Vũ khí của Pháp trong câu lạc bộ Mỹ Nga và Trung Quốc

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20228
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Vũ khí của Pháp trong câu lạc bộ Mỹ Nga và Trung Quốc

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Vũ khí của Pháp trong câu lạc bộ Mỹ Nga và Trung Quốc
    ____________________
    Thanh Hà _ 05/10/2021





    « Mất hai, gỡ lại được một » : Pháp mất hợp đồng tàu ngầm với Úc, bị Thụy Sĩ loại khỏi danh sách trang bị chiến đấu cơ đời mới nhưng lại giành được hợp đồng trang bị tàu khu trục cho Hy Lạp. Xuất khẩu trang thiết bị quân sự là lá chủ bài trong chiến lược của Paris, áp lực với ngành công nghiệp vũ khí của Pháp lại càng lớn.


    Là nguồn xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba trên thế giới, nhưng Pháp bị Nga và Mỹ bỏ lại xa phía sau. Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Stockholm – SIPRI trong báo cáo 2020 thẩm định
    • Pháp chiếm 8,2% thị phần quốc tế,
      Mỹ vẫn giữ thế áp đảo với 37% xuất khẩu trang thiết bị quân sự
      và Nga là 20%.
    Theo báo cáo của bộ Quân Lực Pháp trình lên Quốc Hội tháng 6/2021 về các hoạt động của ngành công nghiệp vũ khí, xuất khẩu trong năm 2020 giảm 41% so với hồi 2019.

    Báo cáo của bộ Quân Lực Pháp cho biết, trong giai đoạn 2011-2020, trong số 10 khách hàng lớn nhất của Pháp,
    • gồm 3 nước châu Á là Hàn Quốc, Singapore và Ấn Độ ;
    • 5 quốc gia tại Trung Cận Đông;
    • một điểm gây chú ý là Mỹ đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng này
    • và sau cùng, châu Âu từng bước trở thành thị trường mua vào đến gần 50% vũ khí xuất khẩu của Pháp.
    Dù vậy, Paris liên tiếp mất hai hợp đồng, một để bán chiến đấu cơ Rafale do tập đoàn Dassault chế tạo cho Thụy Sĩ và vố đau thứ nhì là bị mất hợp đồng tàu ngầm với Úc vào tháng trước, lại làm dấy lên tranh luận về khả năng cạnh tranh, về sự tồn tại của nền công nghiệp vũ khí của Pháp.

    Trên đài phát thanh France Culture, nhà nghiên cứu Lucie Béraud–Sudreau thuộc việc SIPRI gạt bỏ lập luận này và nhấn mạnh đến yếu tố « thời gian » khi nói về các thương vụ mua bán vũ khí :

    « Sự yếu kém trong năm 2020 có thể do đại dịch Covid-19 : Nhiều cuộc đàm phán đã phải hoãn lại, các dự án qua đó cũng bị chậm trễ. Theo tôi đó chủ yếu là những khó khăn nhất thời và có nhiều triển vọng mọi việc sẽ tốt đẹp hơn trong những năm sắp tới ».




    Châu Âu vẫn còn thiếu sức nặng

    Chuyên gia này nhắc lại trong giai đoạn 2016-202,n tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí Pháp tăng 44 % so với hồi 2011-2015 theo thẩm định của viện nghiên cứu SIPRI. Về phía Paris, bộ Quân Lực nói đến hai đỉnh điểm là 2015-2016 với tổng trị giá đơn đặt hàng theo thứ tự là 17 và 14 tỷ euro. Tuy nhiên chuyển biến mới đối với ngành xuất khẩu vũ khí Pháp là châu Âu ngày càng nổi lên như một khách hàng quan trọng. Phát ngôn viên bộ Quân Lực Pháp, Hervé Grandjean họp báo hôm 02/06/2021 giải thích :

    « Châu Âu là thị trường quan trọng nhất của ngành xuất khẩu vũ khí của chúng ta. Khuynh hướng này đã được ghi nhận từ năm 2017. Rõ ràng, đây là khu vực ưu tiên của các tập đoàn sản xuất vũ khí và đó là một điểm mới. Năm 2017, 10% xuất khẩu hướng về thị trường châu Âu. Tỷ lệ này đạt 25% một năm sau đó và đến 2019, châu Âu chiếm đến 47% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Pháp với những điểm đến như Bỉ, Hungary hay Tây Ban Nha ».

    Báo chí thường nêu lên câu hỏi phải chăng châu Âu mua vũ khí của Pháp nhiều hơn trong khuôn khổ chính sách an ninh và phòng thủ chung châu Âu ? Chuyên gia kinh tế Học Viện Cao Đẳng Quân Sự Quốc Gia IHEDN, Julien Malizard trả lời là không :

    « Từ 2017 Pháp đã chủ trương xây dựng một hệ thống phòng thủ chung châu Âu. Điều đó có nghĩa là châu lục này phải tự chủ về trang thiết bị quân sự, không lệ thuộc vào bất kỳ một nguồn cung cấp nào ngoài Liên Âu. Thêm vào đó, từ quãng 2014-2015, ngân sách quốc phòng trong khối tăng lên trở lại sau nhiều năm bị cắt giảm dưới tác động của khủng hoảng tài chính 2008-2009 và tiếp theo đó là các biện pháp khắc khổ. Thứ nữa là về chất lượng, các sản phẩm của Pháp được đánh giá cao và đã được sử dụng trên nhiều mặt trận. Cũng đừng quên rằng ngay giữa các thành viên Liên Âu cũng có một sự cạnh tranh và đó là một sự cạnh tranh gay gắt, vậy mà Pháp vẫn giành được hợp đồng. Điều đó cho thấy chất lượng của Pháp rất cao ».

    • Nếu như Pháp là quốc gia xuất khẩu vũ khí thứ ba của thế giới,
    • thì Đức và Anh theo sát nút phía sau,
    • Tây Ban Nha có tên trong danh sách 10 nhà cung cấp lớn của thế giới
    • còn Ý đứng hạng thứ 10.


    Các hợp đồng mua bán vũ khí luôn kèm theo yếu tố chính trị và địa chính trị. Lucie Béraud-Sudreau, thuộc viện SIPRI giải thích thêm về thế kẹt của Pháp từ trước tới nay trên thị trường xuất khẩu vũ khí và để vươn lên đến vị trí thứ 3 trong số các nhà xuất khẩu trang thiết bị quân sự của thế giới, Pháp đã bắt buộc phải có những lá chủ bài trong tay :

    « Trong quá khứ, Pháp khó tìm một chỗ đứng trong lĩnh vực này. Ở vào thời kỳ chiến tranh lạnh, Paris bị kẹt giữa một bên là Mỹ và bên kia là Liên Xô và đã không dễ thuyết phục các đối tác mua vũ khí của mình. Chiến tranh lạnh chấm dứt, thế giới bước vào giai đoạn giải trừ vũ khí, cắt giảm các chi phí quân sự và nếu có tăng cường khả năng phòng thủ, thì mỗi quốc gia đều giành ưu tiên cho các tập đoàn công nghiệp vũ khí của mình. Khả năng xuất khẩu của Pháp khá bị giới hạn. Rồi mãi đến 2017 như vừa nói, hoàn cảnh mới bắt đầu thay đổi. Thị trường châu Âu càng lúc càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên không phải vì mua vũ khí của Pháp mà chúng ta hướng tới việc xây dựng hệ thống phòng thủ chung châu Âu. Các đối tác trong Liên Âu trang bị vũ khí của Pháp vì đó là những sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Đừng quên rằng Hy Lạp chọn mua tàu khu trục của Pháp sau khi đã loại các nhà sản xuất của Đức và một liên doanh Mỹ-Hà Lan ».

    Giới trong ngành nhắc lại, từ lâu nay, một trong những điểm mạnh của Pháp là gắn liền các hợp đồng vũ khí với khái niệm « đối tác chiến lược ». Vẫn trên đài France Culture, chuyên gia viện SIPRI, Lucie Béraud-Sudreau cho biết thêm :

    « Khái niệm “đối tác chiến lược”vừa là một lập luận có sức thuyết phục để Pháp giành được hợp đồng, bởi vì ngoài thương vụ mua bán bình thường, còn bao hàm cả một mảng hợp tác quân sự và phòng thủ. Ở chiều ngược lại, đây cũng là yếu tố trong chiến lược quốc phòng của Pháp. Chúng ta đã thấy rõ điều đó trong hợp đồng tàu ngầm với Úc: Đằng sau vụ mua bán này là cả chiến lược của Pháp trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Khái niệm “đối tác chiến lược” cho phép một quốc gia xây dựng cả một mạng lưới liên minh, chứ không chỉ đơn thuần là một hợp đồng thương mại bình thường ».




    Đối thủ Trung Quốc

    Theo báo cáo công bố tháng 3/2021 của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Stockholm Trung Quốc là nguồn xuất khẩu vũ khí thứ 5 toàn cầu trong giai đoạn 2016-2020 và hiện tại Bắc Kinh chiếm 5,2% thị phần quốc tế. Đáng chú ý hơn cả là ngành công nghiệp vũ khí nước này đã « đốt giai đoạn ».

    Giám đốc chương trình châu Á tại viện nghiên cứu Institut Montainge -Paris, ông Mathieu Duchâtel nhắc lại cho đến tận giữa thập niên 1990 Trung Quốc còn gần như hoàn toàn lệ thuộc vào Nga, để rồi giờ đây là nguồn sản xuất thứ 2 trên thế giới và là nhà xuất khẩu thứ 5 của toàn cầu. Pakistan, Bangladesh, Algeri là những khách hàng quan trọng nhất của Trung Quốc và Bắc Kinh có những lợi thế mà các nước dân chủ phương Tây không có được :

    « Trong những năm gần đây, về chất lượng, Trung Quốc đã nâng cao đáng kể các trang thiết bị xuất khẩu, đặc biệt là trong những lô hàng bán cho Pakistan. Islamabad mua từ tàu ngầm quy ước đến chiến đấu cơ của Trung Quốc. Thêm vào đó Bắc Kinh không bị hiệp ước MTCR cấm phổ biến tên lửa và drone có mang theo đầu đạn, trói tay. Do đó trên thị trường này, Trung Quốc đã mạnh dạn xuất khẩu cho khoảng một chục quốc gia, trong đó có nhiều nước tại châu Á, Đông Nam Á, Trung Á và kể cả tại Trung Đông (…) Tuy nhiên các nhà sản xuất Trung Quốc còn hai nhược điểm trong lĩnh vực sản xuất mô-tơ cho chiến đấu cơ và động cơ tàu ngầm. Trên cả hai mặt này, Trung Quốc phải nhập khẩu của Nga, Ukraina và của Đức ».

    Cũng chuyên gia về châu Á Duchâtel nhắc lại rằng, nhờ làm chủ công nghệ tên lửa đạn đạo mà từ những năm 2000, Trung Quốc đã triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung hướng về phía Đài Loan và đó là một bước ngoặt trong toàn cảnh địa chính trị khu vực. Về câu hỏi Trung Quốc có là một đối thủ cạnh tranh với nhiều nhà cung cấp vũ khí châu Âu mà đứng đầu là Pháp hay không, Mathieu Duchâtel viện Montaigne trả lời : "Hiện tại Trung Quốc chưa cạnh tranh được với Pháp, Đức hay Nga và nhất là với Mỹ trên những hợp đồng lớn. Bắc Kinh cũng chưa xuất khẩu tàu ngầm nguyên tử. Chiến đấu cơ đời mới nhất của Trung Quốc chưa thể cạnh tranh với những F-35 của Mỹ hay Rafale của Pháp. Dù vậy drones là một lĩnh vực mà Trung Quốc đã rất thành công”.

    Nói cách khác nếu như trước trong thế giới lưỡng cực trong tay Hoa Kỳ và Liên Xô cũ, công nghiệp quốc phòng của Pháp bị kẹt giữa Washington và Matxcơva, thì nay Paris có thêm một đối thủ cần phải dè chứng đó là Bắc Kinh. Hơn nữa Trung Quốc có hai lợi thế mà Pháp không có được.
    • Thứ nhất
      như giám đốc ban châu Á của viện Montaigne ghi nhận Bắc Kinh không phải « minh bạch », báo cáo với Quốc Hội về các hoạt động của ngành xuất khẩu vũ khí.
                
    • Thứ hai là
      Trung Quốc không bị trói buộc bởi một số hiệp ước giới hạn phổ biến vũ khí cho nên dễ dàng ký hợp đồng cung cấp trang bị quân sự cho bất kỳ một đối tác nào, miễn là đối tượng nhắm tới không trực tiếp đe dọa đến an ninh quốc gia của Trung Quốc.
                
    • Một điểm thứ ba
      được Nhóm Vauban, quy tụ khoảng 20 chuyên gia về quốc phòng của Pháp, lưu ý: Các hợp đồng của Trung Quốc không bị các tổ chức nhân quyền, những quỹ đầu tư hay công ty thẩm định tài chính soi mói xem Bắc Kinh bán vũ khí cho ai và những trang thiết bị đó được sử dụng vào việc gì.





    https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3 ... %E1%BB%91c
Trả lời

Quay về “Quốc Tế”