếu úy Biệt Kích Dù Vũ Văn Tư mất năm 1976 dưới một cái tên hoàn toàn xa lạ, không vinh thăng, không phủ cờ, không huy chương, không một cánh hoa dù có mặt cạnh áo quan. Anh nhắm mắt nhưng mối hờn không chết trên quê hương, và chỉ một mình anh mang theo niềm hận uất khôn nguôi của riêng mình xuống đáy huyệt sâu. Khối hờn chung trong hơn ba mươi năm vẫn còn vẫn còn bàng bạc trên từng ngọn cây tấc đất… dẫu dấu tích của cuộc chiến bi hùng đã tàn phai theo tháng, theo năm.

Hải Triều / Trung Nghĩa

Nguồn: Vinh Danh QLVNCH và Bảo Vệ Cờ Vàng
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Gửi Mày Bữa Nhậu

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




              



              
    Gửi Mày Bữa Nhậu
    _________________________






    Đoạn đường mày đi là tao lại đến
    Mỗi một địa danh... đánh tới đánh lui
    Mỗi một địa danh vài thằng bạn chết
    Cho Quê Hương bớt đi nỗi ngậm ngùi

    Gốc cây bằng lăng giúp mày tránh đạn
    Đến lúc tao vào đã rụi thành tro
    Lúc mày đến vượt bao con suối cạn
    Lúc tao vào nước ngập đến balô

    Miền Nam mình chỉ hai mùa mưa nắng
    Tao với mày thì chẳng nắng chẳng mưa
    Chỉ biết đổi giày khi giày mòn gót
    Lội tróc rừng chỉ mỗi một ước mơ

    Năm được mấy lần đụng đầu giữa phố
    Ha hả cười rồi chửi bậy vài câu
    Mày còn sống - Ừ tao cũng còn sống
    Nốc cạn nhớ thương... nốc cạn dãi dầu

    Thằng vào Long Nguyên, thằng qua Thị Tính
    Thằng xuống Chánh Lưu, thằng tạt Phó Bình
    Rừng thức giữa đêm hít toàn thuốc súng
    Cây cối gục đầu chào đón bình minh

    Giờ... thì sao... hai thằng chung con phố
    Con phố tha phương- lặng lẽ - u sầu
    Tao viết bài thơ gợi mày nỗi nhớ
    Đã hòa bình mà... đất nước vẫn thương đau!





    Trạch Gầm

              



              

              

Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Đôi lời nhắn gởi

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           







    Đôi lời nhắn gởi
    _____________________
    Mai Thanh Truyết _ 04/2022





    Phương châm hành động:
    • “Agir en homme de Pensée et Penser en homme d'Action”
      Henri Bergson
      Hành động như tri giả, Suy nghĩ như hành giả



    Hôm nay ngày 25/4, chỉ còn năm (5) ngày nữa là ngày đau thương của dân tộc. Làm sao quên được Ngày Quốc Hận. Nguyên nhân xa gần gì cũng trụ ở các Thái thú biết nói tiếng Việt là CSBV và Trung Cộng. Xin lập lại. Xin nhắc nhở Bà Con ngàn lần là sẽ không bao giờ quên. Chúng tôi nghĩ là cả dân tộc Việt Nam chúng ta không những chỉ nhắc tới ngày 30/4 như ngày quốc hận của người dân Miền Nam, mà còn đừng quên phải:
    • * Nhắc tới những ngày giỗ của hằng triệu nông dân, trí thức, thương gia Miền Bắc đã chết âm thầm và nhục nhã trong mấy năm bị đấu tố;

      * Phải nhắc tới cái chết của hằng mấy triệu quân dân của cả hai Miền Nam Bắc, nạn nhân của cuộc chiến tương tàn do Hồ chí Minh và đồng bọn tạo dựng ra từ 1945, theo lệnh của Liên Sô, Trung Cộng, và cộng sản Quốc Tế Đệ Tam.

      * Phải nhắc tới trên 800,000 vong linh bơ vơ lạnh lẽo trên rừng hay dưới biển chưa siêu thoát được, trên đường vượt biên vượt biển liều chết chạy trốn bọn Việt cộng, đi tìm tự do.

      * Chúng ta phải nhắc hết tội ác của Hồ chí Minh và cộng sản Việt Nam ít nhất từ năm 1945 cho đến ngày hôm nay, để chúng ta cùng chuyển ngày 30/4 thành một ngày Quốc Hận chung của cả dân tộc, từ đó biến thành một “ngày Quật Khởi” của toàn dân cùng đứng lên đập tan chế độ cộng sản, để mau chóng mang lại cho đồng bào đầy đủ Tự Do.




    Hạnh Phúc thực sự và Ấm No Thịnh Vượng cho cả quốc gia Việt Nam.

    Ngày nào còn bóng dáng của một tên cộng sản trên đất nước nầy, ngày đó vẫn còn lảng vảng hồn ma Hồ Tặc với hai bàn tay dính đầy máu tươi của đồng bào. Ngày đó dân Việt vẫn còn đói nghèo, dốt nát bịnh tật triền miên, và ngày đó đất nước Việt Nam vẫn còn mãi mãi lạc hậu trong thời kỳ đồ đá, mặc dầu thế giới đã bước qua thiên niên kỷ mới rồi!”



    Cùng Tuổi trẻ Việt Nam,

    Trên đây là những lời trối trăn của một người con Việt miền Nam. Chúng ta cần ghi nhớ như một lời nguyền! Tiếp theo người viết xin chia xẻ cùng Bà Con vài lời nhắn gửi đến Tuổi Trẻ Việt Nam với trên 60% tống dân số là những người sinh sau ngày 30/4/1975…



    Đôi Lời Nhắn Gởi

    Nhìn lại bối cảnh Việt Nam đang đi vào thiên kỷ thứ ba, chúng ta thấy rằng mặc dù có nhiều cố gắng trong việc giải quyết một số vấn đề kinh tế của đất nước, thí dụ như nạn lạm phát được kiểm soát tương đối chặt chẽ và việc chuyển hướng mở cửa giao dịch với thế giới bên ngoài làm cho Việt Nam không còn bị cô lập như trước kia nữa.

    Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn lúng túng trong những toan tính giải quyết nạn nghèo đói của dân, trì trệ của nền kinh tế quốc gia cùng lúc với những nhu cầu xây dựng hạ tầng cơ sở, an sinh xã hội, giáo dục, bảo vệ tài nguyên và môi sinh của đất nước. Trong bối cảnh đó, Việt Nam hiện đang đứng trước hai nhu cầu đối nghịch nhưng vô cùng cấp bách: Nhu cầu phát triển công nghệ sản xuất để sinh tồn và nhu cầu giải quyết các phế phẩm để giữ sạch và làm sạch môi trường do chính phát triển và do dân số gia tăng gây ra. (Nhu cầu giải quyết gia tăng dân số quá nhanh hay hạn chế sinh sản là một vấn đề bức thiết cần được lưu tâm và giải quyết ưu tiên nhưng không nằm trong phạm vi bài tham luận nầy).

    Vấn đề là làm thế nào để có một cân bằng hài hòa cho hai nhu cầu phát triển và bảo vệ môi trường để từ đó hội nhập vào tiến trình phát triển tòan cầu;

    • • Nếu đặt trọng tâm vào nhu cầu phát triển và coi nhẹ nhu cầu giải quyết môi trường sẽ là một đại nạn cho Việt Nam trong một tương lai rất gần. Và nếu làm như thế, thế hệ hôm nay không những làm cạn kiệt tài nguyên của đất nước mà còn hủy hoại môi trường sống của thế hệ tương lai.

      • Nếu trái lại, đặt ưu tiên hàng đầu cho việc bảo vệ môi sinh và làm chậm mức phát triển thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân và đất nước sẽ chìm đắm trong nghèo đói lạc hậu.


    Những nhà dự phóng tương lai cho Việt Nam sẽ là những người thật sáng suốt, thực tâm yêu nước và có tầm nhìn nhân bản đứng trên mọi chủ thuyết và định chế chính quyền. Vì vậy, những người có trách nhiệm với Đất và Nước Việt Nam ngày hôm nay cần phải thấu hiểu và thấm nhuần một số căn bản trong việc thanh lọc nguồn ô nhiễm tại Tâm.



    • 1- Lòng tham:
      Một phương pháp đề nghị để thanh lọc những Ô Nhiễm trong tâm hồn của con người là dẹp bỏ lòng THAM của con người. Đức Phật dạy rằng THÂN, MIỆNG, Ý của con người hằng ngày thường tạo ra mười ác nghiệp:

      • • Ba nghiệp về Thân là: Sát sanh, Trộm cắp, Tà dâm;
        • Bốn nghiệp về Khẩu là: Nói dối, Nói lời đâm thọc, Nói lưỡi hai chiều, Nói lời ác khẩu.
        • Ba nghiệp về Ý là: Tham, Sân, Si.
      Trong mười nghiệp trên, nghiệp THAM là một trong những nghiệp nặng, vì Tham thuộc về Ý, mà Ý luôn luôn sai sử con người tạo tác ra mọi việc. Người xưa thường nói “Túi tham không đáy”. Vì tham con người có thể làm đủ mọi việc vô lương tâm để đem đồng tiền về nhét cho đầy túi tham của mình. Nhưng vì túi tham không đáy nên có bao nhiêu nhét vào cũng không đủ.

      Thử hỏi các nhà Đại Tư Bản: “Mỗi ngày các ông kiếm ra hằng triệu Dollars, đủ rồi, hãy ngưng đi.” Các ông ấy có ngưng không, hay kiếm được một triệu Dollars, các ông sẽ nghĩ cách làm sao mỗi ngày kiếm ra hai triệu Dollars bằng những phương pháp “Khoa Học(!)” hơn. Nhưng kiếm ra nhiều tiền để làm gì? Mỗi ngày các ông có ăn quá ba bữa cơm không? Mỗi đêm các ông có ngủ quá một chiếc giường không?

      Những nhà nuôi súc vật để cung cấp thịt càng ngày càng chích những loại Hormone hoặc những loại thuốc kỳ quái vào cơ thể những con vật để cho nó tăng trọng nhanh. Chẳng cần biết hậu quả là những người tiêu thụ các loại thịt đó sẽ bị mang những chứng bệnh lạ lùng không thuốc chữa.

      Những nhà làm phim ảnh, TV cũng vậy. Hằng ngày họ đầu độc con người, thanh thiếu niên bằng những loại phim dâm ô, kinh dị, những loại phim kích động lòng ham muốn đâm chém, bắn giết, đánh đấm lẫn nhau để làm trò vui. Họ làm ô nhiễm đầu óc trẻ em bằng những phim Hoạt Hình quái dị. Hằng ngày họ càng sáng tạo ra những con vật quỹ quái, dị thường rồi cho đi giết chóc tàn phá bằng những phương pháp “khoa học”. Thử hỏi đầu óc thơ ngây, trong sạch của trẻ em hằng ngày bị ô nhiễm bởi những hình ảnh kỳ quái, những tư tưởng giết chóc như thế thì thế hệ trẻ em đó lớn lên sẽ làm gì? Không cần đợi lớn lên, ngay bây giờ chúng ta cũng đã từng thấy những trẻ em mang súng vào trường bắn giết đồng bạn y như trên phim ảnh, trên TV. Tất cả chỉ vì lòng tham không đáy của những nhà làm phim ảnh, làm TV. Pháp sư Tịnh Không, một vị Pháp sư đạo cao đức trọng hiện ở Đài Loan, trong loạt bài giảng về kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Bình Đẳng Giác Kinh, Ngài nói:
      • Không một cường quốc nào có thể đánh bại nước Hoa Kỳ.
        Nước Hoa Kỳ chỉ bị đánh bại bởi TV của chính nước họ mà thôi.


      2- Biên kiến:
      Một nguyên nhân khác làm Ô Nhiễm tâm hồn của nhân loại là Biên Kiến. Theo Phật giáo Biên Kiến là sự chấp thủ vào một nhận thức của mình, và cho rằng chỉ có nhận thức của mình là đúng, là chân lý, còn những nhận thức của kẻ khác đều là sai lầm. Điều này chính những tín đồ của các Tôn Giáo cũng góp phần không nhỏ vào “biên kiến” ấy. Nhưng chúng ta không có quyền cho rằng chỉ có nếp sống ta mới có tính cách dân tộc, còn những tập đoàn khác là phi dân tộc, là phản động, là không yêu nước.”

      • • Đến thế kỷ thứ 21 nầy, mà còn có những người nhân danh tôn giáo mình để bắn giết những người theo Tôn Giáo khác vì cho rằng chỉ có tôn giáo mình là đúng còn những ngườì theo tôn giáo khác là tà ma ngoại đạo!

        • Đến thế kỷ thứ 21 nầy, mà còn có những người ôm mớ tín điều hết sức sai lầm của Karl Marx ở thế kỷ thứ 18, rồi tự xưng mình là “đỉnh cao trí tuệ loài người”, để bắt mọi người phải theo cái suy nghĩ sai lầm của mình. Đã mù mà còn đòi dắt đường. Đó là Biên Kiến, một hình thức của ô nhiễm trong tâm hồn.

        • Thậm chí khi biết mình đã sai lầm, phải đổi hướng chạy theo những tiến bộ của nhân loại mà vẫn cố bám víu lấy biên kiến của mình rồi sáng tạo ra những từ ngữ què quặt. “Kinh-tế-thị-trường-theo định-hướng-xã-hội chủ-nghĩa” là một thí dụ. Ai cũng biết rằng “Kinh Tế Thị Trường” là một đường lối kinh tế theo chủ nghĩa Tư Bản (Kẻ thù của chủ nghĩa Cộng Sản); còn Xã hội chủ nghĩa là con đẻ của chủ nghĩa Cộng sản, chủ trương kinh tế tập trung).

        Thế nhưng “dưới tấm bảng chỉ đường” của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đất nước càng ngày càng lụn bại. Sau khi lên nắm chính quyền năm 1975, cường quyền đã đưa một đất nước đứng nhất nhì ở Đông Nam Á thành một trong những đất nước nghèo nhất thế giới (chỉ hơn một vài nước ở châu Phi). Để sửa đổi sai lầm đó, đám chóp bu CSV cho thay đổi chính sách kinh tế thành Kinh Tế thị Trường. Nhưng để đỡ hổ thẹn, hay để chống chế, nhà nước CS sáng tạo ra cụm từ “Kinh-tế-thị-trường-theo-định-hướng-xã-hội-chủ-nghĩa”.

        Hãy tưởng tượng đất nước Việt Nam như một cỗ xe ngựa do hai con ngựa kéo với hai càng xe ở hai đầu. Con ngựa Xã Hội Chủ Nghĩa kéo đi về hướng Tây; con ngựa Kinh Tế Thị Trường kéo đi về hướng Đông. Kết quả cổ xe đó đi về hướng nào hay chỉ đứng lì một chỗ. Muốn cỗ xe chạy được thì phải thí bớt một con ngựa. Thế là nhà nước CSBV cho giết chết con ngựa Xã Hội Chủ Nghĩa (nhưng không dám lên tiếng), vì trong mấy năm qua con ngựa này đã chứng tỏ không làm được việc.

        Giết chết nhưng không chịu mang xác con ngựa Xã Hội Chủ Nghĩa ra đem chôn. Vẫn đề con ngựa Kinh Tế Thị Trường ì ạch kéo cổ xe kèm theo cái xác chết của con ngựa Xã Hội Chủ Nghĩa ngay từ khi đổi mới năm 1986. Đó là kết quả sai lầm của Biên Kiến. Biết sai mà vẫn nắm chặt lấy chủ nghĩa của mình. Biên kiến là một yếu tố làm ô nhiễm tâm hồn. Muốn tẩy sạch ô nhiễm trong tâm phải dứt khoát dẹp bỏ biên kiến.


      3- Luật Nhân quả:
      Luật nhân quả đối với đạo Phật rất quan trọng. Không có việc gì là không có nguyên nhân của nó.
      • Lũ lụt, hạn hán là do đốn cây rừng, là do xây hồ thủy điện, là do xây dựng đê bao không đúng kỹ thuật...
      • Tầng Ozone bị phá thủng là do con người thải những hóa chất độc hại lên không gian.
      • Nước uống bị nhiễm độc là do con người thải ra sông, biển những chất phế thải ô uế của mình như phân, nước tiểu, độc tố hoá học của các xưởng kỹ nghệ.
      • Không khí bị đầu độc là do khói từ xe hơi, từ các nhà máy sản xuất những mặt hàng cho con người hưởng thụ.

      Ngoài ra, các nước Tư Bản giàu có hay tống khứ những hoá chất độc hại phế thải của họ đến các nước nghèo chậm tiến ở Á Phi. Họ tưởng rằng sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm ở đất nước họ. Nhưng sự thật trái lại. Họ đã lầm, luật nhân quả cho biết rằng họ sẽ phải gánh chịu lấy những hậu quả đó.

      Thực tế cho thấy rằng sau khi những chất độc hại được đổ xuống vùng biển của các nước Á Phi thì cá tôm của những vùng đó bị nhiễm độc. Một số lớn cá tôm bị chết. Số còn lại bị nhiễm độc nặng, sẽ được ngư dân ở vùng đó đánh bắt và xuất cảng ngược lại vào các nước tiên tiến, và chính họ, những người đã đổ những chất độc hại xuống biển lại ăn những con cá tôm nhiễm độc đó. Gần đây những cơ quan như California Department of Health Services và những cơ quan tương tự đã đưa ra những khuyến cáo dân chúng đừng ăn những loại cá mà họ thấy rằng đã bị nhiễm độc. Rõ ràng là nhân nào quả nấy.

    Để kết luận, vấn đề ô nhiễm đã được thế giới đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây. Những Hội nghị về giải quyết Ô Nhiễm môi sinh đã được Liên Hiệp Quốc tổ chức. Nhiều nhà khoa học trên thế giới ngày đêm dùi mài tìm những phương thức để giải quyết. Những nhà lãnh đạo Tôn giáo như Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã kêu gọi nhân loại quan tâm đến vấn đề Ô Nhiễm. Các Ngài kêu gọi nhân loại để cứu độ MẸ ĐẤT vì quả tình trái đất này, hành tinh xanh này đã nuôi nấng ta như một bà Mẹ.

    Xin được nêu lên những lời dạy của Đức Phật về nguyên nhân sâu xa của vấn đề ô nhiễm, đó là TÂM ô nhiễm của nhân loại. Muốn giải quyết vấn đề ô nhiễm một cách rốt ráo không gì hơn là thanh lọc Tâm của con người.

    • • Bao lâu con người chưa nhận chân được giá trị của Luật Nhân Quả,
      • Bao lâu con người chưa gội rữa được lòng THAM vô tận,
      • Bao lâu con người chưa gội rữa được những BIÊN KIẾN,
      • Bao lâu con người chưa bỏ được lối sống ích kỹ, con người chưa có thể giải quyết được vấn đề Ô Nhiễm Môi Trường một cách rốt ráo.


    Một tác giả trẻ, Việt Kiến, sinh và lớn lên ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã viết “Sài Gòn hồi đó! NÊN VUI HAY BUỒN”, xin trích đoạn dưới đây:

    • “Ngày 30/4 đã hủy diệt những văn hóa, nếp sống và lối sống đô thị quy củ mà người Việt được kế thừa và hội nhập với các nước phương Tây phát triển như Pháp và Mỹ để trở về với sự độc tài, tăm tối của tư duy của xã hội Nho Giáo, thứ đã kìm kẹp người dân Việt gần 2000 năm. Trong chỉ 1, 2 năm sau khi chiếm đóng Sài Gòn, chế độ CS đã phá hủy hoàn toàn nền kinh tế, xã hội hài hòa, cùng với giáo dục, văn hóa, pháp luật của miền Nam.

    Nếu những người cầm quyền hiện tại thấy và hiểu những vấn nạn môi trường cũng như cung cách phát triển èo uột của đất nước trong suốt 47 năm như đã được trình bày qua những trang giấy trên.

    Và nếu họ còn chút nhứt điểm lương tâm để nhận lãnh trách nhiệm của những sai lầm trong quá khứ, chắc chắn người dân Việt, với tấm lòng vị tha, sẽ cùng nhau phối hợp xây dựng lại quê hương từ đầu.

    Mong lắm thay!

    Xây dựng Đất và Nước là trách nhiệm chung của mọi người chứ không phải là trách nhiệm riêng tư của những nhà khoa học, nhà lãnh đạo tôn giáo, hay của một đảng lãnh đạo.





    Mai Thanh Truyết
    Nhóm Chống Tàu Diệt Việt Cộng
    Quốc hận 30/4/2022



    https://hon-viet.co.uk/MaiThanhTruyet_DoiLoiNhanGoi.htm
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          




          




Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ
Nguyễn Đức Quang
Bạch Vân / Hoàng Vân / Nắng Thủy Tinh / Tư Mã






          
          
          
Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ
Tác giả: Nguyễn Đức Quang


Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng của thời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loàng xoàng

Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người
Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi
Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi
Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian

Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông miệt mài
Từng ngày qua
Cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
Còn Việt Nam
Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng

Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng
Mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm
Da chan mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân tươi
Ôm vết thương rĩ máu ta cười dưới ánh mặt trời

Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam
Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian
Hỡi những ai gục xuống ngồi dậy hùng cường đi lên

Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông miệt mài
Từng ngày qua
Cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
Còn Việt Nam
Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng
Còn Việt Nam
Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng



          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Quê hương tôi sau 1975

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    QUÊ HƯƠNG TÔI SAU 1975
    ___________________
    TRẦN ANH KIỆT





    Vào cuối thập niên 1960, tôi có dịp đến Nữu Ước tại trụ sở của General Motors để thương lượng việc mua 30 máy phát điện dã chiến 2100 kW được thiết lập khẩn cấp để chấm dứt nạn cúp điện tại Saigon do sự hiện diện của quân đội Mỹ có nhu cầu tiêu thụ điện quá cao, nhất là máy lạnh.

    Tôi gặp một người kỹ sư gốc Trung quốc Luis Wei. Ông là người Thượng Hải chạy thoát được qua Mỹ khi Trung cộng chiếm toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa năm 1949 và Tổng thống Tưởng giới Thạch phải chạy qua Đài Loan thành lập chính phủ quốc gia. Ông Luis Wei mời tôi về nhà ông chơi vào dịp cuối tuần.

    Nhà ông ở Hardford, Connecticut cách Nữu Ước không xa. Ngày làm việc, ông mướn khách sạn sống ở Nữu Ước chỉ cuối tuần mới lấy xe lửa về Connecticut để sum họp với gia đình gồm người vợ nội trợ và một đứa con gái đã trưởng thành.

    Trong một câu chuyện hàn huyên, ông Luis Wei mất đi vẻ trầm tĩnh khi nói về nguyên nhân ông bỏ nước ra đi. Ông tỏ ra hết sức xúc động và đau khổ kể lại rằng gia đình rộng lớn của ông khi xưa là nạn nhân của những cuộc đấu tố tàn bạo khi cộng sản nắm chính quyền. Ông cho biết ông mang một vết thương sâu đậm vì sự tàn ác của cộng sản không những đối với gia đình ông mà đối với cả dân tộc ông bị khổ đau vì những cuộc đấu tố, những vụ giết người trong cái gọi là cách mạng văn hóa, chưa kể hàng triệu người bị hành hạ trong Trại lao cải.

    Ông thấy thật mỉa mai khi báo chí và một số trí thức Tây phương lúc ấy không ngớt lời khen ngợi Mao Trạch Đông có công thống nhất nước Trung Hoa mà không bao giờ đề cập tới sự tàn bạo của CS. Họ cho Tưởng Giới Thạch là một người ngu đần, tham ô, có chính quyền trong tay mà để mất toàn bộ lãnh thổ vào tay cộng sản.

    Điều nầy làm ta nghĩ đến việc báo chí Tây phương và bọn phản chiến hạ nhục VNCH thật không khác mấy. Thuở ấy, bức màn sắt che đậy hết sự tàn ác của cộng sản ở Liên-xô, Đông Âu, Trung Quốc, Việt Nam và Bắc Triều Tiên nên ở Tây phương nhiều ngươì vẫn còn ảo tưởng về cộng sản nhất là khi Liên-xô thành công trong việc phóng phi thuyền Spoutnik với Yuri Gagarine bay vòng quanh trái đất năm 1956 trong lúc Mỹ chưa có thành tích gì về không gian. Điều nầy làm tăng sức mạnh cho các đảng cộng sản ở Pháp và Ý và một số trí thức thiên tả có nhiều ảnh hưởng như Jean Paul Sartre ở Pháp. Đảng Cộng sản Pháp do Georges Marchais cầm đầu lớn mạnh, trong mấy mươi năm tiếp tay với CSVN trên mặt trận tuyên truyền quốc tế.

    Cách đây hơn năm mươi năm, tôi đã nghe ông Luis Wei kể lại cuộc đời ông như một kẻ bàng quang, không cảm nhận được nỗi đau của ông cho đến khi chính tôi phải mang nặng những vết thương như ông Luis Wei sau khi sống 5 năm trong địa ngục cộng sản.

    Ngày nay trên quê hương thứ hai, suy gẫm lại tôi mới thấy , giống như ông Luis Wei, vết thương trong tâm hồn tôi không bao giờ lành. Cái đau thể xác trong trại cải tao cũng như trong nhà tù đương nhiên không còn nhưng nỗi đau trong tâm hồn vì dân tộc, vì đất nước vẫn luôn luôn tồn tại.

    Có ai dửng dưng được khi thấy đồng bào mình, người phụ nữ phải tìm kế mưu sinh bằng cách lấy chồng Hàn, Đài, hay đi làm ô-sin tại Hồng kông, Đài loan hay các nước Á-rạp. Ô-sin là nô lệ thời hiện đại, bị áp bức, bốc lột, đôi khi bị chủ hãm hiếp hoặc giết đi, nhất là ở các nước Á rạp.

    Có ai không xúc động với việc 39 người Việt bị chết cóng trong thùng xe đông lạnh khi rời bỏ thiên đường CS đi tìm đường sống ở Anh quốc.

    Tôi khó quên được hình ảnh cô gái Nghệ An xinh đẹp gọi về cho mẹ với câu nói cuối cùng : Mẹ ơi, con sắp chết.

    Nhu cầu thiết yếu của tôi là phải theo dõi hàng ngày tình hình chính trị trên thế giới trong ấy phải có Việt Nam. Tôi mong tìm thấy ở VN một tia sáng nào về sự vùng dậy của dân tộc để lật đổ bạo quyền CS như các nước Đông Âu. Nhưng tôi chỉ thấy số trí thức, ký giả, blogger, bị CS bỏ tù ngày càng đông, những vụ giết người trong đồn công-an vẫn tiếp tục, những người nổi loạn ở Phan Rang đốt phá trụ sở cộng sản lần lượt vào tù, những vụ phản kháng vang dội về cướp đất ở xã Đồng Tâm bị đàn áp dã man theo sau là 2 án tử hình.

    Ngày 30 tháng tư lại kéo tôi về dĩ vãng. Đọc những hồi ký của nhiều cựu tù nhân trong các trại cải tạo, tôi mới biết thêm được bao gương anh hùng và sự khổ đau của tù nhân bị hành hạ thể xác lẫn tinh thần. Rõ ràng là CSVN lập lại khuôn mẫu của Trại lao cải của Trung cộng mà ông Luis Wei đã kể cho tôi nghe.

    Đấu tố trong việc cải cách ruộng đất ở miền Bắc là do quan thầy Trung cộng dạy cho.
    Việc áp dụng kinh tế thị trường cũng là theo gót chân của Trung cộng thời Đặng Tiểu Bình.
    CSVN luôn luôn bắt chước đàn anh trong những gì tàn bạo nhất.
    Dù bị đồng chí dạy cho một bài học đẫm máu năm 1979 nhưng chỉ 10 năm sau lại quỳ lạy kẻ thù.
    Từ ấy trở thành nô lệ cho Tàu cộng từ kinh tế đến chính trị, mất chủ quyền trên Hoàng sa, Trường sa.

    Ngày 30 tháng tư làm tôi nhớ trước tiên là 5 vị tướng anh hùng đã tuẩn tiết. Còn rất nhiều chiến sĩ đã tuẩn tiết mà ta không được biết. Đọc lịch sử thế giới, tôi không thấy có gương anh hùng như thế sau cuộc chiến tranh. Sau đó là những đồng bào đã bỏ mình trên biển cả trong cuộc trốn chạy cộng sản. Tôi lại nhớ đến cái ngây ngô của bộ đội cộng sản khi chúng vào Saigon. Dần dần, tôi phát hiện ra họ đã sống trong một xã hội lạc hậu, nghèo đói, vui mừng khi được tìm thấy thiên đàng miền Nam.

    Có rất nhiều nguyên nhân mất miền Nam đã được phân tích trên nhiều diễn đàn, nhưng tôi lại tò mò muốn biết số phận của một số người nằm vùng tiếp tay với cộng sản vì tôi nghĩ họ chỉ là những kẻ mù lòa không hiểu rõ cộng sản và bị CS đầu độc tư tưởng rằng chống Mỹ là sự tiếp nối kháng chiến chống Pháp từ 1945. Rồi đây họ sẽ thức tỉnh một cách muộn màng. Thật đúng như vậy.

    Các cán bộ tập kết được gởi ra Bắc từ năm 1954 cười vui theo đoàn quân chiến thắng trở về, vênh vang với láng giềng bà con, nhưng rồi không lâu ngồi ủ rủ vì mất hết quyền lực và các nguồn lợi nó đem lại.

    Họ bất mãn lập ra câu lạc bộ kháng chiến, Nguyễn Hộ, Nguyễn văn Trấn, kêu la, chống đối rồi cũng bị vùi dập trong lãng quên.

    Tiếc thay cho những kẽ lầm đường! Những người nằm vùng trước kia trong báo chí như Hồ ngọc Nhuận, Lý quí Chung, bợ đỡ hèn hạ chế độ mới một thời gian rồi cũng bị đào thải, ôm hận tới già.

    Đám sinh viên phản chiến làm đặc công cho CS khi xưa như Huỳnh tấm Mẫm, Lê văn Nuôi, Nguyễn hữu Thái được ban phát cho một chút ân huệ lúc ban đầu rồi cũng bị hạ bệ.

    Sau nầy, tôi có dịp xem video “Tiếng gào thét từ bên trong”của một người Pháp, André Menras, theo giúp cộng sản triệt để trước 1975, lấy tên VN Hồ Cương Quyết, nay đã thức tỉnh, phỏng vấn nhiều cán bộ cao cấp nằm vùng miền Nam trước kia của MTGPMN : Lê công Giàu, Nguyễn văn Kiết, Kha lương Ngãi v.v. Họ bày tỏ uất ức đối với chế độ một cách muộn màng. Họ dám bày tỏ công khai vì họ không còn gì để mất.

    Tôi nghĩ CSVN đã có thể được dân tộc tha thứ tội ác sau khi gây ra một cuộc chiến tranh tương tàn và trả thù hèn hạ miền Nam nếu họ thành công trong việc phát triển kinh tế, tạo nên một xã hội lành mạnh trong ấy người dân được sống ấm no, tự do phát huy sáng kiến để làm giàu cho xứ sở, tranh đua với các nước Á Châu. Nhưng làm sao có được những thứ ấy với “cộng sản chủ nghỉa”.

    Thành tích của CSVN sau 47 năm phát triển kinh tế là có được Tổng sản lượng nội địa (GDP) chia cho mỗi đầu người là 2.786 $ (đô-la) theo tài liệu của Ngân hàng thế giới (2020), con số thật nhỏ nhoi.

    Nếu điều chỉnh theo mãi lực (PPP), con số trên lên đến 8.651$ (hạng 137) so với
    • 98.523$ của Singapore,
      59.238 $ của Hồng-Komg,
      50.500$ của Đài Loan,
      43.124$ của Hàn-Quốc,
      27.887$ của Mã lai,
      18.236$ của Thái-Lan.


    Các con rồng Á Châu đã bay lên thật sự chỉ trừ con rồng VN còn nằm trong vũng bùn.

    Nguyên nhân rất dễ hiểu. Sau 21 năm bần cùng hóa miền Bắc, CSVN đã mất 15 năm trả thù miền Nam và áp đặt một cách ngu xuẩn một nền kinh tế quốc doanh. Khi thức tỉnh thì đã quá muộn, bị bỏ quá xa trong cuộc cách mạng kỹ thuật số.
    Suy gẫm lại, tôi thấy VNCH từ thời TT Ngô Đình Diệm đã có một tầm nhìn rất xa về việc phát triển kinh tế, kỹ nghệ. Khu kỹ nghệ Biên Hòa đặt nền móng cho việc phát triển kỹ nghệ. Hảng máy cày Vikino, nhà máy phân bón phục vụ nông nghiệp, nhà máy thép Vicasa, các nhà máy dệt, nhà máy giấy, nhà máy đường, Sữa Foremost, nhà máy bột ngọt, bột giặt, Dược phẩm OPV. Khu chế xuất Tân Thuận nhằm nhập cảng nguyên vật liệu không qua thuế quan để làm thành phẩm xuất cảng. Đài Loan cũng xử dụng mô hình nầy tại Cao Hùng. Trong lúc ấy Trung cộng thiết lập rất trễ khu kỹ nghệ Senzhen để thu hút đầu tư ngoại quốc và hiện là khu kỹ nghệ phồn thịnh nhất Trung quốc.

    Tôi có một kỷ niệm nhỏ về Hãng máy cày Vikino. Sau 1975, vì Miền Bắc chỉ quen với sức trâu cày hay dùng người thay trâu nên khi CS tiếp quản Vikino là cả một sự ngạc nhiên, lúc ấy máy cày đã được xử dụng phổ thông ở miền Tây. Một ngày kia trong lúc tôi ở trong nhà tù Bến tre gần 3 năm chưa được thả thì nhà tù tiếp nhận một tù nhân mới rất đặc biệt bị bắt về tội vượt biên. Anh được ở một phòng riêng biệt, được cung cấp thức ăn đầy đủ và được công an đối xử tử tế. Các tù nhân ngạc nhiên cho đây là môt anh VC cao cấp nào đây. Chỉ một tuần lễ sau là anh ta được thả. Đó là anh phó giám đốc kỹ thuật Vikino được thả về để giúp VC điều hành Vikino vì anh TGĐ Võ văn Nhung đã ra đi năm 1975.

    Về mặt xã hội, sau 47 năm, CSVN đã hình thành một xã hội băng hoại về đạo đức, đôi khi xuất hiện những quái vật.
    • Giữa lòng Hà nội, một bộ đội CS phục viên chặt đầu giết cả gia đình người anh rồi thản nhiên ngồi uống trà chỉ vì tranh chấp một mảnh đất nhỏ 20 mét vuông.
    • Trộm cắp vang dội quốc tế : phi hành đoàn buôn lậu đồ ăn cắp, du học sinh, thực tập sinh, trộm cắp ở Nhật.
    Buôn bán nhục dục tiến bộ hơn các nước giàu có. Người mẫu đi khách với giá 20-40 triệu (1000-2000 đô la). Có mỹ nam phục vụ phụ nữ. Công an vừa bắt trong một khách sạn ở Hà nội một thiếu nữ 22 tuổi mua dâm với một mỹ nam với giá 20 triệu một lần.

    Tham nhũng đục khoét xã hội như những tế bào ung thư hủy hoại cơ thể. Chỉ có một số ít được phơi bày, nó liên quan đến mọi giai tầng quyền lực của chế độ cộng sản: công an mọi cấp, xã ủy, huyện ủy, quận hủy, tỉnh ủy, thành ủy, ủy viên bộ chính trị, tổng giám đốc xí nghiệp quốc doanh, viễn thông, đóng tàu, gang thép, dầu hỏa, bộ trưởng, thứ trưởng công an, công nghiệp, y tế, tướng tá công an, quân đội bộ binh , hải quân, không quân, tình báo, cảnh sát biển.

    Chữ ủy và chữ bí thư dưới chế độ CS là đồng nghĩa với quyền lực và tham ô. Những ví dụ nổi bật nhất là
    • tướng tình báo tổ chức đánh bạc trên internet,
    • bộ y tế nhập cảng thuốc giả,
    • các giới chức y tế thông đồng với tư nhân bán dung cụ y tế với giá thổi phồng trong mùa dịch COVID,
    • toàn bộ Chỉ huy cảnh sát biển tổ chức buôn lậu,
    • Bộ Công thương thông đồng với tư nhân kiếm hàng ngàn tỷ trong những vụ chuyển nhượng cổ phần hai chiều.

    Nền giáo dục trung tiểu học tạo nên những đứa trẻ ngỗ nghịch, những con thú hoang trong nhà trường,
    • nữ sinh đánh nhau giữa đường phố Hà nội, lột trần truồng kẻ thua trận.

    Nền giáo dục đại học, ngoài các trường chuyên khoa tuyển sinh giới hạn, chỉ cung cấp những mảnh bằng lý thuyết, sinh viên tốt nghiệp không có việc làm hoặc phải đi hối lộ mới được tuyển dụng trong bộ máy thư lại. Tiết lộ đề thi, mua bán văn bằng rất phổ thông. Đại học Đông Đô ở Hà nội trong mấy chục năm chuyên bán văn bằng. Bằng tiến sĩ là một mỉa mai. Trong hơn 21.000 tiến sĩ, không có một bài khảo cứu nào được đăng trên báo khoa học quốc tế. Quan tham CS và con cháu mua văn bằng tiến sĩ của các Đại học ma của Mỹ đã bị khai trừ. Các quan chức cao cấp CS đều được cấp bằng tiến sĩ : Nguyễn phú Trọng, Trần đại Quang, Tô lâm, Đinh la Thăng v.v.

    Chỉ có hai viên ngọc quí thường được vinh danh để tô điểm chế độ : Đặng thái Sơn, nhạc sĩ, thủ khoa giải Chopin, được giáo dục ở Liên xô, di dân qua Canada, Ngô Bảo Châu, hậu đại học ở Pháp, đoạt Giải toán học Field hiện sinh sống tại Mỹ, dạy học ở Đại học Chicago.

    Con cháu quan tham CS được du học ở nước ngoài. Tại Mỹ và Canada có 50. 000 du học sinh VN, hầu hết là con cháu quan tham CS, với học phí và sinh hoạt phí mỗi năm là 50.000 đô la, tổng cộng là 2,5 tỷ đô la (50.000 tỷ đồng VN) đủ nuôi sống một triệu gia đình VN. Không hiểu những đứa trẻ kia, vô tội, nhưng được nuôi dưỡng bằng đồng tiền tội lỗi của cha ông có thức tỉnh hay không về chế độ CS sau khi sống trong bầu không khí tự do? Hay lại quay về quê hương nối tiếp quyền lực của cha ông, đắm mình trong guồng máy tham-ô để vinh thân phì gia trong sự đau khổ của dân tộc?

    Nhìn với khía cạnh lạc quan, đám thanh niên ấy có thể là những những nhân tố kết hợp làm thay đổi chế độ trong tương lai. Nhìn số tiền học phí “nhỏ nhoi” ở nước ngoài, ta có thể thẩm lượng về tài sản và mức độ tham ô của quan chức CS.

    Nhìn một cách sâu xa, muốn xây dựng nền tảng khoa học, kỹ nghệ độc lập cho VN trong tương lai thay vì đầu cơ trên đất đai, gia công cho các hảng ngoại quốc hay xuất cảng lao động, nô lệ, nhu cầu không phải là số sinh viên tốt nghiệp văn bằng đại học ngoại quốc hay là những tiến sĩ giấy, mà là những kỹ sư, khoa học gia đã có kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong kỹ nghệ hay nghiên cứu khoa học tại các nước tiến bộ. Nhìn với khía cạnh nầy, con cháu người tị nạn là vốn quý cho việc phát triển VN trong tương lai. Nền kỹ nghệ điện tử, máy tính điện toán, kỹ thuật số Đài Loan được phát triển là nhờ một người Mỹ gốc Hoa, giám đốc kỹ thuật công ty CDC, ngang với IBM, được chính phủ ĐL mời về để thiết lập nền móng trong khu kỹ nghệ Đài Bắc. Hiện nay, Đài Loan cung cấp 1/3 “chip” cho nhu cầu thế giới. Bom nguyên tử của Tàu cộng được thành hình là nhờ hai người giáo sư trẻ gốc Hoa của Đại học Columbia.

    Trong cảnh nghèo khổ của người dân, với những đứa trẻ ốm đói miền thượng du, đu dây đi học vì thiếu một cây cầu nhỏ, lại xuất hiện những điều thô bỉ.
    • Phương Thảo của Vietjet hiến 250 triệu đô la (5.000 tỷ đồng) để được đặt tên trong một trường ký túc xá của Đại học Oxford.
    • Tướng công an Tô Lâm ăn miếng thịt bò giá 2.000 đô la ở Luân đôn. Báo chí Luân đôn gọi mỉa mai đó là “miếng thịt bò cộng sản”.
    Hình ảnh Chủ quán Salt Bae đút miếng thịt bò vào “mõm” Tô Lâm tương phản với hình ảnh các TT Mỹ ăn bữa cơm vài đô la : Obama ăn bún chả ở Hà Nội, Bill Clinton ăn phở ở Saigon, Donald Trump ăn hamburger ở Nữu Ước.

    Về quản lý xã hội, CSVN đã làm như thế nào?

    Nhà nước xã hội chủ nghĩa có đủ mọi cơ quan kiểm tra như những nước tiến bộ để bảo vệ người dân nhưng nó trở thành bộ máy làm tiền béo bở cho quan chức cộng sản. Cơ quan kiểm lâm bảo vệ bọn phá rừng, kiểm soát biên giới để thu lợi trên buôn lậu và nhập cảnh bất hợp pháp, kiểm tra thực phẩm để cho chuyên chở thịt thối từ Bắc chí Nam, kiểm tra hóa chất để cho lan truyền hóa chất gây ung thư của Tàu cộng, kiểm tra dược phẩm để cho nhập cảng thuốc giả, kiểm tra nhà đất để làm tiền trong việc sang nhượng nhà đất, để giúp Tàu cộng sở hữu 16.000 mẫu đất vùng bờ biển và vùng đất chiến lược, kiểm tra môi trường để nhắm mắt cho Formosa thải chất độc, để chất độc lan truyền trên nguồn nước sông ngòi, biển cả, kiểm tra chứng khoán để giúp thổi phồng trị giá chứng khoán giúp quan tham bỏ túi tiền tỷ trong giao dịch mua bán giữa công ty tư nhân và quốc doanh v.v.

    Di chứng độc hại của chủ nghỉa cộng sản sẽ kéo dài nhiều thập niên ngay sau khi chúng bị lật đổ vì các tế bào lành mạnh đã chết, nhân lực đã hư hỏng, môi trường bị hủy hoại, tài nguyên đã cạn khô, như cô giáo Trần thị Lam đã than thở :
    • Biển bạc, rừng xanh cánh đồng lúa biếc,
      Rừng đã hết biển thì đã chết
      Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa.


    Di hại lâu dài của chủ nghĩa CS đã được thấy trên thế giới.

    Sau hơn 30 năm thoát khỏi ách cộng sản, các nước Đông Âu vẫn chưa bắt kịp các nước Tây Phương.
    Nhìn Tổng sản lượng nội địa chia cho mỗi đầu người (GDP per capita, nominal) của họ thì biết :
    Tiệp Khắc : 22.911$ , Hungary : 16.129$, Ba-lan : 15.764$, Roumanie : 12.929$, Nga : 10.166$.
    So với các nước phương Tây :
    Mỹ: 63.123$, Úc: 55.823$, Đức: 45.909$, Canada : 43.560$, Anh : 40.718$, Pháp : 39.859$.

    Poutine nước Nga bị thế giới nguyền rủa hiện nay khi xâm lược và tàn phá Ukraine, cũng là di sản của chủ nghĩa CS, một tên KGB khát máu, độc tài.



    Trần Anh KIệt
    Tháng tư, 2022



    viewtopic.php?p=35797#p35797
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Ngày 30 Tháng Tư: Uất Hận Riêng, Quốc Hận Chung.

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Ngày 30 Tháng Tư:
    Uất Hận Riêng,
    Quốc Hận Chung.

    40 Năm Tỵ Nạn, Tự Do chưa đến Việt Nam
    Tâm Thư Đầu Năm của Một Người Tỵ Nạn Cộng Sản:

    _____________________
    Phan Văn Song _ 2015






    1/ Đôi lời chia sẻ :

    Khai bút đầu Xuân, trước khi vào bài, người viết Phan Văn Song tôi, xin đôi lời xin lỗi, rằng đầu năm lắm chuyện khô khan. Xin thưa trước với quý độc giả, đặc biệt với tất cả các bạn bè quen biết gần xa, đồng tâm, đồng cảnh, đồng chí đồng hướng, (nếu có ai hổng đồng, hổng giống thì xin tha thứ cho đám tỵ nạn chúng tôi ưa ôm đồm gắn bó lôi kéo nhau), sau xin chia sẻ cùng với tất cả anh chị em. Thưa rằng gần 40 năm cùng nhau đấu tranh chống độc tài, chống Đảng Cộng Sản Hán Ngụy đang cướp nước giựt quyền của người dân Việt, cũng chỉ để quyết giữ một chánh nghĩa, xem như một nghĩa vụ: cố giữ linh hồn một người Việt Tử Tế - (Tử Tế xin được viết hoa) - một người Việt được thấm nhuần giáo huấn bởi cả ngàn năm văn hóa của tổ tiên đã dày công giữ vững hồn và gốc dân tộc Việt, dựng nước và giữ toàn vẹn đất nước. Giữ được linh hồn, gieo được hột giống người Việt Tử Tế nơi tạm trú, để ngày mai khi Tự Do phục hồi trên đất nước thân yêu, góp
    phần đóng góp cho một quê hương Việt Nam Tử Tế với người Việt Tử Tế, cho người Việt Tử Tế.

     Người Việt Tử Tế, trong nhà kính cha thương mẹ bảo bọc gia đình, ra đường tiếp láng giềng gần, quý người khách xa, trọng lân bang, giúp hàng xóm. Đó là tề gia, giữ xóm.
     Người Việt Tử Tế khi làm quan, biết trọng dân, nghe dân, hiểu dân, hỏi ý dân, lấy công tâm làm luật, lấy công bằng làm lệ, quyền thế, cứng rắn, nhưng nhơn ái, công bằng, giữ luật lệ nhưng nhơn từ giáo huấn.
     Người Việt Tử Tế khi làm dân biết phán đoán, chọn mặt gởi vàng, bầu người ngay, cử ngưới giỏi, biết suy luận, góp ý với quan, chấp hành luật tốt, chỉ trích lệ sai, cùng quan xây dựng việc nước nhà. Đó là bảo quốc, bình dân.

    Bài viết hôm nay khai bút đầu Xuân Ất Mùi, lý ra là phải lạc quan, hào hứng để đón Xuân, nâng cao ly «Rượu Mừng Xuân » (như lời bài ca của Nhạc sĩ Phạm Đình Chương) cùng tất cả bạn bè khắp năm châu hải ngoại hay tại quê nhà, trái lại người viết chúng tôi xin phép quý độc giả được tỏ chút bi quan, bận lòng đất nước, nói lời đắng cay. Và, tuy là năm mới, tuy là mùa Xuân, nhưng với bổn nhơn và gia đình bổn nhơn không có Mùa Xuân, vậy kính xin được phép nhỏ vài giọt lệ, ngậm ít tủi, nuốt tí hờn, uống ly cà phê đắng, để buồn cho thân phận cá nhơn, khóc cho số phận bạn bè, đồng chí, đồng hướng, đồng cảnh, đồng ngộ, tiếp tục sống kiếp tha hương 40 năm mất quê cha đất mẹ, mai đây vùi thân đất người.

    Năm nay, năm thứ 40, của những ngày lang thang đi trên đất người. Chúng ta, người dân Việt tỵ nạn Cộng sản Việt Nam, như dân tộc Do Thái năm xưa, sau khi thoát khỏi ách độc tài đô hộ của Ai Cập, đã phải lang thang trong sa mạc 40 năm để tìm vùng đất hứa, mãi sau nầy mới tìm được đất Israël. Ngày nào chúng ta chưa trở về Sài gòn Tự do thì chúng ta cũng như dân Israël vẫn còn chưa đến vùng đất hưa Tự do.

    Vậy thì chúng ta như dân Do Thái trước khi về lại Israël vẫn chúc nhau: «Hẹn năm tới ở Jérusalem!», chúng ta cũng cùng nhau «Hẹn năm tới ở Sài gòn!»

    Và cùng nhau, chúng ta một nhóm đồng hành, mang cùng toàn dân tộc Việt, toàn dân tộc Việt Tử Tế, mãi mãi niềm Uất hận cùng ngày Quốc hận (Vốn gốc Nam kỳ, Uất Hận và Quốc Hận chúng tôi phát âm như nhau) cho đến Ngày có Tự do!

    Thật là, của riêng là của chung, niềm đau cá nhơn, nỗi đau tất cả !




    2/ Lý lịch người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại hải ngoại:

    Chúng tôi cũng xin nói rõ rằng chúng tôi không chỉ trích, không chống đối, phản kháng tất cả những quan điểm hay lập trường khác.

    Định nghĩa lý lịch từ « chúng ta » dùng trong bài viết :

     «Chúng ta» là một số đông những người gốc Việt đang sống tại Hải ngoại, khi nhập cư nơi quê người với lý lịch tỵ nạn chánh trị, và đa số nay đã là công dân quốc tịch của xứ sở trú ngụ.
     « Chúng ta » nhứt định là không phải là những Việt Kiều tức là kiều dân của xứ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, hiện đang tạm trú (có thể thường trú) tại hải ngoại vì công tác ngoại giao, nghiệp vụ hay công tác ngoại thương hay tập sự du học hoặc đi du lịch.

    Tóm lại, « Chúng ta » tuy có gốc gác, huyết thống, chủng tộc, dân tộc, văn hóa truyền thống Việt, thuần chủng cha mẹ cùng người gốc Việt hay lai huyết thống Việt có cha, tên Việt, hay có mẹ, tên người bản xứ. Nhưng không phải là người (quốc tịch - công dân) Việt Nam (với thông hành CHXHCN Việt Nam với các chiếu khán xuất cảnh Vìệt Nam và nhập cảnh nước nhập cư).

    Chúng tôi người viết, hoàn toàn không phản đối những lý luận hay phản bác những ý kiến hay quan điểm của những người muốn nhờ các Chánh phủ bản xứ chủ nhà ngoại nhơn (hiện nay chỉ có Mỹ và Canada) - mặc dù chúng tôi luôn luôn trân trọng, ơn cao nghĩa nặng, lòng nhơn đạo cao quý của những chánh phủ chủ nhà đã cưu mang người gốc Việt tỵ nạn từ 40 năm nay, và đang cho người mình, người Việt tỵ nạn Cộng sản ở đậu và hội nhập - biến ngày 30 tháng Tư đau buồn, đen tối, uất hận, của dân tộc Việt Nam ta, thành một ngày kỷ niệm, trọng đại, sáng sủa, sáng giá (?) cho cuốn lịch ngoại nhơn. Vì lịch ngoại nhơn không thể gọi một ngày hành chánh, là Ngày Đen hay Ngày Buồn hay Ngày Hận, vì quá tiêu cực, nên họ phải đề nghị gọi là Ngày Việt Nam Cộng Hòa hay Ngày Thuyền Nhơn hay Ngày Hành Trình đi tìm Tự do cho có vẽ tích cực, hồ hởi phấn khởi nói kiểu Việt Cộng hay positive attitude nói kiểu Mỹ.

    Xin cám ơn tất cả những hảo ý đó. Nhưng nếu quý vị biến Ngày Tang Chung của toàn dân Việt chúng ta thành một ngày lễ tầm thường như một ngày kỷ niệm khác thì quá phũ phàng cho chúng ta! Chúng ta đã mất mát quá nhiều, nay chỉ còn một Ngày Tang chung để Khóc, mà quý vị cũng sung công luôn, xóa bỏ luôn, thì chúng ta mất tất cả, quá khứ, kỷ vật, lý lịch, mất cả cội nguồn gốc gác! Ngày nay, chúng ta, người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản ở hải ngoại chỉ còn lá cờ vàng ba sọc đỏ, biểu tượng của Việt Nam hải ngoại Tự do không biên giới và Ngày Quốc Hận để làm dấu mốc đổi đời. Có một cuộc đời trước 30 tháng Tư 1975, và có một cuộc đời sau ngày ấy. Không so sánh đoạn nào, cuộc đời nào, trước hay sau ngon, hay dở, chỉ biết từ nay, ở mỗi chúng ta hai cuộc đời, hai hình ảnh, hai cuộc sống. Vì vậy, chúng tôi không cần Ngày 30 tháng Tư của Người Việt Tỵ nạn Cộng sản Việt Nam chúng ta được cầu chứng tại Toà (marque déposée – Trade mark)!

    Nếu gọi là «Ngày Hành Trình đi tìm Tự do», thì mỹ từ ấy, tên đẹp ấy ẩn ý gì? Để nói lên một kỷ niệm? Hay để nói xin tha thứ? Hay để trân trọng nói tiếng xin lỗi hay nói tiếng «Sorry» « vì người Mỹ chúng tôi đã bỏ rơi các anh»? Hay thì thầm an ủi rằng «Người Mỹ (cũng) thương Việt Nam Cộng Hòa! (lắm, lắm !)’’, Hay chắt lưỡi tội nghiệp «Tội Nghiệp Thuyền Nhơn Việt Nam» quá ! … Nếu như vậy thì thật là tất cả đều là giả dối, giả nhơn giả nghĩa! Tất cả chỉ là những giọt lệ cá sấu!

    Vì, tại sao «Thuyền Nhơn Cu Ba» thiếu chi? Biển Ca-ri-Bê cũng đầy xác người Trung Mỹ, …Cu Ba, Porto Rico, Haiti, …Không tội nghiệp sao? Biển Địa Trung Hải ngày nay thiếu chi Thuyền Nhơn? Không tội nghiệp sao? Sao không có Ngày Syrie? Ngày Crimée? Hay Ngày Tây Tạng? Cuộc «Hành trình đi tìm Tự do» của người dân Tây Tạng vượt Hy Mã Lạp Sơn đầy tuyết giá năm 1959 đáng nói lắm chứ! Ấn độ còn cho Tây Tạng và Ngài Đạt Lai Lạt Ma cả một thành phố, một đại bản doanh, một vùng đất để tạo một giang sơn nho nhỏ cho Chánh phủ Tây Tạng Tự do. Nhưng người Tây tạng không xin chánh phủ Ấn độ cho một Ngày kỷ niệm cuộc Hành Trình người Tây tạng đi tìm Tự do!

    Còn nếu nói phải vinh danh, hay phải kỷ niệm bằng gọi ngày 30 tháng Tư là «Ngày Hành Trình đi tìm Tự do»? Thì thử hỏi: Ngày ấy của ai? Cho ai? Của riêng người Việt tỵ nạn Cộng sản ta? Cho tất cả người Việt di cư tỵ nạn ta? Người Việt tỵ nạn Cộng Sản đã tạm trú tại một xứ Tự do, nhưng đã tìm lại được, thấy lại được Tự do cho Việt Nam, quê hương mình gốc mình chưa?

    Cám ơn dân chúng Canada đã cưu mang, cám ơn dân chúng Mỹ đã cưu mang dân tộc chúng tôi. Nhưng chúng tôi trước đây, trước ngày 30 tháng Tư năm 1975, đâu có thiếu Tự do, chúng tôi đã có Tự do rồi, chúng tôi biết quý Tự do, chúng tôi sẳn sàng chết để bảo vệ Tự do mà!... Nhưng tại sao chúng tôi người Việt Nam phải (hành trình) đi tìm Tự do? Và chỉ sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 thôi! Tại sao ngày ấy? Từ đâu nên nỗi? Chúng tôi suốt 20 năm đã biết sống trong Tự do. Một Tự do nhỏ xíu hè! Và rất mong manh! Vì vậy thật đáng quý! Tự do thật đấy, và vì thế, chúng tôi phải đổ máu để giữ. Và suốt thời gian lúc chiến tranh, trong vòng 20 năm, chúng tôi đâu có «vượt biên đi tìm Tự do»? Trái lại, nếu có phải đi công vụ xa nhà, xong việc chúng tôi trở về.

    Một thí dụ nhỏ: bổn nhơn người viết, và cũng của rất nhiều bạn bè cùng lứa tuổi, cùng chung trường hợp du học sanh, khi tốt nghiệp, đa số chúng tôi đều trở về phục vụ Việt Nam Cộng Hòa. Du học sanh vào tuổi thanh niên, thoát quân dịch, tốt nghiệp xong, cá nhơn tôi vẫn trở về, dù với cô vợ người bản xứ Pháp, tôi có thể dễ dàng ở lại lập nghiệp ở Pháp. Với 10 năm sống ở ngoại quốc, bằng cấp quốc gia Pháp, gia cảnh vợ người Pháp, công ăn việc làm cũng ở Pháp, có đủ điều kiện nhập quốc tịch người, sống ăn đời ở kiếp xứ Tây.

    Nhưng chúng tôi trở về, đem cả gia đình (vợ Pháp, con quốc tịch Pháp) trở về sống và làm việc ở Sàigòn, để phục vụ đất nước Tự do của Sài gòn. Và để được giữ cái giá của Tự do của đất nước mà chúng tôi tự do lựa chọn phục vụ và sanh sống, chúng tôi dù còn trong thời gian hoãn dịch vì du học sanh trở về, vẫn tình nguyện nhập ngũ để được hợp lệ tình trạng quân dịch. Cho đến ngày phe ta tan hàng, bổn nhơn là quân nhơn được biệt phái phục vụ ngành giáo chức Việt Nam Cộng Hòa. Nghề tư chức chỉ là nghề tay trái để kiếm thêm cơm.

    Ngày 30 tháng Tư năm1975, vì đồng minh Huê kỳ hứa tiều, hứa wảng, hứa cuội, phản thùng, bỏ cuộc nửa chừng, cúp viện trợ quân sự, nên Việt Nam Cộng Hòa đành phải thua trận. Và toàn thể chúng ta, công dân Việt Nam Cộng Hòa, toàn thể người dân người miền Nam Việt Nam đều đi tù Cộng sản, người thường dân vô tội và gia đình quân cán chính của phía miền Nam ta thì ở tù lớn, còn quân cán chính phe ta đều đi tù nhỏ. Con trẻ, nam hay nữ chưa được thành niên phải lao động công trường, từ đấy thất học, lớn một tý thì Thanh Niên Xung Phong làm mồi cho đỉa ruộng, muổi rừng, sốt rét, còn đã trưởng thành rủi đã làm quân cán phe miền Nam, thì lao động cải tạo múa mùa lệ thủy, mút chỉ cà tha. Cả miền Nam Việt Nam chúng ta thua trận đều phải bị phạt, đi phải tù, phải mất nhà, mất cửa, bị đuổi khỏi thành phố, đi lao động cuốc đất, đào mương, làm rẩy, đi đày lên rừng thiên nước độc, đi khai quang khẩn ấp, dưới mỹ từ di cư đi vùng Kinh tế mới, chỉ vì chúng ta là người của xứ Tự do, chỉ vì chúng ta ở phía, chỉ vì chúng ta ở phe Tự do, và cuối cùng cũng vì Tự do bị tước đoạt luôn cả Tự do. Cũng vì Tự do bị sang đoạt, nên chúng ta đành phải bỏ nước ra đi lánh nạn Cộng sản, dũng cảm, liều mạng, vượt biên đi «vùng Kinh tế mới»…tìm lại Tự do ở nước ngoài. Và ngày nay, cũng vì nạn Cộng sản, vì không muốn sống trong không khí Tự do đã bị tước đoạt, nên chúng ta phải sống tỵ nạn Cộng sản nơi đất khách, nơi tuy có Tự do, nhưng chúng ta phải lê kiếp sống lang thang tha hương cầu thực từ 40 năm nay.

    Vì những lẽ ấy, thiển nghĩ:

    Ngày 30 tháng Tư không thể là ngày đi tìm Tự do của tôi, mà là ngày Cộng sản chiếm nước ! Và vì uất hận, tôi bắt buộc phải đi tỵ nạn Cộng sản thôi !

    Ngày đi tìm Tự do của bổn nhơn là ngày 15 tháng 8 năm 1971, ngày gia đình nhỏ của tôi trở về Sài gòn sau 10 năm du học để phục vụ một quê hương đang chiến đấu để giữ Tự do, và cũng để đóng góp với toàn dân cùng bảo vệ cái Tự do của quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, Tự Do Nhân Bản Dân Chủ. (Xin hãy chú ý giùm, chúng tôi gọi Việt Nam Cộng Hòa là một nước, một quốc gia, chứ tôi không gọi là một chế độ hay một chánh thể). Vì vậy tôi là người Việt của Quốc Gia Việt Nam.

    Nhưng thưa, nếu tất cả quý anh quý chị, đều cho rằng «Nhờ có ngày 30 Tháng Tư, mới có Hành Trình đi tìm Tự Do cho người Việt», thì xin cứ tự nhiên, Vì thiển nghĩ, quý anh chị, ngày nay, có cái lý của quý anh quý chị. Quý anh quý chị sống nhờ có Tự do nơi xứ người, sống ngon lành hơn thời ở quê nhà. Nếu đối với quý anh quý chị, chỉ có ngày nay quý anh quý chị mới có Tự do, xin quý anh chị cứ tự nhiên quảng bá cái không khí thoải mái Tự do ở xứ người ấy. Đấy là quyền của quý anh quý chị. Nhưng quý anh quý chị, trước khi cám ơn chánh phủ Canada, nhớ cám ơn Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thể, vì nhờ nó cướp nước mình nên gia đình quý anh chị mới chạy giặc vượt biên nên mới được Tự do như ngày nay!

    Nhưng đối một số anh em chúng tôi, chúng tôi xin từ chối cái Ngày Hành Trình do Chánh phủ Canada tặng cho. Không dám nhận! Xin cám ơn, vì chúng tôi đã hưởng được Tự do rồi. Và nếu nhận, chúng tôi chả lẽ khinh, và khi dễ cái Tự do của Việt Nam Cộng Hòa đã cho chúng tôi sao? Sao chúng tôi dám quá vô ơn bạc nghĩa với các cha chú bác anh em bạn bè chúng tôi đã đổ máu, bỏ xác để giữ cái Tự do cho Việt Nam Quốc Gia, cho Việt Nam Cộng Hòa, cho miền Nam Việt Nam trong vòng 20 năm. Tội nghiệp cho các cựu quân nhơn, các góa phụ các cô nhi, các nạn nhơn đã bỏ thây, trên đường vượt biên của Việt Nam Cộng Hòa!

    Có thể khi ở quê nhà, tụi tui nghèo hơn bây giờ, cực hơn bây giờ. Con cái chúng tôi lúc ấy có thể ngu hơn bây giờ, nhưng chúng cũng có cái Tự do của chúng tôi. Cái Tự do ấy, chúng tôi không cắt nghĩa được, nhưng chúng tôi đã hưởng trọn vẹn, nay phải mang ơn cái Tự do ấy ! Chúng tôi đã sống rất thoải mái, với cái Tự do đầy tánh dân tộc Việt ấy, với cái thoải mái của toàn người dân miền Nam Việt Nam, với cả nước Việt Nam Cộng Hòa. Tự do trong tình Việt tộc với nhau, với tình đồng hương, với nghĩa đồng bào!

    Các anh các chị có quyền hãnh diện thành tích đề nghị Chánh phủ Canada lấy một ngày trong lịch Canada làm một ngày kỷ niệm gọi là «Ngày Hành Trình đi tìm Tự do tặng dân tỵ nạn gốc Việt, đúng với truyền thống Thiên chúa giáo Âu Mỹ, nâng đở và cưu mang người tỵ nạn trên thế giới. Và các anh các chị cũng có quyền hãnh diện có tài năng thuyết phục, lôi kéo được các quan chức Canada! Từ nay Canada có nghĩa là Tự do, đến đích rồi! Xin các anh, các chị hưởng lấy thành tích chánh trị ấy! Xin mừng cho các anh các chị! Congratulations!

    Nhưng cám ơn các anh các chị, hãy xin quên dùm chúng tôi đi! Đừng rủ chúng tôi! Và chúng tôi xin van quý anh, quý chị, nghĩ tình quen biết, cũng đừng nhơn danh toàn người dân Việt Hải ngoại tỵ nạn Công sản tụi tui ! Tội nghiệp tụi tui lắm, quý anh chị có lẽ bỏ nước đi trước, nên chắc không biết rõ Việt Cộng.

    Chứ dám tụi nầy, rành sáu câu lắm! Toàn là dân ở tù Cộng sản! Đứa dở lắm cũng dỡ nguyên một cuốn lịch!

    Đấy là giá rẽ đấy, chỉ vì tội vượt biên thôi. Còn số đông dân xấu số, bị đi «du lịch» thăm viếng tất cả các trại tù từ Nam đến Bắc, từ Đại Lợi Sài gòn đến Nam Hà Bắc Việt, dỡ cũng vài cuốn lịch.

    Và nếu có ai có thích làm Ngày Kỷ Niệm Vượt Biên, nếu có thể, xin đừng lấy ngày 30 tháng Tư, xin tha cho cái Ngày Khốn Nạn Đầy Tội Nghiệp ấy ! Đở cho tụi tui khỏi buồn, khỏi tủi thân, tuổi trên thất thập, sắp chết trên quê người rồi mà còn bị hất hủi!

    Quý vị ráng nhớ xem, những hình ảnh hãi hùng ngày 30 tháng Tư năm 1975, chiến bào, quân trang, vũ khí quân ta thất trận vứt ngổn ngang đầy đường, dân chúng hôi của các nhà bỏ trống, xác Đại Tá Long bên khi đường trước cửa Hạ Viện, cổng Dinh Độc Lập bị ủi sập… ấy là tôi chỉ nói Sài gòn, ấy là chỉ nói khu vực cá nhơn chúng tôi biết và nhìn thấy… còn những khu khác, vùng khác…như khu vực trước những cổng trại binh sĩ ta, nghe nói có giao tranh lớn, thỉnh thoảng có xác của địch quân Việt Cộng nằm co bên vệ đường, nghe nói có những anh em quân nhơn Việt Nam Cộng Hòa, ôm nhau cùng mở chốt lựu đạn tử tiết anh hùng. Làm sao quên được những hình ảnh ấy? Quý vị quên sao các vị Tướng anh hùng của ta đã tuẩn tiết?

    Quý vị quên sao được những ngày tháng trước, suốt tháng ba? Suốt tháng Tư? Quý vị có thể không thích, không muốn nghe những thành tích quân sự, đấu tranh giết chóc, vì ngày nay ra sống với người Âu Mỹ lâu năm, đâm ghét chiến tranh, ghét giết chóc, hận thù, nhưng xin quý vị lấy bình tâm một phút nhớ lại những làn sóng người thường dân lánh nạn, chạy giặc Việt Cộng! Hàng ngàn người thường dân vô tội, bị pháo địch giết hại trên đường tỵ nạn ra sao? Quên sao đường tỵ nạn số 19 từ An Khê tiến về biển Đông? Người chết như rạ vì pháo địch? Thế mà quý vị đành lòng gọi là Hành trình đi tìm Tự Do được sao? Vượt cầu Sông Ba bao người chết? Và Huế? Và Đà Nẳng? Và Nha Trang?... Phải, hãy gọi đấy là cuộc Bỏ Phiếu bằng chưn, hay Cuộc Lánh Nạn Cộng Sản, hay Cuộc Tỵ Nạn! Vì khi là thường dân bỏ Tây Nguyên đi lánh nạn Công Sản tiến về phía Đông, hay bỏ Huế tiến về Nam chỉ để tìm … phe Tự Do ta…đó thôi! Tự Do lúc ấy là Sài gòn, là miền Tây vùng Bốn, là đồng bằng Sông Cửu Long còn yên lành hiền hòa và cỏn …Tự Do. Tất cả người dân miền Nam lúc ấy, đi tìm Tự Do, đi tìm Yên Lành, Lánh Nạn, Tỵ Nạn tránh quân Giải Phóng tước đoạt Tự Do của chúng ta trong những vùng đất nước quê hương của chúng ta. Dân chúng miền Nam Việt Nam Tự Do của chúng ta không thể quên cuộc tàn sát người dân vô tội tại thành phố Huế của Tết Mậu Thân năm xưa. Dân chúng miền Nam chấp nhận, chết vì pháo kích, chết trên ven rừng, ven bụi, ngoài biển cả, chớ không để Việt Cộng đập đầu hay chôn sống ! Vì vậy Uất Hận, vì vậy Quốc Hận!

    Nếu muốn nói kỷ niệm «Hành Trình đi tìm Tự Do», nếu nói riêng cho năm 1975 là năm kết thúc cuộc Hành trình 20 năm giữ nước, giữ Tự Do của Việt Nam Cộng Hòa, thì ta có thể nên bắt đầu bằng Ngày mất Ban Mê Thuột 10 tháng Ba 1975? Hay Ngày mất Huế 30 tháng Ba? Còn nếu chỉ để đánh dấu kỷ niệm những ngày dân chúng Việt Nam ùn ùn chạy lánh nạn Cộng sản? Cuộc Hành Trình đi tìm Tự Do có thể bắt đầu từ năm 1954, khi 1 triệu người miền Bắc bỏ xứ vào Nam để tìm Tự Do. Ngày Hành Trình có thể là Ngày 20 tháng Bảy?

    Nhưng tại sao không lấy ngày 1 tháng 05? Nầy nhé, Việt Cộng chiếm Nam Việt Nam ngày 30 tháng 4, qua ngày 1 tháng 5 quân dân cán chánh phe ta bắt đầu vượt biên. Lấy ngày 1 tháng 05 là ổn thoả nhứt.

    Còn nếu khư khư giữ ngày 30 tháng Tư để làm Ngày Hành Trình đi tìm Tự Do, thì tội nghiệp cái đám «cựu dân Miền Nam» tụi tui lắm! Thằng tui đây, chỉ là lính 9 tuần, giáo chức hạng chót, tư chức hạng quèn, nên sơ sơ chỉ biết tý tý nhà tù Phan Đăng Lưu, trại T20, lao công chiến trường, theo sư đoàn Gia định giải phóng Cam Bu Chia sau Tết 1979, lao công cực khổ, dọc đường số 1 Sài gòn lên đến phà Nek Luong, cũng dỡ gần hết 4 cuốn lịch, mất trên chục kilô, liệt đi một giò. Còn hầu như một số đông anh em dân ka ki hay dân hành chánh thứ thiệt, đều nếm mùi Lý Bá Sơ hãi hùng, Nam Hà khốn nạn hay Cổng Trời rùng rợn! Vậy thì, thử hỏi ngày 30 tháng tư là ngày tụi tui đi «Hành Trình đi tìm Tự do» ở đâu?

    Và cũng xin các anh các chị cũng đừng vội vàng kê tủ đứng chụp mũ chúng tôi, vì viện cớ, thừa nước đục, rằng Việt Cộng cũng phản đối «Ngày Hành Trình tìm Tự do», (của quý vị), nên quý vị nhét chúng tôi nhập bọn Việt Cộng, cá bè một lứa, chụp cho chúng tôi một cái nón cối, một đôi dép râu … thì kẹt tụi tui quá! Cả đời chống nón cối, mà trên 70 tuổi lại đội nón cối, thiệt tình hổng giống ai ! Thôi xin các anh cho phép chúng tôi giữ cái niềm Uất Hận cùng cái tên Quốc Hận, phát âm chung là Wất Hận ! Đúng giọng Nam kỳ, cho dzui cửa dzui nhà, đề huề phe miền Nam mình (có cả Bắc kỳ Di Cư 54) !




    3/ Ngày 30 tháng Tư,
    Uất Hận cá nhơn,
    Quốc Hận Cả Nước:


    Từ ngữ «Nước» ở đây, chúng tôi chỉ xin hạn chế trong phạm vi nhỏ một nước Việt trừu tượng, không biên giới, không chánh phủ, không thể chế, không quốc gia nhưng cùng dân tộc, nước Việt Nam hải ngoại của người Việt Hải ngoại tỵ nạn Cộng sản, phần đông là cựu công dân nước Việt Nam Cộng Hòa. Nước Việt hải ngoại chúng tôi gồm nhiều cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng sản trú ngụ trên nhiều quốc gia trên thế giới.

    Còn có những cộng đồng người Việt sống ở hải ngoại khác gốc gác với gốc cựu công dân Việt Nam Cộng Hòa Tỵ Nạn Cộng Sản chúng tôi. Họ có thể tỵ nạn chánh trị (bất đồng ý kiến) hay tỵ nạn kinh tế.

    Ngoài những người Việt Kiều là công dân của nước Việt Nam Cộng Sản, như đã định nghĩa rõ ràng ờ phần bài trên: ở hải ngoại cũng có những người Việt gốc công dân hay cựu công dân của Nhà nước Cộng sản Việt Nam, tỵ nạn kinh tế hay tỵ nạn chánh trị vì hoặc bất mãn, bất đồng ý kiến, hay không sống nổi với nguồn kinh tế ở Việt Nam ngày nay. Cũng có những cá nhơn có thể chống hẳn, ly khai, đấu tranh đối lập với Đảng Cộng Sản hay Nhà Nước Cộng sản vì lý do quyền lợi cá nhơn, hay quyền lợi tập thể. Chúng tôi kính trọng tất cả, nhưng chúng tôi không dám rủ rê kéo họ họp vào cái nỗi đau Quốc Hận của chúng tôi, cũng như kéo họ vào đứng chung với lá cờ vàng ba sọc đỏ của chúng tôi.

    Với 40 năm cầm quyền đất nước Việt Nam, Đảng Cộng sản đã thống nhứt về phương diện địa dư, nhờ chiếm đất cướp nhà, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam chưa hoàn thoàn thống nhứt lòng dân, và cũng gây nhiều uất hận, tạo nhiều bất bình. Trước, đối với người dân cư ngụ ở cựu miền Nam, cựu công dân Việt Nam Cộng Hòa đã đành, nhưng đối với công dân thứ thiệt của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì ôi thôi cũng lắm chuyện bất bình. Thời thế nhiểu nhương, cháy nhà ra mặt chuột, sự thật dấu đầu lòi đuôi, ngày nay, lòi mặt láo khoét, mỵ dân, gạt dân, nên tạo ra nhiều thành phần bất bình, chống đối. Một loạt phong trào chống đối, phản đối bắt đầu chỉ vài năm sau hết chiến tranh, im tiếng súng và ngay trong lòng thành phần giai cấp cán bộ cầm quyền. Bắt đầu là những «cá nhơn» biến qua phong trào nào «phản tỉnh», nào là «tỉnh ngộ», rồi «ly khai», ấy là nói đến cán bộ, đảng viên, hay cựu đảng viên, tuy đã về hưu hay sắp về hưu; rồi đến «bất mãn»
    lan rộng đến thành phần các cảm tình viên, một thời nuôi cách mạng nay thất vọng, hoặc thành phần nông dân mơ được «làm chủ đất» nay bị «Nhà nước gọi là cách mạng cướp đất» tạo nên các phong trào «dân oan khiếu kiện»! Rồi ngày nay nhờ khoa học tin học, giấu tin không được, nói láo không thông, thế hệ trẻ đọc tin, học hỏi nước ngoài, biết thế nào là Tự do, thế nào là Dân chủ, thế nào là Nhơn quyền, đòi « cởi mở », vì không được nên thế hệ trẻ bất mãn, đấu tranh người «Dân chủ» kẻ đòi «các quyền Tự do», qua các mạng lưới tin học, tạo nên «phong trào bloggers»…Tóm lại đây là một cuộc Hành Trình tìm Tự Do tại chổ bắt đầu, tại quốc nội.

    Một cuộc Hành Trinh đi tìm Tự Do khác cũng đang bắt đầu thành hình. Đây là cuộc Hành Trình trốn chạy kinh tế, một loại Vượt Biên Mới với tánh cách Kinh tế, bắt đầu do «dân xuất khẩu lao động» trước 1975 gốc Việt Nam Dân Chủ Công Hoà, hay sau nầy gốc Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa trốn ở lại nước ngoài, phần đông ở Đông Âu, các quốc gia cựu khối Cộng sản Đông Âu hoặc do dân đi công vụ xong trốn ở lại, vờ xin tỵ nạn chánh trị không về, cũng có những thành phần khác với những lý do khác, nào là du học sanh tốt nghiệp có việc làm, cũng ở lại không về. Nhưng phương cách hiện hành do thành phần quan chức Cộng sản đương nhiệm gởi con đi du học, phần đông còn trẻ vị thành niên, gởi gia đình người thân theo để săn sóc, và từ từ tẩu tán tài sản ra ngoại quốc ra, và cuối cùng bỏ xứ di cư, xin nhập cư bằng đầu tư (tùy quốc gia giá từ 500 ngàn đến 1 triệu dollars) hạ cánh an toàn. Họ thuộc thành phần gia tộc giai cấp đương quyền, cán bộ đảng
    viên Đảng Cộng sản, nhờ tham nhũng nên giàu có, chuyển tiền di cư trú ngụ đất người !

    Bốn mươi năm cầm quyền, Đảng Cộng sản đã làm xáo trộn đất nước, xáo trộn tình người, tạo nền văn hóa hổn độn, đất nước hổn độn, dân tình ta thán. Trong nước hồ lốn, nhưng Nhà đương quyền không lo chỉnh đốn trái lại, như một con bạch tuột, Đảng Cộng sản lại thò những vòi ra đến tận hài ngoại để xáo trộn các cộng đồng người Việt tỵ nạn. Cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản, từ nay vì vậy lẫn lộn vàng thau, cộng trừ nhơn chia, chẳng còn biết ai gốc gác thiên về ai thuộc phe Tự do, hay ai thuộc gốc Ngụy quyền Cộng sản?




    Kết Luận:

    «Ngày Hành Trình đi tìm Tự Do» không phải do ngoại nhơn hay người Việt hải ngoại ban cho mà do chính bổn thân toàn thể nhơn dân Việt Nam.

    Đề nghị:

    Để quý anh quý chị thấy chúng tôi không có hồ đồ chống đề nghị đổi ngày của quý vị, và chúng tôi nhận định rõ ràng phải trái, chúng tôi có lời cám ơn quý anh quý chị đã nêu cho chúng tôi thấy cái ý niệm của «Hành Trình đi tìm Tự Do». Chúng tôi đề nghị nên áp dụng ý niệm đó cho tất cả cuộc đấu tranh trong nước. Từ các phong trào «Đòi Nhơn quyền, đòi Dân chủ, đòi Tự do Tôn giáo» qua đến các cuộc biểu tình «Trường sa, Hoàng sa - Đả đảo Tàu Cộng» hay «Dân Oan Khiếu Kiện», đến các «Phong Trào Bloggers», các bài viết đòi Dân Chủ, và nay «Phong trào Tôi không thích Đảng Cộng sản” … tất cả đều là những chặng đường trong cuộc Hành Trình đi tìm Tự do đó.

    Vì vậy, chúng ta phải trân trọng tất cả những chặng đường đã qua của «Cuộc Hành Trình đi tìm Tự Do». Ta đừng quên «Cuộc Hành trình» đã bắt đầu bằng những đấu tranh ngay từ những ngày đầu phe ta mất nước và nay đang tiếp tục tiếp diễn trong nước, mỗi người một vẻ, tùy giai đoạn, tùy trường hợp, tùy thời cơ ... Từ những Phong trào Phục Quốc, Vinh Sơn những năm 1976/77, đến các anh hùng Trần Văn Bá và các chiến hữu anh em đã bỏ mình, tù tội, những năm 80, qua đến các cựu cán bộ đảng viên Cộng Sản phản tỉnh, các nhà đấu tranh đòi Dân Chủ, gốc hai miền Nam Bắc, các nhà đấu tranh đòi Tự do Ngôn luận, Tự do tôn giáo với linh mục Nguyễn Văn Lý, đến các bloggers, các nhà đấu tranh chống nạn Hán Hóa … Cuộc Hành trình thoạt đầu đi chậm, lẻ tẻ, cá nhơn, bí mật, dần dần đang chuyển thành công khai, đầy sáng tạo, tạo một sức mạnh chung, tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc, rồi đây sẽ là một giòng thác lũ cuốn lủ độc tài!

    Hãy vững tin, hãy nhẫn nại, tiếp tục ủng hộ các nhà đấu tranh, tiếp tục đấu tranh, mỗi người một tay, một kiểu, ồn ào hay lặng lẽ, chờ mong và tin tưởng ngày mai, một ngày mai rất gần, cuộc «Hành trình đi tìm Tự Do» của cả nước thành công, lật đổ Đảng Cộng sản cầm quyền, lấy lại quyền Tự quyết, tìm lại được Tự do. Lúc ấy toàn thể người Việt Tỵ nạn Cộng sản chúng ta ở hải ngoại sẽ nhập giòng «Hành trình Tự do» ấy, trở về cùng cả Nước, cùng cả Dân Tộc, xây dựng lại Non Sông.

    Lúc ấy toàn dân tộc Việt Nam chúng ta vinh danh một ngày, lựa một Ngày trong lịch Việt Nam làm «Ngày Hành Trình Đi Tìm Tự Do» cũng sẽ không muộn. Và chắc chắn sẽ vinh quang hơn, vì quyết định chung của cả Nước, cho cả Nước ! Vì là đây là cuộc «Hành trình đi tìm Tự Do» của cả một dân tộc Việt Nam Tử Tế để xây dựng một đất nước Việt Nam Tử Tế góp mặt với thế giới.

    Mong Lắm !

    Hẹn nhau tại Sài gòn!!
    À Saïgon bientôt!
    See You soon in Saigon!



    Hồi Nhơn Sơn, Mùa Chay Hải Ngoại thứ 40
    Phan Văn Song




    https://huongduongtxd.com/tamthu_phanvansong.pdf
Trả lời

Quay về “Tưởng niệm ngày Quốc Hận 30/04/1975”