Đi chùa ngày Tết
Đã gửi: Thứ sáu 10/12/21 11:57
-
Đi chùa ngày Tết
_____________________
Nguyễn Đình Phượng Uyển _ 29/1/20
Dặn con gái đi chợ mua bánh trái về cúng giao thừa. Chị “Dạ” to lắm, hết sức hào hứng.
Về đến nhà, thấy chị bày trên bàn túi lớn túi bé. Hai quả Dừa đã gọt vỏ xanh còn lại lớp xơ trắng phau, bọc ni lông mỏng, trong vắt. Hai quả Đu Đủ chín vàng. Ba quả Xoài to, thơm phức. “ Không có bán Mãng Cầu, mẹ” Con tôi rành gớm, đủ bộ cúng bái. “Mua Vải cũng được.” “Có. Con mua rồi” Chị còn mua Vải loại đẹp để cúng, loại xâu xấu, rẻ tiền ăn ngay.
“Bánh Chưng mắc quá , con mua hai cặp bánh Tét. Một cặp chay để cúng Phật, cặp mặn cúng giao thừa”. Chu đáo thế ! Quả Dưa Hấu mua từ ba bữa trước, chưa xẻ, đem ra cúng luôn. Con gái còn mua hai bó hoa Cúc, một vàng , một đỏ bầm. Thế là bàn thờ năm nay xôm tụ quá xá.
*
Như mọi năm, con cái đi đánh trống múa lân, chín giờ tối tôi đã bày bàn thờ …. “giao thừa” - giờ này mà “giao” cái gì? – ra thắp nhang lễ bái. Lòng có chút áy náy. Chả nhẽ khấn “ Xin lỗi các cụ, con phải dẫn lũ trẻ lên chùa múa lân. Đúng mười hai giờ, các cụ bay về nhà con thì cỗ đã lạnh, nhang đã tàn ...Các cụ thông cảm...” Tổ tiên mà đọc được suy nghĩ của mình, chắc sẽ “chưởng” cho vài phát.
Chùa và dãy nhà quanh đấy cúp điện tối om. Chuyện hy hữu. Thợ thuyền, xe cẩu tới sửa chữa. Mọi người mò mẫm trong bóng đêm. Lác đác vài ba ngọn nến đặt trên bàn thờ các vị thần linh, hắt ánh sáng mờ ảo trong sân chùa và trong chánh điện.
Quầy thức ăn bày sát cổng để bán cho khách đến viếng chùa. Bàn ghế có sẵn, bạt giăng phẳng phiu, che nắng che mưa cho thực khách muốn ăn tại chỗ. Muốn đem về thì mua những thứ để trong hộp nhựa. Cúp điện, không ai thấy hàng hóa, người bán nhanh nhẩu buông lời mời mọc.
Phòng ăn có trang bị máy phát điện. Tiếng ca sĩ hát cải lương, hát nhạc xuân …..hòa cùng tiếng ghi ta, tiếng orgue vọng lên tận sảnh chính.
*
Có điện. Đèn bật sáng.
Gọi con cái vào chụp với bố mẹ một tấm hình làm kỷ niệm, con nhăn nhó “Lân sắp múa rồi”. Nhìn đồng hồ, mới mười một rưỡi. Lạ !
Một tiếng hô, trống nổi dồn cùng với tiếng chập cheng đinh tai nhức óc. Mọi người túa ra ngoài hành lang. Lân vùng vẫy trong sân, leo cầu thang, lên chánh điện nhảy nhót xong lại phóng ra cổng.
Pháo nổ lốp bốp. Ba con Lân trườn mình, quấn vào nhau. Ông Địa chạy te tái dưới làn khói thơm. Dây pháo dài thế mà chỉ đốt được chừng một hai phút.
Tiếng kinh cầu ề à đón chào năm mới bắt đầu vọng ra. Tôi nhìn đồng hồ 11:45 phút.
Ủa ? Lân múa sớm đã đành, pháo phải nổ đúng 12 giờ hay ít nhất kinh cầu phải bắt đầu bằng giờ giao thừa chứ.
Hỏi, được nói làm sớm để mấy đứa trẻ múa Lân và Phật tử không về trễ quá, ồn ào sợ hàng xóm chung quanh phàn nàn.....Giờ giao thừa không còn mang ý nghĩa đặc biệt của nó nữa.
Chục năm trước nghe đồn ở chùa đó ...đó...đêm Ba Mươi, thường đốt dây pháo dài thật dài, vui lắm. Quê nhà cấm đốt pháo đã lâu, mình mới qua Úc, họ hàng không một ai, giao thừa đến chùa nghe pháo nổ, còn gì bằng?
Vợ chồng con cái tí tởn thắng bộ, nhắm chùa thẳng tiến. Tài xế phu quân cầm vô lăng chưa thuộc đường, GPS thời ấy còn nằm trong não mấy nhà khoa học, trời tối, mình nhìn bản đồ giấy chưa quen, í á, quẹo chỗ này, thẳng chỗ kia, quay đầu lại...mãi mới đến nơi.
Bãi đậu mênh mông hà địa, xe chen đông nghịt. Từ xa đã nghe tiếng nhạc nhọt, ca hát vọng ra. Đến gần thấy sân khấu to, chiếm gần hết mặt tiền chùa. Ca sĩ ăn mặc sang trọng, ren rủng, hở cổ hở ngực, môi son má phấn rực rỡ. Nghe đâu chùa mời cả ca sĩ thượng thặng về hát.
Trong chùa bán nhiều thức ăn bắt mắt. Ai đói cứ việc bỏ tiền ra mua. Mình đi từ tám chín giờ tối, chờ đến mười hai giờ đêm, phải dằn bụng món gì chứ, nhất là trẻ con, thức ăn bày trước mắt, sao bắt nó nhịn được.
Ăn xong, chúng tôi đi viếng chùa, ngồi nghe ca nhạc, chờ đến giờ hoàng đạo. Con nhà mình mới chín mười tuổi, ngáp ngắn ngáp dài nhưng vẫn ráng thức.
Dây pháo dài, uốn lên lượn xuống mấy vòng trước cổng chùa. Chuyên viên chất nổ được mời đến để chăng pháo và để...đốt, không phải như bên nhà, trẻ con người lớn, ai không sợ thì cứ việc quẹt diêm, dí vào phong pháo rồi chạy. Các chuyên viên này ngồi đằng xa, máy móc dây nhợ nhì nhằng...khi nào cần họ sẽ bấm nút là pháo được mồi lửa. Quanh dây pháo là hàng rào sắt ngăn chận khách khứa đến gần, phải có khoảng cách an toàn cho tất cả mọi người, tránh thương tích.
Mười một giờ hơn, mọi người nhốn nháo tìm một chỗ ngon ngon, gần rào chắn để xem cho rõ. Kém năm phút, cả đám đông chộn rộn, chen chúc giương mắt ra chỗ pháo giăng. Con tôi mỏi chân, ngồi thò mặt ra hàng rào sắt, chờ đợi. Tiếng gõ mõ tụng kinh khuếch tán qua mấy cái loa đặt trên sân khấu nghe rõ mồn một dù đứng ở xa tít.
Mười hai giờ. Trẻ con căng mắt. Mình nín thở. Mọi người nhìn chằm chằm vào chuyên viên chất nổ.
Mười hai giờ hai phút...bốn phút.....bảy phút....kinh kệ vẫn chưa dứt, pháo vẫn chưa nổ....
Mười lăm phút trôi qua.
Trẻ con mệt nhoài. Bộ áo dài khăn đóng của mấy anh chị nhí xộc xệch, lếch thếch, mồ hôi mồ kê nhễ nhại..... Tiếng trẻ râm ran “Sao kỳ vậy mẹ ? Bảo mười hai giờ đốt pháo mà.”, “ Bố ơi con buồn ngủ. Sao giờ này chưa đốt pháo ?”, “ Pháo đâu? Con chờ lâu lắm rồi.”, “ Con muốn về”....
Có ông bố phang “ Ráng chờ nửa tiếng nữa đi con.” Trẻ phụng phịu, nhăn nhó, ngáp chảy nước mắt.
Pháo nổ lúc mười hai giờ hai mươi. Chả còn ai thấy hứng thú. Con tôi nép mặt vào chân bố mẹ, oải, chỉ mong về nhà nhảy lên giường.
**
Khi tôi về Làng Báo Chí, năm 1972, đã thấy chùa Kỳ Quang xây dựng hoàn tất ở đầu đường An Phú, chỗ xa lộ quẹo vào. Cho đến thời điểm này, chùa vẫn nằm yên bình nơi ấy.
Chùa có tượng Phật Bà màu trắng đứng sừng sững ngoài sân. Từ đường cái nhìn vào đã thấy đầu Phật Bà to tướng, cao ngất, lấp ló sau mấy hàng cau xanh.
Sảnh chính có tượng Phật Thích Ca hiền hòa, vòng hào quang bằng điện phía sau đầu tỏa sáng quanh năm. Tượng khổng lồ chiếm nửa sảnh đường rộng. Hồi bé, bức tượng làm tôi sợ vì nó to quá. Có cái gì rất uy nghiêm từ ông Phật làm trẻ con không dám quấy phá, nghịch ngợm. Mắt ngài nhìn xuống như thấy hết mọi tội lỗi của trẻ, giấu không xong đâu. Tôi luôn lấm lét nhìn vào mặt Đức Phật, thắp nhang rồi nhanh chóng quay đi.
Chùa trở thành nơi tụ họp của dân làng mỗi ngày rằm và nhất là mùng Một Tết.
Đêm giao thừa, chùa vắng vì ai cũng phải về nhà lo họp mặt, cúng bái, đưa rước ông bà, đốt pháo.... Có lần thằng em mê bầu cua cá cọp, mười hai giờ năm phút mới chạy về đến cổng, mặt tái mét. Bố mẹ giận lắm, quắc mắt nhưng không la lối gì. Đã đến giờ kiêng kỵ, không ai nặng nhẹ, mắng mỏ con cái vào ngày Tết, sợ xui cả năm. Giờ phút này, ai còn ở ngoài đường tức là không có chỗ để về hoặc vạn bất đắc dĩ không về được, đáng thương !
Mọi nhà đều canh đúng mười hai giờ đêm để đốt pháo. Chùa càng phải chính xác hơn. Mình chỉ đón ông bà tổ tiên. Chùa phải đón thần thánh, Ông Thiện, Ông Ác, rồi bao nhiêu vong linh nương nhờ hương khói cửa Phật....Mấy vị này không “ thông cảm” cho thầy trụ trì đâu. Khuya, đốt pháo xong, nghe tiếng chuông chùa ngân nga từ xa, thấy đời sống sao mà thanh bình, sao mà mộc mạc dù thực tế không phải vậy.
Hôm sau, mùng Một, trước khi đi thăm họ hàng, chúng tôi ghé vào chùa dâng lễ đầu Xuân, nhân tiện chúc Tết hàng xóm láng giềng, những người cùng ghé đây viếng Phật.
Chùa mở rộng cửa đón khách thập phương, khói hương nghi ngút nhưng vẫn tĩnh lặng. Người ra kẻ vào gắng không gây tiếng động, tôn trọng không khí trang nghiêm, tôn trọng lòng thành kính người đến thắp nhang bàn thờ ngày Tết.
Xôi chè bày trên bàn khách, sư thầy, sư cô mời mọi người cứ tự nhiên dùng.
Thời gạo châu củi quế, lũ trẻ như tôi khoái ghé chùa vào ngày rằm để thưởng thức bữa cơm trưa miễn phí. Nào là cơm trắng, đậu hũ kho, rau xào, canh bí....Ăn xong còn có trái cây, chè tráng miệng.
Nghĩ xem, quanh năm suốt tháng cứ quất bo bo, mì sợi, cơm chùa như thế làm sao không cám dỗ? Tôi chả cần biết thầy trụ trì kiếm đâu ra tiền để thết đãi người làng và khách phương xa, tôi ráng ngồi khoanh chân, chắp tay nghiêm chỉnh đọc kinh, cốt để mọi người nghĩ mình thành kính cúng Phật chứ không phải mình đến đây để ăn, xong bài kinh, trẻ con, người lớn túa xuống phòng khách.... xí chỗ. “ Đồ chùa” mà !
Hồi đó còn có bài hát:
- “ Anh đưa em đi chùa”
“ Chùa hôm nay có chuối”
“Anh đưa em đi chùa”
“Chùa hôm nay có chè”
“Thầy chùa nhắm mắt đọc kinh”
“Chúng ta đua nhau sực chuối”
“Thầy chùa nhắm mắt đọc kinh”
“Chúng ta đua nhau sực chè”
Vậy, mình đói khát, thèm thuồng cứ việc ra chùa thọ chay, đâu có gì là xấu, là kỳ cục đâu. Chân lý của tôi đấy.
Vài lần tôi thấy thầy trụ trì xắn quần, xắn tay áo, cong lưng, bì bõm trồng lúa ngay thửa ruộng trước mặt chùa. Hóa ra thóc gạo chúng tôi ăn là từ đây... Vất vả thế mà lúc nào cũng thấy thầy tươi tỉnh, hiền hòa. Ở thầy toát ra sự đôn hậu, chân thành, an nhiên, tự tại.
Lâu lắm rồi con không về chùa, không biết thầy còn hay đã mất ? Chùa bây giờ có cho khách khứa đến thọ chay miễn phí như xưa? Cảnh chùa còn thanh tịnh, gió thổi tứ bề ? Nhớ hoài những lúc ngồi bệt xuống đất tụng kinh, sàn nhà được lau sạch sẽ, đít mát, chân cũng mát. Sau bài kinh, nghe thầy nhồi trống, cô thỉnh chuông, tưởng chừng như các vị Phật đang oai nghiêm bước khỏi đài sen, tiến dần ra cửa chánh điện rồi bay lên trời...
*
Hơn hai mươi năm Việt Nam cấm pháo. Chùa Kỳ Quang làm gì để đánh dấu thời khắc giao thừa, điểm giao thoa giữa năm cũ và năm mới? Bài kinh của thầy có bắt đầu vào đúng mười hai giờ đêm?
Ở phương xa, một mình không làm nổi cái Tết nên tôi đến chùa, nơi nhiều người Việt tụ họp, mong tìm lại chút phong tục tập quán, 'ôn cố tri tân'....
Cậy nhờ người khác. Họ cho thế nào, biết thế ấy. Đòi hỏi, ước ao chi cho mệt.
Năm sau có đi đón giao thừa trong chùa nữa không?
Con cái còn đánh trống cho đội Lân- Quan trọng lắm. Lân mà không trống còn thảm hơn ' Kỳ vô phong' – dù pháo có đốt trật giờ, Lân có múa sớm muộn...yên tâm, Tết, mẹ vẫn hồi hộp chờ con gióng trống.
https://luanhoan.net/gocchung2020/htm/bm%2020-5-29.htm
- “ Anh đưa em đi chùa”